Tin tức về cái chết trong ngày thứ Năm 6 tháng 2 của Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người bị lây nhiễm virus corona, đã gây chấn động trong mọi giới dư luận Trung Quốc trong những ngày qua. Bác sĩ Lý, 34 tuổi, là một trong 8 bác sĩ đầu tiên của Trung Quốc đã cố gắng thông báo sớm cho đồng nghiệp về sự xuất hiện của loại virus 2019-nCoV mới. Kết quả là ông đã bị giới chức lãnh đạo của ông tại bịnh viện cũng như công an Vũ Hán gây khó dễ. Công an đã bắt ông viết giấy cam kết không tái phạm việc phổ biến tin thất thiệt về loại virus mới này. Cái chết của bác sĩ Lý, cùng lúc với sự bùng phát của loại dịch mới corona làm cho trên 41,170 người nhiễm bệnh, và lấy đi mạng sống của trên 910 người Trung Quốc chỉ trong một tháng, đã đưa tới sự phẫn nộ của hàng triệu người Trung Quốc và đẩy đến cao trào đòi “quyền Tự Do Ngôn Luận” trên các mạng xã hội. Theo thống kê từ Initium Media, tính đến 1:12 sáng ngày 7 tháng 2, chủ đề “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận” đã có tới 2,025 triệu lượt xem và hơn 8.000 bài đăng trên Weibo. Sau khi hashtag này đã bị xóa vì áp lực của chính quyền, hashtag “Chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận” lại được hàng triệu cư dân mạng tiếp tục chia sẻ. Bác sĩ Lý mất đi để lại đứa con 5 tuổi và người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm virus corona.
Theo dõi diễn trình sự việc thì người ta biết rằng vào cuối tháng 12 năm 2019, sau khi theo dõi một số bệnh nhân nhiễm virus giống SARS gây bệnh viêm phổi, bác sĩ Lý đã cảnh báo về loại virus mới này trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán. Ngay sau đó, vào đêm 30 tháng 12 năm 2019 ông đã bị các quan chức y tế thành phố Vũ Hán gọi đến yêu cầu giải thích lý do về sự loan báo tin đi. Sang đến ngày 3/1 bác sĩ Lý đã bị công an Vũ Hán mời đến làm việc. Họ buộc ông phải ký vào biên bản đã "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội" và cam kết không tái phạm, nếu không ông sẽ phải đối mặt với một bản án hình sự.
Ngày 8 tháng 1, bác sĩ Lý đã khám cho một nữ bệnh nhân bị bệnh tăng nhãn áp. Người này sau đó có triệu chứng sốt, hình chụp CT cho thấy bà bị viêm phổi do virus. Tuy nhiên, vào thời điểm đó bệnh viện không có dụng cụ thử nCoV, BS Lý cũng không mặc đồ bảo hộ do chỉ là khám thông thường. Sau đó vài ngày, BS Lý cũng bị ho, sốt và có các biểu hiện không bình thường nên buộc phải nhập viện. Đến ngày 1 tháng 2, BS Lý đã thông báo trên mạng Weibo rằng ông đã có phản ứng dương tính với virus corona mới. Cùng khi đó dịch bệnh virus corona đã lây lan nhanh tại Trung Quốc cũng như đã được truyền đi khắp thế giới. Trước hàng loạt thông tin được công bố và không thể che dấu mãi về dịch bệnh, chính quyền Vũ Hán đã xin lỗi bác sĩ Lý, và truyền thông Trung Quốc từ chỗ đưa tin bác sĩ Lý là người “tung tin đồn thất thiệt” đã đổi chiều gọi ông là “người thổi còi” của dịch bệnh.
