1. Bối cảnh thành lập Nhà xuất bản Nam Nghệ Xã
Sau ngày đen tối 30/04/1975, đúng như dự đoán của nhiều người, chiến dịch thu gom sách báo, mang đi đốt hay hủy bỏ, đã được triển khai rầm rộ tại khắp các tỉnh thành Miền Nam Việt Nam. Nhiều người yêu sách đã lặng người, chết đứng khi nhìn cảnh những học sinh đeo băng tay đỏ đến từng nhà, từng tiệm sách, từng thư viện, trường học, v.v. vơ vét tất cả sách vở, báo chí, ấn phẩm văn học, v.v. lên xe, chở về những nơi thu gom theo chỉ thị của chính quyền.
Chiến dịch đốt sách tại Miền Nam Việt Nam Tháng 5, 1975 được ví như chiến dịch đốt sách của Tần Thủy Hoàng từ năm 213 trước Công nguyên. Mục tiêu chính vẫn là bài trừ mọi luồng tư tưởng khác với chủ thuyết, chính sách của chế độ cầm quyền.
Trong khi ấy, từ những ngày sau Tháng Tư Đen năm 1975, tại Nhật Bản, những người yêu sách trong giới sinh viên, tị nạn Việt Nam thì nâng niu, truyền tay nhau đọc những tập sách quý hiếm xuất bản tại Miền Nam, và đã may mắn được mang đến Nhật trước năm 1975. Càng biết là trong nước, sách báo đang bị hủy đốt, thì người Việt tại hải ngoại càng trân quý sách báo. Tại Nhật Bản, những người có trong tay những nguyệt san, tác phẩm văn học, lịch sử, tư tưởng, triết học v.v. có giá trị, xuất bản tại Miền Nam, đã tự tay sao chép, in lại một số tác phẩm đặc biệt được yêu chuộng, in thành nhiều bộ, bằng giấy tím và đóng bìa bằng phương cách rẻ tiền nhất vào thời đó, để phân phối cho bạn bè, những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu.
Cùng lúc, nhu cầu phát hành nguyệt san, đặc san, v.v. ngày càng trở nên cấp bách trong cộng đồng người Việt tại Nhật nhằm giúp chuyển tải những tin tức liên quan đến tình hình trong nước, tại hải ngoại, và tại Nhật Bản. Đặc biệt, Nguyệt san Người Việt Tự Do (số đầu tiên ra mắt vào Tháng 11/1975) và Nguyệt san Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật kế tiếp sau đó đã là món ăn tinh thần bổ ích hằng ngày không thể thiếu của bà con tại các trại tị nạn, các trung tâm xúc tiến định cư khắp nơi trên nước Nhật.
Bên cạnh đó là nhu cầu giúp người định cư học tiếng Nhật, và nhu cầu giúp con em học tiếng Việt, lịch sử, văn hóa Việt, v.v.
Đối với xã hội Nhật, cộng đồng người Việt tại Nhật cũng có nhu cầu phát hành các tài liệu nhằm giải thích lý do tại sao người Việt Nam phải rời bỏ quê hương ra đi tị nạn, và thế nào là nỗ lực của người Việt trong và ngoài nước nhằm tranh đấu cho tự do, dân chủ tại quê nhà, …
Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản Nam Nghệ Xã đã được thành lập như một điều tất nhiên, cần thiết để hỗ trợ cho các hoạt động trên lãnh vực thông tin, văn hóa, giáo dục v.v. của cộng đồng người Việt tại Nhật.
2. Lịch sử thành lập Nhà xuất bản Nam Nghệ Xã
Nhà xuất bản Nam Nghệ Xã (NXB NNX) đã đăng ký và có tư cách pháp nhân của một công ty trách nhiệm hữu hạn (yuugen gaisha) ngày 8/08/1985. Tuy nhiên, NXB NNX có lịch sử hình thành khá lâu, từ khoảng năm 1972, bắt đầu bằng một máy đánh chữ tiếng Anh cồng kềnh nhưng khá tối tân vào thời đó, được một số sinh viên trong Cư xá Đông Du (Nguyễn Đức Hòe, Phạm Thanh Linh, Lê Công Phú, v.v.) xuất tiền túi, đầu tư mua về để kinh doanh kiếm sống, bằng cách đánh máy phụ cho các công ty ấn loát Nhật. Chiếc máy này gọi là một loại máy shashin shokujiki 写真植字機, một loại máy phototype setting equipment dùng hệ thống quang học phức tạp, chiếu một tia sáng qua một bản font chữ bằng thủy tinh, cho hiện hình chữ trên một tờ giấy phim, giống như cách chụp hình phổ biến trên phim nhựa vào thời đó. Tên gọi “Nam Nghệ Xã” cũng được dùng từ những ngày này. Tuy nhiên, công việc của “nhà xuất bản” vào thời điểm đó chỉ đơn thuần là đánh máy tiếng Anh phụ cho các công ty ấn loát Nhật để làm nguyên bản của những ấn phẩm bằng tiếng Anh. Một số sinh viên bắt đầu học đánh máy, làm nguyên bản của các ấn phẩm từ những năm này.
