“các nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh tốt, quyền có được một môi trường lành mạnh và an toàn, quyền được chăm sóc và chi trả các thiệt hại, quyền được thông tin và tiếp cận công lý của người dân. Trách nhiệm hành chính là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước phải bồi thường các thiệt hại gây ra bởi hoạt động của mình hay của các nhân viên cơ quan ấy…”
(Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Johannesburg năm 2002)
Đứt ruột miền Trung
Những bàn tay lẩy bẩy thu hết sức tàn dỡ mái nhà đã ngập tận nóc kêu cứu. Ai cứu được bây giờ? Xung quanh réo ầm nước lũ, thổi bay cả nhà máy thủy điện kiên cố. Nhiều vùng hoàn toàn bị cô lập!
La liệt quan tài đựng thây người. Phập phềnh khắp chốn xác động vật thối rữa dềnh trôi dạt. Nhiều người chết lụt vẫn không được yên thân, xác bị buộc dây treo trên ngọn cây, trên mái nhà dăm bảy ngày, người thân nát ruột bó tay nhìn thi thể người thân yêu của mình rữa dần trong sóng táp. Sản nghiệp bao đời của người miền Trung đã bị quét sạch trong những cơn lũ dữ dội với sức tàn phá ngang những trái bom phá khổng lồ.
Những tiếng kêu nghẹt giọng bóp chặt con tim. Bất lực! Vô số cánh tay đưa lên chới với chìm hẳn trước những quả bom nước đổ sập từ trên cao, từ các hồ chứa thủy điện đang xả nước với tốc độ kinh hoàng dồn thêm vào cơn lũ miền Trung, bất kể lời cam kết giữ rừng và giữ an toàn cho miền Trung!
Nơi nơi con khóc cha, vợ khóc chồng, trẻ con mất cha mất mẹ, mất trường học… Nơi nơi bóng vạc dật dờ đi tìm người thân trong cơn lũ… Rồi tiếp theo là đói khát, là dịch bệnh, là những trận lở đất và lở núi hãi hùng. Ngay tại chân núi Quyết, Nghệ An, ngày 25/10, trận lở núi hậu lũ lụt đã khiến khoảng 30 quan tài và tiểu đựng xương người bất thần lao xuống nhà dân, cùng đất đá vùi lấp nhà cửa…
Thảm hoạ đã tước đoạt tất cả. Còn lại với miền Trung là những cơn ác mộng và đói rét cùng nỗi hãi hùng triền miên.
Miền Trung ơi!
Bao nhiêu tiếng khản giọng kêu cứu từ miền Trung và bao tiếng da diết gọi miền Trung!
Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu thương khóc cho Người, trước nỗi đau quá to lớn này, bỗng trở nên vụng về, lễnh loãng tắt lịm trong đau khổ mênh mang.
Miền Trung ơi! Eo lưng – Khúc ruột nối liền hai đầu đất nước, nơi đã sản sinh bao nhiều nhân tài hào kiệt, vì đâu nay đã trở thành một nơi chốn nguy hiểm không thể nương thân?
Lòng từ thiện và sự giúp đỡ của đồng bào và bạn hữu trong và ngoài nước thật đáng cảm động đang yên ủi Người. Nhưng Lễ cầu siêu nào đủ cho Người?
Dẫu thế nào thì những oan hồn chết hàng loạt do các thảm hoạ đổ ập xuống đầu Người ấy, cũng không thể nhập trở lại thân xác. Người về gạt nước mắt nhặt nhạnh từ mảnh vỡ, từ bùn hoang, từ xác thối rữa sình lầy dựng lấy một mảnh lều nương thân. Nhưng không ở được nữa rồi. Rừng của người đã bị phá gần sạch. Nhà người thì không còn.
Tha hương ư?
Với nhiều người, ở lại một chốn mà một năm trung bình hứng chịu hai trận đại hồng thủy, thì cũng chẳng khác gì tự sát.
Miền Trung ơi! Ai? Cái gì đã cướp đoạt chốn nương náu của Người?
Và mãi mãi, sẽ là “những trái bom nước” có khả năng hủy diệt vô cùng lớn – lơ lửng trên đầu miền Trung, với hàng mấy trăm triệu mét khối nước, có sức công phá lớn tới mức có người đã ví với bom nguyên tử – có thể đổ xuống miền Trung bất kỳ lúc nào.
Không trả lời sao được. Vì chúng ta đã thấy quan tài, thấy xác người treo và thấy máu. Nhiều người cùng bị chết, nghĩa là chết người hàng loạt. Máu đã bị pha rất loãng trong mênh mang nước lũ. Và trong dòng sông sự kiện, sông thời gian của cả nước có bao chuyện phải bàn.
Quên ngay miền Trung thôi mà.
Nhưng máu đã đông lại trong oan khiên.
