Mười ba năm sau khi tổng thống Bush con mở ra cuộc tấn công Iraq (năm 2003) để tiêu diệt Saddam Hussein - mà Mỹ đã hơn hai thập niên hỗ trợ mạnh mẽ - để đối đầu với Iran, cuộc chiến Iraq lại được lôi ra ồn ào trên truyền thông Âu Mỹ. Không phải là nhắc lại hiệu quả của chiến thuật ông Bush áp dụng là “gây kinh hoàng và choáng váng” (shock and awe) bằng bạo lực trấn áp của sức mạnh võ khí tối tân để khủng bố tinh thần đối thủ mà nhanh chóng giải quyết chiến trường. Khiến ông Bush có thể đứng trên một chiến hạm tuyên bố ngắn gọn “nhiệm vụ hoàn tất”. Nhiệm vụ đã hoàn tất thật, nếu chỉ kể có việc loại Hussein vì người ta biết rằng chế độ Hussein bị xoá sạch toàn bộ. Ba bố con Hussein và cộng sự viên thân cận đắc lực nhất của Hussein bị treo cổ. Quân lực bị giải tán. Đảng Baath cầm quyền của Hussein chấm dứt hoạt động. Giáo phái Hồi giáo Sunni thiểu số của Hussein hết tung hoành. Nhưng nhiệm vụ chính mà ông Bush nêu ra để tấn công Iraq là phá hủy các cơ sở sản xuất võ khí tiêu diệt tập thể - như hạt nhân và hoá học - qua các hình ảnh vệ tinh và tin tình báo được công bố, thì đã không vào đâu với đâu, vì không thể tìm ra mảy may dấu vết. Lý do đơn giản là thực sự không hề có. Giải thích chính thức của chính phủ là tình báo sai lạc. Người ngoài thì cho rằng lý do được bịa ra bởi các nhà chính trị để mở chiến tranh. Nhiệm vụ khác cũng quan trọng nhưng không được nhấn mạnh là chấm dứt hoạt động của Al Qaeda mà Hussein dung túng thì cũng không xong, vì thực sự là không có Al Qaeda dưới chế độ Hussein!
Cuộc chiến bị lôi ra trở lại bởi sự công bố kết quả cuộc điều tra gồm 2,600,000 triệu chữ, của Sir John Chilcot kéo dài nhiều năm sau khi xem xét nhiều tài liệu mật kể cả những trao đổi giữa thủ tướng Anh Tony Blair với tổng thống Bush con và phỏng vấn 150 nhân chứng. Nội dung chính mà các nhà chính trị Anh chú ý là những bằng cớ cho thấy ông Tony Blair đã ủng hộ vô điều kiện chính sách Iraq của ông Bush, với câu mở đầu một thư gửi ông Bush ngày 28 tháng 7/2002: “Tôi sẽ cùng với ông, dù thế nào đi nữa” (I will be with you, whatever}. Tài liệu này về căn bản chỉ có lý do chính trị là chỉ ra sự sai lầm của cựu thủ tướng Anh Tony Blair, là người đã toàn tâm toàn ý hỗ trợ một cách sai lầm chính sách Iraq của tổng thống Bush con, mặc dầu cảnh báo của tình báo Anh rằng dẹp Hussein có thể làm cho Al Qaeda phát triển.
Đối với nhiều người Iraq, sự ồn ào quanh vụ Tony Blair can dự vào Iraq làm cho 150 lính Anh chết chẳng phải là điều đáng để ý và những lý do ông Bush con đưa ra để dẹp chế độ Hussein cũng không quan trọng. Lời ông Bush con hứa hẹnsau Hussein sẽ có một đất nước tự do dân chủ Iraq làm mẫu cho Trung đông mới là điều đáng kể. Thực tế là trên 100,000 người Iraq đã chết, nhiều ngàn người khác bị thương và nhiều triệu người mất nhà mất cửa, phiêu bạt ly tán. Và đáng sợ nhất là đã nẩy sinh ra một tổ chức cực đoan có tên là nhà nước Hồi giáo IS, gồm nhiều nhóm phức tạp đủ mọi xu hướng, hoàn hành bằng bạo lực tại Iraq và Syria và cả Trung đông.…Mới chỉ cách đây mấy ngày, một vụ nổ bom đã xẩy ra trong một khu chợ đông đúc người Hồi giáo Shiite ở Baghdad, giết chết it nhất là 250 mạng. Đài BBC đã kể trường hợp một người Iraq có kèm theo hình, từng hăng say ủng hộ cuộc tấn công của ông Bush con, đã nhào lên quàng giây kéo đổ tượng Saddam Hussein, nay đã công khai bầy tỏ sự thất vọng, và ước gì còn Hussein! Vì ít ra thì dưới chế độ Hussein xã hội có trật tự và ổn định. Khôngthể nào chối cãi rằng cuộc chiến Iraq, và Lybia và rồi Syria đã dẫn đến một loạt những hành động bạo lực giết chóc tàn khốc bởi đủ loại phe nhóm mà người ngoài khó thể biết là do ai dựng ra và được ai hỗ trợ. Nhưng tựu chung thì đã gây nên một cảm quan rộng lớn là người Hồi giáo quá khích, dù là Shiite hay Sunni và chêt chóc sẽ khó có thể chấm dứt.
Người ta biết rằng mối bất đồng giữa hai phe Hồi giáo Sunni và Shiite có từ lâu, từ nhiều thế kỷ. Nhưng sự bất đồng đến độ thù nghịch giết chóc tàn khốc như hiện nay thì bắt đầu từ bao giờ? Những yếu tố lũng đoạn từ ngoài, mặc áo này đội mũ kia để phân hóa, tạo mâu thuẫn, gây căm thù tập thể, từ đâu mà có? Chỉ có đặt câu hỏi như thế, và bình tĩnh nhận định để tìm câu trả lời, thì mới hy vọng hóa giải được sự đấu đá dẫn tới diệt chủng như hiện nay ở Trung đông.
Thạch Trung Ẩn
(ngày 8 tháng 7/2016)