Hàng năm, cứ vào ngày 30 tháng 4 là chúng ta, những người Việt đã bỏ nước ra đi, không sao tránh khỏi được những cảm giác chua xót ngậm ngùi. Thông thường, tôi cố tình tránh né những cảm giác bị lụy bằng cách họp mặt bạn bè để hàn huyên, hoặc đi đây, đi đó. Nhưng năm nay, vì luật quarantine, tôi bắt buộc phải ở nhà, để một mình đối diện với những kỷ niệm đau thương, cứ lần lượt diễn ra trong trí tôi, như một cuốn phim buồn.
Thế hệ chúng ta là những nhân chứng của lịch sử. Lịch sử ngày sụp đổ của Chế độ Cộng Hòa, tại miền Nam Việt Nam! Tôi sinh trưởng tại miền Bắc. Hà Nội là nơi chôn rau cắt rốn của tôi , nhưng tôi trưởng thành tại miền Nam. Cơm gạo miền Nam đã nuôi tôi khôn lớn. Nền giáo dục nhân bản của miên Nam đã đào tạo tôi thành một con người biết trọng phẩm giá, yêu gia đình, yêu tổ quốc , và thương mến đồng bào. Làn gió dân chủ, tự do của nền Cộng Hòa đã cho tôi trưởng thành trong tư tưởng để tôi trở thành một người quốc gia chân chính
Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, tôi bị kẹt lại VN, mặc dầu cả tuần lễ cuối, tôi đã chạy đôn chạy đáo để tìm đường ra khỏi nước. Tôi đã phục vụ trong bệnh viện, dưới chế độ XHCN 8 năm trời. Ở lại đất nước, tôi đã trải qua những cảnh nhục nhã, ê chề của những" bại binh". Trong ngày tiếp quản đầu tiên, chúng tôi đã bị họ kết tội là có "nợ máu với nhân dân", và được "sống còn" nhờ nhân dân khoan hồng. Trong buổi học chính trị đầu tiên, họ đã khẳng định: "Ở chế độ Mỹ ngụy, chỉ có con nhà giàu mới học được bác sĩ. Cha mẹ các anh chị đã bỏ tiền ra mua bằng cấp cho các anh chị!" Sau đó, họ đề nghị chúng tôi về làm bản tự kiểm và phải thành khẩn khai báo để được chính quyền cách mạng khoan hồng.
45 năm về trước, khi các nghị sĩ Mỹ ngồi trong tòa nhà Quốc Hội, thảo luận về việc cắt bỏ viện trợ, một cách đột ngột cho đồng minh VNCH, không biết có ai trạnh lòng nghĩ tới các hậu quả tang thương của việc này không? Cắt bỏ viện trợ cho một quốc gia, mà không mảy may đưa ra một kế hoạch để giải quyết những hậu quả là một tội ác ! Một chế độ sụp đổ ! Một dân tộc đi vào vòng tang thương, oan nghiệt!
Khổ nhất là các thương binh đang nằm điều trị trong các quân y viện, nhiều người mới cưa chân, mổ bụng, múc mắt ngày hôm qua, còn đang đau đớn , quằn quại, máu chảy ròng ròng. Thế mà họ thẳng tay xua đuổi không chút nhẫn tâm. Nhìn cảnh người mù cõng người què, thất thểu, dìu dắt nhau dời bệnh viện. Tôi đau đớn tự hỏi không biết đêm nay họ sẽ về đâu? Ai lo chọ họ bữa ăn chiều nay? rồi các vết thương không được săn sóc, thiếu thuốc men sẽ ra sao?
Cư xá thương phế binh cũng bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Những người tàn tật, đi đứng không vững được vợ con cõng, hoặc nương tưa vào nhau, tay xách nách mang, kêu khóc như ri ,dời khỏi nhà một cách vội vã.
Có ai đếm được bao nhiêu người chết trong giờ thứ 25 của cuộc chiến? Chúng ta chỉ biết các vị Tướng quân đã oai hùng tuẫn tiết vì không chịu hàng giặc, các vị sĩ quan cao cấp đã không chịu nhục, tự sát để bảo vệ danh tiết. Tôi còn biết thêm có nhiều chiến sĩ vô danh như nghĩa quân, địa phương quân, cảnh sát đã tự tử vì " nước đã mất rồi, sống nữa làm chi." Đó là lời thuật lại của người vợ nghĩa quân, khi đem chồng vào bệnh viện rửa ruột. Số người tự vận đem vào bệnh viện để cấp cứu cũng nhiều lắm. Họ dùng súng tự bắn vào mình, họ cắt mạch máu cổ tay. Họ uống thuốc rầy, thuốc chloroquine, thuốc ngủ.
Tôi đã tự hỏi, họ chỉ là những người lính bình thường. Họ không phải là đối tượng bị trả thù. Tại sao họ lại chọn cho mình một cách giải quyết oan nghiệt như vậy ? Chắc chắn không phải là họ sợ! Có thể là ho có lòng tự trọng cao, không chấp nhận làm một hàng binh! Có thể là họ không chấp nhận sống dưới chế độ CS?
Có cuộc sống ổn định nơi đất nước tự do, tôi luôn trăn trở về cuộc sống của những người thương phế binh còn ở lại VN. Họ là đối tượng để chế độ XHCN trả thù . Những người, năm xưa đã hy sinh một phần thân thể ngòai chiến trường, để cho tôi được an toàn học tập nơi hậu phương cho tới ngày ra trường. Ngày nay, họ sống vất vưởng bữa no, bữa đói trên hè phố. Thực khó mà yên tâm được !
Hôm nay đây, ngày quốc hận 30 tháng tư thứ 45, kể từ năm 1975, tôi muốn chia xẻ với các bạn những tâm tư của một người đã từng chứng kiến những sự kiện đau thương trong một giai đoạn lịch sử của đất nước VN .
Đoan Nghi
4/29/2020