Thành kính ghi nhớ công đức tổ tiên
Đỗ Hoàng Ý
Lời nói đầu: Ngày nay khi tìm hiểu về sử thượng cổ của dân tộc Việt, chúng ta vẫn gặp nhiều điều mơ hồ về nguồn gốc dân tộc Việt, về đất nước Việt thời cổ xưa trải gồm những nơi nào, về tiếng và chữ Việt thượng cổ ra sao ….
Truyền thuyết có nhiều, kho tàng truyện cổ, ca dao lịch sử thật phong phú, nhưng sử sách thì bị cướp phá mất rất nhiều, người đời sau phải chịu thiệt thòi, cho nên tìm hiểu về lịch sử nước nhà trong khoảng 5 thế kỷ trở lại đã là việc khó, còn cố tìm hiểu về lịch sử thời cổ xưa 2000 – 3000 năm trước thì thật là mờ mịt vô chừng.
Thêm nữa, từ khoảng thập niên 1930 đến thập niên 1980 - 1990, vì hoàn cảnh chính trị và chiến tranh, việc tìm hiểu dữ kiện lịch sử thượng cổ miền Đông Á bị giới hạn rất nhiều, các sử gia, các học giả thường phải dựa vào sử liệu thuần văn bản, vì không có được các dữ kiện khoa học và khảo cổ thực chất cần thiết cho việc kiểm chứng những ghi chép trong các sách sử cổ xưa.
Đến đời nay, thế hệ chúng ta đã chứng nghiệm việc ghi chép sử sai nhầm gây hậu quả tai hại, ảnh hưởng đến sự hiểu biết, đường hướng suy nghĩ của biết bao nhiêu đời.
Người viết không có ý xúc phạm đến tiền nhân, các sử gia, các học giả của nước Việt, chỉ mong là trong khi tìm hiểu và diễn giải sử Việt thượng cổ, sẽ thận trọng không để mình bị vướng mắc vào những điều mơ hồ hoặc mâu thuẫn, để có thể hiểu sử Việt sao cho hợp lý và sẽ không tiếp tục dùng những chi tiết sai lạc đã được sao chép nhiều lần qua nhiều đời trong các sử liệu, trong các nghiên cứu về sử Việt thượng cổ.
Rất mong các bậc cao minh cho biết những điều sơ xuất hoặc sai sót để chúng tôi được học hỏi thêm và hiệu đính bài viết hầu tránh phạm lỗi gây ra những ngộ nhận có ảnh hưởng không hay đến người đọc, đến người đời sau.
* * *
Xin mời bạn đọc cùng đi tìm đất nước Việt cổ trong vùng Đông Á. Chúng ta chú tâm đến Đông Á là vì rõ ràng có nhiều Địa danh Lịch sử đất nước Việt thượng cổ trong vùng Đông Á.
Những tên đất, tên sông, tên núi… thân quen có nguồn gốc từ thời cổ xưa, theo cách gọi của người Đông Á thượng cổ, theo tiếng nói của các chủng tộc trong Bách Việt sinh sống trong vùng đồng bằng Trường Giang (Dương tử giang) trải dài đến khắp miền Lĩnh Nam: hồ Động Đình, sông Tương, Mi Linh (Mê Linh), ….cho chúng ta thấy rất nhiều phần là đất nước Việt cổ từ thượng cổ, đến thời các vua Hùng, mãi đến thời Hai Bà Trưng, đã không hiện hữu nơi đồng bằng sông Hồng.
Trong khi tìm hiểu lại đất nước Việt thời thượng cổ của các chủng tộc Việt trong vùng Đông Á, chúng ta cần lưu ý là những địa danh hành chính hay chính trị do các vua quan, sử gia, văn gia Tàu đặt ra từ các đời Tần, Hán, Đường như: Tượng Quận, Cửu Chân, Nhật Nam, …không phải là những tên gọi trong dân gian đã được lưu truyền qua bao đời người Việt thượng cổ trong vùng Đông Á.
Các triều đại Tàu qua nhiều đời đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để áp đặt tên cho các thành trì, những nơi mà binh tướng họ chiếm đoạt được và lịch sử hóa các địa danh hành chính cho thích ứng với những dụng tâm chính trị của họ. Vì lý do ấy, các địa danh xa lạ với dân chúng đó đã được tận dụng ghi chép trong các sử liệu kinh điển, các thư tịch hàn lâm của mọi triều đại Tàu:
* Sử Ký (史記- Shiji- 94 trước TL): tác giảTư Mã Thiên (Sima Qian- 司馬遷 , 145 – 86 trước TL)
* Hán Thư (漢書-Han shu -111 TL), thường còn được gọi là Tiền Hán Thư: tác giả Ban Bưu, Ban Cố, Ban Chiêu và Mã Tục
* Giao Châu Ngoại vực ký (交州外域記 -Jiao Zhou Wai Yu ji) (205- ….) tác giả không để lại tên
* Hậu Hán Thư (後漢書 -Hou Han shu - 445 TL): tác giả Phạm Việp (Diệp) (Fan Yeh, 398-446)
* Thủy Kinh Chú (水經注 -Shui-ching zhu): tác giả Lịch Đạo Nguyên (Li Dao-Yuan, 466 – 527)
* Cựu Đường Thư (舊唐書 -Jiu tang shu ) tác giả Lưu Hú (Liu Xu, 887-946)
* Tân Đường Thư (新唐書 -Hsin Tang shu): tác giả Âu Dương Tu (1007- 1072) và Tống Kỳ (998-1061)....
Đến cuối thế kỷ XX, nhờ vào những kiến thức quý báu của biết bao nhà nghiên cứu tận tụy đóng góp cho nhân loại, phổ biến rộng rãi qua internet, chúng ta có thể phân tích và đối chiếu các sử liệu trong thư tịch Tàu với những kết quả khai quật khảo cổ. Suy xét cẩn thận phương cách các sử quan và văn gia Tàu ghi chép sử Việt thượng cổ, chúng ta có thể nhận ra được:
* nhiều dữ kiện sơ lược, sai lạc, nhiều khi miệt thị khinh bạc: Thí dụ như công trình khai hóa dân Lạc Việt ở Lĩnh Nam của các Thái Thú Tích Quang ((Xi Guang/ Hsi Kuang) (làm Thái Thú năm 2 đến 29 sau Tây lịch), Nhâm Diên (Ren Yan / Jen Yen) (làm Thái Thú năm 29 đến 33 sau Tây lịch) được ghi chép trong Hậu Hán Thư:
......thời Bình Đế có Tích Quang, người Hán Trung làm thái thú Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy cho dân Man di ăn ở, tiếng giáo hóa cũng lừng lẫy như ông Diên*…Đất Lĩnh Nam giữ phong tục Trung Hoa bắt đầu từ hai thái thú đó… (*Nhâm Diên)
.... (người Việt) "không có phép cưới hỏi… không quen thói sống chung với nhau nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng”...
* những hiểu biết mơ hồ hoặc hiểu sai về các cõi ngoài đất Tàu, ghi chép bất công với các dân tộc không Hán, thêm thắt những điều sai lạc như trong Hậu Hán thư:
..... Tục Cửu Chân làm nghề săn bắn chứ không biết dùng bò để cày. Dân phải thường mua lúa Giao Chỉ mỗi khi bị thiếu thốn. Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng... (khi Nhâm Diên làm Thái Thú Cửu Chân).
* nhiều truyền thuyết pha trộn dã sử, kèm thêm suy đoán vu vơ: Thí dụ như các ghi chép về “Trụ đồng Mã Viện” (xin xem bài: Tìm lại sự thật về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng, Đỗ Hoàng Ý, 2018).
Khảo luận:
1. Tập tục cưới hỏi, cũng như các lễ nghi, tập quán trong đời sống mỗi dân tộc mỗi khác. Các tộc người Việt thượng cổ có phong tục của người Việt. Dân Tàu (hợp chủng Mông - Hoa) có tập quán của dân Tàu.
Theo cổ sử Tàu, Hậu Hán thư*, khi Mã Viện đem quân xâm chiếm đất nước Việt thượng cổ năm 43 Tây lịch, chỉ khoảng 10 năm sau khi Tích Quang, Nhâm Diên làm Thái Thú, Mã Viện đã tâu trình:
…Điều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự…
...Luật Việt và luật Hán khác nhau đến hơn mười điều...
Viện bèn cùng người Việt nói rõ chế độ cũ để ước thúc. Tự hậu, người Việt làm theo những việc đã cùng thuận với Mã Viện...
(*後漢書 - Hậu Hán thư- Hou Han shu, tác giả là 范曄 (Fan Yeh - Phạm Diệp (Việp), 398-446), viết vào khoảng năm 432 và hoàn tất năm 445 (vào thời Lưu Tống (Liu Song, 420-478)). Hậu Hán thư được biên soạn hơn 400 năm sau thời Mã Viện)
Điều này chứng tỏ xã hội Việt đã có tổ chức, luật Việt đã có thể chế từ trước khi nhà Hán xâm chiếm đất nước Việt thượng cổ, và Mã Viện đã thỏa thuận cùng tôn trọng phần nào phong tục tập quán cũ của người Việt.
Như thế, điều khá chắc là sau thời Mã Viện, các Thái Thú đã theo lệnh triều đình nhà Hán ra công xóa bỏ văn hóa của các tộc Việt thượng cổ, ép buộc, chứ không phải là giáo hóa, người Việt cổ phải theo văn hóa Tàu. Việc áp đặt lễ giáo của Tàu lên xã hội Việt thực chất chỉ là để phục vụ cho công cuộc thống trị của nhà Hán, bắt ép dân Việt tôn sùng triều đình Hán.
2. Đến nay, nhiều nghiên cứu đồng ý là văn minh lúa nước trong vùng Lĩnh Nam bắt đầu vào thời văn hóa Đông Sơn (từ khoảng 800 năm trước Tây lịch đến khoảng 200 năm sau Tây lịch). Nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy các tộc người thượng cổ thời Đông Sơn đã có được nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước, bằng chứng là họ đã biết tạo ra và dùng nhiều công cụ nông nghiệp (điền khí) như lưỡi cày, cuốc, xẻng, rìu, lưỡi dao gặt bằng đồng và sắt, có nhà kho chứa thóc, biết giã gạo (ghi lại qua hoa văn trống đồng) thay vì dùng bàn nghiền bằng đá vì sản xuất lúa đã nhiều.
Khi Nhâm Diên làm Thái Thú Cửu Chân đã là vào cuối thời Đông Sơn, chẳng lẽ là các tộc dân đã có kinh nghiệm làm ruộng lúa nước gần cả ngàn năm lại phải học khẩn ruộng từ người du mục phương Bắc? Nên chuyện ....“Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng” ...thực là không hợp lý.
Ghi chú: theo Edward Hetzel Schafer (1913-1991): …The art of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south…. (Ancient China- Great Ages of Man: A History of the World's Cultures- Edward H. Schafer and the editors of Time-Life Books, published by Time-Life Books, New York, 1967).
Theo như thế thì đúng ra phải là người phương Bắc học thuật trồng lúa nước từ các tộc dân vẫn bị xem thường, ở miền Nam hẻo lánh, xa xôi.
3. Hậu Hán thư có ghi:… “Dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, có dư thóc để bán cho Hợp Phố và Cửu Chân, dân Hợp Phố chỉ mò trai chứ không trồng trọt, còn dân Cửu Chân thì cứ săn hái, câu kéo”.
