Trong những kỷ niệm của đời người, kỷ niệm của tuổi thơ với gia đình, người thân và bạn bè là những kỷ niệm đẹp và mãi theo chúng ta trong suốt cuộc đời. Hạnh phúc thay cho những ai có được những kỷ niệm gia đình thật trọn vẹn bên cạnh sự yêu thương của cả cha lẫn mẹ trong suốt quãng đời thơ ấu. Thế hệ chúng tôi, thế hệ con em của những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đa số đã thiếu hẳn những hạnh phúc gia đình trọn vẹn này khi có cha bị lưu đày trong các ngục tù Cộng Sản (CS). Thay vào đó, chúng tôi có thật nhiều những kỷ niệm khó quên trong những chuỗi ngày dài tự học hỏi, tự vươn lên, và tồn tại trong xã hội Cộng Sản, mà chúng tôi bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Một trong những kỷ niệm của tuổi thơ, đã mãi theo tôi tới hôm nay là cuộc hành trình gian truân cùng với mẹ đi thăm ba, bị giam tù ở Miền Bắc Việt Nam (MBVN).
Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm, hình ảnh, và ý nghĩ của tôi qua chuyến ra Bắc thăm ba.
Qua bài viết này, tôi muốn đem lại cho quý độc giả, nhất là các bạn trẻ và những thế hệ nối tiếp, những sự thật về chế độ CS qua những gì tôi đã nhìn thấy ở tuổi thơ qua chuyến thăm ba này.
Tôi chào đời khi đất nước của tôi chìm trong lửa khói chiến tranh và khi Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) theo chủ thuyết Cộng Sản Nga và Tàu xua quân đánh chiếm Miền Nam Việt Nam (MNVN). Thế nhưng, tôi quá nhỏ để nhận biết ra một cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra trên quê hương mình. Tôi chỉ hồn nhiên vui cười quấn quýt bên ba khi thấy ông oai phong trong quân phục áo hoa rừng. Tôi nhớ có những lần theo mẹ lên các trại lính thăm ba, mẹ và tôi được di chuyển trên trực thăng chinook và tôi đã khóc vì bị đau nhức tai do áp suất không khí trên cao bị thay đổi. Tôi nhớ hình ảnh của các người lính súng trong tay di chuyển trong doanh trại và tôi có dịp ngắm nhìn những chiếc chinook câu xe và pháo bay về một hướng. Tôi thích nhất là những lần được đưa đón đi học bằng xe jeep khi ba tôi về phép. Hình ảnh tuổi thơ của tôi có ba bên cạnh là như thế đó, không nhiều, nhưng rất đẹp và mãi theo tôi đến hôm nay.
Đến một ngày, tiếng súng nổ rền vang vọng về thành phố Sài Gòn và mẹ tôi đã lùa anh em tôi xuống trốn ở bộ ván trong nhà. Không lâu sau ngày ấy, tôi đã không còn những kỷ niệm tuổi thơ nào với ba và mãi không nhìn thấy ba bên cạnh. Năm tháng dần trôi, tôi sớm nhận ra rằng ngày ấy là ngày 30-4-1975, là ngày đen tối của dân tộc Việt Nam (VN), khi CSBV đã cưỡng chiếm Miền Nam (MN). Từ ngày ấy, đất nước tôi bị cai trị bởi chế độ CS vô thần, dân tộc tôi bị đàn áp đọa đày và gia đình tôi đã bị ly tán và phân biệt đối xử.
Là anh cả trong gia đình có 5 anh em, ba bị tù CS khi tôi mới vừa 5 tuổi, tôi đã sớm nhận ra những mất mát thiệt thòi trong tuổi thơ của anh em tôi và trong tuổi thanh xuân của mẹ tôi. Khác hẳn với những đứa trẻ cùng xóm, anh em tôi sớm biết tự lo cho mình từng miếng ăn, cái mặc, đến việc học hành khi mẹ tôi thường xuyên vắng nhà, để tần tảo buôn bán lo kế sinh nhai. Khác hẳn với những đứa trẻ cùng trang lứa, tôi đã sớm giúp mẹ từ việc nhà đến buôn bán, trông nom và bảo vệ các em tôi.
Đối với tôi, hình ảnh của mẹ giống như con cò lặn lội đồng gần, đồng xa kiếm mồi về nuôi đàn con nhỏ. Có những chiều, anh em tôi ra đứng ở thềm nhà trông chờ mẹ đi bán về. Còn vui nào hơn khi nhìn thấy mẹ, vì mẹ là tình thương và là chỗ dựa duy nhất của anh em tôi khi ấy. Nhớ những ngày tựu trường, mẹ tôi phải lo tiền mua sắm quần áo và tập vở cho 5 anh em tôi. Một mình mẹ chạy tới chạy lui để kịp buổi họp phụ huynh cho chúng tôi. Tôi thương mẹ nhiều hơn và cảm thấy sự thiếu vắng của ba tôi với gia đình.
Có những lần rong chơi cùng lũ trẻ trong xóm, tôi thường được cô bác láng giềng hỏi thăm về ba tôi, như: “Mẹ con có tin tức gì về ba không?”, “Ba con bị giam tù ở đâu?”, “Khi nào ba con về?”… vv và vv. Những câu hỏi ấy luôn gợi cho tôi lòng thương nhớ ba mình và mong ngày được gặp lại. Tôi đã tìm hiểu nguyên do tại sao ba tôi bị giam cầm và tôi sớm nhận ra rằng ba tôi, cũng như các bác tôi, các anh họ tôi, và cậu tôi là những người lính VNCH, đã cầm súng chiến đấu bảo vệ nền tự do và dân chủ cho MNVN, chống lại sự xâm lăng của CSBV. Thương nhớ ba, tôi thường hỏi mẹ, “Khi nào ba về?” hay “Khi nào mình gặp lại ba?”. Hỏi như thế, chứ tôi biết mẹ tôi còn nôn nóng ngày gặp lại ba nhiều hơn anh em tôi. Mẹ luôn trông ngóng những tin tức về ba. Khi được phép viết thư thăm chồng, mẹ luôn cho tôi viết vài hàng thăm ba. Những lá thư đầu tiên trong đời, tôi đã viết thăm ba trong ngục tù CS.
Mùa hè năm 1979, mẹ nhận tin là được phép ra thăm ba tôi, đang bị giam tù tại trại K3, Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Mẹ sẽ dẫn tôi đi cùng. Tôi quá đỗi vui mừng và đã chạy đi khoe với các bạn cùng sớm và cô bác láng giềng. Mẹ tôi phải làm nhiều hơn và phải bán đi chiếc xe Honda Dam, là phương tiện di chuyển duy nhất của mẹ, hầu có đủ tiền mua vé xe lửa, mua thực phẩm, thuốc men, và quần áo làm quà cho ba. Mẹ báo tin đến bà con xa gần về chuyến đi thăm này. Mẹ và tôi nhận được những tình cảm thân thiết qua nhiều lời nhắn gởi thăm hỏi đến ba tôi từ bà con xa gần và ngay cả các cô chú bác láng giềng.