Sau năm 1975, để phát hành các tờ báo (như Bản tin Ủy Ban Tranh Đấu Cho Người Việt, Nguyệt san Người Việt Tự Do, v.v.), một số sinh viên trong phong trào đấu tranh trong giai đoạn đó đã xuất tiền túi, mua vài máy đánh chữ IBM chạy bằng điện (dùng động cơ điện đánh bộ font chữ hình cầu để in chữ trên cuộn giấy carbon, cho hiện hình chữ trên trang giấy trắng).
Tiếp theo đó, vào khoảng năm 1980, nhu cầu phát hành các tờ báo, tự điển, sách tiếng Việt, tiếng Anh… ngày càng gia tăng. Công việc đánh máy tiếng Anh làm nguyên bản các ấn phẩm cũng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi NXB NNX phải đánh máy thật nhanh, thật đẹp, dùng nhiều loại font chữ phong phú hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, NXB NNX đã mạnh dạn đầu tư mua một máy gọi là “Compugraphic”
(phototypesetting equipment, như hình ở trên) khá mắc tiền vào thời điểm đó. Máy này giống như máy shashin shokujiki đã đề cập bên trên, cũng dùng hệ thống quang học, chiếu tia sáng qua các ống kính và lăng kính, nhưng dùng bảng font chữ plastic mềm được gắn vào một khung tròn lúc nào cũng xoay tròn bằng động cơ điện.
Trong suốt thời gian dùng những loại máy phototype này, trong văn phòng NXB NNX lúc nào cũng cần phải trang bị một phòng tối để rửa giấy phim, kết quả của công việc đánh máy. Chỉ cần sơ ý một chút, để ánh sáng bên ngoài lọt vào phòng tối, hoặc không gắn hộp đựng giấy phim đúng cách, v.v. là giấy phim bị hư, và xem như cả công trình đánh máy trở thành công toi.
Cũng vào khoảng năm 1980, bên cạnh công việc đánh máy làm nguyên bản các ấn phẩm, Nhà xuất bản NNX còn nhận công việc in ấn các tờ báo, ấn phẩm từ các trường đại học, các hội đoàn quen biết. Nhu cầu in ấn này ngày càng tăng, khiến NXB NNX mạnh dạn đầu tư mua một máy in khổ nhỏ. Nơi đặt cái máy in đầu tiên này là gian nhà kho của anh Trần Đức Giang. Sau đó, vào khoảng năm 1982, máy in này được dọn về đặt tại gian chòi xây tạm bên cạnh nhà anh Phạm Thanh Linh. Nhiều lúc máy in này phải chạy suốt đêm, nhưng may mắn là “nhà in” ở khá xa nhà hàng xóm, nên không bị than phiền vì tiếng ồn.
Đến năm 1985, khi NXB NNX được đăng ký tư cách pháp nhân thì văn phòng NXB được dời vào một tòa nhà tại khu vực Shiba, Quận Minato, Thành phố Tokyo. Tổng giá trị máy móc, tài sản của công ty lúc đăng ký được đánh giá vào khoảng 6 triệu Yen, gồm những máy đánh chữ, máy copy, máy in, và cả máy cắt giấy dùng để đóng gáy các ấn phẩm đơn giản. Tại thời điểm đó, NXB có 6 nhân viên chính thức, có thể làm mọi công đoạn cần thiết để lay-out, trình bày nguyên bản của các ấn phẩm, từ ấn phẩm đơn giản là thiệp cưới, thiệp báo tin, đến những ấn phẩm phức tạp như bộ Tự điển Nhật Việt Dụng Ngữ dầy 825 trang.
Có thể nói, cho đến khoảng năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu có những máy word processor, (một dạng máy computer đơn giản để đánh máy các thứ tiếng), thì NXB NNX là nơi duy nhất tại Nhật có thể xuất bản các ấn phẩm, tài liệu bằng đủ thứ tiếng, từ tiếng Nhật, tiếng Anh, đến tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Lào.
