Tự do ngôn luận- tự do phát biểu, là quyền thiêng liêng nhất được ghi trong hiến pháp Mỹ. Người Mỹ rất lấy làm hãnh diện về điều này. Giới khai thác quyền này triệt để nhất và nhờ thế kiếm tiền nhiều nhất là giới giải trí và điện ảnh Hollywood và báo chí lá cải. Những câu chuyện phòng the, những chuyện tình kỳ quặc, những lối ăn mặc dị kỳ hở hang, những chuyện ngồi lê đôi mách khó thể tưởng tượng, tha hồ được thêu dệt tung ra câu khách và kiếm bạc. Không ai có quyền cấm đoán, kiểm duyệt. Mà nếu có đụng đến cách này hay cách khác thì võ khí phòng ngự hiệu quả luôn luôn là quyền tự do phát biểu. Ăn mặc hở hang ư? Đó là quyền tự do phát biểu của tôi. “Nói năng thô tục” ư? À muốn đụng đến quyền tự do ngôn luận hay sao đây? Những cảnh đánh đấm giết chóc máu văng tung tóe, những cảnh dâm tình nóng bỏng trên phim ảnh, trên truyền hình? Ấy cũng là thi hành quyền tự do phát biểu của chúng tôi, những nhà sản xuất. Chẳng thể nào bắt bẻ được, dù rằng thực chất không phải là tự do phát biểu mà là tự do khai thác thị hiếu để vơ tiền. Và cứ thế cứ thế với sự phát triển nhanh chóng đa dạng của kỹ nghệ giải trí, không chỉ bằng những thành phẩm Hollywood mà là qua truyền hình truyền thanh và mạng điện tử 24/24.
Trong xã hội thi có lẽ để quân bằng lại là quy ước nói năng nhỏ nhẹ lịch sự. Những chữ cám ơn (thank you), không có chi (you are welcome), xin vui lòng, xin làm ơn (please) được dùng rộng rãi trong mọi trường hợp, ngay cả khi người trên nói với người dưới, hay ông bà bố mẹ nói với con. Tiêu chuẩn phát biểu là nói không lên giọng, từ tốn, ngay cả khi tranh luận chính trị. Nhiều người Mỹ gốc Việt đã rất lấy làm hãnh diện vì biết được những quy ước hành xử này ở đất mới và đem ra để so sánh chỉ trích chê bai cái thói quen chỉ dùng hai chữ cám ơn khi thật sự cần thiết, và cách nói năng ồn ào của dân Việt.
Từ thập niên 60 khi có những biến cố xã hội chính trị lớn, những đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, thì cách phát biểu bớt phần điềm tĩnh đi. Trên phỏng vấn truyền hình người ta thấy những dân da đen miệt thị tổng thống chẳng sợ sệt gì, như “Nixon the pig” (Nixon con heo)
Đến thập niên 80 thì phổ thông là tình trạng ngược lại, được gọi là “phát biểu phải đạo chính trị” (politically correct), tránh xúc phạm người khác. Thí dụ tránh gọi mập phì, béo ú hay lùn tịt mà nói là có “trọng lượng cơ thể thách đố (weight-challenged), chiều cao thách đố (height-challenged)” vân vân. Hệ quả là sự xuất hiện nhiều danh từ, lối nói lạ tai lố bịch, và bị chê bai, chế nhạo. Cho nên chủ trương phát biểu phải đạo chính trị mờ dần. Chuyện trò trao đổi ý kiến trở lại theo quy ước cũ tự nhiên của xã hội, nghĩa là tùy theo thành phần xã hội, trình độ giáo dục… vân vân mà khó nghe hay dễ nghe. Quy ước này đột ngột thay đổi từ năm 2016, với sự xuất hiện ứng cử tổng thống của tỷ phú Donald Trump. Ông Trump vốn là con nhà giầu, nói năng bặm trợn bất chấp người nghe, huênh hoang lấn lướt theo kiểu lái trâu hồi nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, và sẵn sàng giải quyết được thua bằng kiện tụng. Khác hẳn với cách ứng xử thông thường của người Việt “9 bỏ làm 10”, vì quan niệm “vô phúc đáo tụng đình”. Cho nên trong 30 năm hành nghề kinh doanh ở New York, tổng số kiện tụng của ông Trump đếm được là 3000 vụ, khi là nguyên đơn khi là bị cáo, có được có thua. Lúc ra tranh cử tổng thống, ông Trump đã bằng tác phong tư thái bặm trợn lái trâu mà tạo được ấn tượng là một người Mỹ “dám nói dám làm” lôi kéo được một số quần chúng chán ngấy cái lối nói lịch sự rỗng không của các chính trị gia chuyên nghiệp. Thực thế, ông chẳng ngại ngần tuyên bố tranh cử với lời công kích dân nhập cư Mễ Tây Cơ là lưu manh hiếp dâm, mà không sợ mang tiếng kỳ thị chủng tộc. Xử dụng kỹ thuật mị dân này Trump đưa ra chủ trương chống di dân, kèm theo khẩu hiệu Make America great again (MAGA) Và America first đã lôi kéo không những được những dân lâu đời bản địa mà còn thu hút được những di dân mới có tinh thần bảo hoàng hơn vua, Mỹ hơn Mỹ. Lập trường này đã khiến cho các nhà chính trị cơ chế e dè một thời gian không dám dứt khoát chống đối hay ủng hộ. Ông không do dự chỉ trích Hillary Clinton là “lưu manh” phải bỏ tù mặc dầu bà này từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ và đã được cơ chế chính trị o bế tô vẽ từ cả chục năm để chắc chắn thắng cử tổng thống. Sự thắng cử này chắc chắn đến độ mà khi bà Hillary đi vận động tranh cử, những người tùy tòng đã đi trước giăng một cái giây chắn để cản không cho quần chúng tới sát bà Hillary để ôm ấp hay bắt tay như mọi ứng cử viên khác.
