Mùa Mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Tô Thuỳ Yên
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
MÙA NƯỚC NỔI NƠI ĐBSCL
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt".
Ngày xưa, cũng chỉ cách đây hơn 300 năm thôi, các thế hệ tiền nhân thời kỳ Nam Tiến, khi mới đến khai phá vùng ĐBSCL cũng giống như những người Khmer tới trước, thường chọn sống lập nghiệp trên các khu đất cao hay còn gọi là “đất giồng” nên đến "mùa nước nổi", cho dù những cánh đồng thẳng cánh cò bay biến thành biển nước mênh mông, nhưng các khu đất giồng vẫn là vùng cư trú an toàn cho người dân và cả các loài rắn. Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. Sau này do dân số gia tăng, không còn đủ các khu "đất giồng" nên những di dân mới tới phải chọn định cư ngay trên những vùng đất mà họ có thể canh tác. Và để thích nghi, nhà cửa dọc hai bên sông rạch
được cất theo kiểu nhà sàn, với chiều cao các cây cột sàn được tính toán sao cho đến mùa nước nổi, con nước đổ về không ngập đến sàn nhà.
Mùa Nước Nổi hay còn gọi là Mùa Nước Lên thường là hiền hoà, khác hẳn với các trận lũ lụt tàn phá dữ dội như ở các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung. Dấu hiệu "mùa nước nổi" tại vùng ĐBSCL chủ yếu là vào khoảng tháng tám Âm lịch [tháng 9 tháng 10 Dương lịch], thường được báo trước bằng những "giề" hay bè lục bình hay rau muống từ các cánh đồng trên đất Cam Bốt bị nước ngập, cuốn bật rễ nối đuôi nhau trôi theo dòng xuống đến phần đất Nam Việt Nam.
Mực nước hai con Sông Tiền Sông Hậu trong "mùa nước nổi" có đặc tính dâng cao lên từ từ rồi tràn qua các bờ sông rạch, làm ngập các cánh đồng. Nước lũ không những chỉ rửa đất rửa phèn mà còn đem thêm lượng phù sa như một thứ phân bón thiên nhiên "trời cho" khiến đất đai thêm phần màu mỡ, biến ĐBSCL thành vựa lúa của cả nước và Việt Nam đã từng đứng thứ hai trên thế giới về xuất cảng lúa gạo chỉ đứng sau Thái Lan. Trước đây vùng ĐBSCL còn có một loại lúa thiên nhiên có tên là lúa mù hay lúa sạ, người Pháp gọi là lúa nổi/ riz flottant, có đặc tính "phóng ống" mọc rất nhanh theo mực nước dâng cao có khi đến 7, 8 mét, và khi đến mùa nước giựt thì thân cây lúa nằm rạp mình trên đất chờ gặt. Từ ngày có giống lúa Thần Nông HYV (High Yield Variety) với năng xuất cao, lúa nổi không còn được nông dân quan tâm tới nữa.
Thông thường, đến "mùa nước nổi", người dân Miền Tây phải canh chừng mực nước lên từng giờ để phản ứng kịp thời trong trường hợp con nước vượt cao quá mức bình thường hơn các năm trước. Khi áp lực dòng chảy xuống từ thượng nguồn bớt đi, thì mực nước đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh và giới bình dân gọi là “nước giựt”. Người ta nói nước giựt, vì mực nước hạ xuống có thể trông thấy rõ từng giờ.
