Nhớ lại quãng thời gian tại quê người, gần 30 năm mà như mới đó thôi. Thoáng qua như một giấc mộng .Một quãng đời vui nhiều buồn ít nhưng không phải không nếm đủ đắng cay của tình người, tình đời ...Thế nhưng cũng chính trong những ngày ngắn ngủi đắng cay đó, tôi lại nhận thêm được những quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm của một vài người bạn học cũ đã chia xẻ cùng tôi. Nỗi buồn giảm đi nhiều và niềm vui tăng lên gấp bội .
Yêu thương là món quà vô giá mà ai cũng muốn nhận và ai cũng có thể ban tặng cho nhau. mang nhiều ấm áp cho tôi mỗi khi tinh thần bị xuống dốc .
Bao nhiêu lời cảm ơn cũng không thể đủ .
Vâng, người ta có thể trả nợ dễ dàng . Nhưng trả ơn, nhiều khi rất khó .Nhất là khi ơn mình đã mang, đã được hưởng ơn, đến từ tấm lòng người cho- là những người bạn chung lớp, chung trường .
Mỗi lần nghĩ đến ơn đó, tôi đã luôn luôn chia xẻ những gì mình có, trong khả năng nhỏ nhoi của mình đến với những người bất hạnh hơn mình ở nơi đất xứ người, cũng như ở trong nước.
Nhớ về thời đi học là nhớ về những giọt mưa tươi mát giữa mùa học trò hồn nhiên áo trắng .Những chuỗi ngày sống reo vui cùng lũ bạn nghịch ngợm và dễ thương vô cùng .
Bãi cỏ xanh sân trường Gia Long ngày nào mà Trưng Vương học nhờ ngày mới di cư vào Nam, sau giờ học, chúng tôi thường họp nhau vui đùa cho đến khi là những người cuối cùng rời khỏi trường khi cánh cổng vừa khép kín . Những biệt hiệu "Trâm Hai Thùng" (Ngọc Trâm), Trần Cu (Hồng Thuỷ), Nguyễn thị Lô Can (Hồng Nhật), Ca Sĩ Núi Của, Phạm Thị Ny Lông (là người đang viết bài này vì ngày đó mẹ hay may chho áo dài bằng nylon cho đỡ phải ủi)...làm sao mà quên được . Ôi, cái tuổi học trò , nói như ông Đinh Hùng thì "sách vở nhẹ cầm tay" nhưng trong lòng thì chưa có một tâm sự riêng gì mà phải "chỉ nói cùng cây cỏ" cả ...
Những năm tháng cùng thầy cô, bạn hữu dưới mái trường Trưng Vương nằm sâu trong ký ức, luôn luôn là một mảng tươi sáng trong cuộc đời .Đó là một thời ai cũng cho là đẹp nhất đời mình .Lớp vôi nhạt phai theo năm tháng, bức tường rêu đã phủ lên những kỷ niệm ngọc ngà của tuổi thanh xuân, mà thỉnh thoảng tôi chỉ thoáng thấy trong một giấc mơ nào đó . Những giấc mơ hình như bao giờ cũng phảng phất hương hoa ngọc lan trên con đường Phan Thanh Giản hay phất phới lá me bay nơi khung trời Nguyễn Bỉnh Khiêm ngàn năm lá đổ , một thuở tuổi hồng ...
Hàng ngày đưa con đi học trường Mẫu giáo Hoa Lư sát bên cạnh trường Trưng Vương, lòng không tránh khỏi bồi hồi. Không làm sao tìm được hình bóng mình và bạn bè, thầy cô ngày ấy ...Trong khi con bé Uyển Diễm ba tuổi, ngồi chiếc ghế con con phía trước ghidon xe đạp thì cứ nghiêng đầu hồn nhiên ca hát: “Cháu lên ba cháu vô mẫu giáo…”. Và các chị Trưng Vương đứng chờ cổng trường rộng mở, nhi`n con bé cứ vẫy tay tươi cười chào bé.
