Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Hàn, lần thứ hai, đã được tổ chức vào hai ngày 27 và 28 tháng 2 tại Hà Nội, Việt Nam, đã thất bại. Cả 2 phái đoàn đều không đưa ra được một bản thông báo chung. Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ, đã lên máy bay dời Hà Nội sớm hơn dự tính 2 tiếng đồng hồ, ngay sau một cuộc họp báo ngắn ngủi, bỏ cả bữa cơm trưa đã được nước chủ nhà dọn sẵn để khỏan đãi.
Hội nghị thương đỉnh lần này, có vẻ như hết sức quan trọng, được toàn thể thế giới quan tâm, vì ảnh hưởng tới tình trạng an ninh của toàn cầu. Khoảng 3,000 chuyên viên truyền thông trên thế giới đã tới Hà nội, ăn chực nằm chờ nhiều tuần lễ, trước khi hai vị nguyên thủ Hoa Kỳ và Bắc Hàn xuất hiện. Tổng Thống Donald Trump tới phi trường Nội Bài bằng Air Force One, và Chủ Tịch Kim Jong Un tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn bằng xe lửa.
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn lần thứ nhất, được tổ chức tại Singapore vào tháng 6 năm 2018, đã làm nhiều người lạc quan, vì 2 vị nguyên thủ đều đồng ý trên căn bản là giải trừ vũ khí hạt nhân, và gỡ bỏ lệnh cấm vận, cũng như trao trả hài cốt của những quân nhân Hoa Kỳ tư trận trong trận chiến Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, chỉ là đại cương, chưa đi xâu vào chi tiết.
Trong Hội nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Hàn lần thứ 2, ngày 27, trong phút đầu gặp gỡ, tay bắt mặt mừng của hai vị nguyên thủ quốc gia. một nhà báo đã hỏi ông Kim Jong Un: " Thưa Chủ Tịch, chủ tịch có đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân không?" Thì ông Kim đã trả lời liền:" Không đồng ý, thì tôi tới đây làm gì?" Tổng Thống Trump gật đầu, khen ngợi: "Đây là câu trả lời hay nhất!". Nhìn đoàn phóng viên đông nghẹt lẽo đẽo theo sau, Chủ Tịch Kim Jong Un nói với Tổng Thống Trump: " Thấy chúng ta gặp nhau, mọi người tưởng như đang xem phim viễn tưởng." Tổng thống Trump bật cười thích thú.
Sau cuộc thảo luận giữa Tổng Thống Trump và chủ tịch Kim, sáng ngày 28, đã có những bất đồng, không thể dung hòa được, nên không có bản thông báo chung được đưa ra. Tổng Thống Trump đã có cuộc họp báo ngắn, khoảng 1 tiếng đồng hồ ,tại khách sạn Metropole. Khởi đầu ông cám ơn Viet Nam đã đứng lên tổ chức một buổi đàm phán cho hai nước Hoa Kỳ và Bắc Hàn, sau đó Tổng thống Trump công bố lý do không đưa ra được một bản thông báo chung, , vì Chủ Tịch Kim đã đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ cấm vận trước, để đổi lại Bắc Hàn sẽ phá hủy một số những cơ sở hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý. Khi ông Trump đề nghị việc phá hủy các căn cứ hạt nhân, phải có sự giám sát của các chuyên viên Liên hiệp quốc, thì Chủ tịch Kim từ chối. Ông Trump kết luận: “Chúng tôi đã phải bước đi sau những bất đồng không dung hòa được. Thà bước đi, còn hơn ký kết một thỏa hiệp bất lợi".
