Buổi họp thường niên của Liên hội Các nước Đông Nam Á ASEAN đã diễn ra tại thủ đô Manila Phi Luật Tân từ ngày 2 đến 8 tháng 8/2017. Liên hội các nước Đông Nam Á khởi thủy được thành lập bởi 5 nước là Phi luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Malaysia và Singapore ngày 8 tháng 8/1967. Vớimục đích mơ hồ là thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và ổn định trong vùng. Tính đến nay là đúng 50 năm. Cái khung cảnh Liên hội này được thành lập là tình hình chính trị xoay chuyển. Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cuộc chiến với xu hướng rút khỏi VN rục rịch định hình ở Hoa kỳ.
Phi luật Tân lúc đó do tổng thống Ferdinand Marcos cai trị rất tham nhũng thối nát bị dân chống đối nhưng được Mỹ ủng hộ. Nam Dương vừa trải qua một cuộc đảo chính (năm 1965) do đảng CS thân TC khởi xướng nhưng bị quân đội dưới quyền tướng Suharto dẹp tan, tiếp theo là một cuộc thanh trừng kéo dài đẫm máu nhắm vào người gốc Tầu kể là theo TC, chết cả triệu người. Thái Lan tuy là một nước thân Mỹ nhưng ảnh hưởng Mỹ đã giảm dần trước sự len lấn thương mại của Tầu. Singapore thì vững chãi nằm trong vòng ảnh hưởng khối tư bản Anh Mỹ, hoạt động như một khu thương mại quốc tế sẵn sàng thay thế Hồng Kông nếu TC dở chứng chiếm đoạt cái vùng nhượng địa phồn thịnh tự do thương mại này. Còn Malaysia thì tình trạng sào sáo với sự tranh chấp giữa hai sắc dân Mã Lai Hồi giáo và Tầu thân TC.
Trong hoàn cảnh này, Liên hội Asean được thành lập như là một biểu hiện của phía tư bản muốn sống chung hòa bình với CS trong vùng. Mỹ từ năm 1977 nghĩa là sau khi VNCH sụp đổ, được mời làm “đối tác thảo luận” nghĩa là có quyền dự họp đóng góp trong các kế sách. Đến năm 1984, sau khi Brunei được Anh trao trả độc lập thì được nhận vào làm nước thứ 6 của Liên hội. Với tình hình chính trị kinh tế toàn cầu thay đổi sau khi khối Liên sô xụp đổ, VC được gia nhập năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Cambodia năm 1999. Những nước dự hội được mở rộng dần. Năm 1994, Liên hội ASEAN mở ra Diễn đàn vùng ASEAN (Asean Regional Forum ARF) ngày nay gồm 27 nước thành viên, trong đó có Mỹ, Nga, Tầu, Úc, Nhật, Ấn độ vân vân…
Với cấu trúc này, hội nghị thường niên ASEAN lần thứ 50 không chỉ gồm cuộc họp khoáng đại các ngoại trưởng mà còn có cuộc họp Sau ngoại trưởng (Post Ministerial), cuộc họp của Asean-cộng-3 (Asean Plus Three- APT), cuộc họpngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (East Asean Summit- EAS) cuộc họp của Diễn Đàn Vùng (ARF). Điều này cho thấy rằng địa bàn Đông Nam Á đã trở thành mục tiêu quan tâm tranh thủ, nói nôm na là “cắm dùi” của nhiều cường quốc từ xa, khắp thế giới.
Qua tất cả những cuộc họp này, ta thấy những kết quả gì?
Trước hết là vấn đề biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson lần đầu tiên tới thăm Manila đã cáo buộc TC đã dùng sức mạnh kinh tế của mình để “mua cái vị trí đứng ngoài những cuộc tranh chấp”, như là cuộc tranh chấp biển Đông.
Ngoại trưởng TC Vương Nghị đã nói, cũng nhân cuộc thăm chính thức Manila rằng: “Nếu còn có một thế lực nào hay vài thế lực nào ngoài-vùng mà không muốn thấy ổn định trong vùng biển Nam Hải, còn muốn khuấy rối tại biển Nam Hải, thì chúng ta phải đứng với nhau và cùng nói không với họ”.
Tổng thống bặm trợn Phi Luật Tân Duterte đã tiếp ngoại trưởng Mỹ ở dinh tổng thống ngày 7 tháng 8 và nói với ông Tillerson rằng “Tôi rất sung sướng gặp ông... Và ông đã tới vào một lúc mà thế giới không tốt đẹp lắm, nhất là ở bán đảo Triều Tiên, và dĩ nhiên, cả vấn đề ray rứt kéo dài ở biển Nam Hải”. Tôi biết ông lo lắng ở đó, vì ông cũng có những vấn đề nội bộ nữa... Chúng ta là bạn với nhau. Chúng ta là đồng minh. Tôi là người bạn khiêm nhường của ông ở Đông Nam Á Châu”.
