Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản có chính sách thu nhận ồ ạt nhiều người ngoại quốc đến Nhật để du học hoặc làm việc dưới dạng “tu nghiệp sinh”. Nhiều người Việt Nam cũng đã đến Nhật với diện du học sinh, tu nghiệp sinh này, và đang tạo những tác động lớn trong cộng đồng người Việt định cư tại Nhật. Nếu nhìn vấn đề một cách tích cực, chúng ta có thể nghĩ: đây cũng là một cơ hội tốt mà cộng đồng người Việt tại Nhật (cộng đồng NVTN) cần phải nắm bắt để tìm cách phát triển cộng đồng trong tương lai dài hạn.
Bài viết này có mục đích trước nhất là ghi lại những chặng đường đã qua trong tiến trình hình thành cộng đồng người Việt tại Nhật, và sau đó là nêu ra ý kiến cá nhân về sứ mệnh và vai trò của cộng đồng người Việt tại Nhật, để đóng góp vào việc định hướng phát triển của cộng đồng.
1. KHÁI LƯỢC VỀ CÁC THÀNH PHẦN TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Có thể nói, cộng đồng người Việt tại Nhật hiện tại gồm những người Việt định cư, và những người tạm cư. Hai thành phần này có những đặc tính khác biệt hẳn với nhau.
Cộng đồng người Việt định cư tại Nhật gồm ba thành phần chính:
- Người “tị nạn”: định cư tại Nhật từ năm 1978, gồm phần đông là người tị nạn đến Nhật bằng thuyền, hoặc từ các trại tị nạn tại Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông, v.v.
- Người đến Nhật theo diện “bảo lãnh gia đình”, tăng nhanh từ khoảng năm 1988, là những người Việt trong nước được gia đình bảo lãnh đến Nhật theo diện ODP (Ordinary Departure Program).
- Du học sinh Việt Nam đến Nhật trước năm 1975: Khoảng 700 người, được đưa vào diện người định cư tại Nhật vào năm 1981.
Biểu đồ 1 bên dưới cho thấy biến chuyển của số người tị nạn Đông Dương (gồm người Việt Nam, Căm Bốt, và Lào) định cư tại Nhật trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 2000. Người Việt Nam chiếm đa số (khoảng hơn 75%) trong tổng số người biểu hiện trên biểu đồ này.
Theo thống kê của Bộ Tư Pháp Nhật, tại thời điểm cuối Tháng 6 năm 2018, số người Việt thuộc diện vĩnh trú, định cư tại Nhật là 37,505 người.
Ngoài những người Việt định cư tại Nhật như đã trình bày bên trên, còn có những người Việt đến Nhật ngắn hạn (tạm cư) theo diện du học sinh, tu nghiệp sinh. Theo thống kê của Bộ Tư Pháp Nhật, tại thời điểm cuối Tháng 6 năm 2018, số người Việt thuộc diện du học sinh, tu nghiệp sinh, chuyên gia kỹ thuật, nhân viên ngoại giao, v.v. đang lưu trú tại Nhật là 243,544 người.
Biểu đồ 2 bên dưới cho thấy số du học sinh, tu nghiệp sinh ngoại quốc đến Nhật từ năm 2008 đến năm 2018. Như thể hiện trên biểu đồ, số du học sinh, tu nghiệp sinh, chuyên gia kỹ thuật, v.v. người Việt Nam đến Nhật tăng đột biến (khoảng 50,000 người/năm) từ khoảng năm 2012.
Phần đông du học sinh, tu nghiệp sinh này chỉ được phép ở Nhật trong một thời hạn quy định, nên việc hội nhập vào cộng đồng, việc đóng góp cho cộng đồng không dễ dàng, liên tục, trường kỳ như người định cư.
Cùng với làn sóng du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam ồ ạt đến Nhật, các cơ quan truyền thông Nhật cũng đăng tải những bản tin đáng buồn về tình trạng tội phạm, ăn cắp ăn trộm, tự sát vì tuyệt vọng, quẩn chí, v.v. của du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam lưu trú tại Nhật. Hiện trạng và nguyên nhân nhúng tay vào các hành động phạm pháp của du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam đã được giới thiệu và phân tích khá kỹ lưỡng trong chương trình “Close up Gendai” của Đài NHK ngày 5/12/2017.
( https://www.nhk.or.jp/gendai/articles/4073/index.html)
Một số nhà bình luận Nhật Bản đã ví chuyện đưa du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật gần đây như là hành động “buôn người, buôn nô lệ (人身売買) trong thời đại mới”. Và nhiều người cho rằng cần phải có giải pháp triệt để từ cả chính quyền Hà Nội lẫn chính quyền Tokyo thì mới mong giải quyết được vấn đề này. Dù sao, cộng đồng NVTN cũng bị ảnh hưởng (tai tiếng) không tốt vì chính sách “buôn người thời đại mới” này.
Trong bối cảnh như vậy, làm sao để giúp đỡ các nạn nhân của chính sách “buôn người thời đại mới”, ngăn chặn tác hại lây lan của chính sách này, bảo vệ danh dự của người Việt Nam, v.v. cũng là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt định cư tại Nhật.
2. NHỮNG BƯỚC HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT ĐỊNH CƯ TẠI NHẬT
Biến cố 30/04/1975 đã đưa dân tộc Việt Nam vào một giai đoạn đen tối của lịch sử, khiến một số người phải liều mạng, đánh cá cả tính mệnh của mình để ra đi tìm tự do. Ngoài những người ra đi bằng đường bộ vượt biên giới đến Thái Lan và các nước lân cận, còn có những người ra đi bằng đường biển, gây xôn xao trong dư luận thế giới thời đó, với tên gọi là “thuyền nhân (boat people)”.
Tại thời điểm cuối năm 1977, người ta ước đoán là có khoảng 80,000 người tị nạn Việt Nam được đưa vào các trại tị nạn Thái Lan, và khoảng 100,000 người trong các trại tị nạn tại các nước Á Châu khác lân cận.
Chỉ vào khoảng hai tuần lễ sau biến cố 30/04/1975, ngày 12/05/1975, dư luận Nhật Bản xôn xao vì lần đầu tiên có 9 thuyền nhân được một tàu Mỹ vớt trên biển, đưa vào Cảng Chiba gần Tokyo. Khoảng một tháng sau, ngày 20/06/1975, có 50 thuyền nhân khác được một tàu Đan Mạch vớt trên đường vào Nhật Bản. Tổng kết, trong năm 1975, có 9 tàu đưa 126 thuyền nhân vào các cảng của Nhật Bản. Cũng vậy, năm 1976 có 11 tàu với 247 thuyền nhân, năm 1977 có 25 tàu với 833 thuyền nhân. Cho đến cuối năm 1980, có tổng cộng 4,361 thuyền nhân được cho phép lên bờ tại Nhật, và 114 trẻ được sinh ra, chào đời tại Nhật.
Lúc bấy giờ Nhật Bản vẫn chưa có một chính sách cụ thể gì về việc thu nhận người tị nạn đến Nhật. Mọi thủ tục giúp đỡ thuyền nhân đặt chân lên bờ đều do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đảm trách. Chính phủ Nhật chỉ miễn cưỡng cho phép thuyền nhân lên bờ, tạm trú… sau khi có văn bản cam kết của UNHCR là sẽ đưa các thuyền nhân này đi định cư ở một nước thứ ba. Trong thời gian này, có khoảng 90% số thuyền nhân tạm trú tại Nhật đã được phép rời Nhật sang định cư tại Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của UNHCR. Con số thuyền nhân đến Nhật vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó, nhiều nhất vào năm 1979 (1,165 người) và 1980 (1,278 người).
Trước vấn đề thuyền nhân ngày càng căng thẳng, với áp lực ngày càng tăng của thế giới, và theo yêu cầu của UNHCR, chính phủ Nhật Bản miễn cưỡng bắt đầu lập chính sách chấp nhận cho người tị nạn định cư tại Nhật. Tháng 9/1978, lần đầu tiên 3 người tị nạn Việt Nam được giấy cho phép định cư tại Nhật. Tháng 7/1979, Hội Nghị Liên Bộ Bàn Về Chính Sách Người Tị Nạn Đông Dương (インドシナ難民対策連絡調整会議) được thành lập với một văn phòng đặc trách việc lập kế hoạch tiếp nhận người tị nạn định cư tại Nhật.
Khung quy định số người tị nạn được cho phép định cư tại Nhật (定住枠) được nâng từ 500 người năm 1979, đến 1,000 người năm 1980. Và vào Tháng 11/1979, Cơ quan Phúc Chỉ Giáo Dục Á Châu (アジア教育福祉財団) nhận sự ủy thác của Chính phủ Nhật lập Bản Bộ Tị Nạn (難民事業本部), để xúc tiến lập các Trung tâm Xúc Tiến Định Cư tại Himeji (Tháng 12/1979) và tại Yamato (Tháng 2/1980).