Một số ấn phẩm, tài liệu điển hình do NXB NNX phát hành có thể được liệt kê như sau:
- Việt Sử Toàn Thư, Tập I và Tập II
- Tù Binh và Hòa Bình
- Tập hình ảnh Refugee
- Từ Thực Dân đến Cộng Sản
- Nhật Việt Dụng Ngữ (用例付語彙集、ベトナム語版)
- Nhật Lào Dụng Ngữ (用例付語彙集、ラオス語版)
- Nhật Miên Dụng Ngữ (用例付語彙集、カンボジア語版)
- Tự điển Nhật-Việt-Anh
- Danh Từ Y Tế
- Ngữ Dụng Thường Nhật (Việt-Nhật)
- Đời Sống và Luật Pháp tại Nhật
- Tập Hướng Dẫn Cuộc Sống tại Nhật
- Vần Xuân Thu
- Vần Việt Ngữ
- Tape video “Tiếng Việt – bộ Sơ Cấp, Trung Cấp”
- Tape video: Đời Sống Tại Nhật
- Phim Chúng Tôi Muốn Sống, phụ đề tiếng Nhật
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tại Nhật Bản, NXB NNX cũng cùng chung số phận như các công ty xuất bản, ấn loát quy mô nhỏ tại Nhật, mất dần công việc, và ngưng hoạt động từ năm 2003, khi ngành ấn loát truyền thống sử dụng các loại máy phototype đã dần trở nên lạc hậu. Từ khoảng năm 1985, các loại máy computer nhỏ đã bắt đầu được đưa vào sử dụng trong ngành ấn loát, xuất bản. Các công ty Nhật, các trường học, các đoàn thể, v.v. có thể dùng máy word processor, máy tính computer, cùng với các loại máy copy, máy laser printer, v.v. để tự làm lấy những tài liệu đơn giản. Và thế giới bước vào thời đại ebook, sách báo điện tử, v.v. Thay vì đọc sách trên giấy trắng mực đen, người ta có thể đọc trên màn ảnh của máy tablet, máy smartphone, máy computer, v.v.
3. Mục tiêu thành lập Nam Nghệ Tân Xã
Tuy NXB NNX phải ngưng hoạt động vì đã không theo kịp thời đại điện tử hóa của thế giới, nhưng không phải vì vậy mà không còn nhu cầu phổ biến tin tức, phát hành sách báo, thơ văn, , v.v. trong cộng đồng người Việt tại Nhật.
Trong thời đại truyền thông điện tử hiện tại, người ta có thể tiếp cận với nhiều loại sách báo điện tử, qua các trang mạng internet. Nhu cầu học tiếng Nhật của người lớn, và nhu cầu học tiếng Việt, học lịch sử văn hóa Việt của trẻ em có thể giải quyết bằng cách vào mạng internet, đọc sách báo, truy cập thông tin không tốn tiền, hoặc mua sách ebook, emagazine, v.v. một cách dễ dàng. Tương tự, nhu cầu phổ biến thông tin cũng có thể giải quyết dễ dàng bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội điện tử như facebook, twitter, blog, v.v.
Tuy nhiên, “easy come, easy go”: cái gì dễ có được thì cũng dễ dàng mất đi. Nhiều kết quả khảo sát đã cho biết: không như khi đọc sách in trên giấy, người ta không dễ dàng nhớ lâu nội dung sách báo khi đọc trên màn ảnh máy.
Điều này cũng dễ hiểu, vì khi đọc sách báo in trên giấy, bộ não con người phải làm công việc tổng hợp tất cả những thông tin, cảm nhận không chỉ từ mắt (để ghi nhận chữ viết, hình ảnh), mà còn từ đầu ngón tay và từ tai (khi lật trang giấy), từ mũi (khi ngửi mùi giấy, mùi mực), rồi mới đưa vào phần ghi nhớ trong não bộ. Muốn nhớ lâu, muốn có thời giờ để suy ngẫm, con người cần đọc sách báo in trên giấy. Vì vậy, con người vẫn cần duy trì việc phát hành, phổ biến các ấn phẩm trên giấy.
Như vậy, Nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã, một mặt phải kế thừa tinh thần, di sản của Nhà xuất bản Nam Nghệ Xã để tiếp tục việc phát hành sách báo, tài liệu văn học nghệ thuật trên giấy, nhưng mặt khác cũng phải chuyển hướng vận dụng những tiến bộ của ngành thông tin điện tử vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa Việt trên đất Nhật.
Có thể nói, Nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã được thành lập với ba mục đích chính như sau.
Thứ nhất: Thành lập và điều hành một thư viện điện tử, để sưu tầm, số hóa, lưu trữ tất cả sáng tác văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại Nhật dưới dạng file điện tử, nhằm mục đích bảo tồn các tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đối tượng sưu tầm, lưu trữ vào thư viện điện tử này bao gồm cả những tác phẩm trong lịch sử, bao gồm cả những tài liệu từ thời cụ Phan Bội Châu phát động Phong trào Đông Du, v.v. cho đến những câu chuyện về người tị nạn, làn sóng thuyền nhân, cuộc sống của người Việt đến Nhật tìm tự do sau năm 1975, v.v.