Nếu nhìn vào các biểu hiện lập trường chính trị xã hội cận đại và hiện đại ở Mỹ thì người ta có thể nghĩ rằng sự tự do phát biểu ở Mỹ là vô hạn. Thực thế, kể từ sau thế chiến thứ hai, trong thời chiến tranh lạnh, khối Cộng sản Liên Sô và TC là kẻ thù của Mỹ, nếu tiêu diệt được nhau là không ngần ngại. Thế nhưng sách vở, bài viết ca tụng Staline, Mao Trạch Đông ở Mỹ không thiếu dù rằng những lãnh tụ Cộng sản này và đồng đảng đã tiêu diệt hàng mấy chục triệu dân Nga, Tầu trong tiến trình thiết lập chuyên chính vô sản. Và nhiều chục triệu dân khác trong các cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản ở các nước nhược tiểu Á Phi, trong đó có Việt Nam. Mới đây, báo New York Times đã đăng một tin rằng theo các giới chức tình báo cao cấp thì Mỹ đã gia tăng các phương tiện xâm nhập điện tử vào hệ thống điện của Nga để phá hoại như chưa bao giờ có từ trước tới nay. Lập tức, ông Trump đã tweet kết tội báo “NYT thất bại tin giả”. Ông viết “NYT thất bại” mới đưa một tin rằng Hợp chủng quốc Hoa kỳ đang gia tăng tấn công điện tử vào Nga. Đây là một hành động kể là phản quốc của tờ báo một thời là vĩ đại cần tin một cách tuyệt vọng, bất cứ tin gì, dù rằng là tin xấu cho đất nước”. Và “Chuyện gì cũng xẩy ra được với “Truyền thông hư thối” ngày nay. Họ làm bất cứ chuyện gì, nói bất cứ điều gì, lấy bất cứ việc gì mà không mảy may nghĩ tới hậu quả. Đó thực chất là những kẻ hèn nhát, và không nghi ngờ gì, là kẻ thù của nhân dân”. Người cầm đầu hành pháp mắng tờ báo bề thế hàng đầu của Mỹ là phản quốc như thế, nhưng NYT chẳng hề hấn gì. Cả hai bên đều đã dựa vào nguyên tắc thi hành tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Cái quyền tự do cãi nhau giữa những nhân vật thế giá không chỉ xẩy ra ở triều đại ông Trump mà đã có ở nước ta tiền bán thế kỷ thứ 19 thời Cao Bá Quát. Chuyện kể rằng vua sai ông Cao Bá Quát đi điều tra chuyện hai ông quan bất hòa. Lúc về, ông Cao đã làm sớ trình vua. Tóm tắt là “lưỡng tương đấu khẩu, bỉ viết cẩu, thử viết cẩu, bỉ thử giai cẩu, thần kiến thế nguy thần tẩu” (hai người cãi nhau, người này bảo chó, người kia bảo chó, cả hai đều chó, kẻ hạ thần thấy nguy bèn chạy).
Bàn cho cạn lý về tự do ngôn luận, tự do phát biểu là sơ sơ như vậy thôi. Chứ thật ra có những lãnh vực nhạy cảm như tôn giáo., không mấy ai dại gì bàn tới, hay chỉ đụng tới trong một số hoàn cảnh thuận tiện. Thí dụ như mới đây, tại quận Kenai Peninsula borough tiểu bang Alaska, trong môt sinh hoạt cộng đồng , một phụ nữ tên Iris Fontana được đề cử cầu nguyện mở đầu. Bà này vì theo đạo Satanic Temple mở đầu cầu nguyện bằng lời ca tụng hoan hô (quỷ) Satan. Nhưng cũng đã bị phản đối bởi cử tọa Thiên chúa giáo, và nhiều người đã bỏ ra khỏi phòng họp.
