Có một khoảng trống của ký ức vụn vặt mà tôi chưa kể. Để trọn vẹn, xin tường thuật lại, là đã có một thời như thế với tuổi trẻ của tôi.
“Bầy phượng vĩ, cũng khác thường…
Nhỏ tia máu, trên con đường…" (Ngày tháng hạ… của Phạm Duy)
Cuối đoạn ký ức vụn vặt của thời học sinh, tôi kết bằng 2 câu nhạc đã viết cho một người bạn học vì có cảm giác, mỗi đứa sẽ tan tác một nơi và thê thảm như xác hoa phượng vĩ rơi rụng trên con đường đến trường…
Hè 78, tôi còn chơi được với mấy thằng bạn thân cùng lớp như Đông Lua, Tuấn Cò, Chiến Râu, Phi Thanh Cảnh… tuy nhiên chỉ có 3 đứa tiếp tục con đường bút nghiên nên hẹn nhau hàng ngày đạp xe lên nhà thầy Ánh (dạy toán, lý ở trường cấp 3 Thủ Đức) tận trong nội thành Sài Gòn (tôi quên mất tên quận) để học thi lên đại học. Từ Thủ Đức đạp khoảng 15 cây số tới nơi, học xong đạp về thêm cả tiếng nhưng vẫn không thấy mệt vì không khí trong lành, đường xá vắng bóng xe hơi và thỉnh thoảng mới có một chiếc “lam” hay chiếc “cúp” vụt qua… Tôi vẫn còn nhớ cuối dốc cầu Bình Triệu là quán cà phê vườn của gia đình một cô học dưới lớp mà thằng bạn Tuấn cò của tôi mê như điếu đổ. Bây giờ cho tiền chắc không dám lọc cọc đạp đi như ngày xưa vì khói bụi mịt mù và chẳng may bị xe ben hít cho một phát thì tiêu đời.
Tôi chọn trường gần nhà là Đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức để thi vào, tuy nhiên thiếu điểm “ưu tiên có công với cách mạng” nên coi như rớt. Đang rầu rĩ vì nếu không có trường, chắc chắn sẽ bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, thì một buổi tối, người đàn anh ở Lasan Mossard Vũ thanh Sơn, học ở Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức chạy tới nhà báo tin đã thấy tên tôi trong danh sách được chuyển sang trường anh. Mừng không tả xiết vì như vậy là thoát nghĩa vụ, mỗi tháng còn được 18 ký gạo và nhu yếu phẩm (chút đường, thịt) để sống và học. Phải 40 năm sau, tôi mới gặp lại anh Sơn trên Facebook để cám ơn thêm lần nữa và nhắc anh là tôi còn nợ chầu cà phê công anh đã dò tên cho tôi.
Tuy nhiên niềm vui chẳng chóng gang tay… tháng 1 năm 79, Việt Nam đưa quân vào Nam Vang hất Pon Pốt, lập chính phủ Hun Sen, Đặng tiểu Bình liền ra lệnh cho Việt Nam một bài học bằng cách tấn công biên giới phía Bắc. Cả nước tổng động viên… đám thanh niên miền Nam có gia đình dính dáng chế độ cũ VNCH, hoặc sinh viên đại học, cao đẳng trước giờ tưởng thoát thân, không dè bị bắt đi NVQS hết cho đủ quân số. Phải nói là bị bắt, vì lúc đó thâm tâm của tụi tôi không nghĩ mình là con người của chế độ CS mà vẫn là của VNCH, chỉ tạm đổi đời chờ ngày tái phục. Do đó hầu như ai cũng phản kháng không muốn trở thành anh cán ngố bộ đội…
Mặc dù không muốn, lệnh của huyện đội Thủ Đức vẫn xuống, tính tới tính lui, không muốn gia đình nội bị địa phương gây khó dễ nên tôi quyết định trình diện đúng ngày. Trường Việt Đức cấp cho cái giấy chứng nhận bảo lưu, đi nghĩa vụ sau 3 năm về học lại… Nhưng thâm tâm thì không biết có ngày trở lại hay không vì lúc đó tin các bộ đội miền Nam sang Campuchia bị phục kích, không chết thì cũng cụt chân do thứ mìn con cóc của đám tàn quân Pon Pốt Ieng Sary gài lại, làm chúng tôi nhụt chí không ít.
Thất thểu, tôi nhìn lại căn nhà Nội bảo bọc mình, ngậm ngùi đi ngang qua trường Lasan cũ, thổn thức cầu nguyện khi bóng dáng giáo đường Thủ Đức mờ khuất sau lưng… cuộc đời vô định bắt đầu.
