1
Minh lên chiếc hầm có lính gác, dùng ống nhòm nhìn ra biển, nhưng chỉ thấy những đụn cát cao thấp chạy xa tít, rồi nhập vào rừng dương xanh dọc theo bờ biển. Không thể ước lượng rừng dương dài bao nhiêu và mấy cái làng trong rừng dương lớn hay nhỏ, Minh quay hỏi người lính gác:
- Cậu là dân Hương Điền, rứa đã tới mấy cái làng ngoài tê lần mô chưa?
Người lính đáp:
- Em là dân Hải Nhuận, ở phía dưới tê, gần quận và chợ Hương Điền. Thời còn yên, khoảng 63, 64, bọn con trai chúng em có lên trên ni chơi. Cũng làm nghề biển, nhưng mấy làng trên ni đẹp hơn Hải Nhuận, và con gái cũng đẹp hơn.
Minh cười:
- Cậu lên trên ni vì con gái đẹp, nhưng còn nhớ làng Thế Mỹ lớn hay nhỏ và giải rừng dương kia dài bao nhiêu không?
Người lính cười vẻ bẽn lẽn:
- Em chỉ lên chơi vài lần mà cũng đã lâu quá rồi, nên không còn nhớ rõ. Nhưng biết Thế Mỹ có tới ba làng và rừng dương phải dài cả 2 cây số.
- Rứa còn làng của cậu lớn hay nhỏ và có rừng dương không?
Người lính đáp:
- Làng Hải Nhuận lớn, nhiều nhà ngói, nhưng dương lại ít, nên nhìn từ xa chỉ thấy nhà chớ không có màu xanh như Thế Mỹ.
- Nhiều nhà ngói là làng giàu có. Rứa nhà cậu là nhà ngói hay nhà tôn?
- Nhà em lợp ngói đỏ, vì thế đi được nửa đường ngoài độn đã nhìn thấy nhà – người lính ngừng, nhìn Minh một lát, rồi nói: Tháng sau nhà em có giỗ, nếu thiếu úy có thời giờ, xin mời thiếu úy ra nhà em chơi để biết Hải Nhuận và con đường băng qua bãi cát dài trên cây số.
Minh ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Được đấy, tôi sẽ ra thăm gia đình cậu, nếu ngày đó không gặp công tác bất ngờ. Rứa ngày mô?
- Dạ, 16 tháng 7, thiếu úy.
- Cậu có mấy con?
- Dạ, hai đứa, một trai một gái.
- Rứa vợ là con gái Hải Nhuận hay Thế Mỹ?
Người lính cười:
- Lên Thế Mỹ, nhưng không bắt được o mô, nên phải trở về Hải Nhuận.
- Cậu rắc rối, làng mình như rứa mà phải đi tìm ở mô xa – Minh cười vỗ vai người lính, rồi đi qua phía bắc, nhìn về phía Thanh Hương.
Đại đội của Minh về căn cứ Đại Lộc đã được một tuần và là đơn vị đầu tiên về tiếp nhận căn cứ mới được xây dựng sau tết Mậu Thân ít tháng. Căn cứ ở trên một khu đồi cát cao nối với giải đồi cát chạy dài về phía nam và lên phía bắc. Bên dưới giải đồi cát là làng với vườn cây và những hàng dương dọc theo giải đồi cát. Phía sau căn cứ là cồn cát nhấp nhô, chạy dài ra đến bờ biển.
Sau khi quan sát xa gần bốn phía căn cứ, Minh đi tìm người lính nấu ăn và bảo:
- Đới, cậu đem theo khẩu súng đi với tôi xuống dưới làng, đi quanh coi làng, coi dân.
Ra khỏi căn cứ, hai thầy trò đi vào con đường làng bên bờ tre, bên dậu dâm bụt đầy hoa đỏ lá xanh. Đi khoảng hơn 200 mét, Minh thấy một cô gái mặc áo cánh nâu đang hái dưa leo bỏ vào một cái sọt. Nghĩ đến món tép xào hành, nên Minh vỗ vai người lính:
- Đới, mình vào vườn coi, mua ít dưa leo về ăn với món tép phá Tam Giang cậu xào buổi sáng.
Cô gái thấy hai người vào vườn, nên ngừng hái, cúi đầu:
- Chào thiếu úy, chào anh.
- Chào cô – Minh chào lại, rồi chỉ vào sọt dưa: Cô hái dưa leo nhiều như thế ni để làm chi?
- Dạ, để bán ạ.
- Cô bán ở mô?
- Dạ, em bán ở chợ Hương Điền.
Minh nhìn vào sọt dưa:
- Xuống đến chợ Hương Điền mà chỉ để bán một sọt dưa leo?
- Dạ không, còn mướp và bí mới đủ gánh.
Minh ngạc nhiên:
- Trời đất, cô gánh 6, 7 cây số thì vai nào chịu nổi và chân nào đi nổi?
Cô gái cười:
- Dạ, gánh riết và đi riết thành quen. Ở thôn quê thì phải vậy thôi, thiếu úy.
- Rứa ngày mô cô cũng đi?
- Dạ, khi mô có đủ rau, em mới đi. Nhiều khi để cho đủ gánh, em phải mua một số rau, trái của những nhà quanh đây.
- Vườn nhà trồng những thứ chi cô?
- Dạ, có cải tần ô, cải cay, bạc hà, mướp, bí, bầu và dưa leo.
- Một mình cô làm đất và trồng chừng đó thứ?
- Dạ không, còn mạ em nữa.
- Rứa ấp ni có nhiều người đi bán rau như cô không?
Cô gái lắc đầu:
- Dạ, không nhiều, chỉ nhà mô có vườn rộng, trồng được nhiều thứ mới đi chợ như em.
- Cô đi bán được mấy năm rồi?
- Dạ, em mới đi bán ở chợ Hương Điền được mùa ni, còn trước thỉnh thoảng mới đi chợ trên Thanh Hương.
Minh quay lại người lính:
- Đới, cậu nhặt chừng chục trái. Chiều ni dưa leo ăn với tép, ngày mai với cá rô chiên. Cả hai món đều đặc biệt cả.
Đới đi tới bụi chuối, tước bẹ chuối làm dây, rồi tới sọt dưa nhặt chục trái, bó thành hai bó.
- Tôi mở hàng cho cô. Ngày mai gánh rau của cô sẽ hết sớm – Minh rút chiếc ví cầm tay: Bao nhiêu cô?
Cô gái lắc đầu:
- Dạ không, em biếu thiếu úy. Chẳng mấy khi thiếu úy đi qua đây.
Minh ngạc nhiên:
- Răng lại biếu. Cô cứ coi tôi là khách hàng ở chợ. Nếu cô không lấy tiền thì tôi trả lại dưa.
Thấy cô gái im lặng với vẻ lúng túng, Đới nói:
- Dưa ni trái mô cũng bầu bĩnh, óng mượt, là loại dưa dòn, ngọt. Thiếu úy trả o mười đồng. Em đi chợ quen, giá nớ là vừa phải.
Minh cười:
- Dưa leo mới hái, ngon hơn dưa ở chợ, cô cầm lấy – vừa nói vừa dúi vào tay cô gái 15 đồng – Cô cầm lấy. Ngày mô có tép và cá rô phá Tam Giang, tôi sẽ xuống vườn nhà cô mua dưa nữa. Thôi chúng tôi đi. Mong sáng mai gánh rau của cô mau hết.
- Cám ơn thiếu úy.
Cô gái nhìn theo hai người đi ra cổng, đứng yên một lúc, rồi lại cắm cúi hái dưa.
Minh đi qua mấy con đường, nhìn từ xa thì xanh, nhưng đến gần thì nhiều khu vườn chỉ trồng cây mì. Thỉnh thoảng mới thấy người lớn, còn toàn là mấy đứa con nít, 7, 8 tuổi đứng nhìn hai người lính vẻ tò mò.
Ra khỏi làng, tới một con đường rộng chạy dọc theo làng, một bên là ruộng, Minh nhận ra con đường chính có trong bản đồ. Đây là con đường chạy suốt từ Thuận An lên tới Thanh Hương. Minh đứng lại, nhìn con đường, nhìn vào làng, nhìn lên căn cứ, rồi nói:
- Con đường ni đi xuống quận và chợ Hương Điền. Ngày mai mình xuống chợ xem chợ lớn, nhỏ và có những hàng quán chi – Minh cười: Nếu gặp cô bán dưa leo thì lại mua nữa xem cô ấy nói răng.
Đới nói:
- Làng ni khá giả, thiếu úy. Mới đi có mấy đường mà đã gặp 4, 5 nhà ngói, cả chục nhà mái tôn vách đất. Gia đình o bán dưa leo có nhà ngói 3 gian như rứa cũng vào loại khá.
Minh gật đầu:
- Nhìn đất ruộng như ri thì biết họ giàu. Chỉ do chiến tranh làm cho họ nghèo, nên mới có cảnh con gái phải gánh rau 6, 7 cây số xuống chợ.
- Mấy ngày ni xuống làng tìm mua rau, em cũng gặp mấy o đẹp, nhưng không đẹp bằng o bán dưa. Miền quê chiến tranh mà có một o óng ả, nói năng ngọt ngào, một dạ, hai dạ như rứa. Quê em con gái nói năng kém lắm.
Minh cười:
- Cậu chưa có vợ, ở đây một thời gian rồi kiếm một cô để nghe một dạ, hai dạ. Làm rể Đại Lộc cũng hay đấy. Ở đây có phá Tam Giang, có biển, có rừng dương trên đồi, dưới làng. Không biết tại răng giải đồi cát tới Đại Lộc lại nhô lên cao, rồi lại thoai thoải đi xuống về phía Thanh Hương. Thật lạ, giữa những đồi cát với rừng dương mà có một hồ nước trong xanh. Hồ sâu như rứa với cỏ mọc xanh lên tới bờ thì nước không bao giờ cạn. Đất nước thanh bình mà về đây làm mấy sào ruộng, có cái vườn rộng như vườn o bán dưa, rồi có cái ghe đi bỏ lưới ở phá kiếm cá rô, cá chép thì đời sống cũng được lắm. Hôm lên Thanh Hương, lúc về các cậu đi chặt củi, tôi ngồi dưới một cây dương lớn bên hồ, nghe dương reo với gió vi vút như một bản đàn suốt ngày, nên thấy cảm Đại Lộc.
- Rứa khi mô thiếu úy về đây cưới vợ thì cho em đi theo.
Minh cười vỗ vai người lính:
- Được, mình cứ đi với nhau, rồi sẽ thành rể Đại Lộc… Cả hai cùng cười, rồi đi xuống phía dưới làng.
2
Minh gọi thượng sĩ Liêm và Đới vào hầm rồi hỏi:
- Đám cưới ở làng mình nên cho bao nhiêu anh Liêm?
- Năm chục. Số đó thành lệ rồi. Ở mô cũng rứa.
Minh gật đầu, đưa cho Đới hai phong bì:
- Một của tôi và một của cậu. Khi đến cậu đưa cho chú rể.
Trên đường đến đám cưới, Minh thấy mấy bà mấy cô áo dài nâu, xanh, trắng, cười vui nên nói:
- Làng có đám cưới mới thấy màu sắc và tiếng cười. Ngày vui của một nhà thành ngày vui của cả làng.
Khi ba người đi vào cổng có hàng chữ viết trên giấy đỏ “Mừng Tân Hôn” thì ông Sinh, cha của chú rể vội ra chào, mời ba người vào bàn có ông xã trưởng và mấy vị bô lão. Trong khi Minh chào mấy vị bô lão thì Liêm và Đới lùi ra ngoài sân.
Nhà đám cưới là nhà gạch, có sân gạch nên rạp đã được dựng ở sân. Gần hai chục bàn ở rạp đã đầy người và đầy tiếng nói cười. Chừng 20 phút sau, cha mẹ bên trai, bên gái cùng chú rể, cô dâu và phù dâu phù rể lục tục ra đứng trên thềm nhà. Ông Sinh chắp tay nói:
- Chúng tôi cha mẹ nhà trai, nhà gái xin kính chào các vị trưởng thượng, ông xã trưởng, thiếu úy đồn trưởng cùng họ hàng bà con đã bớt chút thì giờ tới với chúng tôi trong lễ cưới của hai cháu. Sự hiện diện của quí vị đã làm tăng phần tôn nghiêm của lễ nghi và nói lên tình thân của quí vị đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi xin cám ơn sự hiện diện của quí vị và xin quí vị nâng chén cùng chúng tôi trong ngày vui của hai cháu.
Chú rể và cô dâu đã cúi đầu theo tiếng vỗ tay của mấy chục người trong rạp. Minh thấy cô dâu chú rể thật đẹp đôi. Chú rể to cao với khuôn mặt vuông, còn cô dâu tóc dài, dáng thanh, da trắng với đôi mắt ướt. Cặp phù dâu, phù rể cũng thật đẹp, tương xứng với cô dâu, chú rể. Họ đã khéo tìm nhau – Minh thầm nhủ và chợt nghĩ đến đời sống thanh bình với những ngày hội làng, sân đình đầy cờ với tiếng trống lễ, khói hương nghi ngút cùng tiếng cười của dân làng đi xem hội mà chàng đã được nhập vào đó thời còn nhỏ.
Ông xã trưởng đứng dậy, cầm chai rượu trắng rót ra 6 cái chén, rồi nói:
- Xin mời các cụ, mời thiếu úy cùng nâng chén để mừng ngày vui của đôi trẻ.
Một cụ nâng chén nói:
- Chúng ta uống đi thôi. Đã lâu lắm, Đại Lộc lại mới có một đám cưới với đầy đủ lễ nghi và tiệc tùng như ri.
Minh cầm chén rượu nhắp một hớp, thấy rượu không nặng lắm mới uống tiếp mấy hớp, rồi để chén rượu xuống, hỏi:
- Thưa cụ, rứa mấy năm trước Đại Lộc không có đám cưới?
Ông cụ nhìn Minh:
- Không có trai trẻ, không có người làm răng có đám cưới. Sau Mậu Thân, mấy xã ni yên, dân về làm ăn, có người, có an ninh nên mới làm được như ri.
