1.
Chúng tôi rẽ vào một quán rượu nhỏ trong con hẻm vô danh gần một ga lớn ngoại vi Đông Kinh. Mưa lất phất, gió lạnh buốt. Đã sắp tới ngày Xuân Phân rồi, mà thời tiết không ấm lên mấy. Yoko nhanh nhẹn lùa cánh cửa ngoài, cánh cửa đóng từ những thanh gỗ thông nhẹ tênh, những ngón tay bé dễ thương trở nên trắng xanh vì không chịu đeo găng. Cả ba bước vào, bên trong là một genkan nhỏ xíu vừa đủ cho ba người đứng không chạm nhau và một lớp cửa giấy. Ông chủ tiệm mặc áo trắng tinh, đội mũ đầu bếp kiểu Nhật, cách điệu một chút nhìn như cái ca-lô của lính Pháp, câu cửa miệng “irasshaimaseee” chào khách bằng giọng khàn khàn nghe vừa hài hước vừa dữ tợn.
Quán bày trí theo kiểu xưa lơ xưa lắc, cả ba đứa đều có cảm giác như trở lại thập niên năm mươi, những bài nhạc Âu Mỹ gì đó nghe lạ hoắc. À không lạ lắm, Hattori nói “Bài này tao quen!”, dù cả ba đều chẳng hiểu gì. Trên tường, ốp gỗ và sơn đen, nhìn cũ kỹ như mấy căn lầu thời Edo ở cố đô, lại dán thêm hình mấy cô đào da trắng, với tóc cúp cum-bê và gò má căng như trái cà chua chín mọng, càng tăng phần cổ điển đến mức xa vắng. Cả ba được dành cho cái bàn giả làm quầy bar cao, với ghế cũng cao chót vót, trên vách là một tủ đầy ắp các loại whisky của Nhật to nhỏ đủ cỡ. Tôi cầm menu, mắt nhoè đi vì chi chít tên món ăn viết bằng katakana mà không có kanji nào. Yoko đã cầm một menu khác, đôi môi anh đào nhỏ nhắn và tự tin, gọi một lô lốc, mỗi thứ hai phần cho tôi và Hattori, riêng cô ấy thì không ăn thịt. Không khí chùng xuống, ánh sáng vàng đậm làm tôi liên tưởng tới ánh đèn dầu Hoa Kỳ, phải có chút mùi khói dầu thì chắc chắn tôi tin là mình đang ở nửa sau thập niên bốn mươi thế kỷ trước khi thống tướng Mc Authur đang tái thiết nước Nhật.
Hattori im lìm như một con cọp già trong hang, không gầm gừ, không lộ vui buồn. Tôi tưởng tượng gã đang nuôi dưỡng một mối tình tuyệt đẹp nào đó nhưng giữ bí mật, không để ai ngoài chính gã hiểu được. Ở đất nước này, những employee không suits không giày da và râu tóc bù xù như Hattori chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay gã là kẻ duy nhất như vậy, có trời mà biết.
Bên ngoài có lẽ mưa đã nặng hạt hơn một chút, tôi thấy Yoko hơi rụt cái cổ thanh tú vào trong cổ áo lông trắng tinh. Yoko xinh như một công chúa trong đồng thoại. Tóc đen huyền như đêm mùa đông thời chưa phát minh ra đèn điện. Đôi mắt hiền khô và trái tai phúc hậu như tượng Jizo. Khi nhìn Yoko, tôi chẳng còn nghĩ ra hình ảnh cô gái Phù Tang nào khác.