Trước sự phẫn nộ của quần chúng về việc chính quyền đã che dấu sự phát triển của dịch bệnh, vài ngày trước khi BS Lý công bố kết quả dương tính, vào ngày 28 tháng 1 Tòa án Tối cao Trung Quốc đã cho phổ biến một bài bình luận trên mạng xã hội chỉ trích giới chức Vũ Hán về việc khiển trách bác sĩ Lý và các bác sĩ khác vì sự thông tin của họ. Bài bình luận viết, "Nếu công chúng lắng nghe 'tin đồn' này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì chúng ta đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn." Sang đến ngày 29 tháng 1, Tòa án Tối cao Trung Quốc chính thức gởi công văn khiển trách đến công an Vũ Hán.
Việc làm trên của Tòa án Tối cao Trung Quốc, tuy nhiên, có lẽ cũng chỉ là để tạm thời xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận trước sự lan rộng mạnh mẽ hiện nay của dịch bịnh nCOV tại Trung Quốc. Bởi vì nhìn kỹ lại thì những gì mà công an tại Vũ Hán đã làm chỉ là theo đúng những điều mà CT ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nói vào ngày 20 tháng 1, khi phát biểu lần đầu về tình hình của dịch bệnh, là “đẩy mạnh công tác định hướng dư luận và giữ đại cuộc ổn định xã hội”. Theo một tổ chức nhân quyền thì chỉ trong vòng một tuần từ 22 tháng 1 đến 28 tháng 1, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 công dân Trung Quốc với tội “loan truyền tin đồn”, “tạo ra sự hoảng loạn” hoặc “bịa chuyện gây rối loạn trật tự công cộng.“
Nói chung thì sự che dấu thông tin, che dấu sự thật, là bản chất cốt lõi của đảng cộng sản. Chỉ có sự che dấu thông tin và sự thật thì đảng cộng sản mới bảo đảm được độc quyền lãnh đạo đất nước. Đối với đảng cộng sản người dân phải mãi mãi ở trong vị trí bịt mắt che tai và để cho đảng dẫn dắt. Mọi quyết định, mọi suy nghĩ, và toàn bộ cuộc sống của người dân phải nằm trong sự định hướng của đảng. Những đòi hỏi về quyền con người và quyền tự do ngôn luận mà có tác dụng đưa đến sự chỉ trích, đe dọa cho quyền lực của đảng cộng sản phải ngay lập tức bị tiêu diệt bằng bạo lực từ đảng.
Trước sự phát triển toàn cầu của khoa học mạng điện tử, tuy nhiên, các đảng cộng sản trên thế giới ngày nay đã không còn thể bưng bít sự thật với người dân. Nhất là những sự thật có liên quan tới sinh mệnh, tới hạnh phúc và sự sống còn của mỗi người dân và cộng đồng mà họ đang sinh sống. Trước đây người dân có thể nhắm mắt như những con lừa để được yên thân trong cuộc sống thường nhật, nhưng khi hiểu được rằng sự nhắm mắt làm ngơ và thụ động cúi đầu của họ, sẽ chỉ đưa họ nhanh chóng đi tới hơn cái chết, thì đương nhiên trong lẽ sinh tồn, họ phải vùng lên đấu tranh để tự vệ và để giành lại sự sống cho chính họ và gia đình. Đó cũng là trường hợp hiện nay của cao trào đòi hỏi quyền “Tự Do Ngôn Luận” của người dân tại Trung Quốc, khi họ liên tưởng đến bản thân từ những cái chết đã có thể tránh được của bác sĩ Lý và hàng trăm người Trung Quốc khác, nếu sự thật về bệnh dịch mới đã không bị bưng bít bởi chính quyền Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, cho các bạn và cho tôi!” hay “Người dân vì sao không có quyền tự do ngôn luận, vì sao không có quyền được chất vấn, vì sao không có quyền được biết rõ sự việc, vì sao mà kênh truyền thông nào cũng là miệng lưỡi của chính quyền!!!” Đó là vài bình luận trong số những bình luận đã để lại trên mạng xã hội Trung Quốc trong vài ngày qua, dưới chủ đề “Chúng Tôi Muốn Tự Do Ngôn Luận.“