Ông xã trưởng ăn xong miếng thịt gà luộc, uống một hớp rượu, rồi nói:
- Đám cưới ni là sự kết hợp giữa 2 xã Vĩnh Xương và Đại Lộc, chú rể là dân Đại Lộc, nghĩa quân ở quận, còn cô dâu là gái Vĩnh Xương. Với đời sống trở lại như trước thì đám cưới sẽ nối tiếp nhau nở rộ. Trai Kế Môn, gái Đại Lộc… Tiếng tăm như rứa mà thất tán đi mô cả.
Ông cụ râu dài bạc trắng mặc chiếc áo the thâm đã bạc màu, bỏ chén rượu xuống:
- Con trai, đàn ông, người đi lính quốc gia, người theo du kích. Còn con gái vô Huế, vô Đà Nẵng làm thuê, làm sở Mỹ. Ruộng vườn bỏ hoang, phải sống nghèo mà không làm chi được. Mấy xã ni phải giữ được an ninh như mấy xã phía dưới mới có cơ kéo người trở về, ruộng vườn mới hết bỏ hoang. Còn mấy ông lão gần đất xa trời ni thì chỉ nhìn đất mà khóc chớ làm chi được.
Bàn của Minh có 4 cụ thì hai cụ vừa ăn, vừa nói, còn hai cụ không nói mà chỉ ăn. Nhìn cách ăn của mấy cụ và nhìn sang những bàn khác, Minh nhận ra là người nào cũng thèm ăn. Vì ăn chưa bao lâu mà nhiều đĩa đã trống không. Mấy bà, mấy cô đi tiếp đồ ăn thì chỉ tiếp món cà ri gà, món thịt heo luộc, miếng nào mỡ cũng nhiều hơn nạc, món sôi trắng và rau sống trộn lẫn gồm xà lách, cải cay và hoa chuối. Món thịt gà luộc, chả giò và giò thủ hết sớm nhất. Bàn của Minh còn được mấy cái chả giò và mấy miếng thịt gà.
Ông cụ râu bạc uống hết chén rượu, nhìn Minh nói:
- Từ năm 64, 65 đến chừ, dân trên ni thua thiệt đủ điều. Trẻ con 9, 10 tuổi mù chữ vì không có trường, người lớn không thuốc men, đau yếu chỉ trông vào mấy cây lá thuốc nam. Người ta chết nhiều cũng do thiếu ăn, thiếu thuốc. Ruộng đất nhiều mà chỉ ăn củ mì, có đời mô như rứa.
Nghe ông cụ nói trẻ con mù chữ, dân thiếu thuốc, Minh chợt nẩy ra một ý, nên thưa:
- Thưa cụ, chính quyền quốc gia kiểm soát lại mấy làng trên ni thì chỉ chừng một năm dân về nhiều, đời sống sẽ lại như mấy xã miệt dưới. Đại Lộc sẽ có trường học, sẽ có trạm y tế. Nhưng chờ có trường cũng phải cả năm – Minh ngừng lại một lát, nhìn ông cụ râu bạc: Vì thế nhân đây con xin thưa với các cụ và ông xã trưởng là con muốn dùng nhân lực của đại đội con tổ chức mấy lớp học từ lớp năm tới lớp nhất cho con em ở xã Đại Lộc học trước để khi có trường thì nhập học chính thức, đỡ bỏ phí thời gian cả năm. Con chỉ cần các cụ, ông xã trưởng thuận làm, nói cho dân chúng biết và chỉ cho con một nơi mô rộng rãi để con tổ chức lớp học.
Ông xã trưởng bỏ ly rượu xuống bàn:
- Thiếu úy làm được như rứa thì thật hay. Chỗ để tôi tìm – Ông nhìn sang mấy cụ: Các cụ nghĩ răng?
Một cụ mặc áo the xanh, cũng bạc thếch, chừ mới nói:
- Thiếu úy có lòng như rứa thì quá quí. Chổ thì dễ tìm. Ông xã đi gặp ông Lê Phổ, nói ông cho mượn từ đường họ Lê. Từ đường rộng, có cả mấy gian nhà ngang bỏ không. Tôi cũng có 2 gian nhà ngang bỏ trống. Từ đường họ Lê gần nhà tôi. Bên từ đường 3 lớp, bên tôi 2 lớp.
Ông xã trưởng nói:
- Cám ơn cụ Lập. Cụ nói con mới nhớ tới từ đường họ Lê. Như rứa chỗ học thì xong rồi, còn bàn ghế thiếu úy tính răng?
Minh đáp:
- Khởi đầu tôi tính trung bình mỗi lớp 20 em, nên chỉ cần 5 cái bàn dài. Tất cả khoảng 25 cái. Tuần trước xuống quận, tôi thấy thùng đạn đại bác chất cả đống. Tôi sẽ xin ông chi khu trưởng đem về đóng bàn ghế. Đại đội tôi có hai thợ mộc và sẽ giải quyết bàn ghế trong một tháng – Minh ngừng một lát rồi tiếp: Cám ơn các cụ và ông xã trưởng đã đồng tình việc mở lớp học. Xin quí cụ và ông xã trưởng loan báo cho đồng bào biết là gia đình nào có con muốn cho học thì từ ngày 20 tháng 7 đến ghi tên ở nhà cụ - Minh nhìn ông cụ áo xanh chưa kịp nói thì ông cụ đã nhanh miệng: Nhà ông Lập.
Một cụ đứng dậy cầm chai rượu, mới được tiếp, rót ra chén cho mỗi người, rồi nói:
- Không ngờ nhân đám cưới mà chúng ta lập được một trường học. Xin cùng nâng chén để mừng việc quí hóa ni.
Sáu người cạn chén, rồi ông xã trưởng nói:
- Chúng ta đi trước việc của quận, sẽ thúc đẩy quận phải xây trường cho Đại Lộc.
Minh không ngờ ý mới nẩy ra ở bàn rượu lại có kết quả nhanh như vậy, nên rót thêm một chén rượu uống cạn.
Một cụ nói:
- Đầu tiên, tôi có 2 đứa cháu xin học, một đứa lớp năm, một lớp tư.
Một cụ khác nói:
- Nhà tôi cũng rứa. Tôi nghĩ lớp học sẽ đông chớ không phải mỗi lớp chỉ hai chục đứa như thiếu úy dự tính.
Minh nói:
- Thưa cụ, con sẽ cho đóng dư thêm một số bàn ghế.
Trong khi các cụ đang nói về ngôi trường không tính mà thành thì Đới đến nói nhỏ: Thiếu úy, Mân xuống bảo là ông chi khu trưởng cần nói chuyện với thiếu úy. Minh gật đầu, rồi đứng dậy:
- Thưa quí cụ, con có việc phải về trước – Minh cầm tay ông xã trưởng: Ông xã ở lại tiếp các cụ. Tôi về trước.
Minh đi tới bàn cô dâu, chú rể:
- Hai em thật đẹp đôi, đúng là gái Vĩnh Xương, trai Đại Lộc. Chúc hai em trăm năm hạnh phúc.
Chú rể đứng lên nói: Cám ơn thiếu úy – rồi rót 2 chén rượu: Xin thiếu úy cùng em cạn chén rượu ni.
Minh uống cạn chén rượu, rồi bắt tay chú rể đi ra và thoáng nhìn thấy Hà, cô bán dưa leo mà Minh mới biết tên, ngồi trong đám thanh niên, thanh nữ ở phía đầu hồi nhà. Họ đang hò đối đáp, nhưng Minh phải đi.
Trên đường về Đới nói:
- O Hà giọng tốt lắm, thiếu úy. Em chỉ ăn một lúc, rồi cầm chén rượu ra đầu hồi nhà nghe hò.
Minh cười:
- Rứa là người ta hò cho cậu uống rượu. Tuyệt thật. Tôi không bận nói chuyện với mấy cụ thì cũng theo cậu nhập bọn với họ.
3
Minh đang coi bản đồ mấy xã thuộc lãnh thổ của đại đội chịu trách nhiệm và khoanh vòng mấy khu vực ở Thế Mỹ và phía bắc Thanh Hương để tính chương trình hoạt động, thì thượng sĩ Liêm, thường vụ đại đội, vào nói:
- Thiếu úy, cả chục người cầm đèn, cầm đuốc đứng ở cổng căn cứ, xin thiếu úy cho y tá xuống cứu mấy người bị thổ tả.
Minh đứng dậy, vừa mặc quần áo, vừa nói:
- Chắc là mấy người đi ăn cưới. Cỗ bàn bày ra với ruồi nhặng bay tứ tung như rứa, tránh răng được thứ bệnh ni.
Minh cầm đèn pin đi xuống cổng. Mấy người dân vừa nhìn thấy Minh đã nói lớn:
- Nhờ thiếu úy cứu cho. Vợ tôi và mấy bà hàng xóm bị thổ tả sau khi đi ăn cưới về.
Thượng sĩ Liêm mở cổng, Minh bước ra, lên tiếng:
- Chào bà con – rồi bảo thượng sĩ Liêm: Anh lên kêu chuẩn úy Bằng xuống đây.
Hà đứng cạnh ông vừa nói, nhìn Minh:
- Chào thiếu úy, mạ em cũng bị thổ tả, chỉ về đến nhà là bị đi cầu và nôn mửa. Xin thiếu úy cho y tá xuống coi, xem có thuốc chi…
Minh đáp:
- Thổ tả thì đại đội không có thuốc. Để tôi coi xem có thể làm được chi.
Chuẩn úy Bằng vừa bước ra khỏi cổng, lên tiếng:
- Thiếu úy gọi tôi.
- Anh cho trung đội giữ an ninh phía bắc khu vực ni, cách căn cứ chừng 400 mét – Thấy Đới và âm thoại viên đứng cạnh, Minh bảo: Gọi Hương Giang.
- Hương Giang, Hương Giang, Thanh Bình gọi…
Âm thoại viên đưa ống liên hợp cho Minh:
- Hương Giang, Hương Giang… cho tôi gặp thẩm quyền.
- Chào Mai Trắng, xin báo cáo thẩm quyền là có mấy người dân người nhà bị thổ tả nặng, lên căn cứ xin cho y tá xuống cứu, nhưng đại đội không có thuốc thổ tả. Xin thẩm quyền cho ghe máy lên đưa họ xuống chi y tế chi khu. Họ đã bị tới 3, 4 tiếng rồi. Phải gấp mới cứu được…
- Dạ, tôi chờ …
Khoảng 20 phút sau Minh mừng rỡ:
- Rứa thì may quá… Khoảng nửa tiếng… Tôi đã cho con cái giữ an ninh khu vực. Cám ơn thẩm quyền.
Minh quay lại nói với thượng sĩ Liêm:
- Anh cho 4 người cầm 4 đèn pin ra đứng 4 góc ở đám đất rộng sát bên đường lớn. Trực thăng sẽ bốc mấy người bệnh đưa tới căn cứ Evans.
Minh nói với những người dân đứng bao quanh:
- Bà con về đưa người bệnh ra đường, gần khu đất tôi vừa nói.
Hà nhìn Minh:
- Thiếu úy, mạ em đi không nổi mà chỉ có mình em…
Nghe tiếng Đới: Tôi giúp o – Minh quay lại: Phải đấy, hai người dìu thì được.
Minh lên căn cứ, lấy vũ khí, rồi cùng mấy binh sĩ đi ra đường. Từ xa Minh đã thấy người lao nhao với ánh đèn, đuốc chập chờn. Trên đường, cạnh bờ ruộng, Hà ngồi đỡ mẹ, cùng 4 người bệnh khác cũng ngồi tựa vào người thân. Chừng nửa tiếng sau nghe tiếng trực thăng từ phía Phá bay tới. Ánh đèn pin chớp lóe từ 4 góc khu đất rộng và trực thăng đáp xuống giữa ruộng.
Trong tiếng động cơ ầm ầm, Minh nói Lớn:
- Bà con đưa người bệnh lên trực thăng và đi theo mỗi gia đình một người.
Mấy binh sĩ ào đến cùng những người dân dìu mấy người bệnh tới trực thăng. Chỉ chừng 15 phút sau trực thăng cất cánh, ánh đèn pha chiếu sáng cả một vùng xóm làng.
Dân chúng xúm lại quanh Minh.
- Cám ơn thiếu úy.
- Cám ơn thiếu úy.
…..
- Bà con về nghỉ. Bệnh ni có bệnh viện Mỹ thì yên tâm rồi.
Minh đứng lại bên đường, nhìn ánh đèn chập chờn, lên xuống tiến dần vào bóng đen của bụi bờ ven làng, rồi đến bên người lính truyền tin, giơ tay nhấc ống liên hợp: Thanh Bình gọi Một… Việc xong rồi, anh cho con cái lui.
Thượng sĩ Liêm nói:
- Chi khu có cố vấn Mỹ cũng đỡ quá. Gọi trực thăng của mình thì còn lâu mà chắc chi đã có.
- Nó là tổ sư, mình sánh răng được. Cách đây mấy tháng, anh đi phép nên không tham dự cuộc hành quân chung với nó. Chỉ vô một làng hoang mà nó gọi pháo binh bắn cả nửa giờ mới tiến quân vô. Lính mình cười nó nhát gan và phí đạn. Rồi giữa trưa nắng trên đồi, trực thăng 4, 5 chiếc ào ào đáp xuống. Mình còn đang ngơ ngác không biết nó xuống làm chi thì thường vụ của nó tới bảo tôi cho lính đến lấy 2 thùng cà rem và mấy thùng coca ướp đá cho đại đội. Đi với nó nửa tháng, lính mình lãnh ngày 3 hộp C Ration. Ngày kết thúc hành quân, nó chở tới cho đại đội 100 đôi jungle boots, toàn số 7 và 7 rưỡi. Anh em quăng hết giày bố, đi giày Mỹ vui như đi xem hội.
Liêm nói:
- Đồ hộp mình được phát khẩu phần như lính nó là chuyện thường, vì mình đi hành quân với nó là nó nuôi ăn. Còn vụ cho giày, rồi cho thiếu úy áo giáp, ống nhòm thì chắc tiểu đoàn trưởng và thường vụ Mỹ thích thiếu úy nên tặng đại đội.
- Có thể như rứa, vì tôi thường chuyện trò với tay tiểu đoàn trưởng và thường vụ. Tiểu đoàn trưởng tên là Eric, quê ở tiểu bang Alabama, nói với tôi là đã gặp lại quê hương ông ta trên những đồi núi trong cuộc hành quân.