Như vậy, có thể nói là chỉ sau năm 1979, người tị nạn mới được chính phủ Nhật giúp đỡ cụ thể để bắt đầu cuộc sống định cư tại Nhật. Trong khoảng thời gian từ năm 1975 cho đến năm 1980, việc giúp đỡ người tị nạn chủ yếu do các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, xã hội như Caritas Japan, Thiên Lý Giáo, Rissho Koseikai, Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản, Hội Cứu Thế Quân, … đảm nhận. Nhưng, có thể nói là các tổ chức thiện nguyện nêu trên khó có thể hoạt động hiệu quả, nếu không có sự tiếp tay, hỗ trợ của các thông dịch viên xuất thân là những sinh viên Việt Nam đã/đang theo học tại các trường đại học Nhật.
Vào khoảng năm 1980, theo dữ liệu của chính phủ Nhật thì có khoảng 700 sinh viên Việt Nam tại Nhật, đa số đến Nhật trước năm 1975. Tại thời điểm 1977, phần đông sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, đã vào làm việc cho các công ty Nhật, hoặc đang tiếp tục học ở bậc đại học viện (thạc sĩ hoặc tiến sĩ). Trong đó, một số sinh viên đã tích cực dấn thân, dành phần lớn hoặc toàn thời giờ trong cuộc sống hằng ngày của mình để tham gia vào việc giúp đỡ người tị nạn, và tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại quê nhà.
Ngay từ khi có những thuyền tị nạn cập vào các bến cảng Nhật Bản, một số sinh viên Việt Nam đã trở nên bận rộn tham gia vào những chuyến đi đến những bến cảng xa xôi, rải rác từ Bắc đến Nam của Nhật Bản, để giúp Cục Nhập Quản (Bộ Tư Pháp Nhật) phỏng vấn người tị nạn trên tàu, rồi làm thủ tục đưa người tị nạn đến các trại tạm trú trên bờ, và giúp các tổ chức thiện nguyện trong việc ổn định cuộc sống hằng ngày tại các trại tị nạn, …
Có thể nói, những thông dịch viên này là những nhân tố đầu tiên đóng góp vào việc hình thành cộng đồng người Việt tại Nhật sau năm 1975. Trước đó, từ lâu tại Nhật đã có cộng đồng người Đại Hàn và cộng đồng người Hoa. Nhưng, có thể nói cộng đồng người Việt chỉ bắt đầu chính thức hình thành từ năm 1979, sau khi chính phủ Nhật qui định khung định cư người tị nạn tại Nhật, trong đó bao gồm những sinh viên Việt Nam đã hoặc đang học tại các trường đại học Nhật.
Trong khoảng cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, những tổ chức thiện nguyện nêu tên sau đây đã tích cực thu nhận và giúp đỡ người tị nạn: Caritas Japan (với các thông dịch viên là anh P.T.Linh, Đ.V.Khương, Đ.T.Phát, H.L.Thiện, T.N.Giác, A.M.Dũng, N.V.Bình, N.T.Bửu), Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản (N.V.Nhân, T.T.Tín, K.Quang), Rissho Kouseikai (T.V.Thắng), Thiên Lý Giáo (T.V.Thuận), Cứu Thế Quân (anh Đô). Ngoài ra, còn có một số cựu sinh viên thường xuyên giúp Cục Nhập Quản trong việc phỏng vấn, lập thủ tục đưa người tị nạn lên bờ, chuyển đến các trại tị nạn, và giúp các tổ chức thiện nguyện trong việc điều hành các trại tị nạn.
Các thông dịch viên này luôn phải làm việc trong điều kiện căng thẳng, giải quyết những vấn đề phức tạp, và luôn chịu áp lực nặng từ cả hai phía người Nhật và người tị nạn. Để tìm cách giải quyết các vấn đề, và để có thể giúp người tị nạn đồng hương hiệu quả hơn, các thông dịch viên từ các trại tị nạn trên toàn quốc đã tập họp tại Tokyo để tham dự một buổi họp kéo dài suốt 3 ngày (7~9/11/1977).
Những vấn đề chính yếu đã được mang ra bàn thảo trong những buổi họp này bao gồm: (1) Việc điều hành lủng củng, riêng rẻ, không đồng bộ giữa các tổ chức thiện nguyện, và sự làm việc rời rạc giữa những thông dịch viên; (2) Không có quy chế cụ thể, rõ ràng và nhất quán về trách nhiệm và quyền lợi của các thông dịch viên; (3) Cách vận hành, nội dung giúp đỡ, … của các tổ chức, các trại tị nạn thường khác nhau, dẫn đến vấn đề người thông dịch dễ bị hiểu lầm là đối xử bất công giữa người tị nạn ở các trại khác nhau; (4) Một số thông dịch viên bị áp lực công việc nặng, phải đi công tác xa, làm việc quá giờ giấc, … trong khi chưa được học tập, và không có tổ chức phân công trách nhiệm một cách hợp lý; (5) Báo chí, truyền hình, v.v. thường cử nhiều đoàn đi phỏng vấn, săn tin về người tị nạn, nhưng có một số bài viết, thông tin không trung thực, dẫn đến những ấn tượng không tốt về người tị nạn; (6) Và các vấn đề khác.
Để giải quyết những vấn đề trên, trong các buổi họp tại văn phòng Hội Hồng Thập Tự Tokyo, ngày 1/11/1977 và 28/01/1978, 14 thông dịch viên/sinh viên hiện diện trong các buổi họp đã đồng ý là cần phải liên kết chặt chẽ với nhau hơn, cùng làm việc dưới hình thức một tổ chức, tạo tư thế cần thiết để có thể yêu cầu UNHCR và các tổ chức thiện nguyện lập quy chế rõ ràng phân định trách nhiệm và quyền lợi của người thông dịch, truyền đạt chính xác tiếng nói và ý nguyện của người tị nạn đến dư luận Nhật Bản.
Nhu cầu in ấn các tài liệu học tiếng Nhật, tổ chức các sinh hoạt thể thao, văn hóa… trong các trại tị nạn, phát hành sách báo tiếng Nhật để truyền đạt tiếng nói chân chính của người tị nạn, v.v., cũng đã được nêu ra, đề nghị trong buổi họp.
Ngoài các cựu sinh viên trực tiếp tham gia toàn phần vào các hoạt động giúp đỡ người tị nạn đến Nhật, còn có các cựu sinh viên gián tiếp giúp đỡ bằng cách đóng góp tài chánh định kỳ để mua máy móc in ấn, phát hành các tờ báo, các tài liệu quảng bá tiếng nói của người tị nạn, tranh đấu cho tự do, nhân quyền trong nước.
Có thể nói, những cựu sinh viên này là những nhân tố đầu tiên đóng góp vào việc hình thành cộng đồng người Việt định cư tại Nhật.
3. SỰ HÌNH THÀNH HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Cuối thập niên 1970, cùng với tin quân đội Việt Cộng xâm chiếm Căm Bốt, và quân đội Trung Cộng tràn sang biên giới Trung Việt với mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học”, dư luận thế giới và Nhật Bản xôn xao về làn sóng người tị nạn Việt Nam, những người đánh liều mạng sống ra đi tìm tự do. Những hình ảnh và phóng sự về các con thuyền mong manh chở những người tị nạn ốm trơ xương đến các cảng Nhật được đăng tải hầu như hằng ngày trên báo chí và đài truyền hình Nhật.
Trong khoảng thời gian này, chính quyền Hà Nội không cho phép người nước ngoài dễ dàng đặt chân vào Việt Nam, nên thế giới hầu như không biết nhiều về những gì xảy ra trong nước Việt Nam. Một số báo đài thiên tả thì cho rằng người tị nạn Việt Nam là những người “tị nạn kinh tế” bỏ nước ra đi vì không muốn sống cực khổ trong nước. Những bài ký sự của một số ít ký giả, trí thức thiên tả được chính quyền Hà Nội cho phép vào Việt Nam vào giai đoạn này thường có nội dung loan tin phiến diện về xã hội Việt Nam trong nước, ca tụng chính quyền mới, cho rằng người Việt trong nước vẫn được tự do ngôn luận, vẫn được tự do tôn giáo, v.v. và v.v.
Vì vậy nhiều người Nhật Bản bán tín bán nghi, không hiểu tại sao người tị nạn Việt Nam phải bỏ nước ra đi. Và chỉ sau khi cuộc chiến bùng nổ giữa Việt Nam và Căm Bốt, giữa Việt Nam và Trung Quốc, những trí thức giả thiên tả Nhật Bản mới biết là họ chỉ nhận được những tin tức nguỵ tạo, không trung thực. Các nước cộng sản không đoàn kết gắn bó, “môi hở răng lạnh” như họ lầm tưởng. Trong bối cảnh đó, một số ký giả, trí thức Nhật Bản muốn tìm hiểu vấn đề Việt Nam một cách khách quan đã nhìn người tị nạn Việt Nam như những người rao truyền đúng đắn chính nghĩa của tự do, nhân quyền. Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương (CSIR) là một trường hợp điển hình: tại văn phòng của Hội này có một biểu ngữ to ghi dòng chữ tạm dịch như sau: “Chúng tôi muốn vận dụng đúng đắn thông điệp về Tự Do và Nhân Quyền do những người tị nạn mang đến (難民の人達がもってきた自由と人権のメッセージを生かしていきたい)”.
