Bác sĩ Vũ Thị Thoa, ngày sinh nhật 90 tuổi (nguồn Tập San Y sĩ)
Tôi đi thực tập ở Bệnh viện Nhi đồng đường Sư Vạn Hạnh Sàigòn khi học năm thứ ba y khoa đại học. Bệnh viện Nhi đồng lúc đó mới mở được vài năm gồm ba tầng lầu, môt khu hành chính, và một khu khám bệnh ngoại chẩn. Bác sĩ Vũ Thị Thoa lầu 3B, bác sĩ Phan đình Tuân lầu 2B, bác sĩ Phạm Gia Cẩn lầu 1A. Tôi tự cho là may mắn vì được thực tập ở lầu ba với bác sĩ Thoa. Bởi vì bác sĩ Thoa người đẹp đẽ trắng trẻo tươi tắn. Nói giọng Hà nội chính cống. Bác sĩ Tuân thì người Huế, tương đối là lầm lì, không có gì khác đáng chú ý. Còn bác sĩ Cẩn thì được kể là người nói năng hoạt bát, có vẻ “oai phong bậc thầy”, theo như mô tả của các bạn đồng học. Từ bấy đến nay tính ra đã cách hơn một hội (60 năm), theo lối tính thời gian tử vi Đông phương. Cho nên nếu hỏi tôi đã học được những gì trong thời gian ngắn ngủi (cũng không nhớ rõ là mấy tuần) với bác sĩ Thoa lúc đó thì chịu chết không thể nói chính xác.
Nhưng nhờ cái vốn lơ mơ y học cổ truyền (thuốc Nam) của bà nội tôi, tôi biết rằng lúc đó ở khu Nhi khoa bác sĩ Thoa trách nhiệm, trẻ con phần lớn là bị các bệnh “sài” (như “sài mòn”, không lớn được, bụng ỏng đít vòn (malnutrition), hay là động kinh với đủ loại nguyên cớ. Chữ sài tương tự như chữ “ban” ở miền Nam, chia thành hai thứ ban trắng, ban đỏ vân vân… Bệnh “cam” cũng là một loại bệnh mơ hồ như sài, có những dạng khác nhau tùy theo thầy thuốc. Ngoài ra thì còn một loại bệnh đặc biệt là bệnh “báng” (gồm hai thứ là “báng thịt” – mà về sau tôi biết là vì có bướu u - tumour- trong bụng) – và “báng nước” là trong bụng có nước (theo tưởng tượng y học cổ truyền, nhưng cũng rất có thể là bụng to vì có giun hay/và suy dinh dưỡng ). Lối “chữa mẹo” cho bệnh báng là hàng ngày chờ lúc mặt trời lặn thì đem cái cối với cái chầy ra để hướng về phía mặt trời đang xuống gần chân trời. Đứa bé bệnh nhân đứng bên cạnh vạch áo lên hướng bụng cũng về phía mặt trời. Bà mẹ cầm cái chầy giã vào cái cối không rồi giơ cái chầy lên chỉ vào mặt trời, xong quay đầu chầy xuống chọc nhẹ vào rốn đứa bé nói “mặt trời lặn thì báng vỡ”. Nếu là con trai thì làm 7 lần, con gái thì làm 9 lần. Ấn tượng về các bệnh ở lầu chị Thoa còn lại nơi tôi về thời gian mấy tuần thực tập là mơ hồ như thế. Nhưng vắn tắt môt cách khoa học là thiếu máu, suy dinh dưỡng, ho, tiêu chẩy, xưng phổi, có nước trong màng phổi…
Giai đoạn đầu tiên được học hỏi chị Thoa là thế. Ngoài chuyện bệnh lý, tôi học được lối chích gân ở trên trán trẻ con, mà các cô y tá rất lành nghề và dễ thương cho tôi thử. Trong số có cô Nguyễn thị Tây, tôi chú ý vì con gái mà tên Tây. Cô mặt vuông, đeo kính nói năng chậm rãi, dịu dàng, ngược với dáng đi cứng thẳng, không có nét mềm mại của đa số các thanh nữ khác. Cô kiên nhẫn để tôi thử chích, không ngại làm hỏng các vein! Cũng ở lầu chị Thoa tôi có nhiều dịp làm denudation veineuse (mà tôi nhớ có lần kéo dài cả giờ đồng hồ, bắt đầu từ cuối phiên y tá buổi sáng qua phiên buổi chiều mới xong nhờ sự giúp đỡ của đàn anh Tiêu Minh Thu).