Khoảng năm 1983, Tường Huệ, Thanh Minh, Đức Hạnh, Kim Chi (Kế)...đã có buổi họp mặt TV đầu tiên tại Saigòn. Khi đó cuộc sống tuy có bớt nặng nề buồn thảm nhưng cũng vẫn còn ngơ ngác lắm .Những buổi họp mặt vội vàng gần như lén lút vì sợ Công an khu vực dòm ngó dù rằng đó chỉ là những giờ phút bên nhau xem ai còn ai mất hoặc chia sẻ với nhau những tin tức người thân đang ở trong tù .Chưa một lần ước mơ quay trở lại quá khứ .Đối với chúng tôi, thời gian ấy chỉ là những ngày đông ảm đạm . Những buổi họp mặt Trưng Vương chưa đến mười người, nhưng vẫn như là những giọt nắng hiếm hoi lấp lánh niềm vui .
Rồi những mùa đông buồn bã cũng qua đi, mùa xuân ở đâu bỗng dưng ùa tới. Thập niên 1990, như một phép lạ, chúng tôi lần lượt được xuất cảnh. Đợt đầu có Ngọc Trâm, Minh Đức, Kim Oanh, Bùi Thanh Tuyết và tôi.Thời gian này vẫn còn loay hoay với cuộc sống mới, tôi gặp nhiều chuyện đến với ngỡ ngàng ( như những lá thư rơi nói xâ'u tôi, chẳng hạn chồng chết vài ba ngày là lấy chồng khác, sang Mỹ bồ bịch lung tung.v…v..mà vẫn cứ đóng vai “Thương phụ khóc chồng” để được giúp đỡ! ) Thư rơi đó gửi tới khắp nơi nhưng tôi được biết, ai cũng vất vào sọt rác. Chung quanh đời sống vẫn còn có rất nhiều người chia sẻ, cảm thông rất tình người…
Sự hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người thật khó khăn. Đã có người buồn quá tự tử, có những người đi xe đạp lái vào exit bị xe cán chết…Ngòi bút của tôi trên báo Người Việt quyên góp tiền ma chay…
Do kinh nghiệm bản thân và với ngòi bút trong tay trên mục sinh hoạt Nhật báo Người Việt, tôi đã kêu gọi Cộng đồng quan tâm giúp đỡ người mới tới. Chúng tôi phân công ngày trực tại một phòng rộng do nhật báo Người Việt dành cho, cùng anh chị em HO quyên góp quần áo, mền gối, nồi niêu,bát chén, vật dụng cũ trong nhà . Tổ chức phân phát đến tận tay những gia đình HO, nhất là những gia đình không có thân nhân bảo trợ . Cho đến ngày nay, sau hàng chục năm gặp lại, vẫncó những người còn nhắc lại chiếc áo cũ, tấm khăn phủ màu hồng ...mà tôi mang đến . Chính họ đã cho tôi niềm vui. Tôi đã nhận ở họ biết bao tình .
Thời gian lặng lẽ trôi qua, đã trải qua hàng chục năm định cư tại Hoa Kỳ. Nhớ tháng năm đầu, một mình làm hai ba công việc, không từ nan, chắt chiu từng đồng tiền mỗi nơi đủ share một căn phòng nhỏ, đủ ăn ngon, đủ mặc –dù là quần áo cũ nhưng vẫn đẹp- Thu xếp công việc để còn đưa đón con đi học. Thương mẹ, Uyển Diễm chăm học, theo kịp tuổi, và tốt nghiệp Trung học cũng như Đại học một cách dễ dàng.
Sau đó tôi theo hẳn nghề truyền thông báo chí khi được nhân viên đài VOA về tận Cali phỏng vấn và thu nhận, một nghề mà ngày xưa chỉ là niềm mơ ước nhưng không thực hiện được.
Vào nghề, thấy yêu nghề và vừa làm vừa tự học. Những ngày cuối tuần xách máy đi vào những sinh hoạt Cộng đồng lấy tin tường thuật về Việt Nam.