Mặt khác, đa số người tị nạn Việt Nam được cứu vớt trên biển trong lúc thập tử nhất sinh đều thấm thía hiểu rõ ý nghĩa, giá trị chân thật của tự do. Vì vậy, ngay sau khi được đặt chân đến bến bờ tự do, đa số người tị nạn VN đã hăng hái tham gia vào các hoạt động tố giác tội ác của chính quyền Hà Nội, bảo vệ danh dự của người tị nạn, và đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong nước. Tại các trại, người tị nạn VN đã nhanh chóng tổ chức cuộc sống nề nếp, quy củ, với những sinh hoạt lành mạnh, dưới sự hướng dẫn của các sơ, các cha, các người trách nhiệm các tổ chức thiện nguyện, và đặc biệt là các thông dịch viên.
Các trại tị nạn tại Himeji, Okinawa, Hikone, Kawasaki, Kominato, Wakayama, Oseto, Miyasaki, Fukuyama, Karasuyama, Koiwa, v.v., là những nơi thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện, học tập về giá trị của tự do, nhân quyền, về những việc nên làm và những việc nên tránh, sao cho người Nhật chung quanh không đánh giá thấp về người tị nạn Việt Nam. Một cách tự nhiên, những hoạt động tại những trại tị nạn đưa đến nhu cầu thành lập Hiệp Hội NVTN, như một tổ chức đại diện cho cộng đồng người Việt tại Nhật, nói lên nguyện vọng của người Việt Nam đối với chính phủ Nhật Bản, các tổ chức xã hội và dư luận Nhật Bản.
Hình 2: Một cảnh làm việc tại văn phòng Hiệp Hội NVTN, gần nhà ga Mita, Tokyo. Người đang ngồi ở giữa hình là cụ Vũ Văn Cầu, Hội trưởng đầu tiên của Hiệp Hội NVTN.
Có thể nói, ý tưởng thành lập một tổ chức đại diện cho cộng đồng người Việt tại Nhật bắt đầu từ một buổi họp tại Cư xá Đông Du (gần ga Takada-no-Baba, Tokyo) ngày 23/11/1977, với sự tham dự của 20 người gồm các cựu sinh viên, thông dịch viên, và các thầy Trí Hiền, Chơn Thành, Minh Tuyền v.v. Kết quả buổi họp này là quyết định thành lập “Tổng Hội Người Việt Quốc Gia Tại Nhật”, và anh L.T.H.Hải đã được bầu làm hội trưởng cùng với hai người khác được bầu làm thư ký, ủy viên liên lạc.
Ngay sau đó, Tổng Hội Người Việt Quốc Gia Tại Nhật đã phối hợp với các thông dịch viên tại các trại tị nạn để tổ chức những chuyến đi thăm viếng các trại tị nạn, những buổi trò chuyện, bàn luận về tình hình đất nước, cung cấp những tài liệu hướng dẫn con em học tiếng Việt, cách trả lời báo chí về lý do phải ra đi tị nạn, v.v. Song song với các hoạt động chống kinh tài Việt Cộng, tranh đấu cho tự do, nhân quyền cho đồng bào trong nước, phản đối các bài báo xuyên tạc người tị nạn, v.v., các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, giáo dục thiếu nhi, v.v. cũng dần trở nên khởi sắc với sự tham gia tích cực của bà con tại các trại tị nạn.
Những hoạt động ngày càng phát triển rộng rãi, rầm rộ này đã vượt lên trên khả năng của Tổng Hội NVQGTN lúc bấy giờ, và trở thành động lực đưa đến một buổi họp thành lập “Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật (Hiệp Hội NVTN)” vào ngày 12/02/1983 tại Hội Quán Zenyusei Kaikan Tokyo. Con số người tị nạn Việt Nam định cư tại Nhật vào thời điểm đó là khoảng 4,500 người. Kế đến, một đại hội ra mắt Hiệp Hội NVTN đã được tổ chức long trọng vào ngày 28/10/1984 tại Hội quán Sendagaya Kumin Kaikan Tokyo.
Mục đích Hiệp Hội NVTN được đặt ra lúc ấy là: Cho đến lúc có thể trở về quê hương, xây dựng một cộng đồng người Việt tại Nhật đoàn kết, lành mạnh, tôn trọng luật pháp Nhật, được luật pháp Nhật bảo vệ, một mặt duy trì văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, một mặt luôn học hỏi, thăng tiến, hòa nhập và tạo một thế đứng vững chắc trong xã hội Nhật, qua những hoạt động văn hóa, giáo dục con em về cách sống đạo đức, biết tôn trọng lễ nghĩa, và hướng về quê hương.
Để đạt được mục đích này, Hiệp Hội đã định ra một số hoạt động chính như sau: (1) hỗ trợ người lớn trong việc học tiếng Nhật; (2) hỗ trợ trẻ em trong việc học tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt; (3) giúp đỡ đồng bào tìm việc làm ổn định, giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống định cư; (4) phát hành các sách giáo khoa; (5) phát hành các báo, đặc san, quảng bá thông tin cần thiết cho việc phát triển cộng đồng; (6) lập thư viện lưu trữ sách báo, văn hóa Việt; (7) tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh (như hội xuân, tết ta, trại hè…); (8) tổ chức các hoạt động giao lưu với người Nhật; (9) kết hợp với các hội đoàn Nhật trong việc giúp đỡ người tị nạn tại các trại tị nạn Á Châu; (10) hỗ trợ những hoạt động tranh đấu cho tự do, nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
4. HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THỂ THAO CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Cho đến cuối thập niên 1980, thông thường, thuyền nhân đến Nhật phải trải qua những thủ tục lên bờ tạm trú/định cư như sau: (1) phỏng vấn trên tàu cứu vớt, (2) nhận giấy phép lên bờ tạm trú, (3) vào Trung tâm Tiếp nhận Tạm trú Omura, (4) làm hồ sơ xin định cư tại nước thứ ba, hoặc định cư tại Nhật, (5) chuyển đến các trại tạm cư, hay trung tâm xúc tiến định cư, (6) học Nhật ngữ, văn hóa người Nhật, … (7) giới thiệu việc làm, ra ngoài định cư.
Tùy từng trường hợp, thời gian tạm trú ở trại tị nạn hoặc trung tâm xúc tiến định cư có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Một số bà con đã tận dụng hữu hiệu thời gian này để tự phát tổ chức các hoạt động thể thao, giáo dục thiếu nhi, trung thu cho trẻ em, v.v. Cho đến cuối thập niên 1980 (trước khi có làn sóng người Trung Quốc giả dạng tị nạn ồ ạt đến Nhật gây náo loạn tại Trung Tâm Shinagawa), có thể nói là người Việt tại các trại tị nạn, các trung tâm đã có nếp sống tốt, đoàn kết, đạo đức, nề nếp, quy củ, tạo ấn tượng đẹp về người tị nạn VN đối với các sơ, các thầy, các người trách nhiệm quản lý trại, và các cộng đồng người Nhật bản xứ chung quanh.
Hiệp Hội NVTN cùng với Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến, Ủy Ban Chống Kinh Tài Việt Cộng, … cũng đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển các sinh hoạt hướng thiện tại các trại, trung tâm.
Các sinh hoạt định kỳ hằng năm có thể liệt kê như Bảng 2. Đặc biệt, nhiều chuyến xe buýt đã được tổ chức để đưa những thành viên từ Tokyo đi tham dự các buổi lễ Chào Mừng Quốc Khánh, Hội Xuân, Trại Hè, v.v. tại Himeji, Osaka, Hikone, v.v.
Điển hình là chuyến xe đi vòng các trại tị nạn Tokyo, Hamamatsu (Aikouryou), Gose (Kibo-no-Ie), Osaka, Kobe, Himeji, Fukuyama (Miroku-no-Sato), Hiroshima. vào Tháng 8/1983, do Hiệp Hội NVTN phối hợp tổ chức với Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến Tại Nhật. Trong những chuyến đi như vậy, Hiệp Hội đã chuyển đến tay bà con những tập Việt Sử Toàn Thư, tự điển học tiếng Nhật, sách giáo khoa học tiếng Việt cho con em, các báo chí quảng bá tin tức mọi nơi, các tài liệu đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, v.v.
Về những sinh hoạt định kỳ, lần đầu tiên một trại hè có quy mô lớn được đặt tên là Trại Hè Đoàn Kết, tổ chức tại Hồ Yamanakako vào Tháng 8/1980. Kế đến hằng năm có: Trại Hè Về Nguồn (1981), Trại Hè Hậu Phương (1982), Trại Hè Liên Đới (1983), Trại Hè Đồng Tâm (1984), Trại Hè Quyết Thắng (1985), Trại Hè Tiếp Vận (1986), … Đặc biệt, trong số người tham dự Trại Hè Về Nguồn 1981 tại chân núi Phú Sĩ, có 4 bà con từ trại Okinawa, 3 bà con từ trại Hiroshima, 6 bà con từ trại Kobe. Trại Hè Liên Đới 1983 cũng đặc biệt có sự hỗ trợ của Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương, và sự tham dự đông đảo của những hội viên người Miên, Lào, Nhật.
