Chiều nay lái xe từ sở làm về nhà, mở radio một chương trình Việt Ngữ, được nghe phần chót bài viết của một sĩ quan thuộc đơn vị thủy quân lục chiến kể lại câu chuyện hỗn loạn trên đất nước vào cuối tháng 4 năm 1975 và sự kiện ông ấy cùng gia đình xuống tầu hải quân di tản. Trời mùa đông lạnh lẽo nhưng mắt sao bỗng cay xè.
Hình ảnh các xe cam nhông quân đội đổ xuống từ các ngã Phan Thanh Giản, Công Lý hay Phú Nhuận vào các ngày cuối tháng 4 năm 1975 với những người lính hốt hoảng chạy vào các nhà dân xin quần áo dân sự để mặc thay cho những bộ quân phục lại trở về trong ký ức. Áo quần lính vất la liệt trước ngã tư Yên Đỗ, Huỳnh Tịnh Của. Thương cho dân tộc Việt Nam. Thương cho những quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã ở lại trên đất nước. Với những người này, không chỉ những người còn sống, ngay cả những người thương phế binh hay những người đã nằm yên dưới lòng đất, tất cả đều phải chịu chung số phận hẩm hiu do chính sách trả thù tàn nhẫn của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam ngày đó.
Thương phế binh thì bị đuổi ra khỏi nhà thương không cần biết tình trạng sức khỏe ra sao. Các sĩ quan viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì bị đẩy vào các trại tù cải tạo, sống dở chết dở. Ngoài đời các người dân liên quan đến chế độ VNCH nhưng không phải đi tù cải tạo thì cũng đều bị trả thù, trù dập. Nhà cửa, tài sản của những sĩ quan viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều bị tịch thu. Vợ con của họ thì bị mất việc, cấm đi học, và bị đẩy đi lao động ở các vùng kinh tế mới. Tất cả đều theo lý lịch để giải quyết. Các cuộc đánh tư sản mại bản và rồi tiểu tư sản đã khiến người dân lao đao, sống mà như chết. Các cán bộ cộng sản mang tâm trạng của những kẻ chiến thắng tha hồ mà hành hạ, trả thù và bức hiếp người dân miền Nam. Các nghĩa trang quân đội đều bị chính quyền Việt Cộng ra lịnh đập phá. Cốt xương của các ngôi mộ không có thân nhân đến nhận đều bị cho tiêu hủy.
Nhắc đến quá khứ không phải là để nhắc đến lòng hận thù. Bởi vì nỗi đau đớn nào theo thời gian rồi cũng nguôi ngoai. Nhưng nhắc đến quá khứ rồi nhìn sang hiện thực của đất nước sau gần 40 năm ra đi sinh sống tại nước ngoài mà thấy lòng xót đau. Thương cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc cần cù, thông minh, anh dũng mà sao nay tương lai quá mịt mờ. Những sự phát triển mà các báo đảng cứ khua chiêng gõ trống ca ngợi trong suốt mấy chục năm qua, như sự phát triển giầu sang của một thiểu số kinh doanh thuộc đảng hay thân đảng, so sánh với thực tại nghèo nàn của đại khối dân tộc, thật sự ra chỉ là những thành quả nhỏ giọt, quá ít ỏi so với nhu cầu cần phải vươn phải phát triển lên của cả một dân tộc so với các dân tộc khác trong khu vực và thế giới toàn cầu.
Chính quyền hiện tại đã không bảo vệ được đất nước trước sự lấn đất lấn biển của ngoại bang Trung Quốc mà lại còn cúi đầu chấp nhận sự bảo hộ của chúng để giữ lấy quyền lực độc đảng, không che chở được đồng bào trước những sự bức hiếp tham nhũng của cán bộ đảng, không chăm lo, bảo vệ được tương lai tuổi trẻ Việt Nam.
Trên 40 năm qua, từ ngày chế độ cộng sản ngự trị trên đất nước, với cái nhìn thiển cận, đa nghi, và đầy hận thù của những kẻ tự xưng “đỉnh cao trí tuệ loài người”, quê hương Việt Nam đã chịu đựng biết bao nhiêu thảm trạng.