Nhà Hán gộp đất Nam Việt nhà Triệu vào lĩnh thổ Giao Chỉ trải khắp miền Lĩnh Nam. Quận Hợp Phố ở về phía Đông Nam của Lĩnh Nam, ven biển Nam (Nam Hải). Quận Cửu Chân* thuộc trong Giao Chỉ bộ, giáp ranh quận Giao Chỉ, nhiều phần là ở về phía Tây Bắc Lĩnh Nam (vùng đất Dạ Lang thuộc cao nguyên Quí Châu). Chuyện ....“Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng” ...nếu có chăng nữa, chắc chỉ là Nhâm Diên đã “dạy” một tộc dân trong vùng cao nguyên Quí Châu, Vân Nam làm ruộng lúa rẫy!
Như thế, chuyện Nhâm Diên “dạy” cho dân Việt dùng điền khí để cày cấy, hay chuyện Nhâm Diên và Tích Quang “giáo hóa” dân Việt chỉ là những chuyện nói quá đáng để tô điểm cho chế độ đô hộ của triều đình Tàu.
*Ghi chú: Chúng ta cần khảo cứu thêm để minh định quận Cửu Chân thời nhà Hán không phải là ở vùng đồng bằng sông Mạ (Mã) (Thanh Hóa, Nghệ An của Việt Nam ngày nay) như theo hầu hết các sách sử Việt đã lưu truyền qua bao đời! (xin xem phần Khảo luận về Cửu Chân, Nhật Nam trong đoạn sau của bài).
Trên đây chỉ là một vài nhận xét sơ lược về giá trị của những điều các văn gia, sử quan Tàu ghi chép có liên quan đến sử Việt cổ, nhưng cũng đủ để nhắc nhở chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tìm hiểu sử Việt cổ.
Thiển nghĩ, khi ghi chép sử, việc chính yếu của các văn gia, sử quan Tàu là ghi chép sử Tàu nên chúng ta không thể chờ đợi gì nhiều về các ghi chép liên quan đến sử Việt. Vì thế, chúng tôi không nhất thiết coi trọng nhiều sử liệu của Tàu được soạn từ thời Tần, Hán trở về sau và luôn suy xét cẩn thận khi dẫn chứng từ các sử liệu đó. Thêm nữa, sau nhiều thế kỷ các văn bản cổ sử từ đời Tần, Hán còn truyền lại về sau không phải là nguyên bản mà là các bản được sao chép qua nhiều đời nên chắc là đã không tránh khỏi bị sao chép sai nhầm, hoặc sửa đổi, thêm bớt tùy tiện theo chủ đích riêng.
Chúng ta cũng có thể chắc rằng dưới các triều đại quân chủ chuyên chế, khi biên soạn các văn bản chính sử, các văn gia, sử quan chắc đã không dám, hay không được phép, ghi chép những điều không hay hoặc bất lợi cho triều đình, vua quan Tàu. Thế cho nên chúng tôi cũng không quá tin vào những tác phẩm dịch thuật của các tác giả đời sau đã theo sát văn bản cổ sử Tàu, thí dụ như:
* Histoire Générale de la Chine (ou Annales de cet Empire), tác giả Le Père Joseph-Anne-Marie de Moyriac de Mailla (1669-1748), giáo sĩ Jésuite (Dòng Tên) người Pháp, phái bộ truyền giáo ở Bắc kinh, dịch từ Tư Trị Thông Giám -資治通鑒 - (tác giả Tư Mã Quang-司馬光-(1019-108), được khắc bản gỗ lần đầu theo lệnh của vua Khang Hi nhà Thanh), M. l’Abbé Grosier xuất bản (Paris, 1777-1783), dưới sự hướng dẫn của M. Le Roux des Hautesrayes, Conseiller-Lecteur du Roi, ấn loát tại Ph.-D. Pierres, Imprimeur du Grand-Conseil du Roi, & du Collège Royal de France, rue Saint-Jacques, & Clousier, Imprimeur-Libraire, rue Saint-Jacques.
* La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique (d’après les documents officiels chinois traduits pour la première fois), tác giả Gabriel Devéria (1844-1899), soạn theo Đại Thanh Nhất Thống Chí - 大清一統志 – (được khắc bản gỗ in năm 1764 theo lệnh của vua Càn Long nhà Thanh, hoàn tất năm 1789), do Ernest Leroux ấn loát, l’École des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris,1886.
* trường hợp đặc biệt của bộ Đại Việt Sử Lược- 大越史略:
Đến nay, vì chưa có được sự đồng thuận về lai lịch tác giả, về thời điểm ra đời của Đại Việt sử lược, nên hầu hết các tài liệu đều ghi đấy là sách sử Việt viết bằng chữ Tàu do một tác giả "khuyết danh" biên soạn vào đời nhà Trần, được hoàn thành vào khoảng năm 1377. Trải qua bao nhiêu nạn binh đao vì quan quân Tàu xâm lăng, tàn phá nước ta, Đại Việt Sử Lược bị thất truyền không rõ là tự bao giờ.
Mãi đến thời Càn Long (1736 – 1795) nhà Thanh, Tiền Hy Tộ dùng sách này để tra cứu và bổ túc cho phần ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử, đã tiến hành hiệu đính, cho khắc in, rồi nạp sách vào Khâm định tứ khố toàn thư của triều Thanh.
Trước khi khắc in, Tiền Hy Tộ đã đổi tên sách là Việt sử lược, trong sách thì đổi danh xưng Đại Việt nước ta là An Nam, đồng thời viết bài Tựa cho bộ sách, trong đó có đoạn phiên dịch đại để như sau:
...Nước An Nam từ đời nhà Tống trở về sau, vẫn giữ lệ cống. Vậy mà dám nhân lúc triều trước* loạn lạc, không ai chế ngự mới bèn chiếm trộm đế hiệu, lại còn ghi rõ trong sử sách để tự khoe khoang, càn quấy, thật là điều trái lẽ... Tuy vậy, các vua Ngô, Sở tiếm hiệu, kinh Xuân Thu đã chê mà nhà chép sử cũng không bỏ mất sự thật của việc ấy.
Cho nên dựa vào ngụy sử**, theo lệ mà chép là để cho rõ cái tội của chúng, và cũng để bổ cứu cho phần ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử hiện chưa đầy đủ....
* ý nói các triều đại bên Tàu ** ý chỉ Đại Việt sử lược
Xem cách lập luận và lời văn như thế, chúng tôi thấy không thể quá tin vào những điều ghi chép trong bản Đại Việt Sử Lược đã qua tay của quan nhà Thanh Tiền Hy Tộ .
* * *
Vào thời điểm này, trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhờ học hỏi được từ những công trình biên khảo của nhiều nhà nghiên cứu, chúng tôi xin trình bày tóm lược theo thứ tự thời gian như sau:
Khoảng 170000 năm trước đây, người Homo Sapiens đã ra khỏi Phi châu (Out of Africa theory- Alan C. Wilson và Rebecca L. Cann,1990's), nhưng đến khoảng 90000 năm trước thì bị tuyệt diệt, tuy không rõ nguyên do, nhưng rất có thể là vì khí hậu lạnh khắc nghiệt trong vùng núi đồi Trung Đông. Đợt thứ hai dời Phi châu ra đi 80000 năm trước (làn sóng di cư thứ hai - theo Spencer Wells- The Journey of Man, 2002) di cư men theo bờ biển Nam Á.
Người Đông Nam Á thượng cổ có nguồn gốc từ Phi Châu
Đến khoảng 45000 năm trước, dòng dõi đoàn người di cư đến được vùng lục địa Đông Nam Á cổ xưa và định cư nơi miền thềm lục địa phì nhiêu Sundaland (còn có những tên gọi khác như: Lemuria, Mu, Atlantis…).
Nhờ thế, nơi vùng đồng bằng Sundaland bao la, khí hậu ấm áp quanh năm, nhiều sông hồ, cây cối xanh tươi, hoa trái sung túc, nhiều thú rừng, lại thêm biển cả mênh mông, dồi dào tôm cá, người thượng cổ đã tìm được địa đàng chốn trần gian. Đến nay, chúng ta vẫn chưa biết người thượng cổ đặt tên cho địa đàng này là gì? Khoa học hiện đại gọi với những tên khác nhau: - "the lost Atlantis" ở trong vùng Sundaland (theo Arysio Santos, người Brazil), - Eden in the East (theo Stephen Oppenheimer - người Anh): Địa đàng ở phương Đông.
Các chủng tộc người thượng cổ Đông Nam Á định cư lâu dài trên lục địa Sundaland trong khoảng hơn 20000 năm, sinh sôi nẩy nở thành một đại chủng: Đại chủng Australoid (theo cách gọi của khoa nhân chủng học ngày nay), sáng tạo công cụ đá mới đầu tiên của nhân loại, khởi phát nông nghiệp, trồng được cây kê, các loại lúa nước, khoai sọ, khoai mỡ, mía và chuối, thuần hóa gà, chó, lợn...
Vào thời kỳ Băng Giá cuối (the last Ice Age - Pleistocene), khoảng 15000 – 18000 năm trước, Sundaland cao hơn mặt biển khoảng 20 thước (meters) và mực nước biển thời đó thấp hơn mực nước ngày nay khoảng 120 thước. Như vậy là Sundaland thấp hơn mực nước biển ngày nay khoảng 100 thước.
Khi kỳ Băng Giá kết thúc, băng giá tan, nước biển dâng cao- “biển tiến”- phủ ngập Sundaland và các vùng thềm lục địa khắp miền Đông Á! (Theo tác giả Stephen Oppenheimer - “Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia," - 1998)
Nhiều đợt người thượng cổ dời miền thềm lục địa đất thấp - Sundaland- để tránh nạn nước lụt vì “biển tiến”, di cư vào các vùng đất cao hơn ở sâu trong lục địa Đông Nam Á và Đông Á hoặc phân tán ra các vùng đảo Polynesia trong Thái Bình Dương.
Khoảng 20000 – 15000 năm trước TL: Văn hóa Hòa Bình
Hang Xóm Trại, Mường Vang cổ, thuộc địa phận Xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Hang được phát hiện năm 1974-75 sau đó đã được thăm dò khai quật 4 lần (1981, 1982, 1986 và 2004) và lối đi cổ được phát hiện năm 2008.
Khoảng 18000 – 12000 năm trước TL: Văn hóa Sơn Vi
Khoảng 18000 – 7000 năm trước TL: Văn hóa Soi Nhụ
Khoảng 11000 – 7000 năm trước TL: Văn hóa Bắc Sơn
Khoảng 12000 – 8000 năm trước TL: Văn hóa vùng châu thổ Việt giang (Tây giang - Châu giang)
Động Xianren trong hạt Vạn Niên (Wannian), tỉnh Giang Tây (Jiangxi), và Dốc Đứng (Yuchan) trong hạt Dao tỉnh Hồ Nam (Hunan), được tìm thấy có những hạt thóc được định tuổi khoảng chừng 12000 năm, chứng tỏ vùng châu thổ Châu giang và Nam Trường giang rất có thể là nơi trồng lúa sớm nhất ở Đông Á.
(Tài liệu:Cội Nguồn Văn Minh ở Trung Quốc đăng trên tạp chí Sino-Platonic Papers, Đại học Pennsylvania, số 175 December-2006, Zhou Jixu)
Khoảng 9000 – 5500 trước TL: Văn hóa vùng châu thổ trung lưu Trường giang (Dương tử giang)
Văn hóa Pengtoushan (Bành Đầu Sơn) trong vùng đồng bằng phía Tây hồ Động Đình
(khai quật thấy vào năm 1988).
Đây là nơi được tìm thấy có: di tích làng định cư sớm nhất tại Đông Á, đồ gốm, các hạt lúa có niên đại 8200 – 7800 năm trước TL.
