Đã có rất nhiều câu chuyện nói về nước Mỹ. Chẳng hạn như nước Mỹ là một đất nước của sự đi lên và thành công. Nước Mỹ với sự kỳ thị trong xã hội. Nước Mỹ là một đất nước của những di dân trên thế giới. Nước Mỹ là một đất nước của tự do dân chủ và nhân quyền. Nước Mỹ là một cường quốc số một về kinh tế và quân sự trên thế giới. Nước Mỹ là một đất nước với một Hiến Pháp vượt trội viết nên bởi những nhà lập quốc có tầm nhìn xa. Nước Mỹ được sự ưu đãi của thượng đế. Nước Mỹ với nhiều nhân tài trở thành tỷ phú bằng khối óc thông minh của họ như Bill Gates của Microsoft, như Jeff Bezos của Amazon, hay Mark Zuckerberg của Facebook, vân vân. Với tôi, nước Mỹ là một đất nước không hẳn hoàn hảo nhưng có nhiều cơ hội thành công cho bất cứ những ai có chí cầu tiến và sự thông minh.
Là một thuyền nhân tỵ nạn cộng sản đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí cầu tiến và sự quyết tâm phải đưa tất cả gia đình gồm mẹ, các anh chi em và các cháu tổng cộng 20 người qua Mỹ để có tương lai, thay vì sống dưới chế độ cộng sản độc tài tham nhũng, một chế độ cai trị bằng bạo lực, và giáo dục ngu dân, trấn áp mọi tầng lớp không Cộng sản, tôi đã phải làm rất nhiều việc để tạo nên khả năng mà tôi mong muốn.
Trong năm đầu tiên đến Mỹ tôi đã ở với gia đình người bảo trợ trong 3 tháng. Sau đó, ngay khi vừa có việc làm, theo nguyên tắc tự lập của người bảo trợ, tôi đã dọn đến ở trong nhà xe của một người bạn học chung lớp Anh Văn. Mỗi tháng tôi trả cho bạn tôi một số tiền tượng trưng. Anh chị ấy vì có con đông nên được nhà thờ bảo lãnh sang, mướn cho họ một căn nhà để ở. Trong khi anh ấy đi làm thợ sửa xe thì người vợ ở nhà trông nom bốn đứa con nhỏ. Công việc của tôi lúc mới tới Mỹ là làm hầu bàn cho một tiệm ăn của người Thái. Về sau theo hướng dẫn của chị một người bạn khác cũng trong lớp Anh Văn, để được nhận vào hãng may Levi Strauss tại San Antonio tôi đã tự nhận mình là một thợ may chuyên nghiệp tại Việt Nam, trong khi tôi thật sự không biết gì về may. Ngày thi tuyển, sau phần vấn đáp là phần kiểm tra về may. Chị của bạn tôi là một supervisor trong đó đã tráo cho tôi một mẫu vải đã được chị may để tôi đem nộp. Thế là tôi được nhận vào làm ở Levi Strauss. Khi đoạt được danh hiệu người may giỏi đạt 100% nhu cầu dây chuyền sản xuất quần jeans, tôi biết rằng đã đến lúc mình phải chuyển hướng để có tương lai tốt hơn. Và cơ hội đã đến khi một người bạn đi chung thuyền vượt biển đang làm việc tại Houston bắt lại liên lạc với tôi và ngỏ ý muốn đón tôi lên Houston với lý do Houston có nhiều cơ hội để tiến thân hơn. Tại Houston, tôi vừa đi học lại toàn thời gian tại Đại Học vừa làm thêm hai việc phụ. Một việc là làm cho chương trình trợ giúp người Đông Dương tại ngay trường học, 3 tiếng vào buổi trưa khi không có lớp, và một việc là bán hamburger trong một trung tâm chơi bowling vào buổi tối. Ngày đó tôi còn trẻ nên ý chí cầu tiến rất mạnh. Tuy vất vả nhưng tôi luôn đạt điểm cao trong lớp. Mà không chỉ mình tôi. Những sinh viên Việt Nam tỵ nạn cộng sản thời đó đều học rất giỏi dù ngoài việc học ai cũng phải đi làm cực nhọc để sống và giúp gia đình tại Việt Nam. Có sinh viên Việt Nam đã vào lớp với đôi giầy ủng đẫm bùn vì đã đến lớp thẳng từ công trường. Có thể nói các thầy cô tại trường tôi học khi đó rất thương, quý trọng và tạo mọi điều kiện cho sinh viên Việt Nam có thể tiếp tục việc học vì thông hiểu hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi.
Khi được tin giấy tờ bảo lãnh để sang Mỹ của gia đình đã được chấp nhận, tôi đã dõi tìm một công việc toàn thời trong hãng xưởng để chuẩn bị khả năng giúp tôi có thể mua nhà và trả tiền vé máy bay cho gia đình tôi. Một hôm đọc báo tôi thấy hãng Shell Oil khi đó mở cuộc thi tuyển cho những người có kinh nghiệm trong ngành hóa học. Tôi chưa học xong nhưng đánh liều viết thơ cho người tuyển dụng. Trong thư tôi trình bầy hoàn cảnh và biểu lộ ý chí vươn lên của tôi. Một tuần sau khi thư gởi đi, một buổi tối tôi nhận được điện thoại kêu tôi lên gặp mặt ngày hôm sau. Người phỏng vấn là một phụ nữ lớn tuổi. Bà rất lắng nghe và ân cần han hỏi về học lực của tôi tại Việt Nam. Sau buổi phỏng vấn bà bảo tôi hai ngày nữa là đến khảo sát khả năng tại văn phòng của hãng tại downtown.
