Người ta sinh ra ở đời, chẳng có gì là không phải học. Từ cái ăn là nhu cầu đầu tiên để sống, mới đẻ ra cũng không biết, mà phải học dần dần chút một: bú sữa, uống nước, ăn bột ăn cơm. vân vân… Đến cái nói thì cũng phải có thời gian, cả năm trời mới dần dần bập bẹ nói tiếng một. Rồi từ từ mới có thể trao đổi ý kiến nói cho người hiểu mình. Nhưng khi đã có đủ ngôn ngữ rồi, thì mới thấy ra rằng có những điều không nên nói, vì nói hại thân. Tuy nhiên, có người không sợ hại thân vì nói cho lợi ích chung, cho nên mới có hai chữ “dám nói”. Và dám nói được kể là can đảm. Vì thế không nói khi cần phải nói, để gọi là “thủ khẩu như bình” (giữ miệng cho yên thân) thì coi là hèn nhát, đáng khinh.
Nhưng người đời không phải đa số là can đảm, cho nên ở nước Mỹ thời lập quốc, tự do phát biểu đã được ghi vào hiến pháp là một quyền để bảo đảm rằng ý kiến của mọi người dù hay dở thế nào và của bất cứ ai kể cả những người yếu nhược nhất cũng đều được nghe. Nhưng đến đây thì người ta lại nhận thấy rằng ý kiến tự do đưa ra mà nếu không được thực hiện thì cũng là vô ích, cho nên dám nói còn cần dám làm nữa thì mới thực sự có tác dụng mong muốn.
Vì thế chuyện xưa mới kể rằng: thời Xuân Thu, tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ giết vua Trang Công để chiếm ngôi. Quan thái sử, tức là người giữ nhiệm vụ chép sử, tên Bá chép rằng “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân (nghĩa là vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua). Thôi Trữ bắt phải viết rằng vua chết vì bệnh nặng. Thái sử không chịu. Bị Thôi Trữ giết. Em thái sử Bá tên Trọng thay anh, không theo lời Thôi Trữ, chép đúng sự việc. Liền bị chém. Em trai của Trọng nối nghiệp thái sử cũng làm như hai anh và bị giết luôn. Em út của ba người là Quý thay làm thái sử, chép y như ba anh, đưa cho Thôi Trữ xem. Thôi Trữ nổi giận rít lên “Ngươi không thấy các anh ngươi đã bị ta cho chém rồi sao? Ngươi có biết rằng sẽ bị giểt không?” Quý nói “Tôi biết. Giết tôi thì chỉ chứng tỏ thêm sự tàn bạo của ông. Tôi không viết thì người thái sử khác sẽ viết. Và thiên hạ rồi cũng biết. “Người giết được mà sự thật không giết được”. Thôi Trữ lắc đầu thở dài, trả thẻ, tha cho Quý. Quý cầm thẻ đã chép việc Trữ giết vua đi ra. Thì gặp Nam sử Thi đi vào. Hỏi đi đâu. Thi đáp Tôi nghe nói ba anh em nhà ông đều bị giết cả. Ông vào chắc không thoát. Cho nên tôi cầm thẻ vào để sẵn sàng ghi việc giết vua tháng 5. Quý đưa cái thẻ mình đã chép việc cho xem. Nam sử Thi mới cáo từ đi về. Nhất quyết thi hành nhiệm vụ không sợ chết như những nhà viết sử này quả thật đáng cảm phục.
Hiện tại ở nước Mỹ có ông Donald Trump làm tổng thống được nhiều người Việt ca tụng là “dám nói dám làm” và ủng hộ triệt để, trở thành mê cuồng. Đến độ trong cái triều đại Donald này đã có những trường hợp cuồng nộ cãi nhau, giận dữ thù nghịch chẳng khác gì quốc gia với cộng sản. Tưởng cũng nên tìm hiểu hiện tượng này xem sao.
Trước hết, người đứng đầu một nước, quyền hành tất cả trong tay thì chẳng có gì nguy hiểm trực tiếp tới mình là bao nhiêu khi nói hay làm, để khiến phải cảm phục mà khen tặng bằng mấy chữ “dám nói dám làm”. Cho nên nghĩ Donald Trump đáng phục vì “dám nói dám làm” là hơi quá. Đúng hơn là muốn kính phục nể trọng người ở vị trí này thì phải xét trên căn bản nói và làm hay hay dở, đúng hay sai. Vì thế cần xét xem Trump “dám nói dám làm” từ trước khi nắm quyền hành pháp ra sao cho đầy đủ.
Khi tranh cử tổng thống, truyền thông bới móc chuyện Trump khoe khoang thích bốc hốt chỗ kín đàn bà, thì ông đã không ngần ngại nhận rằng đó là chuyện trong phòng thay quần áo tuổi trẻ. Chuyện dám nói này của Trump chẳng khác gì chuyện giới sinh viên Việt nam Cộng hòa “chịu chơi” khoe khoang với các bạn sau khi vào thăm cơ sở chị Tình ở Gò Vấp, mà người viết bài này được nghe, cuối thập niên 1950.