Hai người dừng lại trước cổng căn cứ. Minh nói với mấy người lính:
- Anh em ở đây chờ Một, rồi đóng cổng.
4
Minh mới ở Huế về hôm qua và đã mua 5 kí cam và 5 hộp bánh quế để làm quà cho 5 gia đình có người bị bệnh mới được trực thăng đưa về Đại Lộc . Sau khi đã thăm 4 gia đình, hai thầy trò Minh đến nhà Hà.
Thấy Minh vào Hà mừng rỡ:
- Chào thiếu úy, chào anh Đới.
- Chào cô Hà, mạ cô đã khỏe nhiều chưa?
- Dạ, mạ em đã khỏe. Mời thiếu úy và anh Đới vô nhà.
Vừa bước vào nhà, Minh nói:
- Cô cho tôi thăm bà.
Hà vào phòng:
- Mạ ơi, có thiếu úy tới thăm.
Mẹ Hà lịch kịch ngồi dậy, lên tiếng:
- Chào thiếu úy, mời thiếu úy vô đây.
Minh bước vào, thấy phòng hơi tối, nên dừng ở cửa:
- Chào bà, mừng bà đã hết bệnh.
Mẹ Hà nói:
- Cám ơn thiếu úy đã cứu chúng tôi. Không có thiếu úy chắc chúng tôi chết hết. Thiếu úy gọi tôi là Dì Tư, đừng gọi là bà.
Hà mở thêm cánh cửa sổ, rồi ra ngoài đem vào một cái ghế để gần giường:
- Mời thiếu úy ngồi.
- Cám ơn cô Hà.
Minh ngồi xuống ghế nên nhìn mẹ Hà rõ hơn. Bà khoảng 40 tuổi, người đầy đặn, da trắng, tóc xõa phủ đầy lưng. Bà loay hoay túm lại mái tóc, rồi bảo Hà: Buộc lại tóc cho mạ, con.
Nhìn bà một lúc, Minh ngạc nhiên là ở miền quê lam lũ mà lại có một thiếu phụ vừa đẹp, vừa nói năng chững chạc với cử chỉ thật khoan thai.
- Dì Tư thấy khỏe chưa?
- Dạ, còn hơi mệt, thiếu úy. Ở bệnh viện Mỹ thì ăn súp. Về nhà hai ngày ni, tôi cũng chỉ ăn cháo. Đi ăn cưới mà khổ như rứa. May mà có thiếu úy, không thì cả bàn chúng tôi chẳng còn ai.
- Đó là nhiệm vụ. Con chỉ biết kêu lên quận. May mà ông quận kêu được Mỹ giúp – Minh ngừng một lát: Dì Tư nói cả bàn, rứa là 5 bà ngồi chung bàn đều bị cả?
- Dạ, Năm người chúng tôi thân nhau từ nhỏ. Mấy bà lại ở trên Huế mới về, nên ngồi chung chuyện trò cho vui. Ai ngờ, thật hú vía. Tháng sau lại có đám cưới, không biết phải ăn uống ra răng?
Minh cười:
- Dì đừng lo, chỉ một lần thôi. Nhưng muốn cho chắc bụng thì dì Tư chỉ nên ăn những thứ nấu chín còn nóng… Minh đứng dậy: Con đến thăm dì Tư, mừng dì đã khỏe. Chừ dì Tư nằm nghỉ.
Hà nói:
- Mạ, thiếu úy cho mạ cam và bánh quế.
- Trời đất, lại còn quà nữa. Cám ơn thiếu úy.
Hà theo Minh ra, rồi nói:
- Thiếu úy ngồi chơi uống nước đã.
Minh ngồi xuống ghế bên chiếc bàn ở giữa nhà, còn Hà đi nhanh xuống bếp. Nhà Hà chỉ có cái bàn thờ với cái bàn và mấy cái ghế, còn trống trơn. Phòng bà Tư cũng chỉ có cái giường… Nay thì hai mẹ con sống bằng vườn rau, nhưng trước Mậu Thân thì sống bằng gì ở giữa một vùng lửa đạn… Minh nhìn ra sân thầm hỏi…
Hà đặt ly nước xuống trước Minh:
- Thiếu úy uống nước.
- Cám ơn cô.
Minh nâng ly nước uống mấy hớp, rồi để xuống:
- Tôi nghe Chính nói cô là người thứ nhất ghi tên học lớp nhì. Đến nay không biết có thêm được mấy người xin học lớp của cô?
- Dạ, theo em biết thì có 4 người nữa, hai nữ, hai nam, tuổi cũng ngang em. Trước kia bọn em đã học hết lớp ba, rồi phải nghỉ học. Bây chừ thiếu úy tổ chức lớp học có lớp nhì nên bọn em xin học lớp nhì.
Minh nói:
- Cô bảo mấy người bạn đi quảng bá lớp học cho nhiều người biết. Lớp càng đông thì học càng vui. Chưa có ai ghi tên học lớp nhất – Minh cười – Cả xã Đại Lộc không có ai học lớp nhất. Không sao, sang năm có trường chính thức, lớp cô sẽ lên lớp nhất.
- Thiếu úy cho lớp ba và lớp nhì học buổi chiều, thật tiện cho bọn em. Vì buổi sáng, người đi chợ, người làm vườn, có muốn học cũng không được. Buổi chiều thì bọn em rảnh rỗi hơn.
Minh gật đầu:
- Qua chuyện trò với mấy cụ ở đây, tôi biết học sinh lớp ba, lớp nhì đều lớn tuổi cả, bận làm ăn buổi sáng, nên cho học buổi chiều, và mỗi buổi chỉ học 3 tiếng thôi.
Như chợt nhớ ra một chuyện, Minh hỏi:
- À, hôm trực thăng chở người bệnh tới căn cứ Evans, rồi họ để mấy người đi theo ở mô?
- Dạ, mấy người bệnh được đưa vào một chỗ. Còn họ đưa mấy người đi theo vào một phòng lớn, có giường nệm, có phòng tắm. Rồi họ đem cho mỗi người một hộp đồ ăn và một lon cô ca. Sáng hôm sau, có một anh trung sĩ người Việt làm thông dịch đưa bọn em lên phòng ăn lớn và chỉ cho biết đi lấy đồ ăn sáng. Ăn xong bọn em về lại phòng. Rồi tới trưa, anh thông dịch dẫn bọn em qua thăm người bệnh ở khu bệnh nhân. Ai cũng vui mừng vì thấy mẹ mình đã khỏe, tươi cười. Bọn em ở đó thêm hai ngày, rồi anh thông dịch tới dẫn ra chỗ trực thăng. Em tức cười là khi lên trực thăng, thấy cả năm mệ đều mặc đồ bệnh viện. Quần áo mấy mệ chắc dơ quá, phải vứt đi. Rứa là mỗi mệ có một bộ đồ làm kỷ niệm.
Minh cười:
- Tưởng cho người nhà đi theo để phục dịch người bệnh, hóa ra bệnh viện lại phải phục dịch cả người bệnh lẫn người khỏe.
- Dạ, Họ chăm sóc bọn em chu đáo như rứa thì người bệnh còn được chăm sóc tới mô.
- Thôi, đó cũng là dịp để cô và dì Tư biết bệnh viện Mỹ và sự chăm sóc người bệnh của Mỹ.
Minh lấy trong cái xách một tập báo, đưa cho Hà:
- Tôi mua cho cô tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Cô đọc sẽ hiểu biết thêm nhiều thứ.
Hà đón quyển báo:
- Cám ơn thiếu úy, nhưng trình độ của em đọc có hiểu được không?
- Không có chi khó. Đọc được là hiểu được. Toàn là những bài viết ở trình độ phổ thông, trình bày về những vấn đề xã hội, những vấn đề của phụ nữ.
Minh đứng dậy:
- Mừng cô sắp được đi học. Cố gắng học thêm ít chữ, cô Hà. Chừ tôi về.
- Dạ, thiếu úy về.
Hà theo Minh ra sân và thấy Đới đang đi ở phía đầu hồi nhà: Anh Đới, răng anh không vô nhà uống nước. Em tưởng anh đi mô.
- À, tôi qua nhà o Vân mua ít khoai lang, khoai sọ và củ mì. Sáng mai cho thiếu úy ăn khoai. Ăn mì gói riết cũng ngán.
Minh cười nhìn người lính xách giỏ khoai:
- Cơm, cá nục, cá ngừ kho, tép, mì gói, nay thêm khoai. Quanh quẩn chỉ chừng đó thứ.
Hà đi theo hai người ra cổng, rồi thẫn thờ nhìn con đường nhỏ bên bờ tre đi lên căn cứ.
5
Minh và thiếu úy Ngọc, đại đội phó, đi quan sát mấy lớp học, ngày khai giảng. Hai lớp năm và tư ở nhà cụ Lập thì mỗi lớp được trên 30 học sinh. Còn lớp ba và nhì ở từ đường họ Lê thì lớp ba được 27 người và lớp nhì được 16 người. Hôm nay là ngày khai giảng nên các lớp đều học buổi sáng.
Minh đứng bên cửa sổ nghe trung sĩ Huy giảng bài lịch sử vua Quang Trung đại phá quân Thanh, rồi gật đầu khen thầm: Giảng gọn, khúc chiết. Lớp 16 học sinh, 10 trai, 6 gái. Các cô đều mặc áo trắng, người sơ mi, người áo cánh, tóc cột gọn buông sau lưng. Minh vui nhìn học sinh ngồi nghiêm chỉnh với bàn ghế mới và bảng đen, và nghĩ là nếu có lớp nhất thì Minh và Ngọc sẽ thay nhau làm giáo viên. Nhưng lớp nhất chỉ có hai người nên không thành lớp. Để khuyến khích Minh đã mua sách giáo khoa tặng hai người và chỉ cách tự học. Bất chợt Hà nhìn ra ngoài và bắt gặp cái nhìn của Minh nên bẽn lẽn quay nhìn lên bảng.
Minh bước xuống thềm, đi tới chỗ Ngọc, cũng vừa ở lớp ba bước xuống.
Ngọc nói:
- Kết quả như rứa là tốt quá. Cái trường ni đúng là dân và quân cùng làm. Mấy cụ bô lão sốt sắng đi quảng bá lớp học, ông xã trưởng cung cấp cho một thợ mộc. Còn anh thì lo hết mọi việc, từ sách giáo khoa cho thầy đến bút vở cho học sinh. Nhìn bàn ghế đóng bằng ván thùng đạn đại bác với đám trẻ và ông thầy quần áo trận, tôi nghĩ có lẽ chỉ ở Đại Lộc với đại đội 237 mới có việc làm và hình ảnh đặc biệt ni.
Minh vỗ vai Ngọc:
- Nhìn học sinh với lớp học, tôi phấn khởi và cũng có những ý nghĩ như anh. Chỉ cố gắng một chút thì làm được một số việc có ích.
Ngọc nói:
- Nếu đại đội được ở đây trên một năm thì tốt. Tôi sợ trong trường hợp mình phải đi chỗ khác sớm mà đại đội mới tới không duy trì được lớp nhọc thì thật uổng.
- Đừng lo. Mọi việc đã chạy đều, nếu mình đi thì chỉ phải thay người dạy, tôi nghĩ đại đội nào cũng 3, 4 sĩ quan có tú tài, cả chục trung sĩ và binh sĩ có trình độ trung học như đại đội 237. Ở đây yên, mấy tên du kích mất dạng và hoạt động xa không bao nhiêu. Làm giáo dục, văn hóa giúp dân không hơn là la cà quán xá. Anh lo xa, nhưng tôi nghĩ không đến nỗi nào.
Minh cầm tay Ngọc kéo đi:
- Mình ra quán bên đường uống cà phê.
Thấy Minh và Ngọc bước vào quán, cô chủ cười tươi:
- Chào hai anh. Hai anh dùng chi ạ?
Minh nói:
- Cô cho chúng tôi ăn bún, rồi sẽ uống cà phê sau.
Khi bưng 2 tô bún và đĩa rau để xuống bàn, cô chủ nói:
- Thiếu úy Ngọc thì đã tới quán em hai lần. Còn thiếu úy Minh thì đây là lần đầu.
Minh nói:
- Chưa tới quán cô, nhưng cả tháng nay tôi nghe anh em binh sĩ nói nhiều về quán ni. Nào cô Miên, chủ quán có duyên, vui vẻ, nào là cà phê ngon hơn mấy quán ở dưới chợ, nào bún có hương vị đặc biệt.
Cô chủ quán cười, mặt rạng rỡ:
- Cám ơn thiếu úy đã nhắc lại những lời khen. Mở quán là mong có khách, nên em cố gắng ứng dụng những điều mình học được ở những quán khác.
Ngọc cười:
- Rứa là cô đã đi học khắp nơi để đem về cái quán Đại Lộc ni.
Miên đáp:
- Em không dám nói là khắp nơi, nhưng đã học ở mấy mệ, đã ăn thử ở những quán bún nổi tiếng trên Huế như bún mụ Rớt, bún Đông Ba, bún An Hòa và đoán cách họ pha chế. Có điều quán ở miền quê không được bao nhiêu khách, nên không thể nấu nhiều xương thịt như những quán trên Huế. Vì rứa không cách nào nấu ngon như họ được. Em chỉ cố gắng để cho đừng tệ quá.
Minh để miếng giò heo xuống đĩa:
- Cô nói như rứa là đúng lắm. Họ nấu thùng lớn, ninh xương suốt đêm tới nhừ. Mình quán bên đường hẻo lánh so sánh với họ răng được. Nhưng phải khen cô là bún ở đây thơm và đậm đà hơn nhiều so với mấy quán ở dưới chợ.
- Cám ơn thiếu úy.
Minh đẩy cái đĩa và cái tô qua bên, hỏi Ngọc:
- Anh uống cà phê sữa hay đen?
- Đen, anh. Uống đen cho tan cái béo của miếng giò heo.
Minh gật đầu, nhìn cô chủ quán:
- Cô cho tôi 2 cà phê phin đen và một bao Capstan.
