Kể từ lúc người Việt có mặt khắp năm châu lại nẩy sinh một nhu cầu khá bức thiết: “Phải bảo tồn văn hóa Việt nhất là phải giữ gìn tiếng Việt” . Thế là bao nhiêu nỗ lực được đưa ra dưới nhiều hình thức: mở thêm lớp học tiếng Việt thiện nguyện, dạy song ngữ, giáo dục ngay trong gia đình….. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản vì số người định cư không nhiều như các nước khác nên các nỗ lực này rất hạn chế, vì thế kết quả “thành” hay “bại” thì còn tùy…theo cách “giáo dục” của từng gia đình một.
Xin kể vài câu chuyện vui mà tôi đã gặp.
- Một hôm, có việc gì đó, bốc điện thoại gọi cho một người bạn. Mới nói được chữ “A lô”, thì đầu giây bên kia cất lên một giọng nói rất trong trẻo.
“A lô, A lô, con tên là….. má con là…. ba con là….. Xin lỗi chú tên gì muốn gặp ai?
“Chú là Khuê, cho chú gặp ba hay má”
‘Dạ, chú đợi một chút, để con thưa lại với ba (má) con”
Đợi một chút, cô bé tiếp:
“Dạ thưa chú, ba con đang…. tắm, má con đi… cầu”.
Tôi phì cười vì cái tính “thật thà” của cháu bé, có sao nói vậy, chứ không như các chú các bác nó cứ … vòng vo tam quốc. Nhưng dù sao đi nữa, nghe câu trả lời mà thấy lòng mát rượi vì một thứ tiếng Việt vượt … quá tiêu chuẩn hiếm thấy ở môi trường Nhật Bản.
- Đến thăm nhà một người bạn khác ở bên Mỹ, được mời ăn cơm tối với sự hiện diện đầy đủ cả “con” lẫn “cái”. Hỏi chuyện cậu con trai, năm nay tuổi cũng trên dưới 30 bằng tiếng Việt, cậu cũng trả lời bằng tiếng Việt, nhưng thỉnh thoảng mẹ cậu cứ phải thông dịch lại cho tôi cũng …. bằng tiếng Việt.
- Trong một trường hợp khác, sau câu “Alô”, một giọng nói còn bé bỏng nhưng lại đầy….. “trịch thượng”.
“Ai, ai đó”,
“Chú Khuê đây, có ba ở nhà không?
“Ba tao đi rồi”…
“Ba con đi đâu vậy?
“Không biết”
Chuyển sang tiếng Nhật, cháu bé như mọc cánh, trả lời rất ư là lễ phép. Cháu là con gái của anh Minh Phương, xếp văn nghệ một thời của tụi tôi.
- Cố nhà báo Lê Thiệp có 3 cô con gái. 7 năm trước, cô thứ hai trong chương trình trao đổi du học sinh, sang Nhật. Lúc đó, ông Thiệp nhờ tôi làm người bảo đảm. Lẽ dĩ nhiên, tôi vui vẻ nhận lời. Ông mail dặn tôi: Con Ti nhà tôi tiếng Việt ú ớ lắm, Ông chịu khó nghe. Trong cái mail đó, ông để nguyên phần của cô con gái báo cho bố về ngày giờ cô đến Nhật: “Bố nói với “họ” là Ti sẽ sang ngày này.... tháng này”.
Gần đến ngày sang Nhật, tôi điện thoại hỏi: “Cháu có cần chú ra đón ở phi trường không?”, cô trả lời:
Thank chú, ….“tụi mình” về nhà được không sao.
----------
Trên đây là 3 loại tiếng Việt ở ngoài này, một thứ tiếng Việt được chỉ bảo đàng hoàng theo đúng sách vở, một thứ thì ảnh hưởng nhiều nơi người mẹ còn một thứ tiếng Việt thì “tự nhiên” mà nhớ chứ không được ai dạy cả.
Tuy nhiên lại có thêm một thứ tiếng Việt “dấm da dấm dớ” , có từ khi xuất hiện những bộ phim Hồng Kông, Đại Hàn được gọi chung là phim bộ. Chúng xâm nhập vào khắp mọi nhà. Những bộ phim này được chuyển âm bằng thứ tiếng Việt “nửa nạc, nửa mỡ”, nghe rất…. chói tai, nhưng nó đã làm chết mê chết mệt cả chục ngàn gia đình Việt Nam. Có người còn nói, không biết đúng hay sai: “nhà nào mà hay xem những loại phim này thì con cái có vẻ lại biết tiếng Việt rành hơn so với những nhà không có”. Có lần tôi đã nghe một đại MC ở hải ngoại phán: “Phim bộ đã giúp ích rất nhiều cho việc…. giữ gìn tiếng Việt cho các em”. Chẳng biết thế nào?
