Lời giơi thiệu của Ban biên tập BTVC
Sống trong môi trường mở và tư do như cộng đồng hải ngoại, thuận lợi cho sự phát huy khả năng thiên phú, những người trẻ Việt Nam xuất sắc thành công như Khoa Vũ không hiếm lắm.. Nhưng đặc điểm đáng quý của Khoa Vũ là chú trọng đến nhu cầu quân bình thời gian cho gia đình và cho sự nghiệp,. tóm tắt bằng phát biểu của Khoa Vũ trong bài viết., mà ban biên tập BTVC xin giới thiệu với quý vị dưới đây. Nhưng cũng phải nói thêm rằng hai vi thân phụ và thân mẫu Khoa Vũ là những người đã đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của Khoa Vũ.. Ước gì cái ý thức trách nhiệm và bổn phận gia đình này được phát huy thật mạnh mẽ trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
***
January 1, 2020
(*) Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Canh Tý 2020
GARDEN GROVE, California (NV) – Sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 2010, khi vừa học xong năm thứ ba trường Đại Học Kiến Trúc ở Sài Gòn, Khoa Vũ chỉ xác định một mục tiêu duy nhất, đó là “Em đam mê kiến trúc và chỉ sẽ theo học kiến trúc, không gì khác hết.”
Ở tuổi 20, ngày đó, Khoa chỉ biết bằng mọi cách phải kiên định trên con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, cách đi trên con đường đó như thế nào và điểm đến cuối cùng là đâu, Khoa không hề tính trước, “Em cứ từng bước mà đi, cố gắng hết mình để thực hiện điều mình thích.”
Bắt đầu từ trường đại học cộng đồng Orange Coast College gần Little Saigon, Khoa đi những bước đầu tiên trên con đường học vấn nơi miền đất hứa. Tiếp đến là đại học UC Berkeley – niềm mơ ước của nhiều sinh viên trên thế giới. Và sau chín năm có mặt tại quốc gia này, Khoa đã tốt nghiệp cao học kiến trúc tại đại học danh tiếng Harvard vào Tháng Năm, 2019.
Con đường Khoa đi, có thể nhiều người cũng đã đi. Tuy nhiên, đi và để lại dấu ấn, đi và “nhặt” hết các giải thưởng quan trọng nhất dành cho sinh viên, đặc biệt là với ngành kiến trúc, đặc biệt là với một sinh viên gốc Việt như Khoa, thì lại là chuyện hiếm, rất hiếm.
Những giải thưởng danh giá
Hãy kể từ Harvard, nơi Khoa vừa tốt nghiệp không bao lâu. Tám đời tổng thống Mỹ từng là sinh viên Harvard. Khoảng 150 giải thưởng Nobel được trao về cho các cựu sinh viên và giáo sư Harvard. Ít nhất 60 tỷ phú hiện còn sống vốn là cựu sinh viên Harvard.
Tại Harvard, với ngành kiến trúc mà Khoa theo đuổi, hai giải thưởng được xem là quan trọng và vinh dự nhất mà tất cả sinh viên đều khát khao, là “Winner of Araldo A. Cossutta Prize for Design Excellence,” và “Faculty Design Award.”
Phần thưởng của “Winner of Araldo A. Cossutta Prize for Design Excellence” là học bổng toàn phần một năm, bao gồm cả chi phí học hành, ăn ở, được trao cho sinh viên duy nhất đã hoàn tất hai năm căn bản của chương trình cao học và công việc thiết kế của họ luôn hứa hẹn những điều tuyệt vời.
Khoa Vũ là người được trao giải “Winner of Araldo A. Cossutta Prize for Design Excellence” vào năm 2017.
Giải “Faculty Design Award” cũng là giải dành để trao tặng cho sinh viên duy nhất mà thành tích học tập được ghi nhận là đáng nể kể từ khi bước chân vào Harvard cho đến lúc tốt nghiệp.
Và cũng Khoa Vũ là người được trao giải “Faculty Design Award” vào năm 2019.
“Em cảm thấy rất vui khi nhận được giải ‘Faculty Design Award,’ vì nó cho thấy mình không phải chỉ thắng một đồ án, một công trình, mà là cả một quá trình dài mình luôn thể hiện được sự sáng tạo. Điều này rất quan trọng với em,” vừa hớp ly cà phê Khoa vừa nói trong một sáng cuối tuần nắng trong veo trên một con phố nằm trong lòng thành phố Garden Grove.