Minh bóc bao Capstan lấy một điếu, rồi đưa cho Ngọc. Qua khói thuốc anh lặng yên nhìn những giọt cà phê rơi chậm trong ly và cảm thấy mùi cà phê lan tỏa quanh mình. Mấy người trên đường, dáng ở xa mới về, tạt vào quán, gọi bún, và ngồi ở cái sân nhỏ cạnh đường. Hai binh sĩ trên đồn vào quán, gật đầu chào Minh và Ngọc, gọi cà phê, rồi lấy ghế ra ngoài. Cô chủ quán tíu tít làm bún, chế cà phê.
Minh thấy vui nhìn những người qua lại và chợt nghĩ đến sự vắng lặng của con đường trước đây nên buột miệng:
- Nay thì tấp nập, chớ trước Mậu Thân thì con đường ni chẳng có người đi.
Ngọc nói:
- Có chớ, có lính mà lính ở dưới quận lên đây là đi theo với tiếng súng. Tôi biết ở đây đã đụng độ nhiều trận cấp đại đội với cả thiết vận xa M 113.
Khi cô chủ quán dọn xong bún và cà phê cho khách trở vào, Minh nói:
- Cô Miên ạ, cà phê ngon không thua mấy quán nổi tiếng trên Huế. Quán bên đường của một miền quê mới có dân về mà hương vị như ri thì thật đặc biệt. Rứa trước khi về đây mở quán, cô ở mô và làm chi.
- Dạ em chạy lên Huế từ năm 65, bán bún ở Tây Lộc, rồi bán cà phê Dạ Thảo ở Chi Lăng bên Gia Hội.
Minh gật đầu:
- Thảo nào, rứa là cô đem cà phê Dạ Thảo về đây. Mỗi lần lên Huế, tôi thường uống cà phê Dạ Thảo. Ngoài cà phê, Dạ Thảo còn một thứ đặc biệt là trà cúc với đường phèn.
Miên cười tươi:
- Rứa là thiếu úy đã thành người thân của Dạ Thảo.
Minh nói:
- Trà cúc thì nhiều quán có, nhưng mùi vị đậm đà thì không nơi mô bằng Dạ Thảo. Có điều lạ là tôi thường đến Dạ Thảo, cả sáng lẫn tối, nhưng không bao giờ thấy cô.
- Dạ, em lo việc trong bếp. Chỉ khi mô khách quá đông mới phải phụ bưng cà phê – Cô ngưng một lát, rồi tiếp: Có thể thiếu úy cũng đã thấy em, nhưng buổi tối đèn Dạ Thảo mờ mà tới mấy cô bưng cà phê, cô mô cũng đẹp cả, nên thiếu úy chẳng phân biệt ai với ai.
Minh cười:
- Đúng là lời đẹp bay xa. Lính căn cứ Đại Lộc khen cô hết lời thật đúng. Anh Ngọc thấy đó, chủ quán mà nói năng như rứa, lại thêm cà phê ngon nữa thì quán Đại Lộc sẽ lại đông như Dạ Thảo mấy hồi.
Ngọc nói:
- Tôi không có duyên với cà phê và trà cúc Dạ Thảo ở Chi Lăng, vì tôi ở Bao Vinh, xa mà trái đường, nhưng có duyên với cà phê Dạ Thảo ở Đại Lộc. Vài tháng nữa cô đem thêm trà cúc về đây. Rồi một, hai năm nữa khu ni thành chợ thì cô thành thần hoàng của chợ Đại Lộc.
Miên cười:
- Em không dám làm thần hoàng, nhưng nếu quán em đông khách thì sẽ lôi kéo những người khác về đây mở quán buôn bán.
Ngọc vỗ tay:
- Như rứa là thành thần hoàng rồi.
Có những tiếng cười vui hưởng ứng ở ngoài sân. Minh đứng dậy, tới quầy trả tiền. Khi bước ra Minh nói:
- Từ ngày mai cô sẽ gặp tôi luôn. Có cà phê Dạ Thảo ở Đại Lộc thì tôi không cần phải tới Dạ Thảo ở Chi Lăng nữa.
Minh và Ngọc bước ra đường trong lúc có mấy người dừng lại, tạt vào quán.
6
Sau cuộc họp ở Chi Khu, Minh đi với Đới ra chợ Hương Điền. Tới quán bún, Đới nói:
- Thiếu úy vô trước, em xuống dưới ni coi có tép và cá rô mua một mớ.
Cô chủ quán thấy Minh, đứng dậy tươi cười:
- Lâu lắm mới thấy thiếu úy.
- Chào cô Mai, có việc mới đi, chớ từ Đại Lộc xuống đây xa quá – vừa nói Minh vừa ngồi vào cái bàn bên cửa sổ quay ra đường – Cô cho 2 tô bún và nếu có thì cho tôi ly chè tươi thật nóng.
- Dạ có.
Chừng 15 phút sau, Đới xách một giỏ cói để xuống cạnh tường và nói:
- Thiếu úy, o Hà về chợ.
Minh nhìn qua cửa sổ thấy Hà gánh 2 cái thúng đi qua, vội nói:
- Cậu ra kêu cô ấy vô đây ăn bún luôn thể.
Đới bước nhanh ra cửa:
- O Hà, o Hà…
Nghe tiếng gọi, Hà dừng lại thấy Đới nên để quang gánh xuống bên đường:
- Chào anh Đới, hôm ni anh đi chợ?
- Không, tôi đi với thiếu úy. Thiếu úy bảo mời cô vô ăn bún.
Hà cười, rồi theo Đới vô quán.
- Chào thiếu úy.
- Trưa rồi, mời cô ăn bún với chúng tôi, rồi về luôn thể.
Minh chỉ vô góc quán:
- Quang gánh có thể để vào chỗ tê.
Hà nhìn quanh thấy chỗ nào cũng bàn, ghế nên gánh đôi thúng ra ngoài.
- Thôi để ngoài ni cho rộng.
Hà ngồi xuống ghế đối diện với Minh:
- Thiếu úy xuống chợ chơi?
Minh lắc đầu:
- Không, tôi xuống quận có việc, nhân tiện ghé chợ ăn trưa. Cô thường về giờ ni?
- Dạ không, Hôm ni em về sớm, chớ thường thì cũng cả tiếng nữa.
Minh đứng dậy nói:
- Cô Mai cho thêm tô bún nữa.
Chừng 15 phút sau Mai bưng một cái mâm có 3 tô bún và một đĩa rau sống để xuống bàn. Đới đặt 2 tô bún trước Minh và Hà, còn Mai thì vừa để đĩa rau sống ra bàn vừa nhìn Hà rồi nhìn Minh với vẻ ngạc nhiên. Khi Mai bước đi, Minh mỉm cười và nói với Hà:
- Cô ăn cho nóng.
- Mời thiếu úy, mời anh Đới.
Đới lấy nhiều rau nhúng vào tô bún và ăn nhanh. Minh không ăn rau và Hà cũng không đụng đến rau. Sau khi vắt một miếng chanh vô tô bún của mình, Hà hỏi Minh:
- Thiếu úy cần chanh không?
Minh gật đầu, nhưng chưa kịp lấy chanh thì Hà đã lấy một miếng vắt vào tô cho Minh.
- Cám ơn cô Hà.
Thấy tô bún của Đới đã gần hết, Minh nói với vào bếp:
- Cô Mai, cô cho cậu Đới một tô nữa.
Đới nói:
- Cô Mai làm tô nhỏ thôi.
Minh ăn chậm để chờ Hà. Thấy Hà lúng túng với miếng giò heo, Minh đứng dậy lấy đũa gắp miếng giò heo ra đĩa, rồi dùng đũa và muỗng tách thịt và xương ra từng miếng. Đẩy cái đĩa lại gần tô bún, Minh nói:
- Mấy thứ ni, con gái, phụ nữ khó ăn. Nhưng giò heo phải cầm ăn mới ngon.
Sau khi dọn mấy cái tô, Mai đem ra 3 ly chè tươi để xuống bàn, rồi chợt nói:
- A, em quên, thiếu úy thường uống chè với đường.
Minh cười:
- Tôi mới uống chè ở đây mấy lần mà cô đã nhớ được món đường.
Mai đem ra một thẩu đường với cái muỗng dài để trước Minh, rồi nói:
- Em nhớ, vì không có ai uống chè với đường.
Minh xúc 3 thìa đường cho vào ly, khuấy một lúc, rồi uống từng hớp như uống cà phê.
- Tôi không nhớ mình uống chè với đường từ bao giờ, nhưng thành nghiện cái vị đắng chát của nó đi với ngọt.
Sau buổi chợ, Hà vẫn tươi tỉnh, đôi má ửng hồng hơn một chút với những sợi tóc mai dài phất phơ bên tai. Chiếc áo nâu đã bạc để hở một khuy cổ, căng vươn lên ở khuy thứ nhì. Hà ngồi chéo với Minh, nên anh nhìn thấy ở giữa 2 khuy phía dưới để lộ một phần nịt ngực trắng mỏng căng tròn ở chiếc rãnh sâu như lẫn vào da. Nhìn bàn tay Hà cầm ly nước với những ngón dài sạm nắng, Minh nghĩ nếu Hà không cuốc đất trồng rau vất vả thì bàn tay kia sẽ thuôn dài với màu trắng của da mặt. Thấy Minh nhìn mình chăm chú, Hà thẹn cúi xuống và chợt thấy sự hớ hênh của mấy cái khuy ngực, nên đã xoay người về phía trái một chút.
Hút hết điếu thuốc, Minh đứng dậy tới chỗ Mai trả tiền với câu nói: Cám ơn cô chủ quán đã không quên món đường với chè tươi.
- Dạ, cám ơn thiếu úy. Chào o Hà, chào anh Đới. Khi mô thiếu úy xuống quận nhớ đến quán em.
Khi Minh với Hà bước ra cửa thì thấy Đới đã gánh 2 cái thúng của Hà đi một quãng xa. Hà đi nhanh đến bên Đới:
- Anh Đới để em gánh.
Đới nói:
- Trước khi đi lính tôi cũng thường gánh mà gánh rất nặng chớ mô có nhẹ như ri. O để tôi gánh cho.
Minh đi tới cười nói:
- Để Đới gánh, cậu ấy muốn cho cô thong thả một bữa.
Khi ba người đi ngang qua cổng quận, mấy người lính trong sân chỉ trỏ, cười nhìn theo Đới, rồi nhìn Minh với Hà. Và trên đường, người đi ngược hay xuôi qua Đới đều nhìn với con mắt ngạc nhiên trước một binh sĩ quần áo trận gánh đôi thúng như đi chợ về.
Đi tới ven làng với lũy tre xanh dọc theo đường mà Minh được biết là trước Mậu Thân, đơn vị ở quận đi lên tới đây là du kích ở phía trên bắn báo động. Chúng lui nếu thấy đơn vị hoạt động ở cấp đại đội, còn đơn vị nhỏ hơn thì chúng bắn sẻ hoặc pháo quấy rối, khó có thể lên được Vĩnh Xương.
Nhìn chiếc áo nâu bạc thếch đã dán vào lưng Hà do mồ hôi, Minh hỏi:
- Trước Mậu Thân cô có thường đi chợ Hương Điền không?
- Dạ có, nhưng ít. Mạ em đi nhiều hơn, nhưng đi chợ phía trên Thanh Hương, chợ chỉ họp buổi sáng trên đường. Dân mấy xã Vĩnh Xương, Đại Lộc, Thanh Hương đem rau, gà vịt lên nớ bán cho con buôn ở chợ Mỹ Chánh. Gọi là chợ, nhưng không có quán, sạp chi cả. Buồn lắm, thỉnh thoảng em mới đi.
- Rứa hồi đi học lớp tư, lớp ba, Hà có lên Huế bao giờ chưa?
- Dạ, em được lên Huế mấy lần. Trên Huế, em có ông bác ở Bến Ngự và cậu mợ ở Bao
Vinh. Đã gần chục năm rồi, chẳng biết chừ ông bác và cậu mợ ra răng.
- Những năm không yên, người ta chạy lên Huế, vô Đà Nẵng hay xuống mấy xã phía dưới quận, răng nhà Hà có người thân ở Huế mà không lên Huế làm ăn?
- Vì răng gia đình không đi, em không tiện nói. Ở lại đây buồn mà khổ lắm, nhưng em đành chịu.
Nhìn nét mặt buồn và có vẻ sợ hãi theo lời nói của Hà, Minh đoán được một phần, nên hỏi qua chuyện khác.
- Thời Hà học lớp ba chắc đã khá lớn, rứa lúc đó Hà nghĩ chi và muốn làm chi?
- Dạ, em thích học và muốn học lên cao để làm cô giáo. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã không cho em đi tới. Chừ thì đã lớn. Em không thích nghề nông, nhưng cha mẹ ở miền quê thì biết làm răng.
Minh vỗ vai Hà:
- Muốn thành cô giáo thì cứ học. Hà nói tuổi đã lớn, nhưng thời buổi chiến tranh khác thời bình, nên nhiều người phải học chậm như Hà. Học để thành cô giáo ở trường tiểu học miền quê thì không khó lắm. Cứ học xong tiểu học, lấy bằng tiểu học, rồi xuống trường trung học ở quận học tiếp. Có người 30, 40 mới thi trung học. Như rứa Hà vẫn còn quá trẻ để theo đuổi ước muốn của mình. Tôi thấy mấy lớp trung học trường Hương Điền học sinh đã lớn cả. Năm nay lớp nhì, sang năm lớp nhất. Rồi năm nữa sẽ là học sinh đệ thất trung học Hương Điền. Đại đội tôi được ở Đại Lộc 2 năm nữa thì sẽ chứng kiến bước đi của Hà như rứa.
Hà cười nhìn Minh bẽn lẽn, nhưng với ánh mắt lung linh trong màu hồng của khuôn mặt trái soan, tươi hiền dưới ánh nắng. Chiếc nón lá cũ và cánh áo nâu bạc đã làm nổi lên mái tóc dài buộc sau lưng với thân hình đầy đặn cân đối. Cái đẹp khỏe mạnh thôn dã với lời nói chân thật trầm ấm đã cuốn hút Minh. Chàng tìm thấy ở Hà một thôn nữ chất phác, đẹp mà tháo vát, mẫu con gái quê trước kia chàng chỉ gặp trong tiểu thuyết. Chợt nhớ chuyện hò trong đám cưới, Minh nói:
- Hôm đám cưới, người ta ăn uống, còn Hà thì ra ngoài hò đối đáp. Cậu Đới khen Hà có giọng truyền cảm. Rứa ai dạy cô hò?
