Sau thế chiến thứ hai, Hoa kỳ đã trở thành siêu cường quốc độc nhất trên thế giới không những vì sức mạnh kinh tế vượt trội mà còn vì sức tàn phá khủng khiếp của võ khí hạt nhân được nhìn thấy bởi hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Trong khuôn khổ chiến lược bành trướng chủ nghĩa Cộng sản để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, mà cũng là để tự vệ, Liên Sô đã không thể không tìm cách phát triển võ khí hạt nhân. Kế hoạch này đã được giúp đỡ quan trọng bởi cặp vợ chồng Mỹ gốc Do Thái Julius và Ethel Rosenberg, khi cung cấp cho Liên sô vô số các dữ kiện khoa học quan trọng liên hệ. Việc này đã bị lộ, cặp vợ chồng này đã bị bắt và bị xử tử năm 1953. Mao Trạch Đông sau khi chiếm được Hoa lục năm 1949 cũng không thể không cố gắng chế tạo võ khí hạt nhân. Và đã được giúp đỡ rất nhiều bởi các sinh viên và khoa học gia Tầu du học ở Mỹ. Những người này tuy không phải là Cộng sản nhưng không vui vì chính sách kỳ thị chủng tộc ở Mỹ và bị kích thích bời lòng tự hào dân tộc trước thắng lợi của Mao, đã tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp cho Mao trong tham vọng này. Trong lãnh vực võ khí hạt nhân, có sự đóng góp ít nhiều của hai tên tuổi nổi bật là hai nhà vật lý học gốc Tầu ở Mỹ được giải Nobel là Yang và Lee. Tầu đã trở thành nước Cộng sản thứ hai thử bom nguyên tử năm 1964 và bom khinh khí 1967. Về phía Tây phương thì ngoài Mỹ còn có Anh và Pháp. Hồi quốc, Ấn độ là hai nước lớn khác có võ khí hạt nhân thập niên 1970, nhưng không tạo nhiều chống đối. Do Thái có võ khí hạt nhân nhưng không nước nào trên thế giới nói gì. Iran được cho là có chương trình tạo võ khí hạt nhân nhưng đã bị chặn lại bởi thỏa ước hạt nhân với 5 nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức, ký năm 2015, mà Do Thái chống đối kích liệt cũng như ông Trump mới đây. Bắc Hàn mới thử bom được coi là khinh khí và đã trở thành một đối tượng được truyền thông Mỹ khai thác liên tục.
Nhìn trong toàn cảnh, thì sức tàn phá khủng khiếp của võ khi hạt nhân đã là lý do làm cho chiến tranh hạt nhân không xẩy ra mặc dầu phía Cộng sản chủ trương quyết liệt tiêu diệt phe tư bản từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt và mặc dầu cả hai bên Liên sô và Mỹ đều thi nhau sản xuất võ khí hạt nhân để sẵn sàng giết nhau. Chiến lược bành trướng CS đã được đối phó bằng chiến lược ngăn chống tư bản, dưới những dạng thái khác nhau qua từng thời kỳ, như chiến tranh giải phóng, lấy nông thôn bao vây thành thị, chiến tranh cục bộ, tiền đồn chống Cộng, thế giới tự do, sống chung hòa bình, vân vân…biểu hiện ra bằng tình trạnggọi chung là “chiến tranh lạnh”. Trong thời gian này, hai phe đối đầu gồm các nước có võ khí hạt nhân đã ký hiệp ước không khai triển võ khí hạt nhân (Treaty on non proliferation of nuclear weapons NPT năm 1968 ở Mạc Tư khoa), với sự tham dự của một số nước khác không có võ khí hạt nhân, mà Bắc Hàn là một. Nước này đã rút ra năm 2003. Sau khi Liên sô và Đông Âu sụp đổ, tình trạng chính trị toàn cầu thay đổi, sự tồn tại của những nước lớn có võ khí nguyên tử không còn dựa trên đối đầu võ khí và tiêu diệt lẫn nhau mà dựa trên đối thoại và trao đổi kinh tế thương mại toàn cầu,thì thỏa ước cấm thử toàn diện võ khí hạt nhân (Comprehensive Nuclear Test Ban treaty - CTBT) được thông qua tại Liên hiệp quốc với đa số 2/3.
