Tháng Sáu Trời Mưa (Trương Hữu)
Bước qua tháng 7 mà dường như tháng 6 vẫn quanh đây ...
Nếu ai đã từng học về đạo diễn/phim, sẽ biết cái “mánh” nho nhỏ: cảnh quay vào buổi tối thường được phun 1 lớp nước trên con đường như trong khung cảnh sau cơn mưa/đang mưa/vũng nước đọng..., lấp lánh lung linh ánh đèn phản chiếu trên mặt nứơc để tạo khung hình có chiều sâu hơn.
Tháng 7 nơi đây ngày dài hơn đêm, 9g tối vẫn còn thấy rõ 5 ngón tay. Nhưng vẫn thích những cơn mưa tháng 6 để có dịp nhìn con đường lấp lánh những đốm màu vui chân.
Xin chia sẻ 1 bài viết hay & dễ thương từ tác giả Trương Hữu. (dt)
————————————-
Khi cánh tay thời tiết níu qua tận tháng sáu thì ngày dường như chợt dài ra, và những cơn mưa đổ xuống thành phố mỗi chiều chẳng còn là điều bất ngờ hiếm hoi. Nhưng những cơn mưa mùa này chỉ nhẹ nhàng đem mướt xanh cho cây, cho cỏ. Chúng chẳng đem lại nhiều phiền toái. Chúng đâu còn mang theo cái khí lành lạnh của hồi tháng tư, tháng năm; cũng chưa kịp ập đến vội vàng sấm chớp như mưa mùa tháng bảy, tháng tám. Mưa hiền lành chẳng muốn làm phiền lụy ai. Mưa nhẹ nhàng mơn mát da thịt. Mưa chỉ vừa đủ làm ướt nhẹ cánh áo, lấm tấm hạt trên tóc người khách qua đường. Để họ chẳng ngần ngại chi mà không ung dung bước tiếp, họ đâu cần hối tiếc vì đã lỡ quên mang theo chiếc dù che chắn sáng hôm nay. Mưa tháng sáu là vậy, lành tính thú vị cho những kẻ mang chút tính biếng lười, chút tính lãng mạn và nhất là tính hay tẩn mẩn lục lọi tìm những điều tưởng chừng đã cất rất lâu trong trí.
Từ bao giờ những cơn mưa tháng sáu thường đem đến cho tôi cái cảm giác thèm thuồng được nhâm nhi một ly cà phê. Và phải là một ly cà phê thật nóng thơm mùi quế dù đang giữa mùa hè. Để chi, để chờ cho nó nguội dần, để có cớ được ngồi lâu hơn trong quán Starbucks mà nhìn xuyên qua tấm kính cửa, thấy xa xa là mặt hồ nước Wellington mưa bay mịt mù. Thường ngày nắng, tôi có thể nhìn thấy rõ cảnh vật phía bờ bên kia. Nhưng giờ đây sau làn mưa va trắng mặt hồ, khoảng cách giữa bên này và bên kia trông xa xăm vô tận. Nơi ấy dường như chỉ có sương giăng giăng, có mây trôi lửng lờ, và có những điều khác không rõ nét mà tôi đang cố hình dung ra. Tôi thích cái cảm giác tò mò thú vị ấy.