Không dừng lại ở đó, đồ án tốt nghiệp cao học mang tên “Grayscale” của Khoa tại Harvard cũng giành được giải thưởng cao nhất, The Architecture Master Prize.
Chưa hết, khi bài báo này đang còn trong giai đoạn phác thảo, thì giữa Tháng Mười Một, 2019, đồ án tốt nghiệp “Grayscale”của Khoa lại được nhận thêm giải “Best Hand Delineation (Professional)” trong cuộc tranh tài “Architectural Delineation Competition” của AIA Dallas KRob.
Khả năng kiến trúc của Khoa cũng từng được đại học UC Berkeley, trường đại học đầu tiên và nổi tiếng nhất của hệ thống đại học California, ghi nhận bằng giải thưởng “Eisner Prize for Architecture” trao cho Khoa vào năm 2015. Đây là giải dành cho sinh viên có thành tích cao nhất trong nghệ thuật sáng tạo kiến trúc.
Ngoài những giải thưởng dành cho sinh viên duy nhất của từng khóa như trên, Khoa Vũ còn rinh nhiều giải khác, như “Lexus Design Award 2018,” “Winner of MAD Travel Fellowship 2018,” để từ giải thưởng này, Khoa có cơ hội đi học thêm về kiến trúc hiện đại tại Thụy Sĩ, Anh Quốc, Nhật Bản, cũng như Khoa từng được đi học thêm về kỹ thuật kiến trúc ở Tây Ban Nha khi còn là sinh viên ở Berkeley.
Nghĩ về gia đình, nuôi đam mê
Nhìn những giải thưởng của Khoa dễ cảm nhận rằng quá trình học kiến trúc của chàng trai vừa trở lại vùng Little Saigon để sống cùng cha mẹ sau những năm tháng đi học xa nhà, cũng như để chuẩn bị bắt đầu cho một công việc mới đang chờ đợi ở Los Angeles, là một đường thẳng.
Khoa nhìn nhận, “Nếu nhìn từ trên xuống thì đúng, đó là đường thẳng. Nó thẳng vì từ khi qua đây, em đã xác định em đam mê kiến trúc, và chỉ học kiến trúc, không gì khác hết. Em rất thành thật với chính mình là biết mình muốn gì, thích gì. Và từng bước từng bước một để đạt đến mục đích.”
“Nhưng nếu nhìn theo không gian ba chiều, thì em có những trở ngại phải đối mặt. Trong đó, gia đình chính là điều em phải suy nghĩ và cân nhắc trong mọi quyết định để cân bằng giữa ước mơ, hoài bão và khả năng của em,” Khoa tâm sự.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe Khoa Vũ, một chàng trai gốc Đà Lạt, hiện đại như bao bạn trẻ hiện đại khác, từ hình thức bề ngoài cho tới những suy nghĩ rộng mở về thế giới, về cuộc đời, nhưng lại có thêm trong đầu mình suy nghĩ về vị trí của gia đình, cha mẹ, ông bà một cách đặc biệt đến thế.
“Em luôn nghĩ về chuyện phải giúp đỡ gia đình,” Khoa thổ lộ, “Giúp đỡ ở đây không hẳn là về tài chánh, mà làm sao để bố mẹ yên tâm, bố mẹ tự hào. Gia đình đối với em rất quan trọng. Gia đình không chỉ là bố mẹ, mà là cả một gia đình lớn với đủ các mối quan hệ ruột rà.”
Khoa giải thích, “Em có thể quyết định chọn làm việc ở Nhật, ở Châu Âu, nhưng em nghĩ cần có sự cân bằng thời gian cho gia đình và cho sự nghiệp. Nó luôn là điều thách thức em. Thế hệ bố mẹ em có thể không hiểu hết những gì thế hệ em nghĩ, nhưng may mắn của em là bố mẹ cho em một không gian để em quyết định. Nhưng em cũng luôn nghĩ rằng trong mọi quyết định của em không thể có điều gì khiến bố mẹ buồn lòng, dù quyết định đó có lúc hơi ích kỷ cho em.”
