Hạ tuần tháng 3/2020, một thiếu niên 17 tuổi ở thị trấn Lancaster phía bắc Los Angeles đau bệnh vào một phòng cấp cứu nhưng vì không có bảo hiểm nên bị từ chối và được chuyển đến nhà thương. Trên đường, thiếu niên bị tim ngưng đập, phổi ngưng thở. Kẻ xấu số được áp dụng cấp cứu hồi sinh một lát rồi từ trần. Thị trưởng thành phố Lancaster cho biết rằng thiếu niên này tiền sử không có bệnh tật gì. Cuối tuần thứ sáu mới vui chơi với bè bạn mà thứ tư thì chết. Sở y tế công cộng quận Los Angeles mới đầu thông cáo cho biết rằng lý do thiệt mạng là vì Covid19, nhưng sau đó thì đã rút lại mà nói rằng trường hợp này là phức tạp, cần chờ xác định kết quả bởi cơ quan phòng ngừa dịch tễ và điều tri bệnh CDC, bằng một thông cáo khác như sau: “Tuy những xét nghiệm ban đầu cho thấy Covid19 dương tính nhưng trường hợp này phức tạp và nguyên cớ tử vong có thể là khác. Vì lý do bảo vệ riêng tư cho cá nhân cho nên chúng tôi không thể cho biết gì hơn lúc này”. Thế là xong, chẳng mấy ai sẽ còn quan tâm đến lý do thiếu niên này chết, trừ trường hợp gia đình thân quyến. Mà có quan tâm thì cũng thế thôi, chẳng kiện tụng gì được cái phòng cấp cứu đã không nhận cấp cứu vì không có bảo hiểm, nghĩa là không có tiền. Bởi trong xã hội tư bản tiêu thụ thì nguyên tắc chủ đạo là tiền trao cháo múc.
Nhiều tài liệu hướng dẫn giúp người sinh viên y khoa thành công khi hành nghề, nói rằng hành nghề y khoa là một business – tức là một doanh nghiệp. Cho nên khi mới định cư ở Mỹ đầu thập niên 1980, sau khi sống sót cuộc vượt biển mùa bão năm 1978, tôi hơi choáng người khi đọc tin một bác sĩ nọ trong một tiểu bang miền Nam tôi không còn nhớ là Louisiana hay Texas, sau khi may xong vết thương cho bệnh nhân đã cắt chỉ khâu ra, khi nghe biết bệnh nhân không có tiền trả. Nhìn dưới một góc khác, khi một phòng mạch tổ chức theo nguyên tắc thương mại, phòng đợi tiện nghi, có trà có nước giải khát khi ngồi chờ, trang hoàng đẹp đẽ có nhạc dịu dàng êm ái, có người ghi danh vồn vã han hỏi lịch sự, có áo giấy để mặc vào trong khi ngồi chờ bác sĩ khám bệnh thì không thể không tốn tiền. Tiền đó dĩ nhiên bác sĩ không thể móc từ trong túi mình ra mà là từ túi bệnh nhân. Tóm lại bệnh nhân đi khám bệnh như là mua một món hàng. Bác sĩ, y tá như người cung cấp hàng (provider). Không có tiền thì hàng không đưa ra.
Vắn tắt thì ở Mỹ hễ không có tiền thì không được chữa bệnh. Nói cho rõ hơn thì không có tiền vẫn có thể được chữa bệnh nếu có đủ một số điều kiện nào đó về hoàn cảnh gia đình về lợi tức. Những điều kiện này cũng khiến một số người không hài lòng, vì muốn rằng là ai có bệnh cũng phải được chạy chữa. Nói khác đi là chủ trương Universal healthcare theo kiểu các nước Úc hay Gia nã đại, theo đó mọi người dân đều được hưởng chăm sóc y tế tối thiểu như nhau. Các chính khách Mỹ mà chủ trương như vậy thì cũng có. Thí dụ như Hillary Clinton thời còn là đệ nhất phu nhân nhiệm kỳ đầu của tổng thống Clinton. Nhưng chủ trương này đã bị chống đối quyết liệt, không những bởi giới chính trị mà còn bởi những công ty bảo hiểm y tế và ngay cả một số đông quần chúng, nên đã phải bỏ hẳn ý kiến này đi, không bao giờ trở lại nữa. Lý do chống đối của số đông quần chúng này vắn tắt chỉ là vì universal healthcare có một số đòi hỏi đóng góp mà họ không muốn.