Cũng vẫn theo anh Dohamide thì hiện tượng nước nổi và nước giựt không diễn ra đồng đều cùng một lúc trên toàn vùng sông nước Cửu Long. Với tầm nhìn từ vệ tinh thì trên dòng nước cuồn cuộn chảy ra các cửa biển, hễ ở trên vùng Tân Châu, Châu Đốc nước giựt xuống thì vùng Cần Thơ, Vĩnh Long ở hạ lưu nước bắt đầu dâng lên, ngập tràn bờ, tràn đồng, rồi cũng lại hạ xuống, giống như hiện tượng xảy ra trong bình thông nhau. Cùng với con nước đỏ ngầu mang đẫm phù sa, là các loài cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng, và những đàn cá con tiếp tục tăng trưởng cho đến thời kỳ nước giựt thì nước cỏ vàng xậm từ trong các đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá lúc nhúc từng đàn, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch để ra sông lớn. Cho nên đến mùa nước giựt, do chưa bận mùa cấy trồng, người nông dân đóng đáy bắt cá dọc theo các kinh rạch, và cũng chỉ trong mấy thập niên trước đây thôi, trước 1975 cá nhiều tới mức lưới không chịu nổi phải giở lên thả cá cho đi bớt; bằng không thì sẽ bị rách lưới.
Nhưng rồi hiện tượng cân bằng sinh thái tự nhiên đó hầu như không còn nữa. Và "mùa nước nổi" nếu chưa hoàn toàn biến mất thì cũng đã giảm rất nhiều cả về tần suất lẫn cường độ.
NĂM NAY 2015 KHÔNG CÓ MÙA NƯỚC NỔI
Mới đây thôi, từ eMail một người bạn gửi cho, khi anh ấy đọc thấy trên facebook của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, ghi nhận năm nay không có "mùa nước nổi" khiến những ai từng theo dõi con sông Mekong không thể không quan tâm. Nguyễn Đình Bổn không phải gốc gác dân ĐBSCL mà sinh quán tại Quảng Nam, sau 1975 từ tuổi nhỏ 13 theo gia đình vào sống tại một vùng quê của Miền Tây ngót 20 năm và đã nảy sinh bao nhiêu tình cảm gắn bó với vùng đất mới này. Trên trang facebook cá nhân anh viết:
"Gần hết tháng 8 âm lịch, cậu em vợ lên chơi, hỏi nước có ngập không, lắc đầu. Vậy là năm nay miền Tây không có mùa nước nổi! Mưa giữa chiều. Nhớ một nơi không phải là quê hương nhưng thương như thương người thân thiết. Nhớ gần 40 năm trước, lần đầu biết mùa nước nổi là gì. Nước phù sa miệt Hậu Giang bỗng trong xanh, dòng chảy trên các kinh lững lờ, không có nước ròng. Và đủ loại cá tràn về, cá linh, cá thiểu, cá vồ... và đặc biệt là cá trê trắng, nấu canh chua bông súng hay bông so đũa ngon lạ lùng...Miền Tây còn đó nhưng môi trường đã quá nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu. Hết Tàu đến Thái Lan, Lào, Miên thay nhau xây đập trên dòng Mekong. Và thực tế nghiệt ngã mất mùa nước nổi đã hiện tiền. Không có mùa nước nổi, miền Tây mất phân nửa bản sắc của mình, đáng sợ hơn không có lũ tràn về, ruộng đồng sẽ nhanh chóng bị nước biển xâm nhập, và vựa lúa sẽ còn không? " Hết trích dẫn.
Ngày hôm sau, người viết nhận được thêm một eMail của người bạn trẻ từ vùng Thất Sơn Châu Đốc cho biết: "mùa nước năm nay nhỏ đến thất thường", rồi anh ấy tự hỏi: "phải chăng các con đập thượng nguồn sông Mekong đang tích nước?"