Tôi gọi cho mình một vại bia cỡ đại, hai người kia uống cocktail. Một vài câu nói bâng quơ được nói để không khí bớt lắng. Bâng quơ đến nỗi chỉ vừa nói xong đã quên mất. Bâng quơ nhơ bọt bia tan đi. Ngày mai tôi sẽ đi về một nơi rất xa vì chuyển công việc, nhóm ba người chúng tôi có lẽ lâu lắm mới có dịp gặp lại. Ở Nhật, một phút cũng là đại sự, có người đã tự sát vì trễ một phút. Nhưng thời gian dài như kiểu một năm hay mười năm lại không có ý nghĩa gì cả. Vì vậy mà có thể năm mười năm sau mới tái ngộ không chừng. Mà có còn gặp lại hay không cũng còn chưa biết. Dòng đời như nước cuốn, nói vậy còn chưa xứng, dòng đời ở Nhật như sóng thần cuốn thì phải hơn. Tôi không biết nói gì để làm cho những ý nghĩ - có lẽ tương thông trong đầu ba đứa - được nhẹ nhàng hơn. Chính tôi cũng chẳng hình dung ra mình có thể cảm thấy ngậm ngùi vậy. Cuộc sống long đong đã nhiều, những chuyến đi và những người bạn đã gặp, đối với tôi giống như Anh dũng Bội tinh với người lính, đầy tự hào và yêu dấu. Khi rời xa, tất cả đều nhẹ nhàng, như mây lãng du. Nhưng lần này, cảm giác trống vắng tràn ngập tâm hồn. Có lẽ có thể so được với người lính trẻ ôm giấc mộng đầu cất bước tòng chinh...
- Để tao mua vé shinkansen tiễn mày một đoạn! - Hattori gầm gừ, cắt ngang những suy nghĩ miên man của cả ba.
- Thôi!
- Im mẹ đi! - vẫn là cái giọng kiêu bạc như cũ.
Yoko mỉm cười giả vờ như không quan tâm, nhưng bên dưới bàn khẽ đá chân Hattori một cái.
- Cậu không định nhận quà chia tay của bọn này sao Nakamura? Bình thường cậu đâu khách sáo vậy? - Yoko nhẹ nhàng vỗ về, có ý trách nhè nhẹ.
- Phải rồi! - Hattori dịu giọng.
Hai đứa bạn, thay phiên xa luân chiến, thật có lòng với kẻ sắp đi xa. Tôi thấy ấm áp. Để phá vòng vây, tôi đổi chủ đề khác:
- Nghe nói Nami-chan giờ đã quen với cuộc sống mới ở Pháp. Yoko-chan có liên lạc gì với bạn ấy không?
- ...
Hattori im lặng nhấp một ngụm cocktail, bất cần như không hề quan tâm, mắt lơ đễnh nhìn gò má hay ngực gì đó của mấy cô đào trên tường, nhưng mũi bàn chân thì đang hướng về phía hai chúng tôi.
- Tớ chịu, lâu rồi không liên lạc. Hattori chắc là cậu...
- Im mẹ đi!
Yoko cười tinh ranh, khẽ le lưỡi thật nhanh như trêu tức anh bạn thân lâu năm. Tôi khoanh hai tay để lên bàn, cố ý nhìn Yoko, cho đến khi cô ấy lấy làm lạ và nhìn lại tôi.
- Tớ muốn chụp lại hình ảnh của cậu bằng cái camera không bao giờ hết pin và có thể xem mọi lúc mọi nơi. À khoan, cũng sẽ có lúc hết pin, nhưng chắc còn lâu lắm.
- Cậu cứ chụp đi! - Yoko đỏ mặt đáp.
- Tao đi toilet đây! - Hattori chen vào, rồi đứng dậy đi.
Chỉ còn tôi và Yoko, tôi tưởng tượng như nghe được tiếng mưa lách tách bên ngoài. Từ lâu lắm rồi, hay chưa lâu theo cách tính bằng năm tháng, tôi và Yoko cùng Hattori có một mối liên hệ gì đó rất đặc biệt. Yoko và Hattori là đôi bạn chơi với nhau từ nhỏ, thân thiết nhau như ruột thịt. Hattori với tính khí kiêu bạc từ nhỏ của mình, bắt nạt cô bạn bé tí teo đến nỗi không phản kháng được tí gì. Tình cảm giữa hai người là anh em, bạn bè, nam nữ... tôi không thể hình dung được đó là gì. Nhưng nó đẹp. Tuyệt đẹp và thuần khiết như sương mai. Rồi tôi tới. Tôi và Hattori cùng đầu quân cho một dự án. Chúng tôi không quen nhau, chưa nói chuyện riêng lần nào. Chỉ biết là chung chiến tuyến và gật đầu chào vài lần. Đồng khí tương cầu, cũng đôi bận Hattori hỗ trợ cho phần việc của tôi.
