BBC News Tiếng Việt
Đến Mỹ với gia đình năm 2009, lúc 11 tuổi, Cookie Dương nhớ đã từng có những cuộc đối thoại êm đềm với bố về chính trị.
Tuy nhiên Cookie, tên Việt là Dương Nguyễn Ca Dao, kể rằng mẹ cô giờ đây ''sợ những cuộc nói chuyện chính trị của hai bố con. Vì mẹ biết chúng tôi sẽ có những bất đồng dữ dội.''
''Nhưng [chúng tôi] vẫn tương đối lịch sự với nhau.'' Cô nói thêm.
Câu chuyện của Cookie có thể cũng là câu chuyện tiêu biểu của nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt, trong đó cái nhìn của thế hệ cha mẹ và con em đôi khi quá khác biệt để dễ dàng dung hòa.
Tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế, Kinh doanh Toàn cầu tại đại học USC tháng Năm vừa qua, Cookie Dương, giờ đây 22 tuổi, kể rằng cô từng ''học nhiều'' từ bố và ''tiếp nhận'' quan điểm chính trị của bố.
''Tôi nhớ những cuộc trò chuyện rất thân thiện với bố. Tôi học nhiều từ bố, và tiếp nhận được quan điểm chính trị của ông. Hồi còn nhỏ, ở Việt Nam tôi được học ở trường rằng CSVN là những người tốt. Rồi ở Mỹ, từ bố, tôi bỏ hết những điều đã học ở Việt Nam, hoàn toàn ôm lấy lịch sử của miền Nam Việt Nam theo cái nhìn của ông. Sau này, ở đại học, tôi có một tiếp cận kinh điển hơn về cuộc chiến Việt Nam và có thể nhìn thấy cuộc chiến đó qua các lăng kính phức tạp hơn.''
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, cô gái người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ Z (Zoomer) cho biết rào cản đối thoại giữa hai cha con rất cao, đặc biệt là trong các vấn đề chính trị và xã hội.
Cookie tâm sự:
''Với tôi Việt Nam và những câu chuyện Việt Nam nằm một phần trong ký ức tuổi thơ. Với bố mẹ tôi, thì dù là công dân Mỹ ba năm rồi, nhưng vẫn chưa hòa nhập nhiều vào dòng chính. Tôi mới giúp bố ghi danh đi bầu tháng Năm này - Buồn cười là bố nhờ tôi giúp ông ghi danh đi bầu sau khi tôi bẻ gẫy lập luận ''mình chỉ là một người 'thấp cổ bé miệng' của ông, khi nói 'bố ơi, ở xứ này bố và ông Bill Gates, mỗi người cùng có một lá phiếu.''
Nếu tranh luận chính trị của hai bố con đưa đến việc Cookie giúp bố ghi danh đi bầu trong mùa bầu cử sắp tới, thì điều đó cũng làm cô khóc nức nở, và khiến cô có bắt đầu một hành trình bất ngờ. Trên con đường này, Cookie tin rằng một ngày nào đó hai thế hệ sẽ có cái nhìn gần nhau hơn.
Cookie Dương: Ở đỉnh điểm của đợt biểu tình sau cái chết của George Floyd, bố và tôi tranh luận về chủng tộc. Nhưng làm thế nào để có thể gói ghém hết toàn bộ lịch sử của thể chế áp bức, sự tước quyền hiện đại, và thiên kiến của người Việt chúng ta về người da đen và các chủ đề nhạy cảm khác, trong một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc?
Sau khi nghĩ bố và tôi đã hiểu nhau ra hơn một chút, một đêm, tôi đã bật khóc khi thấy bài đăng khủng khiếp trên trang Facebook của bố và những lời bình luận kinh hoàng tiếp trong đó, nơi người đọc chê bai người biểu tình và người da đen nói chung. Ngay ngày hôm sau, tôi vào Wix tạo ra trang web thô sơ tên The Interpreter, và bắt đầu post lên đó những bài dịch, hy vọng trang web sẽ cung cấp tài nguyên tốt cho những người bạn thân Mỹ gốc Việt.
BBC: Cookie nghĩ gì về những quan điểm khác biệt giữa thế hệ các em và thế hệ cha mẹ, và tại sao hai bên có khoảng cách lớn như vậy về suy nghĩ?
