Trích trong Đặc Tập 40 Văn Học Việt Nam tại Nhật – Chương 3
Bút ký trên Nguyện san Hiệp Hội số 65, tháng 1/1996
9 giờ hơn rồi nhỉ? Khuya nay trời lạnh lắm đó, chắc dưới 5 độ. Tôi phải về thôi, đề còn viết gấp và đăng cho kịp tin này vào số báo ngày mai. Chúc các bạn cố gắng.
Sau khi chào tạm biệt người trưởng ban tổ chức, không nén vẻ xúc động, một lần nữa người ký giả của nhật báo ASAHI quay lại cúi đầu trước 8 thân người đang ngồi im lặng dưới mái tây hiên chùa JOENJI. Gió bấc trở mạnh, thổi từng cơn cắn xiết da người - cuộc tuyệt thực cho nhân quyền Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go nhất trước sự tấn công nghiệt ngã của thời tiết. Xa xa bên cửa Nam Shinjuku, ánh sáng của toà đô sảnh bị che mờ bởi những làn sương đêm xuống thấp, nhường lại cho góc phố này sự yên tĩnh hiếm thấy của một đêm thứ Bảy, giữa đô thành phồn hoa vào bậc nhất thế giới. Nơi cuối trời Tây, trăng hạ tuần chênh vênh, cô lạnh. Minh nguyệt - Cố hương, thiên nhiên đối với người lưu lạc bao giờ cũng là những gợi nhớ khôn nguôi, nhức nhối.
Có tiếng ho nén xuống se sẽ của thầy Chân Lễ đang ngồi giữa nhóm người tuyệt thực. Cơn sốt tuần qua dù đã đẩy thể lực của thầy xuống rất thấp, nhưng chắc chắn rằng không ai có thể ngăn cản được ý chí sắt thép đó mỗi khi quyết định chuyện gì. Mười năm lưu dung đầy cay cực đối với đời người tu sĩ không chùa, vẫn chưa thấy thầy trì trệ bất cứ một công chuyện Phật sự và đấu tranh nào. Từ lời kinh tiếng kệ trong buổi lễ cầu an, cho đến những vận động ngoại giao cùng với cha Hiến nơi tiền đình quốc hội, hoặc công tác phối hợp giải trừ pháp nạn Việt nam với các đại thiền sư Nhật bản; hoặc như đêm nay, âm thầm cảm sốt giữa trời đông - mảnh áo nâu sòng lưu lạc đó đã mặc chứng được rằng "Đạo Pháp trong lòng Dân Tộc".
Trời đã vào khuya. Đèn bật sáng nơi hậu sảnh. Đêm Không Ngủ được bắt đầu bằng buổi hội thảo về đề tài Nhân Quyền. Những mái đầu chụm lại và tất cả ánh mắt đổ dồn về hướng người phát biểu. Cuộc dấu tranh bất bạo động theo truyền thống tôn giáo từ xưa đến nay đang trở thành lực lượng xung kích chủ yếu để thực hiện dân chủ cho Việt Nam.
12 năm trong lao tù Cộng sản hung bạo vẫn không hề làm suy suyễn những quan niệm rất nhân bản trong lời phát biểu trên dây của cụ Nguyễn Thạch Kiên — một nhân sĩ Cao Đài cao niên. Có tiếng pha trà rón rén của cô y tá Thúy túc trực chăm sóc sức khoẻ cho mọi người lẫn trong tiếng vỗ tay chan hòa, vừa phải. Không khí thân tình như một đại gia đình hơn là một hội nghị. Cảm nghĩ thận trọng và chân xác sau đây của anh Đỗ Trọng Hòa đă được mọi người hoàn toàn tán thành. Với những nỗ lực đấu tranh to lớn ở trong nước, cùng với sự hỗ trợ đá ng kề của hải ngoại hiện nay thì chắc chắn rằng chẳng còn bao lâu nữa đất nước chúng ta sẽ dân chủ thực sự. Vâng, sẽ không còn bao lâu nữa đất nước mình phải tươi sáng. Cảm ơn tất cả những mái đầu kề chụm, bạc có đen có, của đêm nay, đã khơi bùng ngọn lửa tin yêu và hy vọng. Và cảm ơn những thân người đói lạnh ngoài kia, thầm lặng nhưng vô cùng dũng mãnh nói lên ước nguyện dân chủ tha thiết của dân tộc. "Dou ka "jin ken" to iu kokoro no hana wo betonamu ni” . Sau đêm đông này, sau cơn bão dữ, sau những thời tiết chính trị ảm đạm của hơn một trăm năm qua, sẽ có một ngày, vâng sẻ có một ngày đất nước lại rạng nở những "tâm hoa" của quyền sống con người.
