Nếu được cho biết đáp số của một bài toán – chẳng hạn 5,746 – mà không được biết trước câu hỏi, liệu có cách nào chắc chắn, chớ không chỉ mò mẫm để khám phá ra câu hỏi dẫn đến đáp số đó không? Phải chăng đáp số là căn số của một số? Hay là tổng số của hai số, hay là kết quả của phép nhân, phép trừ, phép chia? Việc truy ngược ra câu hỏi từ đáp số như là dữ kiện duy nhất là chuyện không thể nào thực hiện được!
Nhưng đây chính là cách sống của biết bao người chúng ta: Họ sống bằng những lời giải đáp của người khác trong khi câu hỏi về cách sống thì ẩn kín và mập mờ. Chắc chắn trong việc nầy có một cái gì trục trặc và cần phải tra xét lại. Ngày nay, chúng ta may mắn là có thì giờ và tự do để tiến hành một cuộc khảo sát như vậy. Chúng ta có nên bỏ phí cơ hội này không?
Cuộc đời thường rất phức tạp, và có nhiều chuyện chúng ta không hiểu. Hơn nữa, chính chúng ta, qua những lý thuyết và tín điều, càng làm cho cuộc đời trở nên phức tạp hơn bởi chúng ta lọc lược và suy diễn kinh nghiệm của mình bằng ý niệm. Thông thường, chúng ta đề khởi những ý niệm một việc gì đó, rồi sau đó lại bóp méo, vặn vẹo sự kiện cho phù hợp với ý niệm thay vì làm ngược lại.
Nhiều người trong chúng ta, qua niềm tin, cho rằng họ đã thấu hiểu toàn bộ về những vấn đề như Chân Lý, Thượng Đế và Đời Sống, v.v… Và do đó, tiến trình học hỏi và khám phá của họ bị giới hạn nặng nề, nếu không nói là bị hủy diệt hoàn toàn. Để có thể hiểu biết một vấn đề gì, trước hết ta phải ý thức là mình không biết, phải thành thực và đừng tự lừa dối về điểm nầy, nếu như thế là chấm dứt mọi việc. Tại sao phải xấu hổ khi nhận ra rằng mình không biết? Có ai biết hết mọi chuyện đâu?! Vô minh, nếu được nhận dạng rõ ràng, có vai trò của nó. Chúng ta đi từ vô minh đến hiểu biết. Biết mình không biết tức là đã biết, còn không biết mà tưởng rằng mình biết tức là không biết vậy.
Tôn giáo là cái mà hầu hết mọi người thừa kế từ người khác. Và ít người không mắc phải lỗi chỉ khảo sát nó một cách sơ sài. Thật là đáng tiếc, vì tôn giáo, nếu hiểu lệch lạc, sẽ là hình thức nô lệ hóa con người, và cản trở tiến trình phát triển tâm linh, thay vì hoàn thành mục tiêu chân thực của nó. Đó là đưa ra một phương thức để đối diện với cuộc sống môt cách can đảm, giúp con người trưởng thành và tâm được tự do, tự tại ngõ hầu sống được một nếp sống quân bình.
Nhưng nhiều người, tuy thế, dường như không muốn dành thời giờ hay công sức để tìm hiểu mục đích của tôn giáo, mà lại cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chỉ cần tin tưởng và tuân theo những gì người khác nói, với hậu quả là tôn giáo có tổ chức đã biến thành những trò đùa, bị những người có đầu óc duy lý và khoa học nhạo báng. – Và điều nầy chẳng phải vô lý vì một mặt chúng ta có thể đạt được những thành quả kỳ diệu như phóng người lên cung trăng hay lặn sâu xuống đáy đại dương. Mặt khác, về tinh thần, chúng ta như vẫn sống trong thời kỳ ăn lông ở lỗ và trong đầu chứa đựng đầy rẫy những giáo điều.
Chắc chắn là nếu chúng ta muốn có môt cuộc sống lành mạnh và quân bình, thì hoặc là chúng ta phải từ khước toàn bộ nền kỹ thuật hiện đại và quay lại nếp sống thời trung cổ hoặc phải duyệt lại đời sống nội tâm, những quyết đoán và niềm tin của chúng ta, và cập nhật hóa chúng. Ta không thể tiếp tục sống kiểu (đau thần kinh) như hiện tại được nữa.
