“Đứng trước sự chuyên chế, và sự tàn bạo của cảnh sát, những học sinh chúng tôi thấy cần phải cất tiếng nói thể hiện lên sự bất bình của chúng tôi đối với nhà cầm quyền. Chúng tôi là tương lai của đất nước. Chúng tôi phải cần bảo vệ gia đình của chúng tôi bất kể sự giới hạn trong khả năng. Với lý do này, chúng tôi phát động chiến dịch “Con Đường Đi Tới Tự Do” bằng sự hình thành một chuỗi mắc xích người kéo dài 5 km qua 3 con đường To Kwa, Ho Man Tin và Yau Ma Tei.“
Và,
“Khi bất công là điều hiển nhiên thì một cuộc cách mạng là điều làm đúng. Chúng tôi sẽ đứng cùng với người dân Hong Kong và không bao giờ lùi bước cho tới khi năm điều đòi hỏi của người dân Hong Kong chúng tôi được thực hiện.”
“Người Hong Kong! Cùng nhau giữ vững niềm tin!
Tự Do Hong Kong! Cuộc cách mạng của thế kỷ chúng ta!”
“Tôi phải ủng hộ con trai của tôi. Đây là lần đầu tiên cậu ấy tham gia một cuộc vận động xã hội. Tôi tin rằng trong tương lai như một công dân của Hong Kong, cậu ấy sẽ hiểu là có nhiều phương thức để thực thi công lý. Chúng ta không nên xem thường sự khôn ngoan của các học sinh. Các cậu ấy có thể biểu lộ những đòi hỏi một cách thông minh sáng tạo.”
Ở trên là lời phát biểu của một đai diện học sinh trung học Hong Kong trong chiến dịch “Con Đường Đi Tới Tự Do” vào ngày 9 tháng 9 năm 2019 trước truyền thông báo chí, và cảm nhận của một phụ huynh học sinh khi được nhà báo phỏng vấn về sự kiện. (*)
Năm điều đòi hỏi mà các học sinh nhắc đến trong cuộc tranh đấu của người Hong Kong bao gồm:
Thứ nhất, loại bỏ dự luật dẫn độ. Thứ hai, nhà lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam phải từ chức. Thứ ba, mở cuộc điều tra về sự hung bạo của cảnh sát. Thứ tư, trả tự do cho những người bị bắt, Và thứ năm, người Hong Kong phải được nhiều quyền hạn hơn về tự do dân chủ, chẳng hạn như được quyền tự do ứng cử, bầu cử, và lãnh đạo Hong Kong phải do người Hong Kong lựa chọn, vân vân.
Nhìn chung những cuộc tranh đấu tự phát và không người lãnh đạo như trên tại Hong Kong cho đến nay sau 88 ngày diễn tiến, xem chừng như đã không thuyên giảm mà lại càng sôi nổi, đặc biệt với sự xuất hiện mới của những ông bố, bà mẹ trẻ cùng dắt con nhỏ đi biểu tình, sự tham gia của các học sinh Trung Học, và giới phụ huynh học sinh sinh viên. Tất cả đã cùng nói lên tấm lòng yêu nước và sự gắn bó của người dân Hong Kong trong cuộc đấu tranh chung cho tương lai Hong Kong.