Dự án kết thúc, chúng tôi mất liên lạc. Trái đất tròn và nhỏ đến mức, chúng tôi như hai con kiến chạm râu nhau giữa đàn rồi mới nhận ra. Ba năm sau, chúng tôi hội ngộ ở Đông Kinh một cách tình cờ như kiểu xếp đặt của một gã đạo diễn vụng về trong phim tình cảm ba xu. Chúng tôi lại cùng làm cho một dự án lớn hơn, và lần này, tôi và gã trở nên thân thiết. Tôi quý mến gã như anh em ruột, dù tôi không có anh em trai nào, nhưng nếu tôi có một người anh và yêu mến lẫn sùng bái anh ta, thì sự trân trọng của tôi dành cho Hattori chắc cũng không khác.
Tôi gặp Yoko gần như cùng lúc với thời điểm gặp lại Hattori, tuy chỉ là sơ ngộ mà lại thân thương như đã biết nhau từ tiền kiếp. Chúng tôi ngồi đây, im lặng, chẳng nhìn nhau. Yoko như đang cố gắng né tránh một thứ gì đó. Còn tôi như một gã trong kịch đang chờ Godot đến...
Ngày đi, tôi quyến luyến Đông Kinh đến nỗi đã lỡ một chuyến tàu. Vẫn là Yoko và Hattori tiễn tôi. Tôi ôm tạm biệt hai người bạn. Hattori hơi bất ngờ với kiểu chào Tây phương này. Yoko ý tứ "phòng vệ" trước ngực, đúng kiểu cực chẳng đã. Hattori quay lưng đi trước, Yoko vẫn đứng nhìn tôi khi bước qua khỏi cửa soát vé. Tôi vẫy tay, nói với ra:
- Tớ sẽ chờ đến khi trăng tròn!
Yoko trả lời câu gì đó, vừa đúng lúc tiếng phát thanh của nhà ga vang lên thật lớn át đi hết mọi âm thanh khác. Thang cuốn chầm chậm mang tôi và chiếc vali xuống, làm hình ảnh Yoko từ từ nâng lên rồi mất hút khỏi tầm mắt.
2.
Bốn năm sau, công việc đã cuốn tôi từ Nhật đến một vùng nông thôn xa xôi vùng viễn đông của nước Nga. Tôi nghe tin Hattori đã đi Pháp, nói là đi công việc, nhưng kỳ thực, tôi biết gã đi tìm Nami. Đàn ông ít ra phải như vậy chứ, phấn đấu cho tình yêu của mình. Chẳng biết trên những nẻo đường gã viễn du trên đất Pháp, có vô tình dẫm lên dấu chân của Phan Châu Trinh, người tiền bối đồng hương của gã. Những kẻ vì thời cuộc đổi thay rồi đành ở lại xứ người như chúng tôi, thấy được chút gì liên hệ với quê mẹ ở nơi tha hương, luôn lấy làm yêu dấu, ấp ôm những hình ảnh ấy trong tim như những kẻ yêu nhau ấp ôm bóng hình người trong mộng trong tấm linh hồn khắc khoải nhớ nhung.
Tôi nhận được một lá thư từ Đông Kinh, mấy ngày rồi, tôi không muốn mở ra đọc. Khá lâu không nhận được tin gì từ Yoko, bây giờ nhận được một bức thư với xấp giấy gì cưng cứng bên trong, tôi lo sợ đó là thiệp mời đám cưới.
Mùa đông ở đây thật là khắc nghiệt, tuyết rơi dày cả mét cũng chỉ là tuyết nhỏ, những cái cây trơ trọi hiền khô cũng bị tuyết vặt lá bẻ cành, buổi tối trong căn nhà nhỏ của tôi, ánh lửa trong lò sưởi nhảy múa những vũ điệu gì lạ lẫm. Hơi lạnh như từng con dao cắt vào da thịt. Nhưng cái lạnh của trời đất không bao giờ đáng sợ bằng cái lạnh của nỗi cô đơn. Tuyết trắng, tĩnh lặng, cô độc… bộ ba tuyệt hảo để khơi gợi tâm sự trong lòng người. Tôi hâm nóng một chai cognac nhỏ, ngồi bên lò sưởi và uống một mình. Hình như tôi đã già đi từ ngày không còn được về quê hương. Dù vậy, sự nhát gan vẫn còn ở lại với tôi. Đêm thứ sáu, tôi quyết định mở thư của Yoko ra đọc, nhưng uống đến ly thứ năm thứ sáu gì rồi mà tôi vẫn chưa đủ can đảm. Tôi hít một hơi dài, xé bao thư ra. Chẳng biết có phải may cho tôi hay không, điều tôi lo sợ đã không diễn ra, đây không phải là thiệp mời… Tôi lại uống thêm mấy ly cognac nữa, trái tim tôi bắt đầu những nhịp đập loạn xạ, vì rượu quá mạnh hay vì cảm xúc, tôi không còn đủ tỉnh táo để phân biệt. Yoko thật lộng lẫy trong bộ váy cô dâu, bức thư chi chít chữ, viết những gì, tôi không còn muốn đọc dù một chữ.