Về hoạt động cho thiếu nhi, trước hết, phải nói đến Trung tâm Việt Ngữ Phan Bội Châu được thành lập ngày 3/09/1989. Các anh chị: Lê Văn Xê, Hồ Quốc Bửu, Phan Thanh Nhàn, Hà Anh Võ, Lê Văn Hiển, Trần Ngọc Giác, Đặng Tấn Phát, Phạm Ngọc Thanh, Trần Quang Quốc, v.v. là những người đi tiên phong trong việc thành lập Trung Tâm. Giáo trình giảng dạy tiếng Việt, lịch sử, địa lý, … cho các em thiếu nhi đã được soạn lập, giúp vận hành các lớp thiếu nhi tại Meguro, Fujisawa, Shinagawa, v.v. Các cuộc thi đua viết văn, nói tiếng Việt, đố vui để học, v.v. cũng được tổ chức hằng năm tại các lớp học Việt ngữ.
Hằng năm, nhân dịp Trung Thu, Hiệp Hội thường tổ chức Tuần Lễ Thiếu Nhi Việt Nam, bao gồm nhiều hoạt động như: trò chơi ngoài trời, rước đèn Trung Thu, tranh giải Quốc Ngữ, Đố Vui Để Học, Em Vẽ Đẹp, v.v.
Về sinh hoạt văn hóa truyền thống, phải kể đến những ngày Hội Xuân (Tết Tây), Tết Ta, thường được tổ chức qui mô tại Tokyo, Himeji, v.v. Một thí dụ điển hình: Hội Xuân Ất Sửu 1985 tại Tokyo với số nhân sự trong ban tổ chức không thôi cũng đã hơn 50 người (Bảng 3). Ngoài những gian hàng ẩm thực, gian hàng sách báo, tape nhạc, văn hóa phẩm, còn có các sinh hoạt như múa lân, trò chơi trẻ em, văn nghệ, xổ số, v.v.
Ngoài ra, Hiệp Hội cũng đã kết hợp với Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương (CSIR), Hội Giúp Đỡ Người Ti Nạn (AAR), v.v. để tổ chức các lớp học tiếng Nhật như Nihongo-wo-Hanasu Kai (CSIR), Taiyo- no-Juku (AAR), Himawari-no-Juku (AAR), v.v.
Tháng 2/1987, một lễ cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam, quốc thái dân an đã được tổ chức với sự kết hợp 7 hội đoàn tại Nhật là Hiệp Hội NVTN, Cộng Đoàn Công Giáo Tokyo, Cộng Đoàn Công Giáo Kanagawa, Chi hội Phật Tử Nhật Bản, Tổng Hội Người Việt Tại Nhật, Hội Phật Học, Khôi Việt Xá.
Các tổ chức văn nghệ có sự tham gia của ca sĩ từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác bắt đầu từ Hội Xuân 1984 (với ca sĩ Nguyệt Ánh và Việt Dzũng đến từ Hoa Kỳ). Sau đó, trong các dịp hội xuân, ngày chào mừng Quốc tổ Hùng Vương... cộng đồng lại được đón tiếp những ca nhạc sĩ nổi danh đến từ các nơi trên thế giới như Phạm Duy, Ngọc Phu, Họa Mi, Hương Lan, Thái Hiền, Elvis Phương, Linda Trang Đài, Sơn Ca, Diễm Chi, Ý Nhi, Bảo Khánh, Don Hồ v.v.....
5. HOẠT ĐỘNG GIAO LƯU VIỆT NHẬT
Một đặc điểm của xã hội Nhật là: thuần chủng, thuần ngôn ngữ, thuần văn hóa. Vì vậy, nhiều người Nhật chủ trương bảo thủ, khép kín cửa đối với người lạ đến từ quốc gia khác. Phải có một động cơ gì đó rất lớn, Nhật Bản mới chịu mở cửa đối với thế giới bên ngoài. Trong lịch sử Nhật, thời Mạc Phủ đã duy trì chính sách bế quan tỏa cảng trong suốt hơn 200 năm. Chỉ sau khi thấy những chiếc tàu đen to lớn, hiện đại (gọi là “hắc thuyền, kurobune”, chạy bằng động cơ hơi nước) của hạm đội Mỹ (dưới sự chỉ huy của đề đốc Matthew Calbraith Perry) đi vào Cảng Uraga (gần Tokyo) vào ngày 3/06/1853, và nghe những tiếng đại pháo từ những chiếc tàu này, chính quyền Mạc Phủ mới đành phải quyết định mở cảng, “khai quốc”, cho tàu bè ngoại quốc thông thương cập bến Nhật Bản.
120 năm sau ngày miễn cưỡng “khai quốc” vì áp lực của đề đốc Perry, năm 1979, một lần nữa Nhật Bản đành phải chấp nhận “khai quốc” trước làn sóng thuyền nhân, và trước áp lực mạnh mẽ của chính phủ Hoa Kỳ và dư luận thế giới. Tại Hội nghị Tokyo Summit, Tháng 6/1979, và trong buổi họp Liên Hiệp Quốc tại Geneve Tháng 7/1979, đại diện chính phủ Nhật Bản đã phải công bố chính sách thu nhận ngưởi tị nạn định cư tại nước Nhật. Khung định cư quy định lúc đó là 500 người.
Việc chấp nhận mở cửa đón nhận người tị nạn Đông Dương định cư tại Nhật vào năm 1979 được nhìn nhận như là một biến chuyển trọng đại trong lịch sử Nhật. Bà Ogata Sadako (cựu trưởng phòng Cao Ủy Người Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR) đã có phát biểu: “Đối với Nhật Bản, năm 1979 là năm mở đầu thời đại Khai Quốc Nhân Đạo (日本にとって人道開国の年である)”. Cũng theo bà Ogata, từ năm 1979 này, người Nhật Bản không còn có thể bảo thủ tiếp tục tư duy cho rằng cần phải bảo vệ đặc tính thuần chủng của Nhật nữa. Việc mở rộng cửa đón nhận người tị nạn định cư tại Nhật là một điều tất nhiên của lịch sử. Những chiếc thuyền tị nạn đến Nhật vào những thập niên 1970, 1980 được ví như là những chiếc hắc thuyền (kurobune) thời đại mới, đến Nhật để đòi hỏi Nhật Bản phải “khai quốc” một lần nữa.
Và một cách tất nhiên, người Nhật Bản sinh sống chung quanh các trại tị nạn hoặc trung tâm xúc tiến định cư bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu, và giúp đỡ người tị nạn hòa nhập vào xã hội. Ngược lại, người tị nạn Việt Nam cũng có nhu cầu giải thích cho người Nhật chung quanh hiểu tại sao mình phải bỏ nước ra đi, và nỗ lực hòa nhập vào xã hội Nhật.
Về phía người Nhật Bản, thì có những tờ nhật báo, tuần báo, nguyệt san, hoặc những đài tivi, ra-dô, v.v. là phương tiện quảng bá tin tức về người tị nạn trong xã hội Nhật. Về phía cộng đồng người Việt tại Nhật thì từ cuối thập niên 1970 đã có tập tài liệu “Thuyền Nhân Tự Do (Boat People)” in bằng bốn thứ tiếng, quảng bá trên toàn thế giới do Tổ chức Người Việt Tự Do phát hành. Ngoài ra còn có Hội Giao Lưu Nhật Việt (日・越交流協会), với văn phòng đặt trong trường Đại học Sophia, và có sự tham gia của một số giáo sư, luật sư, đại diện tôn giáo người Nhật Bản, v.v., và cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật. Mục đích của Hội Giao Lưu Việt Nhật là trình bày thảm cảnh người tị nạn Việt Nam, kêu gọi sự quan tâm của chính phủ và nhân dân Nhật nhằm hỗ trợ người tị nạn định cư tại Nhật. Cơ quan ngôn luận của Hội là đặc san “ベトナムの顔 (Khuôn Mặt Việt Nam)” được phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật, đặc biệt là tại các địa phương thu nhận người tị nạn tạm trú/định cư.
Trong buổi họp định kỳ ngày 28/07/1978 tại Nhà Thờ Hatsudai, 12 thành viên của Hội Giao Lưu Việt Nhật đã tán thành đề nghị tiến hành một số hoạt động như: (1) Lập trường dạy tiếng Nhật và văn hóa, xã hội Nhật (từ cơ sở là lớp dạy tiếng Nhật của anh Trần Đức Giang tại Sakura-ga-Oka); (2) Tiếp tục phát hành đặc san Khuôn Mặt Việt Nam; (3) Vận động cá nhân, tổ chức làm người bảo lãnh cho cựu sinh viên và người tị nạn định cư tại Nhật; (4) Đề nghị phương cách giới thiệu việc làm cho người tị nạn định cư tại Nhật (hỗ trợ Phòng Nghiên Cứu Á Châu của Trường Đại Học Sophia tiến hành “Khảo sát Về Thực Trạng Người Tị Nạn Và Du Học Sinh Việt Nam Tại Nhật”, tìm hiểu về nhu cầu huấn luyện nghề nghiệp cho những người này); (5) Vận động chính phủ Nhật lập quy định về tư cách pháp lý cho người tị nạn tại Nhật; (6) Tổ chức hội thảo về vấn đề thu nhận người tị nạn định cư (tại Nhà thờ Ignatius Yotsuya); (7) Tổ chức triển lãm hình ảnh giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Ngày Lễ Hội Trường Đại học Sophia (大学祭), ngày 20/11/1978.
