Tháng 8, để tưởng niệm sự hy sinh của các Kháng Chiến Quân Đông Tiến thuộc MTQGTNGPVN, Bức Tranh Vân Cẩu xin kính mời quý vị và các bạn toàn cầu cùng nghe lại audio Chính Khí Việt Nam được thực hiện vào năm 2011.
(Clip nhạc Thế Kỷ Này Thế Kỷ Của Chúng Ta của kcq Võ Hoàng)
Sau khi chiếm được miền Bắc năm 1954, đảng CSVN với sự hỗ trợ đắc lực của hai đế quốc CS là Liên Bang Sô Viết và Cộng hoà nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa CS vào miền Nam VN, với chiêu bài thống nhất đất nước, đánh đuổi giặc Mỹ xâm lăng giành độc lập cho đất nước. Với quyết tâm cuồng tín của những kẻ Cộng sản thi hành nghĩa vụ vô sản quốc tế, với chiêu bài vì dân tộc, chính phủ cộng sản Hà nội đã chiếm được miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975. Từ ngày đó người Việt Nam mới hiểu rõ chế độ CSVN là gì. Những người tập kết ra Bắc mới thấy miền Nam không phải là miền Nam dưới sự cai trị của Tây, như là lúc họ bỏ đi ra Bắc, mà là một miền Nam tự do sung túc. Những người bộ đội lần đầu tiên thấy được những những chiếc xe máy, những chiếc đồng hồ, những kính đeo mắt vân vân mà đối với họ là giấc mơ ngàn đời. Nhưng mọi người thất vọng hơn cả là khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của Hồ chí Minh được thi hành tích cực để vô sản hoá người dân miền Nam, và coi tất cả người dân miền Nam không Cộng sản là thù địch. Chính sách này khiến cho hàng triệu người đủ mọi thành phần xã hội liều chết tị nạn vượt biển để sống cuộc đời đáng sống, đã gây xúc động cho thế giới thập niên 80. Và cũng làm nẩy ra những phong trào đấu tranh chống đánh CS Hà nội để cứu nước. Trong đó có những kháng chiến quân Đông tiến một thời là nguồn hy vọng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, những người này đã hy sinh tại Nam Lào vào mùa thu 1987. Người tuy đã mất đi, nhưng cái ý thức đấu tranh của một thời vẫn còn đó, trong những vần thơ, ý nhạc.
Cuối tháng Tám năm nay, nhân ngày giỗ của các kháng chiến quân Đông Tiến thuộc MTQGTNGPVN, kính mời quý vị và các bạn cùng đọc lại một số văn thơ đấu tranh này để mà thấy được rằng cái tinh thần bất khuất của dân tộc luôn luôn vẫn lẩn khuất đâu đó trong những con người bình thường, nhưng đã làm nên lịch sử.
------------------
Sau ngày 30 tháng tư, trong một gia đình nọ, người bộ đội vào đến nhà ngưởi bác, đã rơi nước mắt khi nhìn thấy thực tế đời sống yên lành đủ ăn đủ mặc miền Nam khác hẳn hình ảnh tuyên truyền nhổi sọ của đảng nói người dân miền Nam không có bát ăn nên phải ăn cơm bằng gáo dừa. Anh đã lặng lẽ đem chôn sau vườn nhà người bác chiếc bát sành anh tính đem vào cho bác. Cũng chính người bộ đội đó đã bất lực nhìn gia đình bác mình phải tan nát vì bị đánh tư sản mại bản. Những người em họ xinh ngoan của người bộ đội đã phải bỏ học theo gia đình về vùng kinh tế mới. Những đôi bàn tay mềm mại bé nhỏ, giờ đây phải chai cứng vì sỏi đá. Tâm trạng của một trong những người em gái đó đã được Việt Khanh viết lên trong bài thơ Nơi Phương Đó sau khi vượt biển tới được đất tự do và nghe tin phong trào kháng chiến giải phóng VN. Xin mời quý vị và các bạn nghe lại hôm nay.