Vì đâu? Có phải miền Trung đã bị “thí mạng”?
Tất nhiên, đơn giản nhất là đổ tại ông trời. Tại lượng mưa lớn. Thế thôi. Gọn một câu khô khốc để lý giải. Kế sách đó vô cùng hữu hiệu trong mấy chục năm nay. “Mất mùa là tại thiên tai…”
Thế còn mất mạng thì sao? Thế còn hàng loạt mạng bị mất thì sao. Phải trả lời thấu đáo và sòng phẳng câu hỏi này, nếu không, hàng loạt mạng nữa sẽ bị mất. Nếu ta thờ ơ không tìm ra nguyên nhân, hoặc biết mà vờ không biết, hoặc biết mà bưng bít không cho nói sự thật, nghĩa là ta đã tiếp tay cho những kẻ tạo ra thảm hoạ giết người hàng loạt.
Ông trời thì ta “bắc thang” lên hỏi sau.
Có nhiều người tôn trọng sự thật đã không thể im lặng, đưa ra những nguyên nhân lý giải “tại con người”, phần nào giải oan cho ông trời.
Cục trưởng Cục đê điều và phòng chống lụt bão Nguyễn Xuân Diệu công bố: tổng lượng mưa năm 2009 nhỏ hơn tổng lượng mưa năm 1999 tại miềm Trung nhưng đỉnh lũ năm 09 lại vượt đỉnh lũ năm 99 tới cả 1,5 m.
Ngày 24/11/2009, một đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, thực tế lũ năm 2007 cho thấy, chỉ một trận mưa 330 mm tại tỉnh này, mà thiệt hại lớn hơn mức lũ “lịch sử” năm 1991 với lượng mưa 1.300 mm, bởi vì nhà máy thủy điện Sông Ba hạ ở đây đã xả lũ hết công suất với vận tốc 11.400 m3/s!
Sau trận lũ lụt thảm khốc tại miền Trung hồi tháng 11/2009, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn chính phủ về nguyên nhân lũ lụt miền Trung. Một số nhà chuyên môn có uy tín đã phát hiện là “do yếu tố con người” – do những nhà máy thuỷ điện vì lợi ích cục bộ của mình, không thực hiện quy trình đã cam kết về vận hành hồ chứa phòng lũ, cứ tích đầy nước để chạy máy phát điện tối đa, đến lúc mưa lớn tràn về, liền mở cửa xã lũ ào ạt để bảo vệ đập và nhà máy, bất kể hậu quả cho dân vùng hạ lưu.
Về cơ bản, ngành thủy điện và thủy lợi cam kết khi xây dựng rằng các hồ chứa có thể chống hạn và cắt lũ, nhưng trên thực tế khảo sát đã được công bố từ cơ quan chức năng thì việc vận hành hệ thống hồ xả lũ ở đây là tùy tiện, không hề có một “nhạc trưởng”.
Theo báo Công an Nhân dân thì ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo với chính phủ từ những năm trước đây về diễn biến lũ lụt miền Trung: trước đây, lũ lụt miền Trung chỉ khoảng 5-7 năm/lần, còn gần đây tần suất tăng lên, 1-2 năm lần (chưa kể hai năm gần đây lũ chồng lên lũ) và khốc liệt hơn. Trận lũ lịch sử năm 1971, thì thời gian nước lưu lại cũng chỉ 1, 2 ngày. Kỳ lụt đầu tháng 10 này lũ lụt về quá nhanh, hậu quả khác thường và đã qua cả tuần mà nước chưa rút hết. Trong lũ lụt có yếu tố con người. Riêng 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gần đây đã phát triển tới 393 dự án thủy điện lớn nhỏ… Họ tích nước chủ yếu để sản xuất điện, chứ có mấy khi chủ động xả nước trong hồ để chờ lũ, đón lũ và cắt lũ. Vì vậy nguy cơ vỡ đập tràn, nước lớn từ thuỷ điện tác động vào lũ miền Trung càng gay gắt…
Bởi thế nên chỉ mới mưa chừng ấy thôi mà đập Khe Mơ đã vỡ, giáng “bom nước” kinh khiếp xuống dân miền Trung. Thủy điện Hố Hô, khi lũ căng nhất, khi người dân cuống cuồng chạy loạn thì nhà máy thủy điện này cửa đóng cài then và trả lời một câu nhẹ tênh: không vận hành được cửa xả lũ vì mất điện!
Mà lũ thì bao giờ chẳng mất điện!