Chúng tôi được đưa lên nông trường Dương Minh Châu (Tây Ninh) để huấn luyện 1 tháng… Đang bơ vơ vì không có bạn bè thì gặp cậu Tuấn “móm” (con thầy Lành Lasan) học dưới một lớp. Biết nhau vì Tuấn chơi với chú ruột của tôi và cũng thường đánh bóng chuyền với nhau trong trường nên cảm giác bất an vơi đi phần nào. Nói là huấn luyện cho oai chứ ở nông trường này, chúng tôi được chia thành các tiểu đội cầm cuốc như thanh niên xung phong chứ không cầm súng. Tôi cũng chả thắc mắc vì sợ súng. Ấn tượng duy nhất trong một tháng này là phụ các “chị nuôi” làm đồ ăn. Nhồi nắn bột mì của Liên Xô viện trợ xong, tôi giao các chị, mỗi người một cục ôm vào lòng rồi các chị ngắt ra từng viên nhỏ quăng vào nồi nước sôi ùng ục, thỉnh thoảng các chị dỡn nhau thay vì ném vào nồi thì ném vào người… dính vô áo quần hay rơi xuống đất, các chị lại gỡ ra cho lại vào nồi.Tôi bảo đảm quần áo các nàng chắc phải hơn một tuần mới giặt… nên món mì luộc hoàn thành xong, tôi nuốt không nổi.
Ngày được lệnh về đơn vị, chàng Tuấn móm biến đâu mất tiêu, tôi thì run vì không biết sang thẳng Campuchia hay đi về một nơi nào gần biên giới. Nói chung là cảm giác hồi hộp hơn đi vượt biên sau này. Buổi sáng khởi hành trên những chiếc GMC chật cứng còn được lưu dụng sau chiến tranh, tới chiều tối thì xe dừng lại ở một vùng rừng núi chập chùng, Các ánh mắt nhìn nhau… đây là đâu? Không ai có thể trả lời.
Cán bộ khung tiểu đội -A trưởng (Cách gọi tắt của bộ đội miền Bắc, A là tiểu đội; B là trung đội, C là đại đội, D là tiểu đoàn, E là trung đoàn) ra đón nhận chúng tôi rồi đưa về lán trại dường như mới được dựng xong, còn thơm mùi gỗ và lá. Giường trong lán được làm bằng tre nứa và vách phên cao khoảng tới đầu người, chỉ đủ che mưa tạt vào giường; nhưng khi có gió lớn hay bão chắc chắn sẽ ướt nhẹp ngay.
Mệt nhưng tối hôm đó tôi không tài nào chợp mắt, đây đó có tiếng thút thít… chúng tôi mới 18, 19 tuổi và hầu hết toàn là dân mặt còn búng ra sữa. Kiểu này mà ra chiến trường chắc sẽ thành những cái bia cho các họng súng oan nghiệt của bè lũ bá quyền Trung quốc. Cuộc đời 3 lần xa mái ấm gia đình. Lần đầu tiên là 10 tuổi, vào nội trú các Sơ Trinh Vương (Nha Trang), lần thứ 2 là 12 tuổi vô tiểu chủng viện Sao Biển, đi tu… hú; thấy chẳng có gì là sợ hãi cô đơn mặc dù còn bé. Nhưng lần này thì cả là một trời “tâm sự”!
Sáng hôm sau, chúng tôi được lệnh tập họp, gần 200 con người mặt mày dáo dác lo âu. Nghe thông báo là đơn vị chúng tôi thuộc E-16, Sư đoàn 3 Phước Long… Mẹ ơi, vậy là mình được đưa về Phước Long và cái sư đoàn này là sư đoàn “lịch sử” đã đánh vào Phước Long, gây ra sự sụp đổ của miền Nam VN. Nhưng không phải Campuchia là tạm thoát chết cái đã… Kế tiếp, tay chính trị viên tiểu đoàn thông báo, đơn vị có nhiệm vụ sản xuất để xây dựng nền kinh tế XHCN, cụ thể chúng tôi sẽ phá rừng làm rẫy, trồng cao su v.v… tức là đơn vị làm kinh tế chứ không đi uýnh nhau. Yên tâm rồi.
Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn tới chỗ lấy nước và phải gánh nước về gần lán trại của mình để dùng cho sinh hoạt nấu nướng hằng ngày, còn tắm thì có thể tắm ở dưới giếng nước đó. Đồng thời được lệnh, không được nói chuyện với bất kỳ ai ngoài người của đơn vị. Như vậy là có dân chung quanh… nhưng tại sao lại không được tiếp xúc… quân dân như cá với nước mà?
Những ngày sau, thắc mắc chúng tôi đã có lời giải đáp… bên kia khu vực giếng được ngăn cách bởi một hàng rào nứa thấp thoáng những bóng người trông không như dân cư bình thường, họ cũng xuống lấy nước gần đó và đào thêm giếng. Lựa lúc không có cán bộ, tôi làm liều cất tiếng hỏi…
-Mấy anh là Thanh niên xung phong hả? (một cách hỏi an toàn).