Hành nghề phóng viên rất vui nhưng đôi lúc cũng ... hồi hộp!
Nếu sáng sớm ra, còn nằm trên giường nghe tiếng điện thoại là biết ngay mình sẽ có chuyện phải làm trong ngày do các anh chị Trưởng ban Việt ngữ VOA "nhờ" làm (thật ra là chỉ thị). Nếu có những sự kiện bất chợt xảy ra như vụ khủng bố 911, như vụ Trần Trường treo cờ Cộng sản tới lúc cao điểm , tôi chỉ có 15 phút để viết tin và đọc qua phone. Có khi tường thuật ngay tại hiện trường. Hoặc khi thực hiện một cuộc phỏng vấn nhân vật, nếu là văn nghệ sĩ, câu chuyện trao đổi rất nhẹ nhàng .Nhưng nếu đối tượng là một nhân vật chính trị, xoay quanh một hay nhiều vấn đề đang xảy ra trong và ngoài nước, tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu trước khi thực hiện .
Trên mười năm hành nghề, với hàng trăm cuộc phỏng vấn, hàng ngàn bài tường thuật, đối với tôi là một điều vô cùng thích thú. Bởi vì càng sống trong nghề, tôi càng học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và khám phá ra nhiều điều kỳ diệu chung quanh cuộc sống. Những chương trình thiên về văn học nghệ thuật là những chương trình tôi yêu thích và say mê biên soạn cùng thực hiện. Đây là niềm đam mê từ thời còn trẻ .
Mỗi đoạn văn trong cuốn sách, cuốn tạp chí, những bài hát, lời thơ ...khi ngồi trước micro trình bày như những tiếng nói đang thầm thì về một hình bóng đã xa, gợi nhớ nhiều đến ngày tháng cũ . Hàng ngàn những chương trình Thơ Nhạc tôi để hết tâm hồn chăm chút mỗi tuần, chính là nơi gửi gấm kỷ niệm của tôi. Những ký ức thật xa của một thời thơ mộng, lãng mạn, một thuở biết yêu được yêu, một thời hạnh phúc và cả một thời đớn đau bị cuốn theo trong giông bão của lịch sử dân tộc .
Công việt tôi làm hàng ngày vừa là mưu sinh, vừa như văn nghệ .Thế cho nên biên soạn và thực hiện những chương trình trên các làn sóng những Đài phát thanh mà tôi cộng tác là một cách thương yêu với chính mình và trân trọng thính giả .Tôi mơ ước được thính giả yêu thương gần gũi với tôi và tôi đã thực hiện được niềm mơ ước ấy với số thư thính giả mỗi ngày một nhiều .
Đó là hạnh phúc tôi nhận được .
Từ trên cái nền của những chương trình văn học nghệ thuật ấy, tôi gửi vào trong đó những tình cảm của tôi, về cuộc sống, về con người, về ý nghĩa cái sống và cái chết, về người thân, về tình yêu (quê hương, đồng loại ...),về lòng nhân ái, về nỗi bao dung, về sự đau khổ, về hạnh phúc, về ý nghĩa của hai chữ "cho" và "nhận"...để hướng lòng mình về nơi chân thiện mỹ, để sống những tháng ngày còn lại sao cho đời sống nhẹ nhàng hơn .
Tất cả rồi sẽ trôi qua .Chỉ có kỷ niệm là còn ở lại .
Và cuộc sống của tôi trong mái nhà ta. TP Irvine , bên con cháu suốt gần 20 năm qua rất hạnh phúc: Các con hiếu thảo, hai cháu ngoại ngoan ngoãn, hiếu học đạt nhiều thành tích, hoạt động tích cực trong phong trào Hướng Đạo hàng tuần . Cả hai cháu đều nhận được bằng khen của Tổng Thống.
Riêng tôi cảm động vô cùng vì được các cháu rất thương yêu.
Xin tạ Ơn Trên, tạ ơn Đời đã ban cho tôi và gia đình nhỏ bé của tôi niềm Hạnh Phúc tràn đầy.
Bích Huyền
*