(Clip bài thơ Nơi Phương Đó của Việt Khanh)
Nơi Phương Đó
Việt Khanh
Nơi phương đó em giờ thôi áo lụa
Nét trang đài những buổi học chiều tan
Bước chân đưa tà áo trắng dịu dàng
Em cười đẹp cho hồn anh say đắm
Nơi phương đó trời bây giờ không nắng
Mây xám giăng buồn che phủ quê hương
Em thơ ngây giờ đành phải xa trường
Đôi tay nhỏ cuốc mương vùng đá sỏi
Nơi phương đó quê hương tôi buồn tủi
Người và người đôi mắt lạnh căm căm
Cây cỏ khô, hoa không nở mùa xuân
Đàn trẻ dại bơ vơ trên hè phố
Nơi phương đó mẹ khóc buồn nức nở
Thương đàn con lạc hướng hại anh em
Chủ nghĩa vô thần con kẻ vô nhân
Đem dân tộc đắm chìm trong khổ ải
Nơi phương đó có những người đứng dậy
Giương cao tay thề nguyện với non sông
Vì quê hương nguy khó chẳng ngại lòng
Thanh bình phải trở về cùng dân tộc
Nơi phương đó có những người thức tỉnh
Chợt ăn năn nhìn quê mẹ điêu tàn
Sao chúng mình cùng giòng máu Việt Nam
Lại lầm lạc đi theo loài quỷ đỏ
Nơi phương đó những bàn tay siết chặt
Hẹn một ngày sẽ lấy lại quê hương
Mẹ mĩm cười qua ngấn lệ mờ sương
Đàn em nhỏ reo vui ngày giải phóng.
Nơi phương đó niềm tin đang bừng nở
Vùng cao nguyên, miền thung lũng, đồng bằng
Chính nghĩa vươn cao trong sức mạnh toàn dân
Nam Trung Bắc cờ vàng bay rực thắm.
052889.
Việt Khanh và nhiều người vượt biển sống sót định cư ở hải ngoại đã có được nỗi lạc quan về một quê hương được giải phóng thoát khỏi chế độ CS như vậy là vì những bài ca, bài thơ được phổ biến rộng rãi thời thập niên 80, của những người bỏ cuộc sống an thân xây dựng hạnh phúc riêng tư cá nhân. Một trong những bài này rất được ưa chuộng nơi giới trẻ lúc đó là bài Kháng chiến quân vn hành khúc. Bài nhạc hùng, đơn giản, dễ hát. Nhưng mà điểm chính tạo suy nghĩ và xúc động là ở chỗ tác giả Trần Thiện Khải là một thanh niên sau khi học xong thay vì đi làm đã bỏ việc để gia nhập đoàn quân kháng chiến.
(Clip Kháng Chiến Quân Việt Nam Hành Khúc)
Kháng Chiến Quân Việt Nam Hành Khúc
KCQ Trần Thiện Khải
Ta là kháng chiến quân Việt Nam. Thề hôm nay tiến lên giết quân thù chung. Súng với dao tung phá xích xiềng. Vươn cánh tay khuất yêu toàn dân, ta cùng xây con đường cách mạng. Ta là kháng chiến quân Việt Nam. Thề hôm nay tiến lên giữa căm hờn xưa. Tuốt máu xương đi lấy cõi bờ. Đâu xá chi gió sương hiểm nguy. Mai hẹn nhau quét tan quân thù. Dù cho nhiều gian lao, nhưng ta không hề nao. Bước bước đi tiếng quân hò reo. Cùng với nhau qua rừng sâu và vượt núi đèo. Con đường chông gai không bao giờ khó. Là bởi vì ta chấp nhận nguy nan. Này anh em ơi ta là người kháng chiến quân Việt Nam. Thề mai sau quyết tâm xây lại tự do. Góp sức chung cơn xoáy giữ gìn. Cho khắp nơi nước Nam bình yên, dân tộc ta sống trong phú cường.
