Cuộc đời người ai mà chẳng trải qua một lần sống và một lần chết. Nhưng sống như thế nào khi còn sống và để lại những cảm nhận gì nơi những người còn ở lại khi ra đi, đó chính là một sự khác biệt giữa người và người.
Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường không có chức phận trong xã hội. Khi bà nằm xuống tuy nhiên đám tang của bà đã được tham dự đông đảo bởi những người láng giềng, họ hàng con cái và ngay cả những công an phường xóm. Tại nhà thờ Tân Định, đã có 3 vị linh mục làm lễ cho mẹ tôi, trong đó một vị là do gia đình yêu cầu, còn hai vị kia chỉ là vì qua tiếng đồn về mẹ tôi qua các con chiên mà đến. Vị linh mục hành lễ đã nói: Không biết người nằm xuống, khi sống đã sống như thế nào, nhưng chỉ nhìn vào quang cảnh người đi tham dự tang lễ, ngồi chật nhà thờ và đứng chật sân nhà thờ, đã cho ông cảm nhận rất tốt về cách sống của bà đối với những người chung quanh. Những người công an thì có lẽ cảm khích về sự tử tế và nhân ái của mẹ tôi đối với xóm giềng và ngay cả đối với họ. (Trụ sở công an phường đối diện với nhà tôi. Thời đó công an còn bỡ ngỡ khi mới vào Saigon và gầy guộc cho nên mẹ tôi xem họ như con có gì lại đem sang cho ăn, và hay han hỏi khuyên nhủ họ nên nhân ái với xóm làng.) Hôm mẹ tôi chết những người công an ở phường đã xuất hiện trong tang lễ và giúp giữ trật tự cho đám tang của bà.
Kể như thế, không phải là để nhấn mạnh về mẹ tôi, mà chỉ muốn đưa ra rằng, cách sống của mỗi một con người khi sống đã tạo cho mỗi cá nhân một nhân cách riêng biệt. Như ba mẹ tôi đã dậy cho anh em chúng tôi rất nhiều điều trong phương thức cư xử và cách sống ở đời.
Ba tôi là một quân nhân. Tôi có lẽ ảnh hưởng bởi cha, cho nên từ thủa còn bé tôi đã yêu thích cuộc sống vẫy vùng ngang dọc của một thanh niên và sự hào hùng trong cuộc sống. Thời còn Trung học tôi cảm phục hình ảnh đẹp đẽ của cuộc sống thanh niên trong thơ Nguyễn Công Trứ:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Chí tang bồng vay trả, trả vay
Nợ làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng nơi bốn bể
Và thủa còn ở tiểu học thì tôi yêu thích lời bà Triệu Ẩu khi nghe cô giáo kể về cuộc đời của bà trong giờ sử:
Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh
Đạp luồng sóng dữ
Chém cá kình ở Biển Đông
Lấy lại giang Sơn, dựng nền độc lập
Tuy nhiên trong gia đình vì là phận gái, tôi bị ràng buộc rất nhiều theo lễ nghĩa tam tòng tứ đức của Nho giáo.
Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tạm dịch: Khi còn ở nhà thì phải nghe theo cha anh, lấy chồng nghe theo chồng, chồng mất thì nghe theo con.
Và Tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Hiểu theo lời ba tôi thì: công việc phải khéo léo, dung mạo tác phong tư thái phải hòa nhã gọn gàng, lời nói phải dịu dàng mềm mỏng, tính nết hiền thảo nết na.
Sự gò bó theo khuôn lễ giáo gia đình và bản tính cương cường của cá nhân đã khiến trong tôi luôn có những sự đối chọi, chẳng hạn tuy phải khép mình sau khung cửa nhưng tôi lại không thích sự bị đè nén cúi đầu trước những phi lý.
Sang đến Mỹ đầu thập niên 80s tôi đã gặp những người trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Họ là những sinh viên du học trước 1975. Họ là những cựu quân nhân VNCH. Họ là những thuyền nhân. Họ là những thương gia, kỹ sư, bác sĩ. Họ là những người lao động. Họ là những bà nội trợ Việt Nam. Họ là những Kháng Chiến Quân. Họ là những người “làm ngơ sao đành!” trước những đau thương của dân tộc, của những người ở lại trên đất nước, của bao cảnh đau thương ai oán của đồng bào tôi trên con đường vượt biển. Và đó là lý do mà tôi đã gia nhập vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.
Những vần thơ chính khí của kháng chiến quân Võ Hoàng đã khiến tôi hưng phấn với tình người, tình đất nước, và cho tôi lý tưởng để sống có ý nghĩa trong cuộc đời.
