Đầu năm 1969, tôi về làm Nội Trú thực thụ (Interne titulaire & lauréat des Hôpitaux) tại Khu Giải Phẫu Trẻ em, Bệnh Viện Nhi Đồng Sàigon. Giáo Sư Trưởng Khu Trần Ngọc Ninh và các Staffs của Khu đã đón tôi về lại Khu với vòng tay mở rộng. BS Trần Xuân Ninh (BS TXN), phụ tá của GS Ninh, đã đi Mỹ tu nghiệp, từ cuối năm 1968, tại nhà thương Children Memorial Hospital với GS nổi tiếng thế giới Orvar Swenson ở Chicago, Hoa Kỳ. BS Nguyễn Thành Long, đang phục vụ trong Quân Đội, được Trường YK xin Quân Y biệt phái vể Nhà thương Nhi Đồng để phụ tá cho GS Trần Ngọc Ninh tại Khu Giải Phẫu.
Tôi nói ‘‘tôi về lại‘’ vì trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, tôi đã làm Nội Trú Ủy nhiệm (Interne fonctionnel) ở Khu Giải Phẫu Trẻ em trong suốt thời gian Bệnh Viện Nhi Đồng bị lọt trong vòng lửa đạn, bị vây tứ phía bởi quân phiến loạn Cộng Sản. Tôi đã tận mắt chứng kiến vài cuộc giao tranh, xẩy ra tại các đường phố bao quanh nhà thương.
Bệnh viện Nhi Đồng được Chánh Phủ Quốc Gia khởi công xây vào giữa năm 1954. Đến năm 1956 thì hoàn tất. Khởi thủy, Bệnh viện chỉ có khoảng 300 giường nhưng vì số bệnh nhân càng ngày càng đông, theo cấp số nhân, nên số giường dành cho bệnh được gia tăng mau lẹ để đáp ứng với nhu cầu. Năm 1975, khi tôi rời Việt Nam, BV Nhi Đồng trở thành 1 Bệnh Viện lớn với xấp xỉ 1 ngàn giường.
Khu Giải phẫu trẻ em, xương sống của Bệnh viện, được GS Trần Ngọc Ninh (GS.TNN) xây dựng lên từ con số không, gồm đủ các chuyên khoa, ngoại trừ giải phẫu thần kinh và giải phẫu tim: trẻ sơ sinh, bệnh lý về xương, bệnh phỏng, giải phẫu tổng quát, giải phẫu chỉnh hình (plastic surgery), giải phẫu Tiết Niệu (Urology),…
Một điểm rất đặc biệt mà tôi muốn nêu lên ở đây là GS.TNN, một thời gian ngắn sau khi Khu hoạt động, đã tạo ra một truyền thống ở Khu Giải phẫu trẻ em do ông đã khổ công xây dựng. Đó là lòng yêu thương trẻ bị bệnh, là tình người giữa nhân viên của Trại bệnh và gia đình, thân nhân của trẻ bị bệnh.
Quan niệm của GS TNN là kim chỉ nam cho các BS thuộc các thế hệ sau như tôi. Quan niệm của GS TNN được BS.TXN hỗ trợ mạnh mẽ. Chính bản thân BS TXN đã là một tấm gương cho chúng tôi, thuộc các thế hệ sau, về lòng tận tâm, yêu tha nhân, yêu nghề nghiệp và nhất là yêu các bệnh nhân do ông săn sóc.
Phải chứng kiến mỗi ngày các hoạt động ở các trại bệnh nhân ta mới cảm nhận được cái ‘’tình gia đình’’ bàng bạc trong các trại bệnh.
Các Cô Điều Dưỡng săn sóc các trẻ - phải nhập viện vì bị bệnh - với tất cả sự dịu dàng, yêu thương của người Mẹ hiền đối với con cái. Thật rất cảm phục các Cô Điều Dưỡng của Khu Giải Phẫu Trẻ Em, BV Nhi Đồng Sàigòn như Cô BN, Cô TC, Cô L, .…… Các Bác Sĩ của Khu vẫn còn nợ quí Cô một lời cảm ơn từ đáy lòng.