Sau những ngày chuẩn bị, ngày đi thăm ba tôi đã đến. Chiều hôm đó, sau khi gia đình tôi dùng cơm chiều sớm hơn mọi ngày, mẹ tôi căn dặn các em ở nhà thật ngoan và nghe lời dạy bảo của ông bà ngoại và các dì. Khi tiễn mẹ và tôi ra đến hiên nhà, bà ngoại nói với tôi:
- Con nhớ nói với ba là ngoại thương nhớ ba con nhiều lắm.
Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò của ngoại. Tôi thương ngoại và hiểu rõ tình cảm của ngoại dành rất nhiều cho ba tôi, cho người con, người lính VNCH. Ngoại tôi đã mất một người con, cũng là người lính VNCH, vào những ngày cuối của cuộc chiến VN. Bà tôi đã khóc thật nhiều và có những lúc bà vẫn tin rằng cậu tôi đang lẩn tránh trong rừng cầm súng chống lại chế độ CS đương quyền. Tôi may mắn hơn các anh em bà con, đã sống gần bên ngoại. Bà đã kể cho tôi nhiều về những gian nan của gia đình hay những dã man của Việt Minh (tiền thân của Cộng Sản), khi ông bà còn sống trong vùng Việt Minh kiểm soát mà hằng đêm dân lành bị quấy phá, cướp bóc, cắt cổ, hay đập đầu.
Khi những tia nắng chiều vừa khuất dạng bên những tàu lá dừa xanh ở căn nhà đối diện, cũng là lúc mẹ và tôi phải chia tay gia đình ra ga xe lửa Bình Triệu. Cùng đi thăm nuôi với gia đình tôi còn có dì Năm, người hàng xóm thân thiết. Dì Năm đi cùng với mẹ chồng ra thăm chú Nguyễn văn Năm, một cán bộ xây dựng nông thôn của VNCH, cũng bị giam giữ tại trại K1 Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Lần theo số toa ghi trên tấm vé, mẹ và tôi đến chỗ ngồi trên toa xe lửa. Đây là toa ngồi cho hành khách, với từng cặp băng ghế gỗ đối diện nhau, chen giữa là một cái bàn nhỏ, đặt bên cạnh cửa sổ. Mỗi băng ghế chỉ đủ cho 2 người ngồi. Giữa toa xe có treo một ngọn đèn bóng vàng với ánh sáng yếu ớt chỉ đủ cho người ta nhìn thấy mặt nhau. Ở cuối mỗi toa tàu là nhà vệ sinh mà tiêu tiện không có thùng đựng để rơi rớt tự do qua cái lỗ xuống mặt đường rây.
Xe lửa từ từ chuyển bánh. Ngồi bên cạnh cửa sổ, tôi có dịp ngắm nhìn thành phố vào đêm và tôi có dịp cảm giác những làn gió mát thổi vào mặt. Trong đầu tôi miên man với nhiều suy nghỉ, đó là sẽ được gặp lại ba tôi và sẽ được nhìn thấy những điều mới lạ trong đời. Đêm đã khuya, mẹ tôi phủ lên sàn tàu bên dưới băng ghế một lớp nylon và bảo tôi nằm ngủ trên đó. Nằm sát sàn tàu, tôi nghe văng vẳng tiếng kêu nhịp xình xịch, tiếng ma sát của bánh xe với đường rây kêu ken két, hòa lẫn tiếng còi hụ như hòa nhịp đưa tôi vào giấc ngủ từ lúc nào.
“Trà xanh đây, trà xanh đây” – Tiếng rao của nhân viên trên tàu đã làm tôi thức giấc. Những tia sáng ban mai xuyên qua cửa sổ làm cả toa tàu sáng lên. Một phụ nữ, trạc tuổi mẹ tôi, và người con cũng trạc tuổi tôi đang ngồi cách chỗ chúng tôi vài dẫy ghế. Sau khi trao đổi đôi lời, dì ấy và mẹ tôi mới biết là giống nhau, cùng dẫn con đi thăm chồng ở cùng trại K3, ở Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Vậy là có ba gia đình cùng trên một chuyến xe lửa đi thăm chồng, thăm con, và thăm cha bị lưu đày trên đất Bắc xa xôi. Cả dì ấy và mẹ tôi rất vui vì đã có người đồng hành, có thể nương vào nhau cho chuyến đi này. Tôi có hỏi thăm tên của người bạn trẻ ấy, nhưng thời gian từ ngày đó tới hôm nay đã hơn 35 năm, tôi đã quên mất tên bạn. Xin cho phép tôi gọi bạn ấy là Tuấn trong bài viết này.
Nhìn qua khung cửa sổ xe lửa, một bức ảnh quê hương tuyệt đẹp hiện ra trong mắt tôi. Những dãy núi đồi trùng điệp nối tiếp nhau, cùng những cây xanh mọc trên sườn và với những đám mây trắng lững lờ bay bay trên cao đã tạo thành một bức tranh sinh động của giang sơn Việt Nam, gấm vóc và hùng vĩ. Những hình ảnh xinh đẹp đó tiếp tục hiện ra trước mắt tôi, khi xe lửa uốn lượn theo sườn núi, chui qua hang, hay chạy sát dãy bờ biển xanh thẳm. Nhưng, có những đoạn đường, xe lửa băng qua những cánh rừng và chạy sát những khu dân cư với những căn nhà tranh vách đất thô sơ. Một số người dân đứng trước những căn nhà đó, trong quần áo rất đơn sơ, dõi mắt nhìn theo chiếc xe lửa chạy qua. Tôi đã nhìn ra được những hình ảnh nghèo nàn của các làng quê tương phản với hình ảnh thiên nhiên thật đẹp.
