Mê coi đá banh nửa thế kỷ với hơn chục lần World Cup, vô địch Châu Âu, tôi chưa bao giờ thấy thanh niên thiếu nữ những quốc gia vô địch truồng chạy, ấy vậy mà VN mới vào bán kết giải ao làng, những hình ảnh nhức mắt phơi bày nhan nhãn trên trên mạng; cũng chẳng dám có ý kiến gì vì VN quả là “vô địch” những trò lố không giống ai trên trái đất này.
Thôi trở về chuyện xưa của lứa tuổi thanh niên chúng tôi…
Cái lạnh đầu đông làm tôi nhớ cái Giáng Sinh se sắt không thể nào quên vào năm 1977.
Những đứa trong lớp học chừng 17 tuổi, chưa kịp vui với tuổi mộng mơ theo bài hát của ông Ns. Phạm Duy, thì một biến cố đã làm không ít bạn bè đệ tử viện Lasan của tôi đổi đời đi vào ngục tối. So với 75, thì lần này nó khốc liệt hơn nhiều, từ nhà Tu các bạn vào thẳng nhà tù; nhẹ thì 3 năm, dài hình như là 9 năm.
Mà lý do thì hơi lãng xẹt một cách lãng mạn… một chút. Đang hưởng chế độ tự do miền Nam, muốn ăn muốn nói ra sao thì ra, tự nhiên bị canh chừng, bị bó buộc trong từng câu nói, hành động… ngay cả tóc trên đầu cũng không yên thân. (Thú thật, qua Nhật bao nhiêu năm, tôi vẫn còn năm mơ thấy bị công an ngoắc vào lụi cái đầu trọc lóc). Ai chịu nổi! Do đó thấy ở đâu đồn đại có tổ chức ra truyền đơn chống đối thì cũng kiếm 1 tờ bỏ túi chuyền tay.
Thằng bạn tu chưa kịp chuyền tay coi nội dung “phản động” ra sao thì làm rớt trên sân trường, đúng lúc tên hiệu trưởng để mắt; thế là sau đó công an Thủ Đức lăm lăm súng ống vào trường dẫn đi. Cả lớp nháo nhác. Bầy phượng vĩ trở nên khác thường.
Hơn 30 năm sau, tôi tình cờ đọc được cuốn hồi ký của Frere An Nguyen về những sự kiện Lasan, trong đó có đoạn:
「“Mặc dù biến cố em Tiến bị bắt giam và coi như biệt tích đã 2 tuần qua, cộng thêm vài biến cố có vẻ như để “cảnh cáo” đã xảy ra trước ngày vui mừng trọng đại, nhưng Anh Chị Em và Thân Hữu LaSan quyết tâm tụ họp để, một lần nữa, “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời”, và nhờ đó mà chia sẻ hân hoan đón nhận “Bình An dưới thế cho người Chúa thương” tại nhà nguyện Đệ Tử Viện.
Ngót 200 người đã vang vang ca hát Đêm Đông... lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Đêm Thánh vô cùng, Trời hân hoan, đất tưng bừng vui ca, Cao Cung lên, v.v. Tôi vẫn còn nhớ mãi hai điều xảy ra trong Thánh Lễ hôm đó:
1. Lúc chúc Bình An cho nhau, trong khi ban nhạc chơi bài Jingle Bells... tươi vui ngót 5 phút, anh chị em tay bắt mặt mừng, đôi mắt rạng rỡ cười tươi, miệng mỉm cười êm ái thì thào : “chúc anh/chị/em Bình An của Chúa Giáng Trần”, và ai ai cũng đi đi lại lại gặp nhau, bất kể già trẻ, trai gái, quen biết hay không quen biết, ôi! cảm động làm sao!”」
Ký ức xưa vụt trở lại, “ban nhạc chơi bài Jingle Bells... tươi vui ngót 5 phút” mà Frere An nhắc gồm 2 ban. Ban đệ tử viện hòa tấu theo phong cách quen thuộc, trong khi ban nhạc học sinh thân hữu khối 12C, (được ké nhờ chơi thân với anh em đi tu) đánh theo kiểu đảo chủ âm sôi động ở các biến tấu, bắt chước Ventures. Tôi còn nhớ Lead guitar là Dũng, Bass Minh Tân (nhà có tiệm hớt tóc MT ở Tam Hà), tôi đánh accord và 1 bạn đệ tử viện cùng lớp chơi trống. Nhớ cả đời vì sau 1 thời gian dài mới rờ lại được cây đàn điện, thứ nhạc cụ xa xỉ của XHCN thời bấy giờ; để rồi sau Giáng Sinh, lần lượt các Frere như Frere Ánh, Frere Đào, Frere An, Frere Hồng, Frere Hà, Frere Thanh v.v… và các bạn cùng lớp như Minh, Thành, Thắng,D. Hoàng, L.Hoàng, Ngô Bình… bị bắt vô tù, kể cả có tội hay không. Cánh cổng đệ tử viện Lasan Thủ Đức khóa chặt, khóa luôn ước mơ tuổi trẻ chúng tôi. Hết gặp nhau từ đó. Guitar lead Dũng chết trong một chuyến vượt biên khi tuổi đời chưa tới 20 và Bass Minh Tân thì nghe nói đã qua đời vì cơn bạo bịnh lúc còn khá trẻ.
