Hong Kong trở thành một.... "khúc xương, khó nuốt" cho Bắc Kinh. Khó nuốt đây, không có nghĩa là không nuốt được! Cho tới hôm nay, ngày 17 tháng 6, sự thắng lợi của người dân Hong Kong chỉ mới có giá trị tương đối, và tạm thời. Bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Đặc khu Hong Kong, chỉ hứa hẹn sẽ đình hõan vô hạn định "dự luật dẫn độ", chứ nhất định không chịu hủy bỏ. Bà lên tiếng xin lỗi, cũng như nhận trách nhiệm, đã gây ra tình trạng tranh cãi, xung đột và lo âu cho xã hội, chứ không chịu từ chức.
Sự thay đổi thái độ đột ngột của bà Carrie Lam, từ cao ngạo, thách thức, trong những ngày đầu của cuộc biểu tình, tới việc điều động 2,000 cảnh sát, với đầy đủ vũ khí đạn dược, trấn áp đám biểu tình vào rạng sáng ngày 13 tháng 6, đã gây ra đụng độ, và khiến 80 người bị thương. Rồi cuối cùng, trước áp lực của 2 triệu người biểu tình, ngày 16 tháng 6, bà phải đổi sang thái độ mềm dẻo. Theo dư luận quốc tế, bà Carrie Lam không dám tự ý quyết định về "dự luật dẫn độ", nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh.
Cho tới ngày 26 tháng 6, tại Hong Kong, vẫn liên tục xuất hiện những đám biểu tình nhỏ, chừng vài ngàn người. Đám biểu tình, vẫn kiên trì đòi hỏi hủy bỏ luật dẫn độ và bà Carrie Lam phải từ chức. Sáng 25 tháng 6, trợ lý của Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo: "Trung Quốc không cho phép sự kiện Hong Kong được nhắc nhở tới, trong cuộc họp các nguyên thủ quốc gia tại G20 trong hai ngày 28 và 29, tại Osaka, Nhật Bản." Như vậy, chứng tỏ Trung Quốc cũng...nhức nhối về sự kiện này !
Nhiều dư luận quốc tế đã bi quan về tình hình Hong Kong. Họ lý luận rằng, Hong Kong chỉ là khu vực bán tự trị, trong khi các khu vực tự trị như Mông cổ, Mãn châu, Tân Cương, và Tây Tạng đều bị Trung Quốc giải quyết một cách khá dễ dàng. Trong cuộc biểu tình đòi dân chủ, tại Thiên An Môn, ngày 4 tháng 6 năm 1989, Bắc Kinh cũng đã không ngần ngại, tàn sát đồng bào của mình, bằng cách dùng xe tăng, súng đạn, để thanh toán. Họ cũng biết đây là sự kiện "đáng xấu hổ", nên nghiêm cấm truyền thông trong nước, không được nhắc nhở tới ngày này.
Người ta e ngại cho Hong Kong, vì Trung Quốc với bản chất hung hăng, ngang ngược, ỷ mạnh hiếp yếu, bất kể tới lý lẽ, nguyên tắc, sự công bằng, và nhân bản.
Để đối phó với việc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khuyến cáo cộng đồng quôc tế không được can dự vào nội tình Hong Kong, anh Hoàng chí Phong, đại diện cho người biểu tình Hong Kong, đã lên Facebook lập quỹ quyên tiền. Anh cần 3 triệu tiền Hong Kong, để thuê các tờ báo nổi tiếng nhất trên thế giới, đưa sự kiện Hong Kong lên trang nhất, hy vọng dùng áp lực quốc tế làm hậu thuẫn cho sự tranh chấp của người dân Hong Kong. Hành động này, được dân Hong Kong nhiệt liệt ủng hộ, và chỉ sau gần 4 tiếng đồng hồ, số tiền quyên góp đã lên tới 4 triệu 600.000 tiền Hong Kong ...
Hoàng chi Phong hay Joshua Wong sinh ngày 13 tháng 10 năm 1996 tai Hong Kong. Năm 14 tuổi, anh đã cùng nhóm bạn, tổ chức một cuộc xuống đường, quy tụ được khoảng 120,000 người để phản đối môn học chính trị "Giáo dục luân lý và quốc gia", do cơ quan hành chánh Hong Kong dự định thêm vào. Phong đã khảng khái nói: "chúng tôi không muốn bị nhồi sọ". Cơ quan hành chánh Hong Kong đã phải hủy bỏ môn học này.
Năm 2003, chính quyền Hong Kong đưa dự luật: "cấm lật đổ chính quyền hiện hữu"ra quốc hội bàn thảo. Hoàng chí Phong đã tổ chức một cuộc biểu tình quy tụ mấy trăm ngàn người. Chính quyền đã phải rút lại dự luật này.
Ngày 10 tháng 4 năm 16 Hoàng chí Phong thành lập hội Demosisto, một hội chính trị cho các bạn trẻ sinh viên thân hữu, và giữ chức Tổng thư ký.
Ngày 26 tháng 9 năm 2014, Phong đã cùng 74 người trẻ khác khởi đầu một cuộc biểu tình đòi quyền tự trị cho Hong Kong, và đòi "phổ thông đầu phiếu". Cuộc biểu tình này tăng dần lên, quy tụ được nửa triệu người tham gia, đa số là những người trẻ. Họ tràn vào sân của tổng hành dinh chính phủ. Cuộc biểu tình này được gọi là "biểu tình dù vàng", vì người biểu tình đồng loạt dùng dù màu vàng, để chống với ánh nắng mùa hè. Anh Hoàng chí Phong được tờ The Wall Street Journal gọi là "tiêu biểu cho cuộc biểu tình Hong Kong." Hoàng chí Phong đã bị tòa kết án 2 tháng tù vì tội chống đối người thi hành công vụ, sau 79 ngày chiếm giữ đường phố.