Con cái nhà tôi thì là loại tiếng Việt “tự nhiên” nghe từ bố mẹ. Tôi thường bị một ông bạn đồng nghiệp người Nhật trách móc: “mottai nai (phí quá), bố là thầy giáo dạy tiếng Việt mà con lại ú ớ”. Quả là... quê độ.
Thôi xin mời bạn ta nghe cố ký giả Lê Thiệp luận về tiếng Việt và thứ tiếng Việt “dấm da dấm dớ” so với thứ tiếng Việt hiện nay …. trong nước qua bài viết:
Xin các hạ bình thân
Ông Phan Lạc Phúc là ký gỉa hàng đầu, ký gỉa cứng cựa đàn anh của làng báo Việt Nam. Ông lại là dân lính - Trung Tá Phúc của tôi - dày dạn gió sương, kể cả sương gió trong trại cải tạo.
Ra khỏi nước dần dà ông đã cầm bút trở lại và cuốn sách Bè Bạn Gần Xa của ông là một cuốn nên đọc, đáng đọc và có lẽ cần đọc để thấy trên tất cả vẫn là cái tình người, cái còn lại nhân bản nhất.
Cuốn sách có đoạn ông kể chuyện chơi đùa với đứa cháu ngoại và trong cái tình ông cháu, ông cũng toan âm mưu dậy cho đứa cháu gái bé bỏng tí tiếng Việt, và lấp ló đâu đó là chút ít vốn liếng đời sống văn hóa Việt Nam.
Ông không nói rõ lắm, nhưng có thể ông nói toàn tiếng Việt với đứa cháu và cố gắng để đứa cháu nói tiếng Việt với ông.
Phương pháp ai cũng bắt gặp trong kinh nghiệm này là dịch những chữ tiếng Anh ra tiếng Việt và nhắc đứa bé lập lại. Cháu nũng nịu ngồi trên lòng ông Lô Răng đòi "I want the Cake" thì ông sẽ lập đi lập lại "Con muốn chiếc bánh" và bắt đứa cháu nói cho bằng được thì mới lòi chiếc bánh ra.
Hai ông cháu chơi ngoài vườn nắng ấm.
Khi con Sáo mỏ vàng chân vàng mắt như hạt cườm bay đi, đứa cháu đưa tay vẫy vẫy, miệng nói "bye bye Chim" .
Ký giả Lô Răng định dịch cho đứa cháu cân nói nửa Việt nửa Mỹ này thành câu tiếng Việt hoàn toàn thì khựng lại. Dịch làm sao? Chào Chim? Và ông kết luận " ngẫm ra tiếng Việt đâu có dễ !"
Ông Phan Lạc Phúc cả đời chữ nghĩa còn gặp khó trong một câu nói giản dị, những kẻ như chúng ta thì còn gay cấn đến như thế nào?
Ông nhà văn Hoàng Khởi Phong - cũng là một ông lính khác - vừa hoàn tất phần đầu cuốn trường thiên tiểu thuyết Người Trăm Năm Cũ. Đây chắc chắn sẽ là một tác phẩm lớn, chưa cần nói đến nội dung. Chỉ phần đầu mới nói đến Ông Đề Thám và núi rừng Yên Thế đã dầy trên 800 trang.
Ông Hoàng Khởi Phong dự định sẽ viết tiếp bộ lịch sử tiểu thuyết này cho đến năm 1975 mới chấm dứt. Tức chúng ta sẽ được đọc về cuộc kháng chiến chống Pháp sau giai đoạn cần Vương - có Nguyễn Thái Học rồi giai đoạn Việt Minh - sau đó là Nam Bắc với Nga, Tầu, Mỹ.
Nói về ông Hoàng Khởi Phong như vậy chỉ muốn xác định rằng tiếng Việt của ông rất cừ, nhưng tôi lại nhớ đến đứa con ông.
Chuyện cách đây cả chục năm khi ông Hoàng Khởi Phong lui cui gà trống nuôi con. Ông là nhà văn cho nên cái cách của ông rất thơ. Ông lôi cuốn Kiều của Nguyễn Du bắt con học thuộc lòng. Từ đầu "trăm năm trong cõi người ta" cho đến "Mua vui cũng được một vài trống canh". Ông lý luận rằng bây giờ chưa hiểu thì mai mốt cháu nó lớn lên sẽ hiểu. Cứ để nó ăn sâu vào tiềm thức đã.
Tôi phục qúa, hỏi thế ông có giảng Kiều cho cháu không? "Thiện tâm ở tại lòng ta" thì dễ nhưng đến những đoạn như "Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung" thì sao?