Căn bản của tôn giáo là những giả thuyết – tức là những khuôn thức hay kim chỉ nam để giúp con người đối phó với cuộc sống, trong cái thế giới phức tạp biến chuyển liên tục nầy và vượt cao lên trên nó. Hãy nhớ rằng cuộc đời đã trở nên phức tạp vô cùng, kể từ ngày các tôn giáo lớn được khai sinh, từ hàng ngàn năm trước, cho đến bây giờ, chúng ta chứng kiến con người hầu như bị máy móc chế ngự. Những hậu quả trong vấn đề nầy thật là đáng kinh sợ.
Chúng ta có thể hòa hợp với những lời dạy trong kinh sách cổ với xã hội hiện tại hay không? Hai cái đó có thể đi chung với nhau được hay không? Quả thật chúng ta những ai mà tôn giáo vẫn còn ý nghĩa, phải suy nghĩ vấn đề nầy một cách thông minh.
Tôn giáo liệu có thể hòa hợp với khoa học kỹ thuật hay không, hay là chúng ta phải mãi mãi sống trong tình trạng phân chia, bị xé làm đôi giữa cổ và kim, giữa nội tâm và ngoại tại, giữa khoa học và tôn giáo, giữa lý trí và tình cảm? Hay chúng ta có thể biến tôn giáo thành khoa học, cũng như khoa học đã biến thành một thứ tôn giáo cho một số người? Phải chăng chúng ta phải luôn luôn nương tựa vào ý kiến của người khác để đi đến những xác tín? Tại sao chúng ta cần phải tin tưởng vào một điều gì đó? Một nhà khoa học, khi tìm hiểu một vấn đề chưa từng biết, sẽ nghiên cứu mọi sự với một tâm trí khách quan. Có thể ông ta có một vài ý tưởng nào đó – một giả thuyết – về những điều ông ta đang tìm kiếm, nhưng ông sẵn sàng thay đổi ý kiến một khi tầm hiểu biết của ông gia tăng và chứng tỏ rằng những ý kiến của mình còn thiếu sót và không phù hợp với dữ kiện nữa.
Điều tối quan trọng là phải biết câu hỏi là gì, nếu không sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời. Câu hỏi đó phải là câu hỏi chính ta đặt ra, xuất phát từ trái tim, từ cốt lõi bản thân, chứ không phải của ai khác. Ta phải hiểu ta mong muốn cái gì từ cuộc sống, và đóng góp cho cuộc sống những gì, chớ đừng chỉ theo đuôi người khác mà thôi. Tôn giáo phải giúp chúng ta sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa của thăng hoa, học hỏi và khám phá. Nếu không được như thế, mà chỉ cung ứng cho ta nững câu trả lời có sẵn, rồi đợi chúng ta nuốt trửng không suy xét và không chất vấn thì nó hóa ra môt sự thất bại, đáng vứt vào sọt rác, càng sớm càng tốt. (tôi tự gạch dưới – hlh)
Những kẻ chấp nhận và đi theo tôn giáo một cách mù quáng, không hiểu mục đích của nó, thì chẳng có một giá trị gì cho tôn giáo, như những lời truyền đạo muốn một cách điên cuồng, mong cho người khác về với tôn giáo và những quan niệm kỳ cục riêng tư hạn hẹp của họ về đời sống.
Những kẻ thiếu suy nghĩ và không có tinh thần tra vấn chỉ làm khẳm thêm chiếc đò tôn giáo, đến khi nặng quá thì con đò sẽ phải chìm. Tôn giáo phải khuyến khích con người suy tư, học hỏi, đối diện với cuộc đời một cách thông minh và can đảm, ngõ hầu có thể khám phá ra những giải đáp cho các vấn đề cá nhân cũng như xã hội.
Nếu như vậy, khi các lãnh tụ tôn giáo vẫn đề xướng và ngoan cố bám víu vào những quan điểm không vững, thì còn biết mong đợi gì ở các tín đồ.
Chúng ta không thể sống cuộc đời mình bằng kinh sách. Khi đi mua sắm, chúng ta không dừng lại và nghĩ: “Nào, chẳng hiểu Thánh Kinh nói gì về món hàng nầy?” Chúng ta phải vận dụng hiểu biết của mình, tuy rằng có hạn hẹp, để lựa chọn. Nếu chúng ta chọn nhầm món hàng có phẩm chất kém, có thể lần tới chúng ta sẽ lựa chọn khá hơn với kinh nghiệm lần trước. Chúng ta không thể nào không thỉnh thoảng tạo lầm lỗi khi học hỏi điều gì. Mọi thứ đều có cái giá của nó, và nếu học hỏi được điều gì từ lỗi lầm của mình, chúng ta đã không uổng phí việc làm đó. Đời sống là một chuỗi những kinh nghiệm quí báu, và chúng ta luôn luôn có cơ hội để học hỏi.
