Cách đây vài tuần, một quan to của “quân ta” đã hùng dũng khoe khoang: kiều hối của năm 2018 đã đạt mười mấy tỷ US, riêng thành phố mang tên xác người cũng xít xao 5 tỷ. Số kiều hối “khủng” này là do “khúc ruột ngàn dặm” gửi về để ..... “chấn hưng xứ sở, phát triển quê hương” góp phần “xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Phát triển thế nào và chấn hưng thế nào thì chả cần suy nghĩ, tìm hiểu cũng thấy... đầy đường. Nhà cửa “hoành tráng” san sát nhau nằm cạnh những cây cầu, con đường chưa dùng đã hỏng, đây đó đầy tiếng oán than của người dân khi bị cướp đi nương khoai bãi sắn và còn nhiều nhiều nữa. Ha Ha nghe xong muốn chửi thề.... “Đi Mua Cơm Sườn”.
Mời bạn ta đọc suy nghĩ của Lê Thiệp nói về “kiều hối”, tuy cũ nhưng vẫn còn mới toanh trong tình hình hiện tại.
Vũ Đăng Khuê
----------------------------
Nội lực kiều hối
Sau hơn hai chục năm thỉnh thoảng tôi vẫn mơ cái giấc mơ hãi hùng đó. Khi thì hai ba công an đội nón cối đến còng tôi lôi đi xềnh xệch. Khi thì dăm ba bộ đội dép râu đuổi tôi, ngã lên ngã xuống, có khi ngập lụt trong bùn không ngóc đầu lên được.
Khi tỉnh, phải một hồi lâu tôi mới định thần được rằng tôi đang yên ấm ở một nơi cách xa chế độ đó nửa quả địa cầu. Tôi kể lại giấc mơ thì vài người nói tôi chỉ sợ hãi vớ vẩn, chế độ bây giờ đã cởi mở, lo cho dân cho nước và nhất là ưu đãi những người Việt Nam ở hải ngoại.
Thật là cảm động.
Ưu đãi mới nhất là Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam. Điều này được xác định rõ ràng bằng nghị định 81 của chính phủ hẳn hòi.
Tôi cũng luống tuổi, cũng toan về lại quê hương sống nốt quãng đời còn lại và mai mốt gửi cái thân tàn nơi chôn nhau cắt rốn, nên hăm hở bàn với vợ con, xem có nên chắt bóp để kiếm một căn hộ chăng? Vợ tôi cười hỏi thế hết sợ Việt Cộng rồi à? Tôi cãi nhà nước ta cởi mở, kinh tế thị trường, hiệp ước thương mại bây giờ khác xưa. Vợ tôi cười:
- Thế có nhớ vụ hiến nhà?
Nguyên là khi nhận được giấy bảo trợ, bà mẹ tôi phải đi lo giấy tờ trong đó có khoản văn tự nhà đứng tên tôi. Các ông ở trên quận, ở Sở Nhà Đất nói nếu bà muốn đi thì phải trả tiền thuê căn hộ kể từ lúc tôi rời khỏi Việt Nam.
Tôi phải gửi thêm ít tiền để bà trả tiền thuê căn nhà của tôi giao cho nhà nước giữ. Xong xuôi các ông ở trên quận bảo bà phải ký giấy hiến nhà cho nhà nước thì mới được đi. Bà cãi rằng bà không đứng tên trên văn tự nên không được bán căn nhà thì bà đâu có tư cách pháp nhân để ký hiến nhà? Các ông ở trên quận bảo bà có muốn xum họp với con không? Mẹ tôi đành ký.
Dẫu sao chuyện cũng qua rồi, hẳn lần này khác và tôi tìm đọc các văn bản pháp lý về chuyện chính phủ cho phép tôi về quê mua nhà.
Nhưng khi đọc Điều 5 Nghị định 81 thì chưng hửng. Tôi không được quyền mua nhà đất ở quê tôi vì tôi không phải là người trực tiếp đầu tư lớn ở Việt Nam, không phải “người có công với cách mạng”, người có thành tích đóng góp trong “sự nghiệp giải phóng đất nước,” người tuy ở nước ngoài nhưng có công đóng góp với các tổ chức đối ngoại, hoặc là “nhà văn hóa khoa học được phong hàm” đã làm việc lâu năm ở Việt Nam, chuyên gia được chính phủ mời về làm chuyên gia...
Tôi chỉ là phó thường dân cặm cụi cày bừa cố mong tạo một đời sống giản dị đủ ăn đủ mặc làm sao được liệt vào danh sách trên? Ngay cả quí vị Việt kiều được quyền mua nhà cửa cũng phải có một lô những giấy tờ lỉnh kỉnh khác trong đó có “giấy chứng nhận mất quốc tịch Việt Nam.” (Không hiểu đi đến cơ quan nào - ở Việt Nam hay ở quốc gia đang cư ngụ - để xin cái giấy chứng nhận ly kỳ này?) Nghị định cũng nói rõ ai có nhà bán mà bán “sai đối tượng” sẽ nhận những hậu quả pháp lý theo luật lệ qui định. Không hiểu những hậu quả này ghê gớm đến mức nào.
Khi bình luận về nghị định này, báo Kinh Tế Sài Gòn còn hồ hởi trích dẫn lời quan chức Vụ Pháp Chế nói rằng mới đầu chỉ đề nghị thí điểm ở Hà Nội và Sài Gòn (tôi muốn nói thành phố Hồ Chí Minh) nhưng chính phủ vì yêu thương Việt kiều muốn “thực hiện một chính sách ổn định lâu dài với Việt kiều” nên đã ban hành Nghị định 81 này.