Sáng Lên Đồi
KCQ Võ Hoàng
Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
ngắm núi rừng
mà thẹn với non sông
suối xa vang vọng bài đông tiến
vạt nắng vương vương lửa rực lòng
ngó lên cao trời trời chất ngất
nhìn xuống chân đất đất mênh mang
nhục nhằn
nung nấu thép gan
dặm trường mấy bước
giang san mấy tầm?
đường ấp ủ hương hoa rừng thẳm
cây lá hờn ngâm khúc chiến chinh
lòng tràn với nghĩa với tình
với sông với núi với hình bóng xưa.
Chào buổi sáng
Chào mây hừng hực lửa
Vạch núi rừng
Tựa cửa chống trời
lưng chừng
vách đá chơi vơi
đường về chông rũ gai dời gót chân.
xuống đồi
nắng vẫn còn vương.
1984
Qua tập thơ Con Đường Mới do cơ sở Đông Tiến thực hiện, người đọc đã nhìn thấy bên cạnh sự cứng cỏi kiên cường, các kháng chiến quân thực ra chỉ là những con người lãng mạn trong tình yêu gia đình và tổ quốc. Các anh đều viết văn làm thơ mỗi khi có cơ hội. Chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh theo như tôi nghe kể lại, trong một giây phút rung động nhớ thương về gia đình, ông đã viết lên lời nhạc cho bản nhạc Trăng Chiến Khu của KCQ Trần Thiện Khải.
Trăng Chiến Khu
KCQ Trần Thiện Khải.
Rừng ơi mang trăng sáng đến rung bao lòng
Vì nước nên lìa mái gia đình êm ấm
Trăng hỡi theo ta, về dưới mái nhà,
nhắn ai chờ một ngày ta sẽ trở về
Chân vui theo bước tang bồng
Đêm nay ôm súng mơ mộng
Hẹn người cuối tận trời mong
Một ngày cách mạng thành công
Cây nghiêng, nghiêng bóng mây dài
Quê hương đang thiết tha lời
Từ ngày quân giặc vào đây
Là ngày oán hận ngàn nơi
Hò ỡi, hò hỡi.... lòng đã quyết ra đi
Vì vương mang câu thề
Ngày mai sông núi kia
Ngời xanh bao ước mơ
Đàn chim say trăng sáng uyên trên cành
Trời lắng đêm lạnh vắng sương dần rơi xuống
Vai sát bên vai, lòng ấm bên lòng
Mắt căm hờn, chờ ngày đi ra chiến trường
Thoáng đó mà đã 31 năm kể từ ngày đoàn quân Đông Tiến ra đi và đã nằm xuống cho lý tưởng dân tộc. Có những người theo chủ nghĩa duy vật đã chê trách sự hy sinh của các KCQ là khờ dại. Nhưng nếu tiền nhân xưa có sự so đo tính toán khi dấn thân bảo vệ giống nòi thì có lẽ dân tộc Việt Nam ngày nay đã không có trên bản đồ thế giới. Nếu không có những trang sử viết bằng máu lệ của cha ông thì đất nước Việt Nam có lẽ ngày nay đã là một phần của nước ngoại bang. Sự hy sinh của những KCQ Đông Tiến đã chỉ là một sự tiếp nối lịch sử của từng thế hệ trong trọng trách truyền đi những bó đuốc đấu tranh để con cháu đời sau cùng noi theo mà giữ gìn giòng giống. Con người ai cũng một lần chết. Khi chết là hết. Danh vọng, tiền tài vật chất trở thành con số không, xác thân đi vào cát bụi, chỉ có nhân cách sống là tồn tại với lòng người và tạo nên sự khác biệt giữa người với người.
Chẳng ai biết Trần Bình Trọng mặt ngang mũi dọc ra sao nhưng nếu là người Việt thì ai cũng biết câu “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc”. Nói đến Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không ai không nhớ câu trả lời ngắn ngủi cho vua Trần Thánh Tông khi được vua hỏi ý nên hay không hàng quân Nguyên; “Bệ hạ chém đầu thần đi rồi hãy hàng”. Cái xác ướp của Hồ chí Minh được giữ gìn trang điểm ở lăng Ba Đình để xiển dương một người Cộng sản trung kiên, nhưng người Việt không mấy ai không lắc đầu khi nghe lời họ Hồ thành khẩn xác nhận với nhà báo Pháp thiên tả Lacouture rằng “về tư tưởng thì bác Mao đã viết hết rồi, tôi không còn gì để viết.” Các lãnh đạo Việt Cộng do các tội ác của họ với dân tộc và đất nước, khi sống thì họ phải chịu tiếng đời nguyền rủa thấu trời xanh, còn khi chết rồi thì ngàn đời sau vẫn lưu danh trong sử sách là những kẻ tội đồ hại dân bán nước.
Tuệ Vân
Tháng 8 năm 2018