BBC Future
26 tháng 3 2020
Ban đầu, đã có những gợi ý kỳ quặc rằng căn bệnh này có thể chữa được bằng cocaine.
Sau khi những ý kiến sai lệch lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, chính phủ Pháp đã phải nhanh chóng ra thông cáo khẳng định rằng rõ ràng điều này là không đúng.
Sau đó lại có ý kiến cho rằng tránh ăn kem có thể có tác dụng, và buộc Unicef phải ra thông cáo rằng thông tin trên không đúng sự thật.
Cuối cùng là một thông tin cực kỳ nguy hiểm và sai lầm xuất hiện, cho rằng người ta có thể tránh được căn bệnh này bằng cách uống chất tẩy.
Mặc dù đại dịch coronavirus chỉ vừa mới xuất hiện vài tháng trước nhưng nó đã làm nảy sinh vô cùng nhiều truyền thuyết trên mạng và tin đồn thất thiệt về cách diệt trừ căn bệnh.
Có một ý kiến cho rằng uống nước có thể giúp tránh lây truyền bệnh. Còn sau đây là lý do giải thích vì sao điều này cực kỳ không đúng sự thật.
Những nội dung ban đầu được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội viết rằng chúng ta nên đảm bảo miệng và cổ họng luôn được giữ ẩm tốt, và uống nước mỗi 15 phút một lần.
Lý lẽ của việc làm này là nó có thể giúp gột rửa virus xuống thực quản, vì vậy virus có thể bị tiêu diệt bởi axit trong dạ dày ta.
"Cách này đơn giản quá mức, đơn giản là tôi không thể nào tin nổi," Kalpana Sabapathy, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Bệnh Nhiệt Đới London cho biết.
Sabapathy giải thích rằng nhiễm trùng thường xảy ra sau khi ta đã phơi nhiễm với hàng ngàn hoặc hàng triệu hạt virus, vì vậy quét sạch vài hạt xuống thực quản không có nhiều hiệu quả gì cho lắm.
"Một lỗ hổng của ý kiến này là liệu bạn có đủ khả năng rửa sạch chúng trôi xuống bao tử hay không," bà chia sẻ. "Tới lúc đó thì có lẽ bạn đã có chúng trong lỗ mũi rồi, chẳng hạn thế, thì cách làm này hết sức ngu ngốc," bà giải thích.
Và chính tại đây xuất hiện thêm một trong những lỗ hổng chính của ý tưởng trên.
Ngay cả khi virus vẫn chưa tìm được đường đến với các tế bào trong hệ hô hấp của bạn, thì nó vẫn có cách lọt vào cơ thể theo cách khác. Trong lúc một số người có thể nhiễm bệnh vì họ chạm vào miệng bằng ngón tay đã bị nhiễm khuẩn, thì virus cũng có thể lọt vào cơ thể khi ta chạm vào mũi hay mắt.
Dù tình trạng này có xảy ra, người ta vẫn không cho rằng đây là con đường chính lan truyền bệnh. Thay vào đó, rủi ro cơ bản là khi ta hít vào những giọt siêu nhỏ có chứa hàng ngàn các hạt virus sau khi một người ho hoặc hắt xì - dù rằng chúng mới bắn ra hay đã lơ lửng trong không khí vài giờ sau đó.
Và còn một lý do khác nữa khiến chiêu uống nước không có tác dụng.
Bạn có thể nghĩ rằng một khi hạt Covid-19 đã tìm được đường xuống bao tử bạn, nó sẽ chết ngay lập tức.
Rốt cuộc thì axit trong dạ dày có độ pH từ một đến ba, nó có độ mạnh ngang cỡ axit trong pin, nghĩa là có khả năng làm tan chảy thép. Vài năm trước, các nhà khoa học đã phát minh ra một cách dùng axit dạ dày làm nguồn năng lượng.
Nhưng virus có thể còn mạnh hơn thế.
Sau khi dịch Mers lan tràn ở Ả Rập Saudi vào năm 2012, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nguồn bệnh - là một loại virus corona bà con với Covid-19 - "có sức kháng cự khá tốt" đối với dịch lỏng axit khá nhẹ mà bạn có thể thấy bên trong dạ dày người vừa ăn xong.
Họ tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus có khả năng chiếm lấy phần ruột của bệnh nhân, và có thể dễ dàng chiếm hữu các tế bào trong ruột. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng căn bệnh có thể lây nhiễm theo cách này.
Hiện nay người ta vẫn chưa rõ liệu điều này có xảy ra với Covid-19 hay không.
Một số bệnh nhân cho biết họ có những triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy, và giờ đây các chuyên gia từ Trung Quốc cảnh báo rằng có dấu hiệu cho thấy căn bệnh có thể lây truyền qua đường tiêu hóa.
Theo một báo cáo, hơn 50% người bị nhiễm Covid-19 có virus trong phân, nơi nó vẫn tiếp tục lưu trú thời gian dài sau khi bị quét sạch khỏi phổi.
Có lẽ thuyết phục nhất là cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu xem liệu uống nước có tránh được lây nhiễm Covid-19 hay không, vì vậy kỹ thuật này không dựa trên khoa học hay thông tin được chứng minh nào cả - mà chỉ là giả thiết mơ hồ.
Trong thực tế, nghiên cứu gần với thuyết này nhất có từ 15 năm trước.
Nghiên cứu đó tìm hiểu xem liệu việc súc miệng bằng nước có thể giúp tránh nhiễm khuẩn hô hấp hay không, vì cách này khá phổ biến tại Nhật Bản.
Họ nhận thấy rằng, trong vòng 60 ngày, người tham gia nghiên cứu súc miệng bằng nước ba ngày một lần quả thực ít có các triệu chứng về hô hấp hơn so với những người súc miệng với dung dịch sát khuẩn hay so với những người không súc miệng.
Tuy nhiên, phát hiện này không hẳn có thể ứng dụng với Covid-19, và thật nguy hiểm nếu ta mặc định cho rằng chúng có tác dụng.
Đầu tiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên, hầu hết là liên quan đến khu vực xoang mũi, cổ họng và đường thở, trong khi Covid-19 có thể gây nhiễm khuẩn khu vực đường hô hấp bên dưới, xâm nhập vào khu vực ngực và phổi.
Thứ hai, rất đáng lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu khá nhỏ, và người tham gia được yêu cầu tự đánh giá và báo cáo dấu hiệu của họ (thay vì được kiểm tra khách quan), và người tham gia biết họ nằm trong nhóm nào.
Nghiên cứu kiểu này thường được cho là kém tin cậy hơn tiêu chuẩn vàng - là thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng giả dược.
Sabapathy cho rằng, tuy việc khuyên bảo mọi người giữ cho miệng luôn ẩm và uống nước 15 phút một lần nghe có vẻ vô hại, nhưng ta cần phải nhanh chóng giải mã ngay lời khuyên sai lệch này.
Nguy hiểm nằm ở chỗ ảo tưởng an toàn lầm lạc mà lời khuyên gây ra. "Có những người nghĩ rằng cứ làm theo vậy thì họ sẽ ổn," bà cho biết. "Nó làm chệch hướng những thông điệp quan trọng hơn nhiều."
Rất nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận tốt nhất vẫn là tránh có tiếp xúc xã giao không cần thiết và luôn rửa tay. Vì vậy lời khuyên của bà là bỏ bình nước xuống và cầm xà bông lên.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.