Có những người trai hùng như Trần Thiện Khải, thì cũng có những người em gái nhỏ hậu phương. Những em gái nhỏ có những người thực sự tiễn người yêu đi đấu tranh. Cũng có những người chỉ mường tượng rằng mình có người yêu đấu tranh và chấp nhận đơn chiếc, đợi chờ. Dù sao thì sự dấn thân vì đại cuộc đã luôn luôn là những ngưồn tạo hứng trong văn chương, nghệ thuật Việt Nam. Bài thơ Vợ hiền, diễn tả mối tình nghèo, đơn giản với nhẫn cỏ, hoa hồng và hy vọng mông mênh một ngày trở về khó có, dã được Việt Khanh viết ra vào năm 1989, sau khi tin Nam Lào được loan truyền ra tại hải ngoại.
(Clip bài thơ Vợ Hiền của Việt Khanh)
Vợ hiền.
Việt Khanh
Tóc em dài óng ả
Trong gió chiều lộng bay
Hương cỏ thơm nhẹ tỏa
Cho lòng anh ngất say
Anh nhìn em rung động
Nâng niu nụ môi trao
Má em hồng e thẹn
Con chim nhỏ bay cao
Em tuổi hồng thánh thiện
Tình yêu em thiên thần
Em dịu dàng bé nhỏ
Nhưng lòng em mênh mông
Em bảo em sẽ đợi
Vì quê hương anh đi
Yêu anh em chẳng ngại
Thời gian lỡ xuân thì
Anh thương em thật nhiều
Nhẫn cỏ anh kết trao
Trăm năm lời ước nguyện
Trọn giữ nghĩa tình sâu
Mai này anh sẽ về
Ngày đó mình có nhau
Hoa hồng tươi anh kết
Vương niệm em đội đầu
Hoàng hậu cười rực rỡ
Xinh đẹp tựa như tiên
Lòng quân vương hớn hở
Đứng bên cô vợ hiền.
060789
Trong một cuộc sinh hoạt vận động đấu tranh, trước một cử toạ có những nghi ngờ về sự hiện hữu của những người bỏ cuộc sống an lành nơi hải ngoại để về kháng chiến, bác sĩ Trần Xuân Ninh đã nói rằng những người đấu tranh, những kháng chiến quân VN là những con người lãng mạn. Phát biểu này nghe có vẻ như vô lý. Nhưng nhìn lại cuộc đời, thì quả thật luôn luôn có những người không bị trói buộc vì những cái thực tế và cụ thể trước mắt, mà bị lôi kéo bởi những thôi thúc tình thần hay tình cảm để xúc động vì người, vì đời. Trần thiện Khải, Võ Hoàng là những người như thế. Kính mời quý vị và các bạn cùng nghe nhạc phẩm Bài Ca Đông Tiến của KCQ Trần Thiện Khải mà đã một thời khiến lòng người xao động.
Bài Ca Đông Tiến
kcq Trần Thiện Khải
Rừng đêm nay âm u, bóng trăng mờ mờ xa biên khu
đoàn người đi bên nhau mắt căm hờn còn in bóng thù
Chìm trong cây tiếng chim như giục lòng ai
Gió theo như giục bước dài, màn sương rơi thấm vai
núi sông vẫn đang chờ mãi, quyết thề cùng lòng
chiến đấu cho một ngày mai.
Ơi, anh em ơi tiến qua trời đông,
quân reo vang khắp nơi tưng bừng.
Ơi, anh em ơi tiến qua trời đông mai sương tan
đón thái dương hồng nắng say men lòng rung khắp nước Nam.
đoàn quân qua phương đông mắt trông vời miền quê xa xăm.
Rừng hôm nay liên hoan đón ta về toàn dân réo mừng.
Thù kia ơi bấy lâu ta còn nung sôi bấy lâu ta còn nhớ hoài,
dù xương rơi máu rơi núi sông vẫn đang chờ mãi,
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai.
Nói đến những tác phẩm lãng mạn, người ta hay nghĩ rằng đó là kết quả của những hoang tưởng không thực. Nhưng không. Cái lãng mạn của những con người đi kháng chiến chống CS toàn trị thập niên 80 là những con người rung động mạnh bởi những thực tế hàng ngày. Võ Hoàng, đã gặp một Trần Lâm, một liên lạc viên ở tuổi 15, mà viết ra bài thơ “Ngủ Đi Em Mai Sáng Lên Đường” mà quý vị và các bạn sẽ nghe tiếp theo đây.
