Tin CNN Hoa Kỳ, vào ngày 2 tháng 2 năm 2020 các trường hợp nhiễm virus Corona tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bùng phát với con số lây nhiễm lên tới trên 14.500 người, con số tử vong là 305. Một người đàn ông tại Philippines cũng vừa được xác nhận đã qua đời vì chứng bịnh này. Các nước trên thế giới đã cho di tản công dân của họ trở về nước. 60 triệu người dân Trung Quốc tại tỉnh Hồ Bắc và các vùng phụ cận hiện đang bị chính quyền Trung Quốc giới hạn sự đi lại. Dịch cúm Vũ Hán đã thật sự trở nên nỗi quan tâm của mọi người. Tổ chức Y Tế thế giới WHO vào ngày 26 tháng 1 năm 2020 đã ra thông báo cho nâng dịch Vũ Hán lên nguy cơ toàn cầu. Các giới chức Trung Quốc trong khi đó cho biết virus Corona có thể lây nhiễm trong thời gian một người bị mắc bệnh nhưng chưa có triệu chứng, trong khoảng từ 1 đến 14 ngày. Vì không có triệu chứng, nên người bệnh không biết họ đã bị nhiễm virus, và có thể lây cho những người khác. Điều này khiến cho dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.
Tại Việt Nam Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh vào ngày 30 tháng 1 năm 2020, trong lúc trả lời các phóng viên đưa câu hỏi, liệu Việt Nam có đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay không để phòng ngừa, đã cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”. Câu trả lời này đã khiến dư luận Việt Nam xôn xao với câu hỏi liệu rằng chính phủ Việt Nam còn có chủ quyền đối với đất nước hay không?
Phản ứng với lời tuyên bố trên của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh, tác giả Minh Luật trên một bài viết đăng trên RFA vào ngày 31 tháng 1 năm 2020 cho biết câu trả lời này đã không chính xác. Vì dựa theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, như Khoản 3 Điều 5 có nêu rõ, thì trong trường hợp phải ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch truyền nhiễm, mà ở đây là do virus Corona gây ra, phía Việt Nam hoàn toàn có thể đơn phương đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Với điều kiện chỉ cần thông báo cho phía Trung Quốc biết trước không được ít hơn 24 tiếng, chứ không cần phải “thỏa thuận” với phía Trung Quốc thì mới được phép đóng cửa biên giới như Phạm Bình Minh đã nói. Dẫn chứng này của tác giả Minh Luật tuy nhiên chỉ là sự giải thích chữ nghĩa trên Hiệp Định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc. Nhưng trên thực tế thì người ta biết, vẫn còn có những văn kiện đã ký kết, giữa lãnh đạo Việt Cộng với Trung Quốc tại Hội Nghị Thành Đô, vào năm 1990, mà dư luận Việt Nam tin rằng đó là những văn kiện bán nước. Những văn kiện này đã là nền tảng quyết định cho ý nghĩa của những văn kiện khác, mà cho đến nay Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam vẫn không dám cho công bố nội dung.
Trước sự hoang mang của người dân, và trong khi nhà chức trách Việt Nam vừa xác nhận trường hợp thứ bẩy tại Việt Nam nhiễm virus Corona, các chuyến khứ hồi tàu khách quốc tế từ ga Gia Lâm, Hà Nội, đi Nam Ninh và Bắc Kinh, tuy nhiên vẫn hoạt động bình thường với hàng trăm hành khách qua lại biên giới Việt-Trung trong mỗi chuyến. Theo lời giải thích của ông Trần Văn Nam, trưởng ban vận tải, Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam trên báo Zing, các hành khách xuất, nhập cảnh “đều được kiểm soát, đo thân nhiệt ngay từ ga Đồng Đăng, đủ điều kiện an toàn mới được vào nội địa”. Bà Phùng Thị Lý Hà, phó tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Vận Tải Đường Sắt Hà Nội cùng thời điểm, trả lời trang điện tử Bnews của Thông Tấn Xã Việt Nam: “Việc chạy tàu liên vận quốc tế được thực hiện theo nghị định thư đường sắt giữa hai nước, cùng đó là các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại các ga cửa khẩu như hải quan, biên phòng, vệ sinh dịch tễ. Do đó, việc dừng tàu hay không phải có ý kiến của cơ quan kiểm dịch, y tế và phải thống nhất với phía đường sắt Trung Quốc.”
Tóm tắt, những phát biểu như trên của lãnh đạo Việt Nam các cấp, khi đề cập tới vấn đề bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân đã cho thấy trong mọi chuyện có liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam nhất nhất phải đi theo chỉ thị từ Bắc Kinh. Yếu tố chủ quyền đất nước và lợi ích hay quyền lợi dân tộc rõ ràng đã phải xếp lại đằng sau những ký kết cho “đại cục” Thành Đô.