“Điều trở ngại nữa của em là khi chọn bước chân vào một cánh cửa kiến trúc duy nhất, thì em phải biết chính xác điều em muốn là gì. Kiến trúc có biết bao ngành trong đó, cứ bước qua một nấc, lại tự hỏi mình muốn gì trong bước kế tiếp. Đối với em, câu trả lời càng cụ thể càng tốt. Lúc nào em cũng nghĩ phải đạt được đến trình độ của một người thiết kế trong cộng đồng, dĩ nhiên không hẳn vì tiền, mà việc giữ vững lý tưởng của mình trên con đường nghề nghiệp là điều khó khăn,” Khoa tâm sự.
Và cũng như bao người di dân khác, Khoa cho rằng những trở ngại về mặt ngôn ngữ, văn hóa, “Đó là sự thách thức buộc mình phải luôn cố gắng gấp hai, gấp ba lần so với những sinh viên bản địa. Tuy nhiên, em biết biến điểm yếu thành thế mạnh của mình, như thoạt đầu em không biết nhiều tiếng Anh, thì em sử dụng hình vẽ như ngôn ngữ biểu đạt của em. Điều quan trọng là mình phải thật tự tin vào chính mình. Em có thể rất run, rất hồi hộp trong lúc chuẩn bị công việc của em, nhưng một khi em đã đứng thuyết trình về sản phẩm của em thì em phải là người thật sự tin chắc vào sản phẩm của mình hơn bất kỳ ai hết.”
Sau chín năm ở Mỹ, cũng là chín năm liên tục đeo đuổi thực hiện hoài bão của mình, chàng trai Đà Lạt bày tỏ, “Nếu phải đưa ra một lời khuyên nào cho các bạn trẻ mới qua thì điều đầu tiên em nói là các bạn phải biết mình thích cái gì, mình muốn cái gì. Khi đã xác định mình thích gì rồi hãy cứ cố gắng giữ điều đó, tự tin là mình sẽ làm được điều đó. Còn nếu nói là mình cố gắng thử rồi nhưng không được, thì có nghĩa là đó không phải là điều mình thực sự thích.”
Khoa kể, khi mới sang Mỹ, chờ đủ ngày đủ tháng để được vào học miễn phí ở trường Orange Coast College, Khoa không hề nghĩ rằng mình sẽ vào đại học UC Berkeley, “Chỉ nghĩ vào Pomona thôi.” Nhưng khi thầy cô cho lời khuyên, Khoa cũng thử nộp đơn vào Berkeley, rồi từ Berkeley đến Harvard cũng vậy. “Em cứ từng bước một mà đi. Em không nghĩ điều gì quá xa vời ngay từ đầu. Cứ đi theo niềm đam mê của mình, rồi thì nó sẽ đưa đẩy mình đi khắp nơi.”
“Em cũng rất may mắn khi có thêm sự giúp đỡ của nhiều người để đi đến ngày hôm nay, từ sự giúp đỡ của báo Người Việt để em có thể vừa học full-time vừa đi làm full-time, sự giúp đỡ của thầy cô trường Orange Coast College mà đến giờ em vẫn còn giữ liên lạc, đến thầy cô, bạn bè ở UC Berkeley, ở Harvard cũng giúp đỡ em nhiều,” Khoa nói thêm.
Giữ được bản sắc riêng – yếu tố làm nên thành công
Luôn tự hào và trân quý nơi xuất thân của mình là đặc điểm dễ nhìn thấy khi tiếp xúc với Khoa Vũ. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua các thiết kế của Khoa, đặc biệt là trong đồ án tốt nghiệp “Grayscale” – một mô hình thiết kế về ga Đà Lạt, quê nhà của chàng kiến trúc sư trẻ này.
Khoa tự nhận xét, “Em đã hình thành nên cá tính, bản sắc riêng của mình từ ngày còn ở Đà Lạt, ở Việt Nam, điều đó không bao giờ thay đổi được.”
“Với em điều rất quan trọng là luôn phải có sự cân bằng giữa ‘local’ và ‘global.’ Em ở đây như ở trung tâm thế giới, em học hỏi được rất nhiều thứ, nhưng em nghĩ là nó sẽ không phát triển tuyệt đối đối với em nếu như em không hiểu về bản sắc,” chàng trai trẻ chiêm nghiệm.
Khoa cho rằng những năm sống ở Việt Nam rất quan trọng đối với Khoa, “vì nó là chất liệu tạo nên em đặc biệt, khác lạ hơn so với những học sinh khác trong trường. Lúc mới qua, và cả ngay bây giờ, em vẫn có những thiệt thòi về mặt ngôn ngữ, văn hóa nhưng đồng thời những gì em có cũng là điểm mạnh của em.”
