Lớn lên ở miền Nam Việt Nam ngay từ lúc còn bé chưa có ý thức gì về ý nghĩa của đạo hiếu và công cha nghĩa mẹ, những học trò tí hon miền Nam chúng tôi qua sự dậy dỗ từ những môi trường gia đình, từ hàng xóm, từ họ hàng người thân và thầy cô trong trường, đã thuộc lòng những tục ngữ hay những vần ca dao về công cha nghĩa mẹ chẳng hạn như:
Nước mắt chẩy xuống.
Hay là:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa me như nước trong nguồn chẩy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn đạo hiếu mới là làm con.
Xã hội miền Nam trước 1975 trong ký ức của tôi trên tổng thể là một xã hội rất coi trọng về đạo lý con người và về nguyên tắc hành xử của một công dân. Từ bậc tiểu học các môn địa lý, lịch sử, toán, nữ công gia chánh, thể dục, việt văn, tập đọc và môn công dân giáo dục đã được đưa vào trong chương trình dậy tại các trường công lập. Ngoài đời thì những ngưới lớn chung quanh các em đều phải cố gắng làm gương sáng cho các trẻ nhỏ noi theo trong cung cách ăn mặc hành xử. Áo quần phải sạch sẽ, tươm tất, không lòe loẹt. Con gái không được chớt nhả, ồn ào. Vân vân.
Gia đình chúng tôi cũng không ra khỏi khuôn khổ giáo dục truyền thống Việt Nam đó. Ba tôi mặc dầu theo tây học nhưng ông lại rất nghiêm khắc và đã hướng anh em chúng tôi theo nền giáo dục đông phương. Anh em chúng tôi đã được dậy dỗ nghiêm chỉnh về sự lễ phép và nguyên tắc hành xử đối với mọi người chung quanh. Tôn trọng người lớn và giúp đỡ trẻ em, không phân biệt thành phần giai cấp và sống hòa nhập. Trong gia đình, anh em chúng tôi hầu như chưa bao giờ được nghe thấy hay chứng kiến những cảnh to tiếng giữa người lớn trong gia đình bởi vì những khi đó chúng tôi luôn được người lớn trong nhà đưa ngoài chơi và khi chúng tôi trở về thì mọi sự đã trở lại bình thường. Trong nhà thì những ngôn ngữ nặng nề, thóa mạ hay nguyền rủa đều bị ba tôi cấm anh em chúng tôi xử dụng với nhau ngay cả khi đi ra ngoài. Tôi nhớ ba tôi thường nói với anh em chúng tôi: Khi các con khôn lớn và nhận thức được sự lành lặn cũng như khỏe mạnh của bản thân, các con sẽ hiểu đó là do sự nghiêm khắc giữ gìn của ba mẹ trong cuộc sống và trong cách hành xử đối với những người chung quanh, để đổi lấy chữ phước và chữ đức cho hạnh phúc của các con. Một trong những sự nghiêm khắc giữ mình đó của ba tôi mà tôi được biết đến khi tôi khôn lớn là cách sống ngay thẳng, giúp người, không lạm dụng chức vụ và không tham nhũng, không nhận hối lộ của ông.
Từ họ hàng và người thân chung quanh, từ ngày còn bé, anh em chúng tôi thường được nhắn nhủ: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” và rằng một ngày nào đó khi trưởng thành và khi cha mẹ không còn, chúng tôi sẽ hiểu được thế nào là công khó của cha mẹ khi nuôi con khôn lớn. Những lúc đó tôi chỉ lắng nghe mà không mấy quan tâm, mà ngay cả khi khôn lớn được sống gần bên mẹ nhưng tôi vẫn không nghĩ ngợi sâu xa nhiều về tình yêu và sự hy sinh của ba mẹ dành cho anh em chúng tôi bởi vì tuổi thơ của chúng tôi ngày xưa đó luôn rất vô tư, chỉ biết ăn học và đùa phá.
Ngày nay khi nhớ về ba mẹ tôi, là tôi lại nhớ về sự hy sinh bao la cao cả của ông bà đã dành cho con cái, về cách sống đức độ của ông bà trong suốt cuộc đời. Tôi cảm tạ ba mẹ tôi về những điều mà ông bà đã thực hiện trong cuộc sống đối với tha nhân cũng như với họ hàng, gia đình và con cái. Những điều ba mẹ chúng tôi đã làm có lẽ đã để phước đức lại cho các con, giúp cho anh em chúng tôi vượt qua được những cảnh khó nguy hiểm, bình yên trong những hoàn cảnh thập tử nhất sinh đến với gia đình sau năm 1975.
Ba Mẹ kính yêu,
Rằm tháng bẩy năm nay nhân ngày lễ Vu Lan ngày Dương lịch là ngày 15 tháng 8 năm 2019, con xin kính dâng lên Ba Mẹ hai đóa bạch hồng. Ba Mẹ yên tâm con sẽ luôn sống xứng đáng với lời Ba Mẹ dậy và thực hiện những mong muốn mà Ba Mẹ hằng mong cho chúng con và các con cháu của Ba Mẹ. Hai cậu cháu trai của Ba Mẹ ngày nay đã lớn khôn và đã trưởng thành và đang là người hữu dụng cho xã hội Hoa Kỳ. Hy vọng một ngày mai khi đất nước Việt Nam có dân chủ tự do, khi cần đến các cháu sẽ có thể góp tay trong nhu cầu kiến tạo Quê Hương.
Tuệ Vân
Ngày 11 tháng 8 2019