Sáng hôm sau, tôi muốn đi dạo và ngắm cảnh mùa đông, khi buồn thì đi loanh quanh luôn là một sự lựa chọn thông minh. Đêm qua không có tuyết rơi, tuy vậy con đường vẫn ngập trong tuyết, tuyết cao đến đầu gối. Tôi phải lượm một khúc cây để làm gậy vì một số đoạn đường dốc tuyết đã cứng lại và rất trơn. Tôi trèo lên đồi Valaam, ở đó có một tu viện Orthodox với một cha viện trưởng già nua và hai ba tu sĩ trẻ, có người còn chưa khấn để trở thành tu sĩ, chỉ mới đang ở giai đoạn tìm hiểu. Khu vực nhà nguyện luôn mở cửa để mọi người có thể tự do đến cầu nguyện. Sáng thứ bảy, có một hai cụ già khá lớn tuổi trong thị trấn đã đến từ lúc nào, cùng với các tu sĩ, họ đang hát kinh Agni Parthene ca tụng Đức Trinh Nữ. Tôi vào thật nhẹ để không làm gián đoạn họ. Tôi ngồi cuối nhà nguyện, nhìn lên những ô kính màu và những tranh Icon dát vàng theo truyền thống Byzantine, thực sự cảm nhận được sự huy hoàng và thánh thiêng, dù tôi tôn thờ Chúa theo truyền thống Catholic, và đương nhiên, theo lời tu viện trưởng, tôi được chào đón ở nơi này mọi lúc. Tiếng Nga của tôi chỉ đủ để nói chuyện xã giao và nghe một số bài kinh quen thuộc, nên ý nghĩa thâm sâu trong truyền thống giáo lý Orthodox tôi không hiểu được, vì vậy mà tuy có đôi lúc muốn trở thành một tu sĩ như họ, nhưng tôi biết mình không thuộc về nơi này. Chẳng sao cả, con người có nhiều cách để yêu thương nhau thì tại sao lại không có nhiều cách thể hiện tình yêu với Chúa chứ nhỉ?
Sau giờ kinh sáng, mọi người nán lại trong sân nhà nguyện chào hỏi nhau. Cộng sản lên nắm quyền ở Nga đã quá lâu, ban đầu nhà thờ và tu viện bị đóng cửa, tu sĩ bị bắt bớ và giết hại rất nhiều, nhưng rồi dù làm mọi cách, Lenin hay Stalin đều không thể đấu lại Chúa Christus, phàm nhân có đáng là gì mà đấu. Lenin chết vì bị bệnh hoa liễu, xác chết bị đồng bọn dùng làm một thứ cần câu cơm và không bao giờ đem chôn, còn Stalin dù đã giết hàng chục triệu người nhưng cuối cùng chính hắn cũng không thể bất tử, và có lẽ giờ này, hắn đang đâu đó ở nơi nóng nhất của hỏa ngục. Nhà thờ dần dần mở cửa lại, người ta dần dần không còn sợ bị giết hại khi đi lễ và cầu nguyện nữa, chủ nghĩa cộng sản, tổng bí thư hay bọn KGB dần trở thành những con heo lố bịch và ngu ngốc – những thứ đáng hổ thẹn trong những câu truyện tiếu lâm tục tĩu nhất của người Nga; và từng người, đều cháy bỏng một niềm tin rằng cộng sản sẽ sớm lụi tàn trên nước Nga yêu dấu của họ. Nhìn cảnh ấy, tôi cũng được hy vọng lây phần nào.
Tu viện trưởng – cha Garik, thường hay cười thật tươi đến rung rung bộ râu trắng xóa như thác nước và đùa vui với tôi:
- Cha sẽ không chết trước chế độ cộng sản ở Nga đâu, hãy tin cha! Cho nên con cũng sẽ như vậy, vững lòng tin và vui vẻ lên con trai!