Nhìn vào danh sách các toa tàu in trên tờ lịch túi mà mẹ tôi mang theo, chúng tôi có thể biết trước những ga mà xe lửa sắp đến. Xe lửa vượt qua những ga nhỏ và dừng lại các ga lớn như: Nha Trang, Diêu Trì, và Đà Nẵng, thật lâu để đưa đón khách. Những lần vào ga lớn như thế, tôi có dịp nhìn thấy cảnh náo nhiệt của người đi, người đến, của người mua, người bán. Những người buôn hàng nhảy bổ lên và xuống các toa xe với các bao hàng. Những người bán hàng rong, trong tay với những bịch cơm, thúng bánh, trái cây, hay nước uống chạy dọc các cửa sổ rao bán. Và một lần, tôi đã nghe tiếng “Sim đây, sim đây”. Một thứ trái cây lạ, tôi chưa bao giờ biết. Mẹ tôi kêu người bán sim lại và mua một bịch. Thì ra, đó là trái sim tím có hình tròn, to cỡ đầu ngón tay cái, và có vị ngọt. Cậu thanh niên, ngồi ở băng ghế gỗ đối diện chúng tôi, cho biết rằng hoa của trái sim đã đi vào nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim”, một bài hát mà tôi rất thích và CS đã cho là nhạc vàng cấm hát ở VN vào lúc đó. Khi xe lửa rời ga, đi ngang qua những đồi hoa tím, cậu thanh niên cho chúng biết đó là những đồi hoa sim.
Được ngắm nhìn quê hương và được mẹ cho ăn trái cây lạ hay món ăn lạ không có ở Miền Nam, tôi cảm thấy thật là thú vị. Những cái thú vị đó đã không còn nhiều khi xe lửa tiến dần ra Miền Trung.
Tôi nhớ rất rõ, sau khi rời ga Nha Trang, xe lửa đổi đầu máy chạy ngược hướng lại. Xế trưa, xe lửa chầm chậm chạy qua cầu Đà Rằng, một cầu thật dài trên một cây số. Cây cầu thì dài mà xe lửa chạy thì quá chậm làm cho tôi có cảm giác là xe lửa sẽ không bao giờ rời cây cầu này. Bất thình lình, tôi nghe nhiều tiếng kêu la từ các toa tàu phía trước, “cướp, cướp, cướp”. Đang bàng hoàng, không biết cướp ở đâu thì tôi nghe tiếng va cạch cạch cạch của thanh gỗ vào các khung cửa sổ và đi ngang qua cửa sổ chỗ tôi ngồi. Khi tiếng kêu vừa xa dần, ngó ra ngoài tôi thấy nhiều người thanh niên đứng trên những thanh chéo zích zắc của thành cầu, tay cầm thanh cây quét đồ vật trên bàn hay chòm vào giật đồ tư trang của của các hành khách. Vô số đồ vật rơi xuống bên dưới dòng sông, vốn chỉ là dòng nước cạn chảy nhẹ qua các mỏm đá. Mùa hè là mùa khô hạn ở Miền Trung, các dòng sông như sông Đà Rằng rất cạn nước, nên những người cướp cạn trên cầu sẽ rất dễ lội xuống lòng sông vớt lên những đồ quơ rớt được.
Màn đêm dần buông, xe lửa vẫn tiếp tục lăn dài trên đường rây. Sau một ngày dài ngồi trên xe, mẹ và tôi ngả lưng sớm. Bất chợt, tôi nghe mẹ tôi hét lên thật lớn “ao…ao...”. Ngồi dậy, tôi thấy mẹ tôi ôm lấy bàn chân. Thì ra, khi xe lửa vào ga ban đêm, một số người bán hàng rong đánh thức hành khách dậy mua hàng, đã cầm thanh cây dài quét qua các khung cửa sổ, đập vào chân mẹ tôi đang gác chân lên thành cửa sổ trong khi ngủ. Sau đêm đó, để ngủ yên, mẹ tôi cũng như các hành khách khác đều đóng kín cửa sổ nơi mình ngồi. Ở một số ga, cả buổi trưa lẫn tối, người bán hàng còn tạt nước vào cửa sổ để đánh thức hành khách. Để tránh bị tạt nước vào trong toa ban ngày, hành khách phải ngồi sát cửa sổ để cho các người bán hàng trông thấy.
Tôi còn có dịp ngắm thêm vẻ đẹp của rừng núi Việt Nam khi xe lửa vượt qua đèo Hải Vân. Một bên xe lửa là vách núi, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm. Ở những khúc đường quanh co, tôi có thể nhìn thấy các toa đầu và các toa đuôi của xe lửa và nó uốn lượn như một con rắn dài đang trườn trên sườn núi. Khi xe lửa ra đến Quảng Trị, tôi thấy nhiều chiếc xe tăng bị cháy hư vẫn còn nằm dọc theo những con đường. Cậu thanh niên ngồi đối diện cho mẹ và tôi biết đây là vùng địa đầu giới tuyến với vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước VN. Khi xe lửa vượt cây cầu bắt qua sông Bến Hải, anh ta lại cho biết cây cầu này được xây lên sau 1975 để nối tuyến đường sắt Nam Bắc, mà CS còn gọi là tuyến đường sắt Thống Nhất.
Sau này lớn lên, tôi tự hỏi “Có thật sự là VN đã thống nhất không?” Khi mà vô số những cách biệt thành hình một cách rõ nét trong chế độ CSVN giữa những CS đỏ, giàu sụ chuyên đàn áp và cướp bóc dân lành, và người dân nghèo khó bị bóc lột, giữa nhiều từng lớp giai cấp thống trị qua hệ thống chiều dọc Đảng trị từ trên xuống và người dân thấp cổ bé miệng bị hà hiếp. CSBV đã lợi dụng chiêu bài thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc để khích động lòng yêu nước từ già đến trẻ, cầm súng chống Mỹ, mà dã tâm của chúng là làm tay sai và vâng lệnh các đàn anh CS Nga Tàu, gieo rắc chủ thuyết CS lên cả hai mền Nam Bắc của Việt Nam. Vì thế xâm chiếm MN là điều CS Hà Nội, thái thú cho Nga Tàu đã làm, thay cho sự giả dối nói là thống nhất VN hay giải phóng MN.
Sau ba ngày ba đêm, xe lửa vào ga Vinh vào lúc xế chiều. Ga này là điểm dừng cho những gia đình đi thăm nuôi của các trại tù ở Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Sau khi xuống xe lửa, ba gia đình chúng tôi được các thanh nhiên kéo xe mời chở hành lý và hướng dẫn về nhà trọ. Sau khi thỏa thuận giá cả, anh thanh niên bỏ các hành lý lên thùng xe, rồi ra phía trước choàng dây ngang cổ và hai tay nắm hai tay cầm dài kéo xe chạy, trong khi mẹ và tôi chạy theo sau. Tôi quá đổi ngạc nhiên vì không bao giờ nghĩ là có người kéo xe như thế trên đời này. Trong hơn một ngày lưu lại ở thành phố Vinh, tôi đã không thấy một chiếc xe mô tô, một chiếc xe xích lô, hay xe ba bánh mà tôi thường nhìn thấy ở Miền Nam.