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo của Bắc Hàn, được thông báo bất ngờ, vào lúc nửa đêm 28/1 – rạng sáng 3/1, Chủ Tịch Kim không ra mặt, chỉ có Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-Ho đọc một bản thống báo ngắn, nội dụng là: “Chúng tôi chỉ yêu cầu xóa bỏ một số chứ không phải tất cả các lệnh trừng phạt. Cụ thể, chúng tôi đề nghị xóa bỏ 5, trong số 11 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Năm lệnh này được áp dụng từ năm 2016-2017. Đây là những lệnh trừng phạt tác động tiêu cực tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Đây cũng là bước tiến lớn nhất mà chúng tôi có thể chấp nhận được về phi hạt nhân hóa trong giai đoạn này, dựa trên sự tin cậy giữa hai nước”. Buổi họp báo, không có phần đặt câu hỏi và trả lời cho giới truyền thông.
Khi ông Trump lên máy bay dời Hà nội, thì ông Kim Jong Un còn ở lại Việt Nam thêm 2 ngày để quan sát mô hình cải cách kinh tế của VN. Ông dời Viện Nam sáng ngày 3/3 tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, đáp xe lửa về nước, sau khi đã nồng nhiệt hứa hẹn sẽ hợp tác với VN trên mọi lãnh vực.
Thái độ "bước đi của Tổng Thống Trump đã được các lãnh đạo trong quốc hội Mỹ khen ngợi. Điêu bất ngờ, là có rất nhiều nghị sĩ đảng Dân Chủ cũng lên tiếng hoan nghênh thái độ của ông Trump. Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer phát biểu trước các thương nghị sĩ hôm 28 vừa qua:" Tổng Thống Trump đã làm điều đứng đắn khi dời khỏi cuộc đàm phán với chủ tịch Kim Jong Un, và không chấp nhận ký kết một thỏa thuận bất lợi. Tôi đã luôn lo sợ rằng, ông ấy sẽ làm như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh ông ấy đang phải chịu nhiều áp lực bủa vây." Áp lực mà ông Chuck Schumer nói, đây là vụ luật sư Michael Cohen của ông Trump đã ra điều trần trước quốc hội, và khai những điều bất lợi cho ông Trump. Bà Nancy Pelosi cũng dành lời khen ngợi hiếm hoi cho Tổng Thống Trump:"Thật tốt, là Tổng Thống Trump đã không cho ông Kim bất cứ điều gì, trước những khoản nhượng bộ ít ỏi của họ."
Theo tin của Bloomberg, ngay sau khi cuộc đàm phán thất bại, thị trường chứng khoán tại các nước châu Á, Thái Bình Dương như Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, và Việt Nam bắt đầu chao đảo và tuột dốc thấy rõ.
Để đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn lần thứ 2, giới chuyên gia nhận xét rằng:
Hoa Kỳ và Bắc Hàn đều thất bại, không đạt được thành quả mong đợi. Tuy nhiên ông Trump, vốn là một doanh nhân, đã mau mắn đem về cho Mỹ 2 hợp đồng béo bở của 2 hãng hàng không Vietjet và Bambou Airways của Việt Nam, đặt mua trên 100 máy bay của hãng Boeing, trị giá khoảng 15 tỷ dollars. Bắc Hàn là một nước nghèo đói, không có kế hoạch phát triển và cải cách kinh tế cũng như công nghiệp, chỉ sống nhờ vào viện trợ từ các nước khác. Bao nhiêu lợi tức quốc gia đổ dồn vào phát triển vũ khí hạt nhân và đầu đan nguyên tử để hù dọa các nước khác. Trước khi lên đường dự đại hội, Kim Jong Un đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc cầu cứu giúp đỡ về kinh tế, vì hiện nay trong nước thiếu hụt thực phẩm, mọi người đều bị cắt giảm khẩu phần lương thực tới mức tối đa.
Được lơi nhất, là Việt Nam, nước chủ nhà, được toàn thế giới biết đến. Để các nhà lãnh đạo có cơ hội khoe với nhân dân, là đảng có khả năng lôi kéo được thế giới về với nước ta. Để cho nhân dân Việt Nam có thể tự hào và vui mừng như khi thắng trận "bóng đá". Với sự hiện diện của 3,000 phóng viên trên thế giới, tới trước nhiều tuần lễ, VN đã có cơ hội tổ chức những chuyến du lịch ngắn ngày, giới thiệu các danh lam, thắng cảnh và các thức ăn đặc sản của Việt Nam, mang lại nhiều ngoại tệ .