Trong Ngày Lễ Hội của Trường Đại học Sophia nói trên, khoảng 8,500 tờ báo Khuôn Mặt Việt Nam đã được phân phát đến tay người tham dự lễ hội. Và kế đến, đại diện cho phía Việt Nam đã được mời đến nói chuyện với sinh viên qua Đài Phát Thanh JOQR Bunka Housou, ngày 12/03/1979, để trình bày về hiện trạng Việt Nam và thảm nạn thuyền nhân.
Về hoạt động giao lưu, cũng phải kể về Ban Kịch Nghệ của trường Đại học Tamagawa, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Maseda Jun. Ngày 17/05/1980, Ban Kịch Nghệ này đã trình diễn xuất sắc vở kịch “Tôi sẽ về Việt Nam”. Rồi tiếp theo đó, ngày 27/12/1980, Ban Kịch Nghệ này đã kết hợp với Đoàn Thanh Niên Quận Arakawa và đoàn văn nghệ của vũ sư Lưu Hồng để tổ chức một buổi trình diễn giới thiệu văn hóa Việt, tại trường Đại học Tamagawa. Lần đầu tiên, người Nhật địa phương được thưởng thức 3 điệu vũ Việt Nam (vũ đám cưới, vũ múa nón, vũ con nít) và 3 bài hát, do đoàn văn nghệ Việt Nam trình diễn. Tiếp tục hoạt động giao lưu này, Ban Kịch Nghệ trường Đại học Tamagawa đã trình diễn vở kịch tựa đề “Câu chuyện về Nguyễn Thị Liên (グェン・チ・リェン物語)” vào ngày 24/11/1982, và vở kịch tựa đề “Câu chuyện về Nguyễn Văn Tài (グェン・バン・タイ物語)” vào ngày 16/09/1986.
Cùng thời điểm đầu thập niên 1980 này, Nghiệp Đoàn Lao Động Zensen Doumei (ゼンセン同盟, gồm khoảng 2 triệu 500 ngàn hội viên và 30 nghiệp đoàn lao động như Nghiệp Đoàn Đường Sắt, Nghiệp Đoàn Tơ Sợi, Nghiệp Đoàn Giao Thông, Nghiệp Đoàn Điện Lực, v.v.) cũng có cử những đoàn đi khảo sát các trại tị nạn tại Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, … và đưa đến quyết định phát động một vận động cứu giúp người tị nạn. Nghiệp đoàn này đã phổ biến thông tin để dư luận Nhật hiểu biết rõ hơn về người tị nạn, và kêu gọi hội viên trên toàn quốc quyên góp tiền bạc, quần áo cũ để tiếp viện cho các trại tị nạn. Trung Tâm Cứu Viện Người Tị Nạn Đông Dương (インドシナ難民救援センター do Giáo sư Tonooka Teruo, Đại học Gakugei thành lập từ năm 1977) được ủy nhiệm thực hiện công tác chuyển quần áo cũ, sách vở giáo khoa, v.v. đến các trại tị nạn. Ông Usami Tadanobu, Chủ tịch Nghiệp Đoàn Lao Động Zensen Đồng Minh lúc ấy đã có một phát biểu đáng ghi nhớ như sau: “自由ほど尊いものはない。(皆さんの)祖国が必ず自由で平和になることを信じます。同盟はCSIR (Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương) の支援を続けます (tạm dịch: Không có gì quý hơn tự do. Tôi tin là tổ quốc của quý vị sẽ được tự do và hòa bình. Nghiệp đoàn Đồng Minh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Hội CSIR).”
Hình 5: Lễ ra mắt Hội Cứu Trợ Người Tị Nạn Đông Dương (ngày 16/04/1981) tại Hội quán Sankei Hall. Trong hình, người đứng bên trái là Giáo sư Tonooka, người ngồi bên trái bàn là Giáo sư Muto.
Từ cuộc vận động quyên góp quần áo cũ, hoạt động của Nghiệp đoàn Zensen Doumei đã dần phát triển thành một cuộc vận động trường kỳ và rộng rãi. Với sự hỗ trợ của Nghiệp đoàn này, Hội Cứu Trợ Người Tị Nạn Đông Dương (インドシナ救済委員会) đã được thành lập và tổ chức buổi lễ ra mắt trang trọng vào ngày 16/04/1981 tại Hội quán Sankei Hall. Giáo sư Muto Mitsuro (Đại học Waseda, chủ tịch Ủy ban Tự Do Nhân Quyền Nhật Bản) đã được bầu làm Hội trưởng đầu tiên của Hội. Một số cựu sinh viên đại diện cho ba cộng đồng người Việt, người Miên, và người Lào, đã được bầu vào Ban Thường Vụ của Hội.
Sau đó, Hội Cứu Trợ Người Tị Nạn Đông Dương đã tổ chức buổi Văn Nghệ “Nanmin wo Sukuou” Charity Show tại Hội quán Toshi Center Hall Tokyo, ngày 11/05/1981, với sự tham gia trình diễn của Ca sĩ Agnes Chan. Về phía Việt Nam, đoàn văn nghệ của vũ sư Lưu Hồng, Minh Phương, cũng đã tham gia với những màn vũ dân tộc đặc sắc.
Có thể nói, Hội Cứu Trợ Người Tị Nạn Đông Dương (sau đó, vào ngày 14/1/1983 đổi tên thành “Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương インドシナ難民連帯委員会, CSIR”) cùng với Hội Giúp Đỡ Người Tị Nạn (難民を助ける会, AAR) là hai hội đoàn đã có nhiều họat động cụ thể và tích cực nhất để giúp đỡ người tị nạn tại Nhật. Từ lúc thành lập Hội CSIR đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho ba cộng đồng người Việt, Miên, Lào định cư tại Nhật, như tặng học bổng khi đi học tiếng Nhật, học bổng khi nhập học tiểu học, trung học, v.v., tặng tiền thăm bệnh (mimai-kin) khi hội viên phải nhập viện chữa bệnh, tặng tiền phúng điếu khi gia đình hội viên có người mất.
Hội CSIR cũng đã tổ chức Lớp Nói Tiếng Việt (日本語を話す教室) mỗi tuần 2 ngày tại Hội quán Mita Kaikan. Tại buổi lễ khai giảng lớp học này, Giáo sư Muto Mitsuro đã có lời khích lệ như sau: “日本語は日本社会に入るキーです。日本社会に成功的に入るために日本語をうまく話せるように頑張ってください。(Tạm dịch: Tiếng Nhật là chìa khóa để vào xã hội Nhật. Quý vị hãy cố gắng sao cho có thể nói giỏi tiếng Nhật để bước vào xã hội Nhật một cách thành công)”.
Và với sự hỗ trợ của Hội CSIR, Hiệp Hội NVTN đã lập một văn phòng làm việc khang trang tại Minato-ku, từ ngày 21/05/1983. Tại văn phòng này, một số hội viên Hiệp Hội vừa làm việc cho Nhà Xuất Bản Nam Nghệ Xã, phát hành các loại sách giáo khoa, tự điển, tài liệu học tiếng Nhật, ấn phẩm văn hóa, v.v., vừa triển khai các hoạt động của Hiệp Hội.
Và qua sự giới thiệu của Hội CSIR, đại diện của Hiệp Hội NVTN đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các hội thanh niên, hội phụ nữ, … của các nghiệp đoàn lao động tại địa phương, và trình bày thực trạng tại Việt Nam, thảm nạn thuyền nhân, tội ác cộng sản, hiện trạng người Việt định cư tại Nhật. Cũng qua những cơ hội này, đại diện của Hiệp Hội cũng đã tham gia những buổi lạc quyên ngoài đường phố như Ai-no-miruku Campaign (愛のミルクカンパ), chiến dịch quyên góp và gởi quần áo cũ đến các trại tị nạn Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, v.v. Hội CSIR cũng đã hỗ trợ làm phiên bản cuộn phim Chúng Tôi Muốn Sống với tựa đề tiếng Nhật, và phổ biến rộng rãi cuộn phim này trong nước Nhật, để tố cáo bản chất giả man, tàn ác của bạo quyền Việt Cộng điển hình là chiến dịch cải cách ruộng đất, tiêu diệt địa chủ tại Miền Bắc từ năm 1953.