Cha mẹ của các trẻ em bệnh nhân được phép ở bên bệnh nhân 24H/24H. Quan niệm của GS TNN là : việc bất thình lình phải xa cha mẹ- nhất là mẹ- là một cái ‘’shock ‘’ rất lớn đối với các em ở bất cứ tuổi nào, sẽ có ảnh hưởng tâm lý rất lớn lên sự phát triển của các em. Ảnh hưởng đó có thể kéo dài rất lâu trên cuộc đời của các em. Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với ông vì chính bản thân tôi cũng bị sống xa gia đình, xa cha mẹ, người thân từ những năm lên 7 lên 8. Tôi đã sống như 1 đứa bé mồ côi suốt thời niên thiếu. Xa gia đình, nhất là xa mẹ hiền, là một bất hạnh, một sự thiếu vắng không gì có thể bù đắp được. Sau này, khi ra ngoại quốc năm 1975, tôi tin rằng các BS ở đây cũng đã nhận ra các ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển của các em nên các cha mẹ đã bắt đầu được phép ở bên các em bị nằm nhà thương 24h/24H. Sự xếp đặt các phòng của bệnh nhân được đổi lại để có chỗ cho Cha Mẹ các bệnh nhân ở lại bên các em bị bệnh. McGill University Health Centre (MUHC) , một campus mới của Đại Học Y Khoa McGill, bắt đầu nhận bệnh nhân từ năm 2017. Nhà Thương Trẻ Em Montréal (The Montreal Children’s Hospital) là một phần của Trung Tâm này. McGill University Health Centre (Building cuối ở bên phải là Nhà Thương Trẻ Em (The Montreal Children’s Hospital).
Nhà thương được xếp đặt theo 1 quan niệm mới: ngoại trừ 1 phòng lớn dành cho tất cả các trẻ sơ sinh (Neo-natology) cần được săn sóc đặc biệt (ICU), các bệnh nhân đều nằm riêng, mỗi em một phòng rộng rãi với đầy đủ tiện nghi cho các phụ huynh. Cha Mẹ bệnh nhân có thể ở trong phòng 24H/24H.
Xin trở lại Bệnh Viện Nhi Đồng của Thành phố Sàigòn trước năm 1975. So sánh với các Khu Giải phẫu khác của Y Khoa Đại Học Đường Sàigòn, có lẽ khu Giải phẫu trẻ em là khu bận rộn mhất vì Khu là Trung tâm nhận bệnh Giải Phẫu Trẻ Em cho cả nước, hơn 20 triệu người, từ Bến Hải tới Cà Mâu. Nhưng thực tế vì lý do chuyển vận, đa số chỉ là các trẻ bệnh ở Sàigon và các tỉnh miền Nam.
Cũng xin, một lần nữa, được trở lại với chuyện về em bé Cẩm Xuyến, bệnh nhân được săn sóc khi tôi mới trở lại để học và làm việc tại Khu Giải Phẫu Trẻ Em.
Trong một buổi khám các bệnh nhân mới được nhập viện, các Điều Dưỡng đã mang lại cho tôi khám 1 em bé gái độ chừng 2-3 tháng tuổi, bụ bẫm. Tên em là bé Cẩm Xuyến. Mẹ của em là một bà trẻ tuổi, độ ngoài 20 tuổi. bà cư ngụ tại vùng Cần Giuộc, Long An, không xa Sàigòn mấy. (Xin mở 1 dấu ngoặc để nhắc lại để độc giả nhớ lại, vùng này là vùng xôi đậu, Việt Cộng đông như chấu. Một vài địa điểm là trong vòng kiểm soát của VC, nên được coi là nơi oanh kích tự do của Không Quân và Pháo binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, khi cần. Tôi khám em rất kỹ lưỡng. Tôi thấy cả vùng hạ bộ (périnée) của em bị xưng đỏ. Em bé có vẻ đau đớn khi bị đụng chạm tới vùng này. Phân chảy ra từ âm đạo (vagin). Tôi biết ngay em đang bị nhiễm trùng ở hạ bộ vì em bị Lỗ rò giữa âm đạo và trực tràng (Fistule Recto-vaginale (F R V). Xin nhắc sơ qua một chút về bệnh này:
Theo GS TNN và BS TXN, bệnh này thường xẩy ra ở các em bé sơ sinh cho tới 2-3 tháng tuổi và bú sữa mẹ. Sống ở nông thôn, hoàn cảnh sống thô sơ, thiếu hiểu biết về vệ sinh. Nhiều bé là con so, mẹ không có kinh nghiệm chăm sóc.
