Ngày thứ bẩy 14 tháng 9 một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái (drones) vào cơ sở lọc dầu vĩ đại ở Abqaiq và các giếng dầu ở Khurais của Saudi Arabia, làm thiệt hại tính ra đến 50% cơ sở lọc dầu. Số lượng dầu Ả Rập Saudi sản xuất vì thế đã giảm một nửa. Sự thiệt hại nặng đến độ muốn trở lại mức sản xuất bình thường phải cần nhiều tháng nữa. Chính phủ do lực lượng Houthi cầm đầu ở Yemen được Iran hỗ trợ chống lại chính quyền Yemeni mà Saudi Arabia ủng hộ đã xác nhận mình là tác giả. Tướng Yahya Sare’e của quân lực Houthi tuyên bố “Không lực của quân đội Yemeni và các hội đồng Nhân dân sáng ngày thứ bẩy đã thực hiện một cuộc hành quân lớn ở phía đông của Saudi Arabia” và thêm rằng các cuộc hành quân sẽ “gia tăng” và sẽ “đau đớn” hơn nữa. Báo Do Thái Jerusalem Post loan tin rằng đã có 12 hỏa tiễn hành trình và trên 20 máy bay drone được sử dụng trong vụ tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng những vị trí bị tổn hại cho thấy hướng bay không phải là từ Yemen là nơi quân Houthi kiểm soát mà là từ Iran. Phó tổng thống Pence ngày thứ ba tuyên bố rằng Mỹ đang xem xét các bằng cớ Iran đứng sau cuộc tấn công và Mỹ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình và của các đồng minh ở Trung Đông. Nói như thế chỉ là nói để mà nói, chứ không có bằng cớ gì Iran là thủ phạm ngoài các mảnh võ khí cho thấy là làm ở Iran. Tổng thống Trump chỉ tweet rằng “có lý do để nói rằng chúng ta biết thủ phạm là ai”mà không nói thẳng ra là Iran. Và Washington đang chờ xem Saudi Arabia phản ứng. Và Mỹ đã “nạp đạn và khóa an toàn”. Tuy nhiên ông Trump cũng nói rằng ông không muốn mở ra một cuộc chiến mới ở Trung Đông, với Iran, và “ngoại giao chẳng bao giờ hết hơi”. Tin tức truyền đi nói rằng ông Trump muốn gặp tổng thống Iran bên lề đại hội đồng Liên hiệp quốc sắp tới, không có điều kiện trước gì cả. Nhưng phía Iran thì nói rằng Iran không hề có tính toán gặp Mỹ.
Thực vậy, ngoại trưởng Iran Zarif Said viết trên tweet rằng “Mỹ trong tình trạng tâm lý chối bỏ nếu nghĩ rằng người Yemeni nạn nhân của 4.5 năm tội ác chiến tranh tồi tệ nhất lại không đánh lại. Có lẽ Mỹ bị bối rối xấu hổ vì 100 tỉ đô la võ khi không thể chặn nổi hỏa lực của người Yemeni. Nhưng đổ tội cho Iran không thay đổi gì tình trạng này cả”. Nhận định này của ông Zarif Said là nhằm tấn công chính trị vào Saudi, vì chỉ ra rằng cuộc chiến mà Saudi và một số nước Ả rập mở ra ở từ mấy năm nay ở Yemen là phi chính nghiã. Yemen là một nước nghèo ở phía nam Saudi Arabia. Chuyện bắt đầu với Mansour Hadi, phó tổng thống của Yemen , đã nhân phong trào Mùa Xuân Ả Râp 2011 đảo chánh lật đổ xếp của mình là tổng thống Saleh. Nhưng đời sống đã trở nên xáo trộn khó khăn hơn dưới chính phủ Hadi. Vì thế, năm 2014 nhóm Hồi giáo Shia Houthi đã nổi lên chống đối khiến Hadi phải bỏ chạy sang Saudi Arabia. Tháng ba năm 2015 Saudi Arabia cùng một số nước thuộc nhánh Hồi giáo Sunni với sự hỗ trợ của Anh Mỹ Pháp bắt đầu oanh kích lực lượng Houthi với lý do là để giúp tái lập chính phủ Hadi. Cuộc không kích kéo dài bằng các võ khí tối tân từ Anh và Mỹ này gây vô số tàn phá và chết chóc cho dân Yemeni đã làm cho các “thầy bàn của truyền thông thế giới gọi là “hiện tượng mỏi mệt” nơi các giới chính trị Âu Mỹ. Tại Anh quốc đã có những đòi hỏi ngưng cung cấp võ khí và ngay tại quốc hội Mỹ thì mới đây cũng có những người đặt vấn đề ngưng viện trợ cuộc chiến Yemen.
