Ngày 15 tháng 8, đài Á Châu Tự Do (RFA) loan tin rằng ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông đã có một cuộc họp với Cục báo chí và các Tổng biên tập các báo ở Việt Nam. Tại cuộc họp này, RFA cho biết rằng ông Hùng đã đưa ra khuyến nghị là các tin “tiêu cực” chỉ nên chiếm 10% nội dung của các tờ báo. Sau khi nhắc lại rằng các nhà tuyên truyền của chế độ thường xuyên nhắc nhở là không đưa những tin không có lợi, và có những tin xấu cần hạn chế, RFA đã quay sang phỏng vấn một số các nhà báo trong nước.Có người chống nhiều có người chống ít, và nhận xét về cá nhân cũng như những lợi hại của khuyến cáo của ông Hùng, nhưng không có ai khen. Đài RFA liên lạc phỏng vấn ông Hùng không được, và không có bình luận nào.
Không bình luận có lẽ là điều khôn ngoạn nhất hiện nay cho một cơ quan truyền thông Mỹ sống bằng tiền quốc hội cung cấp, khi mà nước Mỹ đang ở trong tình trạng chiến tranh kéo dài chưa phân thắng bại giữa chính quyền tổng thống Donald Trump và truyền thông giòng chính mà ông Trump không ngần ngại gọi là “truyền thông tin giả thất bại, kẻ thù của dân Mỹ”. Cho tới khi ông Trump ra ứng cử tổng thống, có thể nói rằng truyền thông Mỹ là tiếng nói quyết định số phận của các nhân vật chính trị muốn ra ứng cử vào chức vụ đứng đầu hành pháp Mỹ. Bằng chứng không thiếu gì trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện đại. John Kennedy vốn là công tử nhà giầu chịu chơi nhưng đã trở thành mẫu người lý tưởng của dân Mỹ vì đẹp giai và vì một câu nói nhắc lại trong sách cũ kiểu “lương y như từ mẫu” của Hồ chí Minh. Do đó thắng Nixon bị chê là xấu trai. Nhưng vài năm sau thì Nixon đã được đem ra sơn phết để thắng cuộc bầu tổng thống năm 1968 và phải từ nhiệm vì truyền thông thổi to chuyện “nói dối” Watergate. (Trong khi ai cũng biết rằng tất cả các tổng thống đều nói dối. Có ông tổng thống Carter chỉ làm được tổng thống một nhiệm kỳ vi truyền thông đã khai thác câu nói thật của ông rằng nước Mỹ trong tình trạng “đau ốm khó nói” (malaise). Để nhường chỗ cho tài tử chiếu bóng hạng B Ronald Reagan làm hai nhiệm kỳ tổng thống 8 năm, mặc dầu mọi thứ tai tiếng, mà nặng nhất là bán võ khí cho kẻ thù Iran để đánh tay em Iraq. Vì truyền thông đã cho ông huyền thoại “tổng thống không dính” (Teflon president) mà người dân cứ nhắm mắt nghe theo như thế. Sự ca tụng không chỉ cho ông Reagan mà cho cả bà vợ bằng câu chuyện có người đã say mê bà Nancy đến độ phải nói ra rằng muốn được ngủ với bà một đêm trước khi chết! Tổng thống Bush cha ngược lại đã là một chính trị gia lão luyện cả đời làm trọn vẹn mọi nhiệm vụ trách nhiệm, mà đã chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ vì phải thua Bill Clinton, đầy tai tiếng ở tiểu bang miền Nam Arkansas, nhưng là con gà được truyền thông chọn lựa.
Khi Trump ra tranh cử tổng thống, truyền thông đã không lấn áp được nhiều vì Trump có tiền và có sự lì lợm chống trả. Khi trở thành tổng thống, tức là ở vị trí đầy quyền lực có thể dễ dàng ban ân bố đức, ông Trump đã kết hợp với những mánh khóe của một thương lái , để mà dần dần lấn lên. Như ta đã thấy trong năm thứ hai ở ngôi vị đứng đầu hành pháp. Những tấn công của truyền thông và Bạch cung đã kéo dài, vì có lời qua thì có tiếng lại, nhưng sự chộn rộn ồn ào này chỉ làm cho ông Trump phải gia tăng chăm chút thêm cho đồng minh tẩy của ông, chứ khó mà làm mất cái ghế ở phòng Bầu dục. Giới truyền thông độc quyền sự thật, bề thế một thuở nay đã phải bảo nhau trên 300 tờ bào cùng viết bình luận trong một ngày phản bác luận cứ của ông Trump và than phiền rằng khẳng định của ông Trump có thể tạo mối nguy thể chất (physical) cho phóng viên. Trong một cuộc họp báo định kỳ với phát ngôn viên Bạch cung Sarah Huckabee Sanders, phóng viên Jim Acosta thuộc đài CNN chống ông Trump đã hỏi vặn vẹo để dồn Sanders vào cái thế phải phủ nhận lời khẳng định “truyền thông là kẻ thù dân Mỹ”, nhưng thất bại.
Trong tình trạng này, khó mà một cơ quan truyền thông Mỹ có thể ra lời khuyên bảo về tự do ngôn luận hay tự chế phát biểu. Tại sao lại nói thế?