Hầu hết các tôn giáo khuyến khích việc chấp nhận tín điều mà lại không khuyến khích tinh thần hoài nghi, bởi vì hoài nghi là kẻ thù của những kẻ có quyền. Thực ra, hoài nghi còn tốt hơn niềm tin vì nó làm cho ta linh lợi, tháo vác và biết học hỏi. Ngược lại, một người mà niềm tin đầy đầu sẽ có cảm tưởng rằng họ đã “đạt” rồi, nghĩ rằng mình biết rồi, – giống như người Âu Châu thời Trung Cổ đã tin rằng quả đất bằng phẳng cho đến khi ông Magellan chứng minh ngược lại. – Và chẳng buồn tìm hiểu xa hơn ngay cả khi hàng chồng sự kiện cao ngất mâu thuẫn với niềm tin của họ nằm nhan nhản ngay trước mắt.
Nếu tôn giáo quả thật đạt được nền tảng trên sự kiện và chân lý, thì không cần phải sợ việc không thích ứng với đổi thay của thời gian. Nếu tôn giáo không thể đương đầu nỗi với những thay đổi theo thời gian, với những câu hỏi người ta có thể nêu ra và đòi hỏi được giải đáp thỏa đáng, những giải đáp có chứng cớ hẳn hoi chứ không phải là chỉ dựa trên những câu chuyện cổ tích thì có lẽ đây là lúc ta phải xét lại các tín điều của mình.
Chân Lý, nếu có, thì phải là cái gì không thay đổi. – tựa như nước: ngày xưa nó ướt, ngày nay nó ướt và ngày sau cũng sẽ ướt. Nó ướt ở đây, ở kia và mọi nơi. Mọi người đều đồng ý như thế, bất kể nòi giống, tôn giáo, quốc tịch hay lập trường chính trị nào, bởi vì đặc tính chính của nước là nó ướt.
Chân Lý, tương tự như vậy, phải là cái gì không thay đổi theo thời gian và không gian và phải áp dụng được cho mọi người, mọi vật, để mọi người có thể thấy, chứng minh và chấp nhận mà không có sự bất đồng ý kiến.
Các tôn giáo khác nhau đều có những giáo lý và tín điều dị biệt. Chính những dị biệt đã chia rẽ con người khiến họ bất đồng ý kiến về những gì họ xưng tụng là Chân Lý. Khi có sự bất đồng ý kiến, khi cái gì họ xưng tụng là Chân Lý, nơi nào có bất đồng ý kiến, nơi nào không có những chứng cớ hiển nhiên để mọi người cùng chấp nhận thì có thể nào có Chân Lý không?
Chân Lý phải tự sáng tỏ. Ngày nay, mà bao người phải tin là chuyện vô ích, vì con người đời nay, chẳng phải là vô lý, đòi hỏi là phải được minh chứng hẳn hoi trong những vấn đề trọng đại như thế nầy. Đề ra một vài điều đúng sự thật và có thể kiểm chứng, còn tốt hơn là bày đặt ra thật nhiều điều mà chẳng có cách nào kiểm chứng.
Có ba Sự Thật về Đời Sống có thể ghi nhận ngay ở đây, và bây giờ, tự chúng đã sáng tỏ. Và nếu thấu hiểu, sẽ cho ta một nền tảng vững chắc để có một nếp sống khôn ngoan và đạo đức.
Thứ nhất là Sự Thật về Sự Thay Đổi, hay Vô Thường. Chúng ta cần phải có niềm tin để chấp nhận điều nầy vì nó đang xảy ra, bên trong cũng như bên ngoài ta, không ngừng nghỉ. Và dù có tin hay không, chúng ta cũng không thể làm gì để chặn đứng nó được.
Ngày nay, chúng ta có thể chứng minh được rằng, mọi vật là do sự phối hợp của các nguyên tử, và nguyên tử thì tự thân không phải là một chất rắn mà là một quá trình, một dạng của năng lượng. Mọi vật đều biến đổi thành những thứ khác: Cát trên bãi biển có thể xưa kia một lần đã từng kết lại thành những ngọn núi cao. Những nguyên tử cấu tạo cơ thể chúng ta chắc chắn đã tụ tập lại đây từ nhiều nguồn cội khác nhau và sẽ bị phân tán đi khắp bốn phương khi ta chết và cơ thể ta tan rữa. Ngay cả mặt trời, nơi các sinh vật sống tùy thuộc vào cũng có ngày hoặc sẽ nổ tung hoặc tàn lụi dần thành một tinh cầu nguội lạnh và sau cùng sẽ tan rã và biến thành những vật khác.