Nếu nhìn lại từ khi còn là doanh gia, thì Trump dám nói và dám làm nhiều chuyện khác nữa. Như giao kèo ký rồi mà nếu muốn thì sẵn sàng ngưng thi hành để điều đình thay đổi lại. Không chịu thì kiện ra tòa rồi tính. Cho nên trong thời gian làm ăn ở New York, người ta đếm ra Trump có tới trên dưới ba ngàn vụ kiện lớn nhỏ, khi là nguyên đơn khi là bị cáo, có được có thua. Sau khi trúng cử tổng thống, Trump đã cho lệnh giải quyết ngay một vụ nợ nần 20 triệu kéo dài. Khi ngồi ở phòng Bầu dục Bạch cung nhiều hiệp ước bị xé bỏ vì Trump khơi khơi tuyên bố là không công bình, để đòi điều đình lại với các đồng minh hay đối tác. Kết quả thì dân không mấy người rõ cụ thể ra sao nhưng vẫn lấy làm hay, vì Trump “dám” đặt lại vấn đề, để thi hành lời hứa tranh cử “Mỹ trước hết” (America first) và “làm Mỹ vĩ đại trở lại”. Nói khác đi là “dám nói dám làm”!
Dám nói của Trump từ khi đi vào chính trị quả rằng có lạ. Ông đã bắt đầu tranh cử bằng mạt sát dân Mễ Tây cơ là lưu manh tội phạm và hiếp dâm và đưa ra chính sách chống di dân nhằm lấy lòng đám quần chúng cực đoan da trắng và những di dân cũ đã trở thành Mỹ có đầu óc “bảo hoàng hơn vua”, Mỹ hơn Mỹ. Trump chẳng ngại gì mà không để tay chân gặp gỡ một số người Nga trong giai đoạn tranh cử để tìm đủ cách thắng Hillary Clinton. Những chuyện này đã là đề tài kết án, tranh cãi, thảo luận suốt từ khi Trump vào ngồi tòa Bạch cung tới nay. Và chỉ kể như là tạm ngưng với bản phúc trình chung chung của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller không kết tội mà cũng không xả tội cho Trump. Một chuyện dám làm hấp dẫn gay cấn đầu tiên khi làm tổng thống là bất chấp mọi phản đối dị nghị Trump đã sang Helsinki, một mình gặp mặt nói chuyện với tổng thống Nga Putin. Cũng là lạ, khi chỉ sau vài chục phút ngắn ngủi gặp chủ tịch Bắc Hàn Kim chính Ân ở Singapore đã khen Kim trẻ tuổi tài cao và tuyên bố nhanh chóng trở thành bạn tốt với Kim, mặc dù Kim là cháu nội nối nghiệp tàn bạo không kém lãnh tụ độc tài Kim Nhật Thành, kẻ đã dùng chiến thuật biển người xâm lăng Nam Hàn thập niên 1950, gây không biết bao nhiêu là chết chóc đổ vỡ cho dân cả hai miền Nam bắc Hàn quốc. Trump đã dám khoe cuộc họp thành công vĩ đại vì đã ký với Kim Chính Ân thỏa ước giải giới võ khí hạt nhân. Nhưng thực tế là cho đến bây giờ, hai bên mới bắt đầu xúc tiến cho các chuyên viên hai phía gặp gỡ làm việc. Khi công du Âu châu, Trump đã mạt sát chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi là mối ô nhục. Có vẻ như là để không chịu kém cố thượng nghị sĩ John McCain từng chê ông khi mới trúng cử là không có khả năng làm tổng thống, ở hội nghị An ninh Âu châu.
Người ta biết rằng tuyệt đại đa số các nhà chính trị Mỹ chẳng ai là không ủng hộ Do Thái, nhưng không phải ai cũng nói ra. Riêng Donald Trump thì huỵch tẹt tuyên bố thủ tướng Netanyahu là bạn thiết, và ôm nguyên con nội dung diễn văn của Netanyahu trước đại hội đồng Liên hiệp quốc vào bài diễn văn của mình cũng đọc tại đó. Ngay sau khi nhận chức tổng thống, ông công nhận Jerusalem vốn trong tình trạng tranh chấp kéo dài giữa Do Thái, Hồi giáo và Gia Tô giáo, là thủ đô Do Thái và dọn tòa đại sứ Mỹ lập tức về đó để cho con gái Ivanka và con rể Jared Kushner kịp đến mừng ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Do thái. Ông thừa nhận các trại định cư Do Thái lập trên vùng Tây ngạn chiếm của Palestine là đất Do Thái, công nhận cao nguyên Golan Heights Do thái chiếm của Syria là đất Do Thái và được Do Thái lập một làng ở đó đặt tên Trump vân vân…
Những chuyện gọi là dám làm trong lãnh vực ngoại giao thế giới xa vời dân chúng không mấy ai để ý trích dẫn như thế kể là tạm đủ. Quay về vấn đề lớn của nước Mỹ cho cụ thể thì năm 2015, Trump đã dám nói “Khi nợ lên tới 18-19 ngàn tỉ, phải cần có người như tôi để giải quyết.” Tháng 2/2019, nợ quốc gia lên tới 22 ngàn tỉ. Có nghĩa rằng từ 2017 khi Trump làm tổng thống mỗi năm nợ tăng 2 ngàn tỉ. Con số này theo tính toán của CBO (Văn phòng ngân sách quốc hội -congressional budget office) là số gia tăng cao nhất kể từ năm 1940 tới nay! Cái dám làm của Trump trong trường hợp này là “làm cho nợ nước gia tăng cao nhất”.