Trước hết nhìn vào cái mối nguy, cái đe dọa thể chất (nghĩa là mối nguy phóng viên bị tấn công) thì nếu có cũng chỉ là biểu hiện thường thấy trong sinh hoạt xã hội Mỹ. Bởi vì trên hệ thống truyền hình và giải trí tràn đầy bạo lực thường trực.Tại đại học Berkeley, người ta thấy những người mặc áo đen bịt mặt gọi là nhóm chống phát xít đến chống đối, hành hung trong đám đông tập trung nghe một người thiên hữu ủng hộ ông Trump diễn thuyết.
Hơn nữa, nhìn cho triệt để vào bản chất tình hình ở Mỹ thì vấn đề trong trường hợp này không phải là bên nào độc quyền ngôn luận, hay là tự do phát biểu bi giới hạn. Truyền thông đã kêu toáng lên là bị bịt miệng, độc tài khi ông Trump không chấp nhận cho một nhóm phóng viên cái tình trạng ưu tiên đặc quyền sục sạo tìm tin tức trong Bạch cung, như các đời tổng thống trước. Hay là đặt những câu hỏi mà mục đich là đọ khả năng ứng đối hay là tấn công vào những vấn đề cá nhân của ông Trump và các cộng sự viên thân cận, nhân danh “quyền được biết”. Thí dụ như trong cuộc họp báo chung với một lãnh tụ ngoại quốc mà nêu câu hỏi về những chuyện tranh tụng trước tòa những vấn đề ít nhiều dính líu đến ông Trump.
Cơ chế vận hành quyền lực dân chủ ở Hoa kỳ đủ vững chãi để không thể dễ dàng có sự độc tài cai trị. Chứng cớ hiển nhiên là ông Trump đã ra nhiều quyết định nhân danh tổng thống nhưng những quyết định này đã bị thách đố trước tòa hay là đã không được thi hành vì những quy luật địa phương không cho phép. Ông Trump trong trận chiến này đã chỉ chấm dứt cái độc quyền tin tức của truyền thông giòng chính. Ông đã tăng cường hệ thống truyền thông theo ông, để đưa ra những tin tức và “bình luận khác”. Đúng sai là do độc giả hay khán thính giả tự thẩm định. Cách đây vài ngày, Rudy Giuliani, nguyên thị trưởng New York và đương kim luật sư của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn đã trả lời phóng viên rằng “sự thật không phải là sự thật”. Câu này đã bị đem ra phê bình trên nhiều cơ quan truyền thông. Sự thật đã là một đề tài bàn thảo nhiều lần trong sách vở và bởi các triết gia. Cho nên,ở đây không đi vào tranh cãi trong chuyện này, nhưng đưa ra đây để cho thấy rằng sự thực rất thay đổi, tùy lúc, tùy nơi. Nhất là trong chính trị.
Rút lại thì trong cuộc chiến truyền thông với ông Trump nói riêng và vai trò truyền thông trong đời sống chính trị xã hội nói chung, vấn đề không phải là chỉ ở sự độc tài bịt miệng của ông Trump, tức là người cầm quyền mà còn ở sự lương thiện của người viết, người phát biểu. Trong cả hai bên, Bạch cung cũng như truyền thông, người ta đều thấy những tin giả, tin nửa sự thật, hay là nói dối, hoặc suy diễn thống kê rởm vân vân …để mà tấn công nhau nhằm lôi kéo, tạo ngộ nhận nơi quần chúng vô tình hoặc không có thì giờ theo rõi mọi chuyện.
Trở lại với trường hợp Việt nam và khuyến cáo của quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, rằng là chỉ nên đưa tin tiêu cực 10% trên báo chí. Người ta biết rằng VN từ mấy chục năm nay từ thời Hồ chí Minh toàn trị cho tới những chính phủ khác nhau biến thái sau này, các tin tức xấu, dù là xác thựcmà mọi người đều rõ về mọi mặt chính trị cũng như xã hội đều bị cấm chỉ. Loan tin đi là bị trừng phạt. Chỉ có một loại tin là tốt đẹp , hay. Trừ có một loại không nói khác được là thu hoạch nông phẩm xấu thì được thông báo nhưng phải cắt nghĩa là do mất mùa (chứ không do đảng). Vì thế trong người dân mới có câu:
“Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là tại thiên tài đảng ta”
Sau khi đổi mới mở cửa ra ngoài, nhất là từ khi xã hội bị tư bản hóa một cách hoang dã bởi các đại gia Cộng sản mới thì các tin tức ngoài chính trị có phần tự do loan đi hơn. Nhất là sau những đợt đổi thay nhân sự, mà tin xấu được loan đi nhằm mục đích thanh toán các đối thủ chính trị . Khổ nỗi là những tin xấu này lại quá nhiều, đủ chỗ đủ mặt. Từ bằng giả đến sửa bài thi đến đĩ điếm đến tham những hối lộ vân vân. Loan đi thì hết chỗ trên báo. Cho nên khuyến cáo của Nguyễn Mạnh Hùng chỉ là điều không thể không có. Còn mức độ thi hành tới đâu là tùy ở chỗ các đương sự phụ trách thuộc phe nào trong cơ chế quyền lực. Và dĩ nhiên cũng phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm lương tri của người cầm bút. Nhưng dù có thi hành tới đâu thì cũng chỉ là dùng vải thưa che mắt, bởi vì hiện nay hệ thống thông tin điện tử rộng rãi, khó bịt cho hết, dù là ra luật an ninh mạng.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 24 tháng 8/2018)