(Clip bài thơ Ngủ Đi Em Mai Sáng Lên Đường)
Ngủ Đi Em Mai Sáng Lên Đường
(viết nhân lúc cùng chiến hữu Lâm qua đêm, trên đường công tác)
Tặng chiến hữu Trần Thiện Khải,
tác giả nhạc phẩm “Bài Ca Đông Tiến”
kcq Võ Hoàng
ngủ đi em mai sáng lên đường
ta theo quân về bên kia núi
tháng năm
qua hờn căm buồn tủi
sẽ có ngày em biết yêu thương
bên kia là chiến trường
khắp quê hương lửa dậy
em sẽ thấy
bừng con mắt cỏ cây đổi sắc
người người xuống đường giết giặc bằng tay
ào ào một cuộc đổi thay
bài ca dữ dội một ngày rền vang
em ngủ đi
ta thức khi trời sáng
về bên kia
ta gặp lại xóm làng
gặp những con người chân thép tay gang
mắt rực lửa vùng lên làm cách mạng
hiên ngang
giữa trời
để em thấy cuộc đời là có thật
để em thấy tuổi thơ em vừa mất
đánh đổi bằng tất đất gang sông
vọt máu trào lòng
chẩy thành giòng bám chắc lấy quê hương
nước bốc tình thương
đất dậy linh hồn
người người dập dồn muôn ngọn sóng
triệu thịt da chung một ước mong:
“đất nước việt nam hoàn toàn giải phóng”
em thấy không
tim còn đập là đời còn sức sống
tôi với em
ta thổi ngọn lửa hồng
nung sôi bầu máu đỏ
tô lại nét tiên rồng
tuổi thơ em non sông cất giữ
đừng phí đời nữa chữ yêu thương
ngủ đi em mai sáng lên đường
ta theo quân về bên kia núi.
Cái không khí hưng phấn như vậy đã tạo nên những người em gái áo nâu ở hải ngoại. Những người này là những người đủ mọi thành phần vào những ngày nghỉ hay ngày cuối tuần mặc đồng phục áo nâu quần vàng của MTQGTNGPVN đi ra phố bán báo Kháng chiến, phát truyền đơn vận động yểm trợ kháng chiến. Khung cảnh này đã khiến nhạc sĩ Nguyên Chương viết lên bản nhạc Người em gái áo nâu.
(Clip Người Em Gái Áo Nâu)
Người Em Gái Áo Nâu
Nguyên Chương
Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu bởi có em trong chiếc áo nâu em phát những tờ truyền đơn... Em chào người mẹ đã già mẹ ơi giặc chiếm quê ta nhưng chúng con quyết tâm giành lại giành lại quê cho mắt mẹ vui giành lại quê cho môi mẹ cười, mẹ ơi. Mẹ hân hoan nhìn em, nước mắt, tờ truyền đơn mẹ áp vào lòng... Mẹ thương anh kháng chiến quân. Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu bởi có em trong chiếc áo nâu em phát những tờ truyền đơn... Em chào người chị xinh tươi chị thật ngoan trong chiếc áo dài chị ơi, có anh kháng chiến rừng xa tình của anh tô má chị xinh tình của anh nuôi tóc chị dài, chị ơi. Chị hân hoan cùng em góp sức tờ truyền đơn chị phát, chị truyền... Chị thương anh kháng chiến quân. Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu bởi có em trong chiếc áo nâu em phát những tờ truyền đơn... Tin mừng em chia cùng Mẹ tin mừng em tỏ cùng Cha chị ơi, có tin chiến thắng rừng xa Em ước mơ ngày vui sẽ tới có bước chân em đi hàng đầu rước tình, rước tình chị về với anh.
Có một người em gái áo nâu đã tình nguyện đi làm toàn thời cho MT một giai đoạn. Người đó có mặt ở đây, hôm nay, là KT. Xin KT cho biết tại sao đã đi làm toàn thời? Có phải xúc động vì những văn thơ yêu nuớc thời kháng chiến? Hay là vì có người yêu về nước làm KCQ?