Sau này, khi học sử nói về thời phong kiến và thời Pháp thuộc, học sinh chúng tôi được học những phương tiện thô sơ thời ấy như xe kéo, xe thồ, và xe lôi. Tôi thầm nghĩ, có ai trong đám bạn tôi có biết là tôi đã từng nhìn thấy xe kéo vẫn còn được dùng trên thiên đường CS ở đất Bắc. Hóa ra, chế độ CSVN đã tạo “thiên đường” ở đất Bắc ngày đó ngang bằng hoặc tệ hơn với các xã hội phong kiến ngày xưa qua những phương tiện vận chuyển thật thô sơ.
Người phu xe kéo hành lý đưa chúng tôi tới căn nhà trọ nằm ở góc trái trong bến xe đò Vinh, về đêm thật vắng lặng. Căn nhà trọ chỉ là một gian nhà vách cây vuông vức, kê bốn bộ ván ở bốn góc nhà. Ba gia đình chúng tôi đã thuê ba bộ ván để ngủ qua đêm.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy và không thấy mẹ tôi đâu. Hỏi qua bà cụ (mẹ của chú Nguyễn văn Năm) thì được biết là mẹ tôi và các dì đã ra ngoài mua vé xe đò đi lên Nghệ Tĩnh. Bước ra khỏi gian nhà, tôi nhìn thấy cảnh đìu hiu, khác hẳn với cảnh náo nhiệt buôn bán như những bến xe ở MN mà tôi biết, như Xa Cảng Miền Tây. Điểm chung mà tôi thấy ở bến xe này với những chỗ đông dân như bến xe và các chợ ở MN là những biểu ngữ đỏ hô hào tuyên truyền giăng khắp nơi với cái loa phát thanh thật lớn luôn ra rả ca ngợi Đảng CS vô thần suốt ngày. Gần trưa, mẹ và các dì mới mua được vé xe đò cho chuyến xe sáng mai. Thế là chúng tôi phải ở lại bến xe Vinh qua một đêm nữa.
Không tìm thấy quán ăn nào hết ở bến xe, ba gia đình cùng nhau đi bộ tới chợ Vinh gần đó. Bước vào ngôi chợ, đập vào mắt tôi là một màu xanh, mọi người trong chợ đều mặc quân phục bộ đội CS. Chỉ có chúng tôi trong những tấm vải có màu khác nhau. Thoạt đầu, tôi nghĩ ai cũng là bộ đội CS vì trong họ có người còn đội nón cối bộ đội. Nhưng sau đó, tôi biết họ chỉ mặc đồ giống nhau thôi, bởi vì họ không có quần áo nào khác. Tôi chợt nhớ lại, Sài Gòn sau năm 30-4-1975, tôi đã thấy nhiều thành phần xu nịnh và đón gió trở cờ, tìm mua quần áo, dép râu và nón cối của bộ đội CS để mặc. Dân MN chúng tôi rất ghét thành phần đón gió trở cờ này. Tôi lại tự hỏi, không lẽ tất cả người dân ở Vinh đều là thành phần xu nịnh CS. Tôi đã không có câu trả lời cho câu hỏi trong đầu khi đó.
Nói là ngôi chợ, nhưng cái chợ Vinh này đã khác hẳn với những ngôi chợ ở MN mà tôi biết. Chợ Vinh chỉ là một gian nhà rộng có bốn vách, không kiểu cách, với những người bán hàng ngồi bẹp xuống đất hay trên sàn gỗ rất thấp. Họ bán những món hàng đơn sơ hay nông phẩm của họ. Đảo quanh một vòng chợ, chúng tôi không thấy một quán ăn nào hết. Mẹ tôi mua một bịch trái hồng quân để ăn cho đở khát và đói. Qua hỏi thăm, chúng tôi được biết gần đó có một “cửa hàng ăn uống”, do CSVN làm chủ.
Dưới cái nắng nóng tàn khốc và những cơn gió khô và hắc, chúng tôi nhễ nhãi mồi hôi đi bộ tới “cửa hàng ăn uống”. Tôi nhớ con đường có nhiều cát bụi và những hạt cát cứ đua nhau chui vào đôi dép tôi mang, tạo nên cảm giác khó chịu. Vốn là đứa bé chân đất thích chạy nhảy, tôi xách dép đi chân không. Đi chân trần không lâu tôi cảm thấy như đi trên lửa và tôi phải mang dép vào.
Sau này, qua sách vở tôi biết được tôi đã đi trong cái nóng do gió khô và nóng thổi từ Lào sang. Hơi nước trong gió đã bị chắn lại bên mạn Tây của dãy Trường Sơn và chỉ còn cơn gió khô nóng tỏa lên trên mãnh đất miền Trung.
Bước vào trong “cửa hàng ăn uống”, chúng tôi không thấy ai phục vụ cho khách ngồi ăn tại bàn cả. Khách phải tự đến quầy mua thức ăn để chọn món ăn. Sau khi trả tiền, khách được đưa cho tem phiếu rồi tự tới quầy nhà bếp để nhận thức ăn. Ngoài món ăn chính, mẹ tôi đã mua thêm “chè xanh” để ăn cho mát. Mẹ và tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhân viên trong bếp dùng cái giá làm bằng lon sửa bò để múc nước chè xanh cho vào cái tô. Chúng tôi cầm thức ăn tới bàn ăn, rất dơ, dính đầy đồ ăn, và có vô số con ruồi. Cả mẹ và tôi điều ngạc nhiên, “chè xanh” chỉ toàn là nước, không có cái gì hết. Khi uống vào, thì chúng tôi mới biết đó là trà xanh. À ra, “chè xanh” của người MB lại là trà xanh của người MN!
Sau này, tôi suy ra rằng, CSVN theo học thuyết “chuyên chính vô sản” đã tạo ra “thiên đường” trên đất Bắc, khi chúng thi hành chính sách xóa bỏ giai cấp của người dân. Người dân trở thành vô sản, còn mọi tài sản đều nằm trong tay của người CS và đảng của chúng. Người dân được chúng ban phát mọi thứ, từ cái ăn cái mặc cho tới công ăn việc làm. Quần áo là những quân phục do Tàu Cộng cung cấp và lương thực thì được ban phát theo tiêu chuẩn. CSVN đã và đang thuần phục người dân MB qua sự ban phát, để trở thành những con người vô tri vô giác chỉ biết vâng thưa dạ bảo, chờ hưởng bổng lộc và tin tưởng tuyệt đối mù quáng vào đường lối lãnh đạo độc tài của Đảng CSVN. Sau ngày xâm chiếm MN, CS cũng đã đã thực hành những chính sách của chủ thuyết CS như vơ vét tài sản, cưởng bức và tập trung lao động và nắm quyền ban phát mọi thứ … vv và vv lên người dân MN. Người dân MN từ ấm no, tự do và dân chủ đã đi dần tới nghèo đói, lạc hậu, và mất hết mọi quyền làm người.