Tuy cuộc đấu tranh của người Hong Kong hiện nay được nhìn thấy là không có người lãnh đạo. Những cuộc biểu tình đã chỉ xẩy ra với sự đồng thuận chớp nhoáng trên mạng của từng nhóm từng thành phần với sự điều hành riêng rẽ của từng bộ phận, nhưng tinh thần đấu tranh và sự dấn thân của mọi thành phần đã cho thấy là người dân Hong Kong đã ý thức được việc họ phải làm. Cuộc biểu tình vào ngày Chủ Nhật ngày 16 tháng 6 năm 2019 quy tụ gần hai triệu người với yêu cầu bà Carrie Lam phải từ chức là một thách thức lớn trong quan hệ Trung Quốc – Hong Kong kể từ khi Hong Kong được nước Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Ngày 17 tháng 6 năm 2019, được thả tự do sau khi thụ án 2 tháng tù và được giảm án 1 tháng, nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng và là gương mặt đại diện của phong trào Dù Vàng năm 2014, Hoàng Chí Phong, đã lập tức nhập cuộc, lên tiếng kêu gọi bãi bỏ luật dẫn độ và sự từ chức của bà Lam. Nếu không, người Hong Kong, anh nói, sẽ cho cả thế giới và cộng đồng quốc tế thấy rằng họ sẽ không im lặng dưới sự đàn áp của Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam. Và, trước lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được trả về Trung Quốc, nhiều triệu người dân Hong Kong sẽ cùng tham gia đấu tranh cho tới khi Hong Kong dành lại được quyền tự do và quyền con người cơ bản
Tuy không nhận vai trò lãnh đạo nhưng trong trong tâm thức của người dân Hong Kong đặc biệt là trong giới trẻ, rõ ràng nhà hoạt động sinh viên 23 tuổi Hoàng Chí Phong đã có một vị trí đặc biệt. Mô thức “mỗi người dân Hong Kong là một lãnh đạo đấu tranh” của Hoàng Chí Phong đã thấm vào lòng người và giúp đưa tinh thần đấu tranh đi sâu vào quần chúng và phát triển lớn mạnh.
Hoàng Chí Phong vào ngày 8 tháng 9 năm 2019 đã bị bắt tại sân bay Quốc Tế Hong Kong trước giờ bay sang Đức để gặp Bộ trưởng ngoại giao Đức. Anh đã được trả tự do vào ngày thứ hai 9 tháng 9 năm 2019, và đã lập tức bay sang Đức cùng ngày. Từ Đức, Hoàng Chí Phong cho biết sẽ bay sang New York để gặp các giới chức Hoa Kỳ trong cuộc vận động dân chủ cho Hong Kong.
Nhìn người mà nghĩ đến ta. Người Việt Nam bao giờ mới được như người dân Hong Kong? Cùng đứng lên đòi hỏi quyền tự do cơ bản đã được ghi trong Hiến Pháp? Hay là người Việt Nam đã quen thuộc với cuộc sống bị trị dưới chế độ tham nhũng độc tài? Chấp nhận cuộc đời mạnh ai nấy sống, mạnh được yếu thua? Chấp nhận nhìn tương lai dân tộc bị thui chột dưới ánh hào quang của Đảng vinh quang và nhìn con cháu trở thành những kẻ đi vay lãi xuất cao để được đi làm lao động xứ người thay vì được du học theo tài năng kiến thức?
Khoa học đạo đức xã hội có phân chia ý thức của con người ra làm ba tầng theo hình kim tự tháp. Tầng dưới cùng hết tương đương với não trạng của trẻ con, là loại người vị kỷ, chỉ sống cho cái tôi, không quan tâm tới những người chung quanh. Tầng thứ hai hay tầng giữa tương đương với ý thức của thiếu niên. Trong tầng ý thức này, con người sống thiên về lợi ích của bản thân nhưng có san xẻ quyền lợi tới một số những người thân thuộc với họ. Tầng thứ ba hay tầng trên cùng, tầng của những con người trưởng thành với ý thức phát triển toàn diện. Đây là tầng của những con người hướng thượng, sống hướng tới tha nhân, sống cho quyền lợi và hạnh phúc chung của đất nước, của nhân loại. Người dân Hong Kong có lẽ thuộc vào tầng ý thức trên cùng hết, với ý thức hướng thượng sống cao cả trong tình tha nhân và dân tộc. Riêng người Việt Nam thì sao, ý thức của người Việt Nam thuộc vào tầng thứ mấy của kim tự tháp theo khoa học đạo đức xã hội?
Tuệ Vân
Ngày 11 tháng 9 năm 2019
(*) Nguồn: Trích từ video của South China Morning Post