- Cảm ơn cha, mong được như điều Cha nói, nhưng con cũng mong mình không sống thọ như cha!
Tôi và ngài cùng cười, hai con người đang mất nước vì những thứ chủ nghĩa dối trá và điên rồ. Sáng nay, thấy tôi có vẻ không ổn, cha Garik chủ động tới gần và bắt chuyện:
- Này con trai của Nữ hoàng phương Nam, sao con không để niềm vui của Chúa ở cùng con?
Kiểu xưng hô của ông cụ thật thú vị, Nữ hoàng phương Nam là một nhân vật trong Kinh Thánh, đã đến diện kiến vua Salomon để xin học hỏi về sự khôn ngoan thượng trí. Nhưng trong Kinh Thánh làm gì có nhắc tới ai là con trai của bà ấy đâu. Kiểu nói “con trai của …” là kiểu nói của người Do Thái cổ đại, nhằm đề cao dòng tộc của người mà mình đang nói chuyện, không nhất thiết là con mà có thể là cháu hàng chục đời sau cũng được. Cha Garik vô tình làm tôi nhớ lại gốc gác con Lạc cháu Hồng, nhớ lại cội nguồn Việt Nam của mình, những bậc tổ tiên lừng lẫy, lúc nào cũng đứng thẳng người, thà chết chứ không chịu làm nô lệ ngoại bang, có lẽ thế hệ chúng tôi phải luôn nhớ về những bậc tổ tiên mà cố gắng sống và phấn đấu cho xứng đáng làm hậu duệ của các ngài. Tôi trả lời cha Garik:
- Thưa vua Salomon, con vừa phải rời bỏ những gì mà con ôm ấp đã lâu. Đêm qua con đã uống rất say và sáng nay nỗi buồn đã thổi con đến nhà nguyện dù hôm nay không phải là Chúa nhựt.
- Chúa ở cùng con, con trai! Con đang đứng đây, gặp ta, nói chuyện, nhìn thấy mọi thứ… vậy là đã ổn rồi. Không ai trên đời có thể giữ mãi cái gì cho riêng mình. Cả dân riêng của Chúa mà chúng nó còn bỏ Chúa đi thờ lạy con bò thì con có thể ôm ấp được gì mãi chứ?
- Nhưng người đó là hình ảnh mà con đã ghi khắc trong tim từ ngày con rời quê hương xứ sở, đến nước Nhật, và bây giờ là nước Nga xa xôi này. Con cảm thấy đó là một phần cuộc sống của con!
- Thôi nào con trai, nếu người đó quan trọng với con như vậy, thì chỗ con đứng bây giờ không phải là ở đây, mà con đã chiến đấu từ những giây phút đầu tiên, và nếu con không chiến thắng, thì con đã hy sinh rồi!
- Nhưng có những thứ đâu phải mình cứ cố gắng là được, đúng không cha, họ còn tự do nữa! – tôi chống chế, nhưng phải công nhận là ông cụ nói đúng.
- Vậy tại sao con lại buồn, khi mà con biết người ấy có tự do, và người ấy hạnh phúc?
- Cha nói đúng, có lẽ thay vì để năng lượng buồn bã vô ích thì con nên làm gì đó có ích hơn cho quê hương con!
Cha Garik cười hiền hậu nhìn tôi, hai gò má của cha căng tròn như hai củ khoai tây. Ngài lại nói:
- Thực ra không cần phải cố gắng đè nén cảm xúc của mình một cách ngốc ngếch như vậy con ạ. Điều ta muốn con làm là hãy suy nghĩ thật kỹ về những sự kiện xảy ra trong cuộc đời con, con biết đấy, Chúa tạo dựng mọi vật và Người thấy chúng tốt đẹp, những biến cố trong đời, con cũng hãy tin đó là những món quà mà Chúa gởi cho con. Rồi sẽ có lúc con thấy hữu dụng!
Tôi thốt lên:
- Cha nói y như những linh mục Catholic bên con vậy!
Cha Garik phì cười:
- Về cơ bản thì ta cũng là một linh mục, con trai ạ.