Rồi cũng mới đây thôi, ngày 11-11-2015 trong một buổi hội thảo “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” tại Đại học An Giang, các đoàn đại biểu cư dân địa phương ba nước Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và các tổ chức quốc tế đã thông qua Tuyên bố chung về tác hại của những đập thủy điện trên sông Mekong gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong, với nhận định rằng khi các con đập thuỷ điện xây tại thượng nguồn thì người dân đã phải chịu những biến đổi tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh kế như mất nguồn cá, nguồn nước, nguồn phù sa và gây nguy hại tới an toàn thực phẩm của họ. Nông dân Trương Văn Khôi, từ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang kể lại nhà mình bên sông Vàm Nao, nơi hợp lưu giữa hai dòng Sông Hậu và Sông Tiền: mấy năm nay, ông cũng như bao người dân địa phương cảm nhận rõ những thay đổi của dòng sông, đó là vào Mùa Nước Nổi nhưng lũ rất thấp, đặc biệt năm nay 2015 gần như không có lũ. (không có Mùa Nước Nổi, ghi chú của người viết)
Cũng trong buổi hội thảo ấy, một nông dân khác bà Huỳnh Thị Kim Duyên, đến từ Cà Mau nói những năm gần đây lượng nước đổ về ít làm giảm lượng phù sa nên đất mũi không còn bồi lấn ra biển như xưa, đồng thời cũng gây sạt lở, mất đất rừng ven biển. Hiện nay vào tháng 10 đã xuất hiện nhiễm mặn ở một số nơi. Người dân ĐBSCL nay thật sự lo lắng về việc xây thêm đập sẽ ảnh hưởng nhiều thế hệ mai sau”
NHỮNG GỐC RỄ "NHÂN TAI"
Những hiện tượng suy thoái nhãn tiền đó không phải do thiên tai mà là "nhân tai" một thứ thảm hoạ môi sinh/ ecological disaster phần lớn do chính con người gây ra.
Những Hồ Chứa Đập Thuỷ Điện:
Với những hồ chứa khổng lồ từ chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam / Mekong Cascades mà Tàu đã và đang xây trên thượng nguồn sông Mekong cộng thêm những con đập Lào và Cam Bốt đang xây thì "mùa nước nổi" ở ĐBSCL có thể rồi ra sẽ hoàn toàn biến mất.
Chức năng của những hồ chứa thủy điện khổng lồ -- trên lý thuyết là tích trữ nước trong mùa mưa lũ để xử dụng trong mùa khô. Nhưng khi các hồ chứa ở thượng lưu tích nước thì lưu lượng lũ đổ về hạ nguồn sẽ ít hơn. Không còn lũ đổ về có nghĩa là không còn "mùa nước nổi". Với hậu quả là Biển Hồ Tonlé Sap trên Cam Bốt sẽ không được làm đầy, và vào mùa khô lượng nước từ Biển Hồ chảy về ĐBSCL ít đi và đồng thời với mực nước biển ngày một dâng cao/ sea level rise thì nạn nhiễm mặn càng thêm trầm trọng.
Để tự bào chữa cho những con đập Vân Nam, các công trình sư thuỷ điện Tàu đã lý luận rằng các hồ chứa đập thuỷ điện ở thượng lưu mang chức năng điều hoà dòng chảy con sông Mekong: giữ nước trong Mùa Mưa làm giảm lũ lụt hạ nguồn và rồi trong Mùa Khô cũng vẫn những con đập ấy xả nước xuống hạ lưu nhiều hơn lưu lượng tự nhiên do có sẵn lượng nước ở những hồ chứa tích từ mùa lũ năm trước, nhưng hiện thực thì không đơn giản như vậy.
Bởi vì chính những con đập thượng nguồn đã phá huỷ chu kỳ điều hợp thiên nhiên vô cùng kỳ diệu của con sông Mekong. Khi mà các hồ thuỷ điện ngăn chặn nguồn nước lũ trong Mùa Mưa đổ xuống từ thượng nguồn cũng chính là nguyên nhân triệt tiêu "mùa nước nổi" nơi ĐBSCL. Để rồi sang Mùa Khô, nguồn nước ấy lại bị chính Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Cam Bốt cùng chuyển dòng/ diversion lấy nước từ con sông Mekong cho nhu cầu nông nghiệp nên Cửu Long càng thêm cạn dòng. Nhà nông học Võ Tòng Xuân đã từng ghi nhận:
"Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng.” [26-10-2013]
Và theo kỹ sư thuỷ học Đỗ Văn Tùng từ Canada thì ĐBSCL Việt Nam đã và đang chịu "tai họa kép" thiếu nước cả trong mùa lũ lẫn mùa khô! Cũng vẫn theo anh, thì bắt đầu từ giữa tháng 8/2015 mực nước ở Biển Hồ trụt khoảng 1.3 mét trong vòng 10 ngày là một điều bất thường. Đối với một Biển Hồ lớn như Tonlé Sap thì ngay cả khi không có nước chảy vào hồ thì mực nước hồ cũng thay đổi rất ít vì chỉ bị mất nước do bốc hơi, nên phải kể thêm yếu tố chuyển dòng/ diversion, lấy nước ra khỏi hồ tiêu tưới cho những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên Cam Bốt, như vậy đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể nơi cuối nguồn là ĐBSCL.