Khoảng 8000 – 5500 năm trước TL: Văn hóa vùng châu thổ Hoài thủy - Lạc thủy - Nam Hoàng hà
Văn hóa Giả Hồ (Jiahu): Giả Hồ (Jiahu), trong vùng thượng lưu sông Hoài, phía Nam của Lạc thủy và Hoàng hà, khai quật được vào năm 1962, cho thấy người thượng cổ “Giả Hồ” đã biết trồng lúa nước, sống có phong tục: trồng tiểu mễ và lúa trong vùng châu thổ các sông Hoài (Huai) và Lạc thủy (Luo), mộ táng có lễ vật mai táng, từ đồ gốm cho đến mai rùa, yếm rùa có khắc ký hiệu, …
Những nét khắc trên mai rùa có niên đại khoảng 6200 đến 6600 năm trước TL có thể là chữ viết tượng hình sớm nhất của nhân loại (Antiquity Tập 77, số 295 , tháng 3 năm 2003, The earliest writings? Sign use in the seventh Millennium BC at Jiahu, Henan Province, China, by Xueqin Li, Garman Harbottle, Juzhong Zhang, Changsui Wang).
Tại di chỉ khảo cổ này được khai quật thấy có những dụng cụ làm ruộng, phần lớn được chế tác theo cách mài nhẵn: nông cụ đá mài kiểu văn hóa Hòa Bình- có thể nhận ra được các mai đá, liềm, dao, cối xay bằng đá, gậy đá, mai bằng xương thú...
Nghi vấn:
Dân tộc trồng “mễ” ven sông “Lạc” (Lạc thủy, phía Nam Hoàng hà): có thể đấy chính là người Lạc Việt thượng cổ chăng? Về sau, có chữ Việt bộ Mễ - 粵 - để mô tả người Việt là tộc người biết làm ruộng lúa nước và biết sử dụng liềm hái gặt lúa.
Khoảng 7000 – 6000 năm trước TL:
1971: W.G. Solheim II và các đồng nghiệp trình bày những chứng tích khảo cổ giúp chứng minh là:
* người thượng cổ đã từ phương Nam (Văn Hóa Hòa Bình ở châu thổ sông Mạ (Mã) và sông Cả khoảng 15000 -20000 năm trước)
* đi lên phương Bắc, định cư và phát sinh nền văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao) (khoảng 7000 năm trước TL )
(Solheim II W.G.: New light on a forgotten past. National Geographic, 1971)
Năm 1953, di chỉ khảo cổ Bản Pha được phát hiện ở vùng thượng nguồn của Lạc Thủy (phía nam Hoàng hà), được xem là giai đoạn đặc biệt tượng trưng của nền văn hóa Yangshao (Ngưỡng Thiều).
Nhiều nghiên cứu đã cho là văn hóa Lungshan (Long sơn) (từ trước vẫn được xem là phát triển từ Ngưỡng Thiều) và văn hóa Ngưỡng Thiều đều bắt nguồn từ gốc văn hóa Hòa Bình ở miền bắc Đông Nam Á rồi sau di chuyển lên phía Bắc.
1998: (Beijing Review, ấn bản tuần lễ từ 23-29 tháng 3/1998, mục Culture/Science) tổng hợp nhiều kết quả khảo cổ nhìn nhận có nền văn hoá của các chủng tộc Việt thượng cổ trước khi tộc Hoa xuất hiện.
Khảo luận:
Năm 1998, công trình nghiên cứu về di truyền học Genetic Relationship of Population in China ( Prof. J.Y. Chu và 13 người cộng sự, Human Genetics Center, University of Texas-Houston, TX 77225, Đại học Texas, được đăng trong The Nation Academy of Sciences, USA, Vol.95 issue 20, ngày 29 tháng 7 năm 1998), phân tích 15-30 mẫu DNA micro-satellites để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 28 nhóm dân từ nhiều vùng khác nhau ở Đông Á (Trung Hoa ngày nay),với kết luận tóm lược như sau:
1. Các bằng chứng di truyền cho thấy là người Homo sapiens không thể tự phát trong vùng Đông Á.
2. Theo phương pháp Phylogenetics Analysis, điều hầu như có lý nhất là Tổ tiên của các tộc dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
3. Người Tàu ở phía Bắc Đông Á có cấu trúc di truyền khác với người Tàu ở phía Nam Đông Á.
Khoảng 6000 – 4000 năm trước TL:
Các phiến đá khắc ký hiệu tượng hình: chữ của người Việt cổ (Cảm Tang, Quảng Tây) (được tìm thấy năm 2011)
Các ký hiệu giống như chữ khắc trên xẻng đá Cảm Tang, trên qua đá vùng sông Tả (Quảng Tây) của người Việt cổ đã từng được thấy:
1. trên hai chiếc đĩa gốm ở vùng văn hóa Hòa Bình (ký hiệu giống chữ Sĩ): Nhà khảo cổ Madeleine Colani (1866, Strasbourg - 1943, Hà Nội) tìm được ở vùng văn hóa Hòa Bình (Việt Nam) năm 1923 với niên đại khoảng 8000 năm trước TL.
2. trên các mảnh xương thú (cốt văn) có niên đại khoảng 7000 – 6000 năm trước TL, được tìm thấy ở vùng văn hóa Ngưỡng Thiều (vùng thượng nguồn của Lạc Thủy, phía nam Hoàng hà)
3. trên mai rùa (giáp văn) có niên đại khoảng 6200 đến 6600 năm trước TL, được tìm thấy ở vùng văn hóa Giả Hồ (vùng châu thổ Hoài thủy - Lạc thủy - Nam Hoàng hà)
Chứng tích "chữ viết cổ" xác nhận nền văn minh Đông Á thượng cổ đã có từ hơn mấy ngàn năm trước khi tộc người Mongoloid phương Bắc đến xâm lấn địa bàn cư trú của người Đông Á thượng cổ (vào khoảng 2700 năm trước TL) là một sự thật lịch sử.
Khoảng 3000 năm trước TL:
Theo Truyền thuyết: Thời Kinh Dương Vương (2879 trước TL)*. * trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” Ngô Sĩ Liên(…- 1479) ghi lại với sự ngờ vực: 18 đời vua Hùng (2879-258 trước TL) … và còn căn dặn người đời sau: “tin sách chẳng bằng không có sách” (tận tín thư bất như vô thư).
Kinh Dương Vương làm vua phương Nam, đặt tên đất nước là Xích Quỷ. Nước Xích Quỷ của người Việt thượng cổ trải rộng trong miền Đông Á, gồm có cả hai châu Kinh và Dương (sau này là hai châu chính của nước Sở (1122 – 221 trước TL).
Cư dân đất Kinh** phần đông thuộc tộc Âu (chủng Thái). Đất Dương đông dân thuộc tộc Lạc (chủng Việt).
**có thuyết cho là: về sau được gọi là người Kinh
Nghi vấn: Kinh Dương Vương có thể không phải là tên hiệu một vị vua, mà là để gọi vị vua cai quản hai đất Kinh và đất Dương của người Việt thượng cổ.
Theo Thượng thư (còn được gọi là Kinh Thư sau khi Khổng tử san định):
- Châu Dương gồm vùng châu thổ sông Hoài và phần châu thổ hạ lưu Trường giang (Dương Tử)
- Châu Kinh gồm vùng châu thổ các sông Hán (Hán thủy), Đà, Tiềm và phần châu thổ trung lưu Trường giang.
Khoảng 3000 năm trước TL: Văn hóa thượng cổ Tứ Xuyên (văn hóa Sanxingdui – Tam Tinh Đôi).
Theo các ghi nhận khảo cổ và nhân chủng học vào hậu bán thế kỷ XX, dân thượng cổ vùng Tứ Xuyên khởi đầu hợp thành các bộ tộc tại khu vực dãy Mân Sơn trên thượng lưu Mân giang, thuộc miền giáp ranh các vùng Tứ Xuyên - Cam Túc -Thanh Hải ( Sichuan – Gansu - Qinghai) ngày nay.
Sau đó, họ di dân theo thượng lưu Hán Thủy, qua châu thổ hạ lưu Vị Thủy, tiếp tục di về phía Đông đến lưu vực Lạc Thủy. Theo như thế: trong vùng Trung Nguyên Đông Á, di dân từ Tứ Xuyên đến sau (khoảng 2000 năm trước TL) đã pha giống (lai) với cư dân thượng cổ đã từ miền Bắc Đông Nam Á (văn hóa Hòa Bình) đến định cư khoảng 7000 – 6000 năm trước TL trong vùng châu thổ Lạc Thủy (văn hóa Yangshao - Ngưỡng Thiều).
Ghi chú:
Các di chỉ đồ đồng văn hóa Sanxingdui rất tinh xảo và phong phú nhưng chưa thấy dấu vết “chữ viết” (ký tự)
(khoảng 1000 năm trước đời nhà Hạ, khoảng 1500 năm trước đời nhà Thương)
Nghi vấn: Bên phía Tây miền Đông Á, các chủng tộc Tứ Xuyên thượng cổ và Đông Á thượng cổ pha giống (lai nhau) sinh ra tộc Thái thượng cổ, được xem là tổ tiên của các giống người thuộc nhiều tộc trong nhóm Bách Việt sau này.
Theo lý luận như thế, nhà Hạ (thuộc tộc người Tứ Xuyên thượng cổ) có thể được xem là một triều đại thuộc một tộc tổ tiên trong Bách Việt.
Khoảng 2700-2600 năm trước TL:
Theo Truyền thuyết và Cổ sử Tàu: Quân và dân của Hiên Viên Hoàng Đế (người thuộc chủng tộc Mongoloid phương Bắc) từ phía Bắc vùng bán đảo Sơn Đông, vượt qua Hoàng hà, xâm lăng vào đất Trung Nguyên của người Đông Á thượng cổ (các bộ tộc Bách Việt thượng cổ) ở vùng châu thổ Lạc thủy và sông Hoài, phía Nam Hoàng Hà.
Hoàng Đế (2697-2597 trước TL) lấy Giao Chỉ làm biên giới phía Tây Nam của đất Hoàng Đế.
Nghi vấn: Bên phía Đông Bắc miền Đông Á, các chủng tộc Đông Á thượng cổ và Mông (Mongoloid phương Bắc) pha giống (lai nhau) sinh ra một tộc mới: tộc Mongoloid phương Nam, sau này được xem là tổ tiên của tộc Hoa.
Khoảng 2356 – 2258 năm trước TL:
Đế Nghiêu (帝堯), từng là tù trưởng bộ lạc ở đất Đào, sau lại cải phong ở đất Đường (nên còn được gọi là Đào Đường thị (陶唐氏) hoặc Đường Nghiêu (唐堯)), cho gia tộc họ Hi đến định cư ở Nam Giao, lập đàn quan sát thiên văn và ấn định miền đất giáp ranh với Nam Giao, bên phía Nam, là đất Giao Chỉ.
2258 trước TL: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần quy, bối hữu Khoa đẩu”.
Dịch nghĩa: thời vua Nghiêu, người Việt Thường đến dâng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu.
Sách "Thông Chí" của Trịnh Tiều ghi rõ: …Đời Đào Đường, phương Nam có bộ Việt Thường cử sứ bộ qua hai lần phiên dịch đến dâng tặng con rùa thần có lẽ đã sống 1000 năm, mình dài hơn 3 thước, trên lưng có khắc văn Khoa Đẩu ghi việc trời đất mở mang, Vua Nghiêu sai chép lại và gọi là Quy Lịch.
Nghi vấn:
1. theo cách phát âm tiếng Việt thượng cổ:
* Âm Nghiêu (Đế Nghiêu) có thể là do đọc trại từ âm Nghi.
Theo truyền thuyết cổ sử Việt, Đế Nghi có thể là Đế Nghiêu?