Ông Phong cười thú nhận bận đi hàn xì kiếm cơm phờ người nên cái vụ giảng giải thì chưa."Ấy, nhưng rồi ông coi mai mốt nó sẽ phải cám ơn tôi."
Khi ghé thăm, gặp cháu nhỏ tôi khen "cháu thuộc Kiều tới đâu rồi?" Ông bố Hoàng Khởi Phong chắc cũng muốn biểu diễn tí ti, hét con "đọc cho chú nghe đi" . Cháu bé cỡ hơn mười tuổi bèn đọc vài câu. Ngay khi bố Phong vào bếp lấy la de đãi bạn, chú nhỏ khẽ nói với tôi "Daddy is crazy, This book is stupid."
Chuyện đó từ mười năm, mới đây qua điện thoại, tôi hỏi vụ truyện Kiều, ông Hoàng Khởi Phong hãnh diện "ông thấy không. Ông con tôi bây giờ nói tiếng Việt như sấm!"
Chuyện sau cũng đã xẩy ra cỡ hơn chục năm về trước, khi các cuốn phim bộ của Tầu bắt đầu tràn lan trong cộng đồng Việt Nam.
Ông Đỗ Đình Duyệt là một người rất phóng khoáng nhưng thỉnh thoảng cũng ngồi dán mắt xem vua Càn long Du Giang Nam.
Một buổi sáng chủ nhật cũng đã trễ , tôi gõ cửa bấm chuông. Thằng con trai lớn mắt nhắm mắt mở hé cửa gật đầu chào. Tôi hỏi:
- Bố có nhà không cháu?
Thằng bé nhìn tôi và bỗng tay chưởng tay quyền cung kính chào theo đúng luật giang hồ:
- Bẩm phụ vương còn ngự trên lầu. Xin các hạ bình thân, bình thân.
Tôi bước vào phòng khách, trên ghế xa lông bừa bãi chăn gối và cả chục cuốn băng phim tầu vứt ngổn ngang. Khi thấy anh Duyệt, tôi phì cười:
- Ối anh ơi, sao thằng Ngọc nói cái gì đặc sệt Tàu Chợ Lớn vậy ?
- Xin huynh đài bớt giận để Trẫm sẽ giáo huấn hoàng nhi.
Ngọc giờ này đã trưởng thành có vai vế trong xã hội và nói tiếng Việt rất sõi.
Hồi đó tôi ở Connecticut hay đi lại với ông Trần Văn Huy. Ông Huy trẻ hơn tôi nhiều, giỏi chữ Hán chữ Nôm và ông tỏ ra rất cương quyết trong lập trường văn hóa. Cấm nói tiếng Mỹ trong nhà. Trừ trường hợp bất khả kháng vì có lần vợ ông hỏi " Khi đang lái xe trên xa lộ, em muốn đổi lane, nhưng không biết lane tiếng Việt nói làm sao ?". Ông Huy nghĩ nát óc không ra, tìm sách vở để kiếm tiếng Việt tương đương không thấy. Vợ ông có lần lo lắng sợ hai đứa nhỏ dốt tiếng Mỹ thì ông thản nhiên bảo "Đừng lo nó dốt tiếng Mỹ, chỉ sợ nó không nói được tiếng Việt".
Khi thân phụ và thân mẫu ông Huy từ Nữu Ước lên thăm con cháu, ông rủ tôi tới gặp các cụ cho vui. Khoảng xế trưa, khi hai cụ vừa bước vào cửa, đứa cháu đưa mắt nhìn. Ông Huy quát con:
- Sao không chào ông bà nội?
Thằng lớn quay sang hỏi bố nó:
- Hai đứa này, chào đứa nào trước, đứa nào sau?
Mới đây hai đứa nhỏ - nay đã thành người có danh vọng - đến thăm tôi và chào hỏi rất có tôn ti trật tự:
- Bác có khỏe không? Bác gái đâu, bác? Các em học tới lớp mấy rồi?
Mỗi người có cách đối phó riêng. Khi nhà tan nước mất, cả triệu dân Việt Nam bừng mắt dậy thấy mình đang sống ở đồng đất nước người và ngày ngày phải nói một thứ tiếng lạ tai.
Cái lo sợ về đời sống dần dần rồi cũng nguôi ngoai và khi đã có được chỗ ở tử tế, một việc làm vững chãi, ngoài cái nỗ lực đối phó với đời sống bên ngoài, những vấn đề bên trong bắt đầu xuất hiện. Con cái vốn còn trinh nguyên đã nhập vào đời sống chung quanh rất nhanh. Bạn bè, trường học, TiVi ... và ngỏanh đi ngoảnh lại bỗng thấy con mình nói toàn tiếng ngoại quốc.
