Bài viết “Vietnam War: cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi” của Khải Đơn ở Sài gòn trên mạng điện tử chương trình Việt ngữ đài BBC ngày 17 tháng 9 là một bài viết hay và giá trị. Cuối bài có câu thòng thông lệ của BBC dành cho các bài của người ngoài không viết theo chủ trương hay hướng dẫn của đài: Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một cây bút sống và làm việc tại Tp HCM. Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả. Tương tự như câu: Chúng tôi xin đăng để rộng đường dư luận.
Xin mời quý vị tò mò vào mối nối của BBC dưới đây để đọc bài của Khải Đơn.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41298032
Tại sao lại có thể nói bài của Khải Đơn là hay và giá trị, dù rằng về căn bản đó chỉ là một bản tin tường thuật cuộc chiếu giới thiệu, tại tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Sài gòn, cuốn phim tài liệu “Vietnam War” – gồm 10 tập do Ken Burns và Lynn Novick thực hiện về cuộc chiến tranh Việt Nam - sắp được công chiếu. Bắt đầu tại Hoa kỳ ngày 17 tháng 9.
Bài rất ngắn chỉ có 1698 chữ, nhưng nêu được những khiếm khuyết cho thấy sự chủ quan, nếu không muốn nói là thiên lệch, của nhóm làm phim mà các câu hỏi của người xem phimlàm lộ ra. Và cũng chỉ bằng những câu ngắn gọn cho thấy những day dứt của tác giả bài viết.
Trong phần thảo luận sau khi chiếu phần trích dẫn cuốn phim dài hai tiếng đồng hồ, Khải Đơn đã ghi lại được những điều thật đặc biệt, nguyên văn như sau:
1/Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick: “Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam? - Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không?”
Lynn Novick mỉm cười nói: “Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS.”
Khải Đơn nhận xét rằng
“Câu hỏi đại diện cho rất nhiều vết nứt hồ nghi và đầy ngờ vực của những khán giả trẻ đã có mặt tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn ngày hôm ấy, muốn tìm kiếm một diện mạo khác của cuộc chiến đã đóng vẩy trên thân thể mình suốt hàng chục năm dài.”
Mà tóm tắt là:
“Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác: Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng”
2/Một người đàn ông khác giơ tay hỏi trong buổi chiếu: “Tôi nghĩ bộ phim phải tên là American War mới đúng, chứ sao lại là Vietnam War?” –
“Tôi không còn nhớ câu trả lời của ekip làm phim về câu hỏi hằn học đó.” Khải Đơn viết. Và như thế có thể hiểu rằng câu trả lời là loanh quanh, nghe không lọt tai Khải Đơn.
Chỉ với vài câu trích dẫn như trên, người đọc có thể thấy ngay cái hay và cái giá trị của bài tường thuật. Hay, là vì dùng chữ hàm xúc, nhưng nổi bật tạo chú ý. Giá trị, vì chỉ thẳng ra cánh cái dụng ý thiên lệch, “cái bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng” của những người làm phim và phổ biến, để như Khải Đơn viết, “bóc cái vẩy đã đóng trên thân thể mình”.
Trở lại cái câu hỏi về tên cuốn phim, The Vietnam war hay the American War, đã được đưa ra dưới một cách khác, bởi một nhà dậy học, ông Peter Zinoman, Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á Học, Đại học California ở Berkeley. Qua bài viết “Thấy gì từ tập đầu cuốn phim The Vietnam War?”. Ông viết:
“Xét sự nổi trội cả về con số người Việt lẫn tầm mức thiệt hại không thể sánh được mà họ là nạn nhân, việc đặt người Việt vào vai trò trung tâm trong thời đoạn lịch sử đen tối này, ít ra, cũng phải là một mệnh lệnh đạo đức khiêm tốn.
Thế nhưng, ý đồ lấy Mỹ làm trọng tâm không hề giấu giếm trong Vietnam War được thể hiện rõ ngay trong 3 cảnh mở màn giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu 10 tập này. Cảnh đầu tiên tả những người lính Mỹ tham chiến, cảnh thứ hai cho thấy một cuộc diễu binh của quân đội Mỹ, và cảnh thứ ba là lời bình luận của cựu chiến binh Mỹ Karl Marlantes. Bài hát Hard Rain của Bob Dylan làm nền nhạc kết thúc phần một càng báo hiệu rõ hơn nữa xu hướng "dĩ Mỹ vi trung" làm điểm tham chiếu. Mặc dù trong tập đầu, số lượng nhân vật người Việt và người Mỹ phát biểu tương đương nhau, nhưng trọng tâm tự sự vẫn nghiêng về những câu chuyện thứ yếu của người Mỹ với tầm quan trọng lịch sử đáng ngờ.”
Trong bài, ông Zinoman đã nêu ra những sai lầm và thiếu sót để chứng minh cho luận cứ của ông. Xin không nhắc lại những điều này ở đây, vì người Việt nào sống trong cuộc chiến thực sự thì đều biết cả. Khải Đơn đã ghi lại lời của Lynn Novick lúc gần cuối buổi nói chuyện, mà ông cho rằng là “gần phù hợp với câu hỏi”. Là
“Trước khi làm bộ phim, tôi đã xem và thấy những khó khăn, nhưng chúng tôi muốn biết CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA Ở ĐÂY. Chúng tôi phải tìm ra câu trả lời trước khi bắt đầu làm phim, với những tiêu chí: mô tả hiện thực chiến tranh, chiến trường, sự chết chóc, sự hi sinh. Chúng tôi không bọc đường cuộc chiến. Chúng tôi cố gắng không phán xét. Chúng tôi nói về những trải nghiệm tối tăm nhất trong cuộc đời của nhân vật. Chúng tôi cố gắng trung thực với những bi kịch, kể câu chuyện từ nhiều phía, và tìm cách thể hiện rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến.”
Đây là một ngụy luận điển hình về sự trung thực của truyền thông “tin giả”. Bởi vì cứ chonhững hình ảnh và lời nói từ các nhân chứng sống là thành thực đi. Nhưng sự lọc lựa, sắp sếp để tạo ấn tượng và thông điệp thì gian tà. Mà giáo sư Zinoman gọi là “bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng”.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 21 tháng 9/2017