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận, nhiều nơi chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa thủy địện… và khi xảy ra sự cố phải xả lũ thì “ngay cả Thủ tướng có ra lệnh cũng không được đóng cửa xả vì không một nhà máy nào cắt được lũ nếu vượt quá khả năng của nó”…
Và, trong cái dàn đồng ca của những người chuyên gật gù, bất kể hậu quả thế nào cho đất nước, có người đã kiên trì và dũng cảm cảnh báo trước thảm hoạ cho chính phủ. Đó là đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân, thành viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ông nói: Tôi đã cảnh báo từ 8 năm trước. Theo tính toán ban đầu, với diện tích rừng tự nhiên che phủ mà miền Trung hiện có trước khi mở thủy địện thì phải 1000 năm mới có một trận lũ lớn. Nhưng vì sau đó rừng bị tàn phá quá nhiều, các hồ thủy điện chỉ chịu được khoảng 10 năm. Như thế, tất cả quy hoạch, tính toán ban đầu đều bị phá vỡ. Hiện quy hoạch mỗi hồ thủy điện không dựa trên quy hoạch tổng thể, không có quy hoạch chiến lược, đánh giá môi trường của toàn bộ lưu vực con sông và làm thế nào để không gây hại cho dân sinh, môi trường thượng và hạ nguồn. Hệ quả là hạ nguồn hứng chịu lũ lụt. Các trận mưa bão lớn bé vào miền Trung đều gây lũ lụt chết người. Quay trở lại 20-30 năm trước, các số liệu đã chứng minh không có chuyện đó. Các nhà máy thủy điện miền Trung, đã xả lũ đúng lúc lũ căng nhất, nên là “cánh tay nối dài cho Thủy tinh”!
Thế là đã rõ. Hầu hết các nhà máy thủy điện tha hồ tích nước đầy hồ để bán điện lấy lãi, không quan tâm đến cam kết sống còn khi lập dự án là phải luôn xả nước trước khi lũ về, đảm bảo mức độ an toàn chủ động phòng chống lũ. Khi lũ đến, từng ấy hồ lại tha hồ tự tung tự tác để xả lũ bảo vệ đập.
Xả lũ như thế, nghĩa là “thả bom nước”. Thả bom nước, dù có lấy tiếng là bảo vệ đập, thì vẫn là một chuỗi hành vi hy sinh dân, hy sinh miền hạ lưu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu vấn đề các nhà máy thủy điện đã ngăn sông chặn dòng tích nước vào mùa khô, hạ lưu bị cạn nước làm giảm lưu lượng động lực sông, khiến cho động lực biển thắng áp đảo động lực sông, kèm theo hậu quả các cửa sông ra biển được xây dựng nhiều công trình, đắp đê quai nuôi trồng thủy sản, phá rừng phi lao chắn cát… Chưa kể Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1 nâng cao tới 3-4 m mà không mở khẩu độ thoát lũ thích hợp…
Tất cả cộng lại hủy diệt miền Trung.
Có bao nhiêu “quả bom nước” treo trên đầu dân?
Miền Trung nhỏ bé của chúng ta có bao nhiều hồ, và bao nhiêu “quả bom nước hẹn giờ nổ” đang treo trên đầu người dân cả nước?
Theo công bố của các nhà quản lý, thì hiện tại, có ít nhất 393 dự án thủy điện phát triển nóng tại miền Trung. Ngay tại một tỉnh nhỏ như Quảng Nam mà cũng có tới hơn 50 công trình thuỷ điện! Một đại biểu Quốc hội đã thốt lên: tôi nghe con số đó thì tôi liền bảo: “Thôi chết rồi!”
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định với báo chí: lũ lụt có nguyên nhân từ “nhân tai”, do làm hồ đập thủy điện không có quy hoạch đầy đủ, các địa phương cứ thấy đâu làm được là cho làm, chưa kể phá rừng, làm đừơng… ngăn chặn thoát lũ, khiến cho hễ mưa là nước từ đại ngàn, từ Lào đổ ập sang miền Trung, không theo dòng chảy tự nhiên, gây lũ lớn. Khi làm hồ đập thủy điện Hố Hô, đập thủy điện Hương Sơn, hồ Kẻ Gỗ… tất cả đều không tính đến sự nguy hiểm của nó. Hồ Kẻ Gỗ cao 32 m trên mặt nước biển, vừa rồi chỉ mưa thế thôi đã tràn đập và xả nước làm ngập cả Thành phố Hà Tĩnh. Đập thủy điện Hố Hô tràn, cây đổ từ đại ngàn tràn xuống chặn cửa mà nhà máy thủy điện không mở nổi cửa đập, may có bộ đội biên phòng kịp dùng tay ứng cứu… Theo ông, chỉ riêng đập Hố Hô hoặc Hương Sơn mà lở thôi thì thiệt hại gấp hàng trăm lần và mất hàng ngàn sinh mạng, không lường hết được.
Theo thống kê của ngành điện, hiện miền Trung và Tây Nguyên có 97 hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ 2,4 tỉ m3 nước và 27 hồ chứa thủy điện với dung tích hơn 6,4 tỉ m3 nước!
