Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 24 tháng 6/2016 là đa số phiếu đã ủng hộ việc Anh quốc rút khỏi khối Liên hiệp Âu châu, với tỷ số phiếu khác biệt rõ rệt 52/48%. Hệ quả trước mắt là thủ tướng Anh Cameron, người chủ trương ở lại khối Liên Âu phải từ chức. Kết quả này cũng là một thất bại cho tổng thống Obama người hồi tháng 4/2016 đã sang London mạnh mẽ vận động dân Anh bỏ phiếu ở lại Âu châu, với những cảnh báo về các khó khăn sẽ xẩy ra, ngay cả doạ rằng nếu mà ra khỏi khối Liên Âu thì Anh sẽ tụt xuống chỗ cuối hàng giao dịch kinh tế với Mỹ. Ông đã bị thị trưởng London là người chủ trương ra khỏi Liên Âu chỉ trích nặng nề là can dự vào nội bộ Anh quốc. Với kết quả trưng cầu dân ý, ông Obama đã không thể nói gì khác hơn là tuyên bố “Dân chúng Anh quốc đã nói lên tiếng nói của mình và chúng tôi chấp nhận quyết định đó. Liên hiệp Âu châu và Anh quốc đều là những đối tác thiết yếu của Hoa kỳ trong thời gian hai bên điều đình tiến hành sự tách rời”. Ông cũng nói thêm rằng kết quả trưng cầu dân ý không ảnh hường gì đến mối quan hệ đặc biệt giữa Anh quốc và Hoa kỳ. Quan điểm của ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ Hillary Clinton không khác. Vì bà nói đến nhu cầu cần có biện pháp ngăn ngừa các hệ quả lên kinh tế Mỹ và nhấn mạnh đến mối bang giao của Mỹ với Liên Âu và Anh quốc. Riêng ứng cử viên Công hoà Donal Trump thì đã ca tụng kết quả cuộc trưng cầu dân ý và nói rằng dân Anh đã lấy lại quyền kiểm soát đất nước, và rằng đây là một sự kiện to lớn. Trump đã coi chiến thắng của ý kiến bỏ khối Liên Âu của dân Anh là biểu hiện của sự giận dữ của dân chúng, tương tự như hiện tượng Trump thắng tại Mỹ.
Bỏ đi cái diễn dịch có phần “vơ vào”, quảng cáo cho mình này của Trump, phiếu của đa số dân Anh cho thấy, tại Anh cũng như tại Mỹ, có sự bất mãn khá lớn về đời sống xã hội chính trị, mà nguyên nhân nền tảng là tình trạng xuống dốc của đời sống kinh tế, bất kể rằng các nhà chính trị diễn giải hào nhoáng, lạc quan ra sao. Những diễn giải, hưá hẹn này đã chỉ gia tăng ấn tượng rằng các chính trị gia chỉ là một phường nói dối và hưá cuội.
Thực thế, Anh vốn là một nước kể như gắn chặt với Mỹ về mặt chính trị kinh tế, nhiều hơn các đồng minh Âu châu khác. Nhưng mà mối quan hệ này đã lỏng đi vì khả năng hỗ trợ cho Anh của Mỹ đã giảm vì thực tế không cho phép. Vì thế, Anh đã yên lặng nhập vào với ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu mới mở của Tầu như ta đã biết. Và sự viện trợ các máy bay và quân khí tối tân của Mỹ cho Anh cũng đã âm thầm giảm đi. Sự rút lui ra khỏi khối Liên Âu chỉ là sự quay về với chính mình, tức là xu hướng dân tộc tại nhiều nước Âu châu khác, như Pháp với Marie Le Pen với Mặt Trận Quốc Gia (Front National), Đức với nhiều đảng khác nhau, trong đó có đảng Dân chủ quốc gia là quan trọng nhất.
Tổng thống Nga Putin đã tại một hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan nhận định rằng kết quả phiếu trưng cầu là “hiểu được”. Ông nói “Trước hết là không ai muốn nuôi và trợ cấp những nền kinh tế yếu hơn”. Và đó là “kết quả của sự xấc láo và cách giải quyết phiến diện của giới lãnh đạo Anh trong những vấn đề sống còn của Anh quốc và Âu châu”. Putin nói không phải có phần nào có lý.
Nghe qua những tuyên bố của các nhà chính trị, người ta thấy bên cạnh sự thực, còn có những ẩn ý chính trị nhằm tác động vào quần chúng. Tuy nhiên, thực tế vẫn chỉ là sự bất mãn của dân chúng các nước dân chủ Âu Mỹ trước những khó khăn đời sống do chính sách kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản gọi là toàn cầu, sau sự sụp đổ của khối Cộng sản Liên sô. Dân Anh và Mỹ may măn sống trong những xã hội phồn thịnh có tổ chức, nên sự tranh chấp diễn ra bằng lá phiếu, như kết quả trưng cầu dân ý rút ra khỏi Liên Âu. Nhưng mà khi đời sống trở nên ngày càng khó khăn hơn vì những giải quyết phiến diện hình thức kéo dài thì những hiện tượng như Trump, Le Pen hay quốc gia cực đoan ở Đức vân vân xuất hiện là những báo hiệu đáng ngại. Đáng ngại vì sự tranh chấp không còn là ngoài nước giữa các biên giới địa lý. Mà là ngay trong một nước, dưới hình thức sắc tộc, tôn giáo, hay chính trị khiến không còn ổn định trong các xã hội đa văn đa chủng nữa.
Thạch Trung Ẩn (ngày 24 tháng 6/2016)