Từ những ngày còn bé xíu, học lớp tư hay lớp năm gì đó, tôi đã biết rằng có ngày tết Tây khác với ngày tết Ta. Tôi nhớ vì tôi là một trong mấy đứa học trò trong lớp được thầy giáo chọn cho đi cùng để đi tết ông hiệu trưởng. Thầy giáo tôi tên là thầy giáo Nhu. Ông Hiệu trưởng thì tôi không nhớ tên mà chỉ biết ông là người Tây. Nhưng nhớ nhất, cho tới bây giờ là vì tới nhà ông hiệu trưởng lần đầu tiên được uống nước cam mầu vàng ở trong chai mà vị ngon ngọt lăn tăn thích thú vô cùng tận, mong được uống nữa nhưng chẳng bao giờ được, cho tới mãi mấy năm sau “về tề” ra Hà nội, đi học lớp nhất, nghĩa là đã “lớn” rồi, mới có dịp để mà uống lại cái nước ngon tuyệt hảo đóng chai đó, và biết cả tên tây của nó là orangeade.
Mở ngoặc rằng là nhà tôi vốn nghèo, rất nghèo, nên dù biết nó chăng nữa thì cũng chỉ năm thì mười họa mới được uống, vào những dịp tiệc tùng, đám giỗ đám cưới. Chứ không dám tự bỏ tiền ra mua, “vì đắt” thấy “phí phạm” phải để tiền dùng vào những việc khác cần thiết cho đời sống. Nói chung thì ngay cả thời ở Sàigòn VNCH, đồ uống hàng ngày của tôi chỉ là nước đun sôi để nguội, chứ không phải là các thứ nước ngọt cam, táo, pepsi, coca, vân vân đủ loại đựng trong các cốc giấy kèm theo các thực phẩm mua trong các quán hàng làm nhanh như McDonald, KFC để cho khách hàng nốc ừng ực.
Cái ấn tượng đầu tiên về tết Tây đối với tôi chỉ là kỷ niệm hồi nhỏ như thế.
Mãi khi sang Mỹ du học thì mới thấy cái ngày tết Tây là ngày người ta say sưa ồn ào chấm dứt một chuỗi những ngày cuối năm mua sắm mà bắt đầu từ lễ Tạ Ơn Thanksgiving. Dù sao, thì trong dịp cuối năm này tôi cũng vẫn chỉ có cảm giác của người đứng ngoài quan sát, nhưng không tránh khỏi bị choáng ngợp vì đèn đủ mầu sắc rực rỡ trên cây, trước nhà, trước cửa hàng. Và cảnh hang đá chúa sinh ra đời được dựng lên trước tư gia cũng như trước các công sở. Nếu mà đi coi các phố xá thương mại thì nhạc giáng sinh luôn luôn không dứt tuồn vào tai.
Nhưng tình trạng hang đá trước công sở và nhạc giáng sinh không dứt này đã không còn nữa khi tôi trở lại Mỹ tị nạn sau chuyến vượt biển sống sót thập niên 1980, khi truyền thông giòng chính có những tiếng nói than phiền, rằng tự do tín ngưỡng thì được nhưng cũng phải tôn trọng những người không tin đạo Chúa, không tin đức Mẹ đồng trinh Maria, để cho tai họ khỏi bị nhức vì nhạc liên tục, và quảng trường công cộng không thể là chỗ phô trương tôn giáo, quảng cáo cho một đạo. Luận cứ này làm cho tôi nhớ lại lễ giáng sinh đầu tiên trong trại cải tạo ở Long Khánh. Một số cải tạo theo Công giáo bàn nhau tụ họp cầu nguyện uống trà hút thuốc lúc nửa đêm. Thì quản giáo giải thích rằng nhà nước không cấm kỷ niệm giáng sinh nhưng trong trại còn những người không theo đạo, cần được ngủ yên để sáng có sức đi lao động, cho nên phải tránh tụ họp làm ồn ào lúc nửa đêm. Lúc đó các tù cải tạo ai cũng biết rằng đó là một cách cấm làm lễ Giáng sinh. Nhưng ở Mỹ, chẳng có ai nói gì đến những phàn nàn trên truyền thông về sự ồn ào kỷ niệm của lễ Giáng Sinh. Vì hiểu rằng đó là tiếng nói khuyến cáo tinh thần “phải đạo chính trị” tránh lấn lướt, hay đụng chạm người khác biệt với mình, từ xu hướng tình dục đến xu hướng tín ngưỡng. Hệ quả là Công giáo không còn tạo được ấn tượng là tôn giáo bao trùm vào tháng 12, dịp Giáng Sinh nữa. Các thiệp mừng đa số đã trở thành Holidays season, mùa mua sắm- chứ không chỉ còn một kiểu là Merry Christmas Happy New Year nữa. Lý do truyền thông nêu ra là bởi còn có những ngày đại lễ sắc tộc khác. Như ngày lễ Kwanzaa cho dân Mỹ gốc Phi châu được bắt đầu từ năm 1966. Ngày lễ Hồi giáo nhân một tháng nhịn ăn Ramadan cũng vào tháng 12, nhưng hiện nay không còn được nói tới bao nhiêu. Và ngày đại lễ Hanukkah kỷ niệm ngày Do Thái giải phóng Jerusalem, mà tổng thống Trump đã mở tiếp tân mừng trịnh trọng.