Nếu những “quả bom nước” ở các hồ đập khổng lồ trên cả nước mà bị kích hoạt nổ vỡ do động đất, do lún sụt, do mưa lâu hơn người ta mong muốn một chút, hoặc do bê tông rởm, thép rởm, xây dựng dối (xẩy ra quá phổ biến, bất kỳ nơi nào ở Việt Nam)… chẳng hạn, thì sức công phá ấy “không thua gì bom nguyên tử”.
“Nếu đập thủy điện Sơn La bị vỡ, chỉ 30 phút sau một chiếc xe tăng nặng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như một chiếc lá vàng, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ chìm sâu từ 4 đến 60 m, cướp đi sinh mạng khoảng 15 triệu người….” (Đại biểu Quốc hội cảnh báo tại cuộc thảo luận về dự án thủy điện Sơn La, 2002).
Trái với phản biện và lo ngại của nhiều nhà khoa học và đại biểu Quốc hội, dự án thủy điện Sơn La không những không bị dừng lại, mà còn được đẩy nhanh tiến độ, đến nay được đầu tư “đặc cách phá rào” tới 58.483,412 tỉ đồng, tăng hơn 60% với số vốn đầu tư ban đầu do Nghị quyết Quốc hội duyệt.
Theo nhiều nhà khoa học, thủy điện Sơn La được xây dựng rất mạo hiểm, xây trên một miền địa chất mong manh gồm ít nhất là 3 đới đứt gẫy. Ghi nhận qua khảo sát, từ năm 1990 đến 2003 trên khu vực bán kính 200 km quanh hồ thủy điện Sơn La, đã xẩy ra 1.098 vụ động đất lớn nhỏ. Nếu vỡ thủy điện Sơn La, thủy điện Hoà Bình và Thác Bà cũng bị vỡ. Dù tháng 2/2009, hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia đã ra cảnh báo rằng có nhiều vết nứt tại đập tràn bờ – cả bờ trái và bờ phải của công trình thủy điện này, nhưng những người có trách nhiệm vẫn khẳng định “không có vấn đề gì” và đẩy tiến độ hoàn thành lên sớm 2 năm. Hiện nay thủy điện Sơn La đã tích nước vào hồ chứa chuẩn bị phát điện.
Trên thực tế đã xẩy ra nhiều nơi trên thế giới, các hồ thủy điện với sức chứa lớn đã gây lở núi, lún sụt và động đất. Tháng 1/2009, báo chí Trung Quốc đăng một nghiên cứu kết luận đập thủy điện Tử Bình Phô (độ cao chỉ 156 m, thấp hơn cao độ thủy điện Sơn La tới 59 m) đã là một trong những nguyên nhân gây động đất tại Tứ Xuyên với phạm vi ảnh hưởng tới 65.000 km, làm cho hơn 80.000 người bị thiệt mạng và hơn 10 triệu người rơi vào cảnh vô gia cư, chưa kể vô vàn thiệt hại khác. Ngay cả với một nước tiềm năng lớn và trình độ kỹ thuật, khả năng kiểm soát cao như Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc cũng phải thừa nhận là đã và đang có 400 đập đã bị phá hủy hoặc đang có nguy cơ bị vỡ.
47% nguồn nước của thủy điện Sơn La phụ thuộc Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không kiềm chế (và thực tế thấy rằng họ chẳng việc gì phải kiềm chế cả), họ sẽ nắn dòng Sông Đà, vô hiệu hoá thủy điện này, hoặc một ai đó sơ suất hoặc không kiềm chế, họ kích hoạt “bom nước” Sơn La – chỉ cách biên giới Trung Quốc khoảng 16 km thôi – dù dưới bất kỳ hình thức nào, thì cũng tựa như “ngày tận thế” với vùng hạ lưu là Việt Nam. Như thế, càng làm thủy điện, Việt Nam càng có nguy cơ bị mất nhiều vùng dân cư, tài nguyên có nguy cơ bị xoá sổ và càng phụ thuộc vào Trung Quốc từ thượng nguồn Sông Mêkông cho tới Sông Đà.
Vì sao đua nhau làm thủy điện?
Chúng ta thừa nhận sự vất vả của những người đã phải đau đầu để tìm kiếm nguồn điện năng cung cấp cho cả nước. Trong đó, thủy điện đã góp phần sản xuất ra điện, làm dịu bớt tình trạng thiếu điện gay gắt, triền miên của Việt Nam trong nhiều năm nay.
Nhưng ta hãy xem xét lại cái giá phải trả để có thủy điện. Và vì quyền lợi cộng đồng, cần cân nhắc thật nghiêm túc các yếu tố lợi và hại trong bất cứ hành vi nào, nhất là những hành vi có thể vô hình trung dẫn đến việc làm chết người hàng loạt.