Hiện nay theo tin chính thức thì kinh tế đang chạy tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng không ai để ý là giá cả hàng hóa thực phẩm tăng cao, chỉ số tiêu thụ cao, tiền lưu hành lớn, nhờ lạm phát. Nói cho đúng thì kinh tế chỉ là trong tình trạng bồng bềnh bất ổn và đây đó đã phóng ra tin đô la xuống giá mà Trump ỡm ờ không chối không nhận. Nhìn vào diễn tiến sự việc thì Trump đã liên miên kêu đòi ngân hàng Dự trữ liên bang giảm lãi xuất căn bản, mà người ta hiểu rằng đó là biện pháp để thúc đẩy vay tiền đầu tư, kinh doanh trong những trường hợp kinh tế trì đọng. Dưới áp lực của Trump, chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang Jerome Powell, do Trump phong chức, đã vừa phải đồng ý hạ lãi xuất 0.25, và sẽ có thể hạ nữa vào mùa thu. Nói cho rõ thì quyết định này là để tránh sự suy thoái có thể đến, nghĩa là tránh thất nghiệp- là điều mà chính quyền nào cũng sợ. Bộ trưởng ngân khố Mnuchin cho biết rằng tiền trong ngân sách tiêu hết sớm hơn hai tháng nên phải xin quốc hội thông qua sớm ngân sách, trước khi nghỉ hè tháng 8, để khỏi lâm tình trạng vỡ nợ. Trong hoàn cảnh này quốc hội đã mau mắn thông qua một ngân sách hai năm với các điều khoản vừa thỏa mãn yêu cầu của Bạch cung vừa giải quyết thanh thỏa chi phí cho các kế hoạch quốc hội muốn. Do đó Trump đã nhanh chóng yên lặng ký không càm ràm nói năng gì cả. Kết quà cụ thể chỉ là số nợ quốc gia đã cao sẽ tăng cao hơn nữa, vì thế nâng cao trần nợ đã được quốc hội chấp nhận dễ dàng!
Qua những lược xét như trên, dám nói như Trump là dám nói phứa phừa, bất kể có làm được hay không. Nghĩa là nói ngược đó rồi nói suôi đó. Dám làm như Trump, là cứ làm đại, bằng sắc lệnh. Còn nếu làm đại mà dân da trắng có ai không đồng ý thì cứ kiện ra tòa chờ phân xử. Dân da mầu mà không đồng ý thì hãy đi về cái “nguyên quán bể nát, đầy tội ác mà sửa trước đi…” theo như lời ông Trump nói với Bộ tứ (squad) 4 nữ dân biểu không suy nghĩ theo đa số và có nhiều điều không đồng ý với Trump, và nói thẳng ra không e dè . Còn nếu chuyện chính phủ làm mà có trục trặc không xong thì là chuyện tự nó không xong. Như tại Venezuela, giúp chủ tịch quốc hội đối lập Juan Guaido đảo chính tổng thống Maduro theo kế hoạch John Bolton không thành thì tỉnh bơ cho phó tổng thống Pence giải thích rằng “mọi chọn lựa vẫn ở trên bàn”. Hàm ý là sẽ tiếp tục làm nữa, bằng các biện pháp chế tài kinh tế để cho dân Venezuela nghèo đói quá mà vùng lên chống đối! Hay là như trường hợp Iran, bỗng dưng theo ngoại trưởng Pompeo thi hành chủ trương tân bảo thủ Do Thái, khẳng định Iran là khủng bố, để để ra các biện pháp chế tài kinh tế và quân sự lấn lướt. Việc không có kết quả, thì tuyên bố sẵn sàng ngồi chờ điều đình với giáo chủ tối cao Iran Khamenei. Khamenei không điều đình, thì cứ để đó, tính sau, và tuyện bố Mỹ không muốn mở chiến tranh với Iran.
Với cách dám nói và dám làm này, ở cương vị thương nhân thì dùng tiền lấy chỗ này đắp đổi chỗ nọ, với tấm chắn là tòa án và luật sư. Sống cuộc đời tranh chấp trong huy hoàng tráo trở cho đến chết là mọi sự buông màn. Nợ nần vướng mắc gì cũng chẳng sợ. Ở địa vị tổng thống thì tất cả là dùng tài nguyên nhân lực và phương tiện quốc gia. Sai đúng gì thì cũng là kể như ở cương vị bất khả xâm phạm. Vì đụng vào Trump là đụng vào cái sức mạnh không lồ của Mỹ. Chê bai sỉ mạ gì thì cũng chẳng làm thay đổi cái con người tự thấy chính ta tài giỏi không ai bì được vì có đàng sau một hệ thống vận động chính trị vĩ đại nhất nước.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 8 tháng 8/2019