Ngoài ra, không thể kể hết những buổi hội thảo, symposium được tổ chức bởi các trường đại học (như Matsuda Seikei Juku, Keio Gijuku Daigaku, v.v.), văn phòng địa phương của UNESCO, v.v., với sự tham gia của đại diện Hiệp Hội NVTN để triển lãm hình ảnh và trình bày lý do tại sao người Việt Nam phải ra đi tìm tự do, .v.v. Đặc biệt, trong buổi hội thảo tại trường Keio Gijuku Daigaku ngày 5/06/1985, đại diện Hiệp Hội đã tham gia phần triển lãm hình ảnh giới thiệu hiện trạng người tị nạn Việt Nam, và phần thuyết trình theo chủ đề “情けは人の為にならず、難民の本質を探ろう(tạm dịch: Chỉ có tình thương thì không giúp người tị nạn được, hãy tìm hiểu để biết rõ bản chất của họ)”.
Cùng với Hội CSIR, Hội Giúp Đỡ Người Tị Nạn AAR cũng có nhiều hoạt động giao lưu và giúp đỡ người tị nạn. Có hai lớp học được thành lập với sự hỗ trợ của Hội AAR: Lớp Taiyou-no-Juku (太陽の塾) để giúp các học sinh bậc trung học, đại học, và lớp Himawari-no-Juku (ひまわりの塾) để giúp các em nhỏ bậc tiểu học trau dồi tiếng Nhật và mạnh dạn hòa nhập vào xã hội Nhật. Hội AAR cũng đã liên kết với Hội CSIR để tổ chức những sinh hoạt thể thao như Nanmin Olympic, giải đá banh giữa các đội đại diện cho ba cộng đồng người tị nạn Việt, Miên, Lào tại Nhật.
Ngoài ra, Hiệp Hội NVTN cũng tích cực tham gia những hoạt động của Bản Bộ Người Tị Nạn cụ thể như những buổi họp định kỳ hằng năm hagemasu-kai (励ます会).
6. HOẠT ĐỘNG TRANH ĐẤU CHO TỰ DO, NHÂN QUYỀN, BẢO VỆ DANH DỰ NGƯỜI TỊ NẠN
Ngày 17/9/1976, 31 người tị nạn Việt Nam đã được một tàu Nhật cứu và đưa đến trại tị nạn trong tu viện Konagai (Nagasaki). Các sơ tại tu viện Konagai, nơi tiếp nhận đoàn tị nạn đã viết một bài tường thuật khá chi tiết về tình hình sinh hoạt của 31 người tị nạn này trong thời gian tạm trú tại đây. Trong đó có một đoạn cảm động như sau: “… (Một số người tị nạn đã ra đi định cư ở Mỹ, Gia Nã Đại…) Những người còn lại thì đã dần thích ứng với hoàn cảnh sống. Đàn ông thì hằng ngày giúp dọn dẹp, tu sửa các cơ sở quanh tu viện, hoặc làm vườn, trồng rau … Hai bà mẹ thì mỗi ngày thay phiên nhau nấu ăn.
Bề ngoài, dường như ai cũng vui với cuộc sống thanh bình, yên ổn. Nhưng khi có dịp tâm sự, họ thố lộ: - chúng tôi không lúc nào quên vợ con, anh chị em, thân nhân còn ở lại trong nước. Bây giờ khi chợt cảm thấy mình được tự do, hạnh phúc ở đây, thì chúng tôi lại nhớ đến những người thân còn đang sống khổ cực từng ngày trong nước, và không khỏi rơi nước mắt, cầu nguyện cho những người thân này luôn được bình an…”
Có lẽ nhiều người tị nạn Việt Nam định cư tại Nhật Bản (và tại các nước tự do khác) cũng có tâm sự giống như của bà con trại Konagai kể trên. Tuy có được sống yên bình tại đất nước tự do, đa số người Việt tị nạn vẫn không quên gia đình, người thân còn lại trong nước. Vì vậy, ngay sau khi cuộc sống định cư đã trở nên tương đối yên ổn, nhiều bà con đã tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền trong nước.
Về tổ chức đấu tranh tại Nhật Bản, vào cuối thập niên 1970, ngoài Tổ chức Người Việt Tự Do, còn có Chi bộ Diên Hồng của Phong Trào Thanh Niên Cách Mạng Dân Tộc Việt được thành lập với sự tham gia của một số cựu sinh viên Việt Nam. Ngày 26/10/1980, các tổ chức đấu tranh trên đã phối hợp tổ chức một cuộc biểu tình qui mô tại Ginza, với sự tham gia của khoảng 200 người, nhằm mục đích tố giác chính sách đàn áp tự do, nhân quyền của chính quyền Hà Nội. Kế đến, ngày 29/04/1981, Tổng Hội Người Việt Quốc Gia Tại Nhật, Chi Bộ Diên Hồng Phong Trào TNCMDTV, và Tổ Chức Người Việt Tự Do cũng đã cùng nhau tổ chức một buổi thuyết trình về Ngày Quốc Kháng 30/04 tại Kominato, Omiya. Ba đề tài thuyết trình được chọn trong ngày này là: (1) Bối cảnh chính trị tổng quát; (2) Nhiệm vụ trước mắt của người Việt hải ngoại; (3) Hiện trạng đấu tranh của người Việt hải ngoại.
Đầu thập niên 1980, ông Hoàng Cơ Minh (cựu đề đốc quân đội Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) cùng với một số chiến hữu đã đứng ra vận động thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Tổ chức Người Việt Tự Do, một tổ chức có hoạt động đấu tranh mạnh tại Nhật, cũng quyết định giải tán để gia nhập vào Mặt Trận. Một số người Việt định cư tại Nhật đã rời bỏ cuộc sống yên bình để lên đường về chiến khu, hòa nhập với đoàn quân Đông Tiến. Trong số người trở về đó, đặc biệt có các anh Ngô Chí Dũng, Nguyễn Quốc Hải, Huỳnh Trọng Hà, Phùng Tấn Hiệp, v.v.
Nhiều người Việt tị nạn định cư tại Nhật đã vui mừng, phấn khởi đón nhận những tin tức về đoàn quân Đông Tiến. Và cùng với các cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác, cộng đồng người Việt tại Nhật cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến, chiến dịch Góp Gạo Nuôi Quân, Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, v.v. Tại một số nơi, bà con đã tự động tổ chức những bữa cơm gây quỹ yểm trợ kháng chiến, một ký gạo cho kháng chiến v.v.
Đặc biệt, ngày 2/10/1984, Hiệp Hội đã cùng các tổ chức thân hữu tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ tại Hibiya (trung tâm chính trị của Nhật Bản), với sự tham gia của khoảng 280 người, để phản đối chuyến đến Nhật ăn xin viện trợ của Nguyễn Cơ Thạch. Cuộc biểu tình đã trở nên một điểm ấn trong lịch sử tranh đấu của người Việt tại Nhật, khi anh Nguyễn Giang Hà nhảy vào đoàn xe hộ tống Nguyễn Cơ Thạch, và xé một lá cờ đỏ sao vàng gắn trên đoàn xe.
Tháng 3/1985, Hiệp Hội đã phát động cuộc Vận Động Tự Do Cho Việt Nam, xuống đường thu thập chữ ký của cả người Việt lẫn người Nhật vào một Tuyên Cáo gởi đến văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneve và Hoa Thịnh Đốn, nhằm tố giác tình trạng đàn áp tự do, nhân quyền tại Việt Nam. Các thành viên chi bộ Hiệp Hội đã hăng hái tham gia vào cuộc vận động này, bằng cách cầm các tài liệu đi giới thiệu và thu thập chữ ký của người Nhật quanh các trại/trung tâm, và nơi sinh sống của mình. Từ ngày 31/03 đến ngày 8/04/1985, tại vùng Kansai, một đoàn xe vận động chữ ký đã xuất phát từ Himeji đi vòng các nơi có nhiều người Việt sinh sống tại Osaka, Gose, Hikone, Kobe, Hiroshima, Fukuyama. Cũng trong thời gian này, tại vùng Kanto, Hiệp Hội đã tổ chức những buổi nói chuyện trình bày ý nghĩa cuộc vận động và thu thập chữ ký tại Fujisawa, Kashiwazaki, Maebashi, Yotsuya, v.v. Hơn 400,000 chữ ký đã được thu thập và gởi đến văn phòng Liên Hiệp Quốc vào Tháng 9/1985.
Ủy Ban Nhân Quyền Cho Việt Nam cũng đã được thành lập và ra mắt ngày 12/03/1989 tại Trung Tâm Văn Hóa Minami-Ooi (南大井文化センター), với sự tham gia của: Hiệp Hội NVTN, Nhóm Tự Chủ, Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản, Chi bộ Phật Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản, Tổ chức Lạc Hồng, Đoàn Thanh Niên Thiện Chí, Đoàn Thanh Niên Phật Tử Kanagawa, và Ủy Ban Chống Kinh Tài Việt Cộng. Anh Lê Văn Xê, Phó Hội Trưởng Hiệp Hội NVTN đã được bầu làm hội trưởng của Ủy Ban này. Một hoạt động của Ủy Ban trong năm 1989 là lập Ủy Ban Phan Nhật Nam với mục đích vận động chữ ký phản đối UNESCO tôn vinh giặc Hồ.