Một lúc sau… có tiếng: “tụi em có phải lính nghĩa vụ miền Nam”.
-Đúng rồi anh…
Oh tụi anh là dân bị đưa đi học tập đây.
Chỉ nghe vậy tôi biết các anh là sĩ quan quân lực VNCH.
-Trời vậy ở đây là trại cải tạo hả anh… tên gì vậy.
“Bù gia Phúc, Bù gia Mập… em”…
Đang nói chợt nghe tiếng quát bên kia: Ai cho các anh nói chuyện… tôi vội gánh thùng nước rút lẹ!
Cuộc sống của chúng tôi mặc dù có tiêu chuẩn gạo 21 ký nhưng đói triền miên, chúng tôi được quán triệt là gạo và nhu yếu phẩm được ưu tiên cho tuyến đầu, có nghĩa là Campuchia và biên giới phía Bắc. Còn chúng tôi phải tự sản xuất cải thiện với mớ bột mì viện trợ của Liên Xô; lại bánh bao nhân bột và bánh canh (làm từ bột mì) nước muối. Dân cư nghe nói cách chúng tôi khoảng 20km. Mỗi ngày có một chuyến xe từ Phước Long vào rồi chiều lại ra. Thỉnh thoảng trên chuyến xe có những người khách lạ, là những phụ nữ gương mặt hốc hác tay xách tay mang những thùng đồ thăm nuôi cho người chồng bên trại cải tạo. Lúc đó thấy ganh tị với các anh vì có người thân thăm nuôi chứ chúng tôi 3 tháng trời không một tin tức gia đình. Cũng nhờ trại này do bộ đội quản giáo nên đỡ hà khắc hơn các trại của công an; dần dần tụi tôi cũng được đám cán bộ khung làm ngơ cho nói chuyện với các anh mỗi lần lấy nước hoặc đi chặt lồ ô, tre nứa để về làm lán. Cứ mỗi lần như vậy, các anh lại dấm dúi cho tụi tôi ít miếng thuốc lào, chút đường, tí kẹo… Ôi tình người miền Nam trong cơn bĩ cực.
Sau khi quen nước quen cái, tôi tình cờ gặp người bạn tên Thông cùng D mà khác C. Nhà Thông sau trường Á thánh Gẫm, từng đi tu ở Don Bosco, cùng học khối lớp 10 với tôi ở Lasan Mossard sau 75 và cũng chuyển qua trường Đức Minh cấp 3 Thủ Đức năm 11, 12. Mừng quá đỗi, qua Thông tôi được biết còn có 4 thầy dòng Tên: Long, Hữu, Chiều, Mầm ở đơn vị gần đó. Thế là một cuộc hội ngộ của dân gốc Đạo diễn ra hết sức cảm động. Chúng tôi hẹn nhau những tối Chủ Nhật hay những dịp lễ trọng sẽ gặp nhau để chia sẻ nhằm củng cố thêm đời sống đức tin trong khung cảnh không khác gì tù đày. (Mới đây được tin cha Mầm đã trở thành giám tỉnh dòng Tên VN. Ôi, thật diệu kỳ).
Qua các buổi gặp nhau, chia sẻ lời Chúa và bàn thế sự… chúng tôi được biết, những người có đạo Công giáo hay có vấn đề về lý lịch, không được cầm súng mặc dù mang tiếng đi Nghĩa vụ quân sự. Nhà nước vẫn không tin tưởng “thành phần này” và đó là điều may mắn cho chúng tôi. Hên hơn nữa, khi trung đoàn có nhu cầu lập một đội văn công để đi trình diễn các buôn làng… những người có khả năng âm nhạc như thầy Long, Thông và tôi được tuyển vào đội. Tạm thời cầm đàn thay cho cầm cuốc… Và cũng nhờ vậy mà có một kỷ niệm đẹp với các anh sĩ quan đang bị “cải tạo”.
Chúng tôi tập dợt một số bài nhạc tủ, ban nhạc gồm tay trống tên Hùng, đệ tử của một danh trống Sài Gòn, hai tay chơi Guitar, 2 chơi Mandolin. Phụ trách “tốp ca” (danh từ hồi đó thay cho hợp ca) là thầy Long, đánh nhịp là Thông (nhờ tài múa tay này mà sau này Thông về làm ca trưởng Thủ Đức). Trưởng đoàn văn công là một cán bộ chuẩn úy ban tuyên huấn tên Trãi rất lịch thiệp và hiểu “vấn đề”. Thấy lực lượng còn mỏng quá, anh xin thêm 5 cô từ các ban hậu cần và văn thư… để hát và múa. Ngày các cô về ban… chúng tôi háo hức. Thì cứ tưởng tượng đi, trong rừng suốt mấy tháng chỉ toàn đực rựa, nay có bóng hồng, chẳng khác nào thấy ánh sáng cuối đường hầm…
Các cô cũng chỉ trạc tuổi tụi tôi. Dân Sài Gòn hết, hỏi tại sao lại đi nghĩa vụ, vì thời đó nữ không bị bắt buộc động viên, thì các nàng nói ra lý do hết sức cảm động: - Nữ đi thì xác xuất ngày về cao hơn nam, do đó hy sinh để anh hoặc em trai mình được miễn.