Mưa nặng hạt hơn, mưa bám trên mặt kính cửa sổ từng giọt dày đặc. Những giọt nước vô tri giác nhanh chóng thành hình, từ từ lăn xuống rồi hòa tan thành vũng dưới đất. Giọt nước có đời sống quá ngắn ngủi. Cho dù hành trình của chúng trôi ngoằn nghều xuống theo một hình dạng vô định, nhưng chắc chắn điểm đầu và điểm cuối đều tương tự. Chúng hình thành là để mất đi. Như chính chúng ta sinh ra để chờ được chết. Và trong cái khoảng giữa sinh tử của con người đó là gì? Là sự sống. Hay là tình yêu vì tình yêu đồng nghĩa với sự sống. A Time to Love and a Time to Die. Đó là cái vòng lẫn quẫn mãi miết, phải không?…
…Mưa tháng sáu làm tôi hay liên tưởng đến một bài hát mà mỗi lần nghe dễ làm mình sững lại một lát. Sững lại vì nó có câu intro quá dễ thương, quá đầy đủ cho một hình tượng diễn tả. Sững lại một phần vì lần nào mình cũng loay hoay cố nhớ tên của bài hát. Rồi cuối cùng phải nhờ đến Google nhắc lại. À thì ra nó có tên là “Tình khúc tháng sáu”. Có những bài hát mà như một thói quen, một in sâu trong trí nhớ, chúng ta cứ tự động đặt tên cho nó bằng một câu đặc trưng nào đó, cho dù nhạc phẩm đã có tên đàng hoàng cầu chứng từ tác giả. “Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em”.
Nhạc Ngô Thụy Miên làm tôi nhớ Sài gòn, nhớ đến những người bạn thân một thời đại học. Nhớ đến Cảnh, đến Định và nhất là nhớ H. Ngày ấy mỗi cuối tuần tôi hay đưa H đến nhà thăm Cảnh và cô bạn gái anh ấy. Hai người bạn tôi từ Qui nhơn vào Sài gòn trọ học và có thuê chung một căn phòng nhỏ trong khu Cư xá đô thành. Bao giờ cũng vậy, hiểu ý chúng tôi Cảnh hay mở nho nhỏ cho nghe những bài ca được Ngô Thụy Miên phổ từ thơ Nguyên Sa. “Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em” bao giờ cũng là bài hát làm cho chúng tôi rung động nhất từ câu đầu được cất lên bởi cô ca sĩ “học trò” Thanh Lan. Ngày ấy, tôi cứ hay đùa là câu “ướt mềm vai em” phải chi là “ướt mèm vai em” thì hay hơn, vì nó diễn tả thật hình tượng một thiếu nữ co ro dưới mưa. Những cô nữ sinh áo dài trắng ướt mèm dưới mưa đẹp theo một lối nhìn khác, tuy không thanh nhưng rất thật. Tôi thích nét đẹp dễ làm mình tưởng tượng ấy… Bao giờ cũng vậy, Cảnh ngả theo về phe tôi mặc cho H và Định nhao nhao lên tiếng phản đối. Hai nàng cho rằng ý sửa đổi lời nhạc của tôi làm bôi bẩn đi nét đẹp trong sáng trong nhạc Ngô Thụy Miên. Và rồi cuộc tranh cải nào khi kéo dài thì cuối cùng tụi tôi cũng phải chịu thua hai cô nàng cho không khí được êm ấm. Thôi thì vai em ướt mềm dưới mưa vậy…
Nhớ có những lần trời mưa, vậy mà cả đám hè nhau đạp xe ra tận Nguyễn Du để ngồi cà phê lá me. Chỉ có ly cà phê và vài điếu thuốc mà tụi tôi ngồi cả một buổi chiều, tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Phải nói hiếm nơi đâu có khung cảnh ngồi cà phê cóc hay ho như hàng quán Sài gòn thời đó. Cứ tưởng tượng cảnh trời mưa, vài cô cậu bạn ngồi sát nhau dưới mái dù che tạm, vừa nói chuyện vừa ngắm những chiếc lá me xanh ướt sũng bay bay xuống mặt đất. Thỉnh thoảng có chiếc lạc bay đậu trên mái tóc cô bạn trong nhóm. Chỉ một thoáng ngần ngừ rồi cậu con trai ngồi kế cũng lấy can đảm mà giơ tay khẻ gỡ chiếc lá. Và cậu ta vô tình nghe được cả một mùi thơm dậy thoang thoảng trên tóc trên áo cô gái. Để đêm về nằm thầm nhớ. Những chiếc lá me như mang theo thông điệp tình yêu, thứ tình yêu ướt đẫm còn nguyên sơ xanh ngát… Những ngày Sài gòn thiếu thốn đủ thứ ấy, tâm trí chỉ nghĩ đến chuyện ra đi vì chúng tôi biết mình không thể thích nghi để sống trong chế độ đương thời. Dù vậy mỗi lần có dịp gặp nhau chúng tôi vẫn vui đùa, cái vui hồn nhiên bất chấp hoàn cảnh của tuổi trẻ.