Mới đây người ta biết rằng ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders người Do thái cũng chủ trương universal healthcare. Nhưng chủ trương này không thu hút nhiều người , ngay cả những người theo đảng Dân chủ. Khiến cho Biden là một chính trị gia èng èng trong khuôn khổ mọi sự như cũ, trong đó có vấn đề chăm sóc y tế bất cập, đã trở thành ứng viên được chọn tranh cử với Trump.
Khi nói đến chính sách y tế Mỹ bất cập tức là nói đến sự tốn kém, mà kết quả thua sút so với các nước khác trên thế giới, tuy Mỹ được tiếng là nước tiến bộ nhất về vấn đề Y khoa. Thí dụ như tỷ số tử vong của trẻ sơ sinh Mỹ cao hơn ở nhiều nước phát triển và giầu có ở mức thấp hơn Mỹ. Một trong những lý do là sự chi phí không hợp lý và tình trạng lạm dụng ở mọi cấp. Tình trạng này kéo dài đã lâu mà không sao giải quyết được, vì biện pháp nào đưa ra thì cũng bị chống đối bởi các nhân tố trong cuộc, từ giới cung cấp dịch vụ (bác sĩ dược sĩ y tá, bệnh viện, phòng thí nghiệm, hãng sản xuất…) đến giới trả tiền dịch vụ (các hãng bảo hiểm sức khỏe), đến giới tiêu thụ là bệnh nhân.
Cụ thể trước mắt là Donald Trump từ khi làm tổng thống cho tới nay đã không thể nào thay đổi, hay bỏ đi được chính sách y tế Obamacare của Obama là điều mà Trump hứa hẹn và muốn thi hành ngay khi vào Bạch cung, và các dân cử Cộng hòa cũng đồng ý trên nguyên tắc là như thế. Lý do căn bản là các người thay đổi đều muốn lôi cái lợi tất cả về phe mình. MIếng bánh chăm sóc sức khỏe không may lại là miếng bánh loại to nhất trong xã hội Mỹ, cho nên sự giành giật phần to luôn luôn là quyết liệt nhất, nhân danh vì lợi ích người được chăm sóc, tức là bệnh nhân. Đây không phải là điều mới lạ mà đã từ lâu, trong tất cả các chương trình vì lợi ích chung, từ thiện hay dân sự xã hội. Tiền cho người hưởng lợi ích nhiều lắm là được 1/3 tổng số, nếu không muốn nói là 1/5 hay ít hơn. Còn đa số là tiền chi vào việc thảo luận làm sao cho tới tay đối tượng! Mà kể ra là họp bàn ở hotel hạng xịn 5 sao hay là ở những khu họp đầy đủ giải trí sang trọng kiểu như Mar- a- Lago của Trump. Tiền ăn uống giải khát mà trung bình là 15 đô la một ly cà phê (thời Obama). Tiền máy bay di chuyển và tiền trả công cho các thuyết trình viên, các chuyên viên dự hội. Tiền tài liệu in ấn phổ biến quảng cáo vân vân và vân vân… Trong tương lai trước mắt, sẽ không có gì thay đổi theo chiều hướng khác, chưa nói là khá hơn. Bởi vi đó là nguyên tắc vận hành của xã hội dân chủ tư bản, được nhìn thấy rõ ràng trong nước Mỹ vĩ đại kiểu Trump. Mà tóm tắt là muốn gì nói nấy, thích gì làm nấy, sai đâu sửa đấy, không chịu thì ra tòa giải quyết.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 28 thảng 3/2020