Các nhà chuyên môn, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, để có được 1 MW điện, có ít nhất 10-30ha rừng bị phá để làm hồ chứa, chưa kể để làm những thứ “mượn gió bẻ măng” khác, chẳng hạn phá rừng lấy tài nguyên bán thu lợi. Thực tế đã xẩy ra, khi lấy 1000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì lại mất thêm từ 1000 đến 2000 ha đất rừng hoặc đất nông nghiệp thượng nguồn.
Chưa kể, các nhà đầu tư và các quan chức duyệt dự án cam kết rằng hồ thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi sẽ điều tiết khô hạn và lũ, nhưng thực tế chứng minh, thủy địện A Vương, thủy điện Dak Mi… đã chặn dòng lấy nước làm khô hạn vùng hạ lưu sông và hủy hoại nhiều loại động thực vật, làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
EVN công bố: năm 2010, sẽ đưa thêm 14 nhà máy điện mới vào, bổ sung thêm 3.300 MW. Công suất lắp đặt ngành điện cả nước là 18.400 MW, trong đó 1/3 là thủy điện. Từ chỗ đó, có thể tính được diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị phá ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung là bao nhiêu!
Có một câu hỏi: tại sao người ta lại hăng hái lao vào đầu tư thủy điện đến thế?
Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, thì đầu tư vào thủy điện là đầu tư siêu lợi nhuận.
Trong bài “Miền Trung héo hon vì thủy điện” đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 27/6/2009 có đưa tin ông Nguyễn Văn Lê, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thủy điện A Vương tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình này chỉ phát điện sớm trên 180 ngày mà đã mang về cho công ty doanh thu khoảng 240 tỉ đồng. Trong 9 năm là hoà vốn (chưa tới 4 tỉ đồng), còn lại, 31 năm (tuổi thọ công trình ít nhất 50 năm) là lợi nhuận ròng! Còn một cán bộ tài chính của nhà máy thủy điện A Lưới (quy mô rất nhỏ) cho biết, mỗi năm nhà máy bán điện được lãi khoảng 500 tỉ đồng…
Người người đua nhau làm thủy điện miền Trung vì lãi khổng lồ, trong khi đó cung điện luôn nhỏ hơn cầu và nhà nước lại luôn bù giá điện. Đặc biệt, vào mùa khô từ tháng 9-12 hàng năm, các nhà máy thủy điện lớn như Hoà Bình, Trị An, Yaly giảm công suất, thì miền Trung là mùa mưa, các nhà máy thủy điện miền Trung chạy hết công suất và lãi khổng lồ.
Qua khảo sát cho thấy, trên thực tế, mặc dù chủ đầu tư công trình thủy điện nào cũng cam kết điều tiết lũ và điều tiết nước chống hạn nhưng vì lợi nhuận, các chủ công trình đua nhau tích nước để máy chạy hết công suất trong bất kỳ hoàn cảnh nào và đua nhau xả lũ ồ ạt khi lũ về, bất kể dưới xuôi dân chết, gây nên thảm hoạ.
Cả nước có hơn 800 công trình thủy điện lớn nhỏ. Miền Trung chiếm gần một nửa. Vì sao?
Vì miền Trung sông ngòi nhiều, địa hình dốc, đầu tư ít, thu lợi nhanh và lãi vô cùng lớn. Chưa kể nguồn lợi lâm sản do phá rừng được hợp pháp hoá. Nhiều công trình thủy điện thậm chí không còn thèm xây hồ chứa nước. Họ chỉ cần làm các bậc thang nâng cao động năng của dòng nước xả. Dòng nước lũ hậu quả từ việc nâng cao động năng này càng vô cùng hung dữ vì không được sử dụng để quay tuốc-bin chuyển thành năng lượng điện.
Nhiều nhà khoa học đã công bố hiện trạng: do bản chất thủy điện miền Trung quy mô vừa và nhỏ, khả năng điều tiết chống lũ kém, nhiều bậc, khiến cho dòng chảy lúc bình thường vốn đã mạnh càng thêm hung bạo và kéo dài hơn. Hiện tại, các hồ chứa thủy điện miền Trung chỉ xây dựng quy trình vận hành độc lập để đảm bảo nước phát điện và an toàn đập, khi thiết kế chưa bố trí xây dựng dung tích cắt lũ cho hạ lưu. Vì thế, khi lũ về, toàn bộ lượng nước đến hồ đều được xả xuống hạ lưu gây lũ.
