LTS: Hiện nay toàn cầu đang báo động về Dịch viêm phổi phát xuất từ Trung Quốc. Việt Luận đã tiếp xúc và phỏng vấn một chuyên gia về Dịch học, Cao học về y tế công cộng, đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm về vi trùng và ký sinh trùng trong nhiều năm, đó là Ds. Trần Xuân Quang, một độc giả lâu đời của Việt Luận.
———————————-
VL: Xin ông cho biết về dịch viêm phổi đang hoành hành trên thế giới?
TXQ: Dịch (epidemic) là bệnh lây nhiễm do vi trùng hay siêu vi trùng xảy ra trong phạm vi một quốc gia.
Đại dịch (endemic) là bệnh dịch lây nhiễm từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trận dịch hiện nay là Đại Dịch Toàn Cầu.
Được gọi là vi trùng khi kích thước của nó từ vài micron trở lên (1 micron = 1/triệu m = 1/ngàn mm)
Được gọi là siêu vi trùng khi kích thước của nó nhỏ hơn 1 micron (thí dụ siêu vi trùng bệnh SARS = 0.3micron
Khác với vi trùng được nhìn bằng kính hiển vi, siêu vi trùng chỉ nhận dạng được qua kính hiển vi điện tử.
VL: Xin ông nói về dịch viêm phổi hiện nay
TXQ: Bệnh dịch đang lây lan tên là Dịch Viêm Phổi Cấp Tính, tác nhân gây bệnh là do siêu vi trùng Corona. Tên khoa học là 2019NCoV (N là novel, Co là Corona) tìm thấy năm 2019 tại Vũ Hán Trung Quốc. Còn có tên là Corona virus Vũ Hán.
Bệnh xuất phát từ thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hoa Nam, Trung Quốc từ ngày 22/12/2019.
Hiện đã lan sang 26 nước trên thế giới (trừ Châu Phi và Nam Mỹ)
VL: Thưa ông, số trường hợp mắc bệnh và tử vong là bao nhiêu?
TXQ: Tính đến ngày 5/2/2020, số ca nhiễm là 20.704 người, với 727 người đã phục hoạt, số tử vong là 427. Số tử vong 50-65 người/ngày trong tuần lễ qua, tất cả đều xảy ra tại Vũ Hán (thành phố 11 triệu người thuộc tỉnh Hoa Nam 60 triệu). Con số ca nhiễm và tử vong trên là do Trung Quốc đưa ra, theo Y tế Quốc tế (WHO), và các khoa học gia thì con số thực có thể lên hàng chục lần. Riêng Việt Nam, nhà cầm quyền loan báo có 8 ca nhiễm và chưa có tử vong.
Trên 26 quốc gia trên thế giới có tổng cộng 140 ca lây nhiễm. Có 1 trường hợp tử vong ở Philippines.
VL: Xin cho biết nguyên do lây nhiễm?
TXQ: Corona virus phát xuất từ loài dơi hay loài bò sát sống hoang dã ở Vũ Hán lây qua người, rồi người này lây qua người khác. Tốc độ lây nhiễm rất nhanh, gấp 6-8 lần bệnh SARS hồi năm 2003
VL: Xin cho biết cách lây lan?
TXQ: Hầu hết người bị nhiễm là do tiếp xúc với người hay thú vật đang mắc bệnh qua đường hô hấp hay qua đường ăn uống chung với người bệnh.
VL: Xin cho biết triệu chứng bệnh?
TXQ: Khi bị nhiễm, bệnh nhân:
- Khó thở, ho, mệt mỏi
- Một số ít ỏi mửa, đi cầu
- Giảm bạch cầu
- Suy giảm chức năng gan, thận
Tỷ lệ chết ở người mắc bệnh là 2.1%-3.1%. Đôi khi có thống kê lên tới 8-9%
VL: Còn Việt Nam thì sao thưa ông?
TXQ: Corona virus tran vô Việt Nam qua ngả Trung Quốc, đã có 7 ca được xác nhận thuộc 3 tỉnh (theo báo cáo của Việt Nam)
Theo đài Á châu Tự do, chỉ 2 tuần lễ sau của tháng 1, 2020, có 400.000 du khách Trung Quốc du lịch Việt Nam qua các ngả hàng không, hàng hải và đường bộ chưa kể băng qua rừng núi, sông suối không được kiểm soát.
Hiện nay số người Trung Quốc đã định cư và làm việc tại Việt Nam có thể lên tới nhiều trăm ngàn người. Tết vừa qua, họ về quê Trung Quốc ăn Tết rồi trở về Việt Nam. Đó là nguy cơ không thể kiểm soát nổi, có bao nhiêu người mang ổ dịch trong người. Ai biết?
Qua các cửa khẩu kiểm dịch chỉ đo nhiệt độ thân thể, nếu trên 38oC mới giữ lại cách ly. Câu hỏi là những người trong thời kỳ ủ bệnh từ 1-14 ngày chưa sốt vẫn chưa lọt qua, thật nguy hiểm trong việc lây lan khi phát bệnh.
VL: Y tế Quốc tế đã báo động gì chưa?