*Hai miền đất Đào và Đường, thời cổ xưa, không rõ ranh giới như thế nào?
Có thuyết cho là âm Đào có thể là do đọc trại từ âm Giao.
2. Người thượng cổ Đông Á, trong đó có người Việt Thường ở phương Nam, đã có chữ viết từ trước thời Đế Nghiêu (Nghi), sau này được gọi là chữ khoa đẩu. Điều này phù hợp với việc khai quật thấy:
- ký hiệu chữ cổ có niên đại khoảng 6000-4000 năm trước TL, khắc trên đá, trên các vật dụng bằng đá (xẻng đá, qua đá) tại Quảng tây, châu thổ sông Tả (phụ lưu của Tây giang) năm 2011.
- ký hiệu trên mai rùa (giáp văn) có niên đại khoảng 6200 đến 6600 năm trước TL, tìm thấy ở vùng văn hóa Giả Hồ.
- ký hiệu trên các mảnh xương thú (cốt văn) có niên đại khoảng 7000 – 6000 năm trước TL, tìm thấy ở vùng văn hóa Ngưỡng Thiều (vùng thượng nguồn của Lạc Thủy, phía Nam Hoàng hà).
Khoảng năm 2205-1675* trước TL:
Nhà Hạ trải qua mười bảy đời vua, kinh đô Lạc Dương ở vùng châu thổ Lạc thủy (bên phía Nam của Hoàng hà). Người sáng lập nhà Hạ là vua Đại Vũ**
* Một số học giả Âu Mỹ nghiên cứu và suy luận là nhà Hạ chỉ vào khoảng 1800 – 1500 trước TL
**Vua Vũ: tên Cao Mật. Cha là ông Cản, người tộc Hạ ở đất Thạch Nữu, Tây Khương (Tứ Xuyên).
Nghi vấn:
Tên Cản là một tên gọi của tộc người Đông Á thượng cổ. Cản là đọc theo âm Việt cổ, có thể là do từ việc ông trị thủy, theo cách dùng đất, gỗ để ngăn cản nước lũ. Tiếng Tàu ký âm là Cổn (?).
Thượng thư (Hồng phạm) và Quốc ngữ (Lỗ ngữ) có ghi lại "Cổn chướng hồng thủy".
Việc trị thủy thất bại, Cổn (ông Cản) bị sát hại.
Vua Vũ cải tiến phương pháp trị thủy của cha, vét lòng sông, đoàn kết được các bộ tộc, lao công vất vả trong 13 năm rồi chế ngự được nước lụt. Công trình trị thủy của vua Vũ gồm "khai thông chín sông, đào thông Tể, Tháp ra Chư Hải, khơi Nhữ, Hán; tháo nước Hoài, Tứ vào Giang". Vua Vũ cũng chú trọng đến nông nghiệp, nêu tôn chỉ "tự thân trồng trọt mà có thiên hạ”.
Do vua Vũ có công trị thủy và sản xuất nông nghiệp, thế lực của bộ tộc Hạ thêm vững mạnh. VuaVũ nhiều lần đánh bại và xua đuổi người Tam Miêu đến lưu vực Đan Giang và Hán Thủy, nhờ thế ông được tôn lên thành thủ lĩnh liên minh các bộ tộc vùng Trung Nguyên Đông Á (bình nguyên Hoa Bắc sau này).
Vua Vũ được tôn phong là tổ nhà Hạ nên có danh hiệu Hạ Vũ (夏禹), và cũng vì thống ngự được các bộ tộc nên còn được gọi là Đại Vũ (大禹). Trước thời vua Vũ, các vua thường chỉ được xem là các vua huyền thoại thời thượng cổ mà thôi.Vua Vũ chia thiên hạ làm chín châu. Đất Bách Việt thuộc về châu Dương (Dương châu) .
Theo như thế thì vào thời nhà Hạ, Giao Chỉ thuộc về đất châu Dương.
Tương truyền khi vua Vũ đi trị thủy đến sông Lạc (Lạc thủy), thấy Rùa Thần xuất hiện, trên mai có ký hiệu kỳ bí, vua ghi lại, gọi là Lạc thư.
“Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi” (Dịch Kinh Bản Nghĩa, Mục Hà Đồ & Hệ Từ Thượng Truyện,chương 10). Đồ (Hà đồ) hiện ra ở Hoàng hà, Thư (Lạc thư) hiện ra ở Lạc thủy, thánh nhân theo đấy ứng xử.
Vua Đại Vũ, có Cơ tử giúp, theo Lạc thư (sách Lạc) lập ra Hồng Phạm Cửu Trù gồm tất cả 55 tiết, ứng với số 55 của Hà Đồ. Chín chương Hồng Phạm là phương pháp căn cốt để trị nước, yên dân, bậc quân vương theo đấy mà thay Trời trị dân.
Nghi vấn : Văn hóa Đông Á thượng cổ có một số bí ẩn chưa được giải đáp thỏa đáng, trong đó có:
Nguồn gốc của quan niệm Thái Cực? Nguồn gốc sâu xa của hình tượng 卍 (chữ Vạn)?
Có thể nào hình tượng chữ Vạn đã được du nhập vào Đông Á thượng cổ và được bí mật ẩn giấu trong cách sắp xếp các tượng số của Hà Đồ và Lạc Thư?
Xuất xứ của Hà Đồ và Lạc Thư.
Hồng Phạm Cửu Trù được ghi lại bằng cách nào? với chữ gì? vì mãi đến hậu bán thế kỷ XX, khảo xét các di chỉ khảo cổ đời nhà Hạ chỉ thấy có các dấu hiệu (khoảng 24 hình tượng trên các đồ gốm- Fang Yusheng, 1965), mà chưa phải là chữ (ký tự).
Xin nêu giả thuyết :
Quan niệm Thái Cực, Âm Dương có thể đã có nguồn gốc từ lục địa thượng cổ Đông Á vào thuở rất xa xưa. Trải qua nhiều đời, các hiền triết thượng cổ Đông Á đã dày công xem xét những hiện tượng thiên nhiên (Trời Đất, người với muôn vật,..), ghi chú, dốc tâm suy cứu, để cố hiểu bí mật vũ trụ, từ đấy đúc kết nên tinh hoa Dịch lý, lập ra các hình tượng Hà Đồ, Lạc Thư lưu truyền lại cho đời sau.
Rất có thể là đã có nhiều nền văn minh thượng cổ hiện hữu nơi lục địa Đông Á vào những thời điểm khác nhau, trong đó có các nền văn minh của các bộ tộc Bách Việt thượng cổ. Các nền văn minh ấy đã có thời bừng sáng rồi thay đổi lu mờ theo thời gian. Qua bao ngàn năm, người đời sau đã chỉ thu tìm lại được, với không ít sai lạc, những phần rời rạc, những điều rơi rớt còn sót lại của các nền văn minh thượng cổ ấy. Các di sản văn minh, các sự kiện lịch sử của quá khứ đã vô tình bị đưa đẩy vào một trạng thái mơ hồ, huyền bí.
Vì thế mà đã có nhiều truyền thuyết do người đời sau đặt ra để thần thánh hóa nguồn gốc của các di sản văn minh và lịch sử của thời thượng cổ Đông Á. Điển hình là truyền thuyết Long Mã hiện ra ở Hoàng hà với hình tượng Hà Đồ trên lưng, Thần Qui hiện ra ở Lạc Thủy với hình tượng Lạc Thư trên mu rùa.
Đời nhà Thương (khoảng 1675 – 1046 trước TL):
Trong khoảng đầu triều đại (1600 – 1400 trước TL) chưa thấy có chữ viết: trên các di chỉ khảo cổ khai quật được tại Erligang (Nhị Lý Cương - Zhengzhou, Henan) vào năm 1951, chỉ thấy có các dấu hiệu, hoa văn trang trí, trên các đồ đồng, đồ gốm, ngọc… mà chưa phải là chữ.
Đến đời vua Bàn Canh (1401-1374 trước TL) nhà Thương vượt qua Hoàng Hà tiến về phía Đông Bắc, thiên đô đến Ân Khư (Anyang- An Dương ngày nay) (vì thế còn được gọi là nhà Ân hay Ân-Thương). Các khai quật khảo cổ tại An Dương (từ 1928 đến 1998) thấy rất nhiều di chỉ giáp cốt văn*, đột nhiên hiện hữu trong giai đoạn Ân-Thương (1220-1045 trước TL)
*Năm 1964, 41000 hình khắc trên các giáp cốt đã được công bố, tổng kết khoảng 4500 chữ đơn, và trong số 3000 chữ có thể đọc và hiểu được, có hơn 1000 chữ được nhiều nhà nghiên cứu đồng ý về từ và nghĩa.
Nghi vấn:
Nhà Thương, gốc dân du mục, khởi nghiệp từ miền Tây thượng nguồn sông Vị. Trong khoảng 1600 - 1400 trước TL, vua quan nhà Thương mở rộng lĩnh thổ về phía Đông, cướp phá chiếm đoạt đất đai của nhiều bộ tộc thượng cổ Đông Á. Họ đã soán đoạt các công trình văn hóa của nhà Hạ và của các bộ tộc trong vùng Tứ Xuyên, Nam Hoàng Hà, Lạc Thủy, vùng Bắc thượng lưu sông Hoài... nhưng các di tích khảo cổ chưa thấy có dấu vết "chữ viết" (dù là giáp cốt văn). Rất có thể là vì những nền văn hóa tại những nơi họ chiếm đoạt chưa có chữ viết, và còn chính họ thì khá chắc là họ cũng không có chữ viết.
Trong giai đoạn Ân-Thương, khoảng 1220 – 1045 trước TL, nhà Thương đã mở rộng lĩnh thổ về phía Nam Hoàng hà, tiến chiếm đất đai của các bộ tộc thượng cổ miền Đông Á trong vùng Trung Nguyên (bình nguyên Hoa Bắc) gồm châu thổ Bắc Trường giang (đất Kinh thời thượng cổ), vùng châu thổ trung lưu và hạ lưu sông Hoài (đất Dương thời thượng cổ). Những nơi ấy kể là phần phía Bắc của nước Xích Quỷ thời thượng cổ. Nhà Thương đã liên tục chiếm đoạt các công trình văn hóa của các bộ tộc người thượng cổ Đông Á, người của các bộ tộc Bách Việt thượng cổ, thu góp rất nhiều phẩm vật di sản văn hóa, trong đó có các di sản giáp cốt văn, đem về tàng trữ tại kinh đô Ân Khư.
Khoảng năm 1218 trước TL, theo cổ sử Tàu, Ân Cao Tôn (nhà Ân-Thương) đem quân đóng tại đất Kinh, phía tả ngạn (phía Bắc) sông Dương Tử (Trường giang), đánh Quỷ Phương, vùng hồ Động Đình, phía hữu ngạn (phía Nam) sông Dương Tử. Sau 3 năm, Ân Cao Tôn không thắng.
Theo truyền kỳ của tộc Việt, vào thời Hùng Vương, giặc nhà Ân sang xâm lấn nước ta, chinh chiến kéo dài ba năm. Vua cho tìm người hiền tài giúp nước. Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) xin Vua cho người đúc ngựa sắt, roi sắt, xông pha trận mạc, đại phá giặc Ân, đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta*.
* Khi ấy, nước Việt cổ còn trải rộng từ vùng hồ Động Đình đến khắp miền Lĩnh Nam.
Ghi chú:
Nếu tính theo truyền thuyết Thánh Gióng xảy ra vào thời Hùng Vương thứ 6, khoảng 1200 năm trước TL như kể trên, thì 18 đời vua Hùng là vào khoảng từ 1700 – 258* năm trước TL, với mỗi đời vua Hùng trị vì trung bình 80 - 85 năm.