Chiều hôm đó, tôi đã viết một bức thư cho Yoko, tôi đọc tới đọc lui, chỉnh sửa thêm bớt, và rồi tôi “gởi” tất cả thư của tôi và thư cùng hình ảnh của Yoko vào lò sưởi. Lời nói của cha Garik làm tôi chợt tỉnh, có lẽ bấy lâu nay tôi đã ngộ nhận về một thứ tình cảm không có thật mà không biết. Nếu nó thật, có lẽ tôi cũng đã máu lửa như Hattori. Mà nhắc tới gã mới nhớ, tôi nên viết thư thăm gã.
“Hattori,
Bình rượu cognac của tớ vừa hết, tớ đã lỡ uống nó hơi nhiều để mừng đám cưới của Yoko. Trong cơn say, tớ đã vô tình làm cháy hết thư từ và hình ảnh. Tớ không hiểu tại sao lại không được mời trong một ngày quan trọng như vậy. Dù sao, tớ cũng thành tâm chúc cậu ấy được hạnh phúc. Và nếu cậu biết từ trước mà không cho tớ hay, cậu là thằng khốn.
Tớ đã gặp một vị tiên tri và ông ấy nói rằng tớ sẽ không chết trước ngày quê hương ta quang phục, nên tớ dự định sẽ nhịn đói đến hấp hối xem kết quả có đúng vậy không. Nhưng tớ lo là nhỡ lũ quỷ ấy chết thật mà tớ cũng chết ngay sau đó thì phí công lắm, vì tớ muốn nhìn thấy ngày tàn của chúng nó, ít ra là trước khi tớ chết. Vì vậy, hãy thu xếp một dịp nào để hội ngộ, ở Nga hay Pháp hay Nhật đều được, để tớ có thể say đến gần chết và có người xem chừng (và nếu được thì cả Yoko, nhưng tớ nghĩ là bọn Nhật lùn sẽ không thoải mái để vợ ra đường uống rượu với trai đâu nhỉ). Nhớ kể chuyện ở Paris cho tớ nghe!
Nakamura”
Lá thư sau đó được gởi, và tôi cũng quên bẵng nó đi để tiếp tục vùi đầu vào công việc. Có khi cả tuần tôi chẳng thèm cạo râu hay soi gương xem mặt mũi mình thế nào. Ba tháng sau, tôi nhận được thư trả lời của Hattori cùng một chai rượu vang cũ kỹ, rượu khá lâu năm, đúng gã này hiểu bạn. Tôi ngồi trên sofa, cửa sổ mở toang, mùa xuân ấm áp đã về, ngoài sân cỏ cây đã xanh và hoa dại mọc khắp nơi. Tất nhiên chẳng thể so sánh với hoa cỏ quê nhà, nhưng cũng khiến tâm hồn mình thấy tích cực lên. Tiếng chuông trưa từ tu viện đồi Valaam vang lên thánh thót, đã mười một giờ trưa rồi. Tôi mở bức thư ra, chỉ có mấy chữ, nhưng từng chữ nặng ngàn cân:
“Đồ đần, cậu đã trách lầm Yoko. Cô ấy học lớp diễn viên và có khoe hình cho cả tớ. Paris đẹp. Gặp ở Đông Kinh, 20 giờ ngày 30 tháng 7 năm nay, tại quán rượu cũ.
Hattori”
3.
Mùa hè ở Đông Kinh nóng như thiêu đốt, báo chí nói có hơn hai mươi người đã chết vì nắng nóng từ đầu tháng Bảy đến giờ. Kể ra dân Nhật yếu ớt trong khoản chịu nóng hơn người nước tôi. Tuổi thơ, những buổi trưa hè đổ lửa với gió Lào khô cháy cả cỏ cây, có khi bốn năm mươi độ là bình thường, nhưng chẳng ai chết cả. Người ta chỉ chết vì bị giặc pháo kích, vì bị thủ tiêu do làm việc cho chính quyền. Nhưng mặc cho những thứ đó, từ cái nóng cho đến bọn sát nhân, người nông dân quê tôi vẫn đi ra đồng làm việc. Nếu bắt một anh Nhật cao to đang rên xiết vì cái nóng ba mươi lăm độ ra thi chịu nóng với một bà cụ quê tôi thì tôi nghĩ bà cụ sẽ thắng chắc.
