THIÊN THẦN ĂN MÀY
Bắc Phong
cụ ông ăn xin từng đồng
chắt chiu dành dụm nhưng không cho mình
mà cho tu viện mang tình
yêu Chúa cứu rỗi sinh linh khốn cùng
(Hình và ý thơ từ fb Nguyên Thanh)
---
THIÊN THẦN LẶNG LẼ CỦA BULGARIA
Cụ ông 103 tuổi đi bộ ăn xin hàng ngày trong nhiều Thập kỷ đã dành toàn bộ số tiền để làm từ thiện..
Có một “thiên thần” bên trong Thánh đường Alexander Nevsky – tòa thánh đường nguy nga và lộng lẫy của thủ đô Sofia, Bulgaria, đồng thời là một trong những nhà thờ chính thống phương Tây lớn nhất thế giới. Không lịch lãm cầu kỳ, không sang trọng xa hoa, cũng không có nét gì nổi bật, thiên thần ấy chỉ giản dị và khiêm nhường trong dáng vẻ của một Ông-Lão-Ăn-Mày..
Tất cả người dân của thành phố Sofia biết, rất nhiều người Âu châu đều biết, và hàng ngàn người trên thế giới cũng biết rằng, thiên thần ấy, không ai khác, chính là Dobri Dobrev..
Câu chuyện của cụ ông Dobri Dobrev mà người ta vẫn gọi là “cụ Dobri”, hay “vị thánh làng Bailovo” ấy, vẫn được nhắc đến như một huyền thoại..
Sinh năm 1914 tại ngôi làng nhỏ Bailovo, cách thủ đô Sofia 43 km về phía Đông, cụ ông Dobri chính là nhà từ thiện hào phóng của tòa thánh đường được tôn kính nhất Đông Âu. Nhưng không chỉ có vậy, ông cũng là nhà hảo tâm đã đóng góp cho rất nhiều nhà thờ, tu viện, trại trẻ mồ côi, và những người khó khăn cơ nhỡ tại đất nước Bulgaria..
Khi Dobri còn nhỏ, mẹ ông làm việc trong một trại trẻ mồ côi. Mặc dù trại không có đủ chi phí cho việc sưởi ấm, nhưng những em nhỏ nơi đây không phải chịu đựng cái lạnh khắc nghiệt mỗi mùa đông, bởi cha Dobri chính là người quyên góp khoản tiền ấy. Cậu bé Dobri đã được chứng kiến những hành động nghĩa hiệp ngay từ thuở thiếu thời. Lòng tốt và tình thương của cha mẹ chính là những đức tính cao thượng có ảnh hưởng đến Dobri trong suốt cuộc đời. Nhưng rồi cha ông cũng qua đời trong thế chiến thứ nhất, để lại mẹ ông một mình chăm sóc Dobri và 3 con gái nhỏ..
Sau này lớn lên, Dobri trở thành vệ sĩ phục vụ vị vua của Bulgaria khi ấy là Boris III. Ông may mắn thoát chết trong một vụ đánh bom không thành nhằm vào nhà vua. Đối với ông, may mắn diệu kỳ này là để phục vụ cho một mục đích thiêng liêng. Chính vì vậy, khi không còn phục vụ trong hoàng gia nữa, ông quyết định sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời..
Dobri kết hôn và bắt đầu cuộc sống gia đình giữa lúc chiến tranh thế giới thứ 2 đang lan rộng khắp châu Âu. Ông nguyện đứng về phía nhà vua và quê hương Bulgaria, bảo vệ cho những người Do Thái vô tội. Sau khi chiến tranh kết thúc, khoảng 50.000 người Do Thái ở Bulgaria đã thoát khỏi thảm cảnh diệt chủng..
Đức tin của Dobri lại được thử thách một lần nữa trong hơn 40 năm đen tối của Chủ nghĩa Cộng sản tại Bulgaria. Vì sự sống còn của gia đình, ông phải làm việc trong một công xã với vai trò là người chăn gia súc. Chính quyền mới do Liên Xô thành lập cưỡng ép người dân phải tin tưởng tuyệt đối vào “thiên đường” cộng sản và từ bỏ tín ngưỡng vào thần thánh. Nhưng bất chấp các quy định hà khắc, Dobri vẫn bí mật đi bộ tới một nơi linh thiêng trong núi để cầu nguyện. Lòng tôn kính và niềm tin vào Chúa của ông ngày một mạnh mẽ hơn. Cho đến năm 1966, ông vui mừng được chào đón đức vua Simeon II trở lại Bulgaria sau 50 năm ngài sống lưu vong..
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, ông dần dần lánh xa các tiện nghi vật chất và dành trọn tâm hồn mình cho Chúa. Vào khoảng năm 2000, ông Dobri quyết định tặng toàn bộ gia tài cho nhà thờ. Đổi lại, ông sống thanh đạm trong một chái nhà nhỏ của nhà thờ giáo xứ Saints Cyril & Methodius ở làng Bailovo quê hương ông..
Ngày nào cũng vậy, cho dù nắng gắt hay mưa bão, dù trời nóng bức hay lạnh giá, và dù mùa hạ hay mùa đông, ông Dobri đều dậy rất sớm để đi bộ hàng chục kilomet từ ngôi làng của mình ở phía Tây Bulgaria vào thành phố Sofia. Người dân thủ đô cũng trở nên quen thuộc với hình ảnh một ông lão tóc bạc phơ trong bộ quần áo đã cũ sờn, đôi giày da cổ đã trải bao nắng mưa, đứng trước cửa Thánh đường Alexander Nevsky. Ông đứng đó cúi chào người qua đường và du khách đến thăm nhà thờ, đồng thời giơ chiếc hộp nhỏ để cầu xin tiền bố thí từ những người hảo tâm.
Đối với những ai lần đầu đến Sofia, Dobri có lẽ chỉ là một ông lão ăn mày đáng thương, còn với mọi người dân sống trong thành phố, ông chính là một “vị thánh”. Ai cũng biết rằng ông không hề giữ một đồng quyên góp nào cho riêng mình. Toàn bộ số tiền trong những năm qua đều được ông gửi đến các nhà thờ và tu viện khác nhau.