Nếu nhìn vào bản tuyên bố chung của ASEAN không có khoản chính thức nêu danh TC trong cuộc xây dựng các căn cứ quân sự ở các đảo tranh chấp vùng Trường Sa, và biết rằng Cambodia và Phi luật tân là hai nước tích cực ủng hộ điều này, thì người ta không khỏi tự hỏi ông Duterte là bạn và đồng minh với Hoa kỳ kiểu nào? Có thể ông chỉ là bạn với ông Trump vì ăn nói cùng một kiểu, bỗ bã, như người mình thường nói “ngưu tầm ngưu mà tầm mã”. Là đồng minh trong chính sách tiêu diệt không nương tay quân quá khích Hồi giáo ở Mindanao. Và đồng minh trong chuyện cả hai bên đều cùng là đối tác với TC, và chủ trương giải quyết vấn đề bằng ngoại giao!?
Tại hội nghị Asean, có Ấn độ dự họp. Nhưng mà cả Ấn Độ và Trung Cộng đã không đi đến một thỏa thuận nào trong vấn đề gay go biên giới diễn ra ở cao nguyên Doklam mà cả TC lẫn Bhutan là đồng minh cật ruột của Ấn độ đều nhận là của mình. Nguyên do là giữa tháng 6/2017 Ấn độ đã gửi quân đến vùng cao nguyên Doklam để chặn một đoàn công nhân TC mở rộng một con đường mà Ấn độ cho là quá gần biên giới và tạo lo ngại. Không có tăng cường quân đội từ cả hai phía. Nhưng mà quân Ấn độ và công nhân TC chỉ cách nhau chừng hơn 100m. Và cả hai bên đều đòi hỏi bên kia rút lui. Truyền thông hai bên đều cứng rắn lên tiếng bất đồng. Tưởng cũng nên nói ở đây rằng giao thương giữa Ấn độ và Tầu đều đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây!
Về cuộc họp Diễn đàn Vùng ASEAN ARF, có các ngoại trưởng Bắc Hàn, Nam Hàn, Nga, Tầu, Nhật, Úc, ngoại trưởng Nhật Taro Kono cho biết rằng đã có thảo luận “gay gắt”. Và hầu hết đồng ý là cần phải thi hành chặt chẽ các biện pháp chế tài mới của hội đồng bảo an LHQ đối với Bắc Hàn. Một thông cáo của bộ ngoại giao TC cho biết ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng “Vì những liên hệ kinh tế truyền thống giữa TQ và Bắc Hàn, TQ sẽ là nước phải chịu các tốn phí thi hành các biện pháp chế tài”. Nhưng để bảo vệ hệ thống quốc tế ngăn ngừa lan tràn võ khí hạt nhân và hòa bình và ổn định trong vùng, TQ sẽ như từ trước đến nay, thi hành đầy đủ và nghiêm ngặt toàn bộ nội dung của quyết nghị”. TQ cũng cho biết rằng TQ đã thi hành các biện pháp cứng rắn của LHQ đối với Bắc Hàn, mà không đụng đến giao thương “bình thường” gây tổn hại cho người dân Bắc Hàn. Điều đáng để ý là TQ không nói thể nào là giao thương bình thường. Tóm lại, trong vụ Bắc Hàn thử võ khí lời nói thì rất cương quyết cứng rắn, nhưng thực sự thi hành và hiệu quả ra sao thì chưa rõ.
Tương tự như thế, , sau lời tuyên bố rất cứng rắn của tổng thống Trump là nếu Bắc Hàn không ngưng đe dọa Mỹ thì sẽ được hưởng “thịnh nộ và lửa” mà thế giới chưa từng thấy, những chính khách Mỹ đã tuyên bố giải thích một cách rất chừng mực ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ thảo luận với Bắc Hàn nếu Bắc Hàn ngưng thử võ khí.
Tóm tắt, qua những lời tuyên bố chính thức tại hội nghị ASEAN, người ta có thể nói rằng những cuộc họp đã diễn ra là để mà họp, Không có gì mới lạ. Tất cả chi cho thấy trong thời đại hiện nay, vấn đề quan trọng chủ yếu là sự có mặt. Có mặt để khẳng định quan điểm, để cắm dùi. Vắng mặt là thiếu tiếng nói, thiếu quan tâm. Nói khác đi thì không thể để lâm vào tình trạng “giậu đổ bìm leo”.
Như trên đã nói, Liên hội các nước Đông Nam Á thành lập cách đây nửa thế kỷ trong một hoàn cảnh tình hình thế giới đang xoay chuyển với xu hướng Mỹ rút khỏi VN đang định hình, Phi luật Tân trong vòng tay chặt của Mỹ, đệ thất hạm đội Mỹ trấn giữ Thái bình Dương với hai căn cứ hải và không quân to lớn Subic bay và Clark trên đất Phi luật Tân, ảnh hưởng của TC tại Nam Dương bị phá sập bởi cuộc phản đảo chính Suharto. Trường Sa Hoàng Sa thuộc VNCH. Ngày nay, TC trở thành cường quốc kinh tế và chính trị ngang cỡ với Mỹ, kiểm soát biển Đông, quân sự hóa các đảo Trường Sa. Mỹ chỉ còn lớn tiếng khẳng định quyền tự do hàng hải, lâu lâu gửi chiến hạm tuần lưu trong hải phận quốc tế, và có mặt trong các diễn đàn chính trị kinh tế vùng, như ASEAN.
Tổng thống Donald Trump hẳn là khoan khoái khi nghe ông Duterte tổng thống Phi luật tân xác định là người bạn khiêm nhưởng và đồng minh của siêu cường Hoa kỳ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 11 tháng 8/2017