Ngày tôi đến phòng thi, tôi đã gặp rất nhiều người trang phục rất lịch sự trong khi tôi chỉ bình thường trong tà áo trắng. Trong phòng thi với thời gian 30 phút đã có 100 câu hỏi về toán đại số đơn giản cho những người vào thi. Chúng tôi không được dùng máy tính. Nhờ quen với lối tính nhẩm trong lớp Tài Chánh của khoa Quản Trị Kinh Doanh, Regina Pacis, tôi đã hoàn tất bài thi không chút khó khăn. Hồi hộp nhất là lúc ngồi chờ kết quả ở phòng đợi. Khi nhìn từng người được gọi tên vào nhận kết quả, và phòng đợi chỉ còn mình tôi. Tôi đã rớm lệ trong sự tuyệt vọng. Cuối cùng tôi cũng được gọi vào. Khi người thư ký đưa kết quả cho tôi và nói: “Chúc mừng, ngày mai cô theo địa chỉ trong lá thư đến hãng … để được phỏng vấn chính thức” Tôi gần như muốn òa lên trong sự vui mừng. Buổi phỏng vấn để quyết định tôi có sẽ được nhận vào làm việc tại đấy hay không cũng xẩy ra cũng thật nhẹ nhàng thân thiện. Khung cảnh nơi hãng tôi làm việc rất đẹp, sang trọng, và tuyệt vời.
Cuối cùng thì mộng tôi cũng thành, cả gia đình 20 người gồm mẹ và các anh chị em và cháu của tôi đều được chấp thuận cho sang Mỹ định cư sau những năm chờ đợi. Vấn đề chỉ trở nên rắc rối khi mẹ tôi chẳng may đã mất đi trước ngày lên phỏng vấn. Bởi vì mẹ tôi là nhân vật chính trên giấy tờ được bảo lãnh để sang Mỹ theo diện đoàn tụ, các anh em tôi và gia đình của họ chỉ đi theo mẹ. Nay Mẹ tôi mất đi giấy tờ bảo lãnh trở nên mất hiệu lực và cần làm lại theo diện bảo lãnh anh em. Một phép lạ tuy nhiên đã xẩy ra. Ông trưởng phái đoàn phỏng vấn khi gặp các anh chị em tôi thấy họ đều đeo khăn tang đã hỏi thăm. Sau khi biết được sự việc ông ngay lập tức ký giấy quyết định cho đại gia đình 19 anh chị em tôi và các gia đình của họ được sang Mỹ. Ông ngoài ra còn bảo ông anh tôi chạy ngay về nhà gọi những người có tên trong danh sách bảo lãnh nhưng không muốn đi, lên gặp ông để ông bổ xung hồ sơ. Điều này khiến ai cũng cho là lạ. Nhưng có lẽ là do mẹ tôi đã phù hộ cho các con của bà được đi sang một đất nước tự do để có tương lai cho bản thân và gia đình. Cuối cùng chỉ có ông anh cả của tôi quyết định ở lại để chăm lo cho mộ phần của mẹ, 18 người còn lại đã lên đường sang Mỹ định cư.
Ngày nay nhìn lại sự phát triển thành công của gia đình các anh chị em, các cháu, và các con tôi trên đất nước Hoa Kỳ, không thể nói là tôi không cám ơn nước Mỹ. Nước Mỹ, cũng như bao quốc gia khác trên thế giới, tuy vẫn tồn tại những kỳ thị và bất công xã hội, nhưng vẫn mở rộng cửa cho những cá nhân có ý chí tiến thân, và có khả năng đóng góp cho quốc gia và xã hội. Sự ưu việt của Hoa Kỳ là hệ thống tự do dân chủ tôn trọng nhân quyền tại Mỹ với những cơ chế cân bằng quyền lực và bổ túc cho nhau mỗi khi có sự sai sót xẩy ra. Đó là sức mạnh thật sự của nước Mỹ. Qua những cơ chế này, người dân Hiệp Chủng Hoa Kỳ sinh hoạt và học hỏi hàng ngày để sống và để cho người khác cùng sống. Tôi không tin ở khẩu hiệu chính trị mị dân “đấu tranh để có cơ hội đồng đều”. Và càng không tin ở một mô hình xã hội tưởng tượng ra bởi một người nào đó. Thí dụ như “thiên đàng xã hội chủ nghĩa” kể là lý tưởng cho mọi người, mà Hồ chí Minh thập niên 1920’s khi đọc luận cương của Lênin đã say mê thốt lên “đây là con đường phải có cho chúng ta”. Điều mà đã khiến đất nước ta đắm chìm trong mọi loại khổ nạn từ sau thế chiến thứ hai tới nay. Cho nên khi Nguyễn Phú Trọng phát biểu chưa biết bao giờ Việt Nam mới đi tới mô hình xã hội chủ nghĩa thì chúng ta có thể hiểu rằng dân tộc VN vẫn sẽ còn nhiều tai ách dưới chế độ cộng sản độc tài tham nhũng này.
Tuệ Vân
Ngày 20 tháng 6 năm 2020.