Với Khoa, “Mỗi công trình của em bao giờ cũng có sự trở lại với những trải nghiệm của em từ hồi còn nhỏ, khi mới vào trường. Em nghĩ những gì em học cơ bản ban đầu khi còn ở Việt Nam vẫn rất quan trọng với em. Như đồ án tốt nghiệp của em làm về Đà Lạt cũng là những gì quay trở lại với quê hương em. Điều đó rất quan trọng, nó có sự cân bằng giữa bản địa và sự hiểu biết thêm về lãnh vực xây dựng thiết kế. Sự cân bằng đó là cái em thích.”
***
Làm việc với nhiều người, tiếp xúc với nhiều giới, tôi nhận ra một điều, là, với những người có niềm đam mê thật sự về một lãnh vực nào đó, thì chỉ cần chạm vào đấy, là bạn sẽ có thể nghe họ nói say sưa, bằng tất cả nhiệt tình lẫn trăn trở của họ về lãnh vực đó. Khoa cũng như thế.
Khoa có thể nói cho bạn nghe, giải thích cho bạn hiểu, bằng tất cả niềm say sưa, về “Grayscale” – đồ án tốt nghiệp của Khoa, đồ án không chỉ được làm nên từ những kiến thức học đường lẫn trải nghiệm thực tế, mà còn gửi gắm trong đó cả một tình yêu quê hương sâu sắc.
“Grayscale” của Khoa, nhìn một cách tổng quát, là “một công trình kiến trúc có thể tương tác với những di sản mà Đà Lạt để lại về mặt giá trị, về mặt kiến trúc, văn hóa, nhưng cùng lúc đó nó phải trả lời được cho những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt trong hiện tại. Công trình đó giống như một công trình về trung tâm cộng đồng và trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp tương lai của Đà Lạt, nó gắn liền với ga Đà Lạt.”
Tại sao “Grayscale” của Khoa lại được đánh giá cao ở Harvard, được chọn trao giải “The Architecture Master Prize” và giải “Best Hand Delineation” của AIA Dallas KRob?
Tôi nghĩ, câu trả lời nằm ở chính quan niệm kiến trúc của Khoa, “Em nghĩ kiến trúc của em không nằm ở chỗ làm cái gì quá phá cách hay ‘hầm hố.’ Em chỉ muốn kiến trúc của em là một ‘background,’ một cái nền để nâng tầm thiên nhiên vốn đã rất đặc sắc ở Việt Nam. Kiến trúc của em giống như một sự lặng lẽ, rất đơn giản nhưng bên trong có nhiều thứ để đáp ứng cho những thách thức hiện tại mà Đà Lạt cần có để phát triển bền vững hơn.”
Đồng thời, ẩn chứa trong đó còn là tâm tình của chàng trai Đà Lạt, “Em nghĩ trình độ về xây dựng của Việt Nam còn rất xa để thực hiện được công trình mà em gửi gắm. Nhưng em nghĩ bước đầu mình đưa những ý tưởng như thế sẽ thúc đẩy giới trẻ, giới kiến trúc sư hay những người có trách nhiệm với thành phố Đà Lạt có cơ hội nâng cao tầm nhận thức, rằng đây là điều có thể thực hiện. Em nghĩ ý tưởng đồ án về ga Đà Lạt của em sẽ mở ra nhiều khả năng, ý tưởng, triển vọng cho thành phố Đà Lạt nhiều hơn. Đó là viễn kiến của em.”
Hiện tại, Khoa Vũ đã bắt tay vào việc thực hành tại một công ty kiến trúc ở Los Angeles.
“Sau ba đến năm năm làm việc thu thập kinh nghiệm, em sẽ lập công ty riêng của em, trong đó có những người bạn cùng chung ý tưởng khi còn học ở Berkeley và Harvard.” Đó là con đường Khoa Vũ sẽ bước đi trong thời gian tới, mà như Khoa nói, “Em sẽ đi trên con đường sự nghiệp của em như cách em đã từng đi trước đây, từng bước một, nhưng chắc chắn và dài lâu.”
Có lẽ không chỉ tôi, mà cả bạn, cùng chờ đợi những công trình kiến trúc xứng đáng mang tên Khoa Vũ với tất cả niềm tự hào và hãnh diện. (Ngọc Lan)