Tôi uống cà phê ở sân bay Vũ Điền, nhìn hơi nước bốc lên nghi ngút trên mặt sân bay, thầm tiếc thương cho cuốn sổ thông hành của cố quốc, bây giờ nó đã thành kỷ niệm, kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời tôi. Vẫn là gương mặt mình in trong cuốn hộ chiếu, nhưng chữ trên hộ chiếu không còn là chữ Quốc Ngữ của đất nước tôi. Đời vậy đó, nó im lìm và lạnh lùng đẩy mình vào thân phận vong quốc, phải ở lại xứ người mà chịu tang cho quê hương. Nghĩ tới những thế hệ sau, chúng sẽ chẳng còn cơ hội đi ra nước ngoài mà trình cái sổ thông hành một cách đầy kiêu hãnh, chúng sẽ phải mang mặc cảm là dân một nước nô lệ cho thứ chủ nghĩa ngoại lai không tưởng. Tôi nhấm một ngụm cà phê, thấy đắng ngắt. Chẳng biết ngày về là khi nào nữa…
Tối hôm ấy, tôi đến chỗ hẹn sớm ba mươi phút, đến nơi thì đã thấy Hattori chờ sẵn rồi. Có lẽ Yoko đã đặt bàn từ nhiều tháng trước. Tôi và gã bạn lâu năm ngồi nhấm nháp chút men, vẫn như cũ, gã uống cocktail và tôi uống bia. Sau bốn năm, tóc của gã để dài chấm vai và bồng bềnh như sóng, vẻ ngoài lãng tử hơn hồi trước.
- Có tin gì từ quê hương không?
- Có, người ở Pháp biết nhiều lắm! Tất cả mọi người đi tù khổ sai, người không đi tù thì bị đi đày tới vùng rừng thiêng nước độc gọi là đi “kinh tế mới”, những người khác thì bị tịch biên gia sản rồi bỏ vào một cái chuồng gọi là “hợp tác xã”, ai không chịu nổi và còn sót chút của cải thì chấp nhận vượt biển kiếm bến bờ tự do dù phải đổi bằng mạng sống … Còn bọn con cái nhà quân cán chính như tao và mày thì không được đi thi đại học!
Tôi giận sôi gan, phải dằn ly bia xuống bàn “cộp” một cái, suýt nữa thì văng tục. Ở Nga, tôi cũng không may gặp phải mấy đứa hạt giống đỏ được gởi qua đi học. Tin tức thu lượm từ chúng chẳng có gì mới. Vẫn là những ngôn từ cũ rích mà Karl Mac hay Lenin đã nói hồi cả trăm năm trước, còn chúng cũng chẳng biết điều gì đang diễn ra từ Huế trở vào. Sự buồn bực và thất vọng len lỏi trong tâm hồn chúng tôi như nước chảy trong những kẽ đá. Hai thằng, sức dài vai rộng, nhiều năm trước cùng muốn đem năng lực của mình ra mà kinh bang tế thế, rồi trời sập và suýt chút nữa chúng tôi bị đè bẹp trong cơn hụt hẫng gần như điên loạn.
- Mày có gặp lại Nami không?
- Có, tao đi tìm cô ấy mà!
- Rồi sao?
- Đang học bên đó, muốn làm tiến sĩ, trước ngày mất nước, có cùng bạn bè du sinh biểu tình đưa tang quốc kỳ. Bây giờ thì cũng như đám người đang kẹt lại khắp thế giới, lo cho những người vừa tạm cư bên đó, và nghĩ ngợi về chuyện giúp đỡ những người chưa đi được…
- Giỏi quá! Nhưng còn chuyện tình cảm của tụi mày thì sao?
- Thì … vậy chớ sao?
- Nói như không mày! – tôi cười, biết hắn không muốn kể, tính tình vẫn không có gì thay đổi.
Hattori trầm ngâm, nói trở lại chuyện đất nước:
- Tao nghĩ phải làm gì đó mày ạ!
- Mày nói điều mày đang nghĩ coi sao!
- Khoan đã, tao muốn nghe về vị tiên tri mà nói trong thư trước!
Tôi phì cười, không ngờ gã lại nghiêm túc như vậy:
- Một tu viện trưởng của một tu viện lịch sử hơn ngàn năm, ông ấy nói rằng cộng sản ở Nga sẽ chết trước ổng. Và ông cụ còn cam đoan rằng tao cũng sẽ sống lâu hơn thể chế cộng sản ở quê mình! Ông cụ là một người khả kính và tao tin ông ấy mày ạ!