Tuy vậy, không phải chỉ có tôn giáo là lãnh vực nhậy cảm, nên tránh đụng chạm. Ở Mỹ có những điều cấm kỵ, không được nói tới hay không được nêu ra, dù rằng là chỉ trong mục đích cho sinh viên thực tập lý luận biện bác. Người ta còn nhớ trường hợp một giáo sư trung học ở New York, cách đây chừng hai thập niên cho một học sinh đóng vai luật sư biện hộ cho Hitler căn cứ vào những tài liệu viết về Hitler đã bị các tổ chức Do thái phản đối đến độ giám đốc học khu đã phải xin lỗi. Cũng đã có giáo sư đại học bị mất chức khi đưa ra thảo luận tìm hiểu về chuyện Holocaust tức là chuyện Đức quốc xã giết hại người Do Thái. Cái tội chỉ là nghi ngờ hay chối bỏ sự hiện hữu của Holocaust (Holocaust denier), nói khác đi là chống Do Thái (anti-Semitic). Nhân tiện thì xin nói luôn rằng có nhiều mức độ định nghĩa khác nhau về 3 chữ Chống Do Thái. Từ đơn giản dể hiểu nhất là kỳ thị, ghét người Do Thái không có lý do, đến không đồng ý với một chính sách của một tổ chức hay chính phủ Do Thái hay cá nhân Do Thái. Hiện nay, không đồng ý với chính sách của thủ tướng Do Thái về vấn đề Palestine và các vấn đề khác ở Trung đông và Bắc Phi thì bị kể là “chống Do Thái”.
Lược duyệt qua những sự kiện trên, người ta có thể thấy rằng chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi miệt thị Trump “không đủ khả năng làm tổng thống và nói chỗ của Trump là ở trong tù” không sao, Trump mắng lại “Nancy bệnh tâm thần” không sao. Phátgôn viên Sarah Huckabee Sanders của tổng thống Trump bị gọi là “kẻ chuyên nói dối”, “bênh vực cho những điều không thể bênh vực được”, “không thành thực với nhân dân Mỹ” mà chẳng thể đụng chạm gì đến kẻ phát biểu. Nhưng chỉ nghiên cứu tìm hiểu thực hư về một hiện tượng lịch sử ở thời Hitler là Holocaust mà nay có thể không còn bao nhân chứng, có thể tạo phiền hà cho mình..
Mới đây, báo New York Times ấn bản thế giới có đăng một bức tranh hoạt họa vẽ hình tổng thống Trump đeo kính đen (hàm ý mù không nhìn thấy đường), đầu đội mũ chỏm Do Thái (kippah), tay cầm một cái giây buộc vào cái cổ-dề quanh một con chó dẫn đường có cái đầu của thủ tướng Do Thái Netanyahu và ngôi sao Do Thái, đã gây nên những phản đối cho là có ý nghĩa chống Do Thái và yêu cầu New York Times rút lại bức tranh. New York Times đã không rút bức tranh, mà người ta hiểu rằng là để chứng tỏ tôn trọng nguyên tắc tự do phát biểu. Và cũng vì rõ ràng bức tranh chỉ là chế nhạo ông Trump đi theo Netanyahu như người mù theo con chó dẫn đường. Ông Trump đã không lên tiếng gì dù rằng ông là người vô cùng nhậy cảm đối với những chê bai cá nhân. Có lẽ vì thực tế quả đúng là như vậy, và vì có lên tiếng thì cũng thế thôi, kinh nghiệm đụng độ với NYT mà ông Trump gọi là “truyền thông tin giả thất bại” ông đã có rồi. Nhưng sau vài tuần thì New York Times đã quyết định bỏ mục tranh hí họa trên ấn bản quốc tế, (để tránh lôi thôi). Điều này cho thấy khả năng kiểm duyệt to lớn của cái Siêu quyền lực ngăn ngừa những biểu hiện “chống Do Thái” ở Mỹ.
Tại sao có hiện tượng này? Trên đời khó mà có thể luôn luôn trả lời thỏa đáng câu hỏi tại sao. Nhưng nói chung chung là do cái quy luật tương tự như ở Tầu, thì không nên chỉ trích phê bình Tập Cận Bình, ở Việt Nam không nên đụng vào Nguyễn Phú Trọng, và ở Bắc Hàn thì nên cung kính tuân lệnh Kim Chính Ân.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 22 tháng 6/2019