Tóm lại, tôi không thuộc thành phần Việt kiều được coi là trong sáng để về quê hương mua nhà sinh sống.
Tôi buồn vô cùng nhưng may quá chính phủ vẫn còn để ý đến tôi nhiều vì tôi đứng trong dạng có dính líu đến kiều hối. Kiều hối hiểu nôm na là tiền của người Việt Nam sống ở ngoại quốc gửi về giúp đỡ người thân. Đây là chữ mới của chế độ được phát minh do thực tiễn của đời sống.
Theo thống kê của chính phủ thì chỉ riêng trong năm 2000, tổng số ngoại tệ của quân ta gửi về cho bà con ruột thịt là 1 tỷ 757 triệu đô. Con số này năm 1998 là 950 triệu, năm 1999 là 1 tỷ 2 và dự trù cho năm 2001 là hai tỷ Mỹ kim. Số tiền thu được chiếm 13% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều đáng chú ý nơi đây, khoản kiều hối này là tiền chùa, tạo ra do mồ hôi nước mắt của đa số thành phần không được quyền mua một căn hộ ở Việt Nam. Báo Kinh Tế Sài Gòn bảo “nhà nước nhìn nhận kiều hối như một nội lực cần phát huy!”
Cách nói văn vẻ trên có thể được diễn tả một cách nôm na ra rằng nhà nước ta tìm mọi cách để mõi thêm tiền của những người như tôi và bạn.
Hiện tại ở Việt Nam có hơn 100 cơ sở lớn nhỏ lo phụ trách vụ mõi đô-la này, trong đó là 64 ngân hàng và 42 tổ chức kinh doanh. Phục vụ cho 100 cơ sở này là một mạng lưới nhằng nhịt từ nam chí bắc, từ quê ra tỉnh. Bạn có thấy bây giờ gửi tiền về giúp người thân vừa dễ, vừa nhanh, vừa rẻ không? Đó là công của chính phủ và đầu óc cởi mở khoan hồng của nhà nước đối với Việt kiều.
Thống kê cho thấy hiện có 1 triệu 120 ngàn người Việt ở Mỹ - khoảng 400 ngàn gia đình - và mỗi năm chúng ta gửi về Việt Nam hơn 1 tỷ Mỹ kim, đổ đồng mỗi gia đình gửi về khoảng 2500 Mỹ kim một năm.
Nhà nước theo dõi rất sát các con số kiều hối và đưa ra một thí dụ điển hình: công ty VinaUSA có 12 ngàn gia đình gửi tiền chia ra làm ba đợt gửi, một đợt gửi trung bình 580 đô, vị chi là 1 ngàn 740 đô một năm.
Cái khoản 2 tỷ đô la tiền chùa chảy vào Việt Nam là một món hàng béo bở nhưng chính phủ ta sáng suốt nên đang có một biện pháp được dự trù. Sau khi bãi bỏ thuế lợi tức trên khoản tiền ngoại hối, giảm giá chuyển gửi, bỗng chính phủ thấy đô-la nhiều quá ở thị trường tự do có nhiều ảnh hưởng “xấu” không kiểm soát được như tình trạng đô-la hóa kinh tế, hai thứ tiền được xử dụng song hành, đầu cơ ngoại tệ và khi kinh tế xuống dốc, đồng bạc tụt thang dân chúng đem đô-la dấu biệt.
Trước những nan đề này chính phủ ta đang có biện pháp sáng suốt là từ nay tiền gửi về Việt Nam phải được phát hoàn bằng đồng bạc. Biện pháp chưa áp dụng ngay vì ngại các phản ứng chưa tiên liệu được nhưng là một đề án hàng đầu của các chuyên viên kinh tế tài chính của chính phủ ta.
Trong khi chờ đợi, kiều bào cứ tiếp tục nhận sự cởi mở khoan hồng của chính phủ, lo gửi tiền về Việt Nam giao trả bằng đô-la hẳn hoi.
Nhưng cái ông Bin Laden cũng hại chính phủ ta thấy rõ. Cái công ty Vina USA ở Mỹ thú nhận rằng sau vụ khủng bố, số tiền gửi về sụt thấy rõ, giảm đi từ 30 đến 40 phần trăm. Nay thì chính các cơ quan kinh tế tài chính xác nhận nước Mỹ đang ở cảnh recession - suy thoái kinh tế - không biết đồng bào ta ở quê nhà có bị ảnh hưởng lây chăng?
Ông Thế Giang vốn trưởng thành ở trong lòng chế độ và khi đi ra được, ông có viết cuốn tiểu thuyết Thằng Người Có Đuôi, mô tả cảnh ông lúc nào cũng có cảm tưởng như mình bị thiên hạ nhìn như một cán bộ cộng sản, một người có cái đuôi mác-xít, cái đuôi khỉ. Sau khi viết xong tác phẩm này, có thể ông đã giải tỏa được niềm ám ảnh, cái đuôi đã cụt và nay ông là người bình thường nên không thấy ông viết lách gì nữa.
Tôi cũng cố để không còn mơ những giấc mơ kinh dị nữa. Nhưng xem ra nhà nước ta, chế độ ta vẫn chưa quên tôi, vẫn tính nơi tôi cái khoản kiều hối thỉnh thoảng gửi về giúp người thân. Thật là đáng hãnh diện khi vẫn được chế độ chiếu cố dù sau hơn hai mươi năm xa cách.
Lê Thiệp