- Dạ, mạ dạy. Nhưng em học không được bao nhiêu.
- Hà có giọng tốt lại có khiếu hò, nên bảo mạ dạy thêm những điệu hò Huế. Hôm đám cưới, tôi không biết cô hò, vì mải nói chuyện với ông xã trưởng và mấy cụ bô lão. Khi mô tiện, hò tôi nghe ít câu.
- Ở đám đông đối đáp nhau mới hò được, chớ một người thì không cất tiếng lên được mô, dị lắm.
Minh cười:
- Nghệ sĩ mà lại dị. Người hò là nghệ sĩ, cứ cất tiếng là sẽ làm chủ người nghe. Ngày mô ở nhà có tôi và cậu Đới, cô hò lên sẽ thấy lời tôi nói đúng.
Hà bẽn lẽn lảng qua chuyện khác:
- Em thấy anh Đới lần mô đi chợ cũng xách mấy bó chè, chừ em mới biết thiếu úy uống chè chớ không uống trà.
- Có uống trà, nhưng chè nhiều hơn. Buổi sáng tôi thường uống một ly lớn với đường.
- Mạ em cũng chỉ uống chè.
- Rứa ngoài việc trồng rau, hai mẹ con còn làm chi nữa?
- Dạ, còn nuôi heo, nuôi gà, rồi làm ruộng, nhà em có hai sào ruộng ở gần phá.
- Trồng rau, tưới rau, đi chợ, bận quá rồi, lại chăn nuôi, làm ruộng nữa.
- Ở quê thì phải làm như rứa mới sống được.
- Trước Mậu Thân, khi có những cuộc hành quân và đánh nhau thì hai mẹ con chạy đi mô?
Hà lắc đầu:
- Không chạy đi mô hết. Hai mạ con chỉ ở trong hầm tránh pháo.
- Tại răng không chạy tới một chỗ khác.
- Không biết chạy đi mô, mà vì khổ quá nên em hết cả sợ hãi. Cứ ở lại nhà, tới mô thì tới. Nhưng các chú lính chỉ đi ngang qua, đôi khi hỏi ít câu rồi bỏ đi.
Qua việc hai mẹ con bám làng giữa miền lửa đạn và qua mấy điều Hà nói, Minh hiểu gia đình Hà thuộc phe địch và biết cha Hà còn sống, vì nếu không thì có lẽ hai mẹ con đã chạy khỏi vùng này từ lâu. Bất giác Minh thở dài… Sau một cuộc tình đổ vỡ ở thành phố, Minh tưởng đã gặp được một thôn nữ như ý muốn, nhưng lại thấy mình đang đi vào những đổ vỡ khác. Minh không muốn nghĩ tiếp, chỉ tặc lưỡi nhìn theo chiếc ghe ngoài phá một lúc, rồi nói:
- Mạ Hà không biết bao nhiêu tuổi mà còn đẹp lắm. Với mái tóc, dáng người và nước da đó, lại còn hò hay nữa, chắc thời trẻ bà là hoa khôi của Đại Lộc.
- Đại Lộc trước kia có nhiều người đẹp, hò hay, còn ai là hoa khôi thì em không biết.
- Hà nói trước kia, rứa chừ đi mô hết?
Hà cúi xuống, giọng buồn:
- Người lấy chồng quận khác, người vô Huế. Họ đi hết, chỉ còn mạ em ở lại.
Đới dừng lại bên đường rẽ vào làng. Khi Minh và Hà đi tới, anh cười:
- Thôi, trả lại quang gánh cho o.
- Cám ơn anh Đới, như ri ngày mô em cũng mong gặp anh đi chợ - Hà nâng đòn gánh lên vai – Vừa đi vừa nói: Thiếu úy và anh Đới vô nhà em uống nước đã, rồi hãy lên đồn.
7
Hai thầy trò Minh định ra quán bên đường uống cà phê, nhưng khi đi qua nhà Hà, thấy Hà đứng ở sân nên rẽ vào.
Hà mừng rỡ:
- Thiếu úy… chào thiếu úy, chào anh Đới.
- Chào cô, hôm nay cô không đi chợ?
- Dạ, mạ em đi.
- Chúng tôi định ra quán ăn bún, uống cà phê. Mời cô đi với chúng tôi cho vui.
- Cám ơn thiếu úy, em ăn sáng rồi – Hà ngừng lại một lát, rồi nhìn Minh: Thôi đừng ra quán nữa, để em làm mì gói, thiếu úy với anh Đới ăn sáng, rồi uống thử chè nhà em.
Minh cười:
- Cám ơn cô, rứa càng hay. Cô cho tôi uống thử chè Đại Lộc xem ra răng.
Hà vào bếp lấy cái rổ rồi đi ra sau nhà, tới mấy cây chè bên dậu dâm bụt. Nàng vin cành hái những đọt non. Minh đứng nhìn Hà hái chè một lúc, rồi đi quanh vườn. Bên dậu dâm bụt phía sau có chục cây dương, mấy luống thơm với những trái thơm non mầu tím, lá với gai tím vươn cao. Phía sát đường là ba cây mãng cầu, ba cây chanh và bụi chuối lớn ở cạnh cái giếng. Cây chỉ có thế. Còn cả vườn phía sau dành cho rau: 4 luống tần ô, 3 luống cải cay, 2 luống cà tím. Từ phía sau đầu hồi nhà bên phải ra tới sân trước là 4 cái giàn khá rộng cho khổ qua, mướp, dưa leo và bí.
Đới từ đầu hồi nhà bên trái đi tới, tay cầm một cành chè:
- Em tới đây cả chục lần mà hôm ni mới đi hết vườn. Vườn rộng thật, chỉ có hai mạ con mà chỗ mô cũng tươm tất. Mấy cái vườn bên tê, nhà có đàn ông mà vườn để đầy rác với cỏ.
Minh gật đầu:
- Vườn rộng, gọn mà sạch. Ở miền quê yên ổn mà có được cái vườn như vườn ni, trồng rau, chăn nuôi thì sống được.
- Nhà o Hà vào loại khá, nhưng mấy năm lọt vào tay Việt Cộng thành thiếu ăn, thiếu mặc.
- Việt Cộng gọi mấy xã Thế Mỹ, Thanh Hương, Đại Lộc, Vĩnh Xương là vùng giải phóng. Cậu hiểu mấy chữ vùng giải phóng ra răng?
Đới nghĩ một lúc, rồi nói:
- Theo em hiểu thì nớ là vùng chúng chiếm được quyền kiểm soát, nhưng kiểm soát như ri thì dân thành nghèo. Vì những người sợ thì chạy tới nơi khác làm ăn, những người thuộc phe Việt Cộng hay không biết chạy đi mô, ở lại thì bị cô lập. Làng ít người, ruộng đất bỏ hoang, không sản xuất, không buôn bán nên thành nghèo.
- Cậu hiểu như rứa là đúng rồi, nhưng với chúng thì việc chiếm vùng này vùng kia là để mở rộng khu vực kiểm soát và làm suy yếu chính quyền quốc gia. Cứ thế chúng sẽ giải phóng tỉnh, rồi toàn quốc. Nhưng cậu biết khi đã giải phóng toàn quốc, Việt Cộng sẽ làm những gì để gọi là cách mạng, là giải phóng không?
Thấy Đới ngớ ra, Minh nói:
- Đơn giản thôi. Việt Cộng sẽ thực hiện những việc như miền Bắc đã làm: Ở thành phố, đảng thu tóm việc buôn bán. Ở khu vực sản xuất, đảng thu tóm các nhà máy, công nhân thành công nhân của đảng và làm thuê cho đảng. Ở nông thôn, đảng thu tóm ruộng đất, lập ra những hợp tác xã, là những đơn vị làm nông. Nông dân ở trong hợp tác xã không có đất và chỉ là người làm thuê cho đảng và được chấm công hàng ngày. Khi thực hiện những việc ni, đảng Cộng Sản gọi là giải phóng công nhân, nông dân khỏi sự bóc lột của chủ tư nhân và địa chủ.
- Như rứa đảng Cộng Sản làm chủ tất cả.
Minh gật đầu;
- Đúng rồi. Cả nước chỉ có một ông chủ duy nhất là đảng Cộng Sản và toàn dân trở thành người làm thuê cho đảng, cho chính quyền Cộng Sản. Và ông chủ mới ni ghê gớm, vì có súng đạn và nhà tù.
Hà từ trong nhà đi ra sân:
- Mời thiếu úy và anh Đới vô ăn sáng.
Ngồi xuống ghế, nhìn tô mì nấu với rau tần ô bốc hơi thơm mùi tần ô với mùi tôm, Minh vắt chanh vào tô mì, ăn mấy miếng rồi nói:
- Mì gói nấu với rau có hương vị khác.
Đới nói:
- Để em mua tần ô và cải cay, rồi bắt chước o Hà, chớ mình cứ nước sôi đổ vào, ngọt thì có ngọt, nhưng thiếu rau nên ngán.
Ăn hết tô mì, Minh ra sân, tới cái vại, múc nước súc miệng, khi vào đã thấy bình chè ở bàn với 2 cái ly cao và một thẩu đường cát trắng. Hà rót chè ra 2 ly, rồi nói:
- Thiếu úy với anh Đới tự cho đường, chớ em không biết cho mấy thìa thì vừa.
Minh cho 3 thìa đường, khuấy đều rồi uống mấy hớp:
- Chè Hà chế ngon hơn chè chợ, có lẽ do chè mới hái và cách chế. Cô chế ra răng?
- Dạ, em vò kỹ, trụng hai lần nước sôi, rồi chế nước sôi chớ không nấu.
Minh gật đầu:
- Làm như rứa mất công, nhưng chè thơm hơn và xanh hơn, chớ không đậm như chè nấu – Minh cười nhìn Đới – Chúng tôi thì không chế rắc rối như rứa, chỉ rửa rồi cho vào nồi nấu.
Hà nói:
- Dạ, thường thì em cũng nấu như rứa.
Minh cười:
- Có khách cô mới chế như hôm nay.
- Em nghe mạ em bảo chế như rứa. Nhưng đây là lần đầu tiên em làm theo lời mạ xem chè chế khác với chè nấu ra răng.
- Khác nhiều, thơm mà đậm đà hơn, nhưng mất công quá.
Đới nói:
- Để sáng mai em chế như o Hà xem chè mua ở chợ có bằng chè ở đây không.
Hà nhanh nhẩu:
- Để em ra hái cho mấy bó, chè mới hái thì phải hơn chè chợ.
- O để tôi đi hái cho – Đới vừa nói vừa đứng dậy xuống bếp lấy một cái rổ lớn, đi ra vườn.
Minh ngồi nhìn màu vàng xanh của nửa ly chè, rồi nhìn lên bắt gặp Hà đang nhìn mình. Nhìn đôi môi mọng đỏ với đôi mắt đen và mái tóc dài buộc gọn để lộ khuôn cổ tròn mịn, Minh giơ tay cầm bàn tay Hà kéo lại gần mình, bóp bàn tay một lúc, rồi đứng dậy dẫn Hà vào phòng. Đứng lại sau khung cửa, Minh vòng tay ôm gọn vòng eo và đặt mặt mình vào mặt Hà và phải ôm chặt vì thấy thân nàng mềm nhũn như muốn khuỵu xuống. Nghe tiếng động ở dưới bếp, Minh dìu Hà đến giường để nàng ngồi xuống, rồi đi ra, ngồi xuống bàn nâng ly nước uống mấy hớp.
Đới đem vào một bó chè lớn buộc dây chuối để trên hè:
- Chè nhà o Hà lá nhỏ mà dày. Chè ni được nước và thơm.
Minh uống hết ly nước, đứng dậy:
- Cám ơn cô Hà cho chè. Chừ chúng tôi về.
Hà từ trong phòng bước ra, mặt vẫn còn hồng.
- Thiếu úy với anh Đới ở chơi, về làm chi vội.
Nhìn đôi mắt ướt lung linh, Minh nói:
- Hôm khác lại xuống.
8
Minh xuống quận để gặp chi khu trưởng, nhưng phải đợi, vì ông bận họp với cố vấn Mỹ. Chừng một giờ sau, binh sĩ trực tới nói:
- Họp xong rồi, mời thiếu úy vô.
Minh vào đứng nghiêm giơ tay chào:
- Thiếu úy Lê Minh trình diện thiếu tá.
Thiếu tá Tôn Thất Bình nhìn lên:
- Anh Minh ngồi đi.
Minh vừa ngồi xuống ghế thì ông chi khu trưởng nói:
- Tôi có lời khen, anh mới tới mà đã làm được hai việc hay. Dân Đại Lộc nói nhiều về việc anh tận tâm giúp mấy người bi bệnh thổ tả và việc anh mở mấy lớp học cho đám trẻ Đại Lộc.
Minh nói:
- Thưa thiếu tá, việc cứu được 5 người bị bệnh là do thiếu tá nhờ được cố vấn Mỹ. Còn việc mở mấy lớp học chỉ là việc tạm thời và hôm nay tôi xin gặp thiếu tá cũng vì chuyện mấy lớp học.
Thiếu tá Bình nhìn Minh:
- Anh có điều chi cần nói cứ trình bày thẳng.
- Thưa thiếu tá, bốn xã Vĩnh Xương, Đại Lộc, Thanh Hương và Thế Mỹ chỉ vuột khỏi sự kiểm soát của mình có mấy năm mà thôn xóm tiêu điều và những cơ sở cũ tiêu tan hết. Chừ mình mới khôi phục lại sự kiểm soát, tôi hiểu là có quá nhiều việc phải làm về an ninh, kinh tế, y tế và giáo dục. Trong đó tôi thấy 2 việc cần phải thực hiện trong năm nay là y tế và trường học cho vùng Đại Lộc, Thanh Hương. Vì thế, xin thiếu tá tìm mọi cách để vùng Đại Lộc có được một trạm y tế và một trường học, từ lớp năm đến lớp nhất. Có thể coi Đại Lộc là trung tâm cho cả Thanh Hương và Vĩnh Xương.