KT trả lời:
Vào đầu thập niên 80 thì trong lúc còn đang học đại học, KV nghe nói về Mặt Trận, về người lãnh đạo có tên là Hoàng Cơ Minh đang tìm đường để giải phóng VN ra khỏi ách thống trị của tập đoàn cộng sản phi nhân. Những bài hát bài thơ thời phong trào kháng chiển nổi lên ở hải ngoại trong thập niên 80, đã tạo cho KV rất nhiều xúc cảm, đã làm cho KV thấy trong lòng mình có một sự thôi thúc đặc biệt, đó là hãy nhập dòng để cùng mọi người lập trang sử mới cho quê hương VN yêu dấu. Đầu tiên thì KV đã tham gia vào đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Trung Nam Hoa Kỳ, đây là một trong những Chị bộ của MT ở Houston, với toàn những anh chị em sinh viên trẻ, sau đấy KV đã tình nguyện cùng mọi người đi phổ biến báo KC vào những cuối tuần, trên các khu phố đông người VN qua lại. Tìm hiểu thêm về Mặt Trận, đọc những bài viết về chủ trương đường lối của MT. Và đặc biệt là lời phát biểu đầy hùng khí của Chủ Tịch Mặt Trận là ông Hoàng Cơ Minh, đó là: Chúng ta không chủ trương chiến đấu đơn độc, nhưng chúng ta không sợ chiến đấu một mình, .... Và ... cái chủ trương "Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản", tất cả đã tạo nên những ấn tượng rất mạnh trong KV. Do đó KV đã tuyên thệ để có thể trở thành một đoàn viên trong tổ chức, và rồi không lâu sau đó, KV đã làm đơn để xin đi về làm việc toàn thời, bởi vì KV thấy rõ rằng, nếu mình không tự giải quyết vấn đề của mình thì không ai có thể làm thay việc ấy cho mình cả. KV rất thương những người đã bỏ đời sống yên lành ở hải ngoại để về làm kháng chiến quân trong nước. Những người Chiến hữu ấy của KV, đã cho KT thấy được sự hy sinh vô cùng anh dũng của họ, thế thì sự chọn lựa đi làm toàn thời của KV có là bao đâu, nếu đem ra so sánh. Về làm toàn thời, KV đã có dịp được sống cùng với những anh chị em toàn thời khác trong một đời sống tập thể. Ngoài những thời gian làm việc, thì tất cả còn cùng nhau chia nhau làm việc nhà, thổi cơm nấu nước lấy mà ăn. Tiền lương thì thực sự chỉ là một số tiền tối thiểu, rất là tượng trưng bỏ túi để mua những đồ dùng cá nhân cần thiết. Nhưng mà thật là vui. Và thời ấy thì tất cả những người làm việc toàn thời như KV đã rất là lo lắng cho nhau, nhường nhịn, chia xẻ với nhau đủ thứ, chẳng khác gì anh chị em ruột thịt trong gia đình vậy. Và khi gặp những chiến hữu ở xa, dù chưa từng biết mặt rõ tên, nhưng đã như quen biết, thân thiết nhau từ tận kiếp nào rồi. Thật khó mà có được những tình cảm như thế.
Về sau này, khi không còn làm toàn thời nữa, KV vẫn còn những ấn tượng rất đẹp về khoảng thời gian mà KV đi làm toàn thời với những người xưa. Đấu tranh, đối với KV là một cái gì đó rất đẹp, mà ít người được hưởng. Nó cũng làm cho KV có một chút tự hào, là mình đã có một giai đoạn sống theo cái lý tưởng của mình, Bây giờ thì KV vẫn còn phần nào như thế, cho nên luôn luôn tự nhủ, hễ có thể, và có dịp đóng góp trong phạm vi nhỏ bé của mình, thì KV sẳn sàng. Bất kể rằng có tới đâu và có được gì hay không.