Theo KS Phạm Phan Long Viet Ecology Foundation, tình trạng mực nước Biển Hồ Tonle Sap, theo đồ biểu của Uỷ Hội Sông Mekong / MRC, thì hai tháng nay mực nước xuống thấp dưới cả mức thấp kỷ lục năm hạn hán 1992. Mưa ngày càng ít đi, mà hồ chứa đập thuỷ điện với trữ lượng ngày càng lớn hơn và nhiều thêm, hậu quả là Biển Hồ Tonlé Sap tránh sao cho khỏi trơ đáy và ĐBSCL làm sao còn "mùa nước nổi". Tình trạng tai họa kép đã xảy ra vào cả Mùa Mưa lẫn Mùa Khô, và còn là "tai họa kép" của nhân tai lẫn thiên tai.
Tới Nạn Phá Rừng Tự Sát:
Những khu rừng mưa / rainforest từ xa xưa vẫn mang chức năng điều hợp, giữ lại trong lòng đất một lượng nước mưa quan trọng từ thượng nguồn thì nay không còn nữa, do đó khi cơn mưa đổ xuống thì không những nước mưa sói mòn làm trơ đất và nước mưa thì cứ chảy thẳng ra ngoài dòng sông, tức thời làm tăng khối lượng nước và trong ngắn hạn mực nước sông đột ngột dâng cao gây các trận lụt bất thường khi có mưa nhiều ở thượng nguồn.
Những năm gần đây do ảnh hưởng nạn phá rừng tự sát –suicidal deforestation của các quốc gia lưu vực sông Mekong: của người Tàu trên Vân Nam, của người Lào người Cam Bốt ở vùng Hạ Lưu Sông Mekong với hai đồng lõa dấu mặt là Thái Lan và Việt Nam, khiến cho người dân Việt nơi ĐBSCL càng thêm khốn khổ: tới mùa mưa lũ đổ về sớm hơn, nhanh hơn lại lớn hơn khiến nhà nông trở tay không kịp gây tổn hại nặng mùa màng và cả về nhân mạng. Và tiếp đến mùa khô do không còn những khu rừng mưa như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước nên hậu quả tất yếu là hạn hán.
Tin Reuters gửi đi từ Nam Vang, “Nhóm Môi Sinh Anh – Global Witness tố cáo các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã dính líu đến vụ đốn rừng lậu đại quy mô, đe dọa hủy hoại các khu rừng cấm của Cam Bốt. Những cây gỗ quý bị đốn bừa bãi ấy được đưa qua ngả Gia Lai, Sông Bé để chuyển xuống cảng Quy Nhơn hay Sài Gòn trước khi xuất cảng.” Bản tin ấy viết tiếp, “Một vụ làm ăn buôn bán lớn lao như thế, bất chấp luật pháp phải là kết quả của sự tham ô và đồng lõa ở cấp chánh quyền cao nhất của hai nước.”
Một tình huống tương tự không kém nguy hại cũng đã diễn ra trong các khu rừng mưa trên đất nước Lào.
Đồng lõa phá rừng mưa, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang trực tiếp “tự gây ra một thảm họa môi sinh – self-inflicted ecological disaster,” với hậu quả lâu dài không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà trên khắp ngả sông rạch và nguồn nước của cả một quốc gia.
