Sáng vừa thức dậy đã nhận được tin từ các nhóm văn thơ: “Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh đã qua đời”, lòng chợt thôi thúc muốn viết vài dòng về cô. Cách đây hơn mười năm trong một dịp sinh hoạt, tôi gặp cô Minh Đức Hoài Trinh. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Lúc đó tôi được biết cô đã có dấu hiệu hơi hay quên, nhưng thần thái vẫn minh mẫn, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Người cô toát lên sự gần gũi, thân thiện. Đã nghe danh từ lâu và yêu thích thơ cô nên khi gặp, tự nhiên tôi có một thiện cảm khác thường. Cô ngồi hướng về sân khấu, thỉnh thoảng mĩm nhẹ nụ cười. Trước khi ra về tôi không quên đến chào và bắt tay cô, bàn tay gầy guộc của người tôi cảm mến.
Hầu hết giới thưởng ngoạn thơ nhạc có lẽ từng nghe qua bài thơ ” Đừng Bỏ Em Một Mình”, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
“Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em
Lời nào đó, lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
Nhạc nào đó, nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn”
Tiếng thơ là tiếng nức nở của một kẻ yêu đương khiến tâm hồn yêu thơ yêu nhạc của tôi quay quắt. Ai đã từng yêu đến lịm người, yêu điên cuồng mà đọc những câu thơ trên không thổn thức sao được!
Hay “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” cũng được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Duy:
“Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười.”
Có ai nghĩ rằng đằng sau những câu thơ đầy ướt át đó là một nữ lưu với nghĩa khí cao đẹp, bền bỉ và một tình yêu quê hương tha thiết. Phải nói rằng cô là một trong những nữ thi sĩ mà tôi mến mộ. Tôi mến mộ không chỉ ở những câu thơ lãng mạn tình tứ, mà ở tinh thần dấn thân của người cầm bút. Cô đã vận động lập được Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) để đưa tiếng nói của Văn Bút Việt Nam lên văn đàn quốc tế. Không màng khó nhọc, và bao chướng ngại cô cố gắng đồng hành cùng bao bạn văn lèo lái con thuyền văn bút. Dáng người mảnh mai trong tà áo dài đó toát lên vẻ mong manh nhưng lại ẩn chứa tinh thần của một kẻ sĩ, một trí thức dẫn đường và hành động. Sự dấn thân của cô được kính trọng bởi nhiều người trong giới cầm bút.
Sau này những lần đi sinh hoạt đấu tranh, mỗi khi tôi ngâm bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt” đều liên tưởng đến bóng dáng mảnh mai với một trái tim tha thiết với quê hương của nữ thi sĩ khả kính đó. Cô trăn trở, xót xa với nỗi đau của những người còn kẹt lại trên quê hương vẫn còn mang nhiều đọa đày. Cô đã dấn thân để làm điều cao đẹp. Không thể không xót xa. Không thể không quặn lòng. Không thể không rưng rưng khi nghe tiếng lòng của một kẻ sĩ thời đại:
“Người bạn tù ơi, ta không quên đâu
Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình Ngâu
Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích.”
Nỗi lòng của cô Minh Đức Hoài Trinh cũng là nỗi lòng của biết bao người Việt tị nạn phải bỏ xứ ra đi và cam chịu cuộc sống lưu vong nơi đất khách để vào những buổi chiều tà, lòng chạnh đau như kim chích, xót cho những người không được may mắn như mình phải chịu tay cùm, chân xiềng xích. Trên nỗi buồn miên man đó, người thi sĩ trở thành một chiến sĩ dùng sức mạnh của ngòi bút làm vũ khí đấu tranh, dùng lương tâm của người cầm bút để hy vọng gióng lên tiếng nói thay cho những người không thể nói. Hành động nhân bản và hy sinh vì công cuộc chung của cô là điểm son cho giới văn nghệ sĩ hải ngoại.
“Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
tự do tự do và nhiều lắm nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo.”
“Ai Trở Về Xứ Việt” là tâm tư, thổn thức, nỗi da diết của biết bao nhiêu người mà cô Minh Đức Hoài Trinh đã nói hộ.
Rất nhiều người có tài, nhưng người dám xả thân thì không phải ai cũng làm được. Vì lẽ đó, cô là tấm gương sáng mà tôi lấy làm ngưỡng phục. Có những người tôi không quen. Có những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng trong lòng tôi luôn dành cho họ sự nể phục. Cô Minh Đức Hoài Trinh là một trong những số người đó. Chữ đẹp. Nhân cách đẹp. Hành động đẹp. Kẻ hậu bối như tôi không thể không nghiêng mình, kính cẩn một đóa hoa vừa rụng giữa cơn gió vô thường lướt qua cõi nhân gian.
06.10.2017
Lê Diễm Chi Huệ
Minh Đức Hoài Trinh một thuở nào