*vào đầu thế kỷ XXI, một số nhà nghiên cứu tin là triều đại các vua Hùng chấm dứt vào khoảng năm 208 trước TL.
Nghi vấn:
theo như thế:
* Nước Văn Lang thời Hùng Vương hiện hữu trong vùng hồ Động Đình, phía Nam Trường giang.
* Nhà Ân-Thương đã cướp đoạt nhiều công trình văn hóa của các dân tộc thượng cổ Đông Á, các tộc trong Bách Việt thượng cổ, trong đó có công trình sáng tạo giáp cốt văn.
* người Đông Á thượng cổ, các tộc trong Bách Việt thượng cổ đã biết, và rất có thể là giỏi đúc đồng, sắt, làm vũ khí….từ cả hơn ngàn năm* trước đời nhà Thương?
Đời nhà Chu (1046 – 256 trước TL):
Khoảng 500 năm trước thời Khổng tử:… … đời Chu Thành Vương (1042-1021 trước TL), phía Nam đất Giao Chỉ, có người Việt Thường đến giao hảo và hiến tặng chim Trĩ trắng … (ghi trong phần Đại truyện, Thượng Thư* và Nam Man truyện, Hậu Hán Thư).
*Thượng Thư tương truyền do Khổng Tử (551 – 479 trước TL) san định. Vì không biết rõ nguồn gốc có từ bao giờ, nên Thượng Thư còn được gọi là thiên thư (sách trời).
Danh xưng “Việt” đã được Khổng tử ghi thành chữ (văn tự), nhưng điểm rất đáng lưu ý tìm hiểu là khi ghi chép, Khổng tử đã viết chữ “Việt” như thế nào? theo chữ khoa đẩu, giáp cốt văn? hay theo ký tự biểu tượng thượng cổ nào đó?
Khoảng 1122 năm trước TL:
Nước Sở thành lập. Quốc tính: họ Mị Hùng. Vua có tước Vương. Dân nước Sở truyền đời thờ cúng tổ tiên thuộc dòng dõi nhà Hạ.
Nơi khởi đầu và cũng là địa bàn chính của đất Sở thời xa xưa là châu Kinh (tức đất Kinh Sở hoặc Kinh Việt).
Tộc người chính ở đất Kinh là tộc người Âu (thuộc chủng Thái).
Thời cực thịnh, lĩnh thổ nước Sở bao gồm cả Hồ Bắc, Hồ Nam, vùng Hồ Động Đình, và gồm cả đất châu Dương, đông dân thuộc tộc Lạc (thuộc chủng Việt), lan rộng đến bờ biển phía Đông (Đông Hải).
Khoảng 800 – 700 năm trước TL: Văn hóa Đông Sơn:
Khoảng 496 – 465 năm trước TL: Việt Vương Câu Tiễn (King Goujian of Yueh)
Khoảng 300 năm trước TL:
Cửu Ca: Tam Lư Đại Phu nước Sở là Khuất Nguyên (Qu Yuan - 屈原-340 – 278 trước TL) bị đầy đến Hồ Nam. Trong khi bị đầy, Khuất Nguyên đã phóng tác ra Cửu Ca gồm những bài hát tế thần, trong bộ Sở từ, được sáng tác dựa theo các bài hát tế lễ dân gian.
*Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng), giáo sư đại học Đài Loan, cho rằng các tộc Bách Việt đã sống trong vùng tỉnh Hồ Nam (Hunan).Theo họ Lăng, nếu xét kỹ Cửu ca thì người ta sẽ nhận ra những hình ảnh mô tả các cuộc tế lễ tại địa phương Hồ Nam giống như hình ảnh đã được khắc trên các di vật đồ đồng “Đông Sơn” của người Đông Á thượng cổ.
Ghi chú tóm lược:
Từ những sự kiện trình bày trên đây, chúng ta thấy rõ rằng:
1. từ thời Hoàng Đế, hơn 2000 năm trước thời Khổng tử, đã có địa danh Giao Chỉ.
Giao Chỉ không phải là một “nước”. Hoàng Đế (2697-2597 trước TL) lấy lĩnh thổ Giao Chỉ làm ranh giới phía Tây Nam của đất nước Hoàng Đế. Cổ sử không thấy ghi rõ Giao Chỉ ranh giới là gồm những đâu và đến đâu?
2. từ thời Đế Nghiêu, khoảng 1800 năm trước thời Khổng tử, đã có danh hiệu Việt (người Việt Thường)
3. từ đời nhà Chu (1046 - 256 trước TL), khoảng 500 năm trước thời Khổng tử:… … đời Chu Thành Vương (1042-1021 trước TL), phía Nam đất Giao Chỉ, có người Việt Thường đến giao hảo và hiến tặng chim Trĩ trắng … (ghi trong phần Đại truyện, Thượng Thư và trong Nam Man truyện, Hậu Hán Thư).
4. Giao Chỉ là một khái niệm nói về vùng đất giáp ranh phía Nam của lĩnh thổ Đường Nghiêu. 5. Giao Chỉ ở khoảng giữa Hoàng hà và Dương Tử giang - vào vùng đất Sở, gồm phần Bắc hai châu Kinh và châu Dương cổ xưa (có thể hiểu đấy là phần phía Bắc của nước Xích Quỷ cổ xưa) Như thế, vào thời thượng cổ, Giao Chỉ không thể là ở trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Khoảng năm 221 trước TL: Nước Sở bị nước Tần thôn tính.
Khoảng năm 258 trước TL: Triều đại các vua Hùng chấm dứt.
Như thế: Có nghi vấn về sự trùng hợp truyền thuyết lịch sử giữa “Sở” và “Việt thượng cổ”?
1. Dân đất Sở thuộc hai tộc dân Âu và Lạc Việt? Dân tộc Âu (thuộc chủng Thái), nói tiếng Thái cổ (các nhà ngữ học nay gọi là Tai-Kadai)? Dân tộc Lạc Việt (thuộc chủng Việt) nói tiếng Việt thượng cổ?
2. Theo Cửu ca, hình ảnh mô tả các cuộc tế lễ của dân nước Sở tại địa phương Hồ Nam giống như hình ảnh đã được khắc trên trống đồng Đông Sơn của người Việt thượng cổ.
Nghi vấn:
Có thể nào các di vật trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ châu Kinh cổ xưa (đất Giao Chỉ cổ xưa, đất Sở), theo những đoàn dân Âu Lạc di cư trốn tránh cuộc tàn sát của quan quân nhà Tần, trôi dạt đến các miền đất trải rộng từ Bắc Miến, Bắc Thái, Lào, Đại Lý, Điền, Lĩnh Nam, cho đến tận đồng bằng sông Hồng, sông Mạ, sông Cả, Thanh Hóa…?
Năm 145 trước TL – 86 trước TL:
Trong Sử Ký (tác giả Tư Mã Thiên), lần đầu tiên thấy ghi chép danh hiệu (từ) Bách Việt** (tập Ngô Khởi Truyện) **ký tự 越với (bộ 走 (Tẩu) đã được dùng để chuyển danh hiệu “Việt” - đã có từ nhiều thế kỷ trước của các tộc người Việt thượng cổ- sang chữ Tàu (Hán tự).
Khoảng năm 111- 110 trước TL:
sau khi thôn tính nước Nam Việt (南越)* của nhà Triệu (Triệu triều - 趙朝), nhà Tây Hán chia Nam Việt thành 6 quận là: Giao Chỉ (交阯), Cửu Chân (玖甄), Nam Hải (南海), Hợp Phố (合浦) (Quảng Đông ngày nay), Thương Ngô (蒼梧), Uất Lâm (鬱林) (Quảng Tây ngày nay), đồng thời lập thêm 3 quận mới là: Nhật Nam (日南),Chu Nhai (珠崖), Đảm Nhĩ (儋耳) (đảo Hải Nam ngày nay).
Hán Vũ Đế đặt Giao Chỉ bộ thống suất bảy quận ở lục địa (trong đó có Giao Chỉ quận) "Mỗi quận đặt chức thái thú để cai trị, đều liệt vào bộ Giao Chỉ” (Khâm định Việt sử -tiền biên)
*Nước Nam Việt nhà Triệu trong vùng phía Nam Trường giang, bên mạn Đông dãy Ngũ Lĩnh ra đến ven biển phía Đông Nam miền Quảng Đông (ngày nay).
Khảo luận về Giao Chỉ
1. 1. Việc nhà Hán ấn định địa danh hành chính Giao Chỉ bộ phù hợp với những ghi chép trong Hán Thư* về lĩnh thổ Giao Chỉ:
…Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê**, ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình…. Nếu hiểu theo như thế thì lĩnh thổ Giao Chỉ mênh mông, trải rộng đến bảy hoặc tám nghìn dặm*** bên phía Tây của Cối Kê, dọc theo Trường giang.
* Hán Thư (漢書- Hanshu) (gia đình Ban Cố (班固 -Ban Gu (32 – 92), hoàn tất năm 111 TL) ghi lại những sự việc từ thời Tây Hán (Tiền Hán - từ 206 trước TL) đến khi hết loạn Vương Mãng (Wang Mang) năm 23 TL, vì thế còn được gọi là Tiền Hán Thư.
** Cối kê (Hội Kê-會稽- Kuaiji)thuộc vùng Bắc Chiết Giang, gần Đông Hải.
***một (1) dặm Tàu (市里, lí) = 15 dẫn = 414m (có sách ghi là 560m)
2. Như thế là gần 3000 năm sau đời Hoàng Đế, vua quan nhà Tây Hán đã đổi lĩnh thổ Giao Chỉ (đất Giao Chỉ) thành địa danh hành chính “Giao Chỉ bộ” (交阯部)(trong đó gồm cả đất Nam Việt nhà Triệu).
Điều quan trọng cần nêu lên là vua quan nhà Tây Hán (206 trướcTL – 25 TL) đã đẩy cương vực lĩnh thổ Giao Chỉ (đất Giao Chỉ) xuống phía Nam trung lưu Trường giang, vùng hồ Động Đình, trải rộng qua dãy Ngũ Lĩnh, đến khắp miền Lĩnh Nam.
Nhưng đau buồn và thiệt hại hơn nữa cho dân Bách Việt là các sử gia, văn gia từ sau thời Hán, thường chỉ ghi chép mơ hồ …” Giao Chỉ”… mà không ghi rõ là bộ hay quận,và còn ghi chép sai lạc … “ Giao Chỉ ở miền Lĩnh Nam”… khiến hầu hết người đời sau ngày càng hiểu lầm tệ hại hơn nữa: Hiểu lầm lĩnh thổ Giao Chỉ (rộng bao la từ phía Nam trung lưu Trường giang, vùng hồ Động Đình, vượt qua dãy Ngũ Lĩnh, đến khắp miền Lĩnh Nam) là Giao Chỉ quận ( vỏn vẹn chỉ gồm một phần Quảng Tây, Vân Nam và Bắc Việt Nam ngày nay).
Chúng ta có thể phác họa được lĩnh thổ Giao Chỉ (đất Giao Chỉ - Giao Chỉ bộ thời Tây Hán) bao gồm bảy quận ở lục địa (trong đó có Giao Chỉ quận) theo cách tổng hợp và đối chiếu các chi tiết từ những bản đồ tham khảo chính sau đây:
* Hua Ji tu 華基图 (Hua I T’u /Huayi tu) được khắc năm 1136 trên một mặt phiến đá, mặt kia khắc Yu Ji tu 禹迹图 (Yü-Chi T’u /Yuji tu), hiện nay lưu trữ tại Forest of Stone Steles Museum, Xi'an, China. Hua Ji tu được chà ra giấy năm 1903 (?), ấn hành trong Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême, Orient, vol. 3, 1903, p. 214.