Thiệt thòi nhất là Tổng Thống Nam Hàn, Moon Jae- in. Từ nhiều tháng trước, ông đã nỗ lực, xây dựng tình hữu nghị tốt đẹp với Bắc Hàn. Nội các của ông đang bận rộn làm kế hoạch viện trợ kinh tế cho Bắc Hàn như đã hứa hẹn, hình thành việc xây dựng chuyến xe lửa "liên Triều" để tiết giảm thời gian, và phí tổn trong việc chở hàng hóa và thực phẩm viện trợ tới Bắc Hàn. Việc thất bại của cuộc đàm phán giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Kim, đã khiến TT Moon Jae-in phải giật mình và đau đầu. Ai cũng biết, Nam Hàn không thể tự ý gửi đồ cứu trợ tới Bắc Hàn nếu không được sự đồng ý của Hoa Kỳ. Tổng Thống Moon Jae-in đã vội vã gọi điện thoại nói chuyện với Tổng Thống Trump ngay khi ông Trump lên phi cơ trở về nước.
Có lẽ trong tương lai, Tổng Thống Moon Jae- in sẽ là một trung gian hòa giải tích cực cho 2 phía.
Trung Quốc là tác nhân "thọc gậy bánh xe", "ném đá dấu tay" trong việc thất bại của lần đàm phán kỳ này. Ai cũng biết tháng 1 năm 2019, Kim Jong Un đã qua Bắc Kinh họp với Tập cận Bình trước khi qua họp với TT Trump ở Hà nội vào cuối tháng 2. Trong cuộc họp báo trưa ngày 28, Tổng Thống Trump đã kín đáo nhắc tới ảnh hưởng của TQ lên Bắc Hàn, vì từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã viện trợ tới 93% cho kinh tế của Bắc Hàn, Bởi vậy, không lấy gì làm lạ, nếu Kim được dùng như một quân cờ trong cuộc chiến giao thương Mỹ-Trung còn chưa ngã ngũ. Hiện nay TQ đang gặp nhiểu khó khăn. Kể từ khi có chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ, nền kinh tế Trung Quốc đã sút giảm 6.6%. Nay phải cưu mang thêm Bắc Hàn và Venezuela. Canada hiện đang tiến hành thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chánh của Huawei về Mỹ, theo lời yêu cầu của Hoa Kỳ, mặc cho Trung Quốc mạnh mẽ phản đối. Lưu Hạc, cánh tay mặt của Tập Cận Bình được gửi tới Hoa Kỳ vào cuối tháng 2, để đàm phán về mậu dịch, trước thời hạn đình chiến 3 tháng sắp chấm dứt. Hoa Kỳ đã đòi hỏi TQ phải bỏ thuế đánh trên các nông sản Hoa Kỳ như đậu nành, dầu ăn, bột mì, thìt bò, thịt gà...Phía Trung Quốc đã nhân nhượng nhiều điểm, khiến TT Trump cho gia hạn thêm thời gian trước khi áp thuế 25% trên 200 tỷ hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Thế giới ngày hôm nay, dầy đặc những xáo trôn. Người ta tự hỏi, sau thất bại trở về, liêu Bắc Hàn lại tiếp tục thử vũ khí hạt nhân nữa hay không? Cuộc đối đầu của 2 vị TT của Venzuela, với sự chống lưng của các cường quốc, sẽ đi về đâu? Cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kết quả sẽ ra sao? Cuộc đối đầu ngoài biển đông, với sự mới gia nhập của hải quân Anh Quốc, có làm TQ chùn bước hay không? Chuyện đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia, bao giờ được giải quyết? Cuộc chiến Syria còn đang ngổn ngang, nay lại thêm trận chiến giữa Ấn Độ và Pakistan, có cơ nguy bùng nổ.
Còn lâu mới có chuyện toàn cầu hóa, hay sống chung hòa bình trên thế giới.
Hoàng thế Hiển
02/19