Khi ăn trưa xong, chúng tôi đi bộ về căn nhà trọ trong cái nắng gay gắt. Nơi đây không có phòng tắm, vì thế chúng tôi phải ra nhà tắm công cộng ở bến xe. Chúng tôi phải trả tiền cho từng thùng nước giếng, mà cũng chỉ đủ ướt người. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nhà tắm công cộng trong “thiên đường” CS khi mà người dân thì quá nghèo nàn, lạc hậu, và bần cùng trong những nhu cầu căn bản sinh hoạt hằng ngày.
Khi trời còn tờ mờ sáng, chúng tôi đã lên chuyến xe đò từ Vinh đi Thanh Hóa. Dù đã mua vé xe, chúng tôi không có chỗ ngồi mà phải đứng trên xe đông nghẹt người, chen lẫn với cả hàng hóa. Xe đò chạy ngoằn ngoèo qua những con đường đầy cát bụi trong cái nắng oi bức và xe dừng lại nhiều lần để đón khách và hàng hóa dọc đường. Xế trưa, xe dừng lại và người lơ xe cho biết đây là trạm dừng cho các gia đình đi thăm nuôi tại các trại tù ở Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Cả ba gia đình chúng tôi xuống xe và tôi nhìn thấy một vách núi thật cao bên lề phải của xe. Bước qua bên kia đường, chúng tôi đi vào một con đường nhỏ. Đây là con đường đất thật dài và không có một bóng râm. Mẹ tôi và các dì với các hành lý nặng trĩu đôi tay, dẫn mẹ chồng và các con lê bước mãi trên con đường trong ánh nắng hực nóng của mùa hè. Chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để mẹ và các dì nghỉ tay. Đi mãi trên con đường, cuối cùng chúng tôi tới một ngã tư với bản chỉ dẫn trên tấm gỗ, đi thẳng tới trại K1 và quẹo phải đi tới trại K3. Dì năm và bà cụ tiếp tục đi thẳng đến K1, còn gia đình tôi và gia đình Tuấn thì rẽ phải.
Trên con đường này có những hàng cây khuynh diệp trồng dài trên bờ đê cao. Tôi đã chạy trên bờ đê này, bứt vài lá khuynh diệp vò lại và ngửi chúng. Đứng trên cao với tầm nhìn rộng, tôi thấy những cánh đồng trống không khô cạn, không một cây xanh. Những vùng đất trũng không có nước. Tôi cũng không nhìn thấy một ngôi nhà dân nào hết. Thật là vùng đất khô cằn không có sự sống, khác hẳn với miền quê MN với những ruộng lúa, ao mương có cá, cua và ốc, và có những cây xanh như bình bát và dừa mọc dại ven đê mà tôi có thể bắt hoặc hái khi về thăm quê nội hay ngoại. Khi đi hết hàng cây khuynh diệp, chúng tôi tới căn nhà nằm bên lề phải của con đường và chơi vơi giữa vùng đất hoang vắng, xa xa là những dãy núi cao bao quanh. Căn nhà có ba gian, gian giữa dùng làm phòng thăm nuôi, hai gian còn lại dành cho các gia đình thăm nuôi ngủ lại. Mỗi gian chỉ rộng đủ để kê hai cái giường và không có một vật gì trong đó. Hai gia đình chúng tôi đã vào chung một gian nhà, vì gian nhà kia đã có một gia đình tới ở trước đó.
Ngay chiều hôm đó, qua trò chuyện, mẹ và tôi được biết là sẽ có buổi gặp thăm nuôi của gia đình ở bên gian nhà kia. Đó là người mẹ dẫn theo hai người con trai, lớn tuổi hơn tôi. Gia đình của dì ấy được gọi qua ngồi bên gian nhà giữa. Tôi đã chạy ra đứng trên con đường trước căn nhà và nhìn thấy một hình ảnh thật cảm động. Từ xa xa, tôi thấy hai người công an cầm súng đi bên cạnh hai người tù, mà những cánh tay choàng nhau làm kiệu khiêng một người tù thật yếu. Khi đoàn người tới gần, tôi nhìn thấy bác ngồi trên kiệu thật ốm và đôi chân hình như đã quá teo nhỏ, có thể do bị biệt giam quá lâu hay do bệnh. Một không khí thật buồn, khi tôi thấy cảnh gia đình xum họp và tôi biết rằng tôi sẽ gặp ba tôi cũng tại gian nhà này ngày mai.
Xế chiều, tôi nhìn thấy từng đội người tù đi lao động về ngang qua trước gian nhà từ trái qua phải, với những ánh mắt nhìn vào bên trong gian nhà. Các đội đi thành bốn hay năm hàng dọc và có một tên công an cầm súng đi sau cùng. Tôi chạy sát tới đoàn người tù và có nhiều tiếng nói từ trong đoàn người hỏi thăm với nhiều câu hỏi như: “Con ra đây hồi nào?” và “Ba con tên gì.” Tôi đã trả lời các câu hỏi như: “Con mới ra chiều nay.” và “Ba con tên Nguyễn minh Đường.” Tôi mong mỏi tìm trong đoàn người xem có ai nhận là ba tôi không? Nhưng không thấy ai kêu tên tôi cả.
Màn đêm phủ xuống dần trên vùng đồi núi Nghệ Tĩnh với những tiếng ễnh ương và bìm bịp kêu đêm. Quang cảnh thật buồn và ảm đạm. Mẹ và tôi nằm co ro trong đêm tối với những ngọn nến thấp sáng phất phơ trong gió. Trong gian nhà không đèn và không cửa, nhìn ra ngoài tôi chỉ thấy một màn đen phủ kín.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm và đi bộ ngược lại con đường đất mà chúng tôi đã đi vào hôm qua vì tôi biết là các đội người tù sẽ đi về hướng này. Khi ra gần tới ngã tư, tôi đứng lại tại đó vì không biết là các đội sẽ đi hướng nào. Đứng trên bờ đê dưới hàng cây khuynh diệp, tôi thấy từng đội đi về hướng mình. Những ánh mắt trìu mến của các chú bác cùng nhìn về phía tôi, một đứa bé từ Miền Nam ra và có mặt duy nhất tại nơi đó. Các chú bác lại hỏi tôi rất nhiều câu hỏi như ngày hôm qua như: “Con bao nhiêu tuổi?”, “Con ra đây với ai?”, “Có mấy gia đình ra thăm nuôi vậy con?”, “Ba con tên gì?” hay “Đồng bào mình trong Nam thế nào hả con?” Hòa trong những câu hỏi, tôi nghe rất rõ những câu căn dặn:
- Trưa nay, con nhớ ra ngã tư này lượm các thư tay nha con.
Tôi đã trả lời các câu hỏi và hứa là sẽ ra lại đây trưa nay.
