Báo Washington Post thượng tuần tháng 8/2017 cho đăng bản ghi lại cuộc thu âm điện thoại giữa tổng thống Donald Trump với tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto ngày 27 tháng 1/2017 và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 28 tháng 1/2017. Mở đầu bài báo, Washington Post viết “Những bản ghi lại đã do Bạch cung thực hiện nhưng không loan đi. Bản báo The Post đã in lại bản sao thay vì là bản chính để bảo vệ nguồn tin. Trong những bản sao dưới đây có những lỗi văn phạm và chính tả nhỏ ở trong bản chính”.
Cuộc nói chuyện với ông Nieto kéo dài khoảng một tiếng, và với ông Turnbull chừng nửa tiếng. Loan tin vắn tắt về nội dung những đối thoại giữa tổng thống với các nguyên thủ ngoại quốc cũng như không khí của cuộc trao đổi nói chung, là chuyện bình thường của truyền thông. Thí dụ như “cuộc nói chuyện là về vấn đề buôn lậu ma túy” và không khí trao đổi là “thẳng thắn cởi mở”. Hiểu ngầm rằng không có thỏa thuận nào cả. Ngay cả sự loan đi những “tiết lộ” những chi tiết bất thường về các cuộc thảo luận giữa các lãnh tụ hai nước, bởi “các nguồn tin gọi là dấu tên”, cũng là “luật chơi” của truyền thông Mỹ. Thí dụ như nói về mối quan hệ căng thẳng giữa Netanyahu và Obama. Hay là trở lại với trường hợp tổng thống Trump hiện nay, cuộc điện đàm với thủ tướng Úc ngay sau khi xẩy ra đã được loan là “nóng nẩy”. Bởi vì đó là cách truyền thông dùng để ảnh hưởng, nhào nặn dư luận người đọc, chê bai ông Trump. Nhưng mà chẳng có gì là quan trọng. Ai nghĩ thế nào tùy thích.
Chuyện chê bai Donald Trump là chuyện kéo dài từ khi ông Trump đắc cử tới nay mà chính ông Trump và tay chân của ông chẳng làm gì được, ngoài chuyện gọi là “tin giả”, mà trong vài trường hợp có kèm theo bằng cớ chứng minh không cãi được. Trong tình trạng bị truyền thông giòng chính “cả vú lấp miệng em” thì ông Trump có trang twitter và tay chân của ông cũng đưa ra những bản tin không giống truyền thông giòng chính, mà luật sư Kellyanne Conway một trong những phụ tá của ông gọi là “tin khác”. Chỉ có điều rằng những “tin khác” này không nhiều, và không được phổ biến mạnh như hệ thống truyền thông giòng chính, vì nhân sự thua kém. Ngoài raphải nói rằng những điều trên Twitter của ông Trump lại cũng là những quan điểm tạo ra những tấn công từ đủ mặt, vì tính cách “không phải đạo chính trị” (politically incorrect), chỉ hợp tai một số quần chúng cốt lõi của ông Trump, nhưng phần nào đã giúp ông thắng cử . Đó là mở ngoặc tóm tắt một chút về kỹ thuật xử dụng các “tiết lộ” nói chung của truyền thông Mỹ để ảnh hưởng lên quần chúng, nhào nặn dư luận quần chúng.
Đọc bản ghi chép hai cuộc điện đàm, đã có những bình luận khen chê khác nhau về nội dung phát biểu của ông Trump, tùy theo người nghe là ghét Trump hay thích Trump. Đa số người theo rõi chỉ coi bản ghi chép này như là một tiết lộ như nhiều tiết lộ khác từ trước đến nay của truyền thông. Nhưng nghĩ cho kỹ thì không phải như thế. Tại sao? Bởi vì toàn bộ cuộc thảo luận đã được ghi lại và in ra. Một nguyên thủ nào khác, khi thấy vậy thì phải đặt dấu hỏi về sự an toàn kín đáo của những thảo luận với tổng thống Mỹ. Người bình thường cũng sẽ phải tự nhủ rằng không thể nào thảo luận những vấn đề kín đáo hay nhạy cảm với ông Trump. Bởi vì bất cứ lúc nào nội dung thảo luận cũng có thể bị tung ra cho toàn thế giới biết. Người ta thấy ngay rằng bằng quyết định cho phổ biến bản ghi chép điện đàm này trên mặt báo, tờ Washington Post đã chỉ rõ lỗ hổng an ninh to lớn trong Bạch cung, và như thế tức là triệt tiêu vai trò của tổng thống Trump, trong tư thế đại diện nước Mỹ để điều đình với các nước khác trên thế giới.
Ở vị trí của một kẻ thù chống Trump, Washington Post đã quả tình tung ra được một chiêu sát thủ, mà nói theo kiểu kiếm hiệp Kim Dung là phế bỏ hoàn toàn võ công địch thủ. Nói khác đi, nước Mỹ không thể có chính sách ngoại giao phối hợp với nước nào cả chừng nào ông Trump còn làm tổng thống, vì không một lãnh đạo nước nào có thể yên tâm bàn soạn phối hợp chính sách với ông. Đứng từ phía người dân Mỹ quan tâm đến quyền lợi và vị thế của nước Mỹ trên thế giới không thể nào không có lo âu rằng nước Mỹ sẽ đi về đâu, khi mà khả năng điều đình của hành pháp bị vô hiệu hóa như vậy? Và liệu có cần ra biện pháp nào đối xử với một kẻ phá sập khả năng điều đình ngoại giao của cơ chế hành pháp Mỹ như vậy? Có thể đemWashignton Post ra tòa xử cùng với kẻ cung cấp bản ghi chép về tội phá hủy cơ chế hành pháp cai trị quốc gia hay không? Và bị can có thể biện minh bằng quyền tự do ngôn luận tuyệt đối và trách nhiệm phục vụ “quyền được biết” của người dân hay không? Luận cứ này đã được sử dụng bởi giới truyền thông giải trí và đã thắng trước tòa để tự nhiên sản xuất những phim ảnh khích dâm và bạo lực máu đổ thịt rơi mà hốt bạc. Và như thế thì phải chăng là truyền thông có tự do tuyệt đối loan đi toàn bộ những thảo luận giữa ông Trump và các đối tác?
Hay là đem Washington Post ra vinh danh là đã chỉ rõ sự bất lực trong khả năng giữ gìn bí mật của một tổng thống để tiến tới bãi nhiệm ông này? Và nhiều câu hỏi khác nữa phải trả lời. Thí dụ người tiết lộ bản tin và Washington Post phổ biến bản tin tuy là sai trái, nhưng mà chỉ vì ông Trump cư xử không đúng cung cách của một tổng thống cho nên giận dữ bực tức phản ứng vân vân… Cho nên ông Trump phải thay đổi cách cư xử vân vân và vân vân…
Tất cả những câu hỏi trên đều khó có câu trả lời tuyệt hảo. Vì trả lời nào cũng có sai có đúng, tùy theo chỗ đứng và cách nhìn. Như thế thì liệu tình trạng lời qua tiếng lại tranh cãi gay go quyết liệt này trong chính tình nước Mỹ sẽ kéo dài tới bao giờ và đi tới đâu? Hay là gạt tất cả sang bên, mà nói “đừng luận đúng sai” nữa như thiền sư Huệ Năng sáng tổ thiền phái Nam Tông , để mà có được thân tâm an lạc, bất kể tới đâu thì tới?
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 8 tháng 8/2017)