Không có giữ được nguyên dạng từ giây phút nầy qua giây phút khác, dù giác quan giới hạn không cho ta thấy được như thế. Tuy nhiên, tiến trình biến dịch cứ hoạt động không ngừng nghỉ.
Sự Thật thứ nhì, được dễ dàng nhận biết vì làm cho ta bực bội khó chịu trong khi sự thật về Thay Đổi không luôn như vậy. Đó là Sự Thật về Khổ Đau. Tất cả chúng sanh đều chịu khổ và đau đớn. Có thân thì có đau đớn thể xác, điều nầy tự nó cũng rõ ràng minh bạch. Nhưng không phải chỉ có thân xác mới bị cảnh đó mà tâm trí cũng chịu khổ đau dưới nhiều dưới nhiều sắc thái như buồn khổ, lo âu, sợ hãi, nóng giận, hoài vọng, ganh tị, tham lam, hận thù, tham vọng, ngu ngốc, v.v…Và đây là những hình thái khổ đau mà ta có thể làm một cái gì đó để thay đổi, và ta có thể làm như vậy nhiều hơn rất nhiều so với những gì ta có thể làm được cho những đau đớn cùng sự tan rã sau cùng của thân xác, giữ cho thân thể được khỏe mạnh rất khó khi tâm thần đang gặp bệnh hoạn, và dù tâm thần không có đau yếu đi nữa, ta cũng không thể nào ngăn cho thân xác khỏi bị chết dần.
Tuy nhiên, bằng cách thông hiểu phương thức hoạt động của tâm trí, và trực tiếp nhận biết được cái gì là lẽ thật, chúng ta có thể đưa tâm trí vượt lên trên khổ đau. Nhưng khổ đau tinh thần sở dĩ có là do sự ngộ nhận về bản chất đích thực đau tinh thần là kết qua do sự ngộ nhận về bản chất đích thực của đời sống, về bản thể của ta và vè quan hệ giữa ta và những hình thái khác của sự sống, khi chúng ta sống theo ngộ nhận, mọi việc sai đi, và hậu quả của sự khổ đau – chớ làm sao khác được?
Sự Thật thứ ba liên quan đến bản thể đích thực của chúng ta. Không có gì tự nó hiện hữu, không có gì độc lập, tất cả vạn sự vạn vật – gồm cả bạn và tôi – đều phải nương tựa vào vô số những cái khác để mà tồn tại, từng giây từng phút một. Tuyệt nhiên, chẳng có một “linh hồn” hay một “cái tôi” nào lại bất biến, thường hằng, tách biệt mà thực ra tất cả chỉ là một tiến trình như một dòng suối hay một dòng sông. Dĩ nhiên, chúng ta biết dòng sông Nile thì không phải là dòng sông Cửu Long hay sông Amazon, v.v… Chúng ta khác nhau do nhiều yếu tố. Nhưng trong một ý nghĩa xác thực hơn thì không có sông Nile, sông Cửu Long hay sông Amazon gì cả. Thực ra, chẳng có dòng sông nào vì cái mà ta gọi là “dòng sông” chỉ là một chuyển động, một tiến trình biến chuyển. Chúng ta có thể nói dòng sông là sự di chuyển của một khối nước, nhưng rồi chúng ta lại phải hỏi tiếp: “Thế nước là gì?” Chúng ta có thể trả lời bằng công thức hóa học H2O. Đến đây chúng ta vẫn chưa có được một “dòng sông” mà ngay cả nước cũng chưa có nữa. Và chúng ta có thể phân tích con người mình ra như thế, cho đến khi chúng ta không thể nào tìm thấy một cái gì để nắm lấy và nhận nó là của riêng ta. Chúng ta hiện hữu trong quan hệ và trong sự lệ thuộc vào những tiến trình biến dịch khác.
Hiển nhiên, khi chúng ta nhìn mọi sự bằng cách nầy, hình tượng; vật lý không vì vậy mà thay đổi. Nước sông vẫn xuôi dòng trôi ra biển, chân trái và chân phải vẫn lẻo đẻo theo nhau, ta vẫn tiếp tục ăn và nói, v.v… Thế nhưng, cách nhìn đó vẫn biến chuyển trong tâm thức kẻ nào lãnh hội được vấn đề. Và thái độ của người ấy về toàn thể sự sống sẽ không còn giống như xưa. Và đây chính là nơi tôn giáo của người ấy bắt nguồn. Anh ta nhìn thấy chính mình như là một phần của cuộc sống chớ không phải tách biệt với nó. Người dó biết rằng anh ta không sống và không thể sống riêng cho mình. Vì thế anh ta cố gắng sống, một cách ý thức, cho cái cuộc sống mà anh ta là một phần trong ấy. Và dù anh ta có thể như chỉ là một thành phần bé nhỏ, anh ta vẫn quan trọng và có một cương vị riêng. Anh ta sẽ không còn lạc lõng và trôi giạt lung tung. Anh ta sẽ sống một cách có trách nhiệm với tình thương, xem mọi mảnh vụn khác của cuộc sống như kẻ thân trong gia đình, vì anh ta không tách rời mà là có quan hệ chặt chẽ với chúng bằng nhiều dạng khác nhau.