Đến Phát Triển Huỷ Hoại trên ĐBSCL
Trên thượng nguồn, Trung Quốc không ngừng huỷ hoại con sông Mekong, không phải chỉ có xây những đập thuỷ điện khổng lồ, mà còn táo bạo đặt chất nổ phá các khối đá, phá các ghềnh thác khai quang lòng sông nhằm tạo một thuỷ lộ giao thương xuống phương nam. Nhưng cũng phải kể tới những bước phát triển huỷ hoại / destructive development nơi cuối nguồn ngay nơi ĐBSCL, như tệ nạn be bờ làm đập tự phát lấy nước cho địa phương mình mà không kể gì hậu quả tới các vùng khác ra sao.
Rồi tới tệ nạn nạo vét hút cát hàng 100 triệu m3/ năm từ lòng hai con Sông Tiền Sông Hậu; với cảnh tượng ngày đêm tấp nập những xáng, sà lan, ghe thuyền từ khắp nơi đổ về để cạp hút vận chuyển mua bán cát như trên một vùng sông nước hoang dã không người. Cách khai thác ấy không những đưa đến cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn làm thay đổi cả dòng chảy khiến nạn sạt lở hai bên bờ sông trầm trọng thêm như hiện nay, với hậu quả là bao nhiêu ngàn cư dân nghèo ven sông đã và đang mất hết tài sản, hoa màu, mất cả nhà cửa do sạt lở.
Cho dù đã có những cuộc hội thảo báo động kêu cứu: "khai thác cát như hiện nay sẽ nhận chìm Đồng Bằng Sông Cửu Long" nhưng các cấp chính quyền địa phương thì chỉ biết đi tìm lợi nhuận với tầm nhìn ngắn hạn, cộng thêm với nạn tham nhũng, họ đang có hành động tự cầm súng bắn vào chân mình / shoot oneself in the foot. Rõ ràng là hoàn toàn thiếu vắng một quy hoạch tổng thể phát triển bền vững / sustainaible development cho toàn vùng châu thổ Đồng Bằng Sông Cửu Long.
TỪ LỄ HỘI NƯỚC BON OM TUK NAM VANG
Lễ Hội Nước Bon Om Tuk đã có từ bao lâu rồi, có lẽ từ thời vua Jayavarman VII thế kỷ thứ XII, người có công xây dựng khu đền đài Angkor như một kỳ quan của thế giới, ông cũng là vị vua nhân từ rất thương dân quan tâm tới công ích như mở mang đường xá, xây cất nhiều dưỡng đường và bệnh viện. Nhắc tới Jayavarman VII, không thể không trích dẫn câu nói của ông: "Nỗi đau của thần dân cũng là nỗi đau của đấng quân vương/ les souffrances des peuples sont les souffrances res rois."
Và theo thông lệ hàng năm, khi vừa hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng kéo theo vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của Ngày Hội Nước được tính theo tuần trăng rằm vào khoảng tháng Mười âm lịch diễn ra trước Hoàng Cung, khu mà người Pháp gọi là Quatre Bras /Chatomuk, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ. Trong lễ hội này, vua và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, và “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng.
Nhưng rồi những năm gần đây, Ngày Hội Nước Bon Om Tuk, trong cái ý nghĩa đích thực ban đầu, khi mà con sông Tonlé Sap còn đủ nước để chảy ngược chiều, khi trái tim Biển Hồ còn giữ được nhịp đập thì nay chỉ còn là một trái tim Biển Hồ thiếu nước và thoi thóp, điều mà chính những ngư dân nông dân Cam Bốt và dưới ĐBSCL biết rất rõ, do lượng cá và lúa thì càng ngày càng “thất thu”.