* - Qianlong tian xia yu di tu, bản đồ khắc trên gỗ, khoảng năm 1743, triều Càn Long, nhà Thanh (Qing Qianlong’s reign)– British Library, The United Kingdom. * 皇朝一統與地全圖- Huang chao yi tong yu di quan tu, bản đồ khắc trên gỗ, năm 1842, triều Đạo Quang, nhà Thanh (Qing DaoGuang’s reign).
* Asie Orientale, Chine&Japon.Atlas spheroidal & universel de geographie dresse par F.A. Garnier, geographe. Vve.Jules Renouard, Editeur, Rue de Tournon, no. 6, Paris.1860. Imp. de Sarazin, 8 r. Git-le-Coeur, Paris.
* University of Texas Libraries: Perry-Castañeda Library- Map Collection - Army Map Service Topographic Map Series - China, Series L500, 1:250,000, U.S. Army Map Service, 1954.
* Bản đồ đất Giao (Jiao) trong A Biographical Dictionary of Later Han to the Three Kingdoms (23 - 220AD)- Rafe de Crespigny, Leiden: BRILL, 2007.
3. Giao chỉ quận : Theo Hán Thư, quận Giao Chỉ thời Tây Hán* có 92440 hộ với khoảng 746237 người.
* một trong bảy quận, ở cực Nam, của lĩnh thổ Giao Chỉ.
Hậu Hán Thư có ghi: … “Dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, có dư thóc để bán cho Hợp Phố và Cửu Chân, dân Hợp Phố chỉ mò trai chứ không trồng trọt, còn dân Cửu Chân thì chuyên săn hái, câu kéo”…
(Hậu Hán Thư (後漢書 -Hou Han shu - 445 TL)- Phạm Việp (Diệp), 范曄- Fan Yeh (398-446)).
Hiểu theo như thế thì vào khoảng 2000 năm trước, quận Giao Chỉ là vựa lúa của khu vực Lĩnh Nam, cung cấp lúa gạo cho những vùng chung quanh. Dân hai quận Hợp Phố, Cửu Chân thường phải mua lúa gạo từ quận Giao Chỉ (Tana Li, 1-2013).
Theo Quảng Đông Tân Ngữ:
Khảo luận:
Xin trình bày thêm một lý do nữa để thấy là vào thời Hai Bà Trưng, chỉ riêng quận Giao Chỉ (phần đất ở cực Nam của lĩnh thổ Giao Chỉ) cũng khó có thể hiện hữu trong vùng đồng bằng sông Hồng vì vào 2000 năm trước, khoảng nơi châu thổ sông Hồng vẫn còn là vùng đầm lầy úng nước biển, chưa thành hình rõ rệt như được ghi vẽ trên các bản đồ từ thế kỷ XV đến nay.
Theo những ghi chép trong các sách sử cổ, những chi tiết khắc vẽ trên các bản đồ xưa kể trên thì:
*Thật khó mà tin được rằng loài người thời đó có thể trồng nổi được lúa trong những vùng đầm lầy hoặc ao hồ khoảng nơi “đồng bằng sông Hồng chưa thành hình”, khi ấy còn là những miền đất thấp hơn mực nước biển khoảng từ (-1m) đến (-1.5m) và có thể là còn bị ngập dưới làn nước biển khoảng (-3m) đến (-4m) mỗi khi thủy triều lên!
*Điều hợp lý hơn mà chúng ta có thể tin được là khoảng trên 700000 người Việt thời đó sinh sống sung túc trong quận Giao Chỉ nhờ đã giỏi làm ruộng, dư đủ thóc gạo vì trồng được nhiều lúa nước trong những thửa ruộng “Lạc điền” nơi vùng đồng bằng Việt giang (Tây giang, Châu giang) đã hiện hữu từ khoảng 12000 năm trước.
* Hầu hết đất quận Giao Chỉ (một trong bảy quận, ở cực Nam, của lĩnh thổ Giao Chỉ) khó có thể hiện hữu khoảng nơi “đồng bằng sông Hồng chưa thành hình” vì vào 2000 năm trước, châu thổ sông Hồng vẫn còn là vùng đầm lầy úng nước biển.
Phần chính của quận Giao Chỉ là gồm một phần miền Nam Hồ Nam, phần bên phía Tây của Quảng Tây, phần bên phía Đông của Vân Nam và gồm cả miền rừng núi cao của thượng du Bắc Việt Nam ngày nay.
(xin xem thêm bài Đồng bằng sông Hồng ngày xưa - Đỗ Hoàng Ý, 12-2016)
Khảo luận về Cửu Chân, Nhật Nam
* Theo Thủy Kinh (水經 - Shui-ching,tác giả chưa rõ là Tang Khâm hay Quách Phác, khoảng thời Tam quốc phân tranh, 220-265TL) và Thủy Kinh Chú ( 水經注 -Shuiching zhu- chú giải về Thủy Kinh, tác giả Lịch Đạo Nguyên (Li Dao-Yuan (466 (472?) – 527), đời Bắc Ngụy), Ngũ Lĩnh gồm 5 rặng núi hợp thành, theo thứ tự từ Tây sang Đông như sau:
Việt Thành lĩnh (Yuechengling - 越 城嶺 ) Đô Bàng lĩnh (Dupangling - 都龐嶺) Manh Chử lĩnh (Mengzhuling - 萌渚嶺) Kỵ Điền lĩnh (Qitianling - 騎田嶺) Đại Du (Dữu) lĩnh (Tayuling -大 庾 嶺)
*Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục có ghi: Theo Nam Khang ký (tác giả Đặng Đức Minh), Ngũ Lĩnh gồm:
Đài lĩnh ở đất Đại Dũ
Kỵ Điền ở đất Quế Dương Đô Bàng ở đất Cửu Chân
Manh Chử ở đất Lâm Hạ
Việt Thành ở đất Thủy An
*Theo Quảng Châu ký, tác giả Bùi Uyên, Ngũ Lĩnh gồm: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương,Yết Dương trong địa phận Quảng Đông và Quảng Tây.
* Theo Sử ký 史记 (tác giả Tư Mã Thiên 司馬遷 Ssu-ma Ch'ien, hoàn thành khoảng năm 91-97 trước Tây lịch), trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ có đoạn ghi: “Thủy Hoàng … chiếm lấy đất Lục Lương, đặt làm Quế Lâm, Tượng quận, Nam Hải”.
Dưới chữ Tượng quận có chua sáu chữ nhỏ: “Vi Chiêu viết, kim Nhật Nam”, nghĩa là theo Vi Chiêu: Tượng quận đời Tần là Nhật Nam (theo: Sử thuyết họ Hùng, những điều mới biết- Nhất Nguyên, nguồn internet, 2010).
Theo Hán thư 漢書: Nhật Nam là Tượng quận đời Tần (về phía tây của Quảng Tây ngày nay) (trích dẫn từ Thủy kinh chú sớ, quyển XXXVI, trang 365)
* Thủy Kinh chú, quyển 36, có trích dẫn những chi tiết sau đây từ Giao châu ngoại vực ký:
* Theo Nam Khang ký: Cửu Chân ở vùng Đô Bàng lĩnh.
*Theo Thái Bình Hoàn Vũ ký*:
- Ái Châu tức Cửu Chân, phía nam giáp quận Nhật Nam, phía tây giáp quận Tường Kha (miền nam của Hồ Nam), phía bắc giáp Ba Thục, phía đông giáp Uất Lâm (vùng Quế Lĩnh, Quảng Tây ngày nay). Theo như thế, Cửu Chân gồm khoảng phía bắc Quý Châu và phần phía tây bắc của Quảng Tây (ngày nay).
- Nhật Nam ở về phía nam của Cửu Chân, phía tây của Uất Lâm. Theo như thế, Nhật Nam gồm khoảng phía nam Quý Châu và phần tây nam của Quảng Tây (ngày nay).
*(Thái Bình Hoàn Vũ ký (Taiping huanyu ji- 太平寰宇記) tác giả Nhạc Sử, đời Tống (960-1279), triều Tống Thái tông (976-997), được vua Tống ngự lãm (duyệt), gồm 200 quyển được in năm Quang Tự thứ 8, đời nhà Thanh (1882)).
* Trong An Nam chí lược 安南志略 , bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Tàu do Lê Tắc biên soạn khi sống lưu vong bên Tàu (vào khoảng năm 1307), có ghi những câu sau:
….Mạnh Hạo Nhiên có câu thi: "Đồng trụ Nhật Nam đoan", nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật Nam…
Ghi chú: Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, người huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc), ở ẩn nhiều năm trong vùng núi Chung Nam ( 終南山- Chung Nam sơn, là một nhánh của dãy núi Tần Lĩnh, ở Thiểm Tây).
Khoảng năm 730, Lý Bạch hẹn gặp Mạnh Hạo Nhiên ở lầu Hoàng Hạc (黄鹤楼-Hoàng Hạc lâu) bên bờ Trường giang (Dương Tử) tại Giang Hạ (nay là Vũ Hán). Đấy là lần Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Dương châu) chốn đô thị phồn hoa bậc nhất đời nhà Đường. Thuyền đi, Lý Bạch đứng bên bờ sông ngóng thuyền của bạn khuất bóng trên dòng Trường giang hùng vĩ, Lý Bạch xúc động làm bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (黄鹤楼送孟浩然之广陵).
Theo như thế, cuộc đời Mạnh Hạo Nhiên tuy sống trong vùng phía bắc của Trường giang, mà biết đến Nhật Nam có đồng trụ (Đồng trụ Nhật Nam đoan) thì chúng ta có thể hiểu là Nhật Nam ở cách vùng Trường giang không xa.
….Cuối đời nhà Hán, có người trong ấp*giết huyện lệnh, tự lập thành nước, gọi là Lâm-ấp.
Trong xứ ấy, núi trùng-điệp, cho nên Liễu-Tử-Hậu** có câu thơ rằng:"Lâm-ấp đông hồi sơn tợ kính" nghĩa là: "từ phía đông quanh lại xứ Lâm-ấp, núi dựng như cây giáo"…..
Ghi chú : Theo ghi chép trong An Nam chí lược thì *ấp/ huyện đây là huyện Tượng Lâm
(nhưng theo Thủy kinh chú thì cho đấy là huyện Lâm Ấp).
Theo Liễu Tử Hậu: Lâm-ấp đông hồi sơn tợ kính, nghĩa là nước Lâm Ấp phía đông giáp với núi cao, nhọn và trùng điệp, chứ không giáp biển, nên phải là ở sâu trong đất liền.
**Liễu Tông Nguyên (773-819), tự Tử Hậu, người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây (bên Tàu), nên còn được gọi là Liễu Hà Đông, là một trong Đường Tống Bát Đại Văn Gia.
Khoảng năm 805, họ Liễu bị giáng chức từ Lễ Bộ Viên ngoại lang xuống làm Tư Mã trấn nhậm ở Vĩnh Châu (địa phận tỉnh Hồ Nam ngày nay). Năm 1815, được bổ làm Thứ sử Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, vì thế còn được gọi tên là Liễu Châu, sau mất ở Liễu Châu năm 819, khi 46 tuổi.