Một phương pháp chữa trị gồm 3 giai đoạn đã được đề ra:
1/ Giai đoạn 1: bệnh nhân được truyền kháng sinh (IV antibiotics) vào tĩnh mạch để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng cấp tính, sưng tấy quanh lỗ rò. Sau vài ngày truyền dịch thuốc kháng sinh, khi tình trạng sưng tấy hết, em bé được đánh thuốc mê để làm 1 hậu môn nhân tạo (colostomy). Mục đích là để phân của em không đi qua lỗ rò để tình trạng nhiễm trùng có thể lành hẳn, sửa soạn cho giai đoạn hai, vá lỗ rò. Khi vết mổ hậu môn nhân tạo hoạt động tốt, em bé được cho về. Thời gian nằm trong bệnh viện sau khi mổ chừng một tuần lễ.
2/ Giai đoạn 2: Em bé được nhập viện, được khám bệnh thật kỹ để ước lượng chính xác độ lớn của lỗ rò (fistule). Em bé sẽ được đánh thuốc mê để được giải phẫu. Lỗ rò giữa âm đạo và trực tràng (Fistule recto-vaginale) được may kín lại bằng 2 lớp (plans): âm đạo và trực tràng, qua âm đạo. Nếu lỗ rò lớn bằng 1 cm hay hơn nữa, cá nhân tôi hay mổ từ phía sau men theo trực tràng để đóng lại. Nguy cơ bị tái phát sẽ giảm thiểu rất nhiều. Em bé sẽ nằm nhà thương khoảng 1 tới 2 tuần lễ.
3/ Giai đoạn 3: là giai đoạn cuối cùng của tiến trình chữa trị. Em bé được khám xét xem chỗ mổ lỗ rò đã hoàn toàn lành trước khi cho vào nằm bệnh viện mổ đóng cái hậu môn nhân tạo.
Trong thời gian tôi làm việc ở đây (từ 1968 đến tháng 4 năm 1975, có một vài em bị lỗ rò trở lại nhiều lần. Việc mổ lại đã vô cùng khó khăn. Vào lúc đó, tôi nghĩ với các loại lỗ rò tái phát này, thì nên by-pass phần âm đạo và trực tràng có lỗ rò bằng một kỹ thuật mổ dùng trong việc chữa trị bệnh phình lớn đại tràng (mégacolon/Hirschsprung’s disease). Theo kiểu giải phẫu gia người Ý Soave. Tôi đã viết đầy đủ bản thảo những suy nghĩ của tôi để trình 2 Ông Thầy là GS TNN và BS TXN. Rồi những ngày cuối tháng 4 năm 1975 xẩy ra; cả Sàigòn như trong cơn mê loạn. Khu Giải Phẫu trẻ Em đầy ngập bệnh nhân, nạn nhân của chiến tranh. Tôi giữ bản thảo trong văn phòng của tôi, không kịp trình GS TNN và BS TXN. Rồi mất nước ngày 30/4/1975 : mất nước là mất tất cả !
Tôi cho nhập viện em bé Cẩm Xuyến, dĩ nhiên nhận cả mẹ em. Tôi áp dụng nguyên con cái phương thức chữa trị bệnh này đã được GS TNN & BS TXN đề ra, và hoàn chỉnh :
- Giai đoạn 1 được diễn ra suông sẻ, không biến chứng. Mẹ con của Cẩm Xuyến lưu lại nhà thương độ trên dưới 1 tháng. ‘’Giang sơn ‘’ của Cẩm Xuyến và mẹ của em là một góc nhỏ, trong hành lang, ngay cạnh văn phòng của Y Tá Trưởng. Một manh chiếu nhỏ cùng một sắc tay quần áo là tất cả gia tài của hai mẹ con Cẩm Xuyến. Tôi không biết tên của Bà nên đành bắt chước các Cô Điều Dưỡng gọi Bà là : ‘’Má con Cẩm Xuyến‘’.
‘’Má con Cẩm Xuyến’’ tham dự rất tích cực, khi Bà có thể, vào các sinh hoạt trong trại như dọn dẹp, làm vệ sinh, phát cơm hay hướng dẫn các thân nhân đi chụp hình, đi thử máu v v….