Quý vị và các bạn mới nghe KT nói rằng KT khi gặp những người chiến hữu ở xa chưa từng biết mặt biết tên mà thân gần như đã quen nhau từ lâu. Cái tâm trạng này không phải của riêng KT, mà của chung mọi người trong gia đình kháng chiến. Nó đã được Võ Hoàng viết ra trong bài “Đường kháng chiến đi qua”.
Đường Kháng Chiến Đi Qua
Kcq Võ Hoàng
Đường kháng chiến đi qua
Bỗng lạ lùng
Thấy mình quen tất cả
Những nỗi gian lao vất vả
Từng người từng người tất tả bước mau
Và đất nước theo sau
Đậm lại từng câu từng câu lịch sử.
Máu chẩy ngược theo từng giòng chữ
Máu của nhiều năm đọng ứ tim sông
Máu của nhiều năm đọng hồng gan núi
Hôm nay đi
Mọi người mọi tuổi
Như ngàn ngàn con suối nhập vào sông
Như ngàn ngàn con rồng tuôn ra biển
Bước chân rầm rập bưng biền
Lan ra khắp ba miền đất nước.
Ngàn yêu thương trải dài từ thủa trước
Triệu bàn tay ôm đất nước dâng lên
Kìa xa xa
Tiếng hát vang rền
Người ngẩng đầu lên
Tràn theo đường kháng chiến.
Ta theo triệu triệu người cùng tiến
Cất nỗi niềm riêng
Dong ruỗi bước đường
Vươn cao tay theo tầm vóc quê hương
Ngày nắng đêm sương
Lừng lững giữa chiến trường
Cây lá theo đường cũng không biết chùn chân
Nương theo bước tiền nhân
Đem tuổi thanh xuân mài gươm cứu nước.
Đường kháng chiến có người đi phía trước
Mỗi bước đi là một tương lai
Ta tuổi trẻ đường dài
Phải dài như đất nước
Đất nước hôm nay, đất nước mai sau
Đường kháng chiến đi mau
Bỗng giật mình người theo nhau rầm rập
Những con người tình cờ bắt gặp
Hối hả bước đi cho kịp đấu tranh.
1985
Thưa quý vị và các bạn
Biến cố Nam Lào đã cách đây 25 năm - một thế hệ - Những người trẻ thời đó nay đã bước vào tuổi già, nghĩa là tuổi của cùn nhụt chậm lụt. Thế nhưng, mỗi lần cuối tháng tám đến, là lại vẫn có những người tụ họp lại với nhau như ngày hôm nay ở đây. Không phải chỉ để tưởng niệm những người đi trước, những người lãnh đạo đã hy sinh. Nhưng mà cũng là để nhớ lại một thời, được sống chan hoà trong những tình cảm cao đẹp vì người cho người và cũng bởi thấy rằng cảm ứng của mình vẫn chưa cùn nhụt và đàng sau mình thì lớp trẻ cũng có những người bước tới.
(Clip nhạc Thế Kỷ Này Thế Kỷ Của Chúng Ta của kcq Võ Hoàng)
Thế kỷ này của chúng ta
KCQ Võ Hoàng
Cách mạng đường dài.
Người đi như con nước miệt mài.
Đổ mồ hôi thành giòng.
Loang theo bước chân vạch những con đường làm nên chiến thắng.
Ta đi. Ta đi.
Tay giang tay bên trời hừng say gió nắng.
Bừng bừng cao ngọn lửa chói lòa.
Thế kỷ này thế kỷ của chúng ta.
Đất dậy tình người.
Bàn chân ta đi tới vượt trời.
Dựng lại bao cuộc đời.
Bao nhiêu tháng năm đau xót tủi hờn giờ đây đã hết.
Ta đi. Ta đi.
Tay bên tay ngang trời ngày vui sẽ tới.
Nào cùng xây dựng lại nước nhà.
Thế kỷ này thế kỷ của chúng ta.
Nước tràn lòng người.
Triệu dân ta vui sống một đời.
Người người mang nụ cười.
Trên đê trẻ thơ ca hát vang chào ngày vui đã tới.
Ta đi. Ta đi.
Tay trong tay ôm trời Việt Nam yêu dấu.
Hòa mình trong loài người thái hòa.
Thế kỷ này thế kỷ của chúng ta.