- Thế ông ấy có nói thêm gì về chủ đề đó không? – Hattori cũng có chút hồi hộp.
- Hình như là không, nhưng ông ấy nhắc nhớ tao về nguồn cội Lạc Hồng của mình, và tao cảm thấy sau hàng ngàn năm bị người Tàu đô hộ thì mình vẫn độc lập, sức sống của người nước mình rất mạnh, sẽ chẳng dễ gì mà dập tắt được, cái gì cũng là giai đoạn nhất thời thôi!
- Ừ, điều tao đang nghĩ cũng gần như vậy mày ạ…
Trong lúc chờ Yoko, chúng tôi nói rất nhiều về những dự định đang ấp ủ, không thể chọn thời cuộc mình sinh ra nhưng có thể chọn việc mình làm cho thời cuộc. Bên ngoài có lẽ trời khá nóng, nhưng nhờ tường nhà dày và cái quạt trần quay không ngừng nên chúng tôi không nóng vì thời tiết, thực ra thứ làm chúng tôi đổ mồ hôi có lẽ chính là bầu máu nóng đang sôi sục của mình. Một lúc sau, tôi chợt thấy văng vắng:
- Sao Yoko trễ thế mày? Bình thường có như vậy đâu!
- Cô ấy không đến đâu!
- Sao vậy? – tôi ngạc nhiên – Bốn năm mới có hôm nay mà?
- Ừ, nhưng bây giờ Yoko đang ở đâu đó của Đông Nam Á, đi hỗ trợ các thuyền nhân trong trại tị nạn! – Hattori trả lời chầm chậm.
Tôi giật mình, người phụ nữ nước tôi qua bao nhiêu đời vẫn vậy, âm thầm, hy sinh, nhưng khi cần thiết thì dấn thân và mạnh mẽ hơn cả cánh đàn ông. Nào Trưng Trắc – Trưng Nhị, nào Lê Chân, nào Triệu Thị Trinh, nào Dương Văn Nga, nào An Tư, nào cô Giang cô Bắc… anh thư liệt nữ đời nào cũng có.
Tôi hơi xúc động, hỏi Hattori:
- Sao như vậy được, lúc trước còn nghe nói là làm cô giáo dạy Việt ngữ cho con cháu của người Việt ở Nhật, rồi đi học diễn viên gì nữa mà?
- Ừ, nhưng khi tiếp xúc với những người tạm cư bên này, biết được hoàn cảnh của những người trong trại ở Đông Nam Á thì đã tìm cách để đi làm tình nguyện viên cho Liên Hợp Quốc rồi. Tao cũng chỉ mới nghe lại từ những người quen cũ loáng thoáng như vậy thôi.
Tôi cảm thấy hơi chóng mặt, vậy mà có lúc mình còn trách lầm người bạn thân thiết đi lấy chồng bỏ cuộc chơi. Bốn năm biền biệt, những tưởng hôm nay là ngày gặp lại. Vậy mà chẳng biết ngày gặp lại là bao giờ nữa. Cảm xúc của tôi lẫn lộn, vừa buồn vừa vui, buồn vì không được gặp bạn, buồn vì điều mình trông chờ từ lâu lại không được thành hiện thực, nhưng tôi cũng vui, vì tôi thấy dòng máu anh hùng của các bậc tổ tiên chưa hề thôi tuôn chảy, dù là gái hay trai, những đứa con của dân tộc luôn luôn sống tròn lời ước thệ xứng đáng với tổ tiên.
Tôi bặm môi, hít một hơi thật sâu để khống chế những dòng cảm xúc hỗn độn. Tôi vỗ vai Hattori rồi bóp chặt:
- Nhứt định, tao với mày sẽ sống lâu hơn chúng nó!
- Nhứt trí!
Tình bạn của ba đứa sau mấy năm vẫn giản đơn như trước, Hattori nhìn tôi, có lẽ gã cũng đang xúc động nghĩ về đất nước, gã cầm bàn tay tôi siết chặt, khi cùng quyết tâm, dù còn kẹt ở xứ người, nhưng quê hương sẽ không còn xa nữa! Có lẽ chúng tôi đều đã giải đáp được những câu hỏi còn vấn vương của mấy năm trước, chẳng cần mặt trăng xanh nữa, bởi mối tình lớn nhất trong lòng chúng tôi bây giờ, chính là tổ quốc.