Địa danh Gò Công rất quen thuộc với người miền Nam là vùng đất được khai phá đầu tiên và phát triển hơn 300 năm cùng thời điểm với Sài Gòn – Gia Định – Đồng Nai – Bến Nghé.
Gò Công là quê hương của bà Từ Dũ vợ vua Thiệu Trị và Trương Định có công khai phá đất Gò Công, chiến đấu chống giặc Pháp. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi thường đến Vũng Tàu, Đà Lạt…Nhưng Gò Công trong thời chiến dù cách Sài Gòn dưới 100 km phương tiện lưu thông khó khăn, phải đi đường tỉnh lộ nhỏ, qua phà bởi vậy tôi chưa có dịp đến Gò Công.
Năm qua trong chuyến đi các nước Á Châu luôn tiện ghé về Sài Gòn, đi Gò Công, Cuối tuần cũng có nhiều du khách người ngoại quốc, nhờ phương tiện giao thông mở rộng có cầu Mỹ Lợi bắc ngang sông Vàm Cỏ, dài hơn 2,6 km nối liền quốc lộ 50, huyện Cần Đước tỉnh Long An và thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang.
Người Tiền Giang đi Sài Gòn khoảng cách chỉ còn 25 km không còn phải mất thời gian chờ phà Mỹ Lợi hoặc đi đường vòng qua Quốc lộ 1 xa lộ từ Trung Lương xa hơn 75km. Từ Sài Gòn, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 muốn đi về Tiền Giang cũng có thể đi theo quốc lộ 50 có chiều dài 88,9 km, qua cầu Mỹ Lợi này để tiết kiệm thời gian, đi vùng duyên hải phía đông của tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Gọi là quốc lộ 50 nhưng mặt đường xấu có nhiểu ổ gà, nhiều chỗ mất hết phần dầu hắc trơ phần đá dăm, đất, xe chạy qua bốc bụi mù mịt. Hai bên đường nhà cửa xây dựng khan trang nhưng cũng còn những nhà tôn xập xệ và có nhiều vựa bán trái cây, quán nhậu. Xe chạy qua cầu phải trả tiền thuế, nhìn chung trên các xa lộ tại Việt Nam đều có cổng và nhân viên thu thuế nhiều đoạn. Lấy tiền thuế đường, nhưng đường thì bị ổ gà, từ Gò Công đi Mỹ Tho tương đối tốt, nhưng từ ngã ba Trung Lương đi đường xa lộ (cao tốc) về Sài Gòn buổi tối xe chúng tôi bị bể bánh vì sụp ổ gà! phải thay bánh xe bên lề đường hẹp rất nguy hiểm dễ xảy ra tại nạn chết người.
Trên đường đến thị xã Gò Công, Mỹ Tho cũng như các thành phố khác đều có cổng chào mừng quan khách, ra khỏi Gò Công thì có cổng chào tạm biệt…trong khi ở Đức xứ giàu có, văn minh, không có cổng chào mừng, nhưng đường xa lộ mệnh mông rộng 4 đến 6 lane bằng phẳng đi từ Nam đến Bắc không phải trả tiền vì người có xe đã đống thuế đường 1 lần trong năm tuỳ theo xe lớn nhỏ. Trên đường có bản chỉ đường rỏ ràng, hướng ra cũng như báo hiệu chạy đúng tốc độ, có đoạn gắn Camera tự động nếu Tài xế vi phạm sẽ bị chụp hình gởi giấy phạt tới nhà. Không có Cảnh Sát Giao Thông đứng đường như ở Việt Nam sinh ra nhiều tệ nạn xấu, CSGT tìm cách phạt để thu tiền bỏ túi! họ không làm đúng luật, không có lương tâm của người thi hành luật pháp nên thường bị người đời nguyền rủa. Tài xế taxi chửi CSGT nghe mà ngao ngán nhức đầu, dù mình chưa đụng chạm với những người đứng đường ăn tiền.
Trên quốc lộ 50 không thấy CSGT có thể họ rình đâu trong bụi cây, góc hẽm nào đó để bắn tốc độ, nên xe chúng tôi không dám chạy nhanh hơn 50 km/h. Những cánh đồng lúa xanh kế tiếp những khu vườn trồng nhiều dừa sây trái, các con đường làng bé nhỏ hai bên là bờ chuối, bờ bao theo các con kênh rạch nước chảy, xa xa có những nhà xây nuôi chim yến, trên tường có nhiều lỗ để chim yến vào làm tổ, Nhiều cửa hàng bán tủ thờ với những đường nét chạm trổ độc đáo, khảm xa cừ đẹp lộng lẫy để trang hoàng thờ cúng tổ tiên, có một làng làm tủ thờ theo truyền thống nổi tiếng ở đây.
Tỉnh Gò Công gồm các huyện: Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây là vùng dân cư thành lập sớm ở miền Nam. Thị xã Gò Công là trung tâm của tỉnh lỵ, chợ có bốn cửa Đông-Tây-Nam-Bắc rất sầm uất, nhiều người mua bán tấp nập. Thành phố còn đậm nét kiến trúc cổ rất độc đáo, như nhà Đốc phủ sứ Hải, xây năm 1860 là một trong những ngôi nhà cổ, trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng khu nhà nầy được bảo quản nguyên vẹn, còn hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ và 70 cổ vật có trong nhà là một công trình chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khuôn đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và một số ở đầu thế kỷ XX.