Giáo sư Phan Kỳ Nam, chủ nhiệm khoa của Đại học Thủy lợi cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện chỉ làm lấy lệ, bất cập trong khâu vận hành xây hồ chứa, dự báo lũ, kéo dài thời gian xả lũ. Tại cuộc toạ đàm nguyên nhân lũ lụt năm 2009 (không hiểu vì lý do gì, thay vì phải ở tầm cỡ nhiều hội nghị khoa học cho một vấn đề nghiêm trọng đến thế, lại chỉ mở trong một khuôn khổ hẹp?!), nhà chức trách thừa nhận là nhiều trạm quan trắc lũ bị cuốn trôi và đến nay chưa mua sắm xây dựng trở lại. GS Nguyễn Đình Hòe kết luận rằng với thủy điện, thì sản nghiệp vùng các cửa sông “đã bị phơi trần ra trước sức công phá của lũ lụt”.
Những người làm thủy điện và quan chức địa phương đã cam kết trước chính phủ về việc giữ rừng, về việc vận hành an toàn hồ chứa, về đảm bảo đời sống nhân dân và môi sinh môi trường… nhưng họ đã hầu hết không thực hiện. Khâu kiểm tra giám sát cũng rất qua loa, thậm chí còn bao che bằng mọi giá.
Thế là, miền Trung đã bị thí mạng?!
Nhận diện những bàn tay
Chuyện nghiêm trọng rồi.
Hãy nhận diện những bàn tay. Bởi vì nhiều trận lũ mới đang được cảnh báo sắp về miền Trung. Và còn bao nhiêu trận “đại hồng thủy” nữa sẽ dập xuống miền Trung, rồi cả Việt Nam, với tình trạng chi chít những “quả bom nước” này? Nếu không lo liệu, tức là tàn nhẫn với sinh mệnh của dân và đất nước. Biết mà không nói, không làm, để hậu quả xẩy ra nghĩa là chấp nhận tình trạng “giết người hàng loạt”.
Không thể biện hộ rằng “tôi vô tình”. Và hãy chấm dứt trò đổ quanh cho nhau. Ở Việt Nam luôn xẩy ra tình trạng nhà xây dựng, nhà thiết kế, nhà chức trách… bao nhiêu “nhà” có quyền lợi công khai và quyền lợi ngầm luôn khẳng định “Yên chí lớn. Chịu trách nhiệm”. Nhưng khi xẩy ra sự cố, họ “cãi trắng”, phủi tay, chẳng ai chịu, chẳng ai đền bù cho nạn nhân. Chỉ còn lại nạn nhân quờ quạng trong thảm hoạ. Chính phủ có lo thì cũng chỉ là lấy từ tiền dân ra, chất thêm gánh nặng đã quá sức trên vai dân Việt Nam vốn đã nghèo để sửa chữa cho những hậu quả xẩy ra từ những hời hợt, ấu trĩ, tham lam, vô trách nhịêm. Thay vì người dù trực tiếp hay gián tiếp đã gây ra tình trạng này, không trừ một ai, phải đền bù thiệt hại thỏa đáng và bị xử lý trước pháp luật, thì người ta xuê xoa. Vẫn là một cơ chế “không ai cả”. An ủi dân lúc đó là những ngành cứu hộ cứu nạn và nhà từ thiện. Cánh tay của những nhà từ thiện làm sao đủ dài để cứu vớt hết dân.
Ai? Bàn tay nào gây nên nông nỗi này?
Đó là những nhà đầu tư không phải không nhận thức được mối nguy hiểm treo trên đầu đất nước mà vẫn cố tình làm để nhét cho đầy túi.
Đó là những người quản lý các địa phương hoặc ở tầm cao hơn vô trách nhiệm, hoặc do ấu trĩ và thiếu hiểu biết và tập hợp xung quanh mình một đám người giúp việc bị lung lạc bởi tiền bạc, tiếp tay cho việc thiết kế “những quả bom nước” mà không “tháo ngòi nổ”, gây thảm hoạ cho nhân dân.
Đó là những nhà khoa học rởm hoặc do trình độ hoặc do bị mua chuộc đã cam tâm “bán linh hồn”, đã nhắm mắt làm ngơ đưa ra những con số dự báo hoặc thống kê thiên lệch, tạo điều kiện bảo vệ cho “kẻ châm ngòi bom nước” gây chết người hàng loạt.
Đó là một số người có quyền lực chuyên bưng bít thông tin và coi đó là nghề kiếm lợi bằng mọi giá, trong đó kể cả mọi thông tin về tham nhũng, về khiếu kiện dân oan, về phá rừng, về dân nghèo, về cho Trung Quốc thuê rừng xung yếu biên giới, về thiệt hại do thủy điện và lũ lụt, luôn luôn doạ dẫm đóng cửa các tờ báo, kỷ luật, cách chức bộ máy lãnh đạo báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nên báo chí phải chọn cách cúi đầu ngậm miệng. Vì thế kênh phát hiện vấn đề và cảnh báo gần như bị vô hiệu hoá trong hầu hết các trường hợp, khiến cho lãnh đạo nhà nước bị cô lập, không kịp nắm bắt thông tin, chủ quan, ra những quyết sách tai hại không gì khắc phục nổi.