Liễu Tông Nguyên sống trong vùng Hồ Nam 10 năm, làm Thứ Sử Liễu Châu 4 năm, hẳn biết rõ hình thể địa lý vùng Quảng Tây và chung quanh Quảng Tây. Như thế, câu thơ của họ Liễu tả địa thế Lâm Ấp (Lâm Ấp đông hồi sơn tợ kính) rất đáng tin. Thêm nữa, trên bản đồ Hua Yi tu (華基图 ) khắc lên đá vào năm 1136, tuy không đúng tỉ lệ như bản đồ Âu Tây vào thế kỷ XIX –XX như chúng ta thường quen thấy, nhưng có khắc những hàng chữ cho biết vị trí của Lâm Ấp ở sâu trong đất liền và ở về phía tây và tây nam của quận Giao Chỉ.
Những ghi chép trong các văn bản sử cổ của Tàu từ khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ IX-X (đời nhà Đường, nhà Tống), như trong Giao Châu ngoại vực ký, Nam Khang ký, Thái Bình Hoàn Vũ ký, đến các câu thơ của Mạnh Hạo Nhiên, của Liễu Tông Nguyên (tự Tử Hậu)…, đã được biên soạn và sáng tác từ trước khi nước ta có những bộ quốc sử đầu tiên*, cho chúng ta thấy mấy điều quan trọng cần đặc biệt lưu ý về Cửu Chân, Nhật Nam và Giao Chỉ (quận) là:
1. Cửu Chân ở vùng Đô Bàng lĩnh (một trong năm rặng núi thuộc dãy Ngũ Lĩnh), phía tây bắc giáp Ba Thục (chứ không giáp Giao Chỉ như hầu hết các sử liệu Việt đã ghi). Nhật Nam ở phía nam của Cửu Chân, và phía tây của Uất Lâm (Quảng tây ngày nay). Theo như thế thì chính các vua quan, văn gia Tàu từ đời Hán đến đời Đường vẫn nhìn nhận Cửu Chân và Nhật Nam là hai quận trong lĩnh thổ Giao Chỉ (Giao Chỉ Bộ thời Hán) và cả hai quận đều ở phía bắc của quận Giao Chỉ. *Ghi chú: - Đại Việt sử ký, soạn giả Lê văn Hưu, hoàn thành năm 1272. - Đại Việt sử lược (tác giả "khuyết danh" biên soạn vào đời nhà Trần,được hoàn thành trong khoảng những năm 1377-1388).
Nhưng từ bao thế kỷ nay, không rõ vì lý do nào và căn cứ vào đâu mà hầu hết các sử gia, các tác giả Việt xưa nay, tuy chưa có sự đồng thuận rõ ràng, lại đều nhận là: Cửu Chân ở khoảng các vùng Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nhật Nam là từ đèo Ngang, Quảng Bình vào đến Bình Định.
2. Vào đời Hán, Giao Châu ngoại vực ký* có ghi: *theo Aurousseau, tác giả có thể là Cố Vi, viết vào đời nhà Tấn (205-420)
…….Tòng Nhật Nam quận nam khứ đáo Lâm Ấp quốc tứ bách dư lí….
(được trích dẫn trong Thủy kinh chú)
Tạm dịch nghĩa: Từ quận Nhật Nam đi về phía nam hơn 400 dặm thì đến nước Lâm Ấp…
Ghi chú: Theo Liễu Tông Nguyên thì Lâm Ấp ở sâu trong đất liền, nên đúng ra phải nói là:
… từ quận Nhật Nam đi về phía tây nam hơn 400 dặm* thì đến nước Lâm Ấp….
*400 dặm Tàu bằng khoảng hơn 200km.
Hiểu theo các ghi chép kể trên, miền đất trải rộng hơn 400 dặm Tàu (khoảng 200km) ở giữa quận Nhật Nam (phía bắc) và nước Lâm Ấp (phía tây nam), không gì khác hơn, chính là lĩnh vực quận Giao Chỉ.
Nói một cách khác: Cửu Chân và Nhật Nam đều ở phía Bắc của quận Giao Chỉ. Nhật Nam ở giữa Cửu Chân và quận Giao Chỉ. Lâm Ấp ở về khoảng phía tây và tây nam của quận Giao Chỉ (đời Hán), khoảng vùng phía tây nam Vân Nam và vùng bắc Ai Lao sau này.
Khi định lại vị trí của các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố trong lĩnh thổ Giao Chỉ (xin xem bản đồ kèm theo), chúng ta thấy rất rõ ràng là cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng đã khởi phát trong vùng lĩnh thổ Giao Chỉ, lan rộng khắp miền Lĩnh Nam, chứ không phải là ở vùng đồng bằng sông Hồng (khi ấy cũng vẫn chưa thành hình rõ rệt như được ghi vẽ trên các bản đồ từ thế kỷ XV đến nay). (Xin xem thêm các bài: Đất nước Việt thời thượng cổ trong vùng Đông Á - Đỗ Hoàng Ý, 2015, Đồng bằng sông Hồng ngày xưa, Đỗ Hoàng Ý, 2016).
Khoảng năm 28 đến năm 40 TL:
Trong những văn bản sử cổ, sự việc Hai Bà Trưng khởi nghĩa được ghi chép lại vắn tắt như sau:
Theo quan điểm của sử quan và văn gia Tàu:
*… Hựu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc, cập nữ muội Trưng Nhị phản, công đầu kỳ quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, man di giai ứng chi, khấu lược Lĩnh Ngoại lục thập dư thành. Trắc tự lập vi vương… (Hậu Hán Thư, 後漢書 - Hou Han shu - Phạm Việp (Diệp) hoàn thành năm 445 TL).
Theo quan điểm của văn gia Việt đào thoát sang Tàu:
*….… Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc phản, Cửu Chân Nhật Nam giai ứng chi, công trị quận ấp, lược lục
thập thành, tự lập vi vương… (An Nam Chí Lược - 安南志略, Lê Tắc hoàn thành năm 1307)
Theo quan điểm của các sử quan Việt triều Nguyễn:
*… Canh Tí. Hán Kiến Vũ thập lục niên. Xuân nhị nguyệt. Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc* khởi binh công thái thú Tô Định, trục chi, tự lập vi vương… ( Khâm định Việt sử thông giám cương mục** - 欽定越史通鑑綱目, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 1884)
Ghi chú:
* chữ 側 (âm trắc) trong các câu văn chữ Tàu có nghĩa không tốt, nên khi dịch nghĩa thì đành theo sát nguyên văn chữ Tàu. Nhưng khi nhắc đến danh tính Bà Trưng, để tỏ lòng tôn kính, chúng ta nên ghi là Trưng Chắc.
**Khâm định Việt sử thông giám cương mục được vua Dực tông nhà Nguyễn (Tự Đức) chỉ đạo biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), giao cho Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). Bộ sách được hoàn thành vào năm 1859, sau đó trải qua các lần "duyệt nghị" (1871), "duyệt kiểm" (1872), "phúc kiểm" (1876), "duyệt định" (1878), "kiểm duyệt" (1884). Đến đời vua Giản tông nhà Nguyễn, năm Kiến Phúc thứ 1(1884), thì được khắc in và ban hành.
Ghi chú: Theo ghi chép trên đây của tác giả Le P. Mathias Tchang, S.J., có những điều quan trọng cần lưu ý:
1. Bà Trưng khởi nghĩa vào khoảng năm 30 tây lịch, vì Thái Thú Tô Định (Sou Ting) cai trị dân Việt quá khắc nghiệt.
2. Nhà Hán đã lập tức phái Mã Viện đem quân đến chống lại lực lượng khởi nghĩa vào khoảng năm 32, nhưng gặp sự kháng cự mãnh liệt đến độ Mã Viện phải rút quân, bỏ ý định đánh chiếm lĩnh thổ Giao Chỉ.
3. Tác giả ghi năm 39 là năm thứ nhất của triều đại Trưng Vương.
Như vậy, cuộc khởi nghĩa đã kéo dài gần 10 năm, từ năm 30 đến năm 39. Mã Viện và quan quân nhà Đông Hán đã thất bại, không chiếm được Giao Chỉ, chưa đến được rặng Ngũ Lĩnh. Vậy là đoàn quân do Mã Viện chỉ huy chưa hề đặt chân đến vùng đồng bằng sông Hồng. Hiểu theo như thế, rất có thể là quan quân Đông Hán đã thất bại, không chiếm được Giao Chỉ, đã không vượt qua nổi miền Lĩnh Nam để đến được vùng đồng bằng sông Hồng (khi ấy cũng vẫn chưa thành hình rõ rệt như được ghi vẽ trên các bản đồ từ thế kỷ XV đến nay).
(xin xem thêm bài Tìm lại sự thật về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng - Đỗ Hoàng Ý, 2018)
Dựa vào những dữ kiện, suy luận và giả thuyết nêu ra trong bài viết, chúng ta có thể tin rằng:
Vì Hai Bà Trưng quê ở Giao Chỉ nên cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà đã được khởi phát trong vùng lĩnh thổ Giao Chỉ từ khoảng phía Nam Trường giang, vùng hồ Động Đình, vượt qua vùng núi Ngũ Lĩnh, trải rộng khắp miền Lĩnh Nam, đến đồng bằng Việt giang(Tây giang, Châu giang), chứ không phải là từ đồng bằng sông Hồng (Bắc Việt Nam ngày nay), khi ấy còn là vùng đất thấp, nhiều phần là những đầm lầy úng ngập nước biển.
Năm 40 TL, cuộc khởi nghĩa thành công. Bà Trưng Chắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mi Linh (Mê Linh). Hai Bà ắt đã chọn một nơi trọng yếu và thuận tiện trong lĩnh thổ Giao Chỉ làm kinh đô. Như vậy, kinh đô Mi Linh của nước Việt cổ tọa lạc trong vùng Lĩnh Nam, chứ không ở trong vùng đồng bằng sông Hồng. (xin xem thêm bài Đồng bằng sông Hồng ngày xưa - Đỗ Hoàng Ý, 2016)
Khảo luận:
Vào thế kỷ XVI – XVII, sứ thần Nguyễn Thực (1554 - 1637), người làng Vân Điềm (tên nôm là Kẻ Đóm)(xưa thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc). Ông thi đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp (Hoàng Giáp) khoa thi Đình đầu tiên thời Lê Trung Hưng (1595) mở tại Thăng Long. Trong thời gian được cử đi sứ bên Tàu, ông có làm một số bài thơ, sau bị thất lạc. Mãi đến thế kỷ 18, Lê Quý Đôn sưu tầm được mười bài, có bốn bài Nguyễn Thực làm khi trên đường đi sứ, trong đó có bài Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh nhắc đến biên thùy Ngũ Lĩnh của đất Việt, sự tích Trưng Vương, truyền tích đồng trụ….
南還至五嶺 Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh 五 嶺 岹 嶢 鎮 越 陲, Ngũ Lĩnh thiều nghiêu trấn Việt thùy, 許 多 景 致 占 清 奇。 Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kì. 鬱 蔥 冬 後 松 千 幹, Uất thông đông hậu tùng thiên cán, 濃 艷 春 前 梅 一 枝。 Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi. 銅 柱 徵 王 留 舊 蹟, Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích, 石 街 張 相 儼 叢 祠。 Thạch nhai Trương Tướng* nghiễm tùng từ. 封 疆 自 古 分 中 外, Phong cương tự cổ phân trung ngoại, 堪 羨 天 工 巧 設 施。 Kham tiện thiên công xảo thiết thi. 阮實 Nguyễn Thực
Chú thích: “Về Nam đến Ngũ Lĩnh”– Tác giả: Nguyễn Thực (Bản chữ Tàu và âm Hán Việt được Lí Nhĩ Chân đưa lên mạng- Ngày 10-3-2011) * 張相: 張 “Trương” là 張九齡 (Trương Cửu Linh), người huyện Khúc Giang - Thiều Châu (thuộc thành phố Thiều Quan tỉnh Quảng Đông ngày nay), làm 尚書右丞相 (Thượng thư Hữu Thừa tướng) vào thời Đường Huyền Tông , do đó người đời gọi là 張相 (Trương Tướng). Năm Khai Nguyên thứ tư (716 TL) họ Trương đục núi sửa đường ải Mê Quan (梅關- Méiguan) trên Đại Du (Dữu) lĩnh (大 庾 嶺) thuộc dãy Ngũ Lĩnh, cải thiện cổ đạo qua lại giữa Lĩnh Nam và Trung Nguyên.