Đền thờ Trương Định ông sinh (1820 -1864) ở làng Mỹ Khê tỉnh Quảng Ngãi, làm con Rể của Gò Công, ông theo cha vào Nam năm 24 tuổi nên người dân nơi đây tôn kính và xem ông như người con của vùng đất này vì có công chống giặc Pháp trong giai đoạn 1859-1864 ở các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Được nhân dân tôn là „Bình Tây Đại Nguyên soái“. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị thương nặng. Để bảo toàn khí tiết, ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864. Năm 1874 mộ Trương Định được xây bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông…
Từ năm 1972 đến năm 1973 chính phủ VNCH xây thêm đền thờ Trương Định đơn giản nhưng uy nghi, khu di tích này rộng gần 1.000 m2 và mộ phần của ông trước đền, Tấm bia trước mộ bằng đá cẩm thạch trắng có câu: “Đại Nam, Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định Chi Mộ”. Tưởng niệm người Anh hùng dân tộc hàng năm được cử hành vào ngày 19-20 tháng 8 tại Gò Công Đông.
Lăng Hoàng Gia được xây dựng trong nhiều năm diện tích gần 3.000m2, nằm cách thị xã Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km. được xây dựng trên gò Sơn Quy nơi thờ dòng họ Phạm Đăng, trong đó có mộ ông Phạm Đăng Hưng (cha của hoàng thái hậu Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức). Lăng Hoàng Gia còn được gọi là khu lăng mộ của “Thích lý” theo nghĩa là của “bà con nhà vua”. Nơi đây được vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương đến viếng năm 1942, và cựu hoàng Thành Thái cũng đến viếng sau khi về nước năm 1947
Biển Tân Thành là một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu du lịch biển Tân Thành vắng khách, chúng tôi vừa tới cổng bên bản hải sản đã có một nhóm thanh niên mời chào bán hàng…bãi biển còn hoang sơ, nghèo nàn chiếc cầu tàu ra biển, xuống cấp. nhiều vết nứt, bê tông bể sắt trơ ra ngoài, dọc theo bãi biển do sóng biển xâm thực một đoạn bờ kè trên bãi biển bị sạt lở, sụt lún, rác thải tràn lan. Nhìn ra xa có các chòi cào hến, hến là đặc sản nơi đây. Dù trời nóng nhưng biển nước đục phù sa màu vàng không thể tắm. Đi dạo trên cầu gió mát tâm hồn cũng thoả mái hơn Sài Gòn ồn ào không khí bị ô nhiễm, ra đường thường bị kẹt xe, nếu không có cái bịt miệng „khẩu trang“ thỉ dễ bị ho và nhức đầu. Quán ăn dọc theo bãi biển lợp lá, sàn gỗ cao hơn bãi biển, bán các thức ăn đặc sản nghèo nàn, gọi món tôm biển không có, hến nhỏ con hấp nước dừa, còn cá chỉ có loại cá nuôi không thuộc về hải sản…
Đất và người Gò Công đã đóng góp ít nhiều vào trang sử bi tráng và hào hùng của dân tộc, Nắng chiều ngã bóng chúng tôi từ giả Gò Công đi Mỹ Tho, hai bên đường là nhà cửa vườn tược xanh tươi, trước hiên nhà bán chuối, trái vú sữa đầu mùa…chúng mua về Sài Gòn làm qùa, trái cây vườn không sợ qua các dung dịch hóa học chết người! cô bé bán hàng dễ thương bán một nãi chuối chín chỉ 6000 đồng VN tôi mua hết cả buồng, cô bé thật thà nói cô mua chi nhiều vậy ăn không hết để lâu không còn ngon… những cây xoài nở rộ hoa lá xanh mơn mỡn, cô bạn muốn vào xin lá xoài non nấu nước uống trị bệnh cao máu. Chúng tôi vào xin lá, chủ nhà là một ông cụ già, ông hoan hỉ cho còn dặn, các cháu hái lá đừng để mủ xoài vào mắt nguy hiểm lắm. Hái lá non được một túi nhỏ và vào cảm ơn, ông ngồi uống trà trong căn nhà tôn nhỏ, với tấm lòng tốt rộng lượng của ông tôi lấy 100 ngàn tặng, Ông la lớn “tau đá mầy chết, tiền với bạc gì cho thì hái uống cho hết bệnh… tôi sợ quá bỏ tiền vào túi và xin lỗi nhiều lần rồi bỏ chạy, nhưng ông nói vọng theo uống hết cô em ghé hái tiếp nha…Cảm nhận tình người ở quê không phải ai nghèo cũng cần tiền, họ nghèo nhưng sống chân thật, thanh cao đó là bản tính dễ yêu, đôn hậu, hiếu khách của người miền Nam. Trong khi ở Sài Gòn có người giàu sang, phú quý, nhà cao cửa rộng… nhưng họ coi trọng vật chất, ích kỷ và vô cảm. Lần đầu đến Gò Công để lại cho tôi một bài học quý giá vô cùng đó là tình người. Tình yêu thương là một nét đẹp của nhân cách con người, hướng con người tới CHÂN- THIỆN – MỸ. Đồng tiền chỉ là phương tiện trong cuộc sống chứ không phải cứu cánh, cuộc đời vô thường, lúc chết ra đi cũng chỉ đôi bàn tay trắng. Còn sống được ngày nào phải sống cho nên người, tình yêu thương là sức mạnh vô biên, quí giá nhất không thể thiếu trong cuộc sống con người.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
HoaMunich