Đó là sự im lặng nhẫn nhục đến đáng sợ của các nạn nhân còn sống sót qua thảm hoạ. Nạn nhân tiềm năng, đương nhiên gồm cả nước Việt Nam này trong tương lai.
Và trên hết, là sự “thiếu trách nhiệm vô hạn” của rất nhiều người trong hệ thống tư pháp và hành pháp Việt Nam đã không phát hiện, không ngăn chặn và trừng phạt bàn tay của “những kẻ giết người hàng loạt” và “giết nền kinh tế, đạo đức của Việt Nam”. Hệ thống này đã đương nhiên chấp nhận sự đứng trên pháp luật của những người có chức quyền và có tiền để mua chức quyền, khiến cho pháp luật Việt Nam trong quá nhiều trường hợp bị vô hiệu hoá.
Vì thế, khi thảm hoạ xẩy ra thì phần lớn những người giỏi lừa mị ấy đã ních tiền đầy túi và xa chơi, hoặc đã lên chức cao hơn. Họ được bảo vệ bởi một mạng lưới cấu kết cùng quyền lợi. Họ thừa sức mang cả gia quyến và tài sản ra nước ngoài tránh lũ ngay cả trong trường hợp Việt Nam bị “xoá sổ”. Theo dư luận cho biết, nhiều người trong số họ thừa tiền để sống sung túc hàng chục đời, để lại một miền Trung tang thương và không gì bù đắp được.
Hãy tháo “ngòi nổ”
Có thể sửa chữa được không?
Đã quá muộn. Nhưng phải vớt vát thôi. Để tồn tại.
Vấn đề cần làm ngay là hãy “tháo các ngòi nổ” để loại trừ nguy cơ, cứu lấy dân nước. Vấn đề là phải nhận diện những người có trách nhiệm. Mọi người dân Việt Nam cần phải lên tiếng để ngăn chặn thảm hoạ. Những người bị thiệt hại cần phải lên tiếng, kiên trì đến cùng kiện những người đã gây nên thảm hoạ cho họ ra toà để họ buộc phải đền bù và trả giá trước pháp luật. Đó là lẽ công bằng tối thiểu. Một lẽ công bằng mà ngay ở thế kỷ 21, người Việt Nam còn chưa được hưởng; trong khi đó, 137 năm trước, người Pháp và nhiều người dân trên thế giới đã thiết lập được hệ thống công bằng này.
Năm 1873, tại Pháp, công dân Jean Blanco thắng kiện nhà cầm quyền Pháp tại toà. Toà đã buộc Nhà nước Pháp phải bồi thường và phải trợ cấp suốt đời cho cô con gái 5 tuổi của ông vì một chiếc xe đẩy của nhà máy thuốc lá công quản Thành phố Bordeaux đổ lật gây thương tật cho cô bé. Vụ kịên này đã đặt nền tảng cho luật hành chính Pháp quy định những điều khoản liên quan đến trách nhiệm nhà nước. Năm 1999, toà đại hình Pháp đã xử một thị trưởng sau khi một bé gái 4 tuổi bị điện giật vì chạm tay vào cột đèn chiếu sáng của thành phố.
Thật thiệt thòi và đắng cay cho người Việt Nam, vì sau đó gần một thế kỷ rưỡi mà người Việt Nam vẫn chưa được hưởng quyền tối thiểu của nhân dân trước trách nhiệm đương nhiên của bộ máy chính quyền như trong thí dụ vừa nêu, tại một đất nước luôn quảng cáo “chính quyền do dân, vì dân…”
Cần phải xác định rõ rằng, bộ máy chính quyền và tất cả những người có trách nhiệm liên quan, sở dĩ họ ngồi tại vị trí đó, họ có thu nhập, là do dân đã thuê họ thực hiện công việc quản lý xã hội để bảo vệ đất nước, bảo vệ sự an lành của nhân dân. Đó là lý do duy nhất mà họ được nhận việc làm ấy, chức vị ấy. Nếu không làm được việc đó, đương nhiên họ phải đền bù thiệt hại và phải trả giá thích đáng trước pháp luật.
Đó là lẽ công bằng tối thiểu, cũng như một người được thuê trông xe đạp cho người ta, nếu đánh mất xe thì phải đền xe. Cũng như hàng không phải đền bù thiệt hại cho khách hàng khi trễ giờ, khi xẩy tai nạn dù vô tình hay cố ý. Nếu không, thì đấy là điều vô cùng bất công và phi lý, chỉ có thể hành xử ở những nước độc tài toàn trị, trong đó người có quyền lực muốn làm gì cũng được.