Sẽ có một ngày con người hôm nay :
Vất súng, vẩt cùm, vất cờ, vất Đảng,
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Oan khiên!
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên…
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thẳng cờ hồng!...
Thay tiếng Tiến quân ca và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la !
Nguyễn Chí Thiện
Trưa ngày 10/12, ở thời điểm cuối của cuộc tuyệt thực, các câu phỏng vấn của nhà báo Sankei được trả lời bằng những cặp môi tái nhợt, khô nứt dưới sống mũi đỏ húp lên vì lạnh. Đúng 12 giờ 30, sau 24 tiếng đồng hồ cầm cự, trước khi chấm dứt, bác sĩ Khôi vừa nói chuyện thăm hỏi, vừa liên tục bắt mạch, kiểm tra sức khỏe cho mọi thành viên. Mặc dù hầu như đã hoàn toàn kiệt sức, thầy Chân Lễ vẫn tiếp tục hành lễ cầu an cho mọi người. Sau đó là 30 phút nghỉ ngơi, vừa để phân công chớp nhoáng cho công tác sau cùng - đọc kháng nghị tại sứ quán Việt cộng.
Tập trung tại ga X, men dọc theo hoàn lộ số 6, rồi bẻ trái ở trạm xăng Y, theo từng toán nhỏ, đoàn người di chuyển nhanh lẹ về hướng địa điểm. Bóng anh Xê sấn bước dẫn đầu, hôm qua tuyệt thực, hôm nay biểu tình, cái gì đã nuôi dưỡng nhịp sống nồng cháy, liên lỉ suốt quãng đời 15 năm tỵ nạn đó? Lòng yêu nước và những mối thâm tình của quá khứ - chưa đủ, theo anh còn phải là sự thức tỉnh thường trực trước mọi ý niệm và khát vọng về dân chủ.
Sứ quán nằm ở đầu con dốc, cũ kĩ, bệ rạc, bởi chẳng còn nhân viên nào đoái hoài đến thể thống, danh dự quốc gia ngoài chuyện mánh lới làm ăn để vơ vét về nước. Thái độ từ chối, khiếp sợ trước yêu cầu đối thoại cùa đoàn biểu tình đã phần nào cho thấy tình trạng biến chất, thoái hóa trầm trọng của hàng ngũ cán bộ Cộng sản, mặt khác, cũng làm nổi bật sự vững vàng trong cách thức vận động dân chủ của đồng bào hải ngoại.
Chia tay nhau tại ga X, sau 2 ngày đêm ráo riết, giấc ngủ chập chờn chợt đến trên những chuyến xe trở về. Hoàng hôn qua mau, những ngọn đèn đường đã bắt đầu giăng sáng đó đây trong ráng chiều hấp hối của một ngày tháng Chạp. Năm sắp hết. Hai mươi năm rồi qua. Trong khung cảnh rộn ràng đón mừng thế kỷ mới, dưới mái nhà nhân loại chung vui hôm nay vẫn còn đầy dẫy những nhát chém phi nhân thù hận, dọc ngang trên hình hài đất mẹ đang bị phanh thân lần mòn bởi đủ loại tay buôn quốc tế sừng sỏ.
Ta về trùm nỗi âm u,
Nghe đâu đây mọc ngàn thu úa vàng.
Bao năm thân phận hỗn mang.
Một quê hương đó, trăm ngàn mộ bia.
Nếu chiến tranh ngày trước đã cướp đi thân xác, máu xương thì xã hội băng hoại ngày nay đã trở thành mồ chôn của biết bao giá trị tinh thần tốt đẹp. "Trăm ngàn mộ bia" Câu thơ của thầy cũ ngấn lên, se sắt cõi lòng, buồn như đời thầy, một tù nhân Cộng sản. Buồn như đất nước - không biết sẽ phải bất hạnh cho đến bao giờ.
Hẹn em nhé
năm hai ngàn sẽ
hai bên cửa hé
cho anh trở về.
Từ ngày đi, theo cuộc tỉnh mê...
Cảm ơn Phạm Duy, câu hát của ông bao giờ cũng sưởi ẩm hồn người. Và một lần nữa, xin cảm ơn những mái đầu kề chụm đêm qua đã cùng nhau chuyền nối những ngọn lửa dũng huệ của Đoàn viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, cùng chư Tôn Đức Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Trí Siêu,Thích Tuệ Sĩ... và trăm ngàn chiến sĩ dân chủ khác đang ngày đêm thao thức để hé bật cánh cửa của NGÀY MAI.