Tôi đứng đó nhìn các chú bác mà lòng cảm thương và quặn đau trong lòng. Các chú bác trong màu áo tù xám bạc đã cũ và không lành lặn, thân hình gầy gò, mặt bơ phờ và rạm nắng. Tôi đã đứng sát ngã tư đó nhìn từng đội người tù đi qua và các đội đã rẽ theo ba hướng khác nhau. Có nhiều chú bác đi qua đã vuốt đầu hay nựng lên khuôn mặt tôi. Tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương của các chú bác cho một đứa bé trạc tuổi con mình. Tôi đã cảm nhận được sự thương nhớ gia đình và Miền Nam của các chú bác khi ấy.
Sau đó, tôi chạy về gian nhà thì được mẹ cho biết là gia đình tôi và gia đình Tuấn sẽ được cho gặp ba chiều nay. Tôi rất vui và cũng hỏi xin mẹ mấy cái bao ny lon. Mẹ hỏi tôi để làm gì và tôi cho biết là con sẽ đi lượm thư tay trưa nay. Sau khi mẹ cho hai cái bao ny lon, tôi rủ Tuấn cùng thả bộ ra con đường cho vui. Trên đường đi, chúng tôi thấy có rất nhiều chú bác đứng bên trong một hàng rào cây. Tuấn và tôi bước tới thì được các chú bác kêu vào chơi. Nếu tôi nhớ không sai, thì đây là tổ làm đồ nguội vì các chú bác đã cho chúng tôi những cây lược kim loại làm bằng vỏ đạn. Các chú bác đã ôm hôn và tung hứng chúng tôi lên trên không rồi chụp lại. Chúng tôi cũng được các chú bác hỏi nhiều câu hỏi.
Sau khi chia tay với các chú bác, Tuấn và tôi tiếp tục đi xa hơn nữa để tìm xem các chú bác khác đang bị bắt làm việc ở đâu. Đang đi, chúng tôi phát giác ra một hàng rào với những cây xanh thật cao (cao hơn chúng tôi) che kín. Tuấn và tôi rón rén đi dọc theo hàng cây tới trước một cái cổng. Nhìn qua một sân đất, chúng tôi thấy một tên công an, từ bên trong căn nhà bước ra, rồi hét thật to:
- Đ. M. chúng mày đi đâu đây? Tao sẽ bắt nhốt hết chúng mày.
Gã công an chụp lấy chiếc xe đạp chạy về hướng chúng tôi. Cứ nghỉ là mình bị rượt đuổi bắt, tôi và Tuấn chạy một mạch thật nhanh về tới căn nhà thăm nuôi. Đứng bên trong căn nhà, tôi thấy tên công an đạp xe ngang và chạy về hướng trại K3.
Sau này, tôi nghỉ rằng tên công an này chắc là cán bộ cao cấp của trại nên được cấp nhà ở bên ngoài trại. Hơn nữa, trong khi các công an khác phải dẫn những đội người tù đi lao động thì hắn nhởn nhơ ở nhà. Trên ghế nhà trường hay qua tuyên truyền ở địa phương, chúng ta thường được nghe nói: “cán bộ là đầy tớ của nhân dân hay nào là đạo đức cách mạng”. Đó những tuyên truyền dối trá, tương phản với những gì tôi nhìn thấy: Một tên công an chửi thề và hăm dọa hai đứa bé 9 tuổi.
Với tính hiếu kỳ, tôi đã đi bộ một mình về hướng trại K3 mà tôi chưa đi tới đó. Đi mãi một đoạn đường, tôi thấy một bác thật già ngồi bên trong một cái chòi lá, bên ngoài là những líp cây cà chua mà trái còn non xanh. Tôi đã đến cái chòi và bác đã bảo tôi vào chơi. Tôi rất ngạc nhiên là chỉ có một mình bác ngồi đó không một người bạn tù hay một tên công an canh giữ. Bác cho tôi biết là bác già rồi nên không thể làm việc nặng, vì thế được giao chăm nom những líp cà này. Ngồi trò chuyện với bác, tôi đã quên bẵng đi là mình đã muốn đi tới sát trại K3. Bác cho tôi biết là đã tới giờ các đội sẽ về trại ăn trưa. Nghe tới đó, tôi liền chào tạm biệt bác và chạy nhanh về gian nhà để cùng ăn trưa với mẹ.
Trưa hôm đó, tôi rủ Tuấn cùng đi tới ngã tư để đứng chờ các đội ra đi lao động. Khi từng đội rẽ trái hay phải tại ngã tư, các chú bác đi trước liền liệng những mẫu thư giấy, được cuốn nhỏ, sang hai bên lề đường. Những mẩu giấy bay hàng loạt thật nhanh và rơi rãi khắp nơi. Sau khi các đội đi qua thật xa, Tuấn và tôi chạy sang hai bên lề đường cẩn thận tìm và nhặt hết những mẫu thư tay. Tôi đã cầm hết những bao thư nhặt được về cho mẹ tôi.
Thế rồi giờ phút mong chờ của mẹ và tôi được gặp lại ba tôi đã đến. Mẹ tôi xách các bao quà gởi cho ba dẫn tôi bước qua gian nhà thăm nuôi. Gia đình tôi và gia đình Tuấn được xếp ngồi chung vào một băng ghế ở giữa có cái bàn dài. Ba tôi và ba Tuấn, bị hai tên công an áp giải từ trại K3 ra, ngồi vào băng ghế đối diện. Một tên công an ngồi ở đầu bàn để quan sát buổi thăm nuôi. Khi nhìn thấy ba tôi trong thân hình gầy guộc và khuôn mặt khác lạ hốc hác, mẹ và tôi rất ngỡ ngàng và khóc thật nhiều. Mẹ và tôi đã chòm qua bàn để ôm và nắm tay ba, thì bị tên công an với giọng nói hống hách, hét lên:
- Bà và con bà ngồi xuống tại chỗ cho tôi.
Tôi cảm thấy căm hận về hành động kiểm soát và mất lịch sự của tên công an. Thời gian thăm nuôi chỉ diễn ra khoảng 30 phút dưới sự quan sát và lắng nghe của những tên công an có mặt tại đó, vì thế chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện gia đình. Ba tôi đã hỏi thăm về các em tôi, về bà nội tôi, về ông bà ngoại tôi và về bà con xa gần. Mẹ tôi đã kể cho ba nghe về gia đình và mẹ báo cho ba tin buồn là bà nội tôi đã qua đời chỉ vài tháng sau khi ba tôi, các bác tôi và anh họ tôi đi tù CS. Ba tôi cho mẹ biết là qua các lá thư mẹ gởi cho ba tôi trước đây, cho dù mẹ tôi đã không báo tin nội mất vì sợ ba buồn, ba tôi đã có linh tính là bà nội tôi không còn trên cõi đời này. Ba đã hỏi tôi:
- Con học lớp mấy rồi, học có giỏi không con? Các em con thế nào rồi?