Ngoài các hoạt động tranh đấu cho tự do, nhân quyền, dân chủ cho quê hương, còn có một số hoạt động thể hiện cách sống đạo đức, tôn kính tổ tiên, quý trọng ân nghĩa… của người Việt Nam, giúp người Nhật có cách nhìn đúng đắn về vấn đề người tị nạn. Có lẽ đa số người tị nạn được cứu vớt trên biển trong lúc thập tử nhất sinh đều xem ngày được tàu lớn cứu vớt như ngày sinh nhật lần thứ nhì của mình, và suốt đời không lúc nào quên nghĩa cử của những thuyền trưởng, thủy thủ đã cứu vớt mình.
Tuy vậy, người tị nạn ít khi có cơ hội bày tỏ lòng cảm tạ đến với những ân nhân này. Chỉ có vài trường hợp ghi nhận được như sau: Ngày 17/06/1983, một hội viên Hiệp Hội NVTN (anh Mai Hữu Tân) đã đại diện cho 97 thuyền nhân được tàu Kousan Maru vớt năm 1977, trao thư cảm tạ đến thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu Kousan Maru. Tiếp theo, ngày 10/05/1989, với sự hỗ trợ của Hội CSIR, hai hội viên của Hiệp Hội NVTN đã đến văn phòng của Nghiệp đoàn Lao động Hàng Hải Nhật để trao lá thư cảm tạ của 35 thuyền nhân Việt Nam được tàu Nissei Maru vớt trên biển ngày 8/03/1989 và đưa vào trại tị nạn Omura.
Ngày 27/01/1990, Hiệp Hội đã tổ chức một chuyến xe buýt đi Shizuoka để thăm mộ Bác sĩ Thiển Vũ, và tấm bia do cụ Phan Bội Châu dựng tại làng Thiển Vũ, để ghi nhớ nghĩa cử của bác sĩ trong việc giúp đỡ những sinh viên Việt Nam theo phong trào Đông Du đến Nhật vào đầu thập niên 1900. Các tài liệu lịch sử liên quan đến hoạt động của cụ Phan Bội Châu và Phong Trào Đông Du đã được sưu tập và trưng bày tại hội trường tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Chào Mừng Quốc Khánh ngày 22/04/1990.
Từ những việc nho nhỏ này như vậy, người Việt định cư tại Nhật đã/đang nỗ lực tạo ấn tượng tốt của người Nhật chung quanh. Trong một buổi nói chuyện tại một nghiệp đoàn lao động địa phương, một đại diện phía người Nhật đã có lời phát biểu đại ý như sau: “… Theo tôi, người tị nạn Việt Nam là: (1) người cảnh báo thế giới về sự tàn bạo, nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản; (2) người quảng bá giá trị của tự do, nhân quyền; (3) người thúc đẩy mở đầu một giai đoạn quốc tế hóa của xã hội Nhật.”
Hình ảnh các bô lão dâng hương trước bàn thờ tổ tiên trong những ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Chào Mừng Quốc Khánh vào dịp 8 Tháng 3 âm lịch, cũng giúp tạo ấn tượng tốt của người Nhật đối với người Việt định cư tại Nhật. Qua việc này, người Việt cho thấy mình luôn tôn trọng tổ tiên, thờ kính ông bà, gìn giữ phong tục, tập quán tốt trong cuộc sống định cư tại Nhật.
Tuy nhiên, trong lúc người Việt định cư tại Nhật đang nỗ lực tạo thiện cảm của người Nhật chung quanh nơi mình đang sinh sống, thì cũng có một số nhân vật thiên tả Nhật đã có những hành động nhằm bôi nhọ danh dự người tị nạn Việt Nam, với lập luận cho rằng người tị nạn VN ra đi vì lý do kinh tế. Bài báo của ký giả Ikawa Kazuhisa tên tờ Nhật báo Asahi vào Tháng 11/1985 là một điển hình. Để phản đối bài báo bôi nhọ danh dự của người tị nạn VN này, Hiệp Hội NVTN đã kết hợp với các tổ chức đấu tranh bạn, tổ chức một cuộc biểu tình qui mô ngày 22/12/1985. Tiếp theo, Hiệp Hội cũng đã tổ chức một cuộc triển lãm hình ảnh về các sinh hoạt đấu tranh cho tự do, nhân quyền … tại Hội quán Ikenohata Bunka Center ngày 21/03/1986. Một bộ panel hình ảnh to được trình bày theo thứ tự: (1) Hình ảnh quê hương VN xinh đẹp khi còn thanh bình, (2) Hình ảnh về tội ác việt cộng trong những đợt cải cách ruộng đất, Tết Mậu Thân, cải tạo học tập, kinh tế mới, v.v. (3) Hình ảnh những ngày Tháng Tư Đen, (4) Hình ảnh về thực trạng đói nghèo trong nước sau Tháng Tư Đen, (5) Hình ảnh về thuyền nhân, các trại tị nạn, (6) Hình ảnh về các hoạt động đấu tranh của người Việt trên toàn thế giới và tại Nhật Bản, cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại quê hương.
7. SỨ MỆNH CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Năm nay là năm 2019. Nếu cho rằng năm 1978 là năm đầu tiên có người Việt định cư tại Nhật thì xem như năm nay cộng đồng người Việt định cư tại Nhật vừa tròn 41 tuổi. Những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời tại các trại tị nạn, hoặc tung tăng đùa giỡn tại các trại tị nạn bây giờ đã trở thành người cha, người mẹ phải chăm lo cho đàn con trẻ. Và những thanh niên trẻ ngày xưa hăng hái xuống đường hét to khẩu hiệu “Nguyễn Cơ Thạch go home!” bây giờ đã trở thành những ông già, con cháu đầy đàn.
Bốn chục năm trước, cả văn phòng làm việc của nhóm cựu sinh viên, thông dịch viên giúp đỡ người tị nạn, “toà soạn” các tờ báo, v.v. chỉ có vài ba cái máy đánh chữ lộc cộc, phải chia giờ, thay phiên nhau gõ chữ, làm báo. Những tờ báo, những ký sự, những bài thơ… được gõ từng chữ trên băng mực đen, sau đó phải dùng viết nhỏ nét để đánh dấu tiếng Việt trước khi mang đi in. Ngày hôm nay, mỗi học sinh tiểu học, trung học có thể có trong tay một, hai cái máy tính điện tử, laptop, smartphone... Khoa học tiến bộ theo tốc độ lũy thừa, và nhân loại đang bước vào thời kỳ mới, một mặt tìm hiểu vũ trụ bao la, một mặt tìm hiểu việc chữa bệnh từ sợi nhiễm sắc thể DNA.
Tình hình thế giới đang có những thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh, hoàn toàn khác so với 40 năm trước. Là một nước tiền tiến, công nghiệp, Nhật Bản cũng đang có nhiều đổi thay. Hiện tại, nhiều người cho rằng xã hội Nhật Bản đang phải đối diện với ba thử thách lớn:
- Thứ nhất, về mặt xã hội, tỷ lệ người già ngày càng tăng, và xã hội Nhật đang bước vào tiến trình lão hoá, mất dần sinh khí, tính năng động của tuổi trẻ.
- Thứ nhì, về mặt kinh tế, Nhật Bản đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực trẻ làm việc trong các lãnh vực xây dựng, chế tạo, nông nghiệp, y tế (chăm sóc người già), phục vụ (tiệm ăn, bán hàng, v.v.).
- Thứ ba, trong tiến trình toàn cầu hoá (globalization), Nhật Bản có nhu cầu xây dựng một xã hội đa văn hoá, đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, để có thể dễ dàng hội nhập và tranh đua với các quốc gia khác trên thế giới. Một thí dụ điển hình là Kế hoạch Tổng thể Quản lý Nhập cảnh của Bộ Tư Pháp Nhật công bố vào Tháng 9, 2015 .
Vì vậy, gần đây, nhiều người Nhật chủ trương là: cần phải hỗ trợ các cộng đồng người ngoại quốc sinh sống tại Nhật, trong đó có cộng đồng người Việt định cư tại Nhật, để giúp các cộng đồng này sớm hội nhập vào xã hội Nhật, trở thành những nhân tố có khả năng giúp người Nhật giải quyết những vấn đề nêu trên.
Điều này cũng phù hợp với nhu cầu phát triển và hội nhập của cộng đồng NVTN.
Tuy nhiên, trước khi bàn về phương cách phát triển cộng đồng NVTN, chúng ta cần khẳng định: thế nào là sứ mệnh và vai trò của cộng đồng NVTN.
So với các cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác như Mỹ, Úc, v.v. cộng đồng NVTN có những điểm khác biệt về lịch sử hình thành, về vị trí địa dư, về điều kiện phát triển. Về lịch sử hình thành, cộng đồng NVTN có thành phần chủ yếu là những “thuyền nhân” đánh cá tính mệnh của mình để ra đi tìm tự do, và là những người hiểu rõ hơn ai hết về ý nghĩa và giá trị của tự do. Về vị trí địa dư, cộng đồng NVTN đang sinh sống tại một nước có văn hoá, các suy nghĩ… của một nước Á Châu, nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, dễ dàng thu nhận và vận dụng để đóng góp cho công cuộc phát triển tại quê hương cội nguồn. Về điều kiện phát triển, có thể nói người Việt đến Nhật định cư trong điều kiện hết sức khó khăn, tại một xã hội khép kín, không có chính sách tích cực giúp người ngoại quốc định cư, không có sẵn cộng đồng người Việt định cư từ lâu để giúp người mới đến dễ dàng hội nhập, v.v.