Hơn 1 tháng tập luyện, vô hình chung, mỗi anh nhận một cô làm em gái nuôi. Thấy tình cảm anh em càng ngày càng sâu đậm nên thỉnh thoảng thầy Long phải họp “nội bộ” với tôi và Thông để “cầu xin Chúa thánh thần” giúp cho đừng sa ngã. May mắn chúng tôi chỉ mơ mộng là nhiều chứ không dám “biến đau thương thành hành động”!
Sau khi chuẩn bị được một số tiết mục, chúng tôi đi trình diễn cho bà con sống ở khu gần biên giới như Đức Cơ, Bù Đăng, Bù Đốp, Sóc Bombo… khoảng 3 tháng trời. Và cuối cùng là một buổi biểu diễn đặc biệt mà tôi không bao giờ quên.
Khi được thông báo, chúng tôi sẽ làm một chương trình cho các anh đang “học tập cải tạo” trong trại quản giáo thì thay vì vui, tôi run thật sự. Run vì biết rằng, trong số các anh, có những tay chơi nhạc cự phách chứ không phải lèng phèng học sinh như chúng tôi. Vả lại, ca hát những bài mang tính cách tuyên truyền trước các anh thì mắc cỡ quá… nhưng lệnh trên, không chơi không được.
Thế là tôi xin phép tay trưởng ban văn công cho ban nhạc đánh một vài bài nhạc nhẹ Cuba và Đông Âu trước khi vào chương trình chính thức. Anh ta cười: -các cậu cứ chơi, ai biết đéo gì của Cuba hay Đông Âu…
Anh em ban nhạc liền tập dợt ít bài tình ca nhạc trẻ quen thuộc trước 75. Đêm trình diễn, có trên 100 anh, xôn xao vì là lần đầu tiên được mấy cậu bộ đội NVQS chơi nhạc cho nghe… “để xem tụi nó đánh cái giống gì”. Chắc trong đầu các anh sẽ nghĩ như vậy.
Chỉ có tiếng Guitar của tôi cất lên, câu dạo đầu của Après toi. Tiếng lao xao im bặt, không phải vì tôi đánh hay mà câu Intro này quá quen thuộc với những ai đã yêu không khí âm nhạc Sài Gòn. Có thể trong những lúc hòa đàn lén lút với nhau, các anh cũng đã chơi; nhưng đây là lần đầu tiên sau 4 năm các anh nghe lại âm thanh tưởng chừng đã mất đó ở một sân khấu nơi rừng thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy. Tôi ráng solo cho ngọt, trống và các tiếng đàn khác đã nhập vào, nghe đâu đây có người cất nhỏ tiếng hát theo, chắc anh đang nhớ da diết người yêu:
Désormais Tu vas m'oublier
Ce n'est pas de ta faute
Et pourtant tu dois savoir
Qu'après toi, Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre
Qu'en souvenir de toi…
“Từ nay trở đi, em sẽ quên tôi
Nhưng đó không phải lỗi lầm của em
Mà em ơi phải biết rằng,
Nếu vắng bóng em, tôi không thể sống, không còn được sống"…
Cầm đàn gần 6 tháng, chúng tôi được lệnh trở về đơn vị sản xuất. Đã định hướng được con đường rừng ra Phước Bình, tôi và một tay đàn rủ nhau “trở về bến mơ”. Trong một đêm không trăng, hai thằng lầm lũi rời lán trại đâm vào rừng, lội 20 cây số vượt qua những trạm gác bên ngoài; miệng thì thầm cầu nguyện đừng cho gặp cọp Phước Long (nổi tiếng thời đó). Tiếng hoãng hú nghe rợn người đêm khuya, thỉnh thoảng âm thanh bập bùng vang vọng từ một sóc thượng nào đó như đang ma chay, nhưng không làm tôi nao núng. Chỉ cần sơ sẩy phương hướng tôi sẽ lại quay về ngọn đồi của sư đoàn ngay. Theo lời các anh thuật lại, chưa có ai dám vượt tù, thoát khỏi khu rừng này. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại gan tới mức đó vì bình thường tôi là thằng chết nhát vô cùng.
Hình như có một sức mạnh đun đẩy tôi đi… để rồi trở thành "Đàn chim tha hương"!