- Con sẽ vào lớp 5 và con học giỏi. Các em rất ngoan và biết nghe lời mẹ. Tôi thưa lại với ba.
Ba tôi đã căn dặn tôi:
- Con là con lớn trong nhà, ráng phụ giúp mẹ và trông em. Giúp các em trong việc học. Ba luôn thương nhớ các con nhiều.
- Dạ, ba. Tôi đáp lại trong lời nói nghẹn ngào không ra tiếng.
Ba bảo mẹ tôi đi nhận lại những đồ vật ba tôi mang theo khi đi tù, vì tù CS không bị kêu án, không biết ngày nào về.
Hòa trong những tiếng khóc, tiếng nức nở cho chồng cho cha, tôi nghe những tiếng quát thật to của tên công an với ba của Tuấn:
- Anh phải nói chuyện với vợ con anh chứ. Nếu anh không nói, chúng tôi sẽ không cho vợ anh gửi thư, gửi quà hay ra thăm nuôi anh nữa.
Mặc cho những lời khuyên và răn đe của tên công an lập đi lập lại, khi lên giọng khi xuống giọng, tôi vẫn không thấy ba Tuấn thốt ra một lời nào với mẹ con Tuấn.
Khi giờ thăm nuôi đã hết, ba Tuấn và ba tôi bị dẫn về trại K3, thì tên công an ngồi lại và nói với mẹ Tuấn là sẽ cho gia đình Tuấn gặp lại ba Tuấn thêm vài lần nữa để khuyên ông nói chuyện trở lại. Tên công an kể là đầu năm nay (1979) khi ở Yên Bái, ba Tuấn đang đi lao động và đã bỏ chạy về hướng bộ đội Trung Cộng khi chúng đang đánh chiếm qua biên giới VN. Ba Tuấn bị bắt lại và bị đưa vào trại K3 này và từ đó ông không nói chuyện với bất kỳ ai.
Ngày hôm sau, mẹ dẫn tôi qua trại K1 làm đơn nhận lại một số tư trang cá nhân của ba như đồng hồ. Nhờ ở lại thêm một ngày, tôi lại chạy ra ngã tư cả buổi sáng và buổi trưa một mình để chờ và nhặt tiếp các lá thư tay mà các chú bác còn muốn gởi. Tuấn không đi nhặt thư với tôi vì gia đình Tuấn được cho gặp ba Tuấn vào buổi sáng và có thể vào buổi chiều hôm đó. Xế trưa, mẹ và tôi chào tạm biệt mẹ con Tuấn để ra đón xe đò về lại bến xe Vinh.
Mẹ tôi đã để lại những vật dụng mà có thể giúp cho những gia đình thăm nuôi sau này cần đến như những hột diêm quẹt và đèn cầy. Mẹ và tôi đi bộ ra con đường cái. Tới nơi thì trời đã sập tối và tôi thấy dì năm, bà cụ và vài gia đình khác đã ra ngồi chờ xe. Chờ mãi mà vẫn không thấy một chiếc xe nào chạy từ hướng Thanh Hóa về Vinh trong khi trời đã quá khuya, hơi sương lạnh đã xuống thấp. Không thể ngồi ở con đường hoang vắng không một bóng đèn, các gia đình chúng tôi cùng đi bộ ngược lại vào ngủ ở các gian nhà thăm nuôi. Đi trong đêm tối tĩnh mịch dưới một bầu trời không trăng không sao, tôi bắt gặp rất nhiều đom đóm tỏa sáng như mở lối cho chúng tôi về tới gian nhà thăm nuôi. Phần vì đói và khát, phần mệt lả vì chuyến đi bộ dài, một chị trong đoàn chúng tôi đang đi, đã ngã quỵ xuống. Các mẹ và các bà xúm lại xức dầu và giựt tóc mai để cho chị tỉnh lại. Chúng tôi đã đi trong đói khát và sương lạnh về đêm trên quảng đường đất trong vùng rừng núi Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh.
Sáng hôm sau, các gia đình chúng tôi dậy sớm và đi bộ ra con đường cái và đã đón được chuyến xe về lại bến xe Vinh. Ngồi trên xe lửa, tôi mãi mông lung hồi tưởng lại những giây phút, những hình ảnh và những kỷ niệm mà tôi đã ghi lại trong những ngày qua.
Tôi đã nhìn thấy sự nghèo nàn đói khổ, đạo đức suy đồi, và tệ nạn cướp bóc dọc đường, sớm được hình thành không lâu sau khi CS cưỡng chiếm MN.
Tôi nhận ra được sự dối trá của CS khi rêu rao ở MN là họ đã xây dựng thiên đường CS trên đất Bắc và cái thiên đường đó là những nghèo nàn và lạc hậu của người dân, qua từng cái ăn, cái mặc và những cái sinh hoạt hằng ngày.
Tôi đã tận mắt nhìn thấy nỗi nhục nhằn trong thân hình gầy guộc và khuôn mặt hốc hác của những người tù CS, bị đày ải làm việc khổ sai trên những vùng đất núi rừng khô cằn và hoang dại.
Tôi nhận được tình yêu thương và thăm hỏi của ba tôi và của các chú bác, mà qua đó tôi đã cảm thấy nỗi thương nhớ gia đình của ba và của các chú bác cho gia đình vợ con và người thân ở Miền Nam.
Tôi đã nhìn thấy sự gian nan và vất vả của các mẹ, các con, và các bà trong hành trình đầy bất trắc và hiểm nguy lặn lội từ MN ra MB thăm chồng, thăm cha và thăm con bị tù đầy trong vùng rừng thiêng nước độc.
Khi xe lửa vượt qua dòng sông Bến Hải xuôi Nam, nhìn qua khung cửa sổ, tôi nhìn một đàn vịt bơi lội trên một dòng kênh. Bỗng chúng cất cánh bay lên, bay về một hướng theo một con vịt đầu đàn. Qua hình ảnh ấy, tôi đã cảm thương cho thân phận mình, cho anh em tôi, và những người bạn đồng cảnh đã không có cha bên cạnh để dìu dắt cất cánh bay lên trong những bước đường của tuổi thơ phía trước.
Khi ra thăm ba, đôi tay của mẹ tôi trĩu nặng hành lý với những món quà được đong đầy những tình yêu thương của mẹ, của anh em tôi, của bà con họ hàng và láng giềng gần xa gởi cho ba. Khi ra về, mẹ tôi đã mang về những lá thư tay, đong đầy những tình cảm thương nhớ của các chú bác, những người tù CS, gởi về cho gia đình vợ con và thân nhân ở quê nhà. Mẹ tôi đã lựa những lá thư ở Sài Gòn và đem đến giao tận tay cho gia đình. Những lá thư ở các tỉnh, mẹ tôi đã gởi tem thư đến cho các gia đình. Tôi rất vui là mẹ và tôi đã làm được điều có ý nghĩa khi giúp mang lại tin tức của các chú bác qua các lá thư về với gia đình.
