Cái chết của Georg Floyd đã tạo nên sự chấn động trong nước Mỹ với những cuộc biểu tình có ít nhiều bạo động kéo dài đã 11 ngày mà vẫn chưa được thấy có chiều hướng sẽ dịu lại. Đã có những lời kêu gọi từ các giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ là nước Mỹ đã đến lúc phải nhìn lại các mâu thuẫn do kỳ thị sắc tộc, giữa hệ thống cảnh sát và những người da mầu. Những kêu gọi này thật ra không mới nhưng có thể đưa tới những thay đổi lớn trong các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Những tác động này xẩy ra như thế nào?
“Chúng ta cần một chính quyền xứng đáng với người dân, và tình trạng hiện nay đã không phản ảnh điều đó.” Đó là lời phát biểu vào ngày thứ Tư 03 tháng 6/2020, nhân cái chết của người Mỹ đen George Floyd, của cựu tổng thống Jimmy Carter. Ông nói: “Là một người da trắng của miền Nam, tôi biết rất rõ về tác động của sự phân chia chủng tộc và sự bất công đối với người Mỹ gốc Phi Châu. Là một chính khách tôi đã thấy được trách nhiệm để đem đến sự bình đẳng cho tiểu bang của tôi và đất nước của chúng ta.” “Những người có quyền lực, quyền thế, có lương tâm đạo đức cần phải đứng dậy và nói “không thể được nữa” đối với sự kỳ thị chủng tộc của cảnh sát và hệ thống công lý, sự chênh lệch kinh tế trái đạo lý giữa người da trắng và người da đen, và đối với những hành động của chính quyền làm hư hại tính dân chủ hợp nhất của chúng ta.” Chúng ta phải rọi đèn vào tính vô đạo đức của sự kỳ thị chủng tộc. Nhưng sự bạo loạn, cho dù tự phát hay chủ tâm, đều không phải là cách giải quyết.
Phát biểu của cựu tổng thống Jimmy Carter được đưa ra một ngày sau nhận định vào ngày thứ Ba 02 tháng 6/2020 của cựu tổng thống George W. Bush về cái chết của George Floyd. Ông Bush nói: “Thảm kịch này – trong một chuỗi dài những thảm kịch tương tự - nêu lên một câu hỏi phải được đưa ra từ lâu: Bằng cách nào chúng ta chấm dứt sự kỳ thị chủng tộc hệ thống trong xã hội của chúng ta? Chỉ có một lối duy nhất để nhìn thấy chúng ta trong ánh sáng thật sự là lắng nghe tiếng nói của nhiều người đang bị tổn thương và đau buồn. Những người chủ trương dập tắt những tiếng nói đó không hiểu ý nghĩa của Hoa Kỳ - hoặc không hiểu bằng cách nào Hoa Kỳ đã trở thành một nơi tốt hơn.” Vào ngày thứ Tư 03 tháng 6/2020, cựu tổng thống Barack Obama cũng đưa ra lời kêu gọi là cảnh sát Hoa Kỳ cần có sự cải tổ. Ông nói, “Tôi kêu gọi mỗi một thị trưởng trong quốc gia này hãy xem lại chính sách dùng vũ lực với các thành viên trong cộng đồng của quý vị và cam kết để cải tổ.
Bất bình với phương cách tổng thống Trump xử dụng để đối phó với những cuộc biểu tình trên toàn quốc, đặc biệt là việc ông Trump ra lệnh dẹp những người biểu tình ôn hòa trước tòa Bạch Ốc, và sự việc ông hăm dọa sẽ dùng đến hàng ngàn binh sĩ để giữ trật tự, thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (R-Alaska) vào ngày thứ Năm, khi được hỏi, đã ca ngợi những lời chỉ trích cay nghiệt của cựu Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis dành cho tổng thống Donald Trump.
Theo thượng nghị sĩ Murkowski, lời chỉ trích gay gắt tổng thống Trump của tướng James Mattis là “trung thực, lương thiện và cần thiết.” Bà ngoài ra thừa nhận là bà đang “phân vân” liệu có nên bỏ phiếu cho tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 hay không. “Khi tôi thấy lời phê bình của tướng Mattis vào ngày hôm qua tôi có cảm nhận rằng có lẽ đã tới lúc chúng ta phải lương thiện hơn với những quan ngại chúng ta đã giữ trong lòng, và sự can đảm của lòng tin vững chắc của chúng ta mà nói ra,” bà phát biểu.
Tướng Mattis, người từng là Bộ trưởng Quốc Phòng của tổng thống Trump từ 2017 đến 2018, trong bài bình luận đầu tiên dài 650 chữ trên tờ Atlantic kể từ khi rời chính phủ, vào ngày thứ Tư 3 tháng 6/2020, đã vạch thẳng ra rằng tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo gây chia rẽ, đã đe dọa hủy hoại truyền thống đứng ngoài chính trị của quân đội Hoa Kỳ. Ông viết “Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên trong cuộc đời tôi đã không cố gắng để đoàn kết người dân Hoa Kỳ - ngay cả dù chỉ là giả vờ. Thay vào đó ông ta đã cố gắng để chia rẽ chúng ta.” Tướng Mattis nói thêm: “đất nước Hoa Kỳ hiện nay đang chứng kiến hậu quả của ba năm dưới nỗ lực cố tình đó, “ba năm dưới sự lãnh đạo thiếu trưởng thành.” “Quân đội hóa các biện pháp đối phó, như chúng ta đã chứng kiến tại Washington, D.C., tạo nên mâu thuẫn – một mâu thuẫn giả - giữa quân đội và dân chúng. Điều này soi mòn nền tảng đạo đức bảo đảm cho sự gắn kết tin tưởng giữa nam và nữ quân nhân với quần chúng nhân dân mà họ tuyên thệ bảo vệ.
Được biết thêm là vào hôm thứ Ba 02 tháng 6/2020 các cựu viên chức từ chính phủ George W. Bush đã nộp đơn với Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang (the Federal Election Commission) để thành lập một ủy ban hành động chính trị độc lập (Super PAC), trong mục tiêu gây quỹ ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc vào cuối năm 2020 nay. Karen Kirksey, một nhân viên trong Bộ Tài Chánh dưới thời chính phủ Bush, được ghi tên như người thủ quỹ và trông nom hồ sơ của Ủy Ban.
Sự kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ đối với người da đen từ lâu đã được xem là vẫn tồn tại, mặc dù có những cải tổ trong nhiều thập niên qua dựa trên nguyên tắc kỳ thị chủng tộc là vi luật. Những người Việt Nam nhập cư vào Mỹ từ 1975 vì lý do không chấp nhận chế độ độc tài bạo ngược trấn áp Cộng sản, cũng ít nhiều được hưởng những lợi ích của những cải tổ này, và hiểu sâu sắc cao trào đòi công lý chống bạo lực cảnh sát trỗi lên sau cái chết của George Floyd, cũng như thấy rằng nó không thể không có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ tháng 11/2020 sắp tới.
Tuệ Vân
Ngày 5 tháng 6/2020.