Ngôn từ hiện đại gọi hiện tượng ấy là MÔI SINH HỌC (ecology), theo đó thì mọi vật thể sống đều liên hệ với mọi vật thể sống khác như những nút thắt chằng chịt của một lưới cá. Quả đất là một HỆ THỐNG MÔI SINH bao la, mà chúng ta chỉ mới nhận ra gần đây, một mạng lưới tinh vi và mỏng manh gồm những vật thể sống tùy thuộc và liên hợp với nhau. Hệ thống môi sinh nầy hiện giờ đang lâm vào cảnh cực ký nguy khốn do những sinh hoạt của LOÀI NGƯỜI gây nên, cái chủng loại duy nhất có khả năng lý luận và chọn lựa; chỉ có loài người, trong tất cả các vật thể sống khác, mà họ cùng chia xẻ hành tinh nầy, có khả năng nhớ chuyện quá khứ và nhìn với trí tưởng tượng về chuyện tương lai. Chỉ có loài người là có thể hiểu được tính liên kết của vạn vật. Tuy niên, thay vì sống với cách thức tránh gây xáo trộn đến sự điều hòa đã được duy trì từ buổi xa xưa, tính bất cẩn, tính tham lam, và ngu ngốc của loài người đã đưa địa cầu đến bờ vực thẳm. Và bây giờ khi đã biết rõ hậu quả của việc làm của mình, chúng ta phải-chạy-đua với thời gian, thực hiện những biện pháp nhằm giảm nhịp độ của quá trình tàn phá, hy vọng đến được mức mà Thiên Nhiên có thẻ hồi phục được từ những vết thương gây ra bởi bàn tay của loài người.
Gánh nặng cứu hành tinh nầy là trách nhiệm của nhân loại. Chúng ta không còn có thể trốn tránh được nữa. Việc nầy đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao trong ý thức của ta, chứ không phải chỉ là một sự ưu tư thoáng qua về những gì đang xảy ra. Có nghĩa là chúng ta phải nhìn sự vật một cách tỏ tường – theo đúng sự thật, tức là Quả Địa Cầu nầy không phải là vật sở hữu của loài người mà chúng ta có toàn quyền khai thác, bóc lột tùy ý nhưng chúng ta, nhờ sự hiểu biết của mình, là những người có trách nhiệm bảo quản, phải cố gắng gìn giữ nó để trao lại cho hậu thế.
Các tôn giáo khác nhau cứ mặc nhiên cho rằng họ đã nói cho ta biết về Mục Đích của Đời Sống, nhưng những lời giải thích của họ không giống nhau, và có lúc mâu thuẫn nhau. Mục đích của đời sống, chắc chắn không phải là cái mà người khác có thể vạch ra và chỉ cho ta thấy. Nhưng phải là cái gì mà mọi người chúng ta nên tự khám phá và xác định cho chính mình. Với người nầy, mục đích của cuộc đời có thể là làm giàu; người kia thì muốn nổi tiếng, người nọ muốn thành người trí thức, v.v… Nhưng các điều nầy đều là những mục đích riêng tư, chủ quan, chớ không phải là Mục Đích của Đời Sống. Có ai có thể nói cho ta biết Mục Đích Tối Thượng của Đời Sống – giả thứ có mục đích như vậy? Thật là vô ích khi nói rằng Mục Đích của Đời Sống là đi tìm Thượng Đế, hay Chân Lý hay được lên Thiên Đàng sau khi chết, hay nhập niết bàn, v.v… vì đó chỉ là những phỏng đoándựa trên tín điều và không có chứng cớ chi hết. Tệ hại hơn nữa, là cái lối giải thích như vậy làm cho con người lười biếng và ù lì, thay vì gợi hứng cho họ trong việc tìm tòi và khám phá sự thật cho chính bản thân.
Có thể đây chỉ là một ý tưởng chớ không phải là khẳng định – có thể Mục Đích của Đời Sống đơn giản chỉ là cứ sống. Nhưng sống như thế nào?
Đó mới thật là vấn đề!
hlh