TXQ: Ngày 31/1/2020 Y tế Quốc tế đã chính thức loan báo: Đại dịch đã lây lan toàn cầu.
Riêng Việt Nam chưa báo động tình trạng khẩn cấp với lập luận: bệnh chưa lan ra trên 3 tỉnh thì chưa đáng báo động.
VL: Xin ông cho biết vấn đề phòng ngừa?
TXQ:
- Không có thuốc phòng ngừa
- Không đến những vùng có dịch
- Không tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh: đứng cách xa 3m
- Không tiếp xúc với người từ ổ dịch mới về
- Không dùng chung vật dụng với người bệnh
- Mang mặt nạ đặc biệt khi bắt buộc tiếp xúc với bệnh nhân
VL: Mặt nạ giúp được gì?
TXQ: Mặt nạ loại thường không ích gì cho việc gì cho việc phòng ngừa vì siêu vi trùng Corona rất nhỏ, dưới 1 micron, dễ dàng theo không khí lọt vào mũi, miệng, mắt.
Mang mặt nạ loại thường chỉ dùng cho người đang mắc bệnh để tránh lây lan cho người khác. Đây là khuyến cáo của Y tế Quốc tế WHO
VL: Xin ông cho biết việc chữa trị?
TXQ: hiện thế giới chưa có thuốc đặc trị nào cho Corona virus.
- Thuốc trụ sinh (antibiotics) và kháng sinh (sulfamids) đều vô tác dụng
- Khi một người bị nhiễm khuẩn thì thời kỳ ủ bệnh (incubation) là từ 1-14 ngày, theo Pháp là từ 1,2 ngày – 8 ngày. Các triệu chứng như sốt, ho, khó thở sẽ xảy ra sau đó ít ngày, cuối cùng là xâm nhập vào phổi gây sưng phổi (pneumonia). Nếu bệnh nhân không đủ kháng thể tự chống trả, người bệnh sẽ tử vong.
Như đã nói ở trên, không có thuốc chữa trị Corona virus, các bác sĩ sẽ cách ly bệnh nhân rồi chữa các triệu chứng: thuốc giảm sốt, giảm ho, trụ sinh để chữa sưng phổi. Nếu bệnh nhân không đủ kháng thể chống trả sẽ tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, một vài nước như Trung Quốc đang dùng thuốc Remdesivir do hãng Gilead của Mỹ bào chế (thuốc này trước đây chữa vi khuẩn E.bola). Nghe nói có một số kết quả khả quan. Tuy nhiên thuốc chưa được cơ quan y tế quốc tế và cơ quan y tế Mỹ công nhận.
VL: Thưa ông chừng nào chế xong vắc xin chữa trị?
TXQ: Vắc xin là loại thuốc dùng chính con siêu vi trùng đó, làm yếu đi, rồi tiêm vào người. Người bệnh sẽ tự tạo ra kháng thể đặc biệt đó để tiêu diệt con siêu vi trùng nói trên.
Phương pháp này rất an toàn, hiệu quả, đã được áp dụng gần trăm năm nay cho hầu hết các loại vắc xin.
Tính đến hôm nay đã có hơn 4 quốc gia phân lập được Corona virus đó là Mỹ, Pháp, Nhật, Úc (ĐH Queensland), sau đó tiến hành làm vắc xin đặc hiệu. Bình thường ít nhất phải 5-6 tháng mới sản xuất được hàng loạt. Được biết vắc xin chữa bệnh Sars 2003 ở Trung Quốc đã phải chờ tới 18 tháng mới sản xuất xong.
VL: Theo ông nghĩ đại dịch này bao giờ mới tạm ổn?
TXQ: Thưa, không có câu trả lời, tùy thuộc các quốc gia lây nhiễm phải có biện pháp gắt gao để tránh lây lan. Riêng một số các khoa học gia Hoa Kỳ dự đoán đỉnh dịch sẽ là tháng 4,5/2020. Nếu đúng như vậy, số người nhiễm sẽ tăng lên nhiều triệu nếu không ngăn chặn kịp thời..
VL : Xin cảm ơn ông. Ông còn gì muốn nói thêm không?
TXQ: Điều xin thưa thêm tôi nghĩ rất quan trọng là nơi kiểm soát sự di chuyển của dân chúng khi qua các trạm kiểm dịch quốc tế hàng không, hàng hải hay đường bộ, hiện nay là đo thân nhiệt từng người, nếu nhiệt độ bình thường được cho qua coi như xong. Tôi nghĩ vẫn chưa đủ vì nếu người đó vừa nhiễm khuẩn 1 vài ngày trước, chưa có triệu chứng sốt, họ sẽ lọt lưới, về nhà khi phát bệnh sẽ lây lan qua người khác như một ổ dịch di động. Rất mong sự lo ngại của tôi không là quá xa. Đặc biệt những người trở về Úc từ các nước Đông Nam châu Á nên lưu ý về các triệu chứng kể trên để phòng ngừa cho chính mình và gia đình.
VL: Một lần nữa xin thay mặt độc giả cảm ơn Dược sĩ Quang.
TXQ: Xin cảm ơn Việt Luận.