Cookie Dương: Gần đây tôi đọc được một bài viết trên Luật Khoa Tạp Chí giải thích quan điểm của thế hệ trước về chính sách đối ngoại, đó là nỗi khao khát thoát Trung. Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của chúng ta, "chính sách đối ngoại" này vẫn nhất quán.
Do đó, thế hệ cha anh chúng tôi xem toàn bộ chính trị thế giới qua lăng kính nhị phân này: một đảng chính trị hay quốc gia nào đó, Hoa Kỳ chẳng hạn, có chống lại sự lên ngôi của Trung Quốc hay không? Tất nhiên, sự tham gia của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam là một yếu tố quan trọng. Là những người di dân bị tổn thương, tất nhiên cộng đồng người Việt ở đây ý thức mạnh mẽ về sự đồng nhất và lòng biết ơn đất nước đã "cứu" họ khỏi chủ nghĩa cộng sản. Lòng yêu quý dành cho đất nước đón nhận mình tăng lên khi đất nước cũ trở thành thứ mà họ không còn nhận ra. Tôi thấy, rất nhiều lần, bố mẹ tôi, dù là công dân Hoa Kỳ, nhưng họ tương tác với chính trị Hoa Kỳ như thể họ không thể nói gì vì 'mình thấp cổ bé miệng'. Hai yếu tố này khiến họ có những quan điểm cực kỳ bảo thủ mà rất nhiều người ở thế hệ cũ cùng có.
Thế hệ chúng tôi có cơ hội nhận được một nền giáo dục tương đối tốt hơn, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi đang thực hiện giấc mơ không tưởng nhất của cha mẹ mình: vào đại học và hòa nhập hoàn toàn vào dòng chính của Mỹ. Tuy nhiên, điều này có cái giá của nó. Cái giá đó là khoảng cách giữa thế hệ mình và thế hệ cha mẹ. Chúng tôi không mang cùng một hành trang tư tưởng như bố mẹ, và có một cái nhìn rất khác về việc trở thành người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ. Quan điểm chính trị của chúng tôi cũng đa dạng hơn nhiều.
BBC: Trang ''The Interpreter'' đã được đón nhận như thế nào, và bố em có biết em và các bạn đứng sau trang mạng này không?
Cookie Dương: Trang web được rất nhiều người xem ngay trong vòng 3 tuần từ khi chào đời. Phần lớn những phản hồi khá tích cực và ủng hộ sứ mệnh của chúng tôi. Các thế hệ trước rất ấn tượng với, và thích việc người trẻ Mỹ gốc Việt đang nhìn lại và đóng góp cho cộng đồng. Người Mỹ gốc Việt trẻ cũng như sinh viên Việt Nam du học thích The Interpreter vì 1) hiện không có nhiều tài liệu về công bằng xã hội dành cho người Mỹ gốc Việt và 2) thiếu một trang tiếng Việt có những trao đổi cân bằng về chính trị Hoa Kỳ một cách nghiêm túc. Một nửa đội ngũ hiện tại của chúng tôi gồm các sinh viên quốc tế người Việt, cả học tại đây và tại Việt Nam.
Cũng có những phản hồi tiêu cực từ một thiểu số, và đó là điều không có gì ngạc nhiên. Chúng tôi bị gọi là ''bò đỏ'' hay ''bọn dân chủ thổ tả'', chúng tôi bị cáo buộc là thiên vị hay không cân bằng. Phải nói là nguồn của những bài viết mà chúng tôi chọn dịch để đăng là từ các cơ quan truyền thông trung dung và có uy tín. Những phản hồi tiêu cực này cho tôi biết rằng The Interpreter đã dần dần tiếp cận được đối tượng mình đang nhắm vào, và chúng tôi đang làm điều gì đó đúng.
Bố tôi biết tôi là một trong những thành viên nòng cốt của The Interpreter, nhưng ông không nói gì đến việc đó.
BBC:Người Việt chúng ta chia rẽ rất sâu sắc về ông tổng thống Trump. Quan điểm bênh vực hay chống đối đều mạnh mẽ, và điều này đang tạo nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng. Cookie có nhận định gì về điều này?