Thay vì gọi bố mẹ, nay chúng gọi là Dad là Mom. Không có chuyện thưa gởi gì hết. Ngôi thứ nhì là You, ngôi thứ ba là She, He ... Chẳng còn tôn ti trật tự gì ráo trọi. Thế này thì không được. Thế này thì còn ra thể thống gì nữa ...
Cuộc chiến đấu bắt đầu. "Bảo Tồn Văn Hóa", "Duy Trì Nếp Sống Việt Nam" , "Bốn Nghìn Năm Văn Hiến", "Con Cháu Lạc Hồng" ...
Trong cộng đồng ở khắp nơi có lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng. Báo chí lúc đầu chú tâm đến chuyện mất nước, chuyện cộng sản đàn áp, bỏ tù anh em bà con bên nhà, đến đời sống cơ cực ở Việt Nam ...
Nhưng chỉ ít lâu sau bắt đầu có những bài viết cổ võ cho nỗ lực phải giữ lại cái phần Việt Nam trong đời sống, phải dậy cho con cái về lịch sử và văn hóa Việt Nam ...
Còn trong gia đình, cái xung đột ngôn ngữ xem ra trầm trọng hơn. Bố Mẹ thì vừa lo sinh tồn, lo kiếm cơm, lo học tiếng của quốc gia định cư. Con cái thì mỗi ngày mỗi quên và rồi quên hẳn tiếng Việt. Văn hóa, văn hiến xa qúa, to qúa. Thôi hãy cứ cố dậy tụi nhỏ tiếng Việt trước đã. Nhưng công việc xem ra không dễ dàng!
Không giống như đời sống ở Việt Nam, nơi đây mọi người đều phải đi làm, vợ một sở, chồng một sở, và làm việc thật sự. Tối về cơm nước xong là phờ người. Ngó đến con cái thì tụi nhỏ còn đang đánh vật với bài vở nhà trường, chưa kể đến những sinh hoạt ngoài học đường như thể thao, âm nhạc. Thì giờ đâu dậy con tiếng Việt - chỉ là tiếng Việt u ơ hàng ngày - chưa nói đến lịch sử văn hóa ...
Tất nhiên là phải cố gắng. Nhưng trong nỗ lực này đa số vấp phải hai yếu tố. Khả năng dậy dỗ, tức phương pháp sư phạm và sau đó là tài liệu sách vở để dậy con. Ông bố nóng tính, dậy được vài chữ là quát tháo om sòm giống như ngày xưa ông nội đã quát tháo vậy. Bà mẹ thương con thì thôi xí xóa.
Cuộc chiến bỗng như trứng chọi đá, như anh David đánh nhau với ông khổng lồ. Hệ thống giáo dục trường ốc nơi đây tiến bộ nhất thế giới cung cấp cho tụi nhỏ đầy đủ nhu cầu học hỏi. Sau đó là truyền hình. Rồi còn áp lực bạn bè. Mỗi lúc đứa nhỏ cứ xa dần xa dần không chỉ là văn hóa Việt mà ngay đến cái tình phụ tử mẫu tử nó cũng đổi đi nhạt đi.
Cuộc chiến sẽ còn dai dẳng kéo dài từ gia đình này đến gia đình khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Khi việt cộng còn đóng chặt cửa chưa cho tụi Ngụy về thăm Việt Nam, ông bạn tôi nhìn người bạn Đại Hàn thèm thuồng. Hễ cứ Hè là gia đình người Đại Hàn thu xếp cả nhà về Hán Thành nghỉ hè. Con cái họ nói sõi tiếng Đại Hàn và tụi nhỏ có một khái niệm khá rõ về quê hương của cha me tổ tiên. Những năm sau này, nhà cầm quyền Hà Nội đã có hẳn một chính sách o bế Việt Kiều. Ông bạn tôi cứ loay hoay trong ý định đem con cái trở lại Việt Nam. Hẳn rằng ông cũng muốn được như gia đình Đại hàn.
Nhưng ông vẫn cứ dùng giằng. Hỏi thì ông nói:
- Kỳ lắm. Tôi cố bắt đài truyền hình của Hà Nội nhưng chỉ nghe độ nửa phút là tắt đi. Tôi kiếm báo ở trong nước đọc - dễ lắm qua internet đầy rẫy - mà không bao giờ đọc hết được một trang. Tôi tự hỏi không biết có nên để con cái mình nhiễm cái loại ngôn ngữ kỳ dị đó không?
Đấy chỉ là ý kiến cá nhân.
Giữa cái lối nói xách mé của công nhân, cán bộ nhà nước kiểu "Anh kia muốn gì?" và của cháu Ngọc con anh Đỗ Đình Duyệt "xin các hạ bình thân" không hiểu có cách nào hay hơn chăng?
Lê Thiệp
Trích trong Chân Ướt Chân Ráo