Ngũ Lĩnh: Theo Thủy Kinh ((水經 - Shui-ching,tác giả chưa rõ là Tang Khâm hay Quách Phác, khoảng thời Tam quốc phân tranh, 220-265TL) và Thủy Kinh Chú (水經注-Shui-ching zhu- chú giải về Thủy Kinh, tác giả Lịch Đạo Nguyên, đời Bắc Ngụy- Li Dao-Yuan - 466 – 527):
Ngũ Lĩnh gồm 5 rặng núi hợp thành, theo thứ tự từ Tây sang Đông như sau: Việt Thành lĩnh (Yuechengling - 越 城嶺 ) Đô Bàng lĩnh (Dupangling - 都龐嶺) Manh Chử lĩnh (Mengzhuling - 萌渚嶺) Kỵ Điền lĩnh (Qitianling - 騎田嶺) Đại Du (Dữu) lĩnh (Tayuling -大 庾 嶺)
Thủy Kinh Chú có ghi: .... Nhà Tần đặt đồn phòng giữ biên giới ở Ngũ Lĩnh....
Theo Hán thư, Trương Nhĩ truyện (Hội Trinh chú): .... phía Nam nước Tần có đồn biên giới ở Ngũ Lĩnh.
Quế Hải ngu hành chí (Phạm Thành Đại) cho rằng: ... thành của Tần ở phía Bắc thành Quế Lâm 80 dặm. Tương truyền là đất nhà Tần lập đồn biên phòng ở Việt Thành lĩnh (thuộc Ngũ Lĩnh), thành ở phía Nam Tương Thủy (sông Tương), ở khoảng giữa hai sông Dung và Ly, di chỉ vẫn còn, thành giếng đá cũng không bị sụt lở....
Từ khoảng thế kỷ XIX, Ngũ Lĩnh được ghi trong cổ sử Tàu và các bản đồ cổ với tên Nam Lĩnh.
Ghi chú: Ngũ Lĩnh tổng thể trải dài hơn ngàn cây số theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, được xem là đường phân thủy giữa hai vùng châu thổ của Trường giang (sông Dương Tử) và Việt giang (Tây giang /Châu giang).
Khảo luận:
Từ thời thượng cổ, các tộc người Đông Á thông thương qua lại giữa hai miền đồng bằng Việt giang (Tây giang, Châu giang) với đồng bằng trung lưu Dương Tử, qua đèo Mơ* trên núi Mơ Lĩnh trong rặng Đại Du (Dữu) thuộc Ngũ Lĩnh, đường đi rất hiểm trở khó qua lại.
Vua quan nhà Tần cho xây cửa ải (ải quan) trên đèo Mơ, đặt tên Hoành Phổ quan, còn tên nôm Mơ quan chắc là từ xưa do cư dân bản địa quen gọi theo tiếng Việt cổ. Sau này, gọi梅关theo âm Tàu là Méiguan (Mê quan**).
Đời Đường gọi là Tần quan (Qin guan). Năm 716, Tể tướng Trương Cửu Linh mở rộng thêm lối đi, cho đục đá xuyên qua núi bên dưới lối đi cũ để bớt dốc và lát gạch cho dễ qua lại, gọi là Mê quan cổ đạo. Trên tường mặt hướng Nam cửa ải có khắc hàng chữ "Nam Việt Hùng quan" - 南粤雄關, mặt hướng Bắc có khắc hàng chữ "Lĩnh Nam Đệ Nhất quan" -嶺南第一關.
Đời Tống, ải quan được gọi là Lĩnh Thượng quan.
*Đèo Mê Linh, (Núi) Mê Lĩnh (Meiling Pass, Mei Ling: Complete Atlas of China, prepared by Mr. Edward Stanford for the China Inland Mission – Edward Stanford, Ltd., London, 1908-1917).
*Núi Mơ Linh (Montagnes Meling- Asie Orientale, Chine & Japon. Atlas spheroidal & universel de geographie dresse par F.A. Garnier, geographe. Vve.Jules Renouard, Editeur, Rue de Tournon, no. 6, Paris.1860. Imp. de Sarazin, 8 r. Git-le-Coeur, Paris).
**hầu như các tác giả đều ghi là Mai quan, nhưng: Chữ 梅khi dùng riêng lẻ, nên đọc theo âm Việt là Mơ, theo Pinyin là Méi (phát âm Mê), để chỉ giống hoa hoặc quả Mơ ta (Latin- Âu Mỹ gọi là: Prunus mume -plum, abricotier du Japon, Japanese apricot- prune, …)
Chữ梅 (nghĩa: mơ) khi dùng chung với chữ 关 (nghĩa: 1.đèo, đường đi hẹp, cheo leo qua núi- 2. cửa ải, quan ải), đọc theo Pinyin là Méiguan (phát âm Mê quan), nếu đọc theo âm Việt là Mơ quan. Chữ kép 梅关để chỉ cửa ải trên đường đèo núi Mơ, theo cách nói của người Việt thì nên gọi đấy là cửa ải trên đèo Mơ.
Chữ 梅 (nghĩa: mơ) khi dùng chung với chữ 花 (nghĩa: hoa) thì thường đọc là Mai hoa (âm Việt Hán).
Chữ kép梅花trong văn thơ Tàu để chỉ hoa Mai vàng (Hoàng Mai), nhưng các tác giả Âu Mỹ lại dùng 梅花để chỉ hoa mận (plum flower).
(Xin xem thêm bài khảo luận về tên gọi các giống Mơ và Mai - Đỗ Hoàng Ý, 2015)
Chữ kép 梅嶺,theo tiếng Việt, nên phát âm là Mơ Lĩnh, đọc theo Pinyin là Méiling (phát âm Mê Lĩnh), các tác giả Âu Mỹ dùng梅嶺để chỉ núi Mận (plum mountain).
Đến thế kỷ XIX-XX, (núi) Mơ Lĩnh được thấy ghi trên các bản đồ cổ của người Âu Tây như sau:
Asie Orientale, Chine&Japon.Atlas spheroidal & universel de geographie dresse par F.A. Garnier, geographe. Vve.Jules Renouard, Editeur, Rue de Tournon, no. 6, Paris.1860. Imp. de Sarazin, 8 r. Git-le-Coeur, Paris.
Ghi chú: Meling: phát âm Mơ Linh hoặc M’Linh, theo tiếng Pháp
Theo những dữ kiện sử ký địa lý trên đây, chúng tôi thấy có thể vững tin rằng:
1. Tổ tiên chúng ta đã lập đất nước Việt thượng cổ trong vùng trung nguyên Đông Á, đã hy sinh xương máu để bảo vệ non sông gấm vóc trải rộng bao la dưới trời Đông Á.
2. Mãi đến thời Hai Bà Trưng, đất nước Việt thượng cổ vẫn còn bao gồm cả lĩnh thổ Giao Chỉ từ khoảng phía Nam trung lưu Trường giang, vùng hồ Động Đình, vượt qua vùng núi Ngũ Lĩnh, trải rộng khắp miền Lĩnh Nam, đồng bằng Việt giang (Tây giang, Châu giang), ra đến tận biển ….
3. Cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng khởi phát đi từ lĩnh thổ Giao Chỉ, chứ không phải ở đồng bằng sông Hồng (Bắc Việt Nam ngày nay).
4. Năm 40 TL, cuộc khởi nghĩa thành công. Bà Trưng Chắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mi Linh (Mê Linh). Hai Bà ắt đã chọn một nơi trọng yếu và thuận tiện trong lĩnh thổ Giao Chỉ làm kinh đô.
Như thế, kinh đô Mi Linh của nước Việt cổ tọa lạc trong vùng Ngũ Lĩnh, miền Lĩnh Nam, chứ không ở trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Lịch sử chân thực của người Đông Á thượng cổ đã bị xóa nhòa, văn hóa Bách Việt bị các triều đại Tàu hủy hoại, cướp phá rồi soán đoạt. Từ các đời Tần, Hán, các sử quan, văn gia Tàu, tuân theo lệnh vua, ngụy tạo biết bao chi tiết liên quan đến sử Việt thượng cổ. Ác hại hơn nữa, trong thời gian Bắc thuộc, người Việt bị bắt ép phải học theo những sử liệu “kinh điển” man trá đó khiến con cháu các đời sau ngộ nhận tệ hại về nguồn gốc dân tộc mình, ngộ nhận đồng bào mình, ngộ nhận văn hóa Việt từ thế hệ này sang đến các thế hệ kế tiếp...
Chúng tôi hy vọng bài viết này phần nào sẽ gợi ý người đọc nhận ra được những mâu thuẫn, suy xét những điều vô lý trong các sử liệu từ xưa đến nay, giúp mình thoát ra khỏi được các ngộ nhận về lịch sử Việt thượng cổ để không phụ công đức của tiền nhân, khỏi tủi quốc hồn. Xin chỉ có ước mơ đơn giản vậy thôi.
Chúng tôi mong bạn đọc suy nghiệm những dữ kiện nêu ra trong bài, tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng hơn để vấn đề Đất nước Việt thời thượng cổ trong vùng Đông Á được làm sáng tỏ, để đóng góp và lưu truyền nhiều thêm các dữ kiện chân thực của lịch sử, của văn hóa dân tộc Việt cho các thế hệ mai sau.
Đỗ Hoàng Ý
Hoa Kỳ, tháng Tư năm 2015
(hiệu đính và bổ túc, tháng Tư năm 2018)
Xin chân thành ghi công và tri ân tất cả các học giả, những nhà nghiên cứu biên khảo, các nhà nhiếp ảnh đã dành tâm huyết, công sức để thu thập dữ kiện, hoàn thành các công trình biên khảo, những hình ảnh quý báu và phổ biến trên internet cho chúng tôi, những người đi sau, học hỏi, mở mang kiến thức để có thể hoàn thành bài viết này.
Xin ghi nhận và cảm ơn ông Hồ Vĩnh Hảo đã hợp tác, đóng góp ý kiến, tận tâm sưu tầm các tài liệu sử cổ, bản đồ cổ và bỏ rất nhiều công sức giúp tìm và định vị trí các địa danh lịch sử Việt cổ trong vùng Đông Á.
RECOGNITION and APPRECIATION:
We appreciate all authors, researchers, photographers who dedicated their time and efforts to compile valuable books, articles, to capture unforgettable scenes of our homeland Vietnam and generously posted their work on the internet for public use.
In recognition of their noble sacrifices, all their intellectual properties used in this presentation are for the education and the preservation of the Vietnamese heritage and for honoring their invaluable contributions to the knowledge of humankind.
Notion: Information from this source is evidence-based and objective, and without commercial influence.
This is an open-access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License, which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.
FAIR USE NOTICE: This essay contains copyrighted material the use of which has not always been specifically authorized by the copyright owner. We are making such material available in our efforts to advance understanding of issues of cultural and humanitarian significance. We believe this constitutes a 'fair use' of any such copyrighted material as provided for in section 107 of the US Copyright Law. In accordance with Title 17 U.S.C. Section 107, the material in this essay is distributed without profit to those who have expressed a prior interest in receiving the included information for research and educational purposes.
If you wish to use copyrighted material from this essay for purposes of your own that go beyond 'fair use', you must obtain permission from the copyright owner.