Bà luôn luôn vui vẻ nhưng không bao giờ nói tới thân phận cũng như nguồn gốc của mình. Mọi người đều có cảm tình với mẹ con Bà, cảm thông những vất vả, một mình xa quê lo lắng cho con nhỏ. Tuy vậy Bà chưa bao giờ than thân trách phận, chỉ biết chịu đựng …và chịu đựng. Một vài cô Điều Dưỡng nói với tôi về xuất xứ Cộng Sản của Mẹ Cẩm Xuyến nhưng tôi gạt đi, tôi chỉ làm nhiệm vụ của một thầy thuốc. Giai đoạn 1 của tiến trình điều trị Cẩm Xuyến đã hoàn tất. Em được cho về, chờ đợi giai đoạn 2 hay chờ được giải phẫu để vá lỗ rò. Bà Mẹ của Cẩm Xuyến được dặn dò về ngày Cẩm Xuyến sẽ vào phòng mổ, cũng như ngày nhập viện. Gần tới hẹn, Khu giải phẫu tiểu nhi đã gửi thư cho Bà để nhắc. Nhưng bé Cẩm Xuyến đã không có mặt tại BV Nhi Đồng như đã định trước. Hồi đó, điện thoại tư nhân ở Việt Nam không mấy ai có, còn Email vẫn còn chưa xuất hiện nên BV không làm sao liên lạc được với Mẹ của Cẩm Xuyến. Chúng tôi lo sợ, đoán xa đoán gần về số phận của Cẩm Xuyến và Mẹ của em trước sự gia tăng của khói lửa chiến tranh trên toàn miền Việt Nam. Bom đạn rất vô tình không chừa ai.
Khoảng hơn 2 tháng sau, Má con Cẩm Xuyến xuất hiện ở Khu Giải Phẫu BV Nhi Đồng. Bà di chuyển trên đôi nạng gỗ còn Cẩm Xuyến được một thiếu nữ còn trẻ, độ 15-16 tuổi ẵm bồng.
Tôi tự đặt câu hỏi : vì đâu lên nỗi ? Trong một trận chiến giữa Phiến Cộng và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Bố Mẹ của Cẩm Xuyến đã tình cờ hay cố ý có mặt (?), chắc chắn không cùng hàng ngũ những người quốc gia . Bố của Cẩm Xuyến bị chết, mẹ của em bị thương nặng phải mất một chân. Đó là lý do Cẩm Xuyến đã không có mặt như đã hẹn. Trước tình hình này, tôi đã quyết định cho bé Cẩm Xuyến ở lại bệnh viện cho tới khi biết chắc lỗ dò thực sự lành hẳn để đóng cái hậu môn nhân tạo. Sau khi đóng hậu môn nhân tạo, Cẩm Xuyến được nằm BV khoảng 3 tuần. “Má con Cẩm Xuyến” được hẹn tái khám 6 tuần sau khi mổ. Nhưng em không bao giờ trở lại. Chúng tôi đã mất liên lạc với em.
Thời gian này là thời gian chiến sự trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết trên quê hương. Chúng tôi chỉ biết lo lắng, cầu nguyện cho em và gia đình của em. Nếu được sống sót, bình an qua cơn Đại Hồng Thủy của đất nước, Cẩm Xuyến, năm nay đã trên dưới 50 tuổi. Chắc em đã có gia đình, đã tay bồng tay mang.
Không có thống kê chính xác về số thương vong ở cả hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa Cộng sản của Hồ chí Minh xuống miền Nam mở ra chính thức năm 1960, dưới chiêu bài giải phóng miền Nam. Nhưng lượng giá năm 1995 của chính quyền Hà Nội là từ 3 đến 4 triệu người cả dân cũng như lính, Viêt nam lẫn ngoại quốc. Vì bom đạn vô tình, vì chủ trương sát hại, vì khủng bố, như vụ tàn sát Mậu Thân ở Huế, vụ Mỹ Lai, vụ đại lộ kinh hoàng vân vân…Chưa kể chuyện thuyền nhân vượt biển và những người băng rừng bỏ thân trên đường lánh chế độ VC sau ngày 30 tháng 4/1975 mà VC gọi là thống nhất đất nước.
Nguồn gốc thảm nạn là tính cuồng tín nơi chủ nghĩa Mác Lê của Hồ chí Minh và đồng đảng, cương quyết, nguyên văn của Hồ là: không khoan nhượng, lập chế độ chuyên chính toàn trị vô sản và đấu tranh giai cấp theo khuôn mẫu Mao Trạch Đông. Không biết bao nhiêu gia đình tan nát, ly tán. Hàng trăm ngàn em nhỏ phút chốc trở thành mồ côi như em bé Cẩm Xuyến.
Tội ác của CSVN đối với quê hương đất nước là tội ‘’trời không dung, đất không tha‘’
Nguyễn Lương Tuyền (Montréal, CANADA)