Thiếu tá Bình nói:
- Tôi có nghe ông xã trưởng Đại Lộc nói về vấn đề ni và tôi đã xem xét khả năng có thể thực hiện sớm 2 cơ sở đó. Y tế dễ làm, còn trường học 5 lớp, phải có thầy, khá lớn nên khó hơn. Tuy nhiên mình sẽ phải dồn chương trình tái thiết cho những cái chính là y tế và giáo dục. Anh yên tâm, sang năm Đại Lộc sẽ có trường mới cho những lớp anh tổ chức năm nay.
- Cám ơn thiếu tá.
Minh định đứng dậy, nhưng thiếu tá Bình lấy tay ra hiệu bảo anh ngồi xuống:
- Còn một việc nữa… Nhân tiện anh xuống đây, tôi muốn nói với anh một vấn đề khá hệ trọng là việc anh giao du với cô Phạm thị Hà, nhà ở gần căn cứ. Cha của Hà là Phạm văn Độ, gia đình khá giả, nhưng đi theo Việt Cộng và hiện là đội trưởng du kích của Đại Lộc, Thanh Hương. Sau Mậu Thân, lực lượng du kích của mấy xã Thanh Hương, Thế Mỹ, Đại Lộc và Vĩnh Xương bị tổn thất nặng, nên đã phân tán mỏng, ngưng hoạt động để bảo tồn lực lượng. Theo tin tình báo thì Độ vẫn nương náu ở vùng Thanh Hương và Thế Mỹ. Vợ hắn là Nguyễn thị Liễu, cũng gốc gia đình khá giả ở Đại Lộc, rất khôn ngoan, nhưng ta không tìm được một hoạt động nào của thị - Thiếu tá Bình ngưng một lát – Anh giao du với con nó, coi chừng bị sập bẫy.
Minh nói
- Thưa thiếu tá, ông trung úy Tâm, ban 2, cũng đã cho tôi biết việc này. Ta đã biết rõ gia đình đó thì không có chi phải lo. Cô Hà không quyến rũ tôi mà do tôi thấy cô là một thôn nữ chất phác, dễ thương nên theo. Và tuyệt nhiên từ ngày quen biết đến chừ, tôi chưa hề nghe cô ấy nói giọng tuyên truyền bao giờ, cả mẹ cô ấy cũng rứa. Bà Liễu là một trong 5 bà bị bệnh thổ tả và cô Hà đã tới cổng căn cứ kêu cứu. Chính từ vụ bệnh mà tôi đã đến với gia đình đó. Theo nhận xét của tôi thì cách sống và nói năng của cả hai mẹ con không có một nét chi là gia đình Việt cộng. Cô Hà có sắc, thông minh, ham học, nhưng bản chất chân thật, không có bản lãnh để làm địch vận.
Thiếu tá Bình nói:
- Tôi không ngăn cản anh, nhưng tôi khuyên anh nên tránh xa. Anh nhận định và nhìn người đúng, nhưng an ninh không nhìn như anh. Họ làm việc theo nguyên tắc, theo sự đánh giá, phân biệt ta và địch. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến đời binh nghiệp. Chỉ giao du với họ thôi cũng đã thành vấn đề, nói chi đến việc kết hôn. Tại sao đường thẳng không đi, lại đâm đầu vào bụi rậm. Đại đội trưởng nhập vô một gia đình Đội Trưởng đội du kích. Anh nghĩ thế nào?
Minh đứng lên:
- Cám ơn thiếu tá, xin thiếu tá an tâm. Tôi sẽ rất thận trọng trong việc giao tiếp với cô Hà và sẽ lui dần.
9
Minh dừng xe đạp trước cổng nhà Hà, rồi dắt xe vào sân.
Bà Tư đang quét thềm, nhìn ra:
- Thiếu úy đi mô mà mấy hôm không thấy?
- Dạ, con đi Huế, dì Tư – Minh vừa nói vừa dựng xe vào thềm.
Hà từ trong nhà chạy ra:
- Anh đã về.
Minh cầm tay Hà, đưa cái giỏ lớn cho Hà - Hà đem giúp anh cái giỏ ni vô nhà – rồi cúi cởi mấy sợi dây sau poc-baga, lấy một cái giỏ khác đem vào để trên bàn, rồi nói:
- Thưa dì Tư, sắp Tết, con mua một ít bánh mứt để dì Tư cúng Tết – Vừa nói Minh vừa lấy trong giỏ ra 2 hộp mứt gừng và sen, một hộp mè sửng, một hộp trà Đỗ Hữu – Minh mở cái giỏ khác – Còn đây là hai cái áo len và hai xấp vải để dì Tư và Hà may quần áo năm mới.
Bà Tư cảm động nhìn những món quà trên bàn:
- Thiếu úy cho chi mà nhiều rứa… Bánh mứt lại quần áo.
Minh ngồi xuống ghế, chỉ chiếc xe đạp dựng trước thềm:
- Con mua cho Hà chiếc xe đạp để Hà đi chợ. Chợ xa gánh gồng cực quá.
Bà Tư ngạc nhiên:
- Trời đất, lại còn mua xe cho em nữa.
Minh nói:
- Con chân tay không mà đi bộ từ đây xuống quận còn mỏi nhừ chân, mồ hôi ra ướt áo. Hà đi xa hơn, lại còn gánh rau nữa. Trồng rau rồi gánh bộ 6, 7 cây số để bán rau. Đời sống cực quá. Có chiếc xe đỡ được một phần.
Bà Tư nói:
- Thiếu úy cho thì nhận, mạ con tôi cảm ơn thiếu úy.
- Người nhà mà dì Tư nói chi mấy lời nớ.
Bà Tư nhìn ra sân:
- Đã muộn rồi. Ở lại đây, tôi nấu cơm ăn, rồi hãy lên đồn.
- Dạ.
Bà đi vội xuống bếp. Chừng 20 phút sau Hà đem bình chè và cái ly lớn để lên bàn, rồi cúi xuống cái ngăn dưới bàn thờ lấy thẩu đường cát. Nàng rót chè ra ly, cho 3 thìa đường, khuấy đều, rồi đặt cái ly trưóc Minh: Anh uống nước, đạp xe từ chợ về đây – Hà đi lại gần Minh – Anh đi có mấy ngày… trời lại mưa. Trên Huế có mưa không anh?
- Có mưa, nhưng ít – Minh vừa nói vừa cầm bàn tay Hà bóp nhẹ - Trời mưa mà dậy sớm gánh rau đi chợ.
- Em quen rồi.
Hà xuống bếp một lúc rồi quay lên đi vào buồng. Minh đứng dậy đi theo, chỉ mới bước qua cửa, Minh đã lọt vào vòng tay Hà. Chàng vòng tay qua chiếc eo mềm và úp mặp và cổ Hà, xoa nhẹ hai bên eo và nghe Hà thở gấp. Sợ bà Tư lên, nên Minh nói nhỏ: Mạ lên – Lúc ấy Hà mới nới lỏng hai tay, buông Minh ra.
Minh đi lại ghế ngồi. Hà bước ra, mặt hồng lên với đôi mắt lung linh, nhìn Minh mỉm cười, rồi đi xuống bếp.
Khoảng 20 phút sau bà Tư lên nhà nói:
- Thiếu úy ở nhà ăn cơm, tôi qua nhà bà Sâm có chút việc.
- Dạ, dì Tư đi.
Hà bưng một cái mâm nhôm để lên bàn. Trên mâm có một đĩa cá nục kho, một bát canh cải cay và một đĩa mì sào tôm khô. Hà sới cơm đưa cho Minh:
- Anh ăn cơm.
- Răng em không ăn với anh?
- Em với mạ ăn rồi. Ăn sớm để mạ qua nhà bà Sâm làm mứt gừng. Từ nay tới tết, ngày mô cũng bận làm mứt, làm bánh cốm, bánh in, rồi gói bánh chưng.
- Ngày mô em đi chợ tết?
Hà cười:
- Ngày mô em cũng đi chợ. Anh hỏi rứa thì biết nói răng?
Minh cười theo:
- Ngày đi chợ tết là ngày em sẽ tay không như anh.
- Rứa ngày mô anh đi cho em đi theo, không gồng gánh chi cả - Hà cười – Gọi là đi chợ tết chớ không mua chi nhiều, vì mọi thứ mạ đã làm lấy. Thịt thì gà nhà, còn heo thì nhà bà Sâm, ngày 28 sẽ mổ một con, chia cho chục gia đình. Trưa 28, nhà gói bánh chưng, anh xuống với em.
- Đại đội năm nay cũng ăn tết lớn. Heo mua nhà cụ Lập, gà mua nhà o Hà – Hà cười khúc khích – Sáng 30 mổ heo, trưa gói bánh chưng, đêm giao thừa nấu bánh.
- Còn hoa nữa, anh. Em tặng đại đội một cặp chậu cúc để anh cúng tết và trưng hoa trong những ngày xuân ở Đại Lộc.
Minh ngạc nhiên:
- Hoa em trồng hay mua?
- Dạ, em trồng. Em trồng thử, nhưng không ngờ cúc lên tốt và bông khá lớn.
- Hoa cúc trồng về mùa thu, nên người ta nói xuân lan, thu cúc. Nhưng ở đây cúc lại trồng về mùa đông. Rứa phải gọi là hoa cúc mùa đông hay cúc Đại Lộc?
- Anh muốn gọi răng cũng được.
- Rứa là trong đời lính, đây là năm đầu tiên anh có hoa cúc để nghĩ về mùa xuân…
Minh ngừng lại lắng nghe tiếng hát Hà Thanh từ chiếc radio bỏ túi của một binh sĩ đi ngang qua cổng: Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh, mơ rằng đây mái nhà tranh, mà nhớ chiếc bánh ngày xuân. Cùng hương khói vương niềm thương. Ước mong nhiều…tiếng hát nhỏ dần theo bước đi của người lính.
Hà sới cho Minh chén cơm, rồi nói:
- Lớp em có thêm hai người nữa, một nam, một nữ ở xóm trên. Thầy Huy dạy hay, vui mà nghiêm.
- Anh hy vọng qua hè ni, Đại Lộc sẽ có trường và em sẽ thành cô giáo về dạy ở trường Đại Lộc.
- Chiến tranh ni... Em sợ ngày mai. Nói chi đến chuyện cô giáo.
- Cứ nghĩ như rứa, còn ngày mai ra răng, ai biết – Nhìn nét buồn trên mặt Hà, Minh nói, rồi ra sân, tới cái vại múc nước súc miệng. Khi trở vào, Hà đưa anh ly nước. Trời đã chập choạng. Minh uống hết ly nước, đứng dậy ôm Hà, dìu vào phòng. Minh tìm đôi môi, rồi gục mặt vào cổ Hà tìm mùi thơm mà lúc nào ngồi cạnh Hà, anh cũng thấy phảng phất mùi hương tỏa ra từ cổ hay ngực. Minh dìu Hà đến bên giường, đặt nằm xuống, nửa trên giường, nửa dưới chân chạm đất. Thế nằm của Hà đưa Minh vào một dòng thác. Anh úp mặt vào cổ... Hà đưa tay cởi mấy khuy áo, ghì đầu Minh vào ngực... Anh trườn mặt đi xuống bụng. Hà chỗi chân, nâng mông kéo quần xuống. Động tác và tiếng thở mạnh của Hà làm Minh sự tỉnh, không dám nhìn xuống... Con đường chông gai và trách nhiệm đối với một cô gái: Ngừng lại đi – Minh nhủ thầm, kéo quần Hà lên, rồi cúi xuống nói nhỏ:
- Cám ơn em. Chúng ta còn thời gian.
Hà vòng tay ôm cổ anh, nói nhỏ:
- Thời gian... Em sợ. Chiến tranh ni... Em đã chết hụt mấy lần.
Nghe những tiếng thì thầm như thúc dục, Minh thương Hà và sợ trước con đường phải chia lìa, phải xa Hà. Không biết nói gì về sự bất lực trước hoàn cảnh giữa hai ngả đường, Minh cúi đầu im lặng trên cổ Hà một lúc lâu, rồi đứng dậy, kéo Hà đứng lên.
- Thôi trễ rồi, anh lên đồn. Ngày mai anh bảo Đới buộc 2 cái sọt vào poc-baga để em chở rau đi chợ.
10
Trời mưa tầm tã. Bà Tư nằm nhìn lên đình màn trong ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu. Đã trên 6 tháng bà không nhận được tin của ông Độ. Bà không biết ông ở mô, nhưng biết ông không ở quá xa vùng Đại Lộc, Thanh Hương và Thế Mỹ. Bà luôn nghĩ đến một ngày có người tới báo tin ông đã chết hay bị bắt.