Nhưng tôi có nhiều dịp gặp chị Thoa hơn nhờ tôi là nội trú khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Nhi đồng từ năm 1963. Trong thời gian này thì tôi đã “lớn”, vì thay mặt giáo sư Ninh xem những bệnh liên hệ đến giải phẫu. Lộn ruột (Intussussception), Tắc ruột (intestinal obstruction), Viêm ruột dư (appendicitis), mủ trong màng phổi (empyema)…
Trong giai đoạn này, có một trường hợp bênh cam đặc biệt độc nhất tôi nhớ ở khu bác sĩ Thoa, được lên xem. Là ‘’Cam tẩu mã”. Đó là một đứa bé hai ba tuổi, suy dinh dưỡng, sau khi bị bệnh sởi. Đứa bé bị sưng hết cả hàm trên với mặt (cellulitis và osteomyelitis) và hốc mũi. Lại gần giường đã thấy hơi thở thối khẳn. Biểu kiến là một trường hợp ngoại khoa. Tôi đã chẩn bệnh được vì nhờ kinh nghiệm bà nội tôi truyền lại kết hợp với hiểu biết Tây y trong khoa Răng hàm miệng (Stomatology) giáo sư Trịnh Văn Tuất mà tôi có dịp thực tập 6 tháng. Kinh nghiệm bà nội tôi truyền là trường hợp gia đình, liên quan đến đứa em gái 2 tuổi con ông chú mà bà nội tôi nuôi ở nhà quê, năm 1945, có nạn đói ở Việt Nam chết 2 triệu người. Nó bị sởi. Và suy dinh dưỡng. Sau khi hết sởi, nó sốt kéo dài. Nó còn bị sâu răng. Bà tôi chữa cho nó vì bà cụ làm thuốc sâu răng rất hay, từng chữa tôi hết sâu răng. Nhưng nó không khỏi, lan ra hết cả hàm, mặt sưng vù, hơi thở thối khẳn, trong vòng vài ngày nó chết. Bà cụ gọi là “cam tẩu mã” (cam ngựa chạy). Nghe tôi nói ba chữ “cam tẩu mã” chị Thoa nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng khi tôi nói thêm mấy tên y khoa gangrène galopante, horse-running gangrene trong sách stomatology tôi đọc của giáo sư Tuất, thì chị Thoa yên tâm và chữa bằng IV Penicilline forte dose của tôi đề nghị và đứa bé khỏi. Tôi còn nhớ cái nhịp nói cười tươi tỉnh giật giật của chị khi thấy tôi lên thăm theo rõi đứa bé và nói đùa “ông thầy cam tẩu mã”. Bạn nào đi thực tập lâu với giáo sư Thoa thì nhớ cái nhịp cười giật giật này. Trường hợp bệnh cam tẩu mã này là trường hợp cuối cùng ở bệnh viện Nhi Đồng. Vì sau đó, với sự phát triển kinh tế xã hội của miền Nam, đời sống khá hơn, loại bệnh liên hệ chặt chẽ với mức sống nghèo nàn suy dinh dưỡng này không còn nữa, cũng như nhiều bệnh khác, mà tôi nếu có dịp sẽ trình bầy sau.
Khi tôi được gặp và học bác sĩ Vũ Thị Thoa là như đã nói trên, vào năm thứ ba y khoa tức hàng tép riu. Nhưng tôi không cảm thấy xa cách quá đáng với chị Thoa, nhờ giáo sư Nguyễn Hữu, người đã làm tôi cảm phục say mê, ngoài những bài giảng rõ ràng và hình vẽ tuyệt diệu về Cơ thể học trên bảng xanh. Vì trong buổi học đầu tiên về cơ thể học, giáo sư Hữu đã mở đầu nói về tình thân thương, cách cư sử trong gia đình Y khoa. Người đi trước là anh, người đi sau là em. Theo tôi, không có mấy giáo sư y khoa suy nghĩ như giáo sự Hữu. Sinh viên có thể không có mấy ai để ý lời nhắn nhủ này. Nhưng tôi thì đặc biệt để ý trân quý thi hành. Với tất cả những bậc thầy và đàn anh, kể cả những người có vẻ lạnh nhạt nhất. Như giáo sư Trần Ngọc Ninh. Là thầy, nhưng tôi từ trong khi làm nội trú ở khu Giải phẫu Tiểu Nhi vẫn thưa anh xưng em - một cách tôn kính, đúng vị trí của mình. Cho nên tuy là phận tép riu như đã nói nhưng tôi đã nhìn chị Thoa như người chị quý mến, thay vì là một giáo sư xa cách.
Rồi đến 1975. Bẵng đi một thời gian, với nhiều thay đổi, mất mát cay đắng. Tôi gặp lại chị Thoa khoảng 1979-1980, từ Pháp sang, ở California. Không nhớ chính xác là trong hoàn cảnh nào. Nhưng nhớ cuộc nói chuyện mang mầu sắc khác, không đả động bao nhiêu về y khoa, mà nhiều về tâm trạng hai người thân trong gia đình, viễn xứ lưu vong, ở xa gặp nhau. Và chị nói chuyện về cô con gái Dung Anh, cũng ở California. Ấn tượng để lại trong tôi là chị muốn có những liên hệ thân mật gia đình (kéo dài từ tình thân gia đình y khoa mà tôi biết là chị cũng có như tôi). Tôi không hứa hẹn gì, nhưng đồng ý từ đáy lòng. Nhưng việc đời thay đổi. Chỉ ở California ít lâu, tôi sang Chicago từ 1980, là nơi đã từng du học và quen biết nhiều thời thập niên 1960-70. Và cũng bận rộn chìm vào những sinh hoạt khác. Không liên lạc gì với Dung Anh!
Với tất cả những sự trạng trên, tôi không lấy gì làm lạ khi các anh em bác sĩ bên Canada có những liên lạc thân gần với chị Thoa mà tôi đọc được qua Tập San Y sĩ. Một người như chị Thoa, những ACE y khoa có biết chị ít người không quý mến. Tôi vui mừng xem được hình chị Thoa còn khỏe nhân ngày sinh nhật 90 tuổi trên Tập San năm 2015. Tôi đã xin số điện thoại của chị từ các anh em bác sĩ ở Canada để tính liên lạc với chị. Rồi thời gian lần lữa trôi đi… Nay nghe tin chị mất, ở tuổi 95. Lòng buồn rười rượi. Người có công đọc đến những giòng này, chắc hiểu tại sao.
Với sự ra đi của bác sĩ Vũ Thị Thoa, cột mốc ngành Nhi Khoa một thời Sài gòn biến mất.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 9 tháng 12/2020