Trong cuộc biểu tình ngày 16 tháng 6, Hoàng chi Phong được trả tư do, giữa lúc cuộc tranh chấp giữa chính quyền Hong Kong và người biểu tình đang căng thẳng. Anh nhập cuộc ngay vào đám biểu tình, không hề sợ hãi, và mạnh miệng đòi hỏi hủy bỏ luật dẫn độ và bà Carrie Lam phải từ chức.
Cuộc biểu tình kéo dài 8 ngày, từ ngày 9 tới ngày 16 tháng 6, được gọi là cuộc biểu tình tự phát, vì không có người lãnh đạo ra mặt, được các báo chí ngoại quốc khen ngơi là một tổ chức đầy quy mô, và phân công chu đáo. Tuy nhiên, ai cũng biết, ban lãnh đạo chính là nhóm Demosisto của Hoàng chí Phong, vì nhiều người thấy Nathan Law, bạn thân trong nhóm Demosisto của Hoàng chí Phong, chạy đi chạy lại điều hành mọi chuyện. Họ đã rút kinh nghiệm từ cuộc biểu tình dù vàng năm 2014, đã khiến 3 người lãnh đạo đã bị chính quyền bắt và đưa ra tòa, nên lần này họ ẩn mặt để dễ bề hành động.
Người dân Hong Kong lấy được cảm tình của thế giới vì họ có chính nghĩa. Năm 1997, Khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, hai bên đã có cuộc thương thảo kéo dài, kết quả là Hong Kong sẽ là "một đất nước, 2 chế độ", trong một thời gian chuyển tiếp là 50 năm, cho tới năm 2047. Khi đó, Trung Quốc chỉ là một nước đông dân, kém phát triển, và quân sự yếu kém, trong khi Hong Kong đã là trung tâm tài chính của thế giới. GDP của Hồng Kong khi đó chiếm 18 % GDP của Trung Quốc. Sau 20 năm, TQ lớn mạnh dần, và trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. GDP của Hồng Kong chỉ còn là 3 % GDP của Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách để đưa Hong Kong vào quỹ đạo của Bắc Kinh, sớm hơn quy định.
Kết quả của cuộc tranh chấp giữa người dân Hong Kong và chính quyền Trung Quốc còn hứa hẹn nhiều gay cấn. Tập Cân Bình còn đang bận rộn với cuộc họp G20 tại Osaka. Hoàng chí Phong đe dọa, cuộc biểu tình trong dịp kỷ niệm 22 năm Hồng Kong được giao cho Trung Quốc, sẽ là cuộc biểu tình vĩ đại hơn bao giờ hết. Và người dân Hong Kong vẫn đoàn kết và cương quyết bảo vệ chủ quyền cho Hong Kong.
Tuy nhiên, người ta chắc chắn là sẽ không có một vụ tàn sát như Thiên An Môn sẽ xảy ra, vì một hiệp ước giữa Hong Kong và Hoa Kỳ ký kết năm 1992, trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Nội dung hiệp ước, ngoài vấn đề tiền tệ, và visa qua lại, còn có điều khoản là : " Nếu Hong Kong bị mất quyền tự trị thì Hoa Kỳ có quyền xen vào" . Sau khi cuộc biểu tình ở Hong Kong xảy ra ngày 9 tháng 6, thì ngày 12 tháng 6, quốc hội Mỹ đem hiệp ước này ra tu chính, và đòi hỏi bộ Ngoại giao phải báo cáo về tình hình Hong Kong, sau mỗi 6 tháng.
Cho dù kết quả ra sao, danh tiếng Hoàng chí Phong đã nổi lên như cồn. Với tuổi 14, anh đã lãnh đạo cuộc biểu tình đòi bãi bỏ môn chính trị nhồi sọ, Năm 17 tuổi đã khởi động vụ biểu tình đòi hỏi một cuộc bầu cử dân chủ, và nay mới 22 tuổi anh đã đứng lên đòi quyền tự trị cho Hong Kong, và bãi bỏ luật dẫn độ. Do hoàn cảnh tương đồng giữa VN và Hong Kong, cùng bị ức hiếp bởi TQ, anh đã có những lời phát biểu, đáng cho tuổi trẻ VN học hỏi: "Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình, vì thế, chúng tôi không thể sống cùng Cộng sản Trung Quốc.", " Chúng tôi không muốn phải ăn cắp, tham nhũng, để được nhà cao, cửa rộng.", " Chúng tôi không muốn phải đóng thuế để nuôi một số người, để họ quay lại bóc lột chúng tôi." "Chúng tôi không muốn những bằng cấp và tài năng thực sự của chúng tôi phải bỏ vào thùng rác, vì những tên rác rưởi, con ông cháu cha." " Chúng tôi không muốn con em chúng tôi phải học những giáo điều rỗng tuếch, mà chẳng có lợi gì cho sự phát triển, cũng như khả năng sáng tạo của chúng tôi." "Chúng tôi không muốn lẫn lộn giữa đảng cầm quyền và tổ quốc." "Chúng tôi không quên nguồn cội, và cũng không quên những gì mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đã gây ra cho cha ông chúng tôi...."
Đúng là tài không đợi tuổi!
Đan Tâm
06/19