Với nhãn quan của các nhà hoạt động môi sinh, thì sẽ có một ngày “thảm họa môi sinh lớn nhất / greatest ecological catastrophe” đến với đất nước Cam Bốt, khi trái tim Biển Hồ ngưng đập; với cái chết chậm nhưng chắc chắn ấy của Biển Hồ thì tên tuổi ông Hun Sen không phải là hoàn toàn vô can. Trong suốt nhiều năm, TT Hun Sen luôn luôn bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu / climate change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc. [Hun Sen denies China Dam impacts – Thomas Miller & Cheang Sokha; The Phnom Penh Post, Nov 17, 2010]
Tưởng cũng cần nên ghi lại nơi đây những sự kiện phải nói là bi quan, liên hệ tới Biển Hồ, sông Tonlé Sap và con sông Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:
Trên trang web World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận: mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống sông Mekong_ New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc_ Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần_ The Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc_ Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách cho việc xây các con đập thủy điện dòng chính của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn.
Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con Sông Cạn Dòng,Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương viết về con sông Mekong, đã có ghi nhận:
“Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa Hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng... Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước Hoàng Cung, thì sẽ không có cá dưới sông.
… Vào tháng 05/2009, Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff, nguyên giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư dân sống ven sông.
Không ai tin rằng, ông Hun Sen lại có thể không biết tới “Hồi Chuông báo Tử” ấy, ông đã cố tình không muốn biết do nhu cầu chính trị ngắn hạn trong thời gian cầm quyền. Nhưng rồi ra, cái giá rất cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả nền văn minh xứ Chùa Tháp. Đã có những dấu hiệu sớm nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu những cơn đau thắt ngực dẫn xuống từ trái tim Biển Hồ thiếu nước.
Tin báo Phnom Penh Post [31/10/2015] Thủ tướng Hun Sen một lần nữa đã phải ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước dự trù tổ chức vào ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và tình trạng hạn hán mà Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi mọi người phải tập trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang để tham dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonlé Sap.
TỚI LỄ HỘI ĐUA GHE NGO TRÊN ĐBSCL
Trên Đồng Bằng Sông Cửu Long, họ là nhóm người Khmer tới sớm men xuôi theo dòng sông Mekong chiếm cứ đất Phù Nam vào thế kỷ thứ 7, ban đầu họ sống rất thưa thớt trong các phum mỗi nơi chỉ có năm mười mái lá. Sau đó họ sống tập trung vào các giồng cao hợp thành những sóc lớn để cùng hợp sức khẩn hoang canh tác. Và nay vẫn còn khoảng 900 ngàn người Việt gốc Khmer sống ở vùng ĐBSCL, đông nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, và Châu Đốc nơi hai quận biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuyệt đại
đa số người Khmer theo đạo Phật Tiểu Thừa hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thuỷ Theravada, với tinh thần tự tu và chỉ thờ Đức Phật Thích Ca.
Họ sống khá biệt lập trong những nhà sàn mái gồi đơn sơ tụ tập chung quanh một ngôi Chùa Miên thếp vàng nguy nga với mái cong đỏ. Cũng bao năm rồi, từ hai bên bờ con sông Mekong từ Cam Bốt xuống tới
đồng bằng châu thổ, nơi mỗi ngôi chùa bên trong các Sóc Miên đều có một chiếc Ghe Ngo được cất giữ trên cao với đôi mắt rắn thần Naga được chạm nổi hai bên mũi ghe trông dữ dằn như lúc nào cũng sắp chực bung mình phóng xuống dòng nước. Đức Phật và rắn thần Naga là hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo hình dân gian Khmer. Tương truyền rằng khi đức Thích Ca đang ngồi tịnh tâm giữa rừng bên bờ hồ, gặp rắn Naga rất linh hiển vốn là hiện thân của thần ác, vậy mà đức Thích Ca đã cảm hóa được rắn thần. Gặp hôm đó là ngày mưa to gió lớn, rắn Naga cuộn tròn mình bảy vòng và đầu ngẩng cao ngậm hết gió mưa để làm thân che cho Đức Phật.