Từ những yếu tố trên, sau 40 năm định cư, bây giờ nhìn lại thì có thể nói là cộng đồng NVTN đã từng bước trưởng thành trong gian nan, vất vả, nhưng nhờ vậy mà vẫn còn giữ vững được lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần cộng đồng, tinh thần đấu tranh vì tự do dân chủ tại quê hương cội nguồn. Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết … này là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng NVTN, và sẽ là cơ sở vững mạnh để cộng đồng phát triển lâu dài trong tương lai.
Bên cạnh đó, có thể nói cộng đồng NVTN có một sứ mệnh là: tiếp nối công cuộc đấu tranh của các bậc tiền nhân đến Nhật trong Phong trào Đông Du đầu thập niên 1900.
Trở ngược dòng lịch sử, khoảng 110 năm trước, cụ Phan Bội Châu và các tiền nhân của chúng ta đã phải vất vả lắm mới đưa được hơn 200 thanh niên Việt Nam đến Nhật, với kỳ vọng học hỏi được những điều hay của Nhật Bản để nâng cao dân khí, mở mang dân trí của người Việt trong nước, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, dành lại độc lập, chủ quyền cho người Việt Nam.
Ngày nay, cuộc đời đưa đẩy, gần 40 ngàn người Việt Nam đã đến đây, hình thành một cộng đồng người Việt tại Nhật, tuy không to lớn khi so với các cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác, nhưng vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, vừa hoà nhập với quê hương thứ hai, vừa đóng góp cho công cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước tại quê hương thứ nhất.
8. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Với ý thức về sứ mệnh như trình bày bên trên, chúng ta cần minh định vai trò của cộng đồng NVTN như sau:
1) Thực hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng
Trên thực tế, chúng ta vẫn thường có nhiều lo âu, bất an trong cuộc sống hằng ngày. Vì trở ngại ngôn ngữ, vì khác biệt văn hoá, cách suy nghĩ, vì thiếu hiểu biết về pháp luật, về quyền lợi của chính đáng của mình, v.v. cho nên phần đông chúng ta luôn phải đối diện với các vấn đề khó khăn khi tìm việc làm, khi hội nhập vào xã hội Nhật, khi hướng dẫn, chỉ dạy cho con em, v.v.
Một số vấn đề khó khăn liên quan đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ dễ dàng được giải quyết, khiến chúng ta yên tâm hơn, khi có những người bạn, người đồng hương nghe tâm sự của chúng ta, và góp ý với chúng ta, hoặc hơn nữa là hỗ trợ cụ thể cho chúng ta để giải quyết vấn đề.
2) Giữ lửa hướng về cội nguồn trong tâm hồn con em
Trong khi thế hệ người Việt định cư tại Nhật đang trở thành lão hoá, thì các con em thế hệ thứ hai, thứ ba đang dần trưởng thành, dần thay thế cha ông để giữ vai trò chủ yếu trong cộng đồng. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà có lẽ phần đông con em chúng ta (nhất là các trẻ sinh ra tại Nhật hoặc đến Nhật lúc còn quá nhỏ) là: không xác định được rõ identity (cội nguồn, xuất thân, quê quán, 身元) của chính mình.
Theo các nhà dân tộc học, xã hội học… thì người càng hiểu rõ identity của mình sẽ càng có nhiều tự tin khi đối diện với những khó khăn nơi xứ người, càng dễ hoà nhập và vươn lên trong xã hội.
Mặt khác, về lãnh vực ngôn ngữ học, thì nhiều nghiên cứu, khảo sát đã cho thấy là đứa trẻ càng giỏi tiếng mẹ đẻ thì sẽ càng giỏi tiếng xứ người. Ngoài ra, văn hoá, truyền thống dân tộc Việt chúng ta cũng có nhiều điều tốt cần gìn giữ, nhất là lòng tôn kính tổ tiên, kính trọng cha mẹ, ông bà, quan tâm, giúp đỡ người chung quanh, v.v.
Con em của chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cội nguồn, identity của mình, khi có nhiều cơ hội tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng, tham gia vào các lớp học tiếng Việt, lịch sử, văn hoá Việt.
Một vai trò quan trọng của cộng đồng là làm sao để giữ được “ngọn lửa hướng về quê hương cội nguồn” trong tâm của con em người Việt Nam thế hệ thứ hai - thứ ba định cư tại Nhật, giúp chúng xác định được rõ cội nguồn của chúng, tự hào với dòng máu Việt trong người, và bước vào xã hội Nhật với lòng tự tin, tính cần cù, nhẫn nại, chăm chỉ… thừa hưởng từ cha ông.
Khi giới trẻ vẫn còn trong tim ngọn lửa hướng về quê hương cội nguồn, thì chúng sẽ dùng tài năng động, khả năng ngôn ngữ, kiến thức hiện đại, v.v. của mình để thúc đẩy “cuộc vận động cho tự do, nhân quyền tại VN” mau đến ngày thành công, và rồi sẽ đóng góp hiệu quả cho việc canh tân “quê hương cội nguồn” của chúng.
3) Tiếp tay, hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hoá tại quê hương
Đồng bào của chúng ta trong nước đang sống dưới ách thống trị của một thiểu số độc tài, độc đảng, quan liêu, tham nhũng, thối nát. Xã hội đang bị phân hoá với đa số người nghèo, luân lý đạo đức bị suy đồi, tài nguyên quốc gia bị cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, quê hương ngày càng bị mất đất, mất chủ quyền, lệ thuộc ngoại bang.
Là người Việt Nam yêu quê hương, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của đồng bào, trước nguy cơ mất nước, mất chủ quyền dân tộc.
Vì vậy, cuộc sống tha hương của chúng ta sẽ thiếu ý nghĩa, và chúng ta sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn nếu chúng ta chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân và quên đi trách nhiệm đóng góp phần mình cho tiến trình dân chủ hoá, tranh đấu cho tự do, nhân quyền cho đồng bào trong nước. Vai trò của cộng đồng người Việt tại Nhật là phải làm sao để tạo dựng được một môi trường tốt để nuôi dưỡng lòng yêu nước, và vận dụng hữu hiệu được sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng vào công cuộc đấu tranh cho độc lập của đất nước, và tự do, dân chủ cho đồng bào tại quê nhà.
THAY LỜI KẾT:
Hiện tại, bạo quyền Hà Nội vẫn còn đang thống trị đất nước Việt Nam. Nhưng một chính quyền cai trị đất nước bằng độc tài, bạo lực và gian trá, chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài. Trong khi đó, dù phải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ mãi mãi trường tồn. Cộng đồng người Việt tại Nhật có tiếp tục phát triển, trở thành một cộng đồng đóng góp tích cực cho cuộc vận động cứu nước và dựng nước của dân tộc hay không là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Để có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh mà cụ Phan Bội Châu và các bậc tiền nhân Phong trào Đông Du để lại cho chúng ta, và để thực hiện đúng đắn vai trò của một cộng đồng người Việt tha hương, nhưng luôn hướng lòng về quê hương, chúng ta cần tiếp tục tiếp tay, đóng góp vào việc phát triển của cộng đồng.
Cộng đồng người Việt tại Nhật chúng ta đang có cơ hội phát triển, trong bối cảnh xã hội Nhật đang dần lão hoá, và đang cần phát triển thành một xã hội đa văn hoá, đa ngôn ngữ, đa chủng tộc, v.v. để duy trì phát triển, hội nhập và tranh đua với các quốc gia khác trên thế giới.
Mỗi người chúng ta khi đứng riêng rẽ thì khó làm được việc có ý nghĩa quan trọng. Nhưng nếu chúng ta cùng chung vai góp sức với nhau trong một cộng đồng có mục tiêu, có định hướng, thì với sức mạnh hợp quần, chúng ta có thể thực hiện được những việc có ý nghĩa.
Những việc chúng ta cần làm có thể tóm tắt đề nghị như sau:
(1) Xây dựng một cộng đồng người Việt tại Nhật đoàn kết, vững mạnh.
(2) Duy trì văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
(3) Hòa nhập vào xã hội Nhật, và hiệp tác với cộng đồng Nhật Bản, đóng góp cho mục tiêu gìn giữ an ninh, hoà bình, và phát triển của Nhật Bản.
(4) Nuôi dưỡng lòng yêu nước, hướng về quê hương trong tâm hồn con em VN những thế hệ sau.
(5) Liên kết với đồng bào trong nước và hải ngoại để bảo vệ độc lập của tổ quốc, hỗ trợ tiến trình dân chủ hoá và phát triển bền vững của đất nước.
Đông Kinh, Tháng Tư năm 2019
Nguyễn Mỹ Tuấn
(Trích trong Đặc Tập 40 Năm Văn Hóa Người Việt Tại Nhật Bản - Chương 1)