Từ tết Mậu Thân đến nay, nhiều đồng đội của Độ đã chết hay bị bắt, nên bà vẫn nghĩ là có ngày đến lượt chồng mình. Khi lấy Độ, bà chỉ biết ông là người tháo vát, chăm chỉ làm ăn và bà tin tưởng vào hai bàn tay tháo vát của Độ. Nhưng tới năm 60 thì mọi niềm tin của bà đã tàn lụi, khi Độ tham gia vào đội du kích của xã. Từ đó, bà một mình làm để sống và nuôi con, trong hoàn cảnh, miền đất yên bình bỗng thành miền đất chiến tranh và dân làng bỗng thành hai phe đối nghịch, bên theo Mặt Trận Giải Phóng, bên theo chính quyền quốc gia. Bà không hiểu mà cũng không chú ý đến những điều cán bộ Mặt Trận nói, nhưng bà có chồng theo Mặt Trận nên gia đình bà trở thành gia đình cách mạng. Chỉ trong mấy năm gia nhập đội du kích, Độ đã leo lên cấp chỉ huy, bà nghĩ có lẽ Độ đã đem sự tháo vát và siêng năng vào việc chiến đấu. Từ năm 1965, 66, lực lượng địa phương đã lớn mạnh, kiểm soát cả mấy xã Thanh Hương, Đại Lộc, Vĩnh Xương, xuống gần đến quận lỵ Hương Điền. Trong thời gian ấy Độ không ở nhà, nhưng vài ngày lại về và ở lại trong đêm. Mặc dù đời sống thiếu thốn và bị tách hẳn với những xã ở phía dưới quận, nhưng nghe Độ nói cách mạng sắp giải phóng cả quận và được gần chồng nên bà tin vào những điều Độ nói. Tết Mậu Thân bộ đội về đầy làng Đại Lộc và Độ nói cách mạng sắp giải phóng thừa Thiên, Quảng Trị. Nhưng chỉ hơn tuần sau bộ đội biến mất và Độ cũng ra đi không nói một lời. Sau đó những cuộc hành quân của lính quốc gia đã đi qua mấy xã mà không gặp một sự phá rối nào của quân du kích như trước. Rồi họ ở lại lâu hơn và đã khám phá nhiều hầm súng đạn và hầm ẩn náu của du kích. Có ngày bà Tư đã thấy quân du kích mặc đủ kiểu, quần đùi, quần dài, áo đen, áo nâu bị trói dẫn đi qua làng tới 3, 4 chục người… Vì thế chỉ sau tết vài tháng, quân quốc gia lại làm chủ mấy xã từ Vĩnh Xương lên Thanh Hương ra tới Thế Mỹ ở biển. Độ bặt tin một thời gian dài, bỗng một đêm Độ trở về sống với bà mấy giờ rồi lại ra đi trong đêm. Độ không nói gì mà bà cũng không còn tin những lời Độ nói trước kia. Bà không hiểu mấy chữ cách mạng, mặt trận giải phóng, nhân dân làm chủ mà cán bộ thường nói với dân mà chỉ thấy là trong mấy năm Mặt Trận làm chủ, họ đã không làm gì cho dân, chỉ sống bám vào dân và người dân thấy đời sống bị cô lập, sống không yên, nên nhiều gia đình đã bỏ làng chạy tứ tán. Bà Tư cũng đã nghĩ đến chuyện chạy lên Huế, nhưng Độ còn nên bà không thể ra đi. Vì nghĩ đến sự chung thủy với Độ nên bà đã chịu đựng sự thiếu thốn, vất vả ở lại nuôi con. Nay thì quân quốc gia lại về, bà lại được sống như trước kia và Hà sẽ có đời sống đầy đủ và vui hơn… Bà suy nghĩ miên man, hai tay để giữa đùi, nghe mưa gió ào ào và thiếp đi.
Những tiếng cộc, cộc, cộc… làm bà Tư thức giấc. Bà đếm: cộc…cộc…cộc…cộc…cộc, im lặng, rồi: cộc…cộc…cộc. Tim bà đập thình thình… Độ về. Lần trước về, Độ cũng đập vô tường bên cửa sổ như rứa. Bà bước xuống giường, vặn đèn lên cho sáng hơn. Bà ra mở cửa, cùng với mấy tiếng két, két… một bóng đen bước qua cửa. Bà khẽ đóng cửa để tránh những tiếng kêu. Độ dựng khẩu AK47 vô góc tường, rồi cởi áo mưa. Bà Tư im lặng cầm đèn vô phòng, mở chiếc rương gỗ lấy ra bộ quần áo đen để trên giường rồi ra bảo: Ông vô thay quần áo.
Khi đã nằm yên trên giường, Độ nói nhỏ:
- Tôi về để nói với bà chuyện con Hà và thằng Minh. Cả làng người ta chê cười, lên án mấy tháng ni mà bà để yên cho con Hà làm như rứa. Tôi còn đây mà bà không coi tôi ra cái chi. Tôi chưa chết. Tôi còn đây.
- Ông đừng nói như rứa. Người ta giúp đỡ, không có thằng Minh thì tôi đã chết rồi.
- Giúp đỡ, giúp đỡ… Không phải giúp rồi muốn làm chi thì làm. Bà cấm con Hà không được giao tiếp với nó thì răng nó tới nhà được – ông yên lặng một lúc, rồi gằn giọng: Giúp đỡ chi, đó là thủ đoạn của giặc. Nó là giặc, là kẻ thù của cách mạng. Bà quên tôi, quên điều nớ để cho con Hà theo giặc, theo kẻ thù.
- Tôi không nghe ai chê cười, lên án. Ông đi đường của ông, răng ông lại bắt con Hà phải theo ông. Nó sống đời của nó. Nó yêu thằng Minh, lấy thằng Minh thì có tội chi, mô có làm hại đến ai. Ông đi biệt tăm mô có thấy sự thiếu thốn, tối tăm vợ con ông và dân làng phải chịu. Ông không giữ được làng, không làm chi đem lại no ấm cho dân. Nay ông về lên án vợ con. Tôi van ông, ông để cho con Hà sống đời của nó… Bà Tư bật khóc… khổ lắm ông ạ… Tiếng khóc rưng rức như bị tắc nghẹn trong cổ.
- Bà kêu khổ. Cách mạng chưa thắng lợi thì phải hy sinh, phải khổ. Biết như rứa mới là người giác ngộ. Bà giao tiếp với giặc nên cũng thành tối tăm, phản động.
- Người ta đến đây, tôi phải làm ăn, phải giao tiếp, không lấy chi sống. Người ta không cướp bóc chi của tôi mà tôi cũng không làm chi có hại cho ông, răng bảo tôi theo giặc tối tăm. Tôi làm chi phản ông mà ông bảo tôi phản động.
- Bà cãi tôi. Được, để cho bà cãi. Tôi không muốn nói nhiều. Tôi về để chỉ nói mấy lời là từ ngày mai bà bảo con Hà phải cắt đứt với thằng Minh và bà cũng không được giao tiếp với nó nữa. Con Hà phải cắt đứt với kẻ thù, nếu không nó sẽ chết. Bà bảo con Hà hãy coi gương con Diệu mấy năm trước để biết mà quay lại đường thẳng.
Trời mưa nặng và gió hú từng cơn qua đầu hồi nhà.
***
Tiếng kẹt cửa làm Hà thức giấc. Nghe mấy tiếng: Ông vô thay quần áo – Hà biết bố đã về và cảm thấy sợ hãi. Hà xa bố từ nhỏ, thỉnh thoảng mới gặp ông, nên không có tình cảm chi sâu đậm. Ông về, rồi ông đi. Đôi khi ông hỏi thì toàn là những câu hỏi không ăn nhập chi đến đời sống hàng ngày của hai mẹ con Hà. Ông không quan tâm đến đời sống của vợ con, chỉ quan tâm đến việc của ông và muốn vợ con đi theo và thuộc những điều ông nói về Mặt Trận Giải Phóng, về cách mạng. Nàng không muốn nghe, vì thấy đó là những điều mơ hồ, toàn là thù hận địch, ta, xa lạ với nàng. Ông muốn nàng biết kẻ thù của ông, nhưng nàng không thấy ai là kẻ thù. Nàng muốn đi học và muốn được sống yên ổn làm ăn như mấy xã phía dưới quận. Nhưng bố và đồng đội của bố về chiếm làng đã đem lại chết chóc, tối tăm và khổ cực. Cấm hết điều ni, tới điều tê. Toàn là cấm. Ai có bà con ở Huế, ở Đà Nẵng hay ở mấy xã phía dưới đều chạy, nên làng chỉ còn lại mấy ông già bà lão với những gia đình có người theo cách mạng như gia đình nàng. Bao lâu ni nàng muốn bố đi luôn để mẹ con nàng yên ổn làm ăn. Nhưng đêm nay bố lại về. Nàng cảm thấy ông là mối đe dọa cho gia đình. Trong tiếng mưa gió ào ào nàng thiếp đi trong nỗi sợ hãi.
***
Ông Độ đẩy cánh tay vợ khỏi bụng mình, rồi ngồi dậy. Ông nhìn đồng hồ qua con số dạ quang: 3 giờ 45. Qua ánh đèn mờ, ông nhìn hai đùi trắng của vợ một lúc rồi bước xuống giường. Bà Tư ngồi dậy, kéo áo cài lại khuy và lóng ngóng mặc lại quần. Bà ngồi một lúc, rồi bước xuống giường.
- Ông cần chi để tôi lấy.
- Bà có tiền đưa tôi mấy trăm.
Bà Tư đi tới cái rương gỗ, luồn tay tận đáy rút ra một xấp giấy bạc. Bà lấy ra 3 trăm bỏ vô túi áo ông, rồi hỏi:
- Bao lâu nữa ông lại về, cho tôi biết chừng để tôi làm sẵn đồ khô.
- Không biết bao lâu. Bà không cần phải làm mấy thứ nớ.
Ông mặc áo mưa, kéo mũ áo mưa lên đầu, cầm khẩu AK47, rồi nói:
- Tôi nhắc lại, từ hôm ni bà phải cấm thằng Minh không được tới nhà và con Hà phải cắt đứt với nó, nếu muốn sống.
Ông nhìn bà Tư, rồi mở cửa bước ra. Trời tối mù và mưa rả rích.
11
Minh đứng trên hầm chống pháo nhìn 2 chiếc hải thuyền đậu ngoài phá với những toán lính đi lên và những người lính vai ba lô, súng đạn đi xuống căn cứ. Hôm nay là ngày đại đội Minh thuyên chuyển tới Hương Trà. Minh nhìn xuống phía nhà Hà, đã hơn 3 tháng nay chàng không tới đó. Vì mẹ Hà đã kêu chàng đến nhà vừa khóc vừa cho biết bố Hà đã về và cấm bà không được giao tiếp và Hà phải cắt đứt với Minh, nếu không sẽ chết. Bà cám ơn Minh đã giúp gia đình, nhưng bà không dám cãi lời ông Độ, nên mong Minh thương Hà mà xa lánh gia đình bà. Từ khi biết rõ gia đình Hà, Minh nghĩ cuộc tình giữa hai người sẽ gặp khó khăn, sóng gió, nhưng không ngờ lại trở thành vấn đề sống chết. Vì thế khi nghe bà, Minh đã nói với bà là chàng thương yêu Hà, muốn lấy Hà, nhưng chuyện đã đến thế thì chàng sẽ xa Hà cho gia đình được yên ổn.
Sau ngày bà Tư cho biết chuyện, Minh đã xuống chợ hẹn gặp Hà ở quán cô Mai. Trong lần gặp ấy, anh nói là đã nghĩ đến ngày phải chia lìa khi biết Hà là con của đội trưởng đội du kích. Anh nói với Hà là chẳng có cách nào thoát được nghịch cảnh, trừ khi chiến tranh chấm dứt và bảo là phải xa Hà để Hà được yên ổn. Nghe thế Hà lắc đầu: Em đã là vợ anh. Không ai có thể bắt em xa anh. Em không sợ chết. Người ta không cho em sống với anh, nhưng không thể ngăn cấm chúng ta gặp nhau. Khi đại đội anh đổi qua quận khác, em sẽ tìm cách gặp anh. Em cần thế thôi, còn sau có chết cũng được. Nhìn vẻ mặt bình thản với những lời nói ấy, Minh không ngờ một cô gái quê nhu mì lại có một nội tâm vũ bão quyết liệt sống chết với tình yêu của mình và anh đã bị cuốn theo dòng thác tình cảm ấy. Từ đó, trong mấy tháng nay, mỗi lần xuống chợ, anh đều gặp Hà trong quán cô Mai. Hà đã truyền cho anh sự kích thích với ý vị mới là Hà vừa là vợ, vừa là người tình trong cuộc chiến nay sống mai chết này.
Thấy ông đại đội trưởng đại đội mới tới bước vào sân, Minh xuống bắt tay:
- Mừng anh tới một nơi yên ổn, dân làng hiền lành.
- Tôi là Nghệ - thiếu úy đại đội trưởng tự giới thiệu, lấy cuốn sổ tay với cây bút bi, rồi nói:
- Xin anh cho biết ít điều về tình hình ở đây và những hoạt động của ta.
Minh nói:
- Không có chi phức tạp lắm. Xin vắn tắt vài điều:
- Về địch, theo tin tức Ban 2 chi khu, 4 xã Vĩnh Xương, Đại Lộc, Thanh Hương và Thế Mỹ chỉ còn chừng một trung đội du kích, ngưng hoạt động, lẩn trốn để bảo toàn lực lượng. Vì thế tôi nói mừng anh về nơi yên ổn.
- Về hoạt động của ta: Xã Vĩnh Xương có một trung đội nghĩa quân. Còn đại đội trấn đóng căn cứ ni chịu trách nhiệm 3 xã Đại Lộc, Thanh Hương và Thế Mỹ. Nhưng Thế Mỹ gần như không còn dân, nên đại đội cho một trung đội lưu động trên Thanh Hương.
Tôi ở đây trên 1 một năm, thường đột kích ở phía bắc Thanh Hương và 3 làng Thế Mỹ, nhưng chưa gặp trận đụng độ nào. Dân Đại Lộc, Vĩnh Xương có nhiều người theo Việt Cộng, nhập du kích. Sau Mậu Thân, ta phá hủy hầu hết cơ sở của chúng, nhưng gia đình chúng vẫn còn ở đây. Vì thế lòng dân khó định. Đó là mấy điểm đại lược, Ban 2 chi khu sẽ cho anh biết những vấn đề cụ thể.
Minh lấy bao Capstan mời Nghệ, rồi nói:
- Có một vấn đề tôi cần nói với anh là thời gian ở đây nhàn rỗi, nên tôi đã tổ chức 4 lớp học: Năm, tư, ba, nhì, cho đám trẻ không có trường ở Đại Lộc và dùng hai trung sĩ trượt trung học và 2 binh sĩ học tới đệ ngũ làm giáo viên dạy mấy lớp đó. Xin anh tìm người trong đại đội thay mấy ông thầy phải đi ngày hôm nay. Anh cố duy trì mấy lớp học, hy vọng qua hè Đại Lộc sẽ có trường và có giáo viên chính thức. Tất cả sách giáo khoa tôi để trong hầm đại đội trưởng. Còn trường thì ở hai nơi: Lớp ba, lớp nhì học ở từ đường họ Lê, phía dưới căn cứ. Lớp tư, lớp năm học ở nhà cụ Lập, ở sát bên từ đường họ Lê. Anh gặp cụ Lập để biết thêm về mấy lớp học và cho cụ biết ngày mở cửa lại nếu anh có thầy cho mấy lớp ấy.
Nghệ cười:
- Mình là lính tác chiến mà anh lại làm văn hóa nữa. Nhưng anh yên tâm, tôi sẽ đi theo việc của anh.