Cookie Dương: Trump thực sự đã đáp ứng được tinh thần bài Trung khi hứa sẽ khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đây đúng là vấn đề duy nhất người Việt quan tâm: làm suy yếu Trung Quốc. Vì vậy, bất kể ông ta nói gì, dù ông có phá vỡ bao nhiêu quy tắc khác từ các chính sách trước đây của Hoa Kỳ, những người Việt Nam kiên quyết chống Trung Quốc sẽ ngó lơ, cho dù ông có thực hiện lời hứa của mình hay không. Sự hùng biện rất quan trọng. Tôi sẽ không trực tiếp nói về việc tôi ủng hộ ai, nhưng tôi sẽ nói điều này: chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự thù địch nhắm vào báo chí và truyền thông chính thống, điều này rất có hại cho tự do báo chí. Chúng ta đã thấy chiến thuật này làm mất uy tín của báo chí hết lần này đến lần khác ở các nước độc tài. Lấy Việt Nam làm ví dụ. Một trong những cách mà chính phủ Việt Nam duy trì sự kìm kẹp là đàn áp mạnh mẽ - có lẽ đàn áp tồi tệ nhất trên thế giới - các nhà báo. Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng một nền báo chí độc lập, mạnh mẽ, có thể tường trình tin tức một cách trung thực mà không sợ chính phủ trả thù, là điều bắt buộc phải có để bảo tồn một nền dân chủ.
Tổng thống Trump không chỉ được hưởng lợi từ, mà còn là người hỗ trợ thường xuyên cho tin giả qua hàng loạt tweets của ông. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên 'hậu sự thật', nơi công nghệ tinh vi có thể ngụy tạo ra bất cứ tin gì. Có rất nhiều thông tin sai lệch và những xuyên tạc để che giấu sự thật, và đôi khi, để vẽ nên một hình ảnh tiêu cực cho đối thủ chính trị - bất kể từ bên nào - có hại vô cùng cho nền dân chủ. Người Mỹ gốc Việt, những người có thể không hoàn toàn thông thạo tiếng Anh, thường hay đọc Fox News và các trang tin bảo thủ khác về cơ bản tương tự như tuyên truyền của nhà nước. Đó là những gì chúng ta đang phải đối đầu với. Chúng tôi, với tư cách là một tổ chức, phải luôn luôn bắt các vị dân cử chịu trách nhiệm về hành động của mình, bất kể họ là người của đảng nào.
BBC: Cái chết của George Floyd, phong trào Black Lives Matter và phân biệt chủng tộc dường như chia rẽ cộng đồng nhiều hơn. Em nghĩ sao về hiện tượng này?
Cookie Dương: Tôi nghĩ rằng đây là một khoảnh khắc khó chịu cho cộng đồng người Việt chúng ta. Và phải nói rõ, điều đó chỉ không thoải mái vì chúng ta, với tư cách là một tập thể đã phân biệt chủng tộc và coi thường người da đen từ khi bước chân vào Mỹ, thậm chí trước đó. Thật dễ bỏ qua thực tế là một số lượng lớn người da đen đã đến Việt Nam để chiến đấu bên cạnh người lính miền Nam Việt Nam, hoặc người da đen đã tranh đấu để người tị nạn Đông Nam Á được vào Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ. Chúng tôi hoàn toàn thấy ổn khi nói Black Lives Matter và chúng tôi lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như suy nghĩ kỳ thị. Cha mẹ của chúng tôi đang trải qua tiến trình cố gắng không có định kiến. The Interpreter đáp ứng nhu cầu hay nghĩa vụ phải nói chuyện với cha mẹ chúng tôi về việc người da Đen ở Mỹ sống như thế nào. Công bằng xã hội và vận động là một trong những điều chúng tôi muốn làm.
BBC: Có vẻ Cookie nghĩ rằng thay đổi được quan điểm của thế hệ cha mẹ hay ít nhất làm cho họ hiểu và hỗ trợ quan điểm của thế hệ mình là điều khả thi.Các em dự định thực hiện điều đó bằng cách nào?