Từ đó về sau người Khmer tìm cho được những thân cây gỗ sao rắn chắc có chiều dài từ 25 tới 30 mét, chiều ngang hơn 1 mét đục làm Ghe Ngo, ghe có dạng thuyền độc mộc bề ngang đủ rộng cho từng cặp mỗi 2 người cùng ngồi chèo, với mũi và lái vươn cao lên, mũi ghe theo truyền thống có vẽ đôi mắt rắn thần Naga và hàng năm người Khmer sống nơi Đồng Bằng Cửu Long có tục lệ đua Ghe Ngo để mừng Mùa Nước Nổi.
Vào ngày rằm tháng mười Âm lịch, luôn luôn có ngày Lễ Hội Nước truyền thống đầy thanh âm và màu sắc để ăn mừng Mùa Nước Nổi, để cầu nguyện con sông thiêng thôi cơn cuồng nộ, sao cho luôn luôn được mưa thuận gió hoà, giúp nông dân được mùa tôm cá dưới sông và lúa gạo trên khắp ruộng đồng.
Chuẩn bị cho ngày hội đua Ghe Ngo, các ngôi chùa Miên thường bận rộn chuẩn bị trước đó cả tháng. Ghe Ngo được đem xuống sơn phết và vẽ lại cho thật sắc hai con mắt rắn thần Naga, rồi tới bước tuyển chọn các tay bơi chèo là những chàng trai Khmer vạm vỡ đến từ các phum sóc. Tất cả cùng nỗ lực tập dượt trước đó mong sao đem chiến thắng về cho chùa nhà.
Tới ngày lễ hội, Ghe Ngo được đưa tới bến sông "hạ thuỷ" chuẩn bị đua với ghe của các chùa khác. Các nhà sư tụng kinh làm phép cho Ghe Ngo trước khi phóng mình xuống nước. Thông thường trước mũi ghe có đặt một mâm quả với nải chuối rượu và nhang cúng rắn thần để cầu cho thắng giải. Sáu mươi bốn trai tráng lực lưỡng trong làng đã được tuyển chọn, mỗi người tay cầm một cây dầm lần lượt bước xuống ghe sắp thành hàng hai, chiếc ghe khẳm tưởng chừng như muốn chìm. Người điều khiển ngồi phía mũi ghe gõ nhịp trên một chiếc cồng nhỏ phát ra những âm thanh thúc giục rộn rã. Giữa ghe có một người cầm chiêng hay cầm còi vừa là hề diễu vừa la hét thúc quân. Cuối ghe có một người cầm lái.
Phải chờ ghe ra tới giữa dòng, cùng một lúc cả 64 mái dầm mới bắt đầu vung lên nhịp nhàng khoát nước bắn ra hai bên trắng xóa. Chiếc ghe nổi dềnh lên nhẹ tênh và dũng mãnh lướt tới như rắn thần lướt bay trên mặt nước.
Những đổi thay chính trị và xã hội cũng làm thay đổi luôn cả những tập tục của cư dân hai bên bờ sông Mekong tưởng như thiêng liêng đã có trước đó nhiều thế kỷ. Những đổi thay mất mát ấy được các nhà nhân chủng học mĩ miều gọi đó là thích nghi văn hóa / acculturation. Đua Ghe Ngo không còn thuần túy là ngày hội đón Mùa Nước Nổi mà đã trở thành trò mua vui trong trong những dịp lễ lạc như ngày Quatorze Juillet thời Pháp thuộc rồi tới những ngày Quốc Khánh của các chánh quyền Miền Nam sau này.
Từ 1977, lễ hội đua Ghe Ngo được tổ chức hàng năm như một sinh hoạt văn hoá thể thao toàn quốc tại Sóc Trăng, vẫn không thiếu những chiếc Ghe Ngo từ những ngôi chùa Miên nổi tiếng Tam Sóc, Xẻo Me, Ngạn Dừa... đã có thành tích từ bao năm rồi. Lễ hội đua Ghe Ngo thường thu hút được cả mấy chục ngàn người đổ về thị xã Sóc Trăng trước đó mấy ngày đêm rất đông vui, say sưa và náo nhiệt.