Thứ nhì: Khuyến khích, hỗ trợ thành viên cộng đồng người Việt tại Nhật trong việc nghiên cứu, sáng tác và phổ biến các tác phẩm thơ văn, nghệ thuật. Đặc biệt, Nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã sẽ chú trọng đến việc tư vấn ý kiến, hỗ trợ các thành viên trong cộng đồng trong việc minh họa, thiết kế, trình bày các tác phẩm sáng tác văn học nghệ thuật của mình, trên trang mạng điện tử, hoặc dưới dạng ấn phẩm, tài liệu vật thể.
Thứ ba: Hiệp tác, hỗ trợ các cá nhân, hội đoàn người Việt và người Nhật trong việc nghiên cứu, sáng tác, phổ biến các tài liệu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, cùng với những tài liệu có liên quan đến mối liên hệ giao lưu giữa hai dân tộc Nhật- Việt, hoặc có liên hệ đến việc hiệp tác phát triển kinh tế của hai quốc gia. Trong mục tiêu này, Nhà xuất Bản Nam Nghệ Tân Xã cũng hỗ trợ thành viên cộng đồng trong việc dịch sang tiếng Việt và phổ biến các tác phẩm tiếng Nhật để giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa, dân tộc Nhật đến với người Việt trong ngoài nước, cũng như để vận dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật của Nhật Bản phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Đặc tập 40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật là một công trình đúc kết, biên soạn của một nhóm chủ trương gồm 5 người đi đầu trong công tác bảo vệ và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nhật. Đó là các anh: Lê Hoàng Hải, Vũ Đăng Khuê, Nguyễn Huy, Nguyễn Văn Mong, và Kiều Trung Hiếu. Việc phát hành đặc tập này cũng là công trình đầu tiên của Nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã, với sự hỗ trợ của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật.
Qua việc đúc kết, biên soạn lại những bài viết, bài thơ trang trải những suy tư của người Việt tha hương, hoặc tường thuật lại những hoạt động của người Việt trong cuộc sống tại Nhật, hoặc mô tả xã hội Nhật từ nhãn quang của con người Việt, v.v., - đặc tập này có thể được xem như là một dấu xuống hàng, hay một dấu sang trang trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nhật. Từ đây, bước sang một giai đoạn phát triển mới của cộng đồng, giới trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba, .v.v. của cộng đồng người Việt tại Nhật có thể đọc đặc tập này để biết được thế nào là suy tư và cuộc sống của cha ông trong những ngày tháng mới đến Nhật, để từ đó có thể hăng hái hơn trên con đường tìm hiểu về quê hương cội nguồn, và có thêm tự hào và tự tin khi bước vào xã hội Nhật.
Nhóm chủ trương Đặc tập 40 Năm Văn Học Việt Nam tại Nhật và Nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã kỳ vọng là Đặc Tập này sẽ giúp phần nào trong việc thúc đẩy phát triển những tài năng văn học nghệ thuật mới trong giới trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba, .v.v. của cộng đồng người Việt tại Nhật, và như vậy, sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nhật sẽ luôn sinh động, sống mãi cùng với dân tộc Việt.
Đông Kinh, Tháng Tư năm 2019
Nguyễn Mỹ Tuấn
Phương thức order sách: xin email về Hải Lê tại địa chỉ:
bbt@namnghetanxa.com
Phương thức thanh toán ngoài nước Nhật: Paypal hay chuyển khoản (chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ ràng).
Tại Nhật: 2,500 Yen
Các quốc gia khác: 30 USD (*)
Phí trên đã bao gồm phí vận chuyển đến địa chỉ người nhận.
(*) NẾU quý cô bác anh chị có nhu cầu gởi nhanh qua đường EMS hay DHL, xin rộng lòng charge thêm 15 USD trên mỗi cuốn, tương đương 45 USD/cuốn, trong đó bao gồm tiền sách 20 USD và tiền gởi EMS 25 USD. Nếu không ngại trường hợp chờ lâu (may be), xin giữ mức 30 USD như cũ. Hoặc gởi bằng máy bay, chậm hơn EMS thì vừa tiền sách vừa tiền gởi là 40 USD/cuốn.
Còn trong Nhật Bản thì 2500 Yen (tính luôn cước phí)
Đã gây bất tiện và làm mất thời gian chờ đợi quý báu, chúng tôi vô cùng xin lỗi và mong quý cô bác anh chị cùng hiệp lực, để nhà xuất bản non trẻ ngày càng hoàn thiện hơn. Xin hết lòng tri ân!