Trước những tin tức thăm dò này, giáo chủ tối cao của Iran là Khameini tuyên bố “Các giới chức Iran các cấp sẽ không thảo luận tay đôi với Mỹ … “nhưng sẽ thảo luận đa phương nếu mọi phía cùng muốn trở lại thỏa hiệp hạt nhân năm 2015. Và: “nếu chúng ta nhượng bộ và thảo luận với Mỹ thì chứng tỏ rằng chính sách áp lực tối đa thành công. Người Mỹ phải hiểu rằng chính sách này vô ích đối với chúng ta”. Rõ ràng là Khameini biết vị trí của mình, cần giữ thế giá, nhưng tránh quyết liệt quá đáng, và chỉ vin lấy thỏa hiệp JCPOA đã ký với năm nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức mà ông Trump đơn phương rút ra chiều theo ý Do Thái, để hy vọng có thể cựa quậy thoát ra khỏi những biện pháp chế tài bóp nghẹt kinh tế của Mỹ.
Không thể chỉ dựa trên những tin tức tóm lược ở trên để đoán liệu Mỹ có mở ra chiến tranh với Iran hay không. Bởi vì trước hết là cho tới nay không mấy ai có thể tin chắc vào những lời ông Trump nói. Người theo rõi tin tức đã có nhiều dịp thấy ông nói một đàng làm một nẻo, nói ngược đó rồi nói xuôi đó, hoặc im lặng chẳng nói gì rồi đùng một cái ra quyết định. Mà gần đây nhất là việc bãi nhiệm cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Người mê ông Trump có thể cho rằng đây là một mánh khóe để luôn luôn giữ được bí mật những toan tính định thực hiện của mình. Nhưng truyền thông thì đặc biệt không thích ông Trump chút nào vì không còn giữ được vai trò báo trước và nhào nắn dư luận qua các tiếp xúc định kỳ như các đời tổng thống trước mà ông Trump đã bỏ khi vào Bạch cung.
Về phía Iran thì từ khi có cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ vua Shah Pahlavi bù nhìn của Mỹ năm 1979, các giáo chủ nắm quyền, thì lập trường chung của cả nước là kiên định không chịu khuất phục khối Anh Mỹ Pháp Do Thái. Đồng thời khai dụng khôn ngoan các mâu thuẫn thế giới, để củng cố sức mạnh quân sự và phát triển khoa học kỹ thuật, không còn trong tư thế một nước tiểu nhược, dễ dàng bị đè bẹp bằng sức mạnh võ khí như Lybia, Syria hay Iraq. Do đó, ông Trump dù có muốn, cũng không thể mở ra một cuộc chiến với Iran trong tình hình hiện tại vì lợi bất cập hại.
Khi ông Trump nói rằng đã “lắp đạn và khóa an toàn”, chỉ còn chờ Saudi Arabia phản ứng, có người đã nẩy ra câu hỏi tại sao phải chờ Saudi Arabia, trong khi hoàng thái tử Mohammad bin Salman al Saud là người được ông Trump đưa lên vị trí quyền lực, thì một cái búng tay của ông Trump là phải cung cúc tuân theo. Thắc mắc này không khó trả lời, nếu biết rằng quyết định đánh Iran thì một là cần quân lực, hai là cần tiền. Quân lực Saudi vốn không phải là loại nổi tiếng. Ngoài các hoàng tử hoàng thân chuyên lái máy bay phản lực tối tân Mỹ, thì sức mạnh quân sự chỉ là những toán lính không có mấy thành tích trong cuộc chiến Syria ngoài chuyện cò cưa với lực lượng Hồi giáo ISIS. Chỉ nhìn vào vụ tấn công những cơ sở dầu hỏa vừa xẩy ra, các drone và hỏa tiễn đã 100% đánh trúng mục tiêu, không cái nào bị phá hủy hay bị ngăn chặn thì ai cũng có thể thấy rằng hệ thống phòng thủ gồm các loại võ khi và quân khí tối tân mà Mỹ cung cấp tính ra cả trên100 tỉ đô la cho Saudi hoàn toàn vô dụng! Nếu mà quân Houthi ra tay phen nữa trong vài ngày tới thì có lẽ 50% còn lại của hệ thống sản xuất dầu của Saudi sẽ hoàn toàn bị tiêu hủy!