Bước sang thời kỳ Đổi Mới lễ hội đua Ghe Ngo có khuynh hướng thương mại hoá với các biển quảng cáo treo dọc hai bên bờ sông, và đoàn ghe trên sông cũng bày một cảnh tượng không kém ngộ nghĩnh lạ mắt: các tay chèo đầu đội mũ lưỡi trai vàng, đồng phục quần xanh áo T-shirt ba màu có in hình Con Sò quảng cáo xăng dầu cho Công Ty Shell. Hai bên bờ sông là những đám đông người tới xem chen lấn hò reo vang cả một góc trời. Trước đây, theo truyền thống phụ nữ bị cấm kỵ tham dự các cuộc đua Ghe Ngo nhưng từ sau thập niên 90s, đã có xuất hiện các đội đua Ghe Ngo nữ, với những cô gái sức vóc "bẻ gãy sừng trâu" khiến cuộc đua thêm tính vui nhộn hào hứng nhưng cũng loãng đi nét văn hoá Phật giáo từ nền "Văn Minh Sông Nước" của người Khmer thuở ban đầu.
VANG BÓNG MỘT THỜI LỄ HỘI MÙA NƯỚC NỔI
Tới thời điểm 2015, tính ra chỉ mới có 6 con đập thượng nguồn Vân Nam hoàn tất trong số đó có hai đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ/Nuozhadu 5,850 MW và Đập Mẹ Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, nhưng về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lan Thương / Lancang Jiang, tên TQ của con Sông Mekong và theo Fred Pearce, Đại học Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của TQ.
Dưới hạ nguồn, với 11 dự án đập dòng chính, 9 trên đất Lào chỉ mới có đập Xayaburi 1,200 MW đang xây, đập Don Sahong sẽ được khởi công tháng 12 này; 2 dự án đập Stung Treng và Sambor chưa xây; vậy mà năm nay cũng là năm thứ tư Ngày Lễ Hội Nước Bon Oum Tuk truyền thống của Vương Quốc Cam Bốt trên Nam Vang phải huỷ bỏ do một Biển Hồ thiếu nước và con sông Tonlé Sap thì quá cạn dòng; và cũng năm nay, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã không có Mùa Nước Nổi.
Miền Tây 2015 cho dù có Mùa Nước Nổi hay không nhưng xem ra lễ hội đua Ghe Ngo vẫn cứ diễn ra, và có thể sẽ còn trong những năm tới, chừng nào mà hai con Sông Hậu, Sông Tiền vẫn còn nước, dù ngọt hay mặn, thì vẫn còn lễ hội đua Ghe Ngo như một môn thể thao giải trí. Cái Ý nghĩa ban đầu của Lễ hội đua Ghe Ngo mừng Mùa Nước Nổi rồi ra sẽ chỉ còn là Vang Bóng Một Thời và những đám đông vẫn cứ nao nức đổ về dự lễ hội nhưng "có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai" nói theo nhà thơ Nguyễn Đình
Toàn.
NGÔ THẾ VINH
California, Nov 26, 2015
[Việt Báo Xuân Bính Thân]
Tham Khảo:
1/ Đọc tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Đỗ Hải Minh, Tập san Thế Kỷ 21, Số 139, 11/ 2000.
2/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ 2000, Nxb Giấy Vụn 2014.
3/ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ Mới 2007, Nxb Giấy Vụn 2012.
4/ Prek Kdam (Tonle Sap), Water Level. Mekong River Commission
http://ffw.mrcmekong.org/stations/pre.htm
5/ Đồng loạt đề nghị dừng xây đập trên sông Mekong. Tuổi Trẻ 12/11/2015
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151112/dong-loat-de-nghi-dung-xay-dap-trensong-mekong/1001392.html