Đang trong tâm trạng không muốn nghĩ gì tới cái đất nước đã cho tôi cảm được ý nghĩa những chữ độc lập, tự do, nô lệ, phản quốc, bán nước, tay sai, vân vân.., từ khi mới biết đọc thông, vì thấy rõ dự luật ba đặc khu sẽ được chắc chắn thông qua bởi những nhà lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ của đảng CSVN quang vinh, thì nhận được từ giới giang hồ điện tử chuyển tới một bài viết khó có thể xóa đi ngay mà không liếc qua, bởi cái nhan đề “Có một thứ văn hóa đang kìm hãm sức mạnh và hủy hoại người Việt”. Tuy rằng khi đã liều mạng một sống hai chết vượt biển bỏ nước ra đi giữa mùa bão tố cách đây gần 40 năm, thì đã thấy ra rằng không cần đọc những bài ca tụng hay chê bai đất nước và con người Việt nam nữa, bất cứ của tác giả Việt Nam hay ngoại quốc nào. Mà nội dung rút lại chỉ là nhằm mục đích chính trị giai đoạn, để khen hết mình hay chê hết cỡ, nếu là của ngoại nhân. Hay là để bày tỏ cảm tính, xả nỗi giận dữ bất mãn, kết tội tha nhân, nếu là người Việt, về cái hoàn cảnh giở thằng giở ông của mình mà chính bản thân không phải là không có phần ít nhiều trách nhiệm. Nói khác đi là tự thân đã biết mình là gì và như thế nào, chứ không cần phải có người khác nói ra cho mình biết, như trong một giai đoạn quá khứ chưa biết đời hiểu việc, nhìn mọi điều bằng một cái ống. Thêm nữa cũng hiểu rằng những kẻ dân nhược tiểu gạt phăng bỏ văn hóa gốc nguồn của mình chỉ là phó sản của một chính sách thực dân cũ và mới hay Cộng sãn, đã vong thân hết cỡ. Còn những kẻ đề cao dân tộc mình tột mức cũng chỉ phản ảnh một thứ mặc cảm yếu kém bất lực vô vọng.
Ấn tượng đầu tiên là tác giả có chữ nghĩa, văn từ gẫy gọn, và có vẻ như là biết rộng vì nói đến mấy chữ như Thor, Ragnarok và thần Odin mà tôi nghĩ rằng là từ một huyền thoại thế giới. Xem ra thì mới thấy đó là một cuốn phim Mỹ giả tưởng mới ra cách đây không lâu. Và hiểu rằng sự không biết này chỉ là vì tổng số phim và video giải trí mình đã xem trong hơn ba thập niên qua, đếm không quá số đốt ngón tay. Cho nên lạ lẫm với các nhân vật của văn minh giải trí Hollywood Do Thái Thiên chúa giáo. Và chẳng lấy gì hối tiếc về cái không biết này.
Một số những dữ kiện diễn ra trong nước hiện nay trên báo chí, và nhận định của một phụ nữ Mỹ già thiên tả từng sang Việt Nam làm thiện nguyện thời phản chiến lên cao, đã được trích dẫn và sắp xếp để chỉ ra rằng cái văn hóa độc hại kìm hãm sức mạnh và hủy diệt người Việt là mới sinh, “chừng khoảng chục năm gần đây”. Và rằng đặc tính cái văn hóa mới mẻ này tóm gọn bằng ba chữ Giả-Ác-Đấu. Mới mẻ nhưng nguy hiểm vì đầy tính hủy diệt, theo người viết, cho nên cần phải vất bỏ đi, để quay về với văn hóa Chân-Thiện-Nhẫn của nhân loại. Tóm tắt mô tả như thế chẳng có gì đáng nói. Nhưng khi những đặc tính viện dẫn của nền văn minh này đã có từ lâu mà khẳng định nó là mới mẻ, “chừng khoảng chục năm gần đây” thì là một sai lầm luận lý (logic) quan trọng. “Đã có từ lâu” ở đây nói rõ ra là từ thời “bác Hồ kính yêu” và đồng đảng thiết lập chuyên chính vô sản. Tính chất Giả-Ác-Đấu hiển lộ ra rõ rệt vì được chính thức ra lệnh thực hiện từ hồi đấu tố thập niên 1950. Cụ thể là bịa chuyện vu oan giá họa để giết người cướp của hiếp con, tàn bạo đến độ chính Hồ chí Minh phải đóng kịch nhỏ nước mắt cá sấu hối lỗi và Võ Nguyên Giáp đứng ra trấn an quân đội cho Hồ. Bài viết cho rằng đó là “văn minh thời chiến”.