Trẻ em trở thành những món hàng buôn bán tình dục. Phụ nữ sẳn sàng bán thân cho đồng tiền. Sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đúng khả năng, phải chạy xe ôm hay xuất cảng lao động theo chính sách nhà nước. Vào bịnh viện thì người dân phải trả tiền lót tay cho hàng chục dịch vụ trước khi được chữa trị. Khắp nơi không gian ô nhiễm. Xã hội băng hoại đạo đức. Các đảng viên trong khi đó trả tiền mặt một lần 5, 6 chục ngàn đô la Mỹ cho những chiếc xe hơi đời mới, hay vung tay trả hàng ngàn đô cho những cuộc vui qua đêm.
Tại một cuộc hội thảo giáo dục do Liên Hiệp Các hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 11 tháng 12 năm 2018, các nhà giáo đã cho biết “Ngành giáo dục Việt Nam còn bất cập và lộn xộn do quá nhiều cải cách, thay đổi.” Và, “đồng tiền sẽ quyết định việc đưa sách giáo khoa vào giảng dạy trong nhà trường, bởi sẽ có các cuộc chạy đua để đọc duyệt, giống như cơ sở kinh doanh đưa đồng phục, sữa vào trường.” Các phụ huynh thì than thở các trường họp bắt đóng quá nhiều chi phí. Sự việc khiến một số các học sinh phải gián đoạn việc học vì gia đình đã không kham nổi chi phí tiền học của các em.
Nhà nước cộng sản Việt Nam trong khi đó lại thành lập các quỹ hỗ trợ cho người Việt nước ngoài, như mở ra các lớp dậy tiếng Việt ở nước ngoài, đưa giáo viên từ trong nước ra hải ngoại để dây tiếng Việt, giúp trẻ em người hải ngoại duy trì tiếng Việt. Nhìn về trong nước, người hiểu việc không khỏi đặt câu hỏi: Thưc hiện những việc làm này, lãnh đạo Việt Nam vì tương lai của người Việt hải ngoại hay vì muốn mua chuộc người Việt hải ngoại và lấy tiếng cho Đảng?
Với không thiếu những chương trình Việt Ngữ do các tổ chức thiện nguyện trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã thực hiện trong nhiều năm qua kể từ ngày mất nước để duy trì tiếng Việt cho các trẻ em hải ngoại. Với số tiền trên 10 tỷ ngoại hối mà người Việt hàng năm đã gởi vào trong nước để giúp đỡ thân nhân. Người trong nước hay người hải ngoại mới là thành phần mà lãnh đạo Việt Cộng cần chăm sóc, quan tâm?
Hỏi để rồi trả lời: Người dân trong nước mới chính là đối tượng cần đến sự quan tâm và hỗ trợ của đảng và nhà nước Việt Cộng hơn hết để phát triển tương lai và cuộc sống chứ không phải là người hải ngoại. Chỉ có một thứ mà đảng và nhà nước Việt Cộng có thể mua chuộc người dân hải ngoại để nghĩ tốt về họ. Đó chính là sự phát triển toàn diện cho tương lai người dân trong nước.
Đúng thế, bốn mươi bốn năm nhìn lại, đất nước Việt Nam ngày nay đang băng hoại, kiệt quệ, dân tộc đau khổ vì chính sách độc đảng độc tài. Không thể chần chờ lâu hơn nữa, Việt Nam cần có sự can đảm thay đổi toàn diện về cơ chế, chính sách. Chỉ có thế dân tộc mới có thể vươn lên, toàn dân tộc mới có điều kiện chung vai sát cánh để chấn hưng dân khí, dân trí, xây dựng đất nước. Một chính quyền nhân bản, đầy đủ tài đức, biết lo cho dân và do dân bầu lên sẽ là một chính quyền có khả năng hội tụ sức mạnh toàn dân tộc để cùng nhau đưa đất nước đến bến bờ vinh quang hạnh phúc.
Tuệ Vân
Ngày 6 Tháng 3 năm 2019