Cookie Dương: Tôi tin như vậy. Mặc dù khả thi, nhưng nó sẽ là một trận chiến khó khăn. Như tôi đề cập trên trang web, chúng tôi đang chống lại hàng thế kỷ xung đột sắc tộc, hàng thập kỷ cực đoan vì chiến tranh, chống lại bất kỳ quan điểm nào được cho là ở phía tả, nguồn gốc đến từ một quốc gia thiếu nền tảng dân chủ và một cỗ máy chế tạo tin giả tinh vi phát triển mạnh trong một bầu không khí chính trị cực kỳ phân cực.
Mục tiêu của chúng tôi không là để trực tiếp thay đổi suy nghĩ. Chúng tôi hy vọng rằng những người lớn tuổi, giới có thể không có dịp truy cập vào các nguồn tin tức được xác minh và đáng tin cậy, có thể đọc trang của chúng tôi, mở rộng thêm cái nhìn và tự suy nghĩ về những điều họ ủng hộ. Chúng tôi đang dịch các ý tưởng và phân tích chính trị / văn hóa / xã hội có vẻ hoàn toàn xa lạ với quan điểm của một người Việt Nam, nhưng hy vọng điều này có thể giúp làm cho suy nghĩ của cộng đồng của chúng ta phong phú và cởi mở hơn.
BBC: Để mang suy nghĩ của các bên lại gần nhau, Cookie sẽ nói gì với người của mỗi bên?
Cookie Dương: Tôi chắc chắn sẽ cố gắng so sánh kinh nghiệm người da Đen ở Mỹ với kinh nghiệm áp bức mà có lẽ tất cả người tị nạn Việt Nam đã trải nghiệm hay nghe nói đến vào một thời điểm nào đó dưới bàn tay của chính quyền cộng sản. Đối với người da đen, tôi chắc chắn sẽ thừa nhận rất nhiều thiếu sót từ cộng đồng châu Á đối với họ, và những gì chúng tôi, những người Mỹ gốc Á trẻ tuổi đang làm để xóa bỏ định kiến của cộng đồng mình với họ và giải thích việc chúng tôi đồng cảm và sát cánh với người da đen trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Đối với cả bên, tôi sẽ nói rằng mục đích của chúng ta không phải là đối đầu nhau mà chúng ta phải dựa vào nhau để đấu tranh cho vị trí chính đáng của chúng ta ở đất nước này.
BBC: Lá phiếu của cử tri gốc Việt được cho là không quyết định được ai sẽ là tổng thống Mỹ, vì cử tri gốc Việt quá ít, đa số lại ở những tiểu bang có khuynh hướng đỏ/xanh rất rõ, nên cử tri gốc Việt không thay đổi được tình thế. Cookie nghĩ sao về điều này?
Cooke Dương: Trong lịch sử, tỷ lệ bỏ phiếu của người Mỹ gốc Á nói chung ở mức thấp, có thể là do thiếu tiếng Anh. Bỏ phiếu là điều quan trọng. Chúng ta không nên nghĩ rằng không nên đi bầu vì lá phiếu của mình không tạo được sự khác biệt. Lá phiếu của người gốc Việt rất quan trọng ở cấp địa phương và tiểu bang, không chỉ có bầu cử tổng thống. Ngoài việc chọn ra các vị dân cử, còn có những quy định địa phương chúng ta cần bỏ phiếu. Hãy tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều nói 'lá phiếu của tôi chẳng quan trọng'. Mặc dù quy trình bỏ phiếu không hoàn hảo, nhưng chúng ta nên biết quý việc mình đang ở một quốc gia mà việc bỏ phiếu rất quan trọng đối với quy trình quản lý của chính quyền.
BBC: Theo Cookie, nước Mỹ có đang đi đúng hướng hay không, và tại sao?
Cooke Dương: Bất kể nước Mỹ đang đi theo hướng nào, mọi người nên được động viên để trở thành nhà hoạt động cho cộng đồng của mình. Chúng ta không nên tự hỏi là chúng ta đang đi theo hướng nào? Bởi vì câu hỏi này đòi bạn phải đồng lõa với hiện trạng, rồi hoặc thất vọng tràn trề, hoặc vỡ mộng rằng nó không đi theo cách mình muốn. Tôi nghĩ chúng ta, mỗi cá nhân phải có một viễn ảnh về nước Mỹ mà bạn luôn luôn hướng tới. Nước Mỹ chỉ có thể đi đúng hướng nếu mọi người có động lực và cam kết với ý tưởng tạo sự thay đổi cần có.