Nhìn lại lịch sử như vậy thì có thể nói rằng chuyện cấm bành trướng võ khí hạt nhân là sáng kiến của một số đại cường với một số nước a tòng thuộc thành phần hạng dưới, mà lý do chính là sức tàn phá khủng khiếp của võ khí nguyên tử cũng như sự tốn kém để chế tạo và khai dụng chúng. Không trong hiệp ước này thì sẽ phải chịu các biện pháp chế tài quốc tế. Các biện pháp này có được thi hành hay không, thi hành như thế nào, có hiệu quả nhiều ít thì tùy trường hợp. Như Do Thái chế được 80 đầu đạn hạt nhân chẳng có nước nào nói gì và Do Thái cũng không nói gì. Syria trong quá khứ trước cuộc chiến nổ ra năm 2011 đã bị Do Thái không kích vào các địa điểm được nói là cơ sở chế tạo võ khí hạt nhân, không ai nói gì và Syria cũng im miệng. Iran đã bị tố giác là tiến hành chế tạo võ khí hạt nhân và bị đe dọa bởi Do Thái và Mỹ, nhưng sau chót thì Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức đã ký thỏa ước về vấn đề này năm 2015. Tổng thống Donald Trump mới đây chê bai tính rút ra khỏi hiệp ước, dưới ảnh hưởng của vận động chính trị Do Thái. Nhưng kết quả ra sao chưa rõ. Bắc Hàn chế tạo võ khi hạt nhân đầu tiên năm 2006, và mới đây nhất là cuộc thử bom khinh khí. Mỹ đã có những cuộc điều đình với Bắc Hàn về chuyện này trong nhiệm kỳ Obama mà ông Trump cho là tốn phí mất tiền cho Bắc Hàn vô ích. Và tuyên bố “đã hết rồi những cuộc thảo luận”.
Nhiều người bị điều kiện hóa bởi khuôn thói tuyên truyền thời chiến tranh lạnh đã cho rằng trong không lâu Kim chính Ân sẽ bị tiêu diệt bởi sức mạnh quân sự Mỹ. Nhưng mà thực tế là đã chẳng có gì xẩy ra, ngoài những lời đe dọa cứng rắn của ông Trump. Thí dụ như Bắc Hàn sẽ được hưởng “cuồng nộ và lửa đạn” như chưa từng thấy; là sẽ gửi hạm đội tới vùng bán đảo Triều Tiên nhưng thực tế là chiến hạm Mỹ ở cách xa cả ngàn dặm. Mới đây nhất, trong bài diễn văn đọc trước đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Trump đã gọi Kim chính Ân là “người hỏa tiễn” trong “công tác tự sát”, là “thằng điên”. Và rằng “nếu Mỹ bị dồn vào thế phải tự vệ và bảo vệ các đồng minh thì sẽ không ngại gì tiêu hủy toàn bộ Bắc Hàn”. Phản ứng lại, bộ trưởng ngoại giao Bắc Hàn cho truyền thông biết rằng có thể là Bắc Hàn sẽ thử bom khinh khí ở Thái bình dương. Và lãnh tụ Kim Chính Ân sẽ ra quyết định về việc này. Ngoài ra thì qua một bàn thông báo của cơ quan truyền thông chính thức của Bắc Hàn, người ta biết rằng Kim Chính Ân đã cho rằng phát biểu của tổng thống Trump ở Liên hiệp quốc là “một đe dọa vô nghĩa và thô lỗ”. Rằng ông Trump là “một người xáo trôn thần kinh”, “không xứng đáng làm vị chỉ huy tối cao của một nước”, là “một tên cướp thích chơi với lửa”. Và nghe những điều Trump nói làm cho Kim tin chắc rằng phải tiếp tục con đường đã chọn, là “thuần hóa cái con người thần kinh xáo trộn, cái tên già suy thoái như đứa con nít (dotard)”.
Tóm lại, vấn đề Bắc Hàn chế võ khí hạt nhân lai rai kéo dài từ 10 năm nay đã trở thành một đề tài thời sự nóng tên truyền thông Mỹ với ông Trump và đồng thời là một chuyện lời qua tiếng lại gây đàm tiếu. Bởi vì Bắc Hàn tuy là nước nhỏ xíu nhưng lại là nước trong vòng tay bảo trợ của Trung quốc, là nước đối tác quan trọng khó bỏ qua về kinh tế và thương mại của Hoa kỳ và khối Âu châu, với sự hỗ trợ của Nga. Tuy rằng Bắc Hàn không tôn trọng thỏa ước cấm thử toàn diện võ khí hạt nhân (Comprehensive Nuclear Test Ban treaty - CTBT) của Liên hiệp quốc, và hiệp ước không khai triển võ khí hạt nhân (Treaty on non proliferation of nuclear weapons NPT mà Bắc Hàn đã rút lui, thì trừng phạt chỉ có thể là bằng những biện pháp mà hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã đề ra. Và ông Trump có thể thêm thắt tăng cường bằng các nghị định nội bộ nước Mỹ.
Không thể nào tưởng tượng như lời ông Trump nói là ông sẽ tiêu diệt Bắc Hàn, là một nước tay em nằm sát anh lớn Trung quốc. Nếu Mỹ đã phải khựng lạiở Syria mặc dầu đã ủng hộ những nhóm chống đối kiểm soát được 4/5 lãnh thổ của tổng thốngAssad, và với sự thúc bách của Do Thái, thì ông Trump cũng sẽ chỉ mua vui cho thế giới với những lời tuyên bố kiểu dân lái trâu ở Việt Nam ngày xưa.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh (ngày 22 tháng 9/2017)