Vậy mà đột nhiên Cảnh, anh bạn tôi bỏ đi thật xa. Mùa hè năm 78, khi tôi đang về Đà nẵng thì Cảnh mất trong một chuyến toan vượt biên ở Rạch giá. Bạn tôi bị bắn chết trong lúc đang cố chạy ra tàu đang cập dưới bãi biển. Cảnh hơn tôi 3 tuổi dù học chung lớp. Bạn tôi năm đó mới 23 tuổi. Nghe những người bạn cùng quê Qui nhơn với Cánh kể lại. Trong chuyến vượt biên cùng Cảnh có vài người bị bắt, và họ đã xác nhận là thấy xác bạn trôi dạt gần bờ biển. Nghe tin dữ, gia đình Cảnh lặn lội từ quê vào Rạch giá để hỏi thăm tin tức. Có người địa phương thương cảm nên đã dẫn ba mẹ anh đến ngôi nhà mà ngày đó cả nhóm núp ẩn trước khi chạy xuống bãi. Tất cả chỉ còn lại những đôi dép, trong đó có đôi dép của Cảnh, đôi dép bằng da màu nâu chẳng lẫn vào đâu được. Mẹ bạn tôi ôm đôi dép của đứa con trai duy nhất mà khóc ngất. Hai ông bà về lại Qui nhơn mà không tìm thêm được tin gì về chuyến vượt biên hãi hùng năm đó. Chẳng ai biết xác bạn tôi vùi chôn nơi nào, làm sao tìm được khi chuyện vượt biên hồi đó là một trọng tội mà ai cũng muốn giữ kín.
Tháng sáu chiều nay tôi ngồi đây nhìn mưa giăng. Quán Starbucks vắng khách. Những bản nhạc không lời trộn lẫn âm thanh mưa nghe dập dìu lạ lẫm. Chung quanh tôi, những cô con gái, cậu con trai còn rất trẻ ngồi yên lặng chăm chú vào chiếc điện thoại. Tay họ lướt liên tục trên màn hình. Họ đắm chìm trong cái thế giới riêng của mỗi người, hiếm hoi cất tiếng với kẻ kề bên. Cách họ giao tiếp với xã hội chung quanh khác hẵn với thế hệ chúng tôi, những trực tiếp gặp gỡ, những thư từ qua lại ngày một trở nên hiếm hoi. Mà làm sao không có sự khác biệt trong suy nghĩ, trong cảm xúc cho được khi bằng chừng ấy khoảng cách 30, 40 năm từ mỗi một con người. Ngồi đây, tuy cùng yên lặng trước ly cà phê phả khói nhưng tôi biết riêng mình đang cần điều gì để lấp đi khoảng trống thời gian. Tôi cần kéo dài sợi giây hồi tưởng để kết nối hiện tại và quá khứ, cần mưa đổ để nhớ bạn bè, để quay quắt về những chiếc lá me bay trong mưa chiều lề đường Nguyễn Du thuở nọ. Bây giờ, bạn tôi Cảnh đã đi quá xa, Định bặt tin từ dạo ấy, và H. tôi biết đang ở một thành phố mà chỉ cần vài giờ bay thôi sẽ tới. Nhưng làm sao gặp được! Tháng sáu, mưa có còn làm ướt mềm vai em?… Những giọt nước trên mặt kính ngăn giữa trong và ngoài quán Starbucks vẫn đều đặn hình thành rồi vỡ tan. Đều đặn đến và đi không báo trước, không giã từ.
Boston, một ngày giữa tháng sáu
Trương Hữu