- Cám ơn anh Nghệ, thôi mình đi.
Minh đi nhanh xuống đồi, rẽ vô nhà Hà. Bà Tư và Hà đang ngồi ở hiên nhìn theo những người lính đi ngoài ngõ. Thấy Minh vô, mắt Hà sáng lên, còn bà Tư bối rối chưa kịp nói chi thì Minh nói:
- Con đến chào dì Tư và em Hà. Xin phép dì Tư cho con nói với Hà ít điều.
Bà Tư nói:
- Cám ơn thiếu úy đã giúp đỡ mẹ con tôi. Tôi hiểu và thương thiếu úy, nhưng hoàn cảnh đối nghịch chia lìa đã không cho chúng ta thành người thân. Thiếu úy thông cảm cho tôi và em Hà. Thiếu úy không cần nói chi nữa, vì nói chỉ làm cho em nó thêm đau lòng. Cám ơn thiếu úy đã cứu tôi và đã thương em Hà – Bà vừa nói vừa quì xuống lạy Minh. Minh hốt hoảng nâng bà dậy:
- Dì Tư đừng làm như rứa. Thôi con không nói nữa... Minh cầm tay Hà nắm chặt với một mảnh giấy: Hà ở lại mạnh khỏe, anh đi.
Hà bật khóc và bà Tư cũng khóc theo khi Minh bước nhanh ra ngõ.
12
Minh và Hà đi quanh khu vườn Thương Bạc mấy vòng, rồi đến ngồi trước chiếc bàn nhỏ của một quán nước lộ thiên, cạnh bờ sông. Minh gọi hai chai nước cam Bireley và bao thuốc capstan. Cô quán đem nước đến, Minh rót ra hai ly, đẩy một ly tới trước Hà. Hai người im lặng uống nước nhìn ra sông. Gió sông Hương từng cơn thổi lên bờ làm tan cái nóng ban đêm. Bên kia sông thấp thoáng ánh điện mờ ảo dưới những hàng cây trên đại lộ Lê Lợi. Phía sau là đường Trần Hưng Đạo sáng trưng, đầy người tấp nập với đủ loại xe cộ và ánh sáng điện hắt ra đến bờ sông.
Từ việc tìm cách gặp Minh, gần năm nay Hà đã chuyển qua bán hàng tạp hóa tại nhà để có cớ lên Huế mua hàng. Tuy tính liều mà việc buôn bán tạp hóa lại đạt kết quả tốt hơn điều nàng mong đợi. Dân mấy xã Vĩnh Xương, Đại Lộc, Thanh Hương hồi cư nhiều, nên cửa hàng tạp hóa của Hà đã giúp dân ba xã khỏi phải xuống chợ Hương Điền quá xa, khi họ cần lít dầu hôi, lít nước mắm, bánh sà bông, vài lạng cá khô, tôm khô... Cái vui của Hà là nàng không còn phải dầm mưa dãi nắng với rau và mỗi tháng nàng có thể lên Huế sống với Minh. Hơn năm nay, đại đội Minh chỉ hoạt động quanh mấy quận Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, nên anh đã về Huế dễ dàng. Để tiện việc gặp nhau, Minh đã thuê một gian nhà ngang của một ngôi nhà cổ ở Vĩ Dạ và mỗi lần lên Huế, Hà đã sống với Minh ở đó.
Minh với tay cầm bàn tay Hà bóp nhẹ, vuốt mấy ngón tay thon:
- Bây giờ bàn tay mềm mịn, không nháp như trước.
- Được như rứa vì cả năm ni bán quán chớ có trồng rau, tưới rau mô.
Minh xoa hai má Hà:
- Nghĩ ra việc bán tạp hóa tại nhà thì em liều thực.
- Phải liều mới có cớ đi Huế mua hàng.
- Nhưng nếu bán ở nhà ế thì cũng phải giải nghệ, trở lại nghề rau.
Hà lắc đầu:
- Không, khởi đầu em không nghĩ bán tại nhà mà tính thuê một chỗ ở chợ Hương Điền, phía dưới tiệm uốn tóc. Nhưng rồi nghe mấy người ở Đại Lộc, Thanh Hương than là chỉ cần mua chai mắm, kí cá khô, lít dầu hôi mà phải đi bộ 7, 8 cây số xuống chợ Hương Điền, cực quá. Từ mấy lời than, em nghĩ là có thể mở tiệm tạp hóa tại nhà và hy vọng bán được, vì dân mấy xã đã về nhiều. Được mạ đồng ý, em liền thuê ông Tấn thợ mộc đóng mấy cái kệ, rồi cùng mạ lên Huế mua hàng – Hà cười: Không ngờ người ta đến mua tấp nập, nên ba tuần sau em phải lên Huế mua hàng tiếp. Và đến lần thứ tư lên Huế mua hàng, em đã đi tìm anh ở Hương Cần.
- Thế mà đến chừ anh mới biết em đổi nghề.
- Em chờ kết quả chắc chắn mới cho anh biết.
- Bây giờ chỗ quán bún, cà phê của cô Miên có thêm những quán gì. Hy vọng thành chợ được không?
- Dạ, có thêm một tiệm sửa xe đạp, xe gắn máy, còn việc thành chợ thì chắc khó lắm.
- Em đã có bằng Tiểu Học, sao không học lên để thành cô giáo?
Hà cười:
- Em nghĩ như rứa, nhưng chừ lớn rồi, không còn thời gian đi học nữa. Mỗi tháng được lên Huế một lần là mãn nguyện. Cô giáo chi nữa.
- Không cô giáo thì cô tạp hóa – Minh cười: Nhưng so sánh rau với tạp hóa, hai thứ hơn kém nhau ra sao?
- Tạp hóa hơn nhiều, anh ạ. Trồng rau cực ra răng anh đã thấy, còn bán tạp hóa thì nhàn nhã. Bán rau thì sợ mưa, còn chừ lại mong có nhiều ngày mưa để người ta khỏi đi chợ Hương Điền.
- Mỗi lần lên Huế mua nhiều hàng như thế, rồi làm sao đem về Đại Lộc?
- Từ chợ Hương Điền, phải thuê đò máy chở lên Đại Lộc, rồi em dùng xe đạp chở mấy chuyến.
Minh cười:
- Vậy là tiệm tạp hóa của em thành chợ rồi.
- Mấy tháng ni em bán thêm cà phê. Khách phần lớn là mấy chú lính đồn Đại Lộc. Nhưng có một chuyện là do bán cà phê mà em biết một ông chuẩn úy theo đuổi em.
- Sao biết người ta theo đuổi?
- Dễ biết, vì ngày mô ông ta cũng uống cà phê, rồi nhìn em. Đôi khi lại bảo em làm mì gói, thêm hai trứng gà.
Nghe Hà nói làm mì gói cho ông chuẩn úy, Minh chợt nghĩ chuyện ăn mì gói đã là cơ hội để anh với Hà thành duyên nợ. Nghĩ đến sự ngăn cấm của ông Độ, Minh nói:
- Phải tìm cách cho người ta biết sớm. Đừng để họ lậm vào sâu, thành rắc rối.
- Ông ta là khách hàng. Ông hỏi thì em trả lời, không trò chuyện chi. Mấy tháng ni, ông ấy chỉ đến uống cà phê, hỏi đôi câu chớ không nói chi thì biết làm răng.
- Ông ấy đến ngồi như thế sẽ có lời ong tiếng ve, vì người ta hay có tính thóc mách. Đừng để ông Độ phải cấm một lần nữa. Với anh, ông ấy cấm được vì chỉ cần mạ nói một lời. Còn bây giờ bán hàng, làm sao cấm người ta tới tiệm?
- Rứa anh bảo em phải làm răng?
- Dễ thôi. Cà phê đã đưa ông ta đến tiệm, nay muốn tránh ông ta thì phải ngưng bán cà phê. Mất một ít lãi, nhưng em được yên thân.
Hà nói như reo lên:
- Như rứa mà em không nghĩ ra... Ngày mô ông ấy đến cũng ngồi một, hai tiếng, em phát phiền, nhưng không biết làm răng. Kỳ ni về, em sẽ lên bảng thông báo: Xin lỗi quý khách. Tiệm ngưng bán cà phê.
- Lên bảng thông báo như vậy được – Minh cười: Em là hoa khôi của mấy xã Vĩnh Xương, Đại Lộc, Thanh Hương mà bán cà phê thì sẽ còn nhiều người theo đuổi, vì quán cà phê là chỗ người ta dễ đến.
Hà đập vào vai Minh để che nét thẹn:
- Anh nói như rứa. Em là người cuốc đất trồng rau chớ hoa khôi cái chi.
- Hoa khôi thì cuốc đất vẫn là hoa khôi. Anh nói có bằng chứng là chính anh đã mê em từ buổi chiều gặp em hái dưa leo.
- Em cũng rứa – Hà cười vuốt má Minh: Từ chiều hôm nớ, ngày mô cũng mong gặp anh. Như rứa là chúng ta có duyên tiền định. Bây chừ, mỗi lần lên Huế người em nhẹ lâng lâng.
- Sống với em, anh được chiêm ngưỡng một bức họa như bức họa Cội Nguồn Nhân Gian của họa sĩ Pháp Gustave Courbet.
- Ông ấy vẽ cái chi?
- Ông ấy vẽ nửa thân của một phụ nữ nằm ngửa từ ngực xuống đến đùi mà chỗ nổi bật nhất là nơi ông gọi là Cội Nguồn Nhân Gian. Bức họa khêu gợi man dại với cái tên tuyệt vời.
- Em làm răng so sánh được với tranh vẽ mà anh nói rứa?
- Còn hơn cả tranh của Courbet. Kỳ tới em lên anh sẽ cho coi tập sách Những Bức Họa Khỏa Thân Nổi Tiếng Nhất Trên Thế Giới anh mới mua được trong đống sách Mỹ của mấy người bán đồ Mỹ ở đám đất bên hông chợ Đông Ba – Minh ngừng lại một lúc, rồi tiếp: Em sanh ở nông thôn, chân lấm tay bùn, vất vả giữa vùng chiến địa mà còn như thế, chớ nếu được sanh ra ở Huế thì sẽ còn tới đâu.
Hà cười:
- Anh cứ tưởng tượng một cô ở ngoài em như rứa, làm răng em biết được cô ấy?
- Mấy ông sỹ quan sanh ở Huế thường nói với anh về mấy cô hoa khôi của Huế như Nga Mi, Diệm Mi, Phố Châu, Như Nguyện. Anh nghe và nhớ tên chớ chưa hề thấy mấy cô ấy. Nhưng bây giờ anh biết một hoa khôi ở Vỹ Dạ mà anh đã có dịp gặp.
Hà bật cười:
- Trước kia ở Đại Lộc, em chưa bao giờ được nghe anh khen một câu. Răng chừ lại so sánh em với bức họa của họa sỹ Pháp, rồi lại ghép em vào với mấy cô hoa khôi của Huế?
- Trước kia ngày nào cũng phải tìm gặp em một, hai lần thì còn biết nói gì. Bây giờ gặp ít, nhưng được sống với nhau nên anh mới có dịp so sánh để nói lên mấy điều này. Hà áo nâu kiễng chân hái dưa leo, rồi gánh rau xuống chợ với Hà bây giờ chân tay trắng mịn với quần áo lụa có một phần khác về dáng bên ngoài, nhưng thân em thì quần áo nào cũng chỉ một thân. Nhiều khi anh nghĩ, vì em sống ở miền quê giữa vùng lửa đạn, nên anh mới có cơ hội, chớ nếu em sanh ở Kim Long, Vỹ Dạ, Nguyệt Biều thì anh có thể thấy, nhưng phải nhìn ở rất xa.
Hà xúc động:
- Cám ơn anh, nhưng sao anh không nói ngược lại là nếu em ở Huế thì không có cơ hội gặp anh?
Minh lắc đầu:
- Anh là lính làm sao với tới hoa khôi. Cám ơn em đã cho anh bức họa của Courbet và cho anh gặp hoa khôi của Vĩ Dạ - Minh với tay cầm bàn tay của Hà để lên miệng: Tay của cô ấy đây.
Hà cười khúc khích, vuốt má Minh: Lính mà dám cầm tay hoa khôi Đại Lôc.
Nghe tiếng đại bác vọng về, Minh ngước nhìn theo hướng hỏa châu chập chờn ở phía tây bắc: Lại mấy căn cứ trên núi – anh nhủ thầm - Gần một năm nay, chúng lại đắp mô, phá cầu, tấn công mấy căn cứ. Nghĩ đến cái liều và niềm vui của Hà, anh mủi lòng, chẳng biết quán tạp hóa có sống được trước tình thế chiến sự gia tăng này. Đại Lộc, Thanh Hương có được yên hay sẽ trở lại thời trước Mậu Thân. Mẹ con Hà sẽ chạy đi đâu hay phải ở lại vùng lửa đạn...An ninh làm việc theo nguyên tắc, theo sự phân biệt ta và địch...Đại Đội Trưởng nhập vô một gia đình Đội Trưởng đội du kích, anh nghĩ thế nào?...Minh đã bỏ lại phía sau lời cảnh cáo răn đe của thiếu tá Bình để sống với tình của một thôn nữ không sợ chết khi đi tìm anh. Anh với Hà không nghĩ đến ngày mai, chỉ biết sống với nhau được ngày nào mãn nguyện ngày đó. Em không nghĩ xa, chỉ biết hôm nay... như Hà thường nói khi được sống với anh một đêm trong gian phòng yên tĩnh giữa vườn cây trái Vĩ Dạ...
- Đại đội anh ở cầu Bạch Hổ được bao lâu?
- Anh chưa biết, nhưng có thể được hai tháng, vì cả năm đại đội phải hoạt động lưu động qua mấy quận. Nay được về Bạch Hổ là để cho lính nghỉ ngơi.
- Rứa cứ hai tuần em lại lên. Chừ mình về để anh còn gặp cô hoa khôi Vỹ Dạ.
Minh đạp máy chiếc xe Honda 67, chạy ra đường. Khi xe qua cầu Tràng Tiền, Hà úp mặt vào lưng Minh, nghe gió sông Hương mơn man qua tóc, qua tai./.