Bỏ ra ngoài những suy diễn rắc rối chính trị tôn giáo về những ngày nghỉ lễ này, cái ấn tượng khách bàng quan trong tôi về ngày tết tây còn là vì lý do văn hóa. Lần đầu tiên được tiếp xúc với văn hóa giáng-sinh-tết-tây theo truyền thống Anglo-Saxon là ở Việt Nam vào tuổi khá cứng, gần 30. Cho nên không mấy dễ thích ứng với cái say whiskey (mà tôi không uống được) và cái tục lệ dưới cây mistletoe lá xanh hoa trắng nửa đêm giao thừa. Sau chuyến vượt biển thoát chết, định cư tỵ nạn tại Hoa kỳ thập niên 1980, nghĩa là khi thực sự sống với văn hóa mới thì đã vào cái tuổi khá già (vì quá cái thời kỳ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định) để mà thích ứng hòa nhập. Và càng không thể hùa theo, vì mang cái tâm sự “còn một chút này” như lời Thúy Kiều sau khi được vớt khỏi chết đuối trên sông Tiền Đường.
Nhưng chẳng phải ai cũng cằn cỗi như mình. Thích ứng là cái bản năng sinh tồn của con người, đặc biệt là người Việt qua suốt giòng lịch sử hiểm nghèo, chênh vênh. Cho nên dịp tết Tây ở Mỹ tôi được mời tham dự không thiếu gì những buổi họp mặt đếm giờ (count down) chờ tới giao thừa. Và nghe khách dự cùng hoan hỷ hát lên bài Auld Lang Syne theo lời Tây hay Mỹ , tùy gốc tích. Tôi không hát nhưng cũng cười vui. Không bởi ý nghĩa bài hát mà tôi không chú ý để biết lời. Mà vì nghĩ tới lời Việt hồi ở Sàigòn nghe lũ trẻ con hàng xóm hay hát “ò e, con ma đánh đu, thẳng Tây nhảy dù, sà lù bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thẳn lằn cụt đuôi”. Và cũng nghĩ tới phim Valse dans l’ombre nổi tiếng với tài tử Robert Taylor và Vivien Leigh, mà mở đầu bằng nhạc Auld Lang Syne. Phim tình cảm buồn này và lời trẻ con Việt Nam hát quấy này tôi được nghe thời thập niên 1950 chẳng ăn nhằm gì tới bài nhạc Auld Land Syne ngày nay được trỗi lên lúc giao thừa Tây ở Mỹ bây giờ cùng lúc với pháo bông nổ bùng rực rỡ. Nhưng chẳng sao cả. Một bài nhạc có thể có nhiều lời khác nhau, nhiều cách trình bầy khác nhau để hiểu, thích hay ghét hay cười tùy ý người nghe. Cùng một câu nói có thể người ưa người ghét, tùy theo cái tâm.
Như trường hợp ông Trump trong mấy năm qua, người thích thì thích mê mệt, người ghét thì ghét cay ghét đắng. Không thích không ghét ông Trump mà biểu lộ ra ngoài có lẽ không nhiều lắm. Trừ một người là phó tổng thống Pence ngồi trơ như tượng gỗ suốt buổi ông Trump nói chuyện về vấn đề bức tường biên giới với hai lãnh tụ Dân chủ quốc hội là Nancy Pelosi và Charles Schummer. Có thể rằng ông Pence có tham vọng được ông Trump ủng hộ làm ứng cử viên Cộng hòa thay mình khi đến lúc phải rời ghế ở phòng bầu dục Bạch cung hàng ngày vật lộn với cuộc chiến truyền thông tin giả nữa chăng?
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 2 tháng 1/2019