Về mặt tiền bạc thì tuy Saudi là nước sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới, hút dầu lên là thành đô la, nhưng tiền dầu hỏa không phải là vô tận và phải dùng cho nhiều việc mà quan trọng nhất là vấn đề ISIS, bên cạnh chuyện cung phụng nhiều ngàn gia đình hoàng tử với công nương sống đời vương giả cho nên không dễ dàng tiêu thêm cho một cuộc chiến tranh mới, dựa vào võ khí đắt giá sản xuất từ Anh và Mỹ. Nếu Saudi Arabia không thể chi tiền, thì ông Trump không lấy tiền đâu ra mà đài thọ chiến phí.
Ngoài ra Nga đang có mặt ở Trung Đông sẽ chẳng đứng yên nếu Iran bị đánh như trường hợp Lybia hay Syria. Chưa kể TQ cũng là một khách hàng mua dầu hỏa quan trọng của Iran và những trao đổi thương mại khác giữa hai bên không thể không có.
Duyệt một vòng các nước xa gần liên hệ, chỉ có Do Thái là quyết liệt muốn đánh Iran vì nước này là một lực cản không cho Do Thái chiếm vị trí một mình một chợ Trung Đông tự tung tự tác. Và cũng vì Do Thái không tốn kém bao nhiêu nếu có chiến tranh. Lý do đơn giản là hệ thống vận động chính trị Do Thái tại Mỹ dư khả năng để khiến Mỹ viện trợ quân sự mỗi năm 4 tỉ đô la đều đặn không dứt. Và như tin mới nhất đây thì thủ tướng Netanyahu đã có quyết định sẽ ký hiệp ước an ninh với Mỹ trong khi ông Trump đang chờ cầm bút lên. Nghĩa là có động dạng gì với Iran thì Mỹ sẽ nai lưng ra đỡ. Sau vụ oanh kích Saudi này, Do Thái đã lập tức khẳng định Iran là thủ phạm. Báo Jerusalem Post đưa tin thủ tướng Netanyahu tuyên bố quân lực Do Thái đã sẵn sàng tham dự trong trường hợp mà báo này nói là “Mỹ bị lôi vào cuộc chiến bởi Iran”. Ở Mỹ, thì thượng nghị sĩ Lindsey Graham là người lên tiếng đầu tiên chỉ trích phản ứng ông Trump đối với Iran là yếu nhược, là “không tới”. Thái độ này của Lindsey Graham không lạ vì ông này là thượng nghị sĩ đầu tiên đã cùng Netanyahu đi thăm cao nguyên Golan Heights Do Thái chiếm của Syria, tươi cười chụp hình thân ái trong áo sơ mi. Về đến Mỹ, Graham đã đến gặp ông Trump ngay. Lập tức, Donald Trump công nhận cao nguyên Golan Heights là thuộc Do Thái. Từ đó Lindsey Graham được truyền thông Mỹ coi là đồng minh thân cận với tổng thống Trump, mặc dầu trước kia Graham chống Trump và đi theo sát John McCain mà Trump coi là kẻ thù cho tới sau khi chết. Cho nên, gần sự thực hơn có lẽ phải nói rằng Lindsey là cái loa của Netanyahu. Tóm tắt Mỹ đánh Iran hay không là tùy ông Trump chịu được sức đẩy của Do Thái tới cỡ nào.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 17 tháng 9/2019)