Một chuyến ra Bắc thăm ba, đúng vậy, đó là một chuyến duy nhất mà mẹ tôi đã chạy tiền để dẫn tôi ra thăm trong suốt 10 năm ba bị tù đày trên đất Bắc. Những năm tháng sau này, cuộc sống gia đình tôi dưới sự cai trị độc tài của CSVN, ngày càng nghèo túng, thiếu ăn, thiếu mặc thì lấy đâu ra tiền cho những chuyến thăm kế tiếp. Một chuyến thăm ba thôi cũng đủ để cho tôi nhìn thấy và ghi lại nhiều điều.
Tôi đã ngạc nhiên, đã học hỏi, đã ghi nhận, đã thương cảm, và đã khóc thật nhiều qua một chuyến ra Bắc thăm ba. Tôi đã trưởng thành hơn khi thấy rõ sự thực về Chủ Nghĩa Cộng Sản (CNCS), gian manh và giả dối.
Cái CNCS, qua tuyên truyền, đã gieo rắc hận thù cho người dân MB lên xã hội tự do và dân chủ của MNVN. Và tôi được biết, có những người dân MB đã ném đá và chửi bới những người tù CS từ Miền Nam ra. Không lâu sau, chính người dân này đã quý mến và thương yêu những người tù CS, cho thức ăn, nước uống và đã thốt ra rằng “Ước gì các chú bác ra đây giải phóng chúng tôi khỏi ách CS.”
Cái CNCS, qua tuyên truyền cho sự nghiệp giải phóng MN, đã chiêu dụ và ép bức mọi tầng lớp người dân ở MB, từ già tới trẻ, ngay cả trẻ em 12, 13 tuổi, cầm súng giết hại dân lành cho ý định xâm chiếm MN. Và tôi được biết, rất nhiều người lính CS đã vỡ mộng khi nhìn thấy sự tự do và phồn vinh của phố thị MN sau khi CSBV đã vào xâm chiếm.
Cái CNCS, qua tuyên truyền, đã chiêu dụ một số thanh niên MN vào bưng ra Bắc để chống Mỹ cứu nước. Và tôi được biết, rất nhiều người trong đám thanh niên này đã vỡ mộng khi nhìn thấy những sự thật trên đất Bắc qua sự hiện diện của lính CS Nga và Tàu và CSBV chỉ là ngụy quyền do CS Nga và Tàu điều khiển. Những thanh niên MN này càng vỡ mộng khi bị gạt ra khỏi guồng máy cầm quyền sau ngày CSBV đã thôn tính MN.
Cái CNCS đã cướp bóc tài sản của dân chúng, đàn áp và thống trị người dân, và băng hoại luân thường đạo lý của dân tộc. Chính CNCS đã phân hóa xã hội VN qua nhiều tầng lớp thống trị do Đảng CSVN cầm quyền xuống tầng lớp bị trị là người dân không có cái quyền căn bản nào của con người. CNCS đã tự cho là xã hội không có giai cấp, nhưng thật ra là xã hội có nhiều giai cấp mà chúng đã ngồi trên đó.
Tôi viết bài này khi giỗ đầu của ba tôi sắp tới, một người lính VNCH đã suốt đời chiến đấu chống CSVN, từ khi trong quân đội VNCH, tới lao tù CS, và cho tới những ngày tháng cuối đời. Thương nhớ ba đã giúp tôi hồi nhớ nhiều kỷ niệm với ba và nhất là gặp lại ba trong tù.
Tôi đã được nghe ông kể nhiều những mẫu chuyện về đời lính kiêu hùng và những năm tháng tù đày gian khổ, trong đó có những người bạn tù bất khuất luôn giữ khí phách trước cường quyền, cai tù CS. Điển hình, bác Nguyễn văn Thuật đã can trường luôn lớn tiếng gọi tên những tội đồ của dân tộc VN ra nguyền rủa như: Hồ chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, và Phạm văn Đồng… vv và vv. Ba tôi đã cho tôi hiểu nhiều về Quốc Gia và Dân Tộc và lòng vững tin vào sự thành công trong công cuộc đấu tranh chung của toàn dân VN, xóa bỏ chế độ và chủ nghĩa CS ra khỏi đất nước Việt Nam.
Dòng thời gian có dần trôi, tôi vẫn in đậm những gì đã xảy ra cho gia đình tôi và cho thế hệ chúng tôi trong cái ngục tù lớn của CS. Những mất mát trong tuổi thơ không có cha bên cạnh thì không có gì có thể đền bù được. CSVN đã hèn hạ trả thù bằng cách lưu đày các Quân-Dân-Cán Chính MNVN trong các trại tù khổ sai từ Nam ra Bắc mà chúng giả dối cho là trại “tập trung cải tạo”. Mẹ mất con, vợ mất chồng, và con mất cha đó là những gì CS đã làm cho cái tuyên truyền của chúng, là xóa bỏ hận thù sau khi chiếm MN. Chính CSVN đã, đang và mãi gieo rắc sự căm thù trong lòng của dân tộc VN lên trên vô số những hành động tồi tệ của chúng, nhất là dâng hiến đất đai bờ cõi của VN cho ngoại bang, quan thầy Tàu Cộng.
CSVN ngày nay đang run sợ trước những ngọn lửa đấu tranh của người dân Việt trong và ngoài nước, vì thế CSVN thẳng tay đàn áp và cầm tù các nhà đấu tranh. Liệu CSVN có đủ sức để dập tắt những ngọn lửa đấu tranh nếu cùng bùng cháy một lúc? Những ngọn lửa cùng bùng lên, quyện vào nhau, sẽ trở thành ngọn lửa thật lớn đốt sạch cái chế độ CSVN vô thần. Hơn ai hết, người CS thừa biết ngày ấy sẽ đến và chúng đã và đang tìm đường tháo chạy bằng cách gởi con em ra các nước phương Tây để bảo lãnh cho chúng sau này. Hiện tại, người CS bám víu vào chế độ CS chỉ vì quyền lợi cho cá nhân và an toàn của gia đình chúng. Vì ngày tàn của chế độ CS là ngày chúng bị đền tội trước dân tộc VN và trước nhân loại yêu chuộng tự do và hòa bình của thế giới.
Tôi tin chắc ngày ấy sẽ tới và bạn cũng hãy vững tin nhé!
Hùng Biên
Atlanta, 10/14/2014