Để nhấn mạnh chân lý đương nhiên như mặt trời thì chiếu sáng ấy, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Johannesburg năm 2002 tuyên bố:
“các nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh tốt, quyền có được một môi trường lành mạnh và an toàn, quyền được chăm sóc và chi trả các thiệt hại, quyền được thông tin và tiếp cận công lý cho người dân. Trách nhiệm hành chính là nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước phải bồi thường các thiệt hại gây ra bởi hoạt động của mình hay cảu các nhân viên cơ quan ấy…”
Miền Trung ơi! Những người đã hứa hẹn sự an toàn cho miền Trung, nay phủi tay.
Những người miền Trung, xưa cha anh họ đã chết cho Xô-viết Nghệ Tĩnh, nay chính họ lại phải chết những cái chết oan uổng cho nguồn lợi của một số ai đó, hoặc phải trả giá cho sự vô trách nhiệm của những ai đó và trở thành kẻ vô gia cư.
Những người có mắt, có miệng, có lương tri, dù ở bất kỳ vị trí nào, hãy lên tiếng đòi lại công bằng cho chính mình, cho miền Trung và cho những đồng bào đã bị mất người, mất rừng, mất nơi ăn chốn ở, mất gia sản mồ mả tổ tiên tự bao đời trên đất nước này.
Như thế mới là có ý thức công dân, là đạo lý, mới là xây dựng đất nước và hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo chân chính chấn chỉnh bộ máy. Dĩ hoà vi quý chính là gián tiếp làm suy yếu đất nước và hạ nhục chính mình.
Cần phải làm rõ rằng, nếu định hy sinh miền Trung hoặc một số vùng miền như đồng bằng Bắc Bộ… để có điện, thì trước hết, hãy tránh việc “giết người hàng loạt”, bằng cách đền bù thỏa đáng cho họ tất cả những gì họ đã mất, tìm một nơi thật an toàn tái định cư cho những người trong phạm vi bị ảnh hưởng, xây nhà cửa cho họ sinh sống và lo các điều kiện để họ có mức sống ổn định lâu dài, ít ra là bằng hoặc hơn mức sống hiện tại của họ.
Còn nếu không, phải lập tức khảo sát các công trình thủy điện, loại trừ ngay các nguyên nhân gây lũ do con người, xem lại việc vận hành hồ chứa một cách hết sức trung thực, như thiết quân luật, có biện pháp hữu hiệu để phòng đột biến và trong mọi trường hợp phải thực hiện hệ thống quy định vận hành liên hồ hết sức chặt chẽ, ai trái lệnh, kẻ đó phải bị trừng phạt ở mức án cao nhất như tội giết người. Trong những trường hợp không thể đảm bảo, thà triệt tiêu hồ thủy điện và tìm cách khác để có nguồn địện, còn hơn là treo những quả bom nước có sức hủy diệt “ngang bom nguyên tử” trên đầu miền Trung, trên đầu đồng bằng Bắc Bộ và khu vực hạ lưu Mê Kông…
Đó là lẽ phải và lương tri tối thiểu mà chính quyền phải thực hiện bằng đựơc. Nếu không, đó chỉ là biểu hiện của một chính quyền đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước.
Tại sao cho đến bây giờ, trong những vụ như “hố đen tử thần”, những vụ như Vinashin, và bao nhiêu vụ khác, những người đã gây ra hậu quả lớn đến thế lại cứ an toạ, cứ lên cao hơn, là vì pháp luật đã bị vô hiệu hoá đối với một tầng lớp đông đảo đứng trên pháp luật.
Ba ngành lập pháp, tư pháp, hành pháp trên thực chất chỉ là một trong thể chế Việt Nam, nên chính thể chế đó đã loại trừ mọi sự phản biện và giám sát có lợi cho xã hội và cho chính đất nước. Càng ngày, điều đó càng bộc lộ nhiều bất cập, mà chính những người có lương tri trong tầng lớp lãnh đạo cũng phải chịu bó tay trước sự rữa nát của những kẻ thừa hành.
Cần chặn bàn tay của những “kẻ giết người hàng loạt”. Những kẻ dám thí mạng đất nước và công dân!
Xin đừng nhầm lẫn và mơ hồ về nhân dạng những kẻ này. Giết người hàng loạt không chỉ là kẻ côn đồ hai tay hai súng, mặt mũi dữ tợn hoặc tuyệt vọng. Những kẻ ấy, về khả năng hủy diệt thua xa đám giết người hàng loạt, tay cầm bút tay cầm tiền và miệng mỉm cười rất đỗi ngọt ngào tại Việt Nam.
Hãy sớm nhận diện những kẻ đó ở bất cứ đâu và chặn bàn tay hủy diệt êm như nhung của họ để nhằm bảo vệ quyền sống của mọi người Việt Nam.
© 2010 Võ Thị Hảo
© 2010 talawas