Những biểu hiện giả-ác-đấu tàn bạo này ngày nay không còn nữa, vì không có điều kiện thuận lợi như xưa. Nhưng mà những cảm tính này vẫn được biểu hiện ra dưới hình thức khác do thực tế khiến như thế. Không vượt đèn đỏ, không đi ngược đường thì không bao giờ tới nơi trong cái tình trạng lưu thông vô trật tự mà cảnh sát giao thông trách nhiệm. Không nói dối hay im lặng nhận cái nhãn hiện vô cảm thì không yên thân và bị trấn áp đủ cách khi há miệng ra nói ngược lại chính sách đảng quang vinh và chủ trương nhà nước ưu việt. Không đút lót để lấy bằng giả, bằng rổm điểm cao thì không nộp đơn vào được những trường công an đắt hàng vì lương cao, có quyền, có thể trấn lột dân để có nhậu nhẹt. Không “làm hàng” nghĩa là tô màu, ướp thuốc thực phẩm, làm giả dược phẩm thì không thể nào tối thiểu có miếng cơm manh áo mà may mắn thì trở thành đại gia có tiền cho con ra ngoại quốc để sống. Không hối lộ thì không có việc làm, vì đậu thủ khoa vẫn phải về làng lao động chân tay, nuôi lợn làm nông đã diễn ra trước mắt. Tóm lại, thực tế chỉ là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Tất cả chỉ là khả năng thích ứng để tự tồn. Chế độ như thế thì con người như thế để sống.
Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ thì một sai lầm luận lý quan trọng như vậy không thể có ở trong một bài viết rành rọt, mà nó là một “bỏ qua, lờ đi” nhằm ngụy luận dẫn từ một tiền đề đúng đến một kết luận sai. Tiền đề đúng ở đây là cái văn hóa Giả Ác Đấu cần phải bỏ đi. Điểm bỏ qua lờ đi ở đây là văn hóa này được bắt đầu thúc đẩy tiến hành từ thập niên 1950 nhằm hủy diệt mọi chướng ngại cho việc thiết lập và duy trì chuyên chính vô sản, mà đối tượng cụ thể là mọi giai cấp quần chúng không được coi là “nhân dân” của đảng (được nói rõ là trí phú địa hào). Cái tính chất Giả Ác Đấu này tiếp tục dưới mọi hình thức ở những mức độ khác nhau trong giai cấp thống trị tức là đảng và nhà nước CS cũng như trong “nhân dân” Chứng cớ không thiếu gì trong các tài liệu sách báo của chế độ cũng như ngoài chế độ, từ bấy đến nay. Cái tính chất Giả Ác Đấu này giúp chế độ tồn tại thời toàn trị, đã trở thành mối nguy cho chế độ thời Gorbachev đổi mới buông lơi chư hầu, mà hệ quả là nạn đói đã bắt đầu xuất hiện cho nên Nguyễn Văn Linh đã phải ra quyết định “Cởi trói”, để gọi là Xóa cái Giả, hy vọng tạo điều kiện cho đảng có thể biến thái. Vì thế, đã có những tác phẩm chỉ ra cái giả, cái xấu của đảng. Và cũng do đó người ta đã thấy có người, mà đầu tiên là Trần Văn Thủy nói đến “Chuyện tử tế”. Cái Ác, cái Đấu có giảm đi, ít ra là trong đảng và trong lãnh đạo đảng. Nhưng cái giả thì không thể mất, mà còn có phần gia tăng vì không giả thì không còn gì để bám víu, từ dân đến đảng, mà sống. Bỏ hẳn cái văn hóa giả-ác-đấu này thì đảng độc tài không thể hiện hữu. Vì thế bỏ qua lờ đi không nói cái văn hóa Giả Ác Đấu này là nền tảng sống còn của đảng tử đầu tới nay, người viết đã đẩy nó trở thành những đặc điểm của dân, bằng những dẫn chứng thường ngày: Dối trá từ giáo dục, ác từ cửa miệng cay nghiệt, hung hăng đấu đá vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Để mà ngụy luận rằng người dân cần thay đổi và bỏ cái văn hóa đó đi thì sẽ giải quyết được vấn đề to lớn của cả dân tộc. Hướng giải quyết cụ thể tóm tắt là hãy “ngưng chửi rủa anh hàng xóm lớn mạnh đang ngày đêm gây hấn”, và “Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, một ý thức vì người khác, bởi vì đơn giản: Khi ta tặng bạn hoa hồng tay ta còn vương mãi mùi hương.” Nói thẳng ra là cứ để nguyên cái cơ chế phát sinh và duy trì cái văn hóa Giả ác đấu đó. Mình đừng giả-ác-đấu là đủ rồi. Trong cùng mạch ngụy luận đẩy xa hơn chút nữa, mới đây người ta thấy có những hình ảnh và tin tức khuyến khích thái độ đem hoa hồng cài lên những hàng rào thép gai của nhà nước ngăn chặn biểu tình chống luật đặc khu. Để gọi là “đem yêu thương vào nơi oán thù” mà chiến thắng bạo lực.
Nhiều người cứ mắng VC là ngu. Nhưng xem ra là không phải!
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 27 tháng 7/2018)