Để rồi 40 năm sau:…
「Tháng 8- 2016 một cuộc gặp gỡ diệu kỳ…
Hắn ta chạy tới chạy lui với nhiệm vụ điều hợp buổi lễ Mừng năm Thánh của GĐ tại Nhật, thỉnh thoảng bắt gặp một vài gương mặt lạ có ánh mắt quen quen trong số năm, sáu trăm người. Nói là lạ vì hắn biết chắc chắn những gương mặt đó không phải người Việt Nam định cư ở đây.
Ngày cuối cùng dọn dẹp, một chị bắt chuyện với hắn… có hai Frère (Sư huynh) gốc Nha Trang từ bên Mỹ qua chơi. Sư huynh gốc Nha Trang? Hắn là dân Nha Trang nhưng chỉ quen sư huynh ở Lasan Mossard Thủ Đức nên hỏi thăm qua loa: -Hai Frère còn đây không? Chị nói: Hình như ghé nhà người quen chơi rồi … Thế là không hỏi tới, hắn trở về Osaka.
Hôm sau, Một cú điện thoại từ Cha T. “Không chừng anh Huy biết Frère Thành”. -Hả, Frère Thành, bằng tuổi con không? Ừ, bằng anh đó…
Cảm giác lạ chạy qua người, vội lấy 1 tấm hình cũ gởi Cha. “Đúng rồi anh H”. –Trời ơi. Bạn học cùng lớp của con ở Lasan Mossard, vậy mà 2 ngày không nhận ra nhau.
Gọi điện thoại người quen lung tung ở Himeji để tìm bạn cũ, Chúa vẫn còn thương. Tiếng Frère ấm áp bên kia máy, kỷ niệm lớp 10C năm 75 của Mossard tràn ngập kéo về, từng thằng bạn cũ, từng người thầy thân thương; những sóng gió của biến cố một thời.
Hắn quyết định không so đo, 100 cây số hướng về lại Himeji, để ôm tuổi học trò 40 năm trước.」
Nhờ Frere Thanh Nguyen, 1 trong những nhân vật đi từ nhà Tu đến nhà tù (và cái hay của chàng là sau khi rời nhà tù chàng về lại nhà Tu); tôi gặp được không ít bạn bè đã cùng đi với Thành trong những ngày khốn cùng ấy như Minh ốm, L. Hoàng (không tu tiếp nhưng cũng trở thành ông cố như ai), Frere Thắng; cùng thằng bạn thân Mễ, cựu trưởng ca đoàn Thủ Đức, (hắn may mắn thoát khỏi nhà tù nhưng sau đó cũng bỏ nhà tu, chui vô nhà tù nhỏ hơn).
Cũng qua Facebook frere Thành mà tôi còn liên lạc lại những chàng trai từng đi tu để vào tù của vụ án năm xưa như D-Hoàng, Ngô Bình… và rất nhiều bạn bè mái trường Lasan cũ, kể cả những người đẹp học sinh trong quãng thời gian mộng mơ đầy giông bão.
Gặp nhau sau 40 năm, vẫn nụ cười hiền lành, không trách móc ai kể cả những tên quản giáo cay nghiệt, các bạn tôi, từ nhà tù trở về nhà tu, lại dấn thân tìm mở những con đường giáo dục theo tôn chỉ Lasan. Năm nay đúng 300 năm qua đời của vị Thánh tổ giáo dục; Giáo hội VN khai mạc năm thánh ơn gọi Lasan, tôi cầu mong giấc mơ các bạn tôi sẽ được trọn vẹn, thay cho năm tháng tội tù.
Có như vậy, may ra mới hình thành một thế hệ bớt điên bớt cuồng...
(Nhân dịp này xin mời bạn bè thưởng thức một sáng tác trữ tình của người bạn học từ nhà tu đến nhà tù… Frere Andrew Ho Quoc Thang; hình ảnh do người viết chụp vội mỗi lần tạt về quê, tặng cho những ai người N-T).